Headlines

CTBCTY Tập IV chương 44

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XLIV
Cát bụi gọi hồn

Khi mà con tàu chở chúng tôi ra khỏi cửa biển Trần Đề được khoảng mươi phút, bất chợt Long công tử nói với tôi.

-Mày nhìn lại phía sau, hình như có một chiếc tàu đang đuổi theo tụi mình.

Tôi ngồi quay người lại, nhướng mắt quan sát. Một chiếc tàu đi biển đang hướng mũi về phía chúng tôi. Nhìn con tàu mỗi lúc một lớn dần, cho đến khi tôi thấy được có hai người đang đứng trước mũi tàu. Tôi la to.

-Mày nói đúng, có tàu đang chạy theo tụi mình.

Im lặng mím môi, Long công tử cho tàu quẹo về tay phải, mặt trời đang ở mũi tàu từ từ nhích sang phía trái. Chiếc tàu đang đuổi theo cũng lẹ làng đổi hướng quay theo. Long công tử cằn nhằn với chủ tàu.

-Ông nói đã lo lót cho trạm công an nơi cửa biển rồi, tại sao tụi nó lại rượt bắt mình?

Mặt mày của chủ tàu xanh lè, ông ta lắp bắp.

-Má… má nó, cái lũ …man rợ.

Chủ tàu chưa nói dứt lời, một tràng AK đã nổ vang, cùng lúc với tiếng đạn rít qua đầu, nhiều viên đạn trúng ngay mũi tàu kêu lụp bụp, vài mảnh gỗ vụn văng tung tóe xuống sàn tàu. Không hẹn mà cả ba người chúng tôi cùng cúi đầu, nằm sát xuống sàn tàu để tránh đạn. Khi tiếng súng đã im, Long công tử cho tàu chạy chậm lại ngồi chờ. Chủ tàu vội vàng hỏi Long công tử.

-Sao ông không tống hết ga chạy trốn, mà lại đợi cho tụi nó bắt.

Long công tử với gương mặt tỉnh queo.

-Tàu của mình chạy chậm như rùa, cho dù tôi có tăng hết tốc lực cũng chỉ được chục cây số một giờ. Tàu của công an chạy nhanh gấp đôi, gấp ba, chưa kịp chớp mắt nó đã tới bên cạnh mình rồi.

Đúng như Long công tử nói, chỉ mới chừng vài phút sau, chiếc tàu của công an đã cặp sát hông tàu của chúng tôi. Hai người thanh niên mình trần trùng trục, nước da đen xạm vì nắng và gió biển, vai đeo súng AK, họ chỉ mặc độc có cái quần cụt. Một trong hai người hỏi với giọng đầy tính uy hiếp.

-Chủ tàu đâu? Tụi mày vượt biên phải không?

Người thanh niên thứ hai tiếp lời.

-Còn hỏi gì nữa, bắn chết mẹ nó vài đứa, cho tụi nó chừa cái thói ôm chân đế quốc Mỹ đã ăn sâu trong máu, xong rồi kéo tàu về giao cho công an.

Nghe hai gã thanh niên nói chuyện với nhau, chủ tàu vội vàng nói nhỏ với Long công tử.

-Tụi này không phải là công an, bọn nó là du kích hay tự vệ biển gì đó thôi, để tôi thử lo lót với tụi nó.

Nói xong chủ tàu hướng sang hai người thanh niên la to.

-Thưa hai anh cho tôi nói.

Hai gã thanh niên bắn chỉ thiên thêm một tràng AK.

– Má cái bọn phản quốc, mang tội vượt biên như tụi mày, còn muốn nói gì nữa đây.

Ông chủ tàu tay run lập cập, miệng lắp bắp.

-Thưa…thưa hai anh, anh Sáu Tùng, trưởng công an biên phòng nơi cửa biển cho chúng tôi đi, nếu không có phép của ảnh, một con kiến cũng không qua được trạm, nói gì chiếc tàu của tôi. Giờ đây anh bắt chúng tôi lại, giao cho công an, họ sẽ bỏ tù chúng tôi mà mục đích chính là khám xét để lấy vàng bạc và tiền của. Bao nhiêu lợi lộc công an hưởng hết, trong khi các anh khổ công làm việc mà chẳng được gì.

Gã thanh niên hỏi chủ tàu.

-Mày nói sao? Anh Sáu Tùng cho tụi mày đi?

