CTBCTY Tập II Chương 18
Chiến Tranh bên cạnh Tình Yêu – Huy Văn Truong
Chương XVIII
Mười ngày
Tôi trình diện Ủy ban quân quản Thành phố Đà Lạt. Một ông cán bộ Việt Cộng ngồi sau cái bàn, giống như bàn ăn ở trong tiệm ăn bình dân của Tàu. Nhìn quanh căn phòng, không thấy ai, tôi bước đến trước mặt ông ta.
-Thưa ông, tôi là sĩ quan Ngụy đi trình diện theo lịnh gọi của Chính phủ Cách mạng.
Người cán bộ hất hàm.
-Giấy chứng minh đâu?
Tôi lục trong ví, đưa cho ông ta thẻ căn cước quân nhân và giấy chứng chỉ tại ngũ của tôi.
Người cán bộ tuổi chừng ba mươi, áo quần chỉnh tề, gương mặt sáng sủa, đưa tay cầm lấy giấy tờ tùy thân của tôi, trong khi đôi mắt của ông ta chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi sau đó thản nhiên vất tất cả giấy tờ của tôi vào cái bị để dưới đất. Trên bàn, trước mặt ông cán bộ Việt Cộng là một xấp giấy và cây viết Bic, với giọng nói từ tốn, cái từ tốn đầy uy quyền của phe thắng trận.
-Tên?
Tôi đáp.
-Nguyễn Trọng Quân.
Ông ta cúi đầu ghi chép rồi hỏi tiếp.
-Cấp bậc?
-Trung úy.
Ngẩn nhìn tôi với đôi mắt khó chịu.
-Anh phải nói là trung úy Ngụy, ở đây không có chuyện lẩn lộn “lập lờ đánh lận con đen” giữa một trung úy hàng binh Ngụy và một trung úy của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tôi nghĩ thầm, tay Việt Cộng này coi bộ cũng có ăn học đàng hoàng cho nên mở miệng ra là nói Kiều. Tôi định nói với ông ta, hôm nay tuy mang thân phận “Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu”, nhưng tôi biết chắc một điều là tất cả binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không một ai đầu hàng Cộng Sản, họ buông súng chỉ vì tuân lệnh thượng cấp. Và tôi có thể khẳng định với ông, cho đến chết họ vẫn tự hào là sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dứt khoát không bao giờ lẩn lộn với sĩ quan Cộng Sản. Nghĩ như vậy, nhưng tôi kịp ngừng lại vì biết miệng người thắng trận có gang có thép, bất cứ những gì họ nói ra đều là mẫu mực, là chân lý cho mọi người noi theo.
Người cán bộ nói xong, lại cặm cụi ghi ghi chép chép. Sau đó, ông ta trao cho tôi tấm giấy to bằng một phần tư cuốn vở học trò.
-Đây là giấy chứng nhận đã trình diện Ủy ban quân quản, anh về nhà đợi lịnh mới, không được đi xa, muốn đi đâu phải có giấy phép.
Tôi quay người đi ra cửa, mắt liếc nhìn tờ giấy, tên của tôi và cấp bậc được điền vào chỗ trống bằng bút nguyên tử màu xanh. Đây là mẫu giấy đã được in sẵn, chữ ký cũng đã được ký trước rồi. Tờ giấy không ghi ngày tháng, chỉ vỏn vẹn có mấy hàng chữ.
Giấy chứng nhận.
Tên : Nguyễn Trọng Quân.
Cấp bậc: Trung úy Ngụy.
Đã trình diện Ủy ban quân quản Thành phố Đà Lạt.
Ký tên.
Trần Chiến.
Kể từ hôm nay, cuộc đời của tôi hoàn toàn lệ thuộc vào tờ giấy này, đi đâu, làm gì, ở đâu, đều phải xin phép cái ông Trần Chiến lạ hoắc này.
Tôi gấp tờ giấy lại, nhét vào ví rồi thong thả ra về.