-Dạ phải, tôi xin thề có trời đất quỷ thần làm chứng.

Thấy hai tên thanh niên xì xào to nhỏ với nhau, chủ tàu nói tiếp.

-Tụi tôi có hai mươi ba người, tôi sẽ nói mọi người còn bao nhiêu tiền của, vàng bạc, đô la, gom lại hết đưa cho hai anh. Các anh có chút đỉnh tiền nhậu lai rai, lại còn đỡ tốn công áp giải tụi tôi giao cho công an.

Sau chừng một phút bàn luận, một trong hai gã thanh niên nói to.

-Làm lẹ lẹ lên, tụi tao đợi.

Không cần nghe chủ tàu nói, tôi chụp cái nón đang đội trên đầu, đi đến trước mặt từng người.

-Lẹ lên quý vị, ai có tiền Việt Nam, đồng hồ , vàng bạc, mau lột ra bỏ vô đây nộp cho du kích, họ cho mình đi rồi đó.

Tôi đếm được ba cái đồng hồ đeo tay, bốn năm chiếc nhẫn, tiền Việt Nam thì khá nhiều đựng đầy một cái nón.

Chủ tàu run run đưa cái nón chứa đầy cúng phẩm cho hai người thanh niên. Cả hai tên du kích liếc nhìn sơ qua cái nón, đưa tay sục sạo bên trong rồi lẹ như chớp ôm gọn vào lòng. Hai tên du kích khoát tay ra hiệu cho đi, đồng thời chiếc tàu của chúng cũng rú ga vọt lên phía trước, quay mũi hướng vào bờ.

Thoát khỏi một đại nạn tưởng chừng như vô phương cứu chữa, chủ tàu cười vui vẻ.

-Tới luôn ông bạn.

Long công tử cho tàu nhắm ngay hướng mặt trời mọc, dọt lẹ.

Nhìn những gương mặt hớn hở vui tươi của mọi người trên tàu, tôi nói với Long công tử.

-Hy vọng không còn ai đuổi theo bọn mình nữa.

Long công tử nói.

-Phải đợi đến hải phận quốc tế mới chắc ăn.

Đưa cho tôi cái địa bàn, Long công tử nói.

-Vượt đại dương bằng con thuyền dùng để đi trên sông, không có hải đồ, không có hải bàn, thậm chí còn không có luôn tài công, phải dùng địa bàn của bộ binh, đã vậy còn bắt hai thằng sĩ quan bộ binh lái tàu. Mẹ nó đúng là không có chó bắt mèo…làm thế. Bây giờ mày mở cái địa bàn ra, nhìn qua đỉnh cao nhất của mũi tàu sẽ thấy mặt trời, sau đó kiểm soát lại qua địa bàn có phải là một ngàn sáu trăm ly giác hay không? Nếu đúng, là địa bàn còn tốt, mình có thể dùng được.

Tôi mở địa bàn, đầu mũi tên màu vàng của cây kim xoay qua, trở lại vài lần, rồi ngừng ở hướng Bắc. Tôi ngẩng nhìn về phía mũi tàu, cúi nhìn địa bàn, mặt trời đứng ngay con số 16 màu đen. Tôi nói với Long công tử.

-Đúng rồi.

Long công tử cười với vẻ hài lòng.

-Tao lái tàu, mày giúp tao xác định phương hướng, tụi mình sẽ làm nhiệm vụ của hai thằng khinh binh, dẫn đường cho một trung đội bộ binh tiến chiếm mục tiêu. Từ giờ cho tới sáng ngày mai, mình sẽ cho tàu chạy theo hướng Đông tức là hướng một ngàn sáu trăm ly giác. Vận tốc của tàu ước chừng bảy cây số một giờ, tao nói là ước chừng, còn thật sự là bao nhiêu tao không rõ. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ mình sẽ đi được khoảng trên một trăm sáu chục cây số, sau đó mình sẽ đổi chiều đi về hướng Nam, chừng sau hai ngày hai đêm, mình đổi hướng bốn ngàn ly giác vào Mã Lai. Sở dĩ tao phải chạy theo hình vòng cung như vậy là vì muốn tránh xa Côn Đảo, càng xa càng tốt, lạng quạng để tụi công an biên phòng ở đó nó tóm cổ thì bỏ mẹ.

Tôi cố nhớ lại trong đầu tấm bản đồ vùng Đông Nam Á, in trong cuốn sách địa lý thời Việt Nam Cộng Hòa. Cuốn sách mà mấy tháng qua, tôi coi hoài không chán.