Gần một tháng trường trôi qua, tôi sống mà như bị giam lỏng, hoang mang, lo sợ không biết số phận của mình rồi sẽ về đâu. Khi sống trong tận cùng của tuyệt vọng, người ta chỉ còn biết dựa vào những tin đồn. Hôm nay, có tin là tất cả quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị bắt bỏ tù, ngày mai, lại có tin sẽ phải lên tàu đi ra Phú Quốc, nơi mà ngày xưa Việt Nam Cộng Hòa đã giam giữ tù binh Cộng Sản. Những tin đồn xấu như vậy tôi nghe qua rồi quên mất, nhất định không thèm nhớ. Rồi vài ngày sau nữa lại có tin đồn, chúng tôi sẽ được đưa đi học tập về chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong một thời gian ngắn. Sau đó được trả về quê cũ, ai ở đâu sẽ về lại nơi đó, sống và làm ăn lương thiện như một người dân thường. Đó là cái tin đồn mà tôi thích nghe nhất. Một cái tin đồn đầy lạc quan như vậy tôi phải giữ lại trong đầu, rồi hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như thế.
Cuộc sống của tôi trong những ngày bị giam lỏng, nếu không có những lo âu phiền muộn vô cớ, quả thật là tràn đầy hạnh phúc. Buổi sáng, tôi thức dậy khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng vàng ấm áp xuyên qua khung cửa sổ. Cúc đã nấu xong bữa ăn sáng cho tất cả mọi người trong gia đình, khi thì nồi xôi đậu đen ăn với muối mè đậu phụng, khi thì chén cháo đậu xanh ăn với đường cát trắng.
Tôi nói với Cúc.
-Em có vẻ thích món cháo lắm phải không?
Cúc cười.
-Ba em rất thích món này, ngày xưa khi ăn cháo trắng với trứng vịt muối, ba thường gật gù đắc ý nói với em “Ở ngoài xứ của mình, đây là món ăn sáng của nhà giàu”.
Tôi múc một muỗng đường cát trắng, rải lên chén cháo đậu xanh còn nóng hổi.
-Ba của anh và ba của em, hai ông già lúc nhỏ ở ngoài xứ đi chăn trâu để kiếm sống, buổi sáng có được củ khoai, lát mì lót bụng là quá rồi, cháo đâu mà ăn. Chắc ba em thấy mấy người Tàu ở Hội An ăn cháo nên mới nói vậy. Để hôm nào rảnh anh sẽ hỏi lại ba của anh, chuyện có đúng như vậy hay không? Anh với em cùng là dân Quảng Nam, nhưng là Quảng Nam mất gốc, cho nên phong tục tập quán của người xứ Quảng, tụi mình hoàn toàn mù tịt. Hay là vậy đi, mai mốt anh và em về xứ làm ruộng sinh sống “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, em sinh cho anh một bầy con cỡ chừng một chục đứa. Được không?
Cúc múc một muỗng cháo thổi nhè nhẹ.
-Anh muốn về đâu cũng được chỉ sợ Việt Cộng không cho. Với em, Đà Lạt, Sài Gòn hay Quảng Nam cũng như nhau thôi, sống ở đâu cũng vậy vì đều là đất nước Việt Nam mà. Có điều này em muốn nói là anh bớt mơ mộng một chút đi, sống dưới chế độ Cộng Sản mà anh nghĩ đến chuyện làm ruộng để nuôi một bầy con, đó là chuyện hiện thực huyền ảo.
Cúc nhìn qua khung cửa sổ.
-Hôm nay nắng đẹp quá, mình lên sân thượng ngắm cảnh, uống cà-phê đi anh.
Sân thượng nhà tôi khá rộng, trước mặt là rạp ciné Ngọc Hiệp, nhích qua bên tay phải là quán cơm Kim Linh, Như Ý của người Tàu, gồm bốn cái kiosk nối liền nhau rồi đến con hẻm có quán mì quảng nổi tiếng của Đà Lạt.
Tôi và Cúc ngồi trên bộ ghế loại đặc biệt chỉ dùng ở ngoài trời. Tất cả trang thiết bị ở trong nhà, đều do bác Bảy mua sắm nên không thể nào chê được, đẹp, tốt và bền. Nhìn Cúc thong thả nhấp một hớp cà-phê, đôi mắt lơ đễnh ngắm đám mây trắng trôi dật dờ ở cuối chân trời, trong lòng đầy sung sướng, tôi cầm tay Cúc rồi chỉ cho nàng hai ngọn núi mờ xa lẩn trong sương mù.
-Ước gì tụi mình được mãi mãi sống bên nhau như thế này, giống như hai ngọn núi Bà, ngàn năm đứng bên nhau cho dù vật đổi sao dời.