-Mày yên chí đi, tối nay tao sẽ thức suốt đêm điều chỉnh phương hướng cho mày. Mà Long nè, còn có một điều tao muốn hỏi cho rõ.

-Nói đi.

-Tại sao mày không giữ hướng Đông chạy một lèo, chừng sáu bảy ngày sẽ đến Palawan của Phi Luật Tân.

-Đi theo hướng đó thì tốt rồi, nhưng tao sợ trong đêm tối mình vướng phải san hô, đá ngầm ở chung quanh quần đảo Trường Sa, và sợ nhất là lạc qua những hòn đảo do hải quân Việt Cộng đang trú đóng trên đó. Bị Việt Cộng bắt, chẳng thà tao chết dưới tay Đông Hải Long Vương còn sướng hơn.

Tôi nhắc Long công tử.

-Đi theo đường của mày có thể gặp phải hải tặc Thái Lan.

Buông tiếng thở dài, Long công tử nói.

-Mày nói đúng, thôi thì bây giờ mình cứ chạy về hướng Đông một ngày một đêm rồi tính sau. Đồng ý không?

Khi mặt trời bắt đầu lặn ở hướng Tây, tàu của chúng tôi đã đi được 10 tiếng, cách xa bờ biển Việt Nam chắc hơn 70 cây số. Suốt đêm hôm đó, dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn bão, tôi ôm cái địa bàn điều chỉnh hướng cho Long công tử lái tàu. Cứ năm, mười phút, qua địa bàn tôi chỉnh với Long.

-Lái qua phải chút xíu. Tốt, rồi giữ yên như vậy.

Một lát sau tôi lại nhắc.

-Qua trái một chút. Đúng rồi.

Bầu trời của những ngày cuối tháng hai âm lịch tối thui, biển êm gió nhẹ, đem đến chút mát dịu thoải mái cho cả hai đứa. Một cơn buồn ngủ ở đâu chợt kéo đến, khiến tôi nói với Long công tử.

-Giờ này mà có ly cà phê đen thì tuyệt.

-Mày đòi hỏi hơi nhiều, lo canh giữ phương hướng cho tao. Chừng vài giờ nữa khi bình minh đến, nếu bầu trời trước mũi tàu sáng hơn bầu trời phía sau lưng, chắc chắn là suốt đêm tụi mình đã chạy đúng hướng.

Sau một đêm dài thức trắng tưởng như vô tận, cuối cùng thì bình minh cũng đến, đúng như Long công tử nói, mặt trời đỏ ối như một cái dĩa lửa khổng lồ xuất hiện ngay trước mũi tàu, chiếu ánh sáng rực rỡ như ánh hào quang chiến thắng đến với chúng tôi, với mọi người trên tàu.

Long công tử vươn vai tươi cười.

-Chắc mình đã cách bờ biển Việt Nam khoảng chừng trăm rưởi cây số. Nói cho tao biết mày muốn đi Phi Luật Tân hay Pulau Bidong của Mã Lai.

Khi nghe hai chữ Pulau Bidong, tôi như bị một ma lực đầy hấp dẫn, quyến rủ, không thể nào cưỡng lại được. Bởi vì đối với tôi Pulau Bidong chính là ngọn hải đăng, sẽ dẫn lối đưa đường cho những con tàu của người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam, đến bến bờ tự do. Không một chút do dự tôi nói.

-Mã Lai.

-Như vậy khoảng hai giờ nữa, tụi mình sẽ cho tàu quay mũi về hướng Nam.

Tôi gật đầu rồi nói.

-Có mặt trời hướng dẫn, mày lái tàu một mình đi, tao lo phần việc của tao, phân phát thực phẩm và nước uống cho mọi người.

Nói xong, tôi đi đến chỗ Cúc và mọi người đang ngồi dưới sàn tàu. Vinh máy nổ nằm bên máy tàu ngủ ngon lành, bất chấp tiếng dộng ầm ầm đều đều của máy tàu đang chạy.

Lần đầu tiên gặp mặt Hà, vợ của Long công tử, nhìn sơ qua tôi thấy Hà có cái nét đẹp dịu dàng của một cô gái quê, chơn chất, thật thà. Chẳng trách gì ông bạn hào hoa công tử của tôi, ngày xưa khi mới gặp cô ấy đã bị hớp hồn.

Tôi nói với Hà.

-Thưa chị tôi là Quân, bạn của anh Long.

Hà nói với tôi.

-Em có nghe anh Long nói về anh và chị Cúc, mỗi khi nhắc đến chuyện xưa, chuyện từ hồi anh và anh Long còn là Sinh viên sĩ quan Thủ Đức, cho đến lúc cùng bị nhốt trong trại tù cải tạo Sông Mao.

Tôi nói.

-Bây giờ tôi đi lấy gạo, nhờ chị và vợ tôi nấu cơm, sau đó vắt thành nắm để tiện phân phối cho mọi người. Được không?

Hà vội vàng nói.

-Chuyện dễ mà, anh yên chí.

Quay sang Cúc, nhìn gương mặt xanh xao bơ phờ của vợ, tôi hỏi.

-Em và con như thế nào?

-Hôm qua mấy đứa con nít cùng với vài người lớn, nôn thốc mửa tháo, tất cả nằm la liệt khắp sàn tàu, giờ thì mọi chuyện đều tạm ổn rồi. Anh cứ lo chuyện của anh giúp anh Long đi. Mà anh nè, tàu của mình đi tới đâu rồi?

Nghe Cúc hỏi, tôi giật mình vì hoàn toàn không biết con tàu mình đang ở đâu giữa đại dương mênh mông, tất cả chỉ là phỏng đoán, có thể hơn một trăm rưởi cây số cách bờ biển Việt Nam.

Tôi nói với Cúc mà như tự trấn an mình.

-Tàu đang đi đúng hướng đó em.

Tôi có được vài tiếng đồng hồ cùng với vợ và Hà lo chuyện cơm nước cho mọi người trên tàu. Cuối cùng tôi cũng không quên đem theo hai nắm cơm vắt và một chai nước cho Long công tử.

Khi tôi trở lại, Long công tử mới bắt đầu cho tàu quẹo phải, chạy về hướng Nam. Tôi nghĩ thầm, vượt đại dương mênh mông bằng con tàu dùng để đi trên sông, với kiến thức của hai thằng sĩ quan bộ binh, không hải bàn, hải đồ là tấm bản đồ của vùng Đông Nam Á nằm trong trí nhớ, liệu chúng tôi có bao nhiêu phần trăm đến được bến bờ tự do.

Mặt trời đã lên khá cao đứng lững lơ bên tay trái của con tàu, chiếu những tia nắng vàng rực rỡ xuống biển. Màu nước biển ở đây không còn trong xanh mà đã đổi thành màu đen, vài con cá tựa như cá heo, đang thi nhau bơi đua với tàu ở đàng mũi. Vinh máy nổ đi đến bên Long công tử.

-Chắc mình phải cho máy nghỉ một vài giờ, đừng có ép quá, vì cái Yanmar này cũng cũ lắm rồi.

Nói xong Vinh máy nổ nhìn tôi.

-Phải chi mình có được cái máy gần như mới tinh, nơi vườn của ông Quân ở Đà Lạt thì hết sẩy.

Tôi không chú tâm nghe Vinh nói, vì sau lưng hắn ở cuối chân trời một chấm đen xuất hiện, tôi nói với Long công tử.

-Có tàu.

Cả ba đứa cùng nhìn về phía cái chấm đen hình như đang di chuyển ngược chiều với con tàu của chúng tôi. Chấm đen mỗi lúc một lớn dần, cho đến khi hình dáng con tàu rõ nét. Vinh máy nổ la to.

-Có tàu ngoại quốc bà con ơi.

Mọi người trên tàu vui mừng, la hét, một vài người cầm cái áo trắng đưa lên trời vẫy gọi, miệng hét to.

-Cứu chúng tôi với, vớt chúng tôi đi.

Con tàu khổng lồ không một bóng người trên bong, im lặng, lầm lủi như một con tàu ma, từ từ lướt ngang qua trước mặt chúng tôi, đem theo hy vọng được cứu vớt của mọi người ở trên tàu. Trời êm bể lặng, con tàu của chúng tôi thả trôi trên mặt nước. Lợi dụng lúc tàu tắt máy Long công tử và tôi nằm tại chỗ, ngủ một giấc, tuy chỉ được vài tiếng nhưng nhờ đó mà sức khỏe của chúng tôi được phục hồi phần nào, sau một đêm thức trắng.