Cúc nhìn theo hướng tay của tôi chỉ.
-Vậy mà hồi nào tới giờ, em cứ tưởng đó là đỉnh Lâm Viên.
Tôi gật đầu.
-Đúng, đó là đỉnh Lâm Viên nhưng người dân Đà Lạt gọi là núi Bà.
Cúc thắc mắc.
-Có tới hai đỉnh núi, một ngọn là Bà, ngọn còn lại phải là Ông thì mới đúng chứ.
Tôi cười thích thú.
-Em nói đúng, ngọn bên trái là núi Bà, ngọn bên phải là núi Ông. Núi Bà cao hơn núi Ông chừng bốn chục thước. Em có biết tại sao không?
Cúc lắc đầu.
-Không.
Tôi giải thích.
-Anh chỉ đoán thôi, vì người Lạch theo chế độ mẫu hệ cho nên bà phải cao hơn ông mới hợp lý. Anh sanh đẻ ở Đà Lạt nhưng chưa bao giờ nghe người dân Đà Lạt gọi là “Núi Bà, Núi Ông”, mà anh chỉ nghe họ gọi chung cho cả hai ngọn núi là “Núi Bà”. Còn nếu muốn hiểu rõ tường tận về núi Bà, phải đi xa hơn nữa với câu chuyện cổ tích của người Lạch, kể về mối tình lâm ly bi đát, đầy nước mắt của chàng Lang và nàng Biang. Người dân Lạch lấy tên hai người đặt tên cho hai ngọn núi là LangBiang mà sau này đổi thành Lâm Viên. Chỗ này lại phát sinh thêm mâu thuẫn, nếu theo chế độ mẫu hệ thì bà phải trước ông, ngọn núi phải được đặt tên là BiangLang mới đúng.
Cúc chần chừ giây lát, rồi nói với tôi.
-Cao hay thấp, trước hay sau em không quan tâm, chỉ muốn biết anh đã lên đỉnh Lâm Viên rồi. Phải không?
Tôi hơi ngạc nhiên.
-Ai nói với em như vậy?
-Em nghe mấy đứa bạn của em nói, theo truyền thống của Trường Võ Bị Đà Lạt, tất cả Sinh viên sĩ quan trước ngày lễ gắn Alpha đều phải chinh phục đỉnh Lâm Viên mà.
Tôi than thở với Cúc.
-Khổ quá em à, sao ai cũng lầm hết trơn vậy, anh tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức trên đồi Tăng Nhơn Phú, không dính dáng gì đến đỉnh núi Lâm Viên của Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. Một đàng là sĩ quan trừ bị, một đàng là sĩ quan hiện dịch, khác nhau hoàn toàn.
Cúc lắc đầu.
-Anh nói gì mà khó hiểu quá, anh là trung úy của Trường Võ Bị Đà Lạt mà, sao anh lại không nhận.
Tôi đành chịu thua Cúc, nhưng cố nói thêm.
-Quan cũng có năm, bảy đường quan, như sĩ quan Không quân, sĩ quan Hải quân, sĩ quan của Binh chủng. Chưa kể những ông quan có chuyên môn đặc biệt như: sĩ quan giáo sư, sĩ quan kỹ sư, sĩ quan nha sĩ, sĩ quan bác sĩ…và nhiều nữa. Mỗi ông quan có một nhiệm vụ khác nhau, không có ông quan nào giống ông nào.
Tôi đang khổ công giải thích cho Cúc hiểu, cái rắc rối của mấy ông quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bất ngờ con Quyên tung cửa chạy tới, ôm lấy Cúc.
-Chị Hai nè, em có tin vui cho chị.
Cúc bẹo má con Quyên.
-Tin vui gì? Em muốn ăn canh chua cá phải không? Hay là em muốn ăn xôi gà? Mấy món đó không phải là tin vui.
Con Quyên nũng nịu.
-Em nói tin vui thiệt mà, hôm qua có thông báo của Ủy ban quân quản, nói về chuyện hoc tập của lính Ngụy. Tất cả hạ sĩ quan, binh sĩ phải đi học tập ba ngày, sáng đi chiều về, mang theo cơm trưa.
Con Quyên lần mấy đốt ngón tay.