Suốt một ngày trôi qua, có hàng chục chiếc tàu sắt to lớn, xuôi ngược ngang qua con tàu của chúng tôi. Không một chiếc nào tỏ dấu hiệu là có ý muốn cứu vớt, cho dù mọi người ở trên tàu của chúng tôi vẫy cao những cái áo trắng với ba chữ S.O.S. Đêm thứ hai, tôi cũng thức sáng đêm ôm cái địa bàn điều chỉnh hướng đi cho Long công tử. Lần này tôi giữ hướng ba ngàn hai trăm ly giác, cho đến khi mặt trời mọc lên bên phía tay trái của con tàu, lúc bấy giờ Long công tử nhìn tôi với đôi mắt đầy mệt mỏi. Hắn chỉ về phía mặt trời nói.

-Hy vọng mình đi đúng hướng.

Ngày thứ ba, trong lúc tàu của chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng Nam.

Long hỏi tôi.

-Mày thử đoán coi, tụi mình đang ở đâu?

Tôi cười đau khổ.

-Mày tưởng tao là sĩ quan Hải quân chắc?

Mãi cho đến sáng ngày thứ tư, tôi và Long công tử cho tàu đi theo hướng bốn ngàn ly giác, lúc này mặt trời đã ở xeo xéo sau lưng của con tàu. Vào khoảng 5 giờ chiều, tôi nói khoảng vì tất cả đồng hồ của mọi người ở trên tàu đã nộp cho du kích ở Việt Nam rồi. Lúc ấy, tôi chợt thấy một chiếc tàu đang hướng mũi về phía tàu của chúng tôi. Khi đã đến gần, tôi nghi ngờ và đoán rằng, đó là một chiếc tàu của hải tặc Thái Lan, vì hình dáng và màu sơn của nó hoàn toàn khác với những chiếc tàu chở hàng mà chúng tôi đã gặp. Trên tàu non chục tên Thái, thân hình vạm vỡ, nước da sạm đen, đứng thành một hàng dài dọc theo hông tàu, tất cả đều mình trần trùng trục, chỉ mặc quần cụt và quấn khố. Một vài tên quẹt mấy cái sọc đen trên mặt, để làm tăng thêm vẻ dữ dằn, hung tợn. Bọn hải tặc, kẻ thì cầm dao, người thì cầm búa, họ cặp sát vào tàu của chúng tôi, năm thằng hải tặc vội vàng nhảy qua. Chuyện đầu tiên chúng làm là lùa đàn ông về phía đuôi tàu, đẩy đàn bà con nít về mũi tàu. Hai thằng nhảy xuống hầm máy, dùng mỏ lết, kềm, khóa mở bù lon, tháo tung cái máy Yanmar F10 ra, ốc vít quăn đầy sàn tàu, trộn lẫn với cát bụi, nước biển, chỗ nào tháo mở không được, chúng dùng búa đập phá không nương tay. Lúc đầu, tôi tưởng rằng bọn cướp muốn phá hủy máy móc, không cho chúng tôi đi tiếp. Cho đến khi thấy bọn chúng đập tháo cái nắp của hộp chứa dầu bên hông máy, lục lọi tìm kiếm. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu ra là bọn cướp chỉ muốn tìm vàng giấu trong đầu máy Yanmar mà thôi. Không tìm thấy vàng, bọn cướp bắt đầu chuyển qua lục lọi tất cả túi xách, cũng như quần áo của mọi người, chúng cẩn thận mò trong từng cái ve áo, nắn bóp từng cái lai quần, vì kinh nghiệm cho chúng biết người tỵ nạn thường giấu những sợi dây chuyền vàng trong đó.

Sau cả giờ lục soát, không biết kiếm được bao nhiêu vàng bạc và đô la, bọn hải tặc lục đục nhảy về tàu của chúng, rú ga cho tàu chạy mất.

Tôi thở dài nhẹ nhõm, nhìn mọi người với nét mặt vui mừng vì vừa thoát qua một đại nạn. Mừng vì đám hải tặc bỏ đi không hãm hiếp đàn bà, con gái trên tàu của chúng tôi. Hoàng hôn dần đến, màn đêm từ từ phủ kín bầu trời, một chút gió nhẹ thổi đến, mang theo cái mát lạnh của đại dương. Con tàu chết máy, không người lái trôi dật dờ trên biển, trong khi Long công tử và tôi cố gắng mò tìm dưới sàn tàu từng con ốc, con vít, từng bộ phận nhỏ nhặt của máy tàu đưa cho Vinh máy nổ với hy vọng mong manh là anh ta sẽ sửa được máy tàu.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn bão, Vinh máy nổ chỉ vào cái nắp đậy hộp dầu bị bể ra thành mấy mảnh, lắc đầu.

-Giữa biển như thế này, tìm đâu ra bộ phận để thay thế, chịu thua thôi mấy ông ơi.

Không chịu đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, Long công tử lấy một cây sào dài chừng ba thước, dựng lên giữa tàu, cột thêm cái poncho dù làm buồm. Tôi hỏi hắn.

-Mày kiếm đâu ra cây sào hay vậy?

-Vợ chồng tao sống trên tàu, cái cây này tụi tao dùng để phơi quần áo.

Nhờ chút gió nhè nhẹ thổi vào cánh buồm dã chiến mới làm được, hình như con tàu có trôi nhanh hơn một chút. Tàu trôi nhưng không biết theo hướng nào, sẽ về đâu, mọi chuyện đã quá tầm tay, chúng tôi đành phó mặc cho số phận đẩy đưa.

Sáng ngày thứ năm, thùng phuy nước sông trên tàu đã cạn gần tới đáy, để lộ ra một lớp phù sa màu nâu đỏ, tôi dùng một cây gỗ nhỏ đâm thẳng xuống đáy thùng rồi nhấc lên, chiều dày của bùn khoảng một tấc. Tôi nhờ Vinh máy nổ nghiêng thùng phuy rồi dùng một cái tô múc tất cả nước đục ngầu trong đó đổ vào một thùng nhựa nhỏ. Hy vọng sau một vài giờ để yên cho phù sa lắng xuống, mọi người sẽ có chút nước uống.

Mặt trời đã lên khá cao, đem theo cái nóng mỗi lúc một tăng. Mặt biển lặng yên, chỉ lăn tăn gợn sóng. “Tháng ba bà già đi biển”, câu nói được truyền tụng trong dân gian quả là không sai, tàu đi trên biển mà cứ như là tà tà ở trên sông. Tôi thầm nghĩ, nếu con tàu của chúng tôi đang ở trong tình trạng chết máy, gặp những tháng biển động với dông tố bão bùng, chắc nó đã chìm sâu dưới lòng đại dương tự bao giờ. Khi mà mặt trời đứng ngay trên đỉnh đầu chiếu ánh sáng nóng như đổ lửa xuống con tàu, không khí oi bức ngột ngạt vì không một chút gió, trong không gian bao la tĩnh mịch của buổi trưa, từ xa một con tàu của hải tặc lại xuất hiện, khi đến gần tàu của chúng tôi, nó chạy chầm chậm đánh một vòng quanh tàu rồi cặp sát bên hông. Mấy tên hải tặc nhảy sang tàu của chúng tôi, chúng đi tới hầm máy nhìn quanh. Khi thấy cái máy Yanmar bị phá hư, bọn hải tặc biết là tàu của chúng tôi đã bị cướp trước đó rồi. Sau một lúc xầm xì bàn tán, cả bọn nhảy ngược về tàu của chúng. Hai thằng hải tặc bưng qua cho chúng tôi một thau cơm đầy, một thau cá luộc, một thằng khác hai tay xách hai thùng nhựa đựng nước. Khác với thùng đựng nước ở Việt Nam mà chúng tôi thường thấy, thùng của Thái Lan to hơn một chút, tôi đọc được con số 25L to thật to in nổi trên thùng nhựa. Đặt cơm, cá, nước uống xuống sàn tàu, không nói một tiếng, sau đó cả bọn hải tặc Thái Lan trở về tàu của chúng, tăng ga dọt mất.

Những gì vừa xảy ra trước mắt, cho tôi biết hải tặc Thái Lan là những ngư dân đang đánh cá trên vùng biển của họ. Gặp tàu tỵ nạn, sẵn dịp họ trở thành cướp, nếu may mắn sẽ được một ít vàng, còn không thì cũng chẳng mất mát gì.

Tôi đem thực phẩm và nước uống phân chia cho mọi người trên tàu, tất cả đều có được một buổi trưa no nê với nước uống đầy đủ.

Buổi trưa trên biển ở gần xích đạo, cái nóng của mặt trời quả thật là kinh khiếp, thêm chuyện bầu trời lặng gió khiến không khí càng thêm oi bức, ngột ngạt, mồ hôi của mọi người ở trên tàu toát ra như tắm. Tôi phát cho mỗi người thêm nửa chén nước với lời dặn là, phải đợi đến chiều tối mới phát nước lại.