-Tính ra chỉ còn hai ngày nữa là bắt đầu học rồi.
Ngừng một chút, con Quyên nói tiếp.
-Còn phần sĩ quan cấp úy, mang theo mùng mền vật dụng cá nhân, tiền ăn cho mười ngày. Sĩ quan cấp tá và tướng em không muốn nhớ. Em chỉ cần nhớ, thời gian mười ngày cho anh Hai là đủ rồi. Đó không phải là tin vui hay sao?
Cả tôi và Cúc đều mừng rỡ ra mặt, Cúc nắm chặt hai vai con Quyên, lắc mạnh.
-Em nghe có đúng không?
Con Quyên gật đầu, đưa ra tờ giấy.
-Đúng mà chị Hai, em còn ghi xuống giấy nữa nè.
Cúc khen con Quyên.
-Em giỏi thiệt, tối nay chị sẽ nấu xôi gà để thưởng công cho em. Tin vui như vậy, mà sao hôm qua em không nói cho anh chị biết.
Con Quyên liếc nhìn tôi.
-Hôm qua khi em về đến nhà, anh chị đã ngủ khò mất rồi.
Tôi dang hai tay ôm lấy Cúc, hôn khắp mặt mũi của nàng, với giọng vui mừng.
-Từ nhỏ cho đến giờ, chưa khi nào anh có được những giây phút sung sướng, hạnh phúc như hôm nay. Mình phải xuống nhà, nói cho ba má biết để ông bà bớt lo. Anh để ý mấy hôm nay, ba má và em ai cũng buồn xo.
Cúc quay nhìn con Quyên.
-Chị em mình đi chợ mua con gà bự thiệt bự, nấu xôi ăn mừng. Em biết chỗ nào bán gà chợ đen không?
-Chị khỏi lo, cứ theo em thứ gì cũng có.
Sau đúng ba ngày học tập, tất cả hạ sĩ quan, binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phân biệt binh chủng, đều được cấp giấy chứng nhận là đã học tập xong và trở thành công dân trong chế độ mới. Chuyện này khiến cho tôi phải trằn trọc suy nghĩ suốt mấy ngày, tôi hồi tưởng lại, năm 1968, Việt Cộng lợi dụng hưu chiến đã tấn công khắp các tỉnh thành Miền Nam, gây nên cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, giết hại hơn sáu ngàn thường dân vô tội ở Huế. Mùa hè đỏ lửa 1972, Việt Cộng đem bốn mươi ngàn quân vây hãm An Lộc, xua xe tăng, đại pháo vượt sông Thạch Hãn, chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Năm 1973 Việt Cộng ký hiệp định Paris, mực chưa kịp khô trên giấy, họ đã xé bỏ.
Tất cả những việc dã man, gian dối, bội ước mà Việt Cộng đã làm trong quá khứ, với tôi đó là những chuyện đã qua. Trong chiến tranh, họ phải làm như vậy nếu muốn thắng đối phương. Hôm nay, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đã bị tiêu diệt, mối lo không còn nữa, Việt Cộng giờ đây đã hoàn toàn đổi khác rồi, không giống như xưa. Bằng chứng hùng hồn, rõ ràng nhất trong đường lối và chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời là cho hạ sĩ quan, binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa học tập ba ngày, theo thông báo đã đưa ra. Họ đã giữ đúng lời hứa, nói như thế nào, thi hành như thế ấy.
Chuyện học tập của hạ sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã diễn ra suôn sẻ tốt đẹp, khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào chuyện sĩ quan cấp úy chúng tôi, cũng sẽ êm đẹp mau mắn như vậy. Khi thấy được chân lý, tôi thở phào nhẹ nhõm, bao nhiêu lo âu phiền muộn chất chứa trong lòng từ hơn một tháng qua, vụt biến mất. Tôi vui mừng, sung sướng lo chuẩn bị sẵn sàng để đi học tập, mười ngày có là bao, chỉ là một cái chớp mắt thôi mà, đi học cho xong còn trở về với gia đình.