Cho đến khi mặt trời ngả về hướng Tây, ánh nắng chừng như đã dịu lại, những cơn gió nhẹ cũng bắt đầu thổi, cùng lúc ấy một chiếc tàu của hải tặc lại xuất hiện. Đây là chiếc tàu hải tặc thứ ba mà chúng tôi gặp. Khi hai chiếc tàu gần kề, cặp song song với nhau, tôi đếm được bảy thằng hải tặc thân hình đen đúa, mặt mũi bặm trợn, trên tay dao búa sáng ngời. Bọn hải tặc hò hét nhảy múa trông giống như là những thổ dân Châu Phi, đang mở hội ăn mừng quanh bếp lửa. Mọi người trên tàu của tôi hầu như chết khiếp trước những tên hải tặc hung hăng dữ tợn. Bốn thằng hải tặc nhảy qua tàu của chúng tôi, thằng dẫn đầu tay cầm dao, tay cầm đuốc nhìn xuống hầm tàu. Khi thấy cảnh máy móc bị đập phá, tháo rời ra làm nhiều mảnh, như biết tàu đã bị cướp nhiều lần, tên hải tặc với gương mặt đầy vẻ giận dữ, hắn dùng cây đuốc chỉ vào từng người đàn ông, lùa sang tàu của chúng. Tất cả bọn đàn ông chúng tôi, bị dồn hết về phía mũi tàu của bọn hải tặc. Trong lúc di chuyển, một người đàn ông trong bọn chúng tôi, vừa đi vừa đưa tay gạt mạnh con dao của tên hải tặc sang một bên. Thấy có người như muốn chống cự, vẻ tức giận hiện rõ trên gương mặt của tên hải tặc, đôi mắt của hắn long lên sòng sọc, sẵn con dao đang cầm, hắn vung tay đâm mạnh vào lưng của người đàn ông. Lưỡi dao xuyên qua lưng người đàn ông ngọt như cắm vào thân một cây chuối. Chỉ nghe được hai tiếng la “Chết tôi” rồi người đàn ông quỵ một chân xuống đất. Ngay lúc ấy một em thiếu niên chừng 16 tuổi, chạy đến ôm lấy chân người đàn ông, miệng la to “Ba có sao không?” Tên hải tặc Thái Lan rút con dao ra khỏi lưng người đàn ông, một dòng máu đỏ tươi tràn theo miệng vết thương, chảy xuống sàn tàu. Tên hải tặc với nét mặt lạnh như tiền, co chân đạp xác người đàn ông xuống biển. Với gương mặt đầy sát khí, hắn túm tóc em thiếu niên kéo lên cao, đâm một dao vào bụng rồi đẩy xác xuống biển. Trước cảnh giết người một cách man rợ của tên hải tặc Thái Lan, không ai bảo ai, bọn đàn ông chúng tôi chạy dồn về phía mũi tàu.

Thấy đã ổn định cánh đàn ông. Bốn tên hải tặc đang ở trên tàu của chúng tôi, bắt đàn bà phải cởi bỏ quần áo, cũng trong lúc đó ba thằng hải tặc bên tàu của chúng giương mắt đứng nhìn, với những tiếng cười man rợ đầy thú tính. Trước tình trạng tuyệt vọng của cảnh bọn hải tặc Thái Lan sắp sửa hãm hiếp đàn bà, con gái, một sự việc bất ngờ mà tôi biết là ngoài dự đoán của bọn hải tặc và cả tôi nữa. Long công tử tay cầm cây lao đâm cá, mũi lao làm bằng sắt nhọn hoắc sáng ngời, có thêm cái ngạnh nhỏ cong cong ở bên hông. Tôi không biết nó tìm được ở đâu. Hét lên một tiếng thật to, tiếng thét nghe như muốn rách cả màng nhĩ của mọi người, Long công tử lao mình tới gần tên hải tặc đã đâm chết hai người của chúng tôi. Tên hải tặc này đang đứng bên hông tàu Thái Lan, nhìn sang tàu của chúng tôi hai tay đưa lên trời múa may uốn éo. Nghe tiếng hét, tên hải tặc quay người lại, cũng vừa lúc mũi lao cắm phập vào bụng hắn, xuyên qua người, lòi ra sau lưng hơn một gang tay. Tên hải tặc với đôi mắt trợn tròn đầy kinh ngạc, hai tay chỉ kịp ôm lấy cái cán lao đầy máu, loạng choạng thối lui một bước rồi cả thân hình vạm vỡ của hắn ngả nhào xuống biển. Chứng kiến cảnh đồng bọn bị giết, hai tên hải tặc còn lại tay vẫn còn cầm dao búa, bỗng dưng hốt hoảng đi thụt lùi. Long công tử như một con cọp dữ chuẩn bị vồ mồi, hắn gào to, tiếng gào nghe thật ghê rợn rồi bước tới một bước, hai thằng hải tặc lui một bước. Trong lúc hai bên đang còn vờn nhau như vậy, đột nhiên giọng nói của Vinh máy nổ vang lên.

-Ông thầy, giao cái thằng cao cho tôi.

Hai chữ ông thầy vừa thoát ra khỏi miệng của Vinh máy nổ, như một tín hiệu từ thuở xa xưa nào đó, khi mà cả hai còn phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc mà Long công tử là căn cứ phó một trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Thiện Ngôn Tây Ninh, rồi sau đó là Đại đội trưởng một đại đội Biệt Động Quân, trong suốt bốn năm trường dài đăng đẳng, đã từng tham dự hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với Việt Cộng, coi cái chết nhẹ tựa chiêm bao. Còn Vinh máy nổ ở Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù, với hai câu thơ bất hủ đã đi vào lịch sử.

An Lộc địa sử ghi chiến tích.
Biệt Kích Dù vị Quốc vong thân.

Tiếng la của Vinh máy nổ như một động lực vô hình, một sức mạnh vô địch đẩy Long công tử phóng người về phía trước nhanh như gió. Cái bóng của Vinh máy nổ cũng vội vàng lao theo. Long công tử lúc bấy giờ là một con cọp đang dang rộng hai tay, kéo thằng hải tặc văng ra khỏi tàu mất hút dưới biển. Tiếp theo đó là Vinh máy nổ theo đà phóng, ôm chặt lấy thằng hải tặc còn lại, cả hai cùng lộn nhào trên không một vòng, rồi rơi tòm xuống lòng đại dương đen ngòm.

Tất cả mọi sự việc kinh hoàng chỉ diễn ra trong vòng vài phút, bốn thằng hải tặc đang ở bên tàu của tôi la to bằng tiếng Thái, tiếng la nghe đầy hoảng sợ, rồi cả lũ thi nhau nhảy xuống biển. Ngay lúc ấy, con tàu của bọn hải tặc rú ga phóng về phía trước, tôi nghĩ rằng thằng hải tặc lái tàu sẽ chở bọn đàn ông chúng tôi chạy thoát thân. Không ngờ chiếc tàu quẹo về bên phải, đánh một cái vòng chữ C, rồi nhắm vào bên hông con tàu của chúng tôi đâm vào. Tàu đánh cá của ngư dân Thái Lan thường trang bị động cơ sáu xi lanh, to như một con cá voi với mũi tàu nhọn hoắc vươn lên trời cao. Con tàu của chúng tôi là một con tàu nhỏ cũ kỹ chạy trên sông, nhiều chỗ mục nát muốn rệu rã với cái máy Yanmar F10 nhỏ xíu. Sau một chấn động kinh hoàng, con tàu của bọn hải tặc khựng lại một vài giây, trong khi tàu của chúng tôi đã vỡ làm hai mảnh, mấy cái thùng đựng nước bằng nhựa với vài tấm ván tàu nổi lềnh bềnh trên mặt nước, cùng lúc ấy thân thể của những người đàn bà và con nít đang từ từ chìm vào lòng đại dương sâu thẳm. Tận mắt chứng kiến cảnh đau thương tang tóc, cảnh người thân của mình bị chết thê thảm như vậy, những người đàn ông Việt Nam đang ở trên tàu của bọn hải tặc Thái Lan, kẻ trước người sau nhảy ào xuống biển.

Những tia nắng cuối cùng của một ngày cũng vừa tắt, màn đêm đen tối bao phủ cả bầu trời, biển đêm hoàn toàn im lặng, một sự im lặng đến rợn người, trong tận cùng khổ đau của tuyệt vọng, tôi nhắm mắt lao mình xuống biển, với chút hy vọng là sẽ tìm được vợ con.

Loading

Scroll To TOP