Sáng hôm nay, tôi chuẩn bị mọi thứ để hai giờ chiều sẽ đến ngôi nhà kính gần cầu ông Đạo , trình diện Ủy ban quân quản Thành phố Đà Lạt đi học tập. Ngoài bộ đồ đang mặc trên người, tôi đem thêm hai bộ quần áo, một cái mùng ni lông, một cái mền poncho dù, kem và bàn chải đánh răng cùng vài thứ đồ dùng lặt vặt. Nhìn cái hộp kem đánh răng quá lớn nên tôi để lại ở nhà, lấy hộp kem mà tôi và Cúc đã dùng hơn phân nửa đem theo. Tôi nghĩ có mười ngày, đem làm gì cho lắm. Mấy ngày trước đó, Cúc mua cho tôi một cái xách tay loại tốt, gọn gàng mà người đi máy bay thường dùng. Sau đó, Cúc bỏ ra một buổi chiều làm cho tôi một hũ ruốc thịt heo kho sả ớt. Cúc nói với tôi.
-Món này để anh ăn với cơm, đông người quá em sợ không đủ thức ăn.
Tôi nhìn cái hũ thủy tinh đựng thịt ruốc to quá khổ, lắc đầu ngao ngán.
-Nhà không có cái hũ nhỏ hơn sao em?
Cúc đặt cái hũ vào trong xách tay.
-Cái này là nhỏ rồi.
Quay người lục trong va ly, Cúc đưa cho tôi một xấp tiền.
-Đây là tiền ăn mười ngày của anh.
Tôi hỏi.
-Bao nhiêu vậy em?
-Mười ngàn.
Tôi càu nhàu.
-Em à, anh đi học tập chứ đâu phải đi du lịch, mỗi ngày anh ăn cơm hay mì gói tốn chừng một trăm, mười ngày khoảng một ngàn.
Tôi rút trong xấp tiền, lấy ra bốn tờ giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa có in hình con cọp màu vàng cam, nhét vào ví của mình. Số tiền còn dư, tôi đưa trả lại Cúc.
-Anh chỉ cần hai ngàn thôi, chừng này là quá đủ rồi.
Cúc với giọng nói đầy âu yếm.
-Nghe lời em đi cưng, thà dư còn hơn thiếu.
Tôi nhắc với Cúc.
-Em có nhớ không, khi gặp lại em ở Sài Gòn, trong túi của anh không có lấy một xu, cái áo cũng không có mà mặc. Nếu không có em, hơn một tháng qua liệu anh có cơm mà ăn hay không, nói gì đến tiền bạc khi đi học tập.
Cúc cầm tay tôi, đẩy nhẹ.
-Anh cứ đem theo để mà phòng thân, nếu tiêu xài không hết thì đem về.
Biết là không cãi được Cúc, tôi ầm ừ cho qua chuyện. Đợi đến lúc Cúc bận rộn sắp xếp hành lý vô cái xách tay, tôi lẹ làng nhét mớ tiền xuống dưới gối của Cúc.
Mười hai giờ trưa, tôi chào ba má tôi để lên đường đi học tập. Cúc ngỏ ý muốn tiễn đưa tôi một đoạn. Hai đứa thả bộ ra phố, men theo con dốc Minh Mạng lên khu phố Hòa Bình. Khi cả hai đã đi khá xa nhà, tôi đưa tay vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán của Cúc.
-Về đi, em không nghe người ta nói “Có tiễn nhau ngàn dặm, cuối cùng cũng phải chia tay” hay sao.
Cúc cúi mặt, cố giấu đi đôi mắt ươn ướt đỏ.
-Để em đưa anh thêm một đoạn nữa.
Tôi và Cúc im lặng đi bên nhau, tôi cúi nhìn hai cái bóng ngắn ngủn, di chuyển nhẹ nhàng theo những bước chân của hai đứa dọc theo vỉa hè, một niềm thương cảm chợt đến với tôi khiến lòng mình chùng xuống. Tôi đưa tay tìm bàn tay mềm mại của Cúc, trong lòng muốn nói với nàng bằng thứ ngôn ngữ tình yêu được truyền qua hơi ấm của bàn tay.
Khi tới con dốc Lê Đại Hành Cúc không chịu buông tay ra, lật đật nói với tôi.
-Em đưa anh đến bên kia cầu ông Đạo , tới Ủy ban quân quản luôn.
Tôi nhìn Cúc rồi nói nhỏ.
-Anh đâu có muốn xa em, chỉ sợ chút nữa một mình trên đường về em buồn. Em à chỉ có mười ngày, một cái chớp mắt thôi mà.