Headlines

CTBCTY Tập IV chương 41

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XLI
Buôn người

Mới đó mà vợ chồng tôi sống ở Sài Gòn đã hơn ba tháng. Tôi ngày đêm rong ruổi trên chiếc xích lô quanh Sài Gòn, nhờ đó mà biết được khá nhiều về những đường phố chính cũng như ngóc ngách của thành phố này. Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, nơi mà trước đây người dân Miền Nam vẫn thường tự hào gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông, với vựa lúa khổng lồ của đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cung cấp thực phẩm dư thừa cho cả Miền Nam. Bốn năm sau ngày giải phóng, người dân phải ăn độn bo bo, khoai mì, khoai lang, có thứ gì độn thứ đó, cả nước đói đến xanh mặt. Tôi đang hành nghề đạp xích lô, vào thời buổi này, người có tiền để đi xích lô cũng hiếm như lá mùa thu, đã vậy giá của một cuốc xe còn tụt xuống bậc thấp nhất. Một ngày lao động cật lực của tôi, đạp xe rã cẳng cũng chỉ kiếm đủ tiền mua gạo. Thực lòng mà nói được như vậy cũng đã quý lắm rồi, nếu đem so với những gia đình bị lùa lên vùng kinh tế mới, đói rét, bịnh tật, trốn về Sài Gòn sống lây lất nơi vỉa hè. Tôi chỉ muốn kể lại những gì mình đã chứng kiến chứ không có ý than phiền hay oán trách với ai. Phần tôi ngoài chuyện đạp xích lô nuôi sống gia đình, tôi còn có mục đích khác là dò tìm đường vượt biên. Hang cùng, ngõ cụt, đường lớn, hẻm nhỏ, nơi nào tôi cũng mò tới để nghe ngóng, thu thập tin tức. Từ chuyện hôm nay một chiếc tàu đăng ký bán chính thức, chở hơn năm trăm người tới được Mã Lai, cho đến ngày mai con tàu sắt chở tám trăm người đến được Hồng Kông. Tất cả những nguồn tin như vậy, tôi nghe mà lòng bán tín bán nghi, nghe như là nghe một tin đồn, bởi vì không thể kiểm chứng được. Những lời đồn như vậy gia tăng ngày một nhiều, nhiều đến chóng mặt.

Một ngày nọ, đang rỉ rả đạp xe tà tà kiếm khách trên đường Hiền Vương, ở đây tôi thích dùng tên đường cũ, cho dù tên đường có đổi hay không, tôi không thèm để ý đến. Một lần nọ khi ngang qua khu chợ trời Nguyễn Thông, bất chợt tôi nhớ đến anh thanh niên đòi mua cái máy bơm Yanmar F10 của tôi ở vườn rau Đa Thiện năm trước. Không ngần ngại, tôi hỏi một bà bán quần áo cũ ngồi bên lề đường.

-Ở đây dì có biết anh Vinh máy nổ không?

Người đàn bà không nhìn tôi.

-Vinh máy nổ hả? Đi thẳng tới ngã tư Kỳ Đồng hỏi, người ta sẽ chỉ cho.

Tôi gặp Vinh máy nổ, anh ta mình trần chỉ mặc độc có một cái quần cụt, mồ hôi nhễ nhại đang cúi người bên chiếc máy nổ chạy bằng dầu cặn. Lui cui, cặm cụi, vặn ốc, siết bù lon, quay máy, quay hoài máy cứ nằm lì ra đó ăn vạ, Vinh máy nổ đưa tay quẹt mồ hôi trán, nhăn mặt, co chân đá mạnh vào cái máy.

-Má mày.

Đang có ý định kiếmVinh máy nổ chuyện trò, hỏi thăm đường đi nước bước, gặp cảnh hắn đang nổi giận như vậy, tôi chỉ biết im lặng, ngồi yên trên xích lô đưa mắt nhìn.

Mồi một điếu thuốc, Vinh máy nổ ngồi xuống chiếc ghế đẩu, ngửa mặt nhả khói lên trời, bất chợt thấy tôi, hắn hỏi.

-Anh bạn cần gì?

Tôi không trả lời, nhìn Vinh với hy vọng hắn nhận ra tôi.

Thấy tôi ngồi yên, Vinh máy nổ đổi qua giọng nói đầy bực tức.

-Cha nội ở đâu tới đây, muốn gây sự phải không?

Thấy tình thế coi bộ không được yên, tôi vội nói.

-Anh Vinh không nhận ra tôi hay sao?

Nhìn tôi một lúc lâu, Vinh máy nổ hất hàm.

-Anh là ai, làm sao tôi biết được.

Tôi nhắc Vinh.

-Năm ngoái anh có lên Đà Lạt, muốn mua cái máy Yanmar F10 mới cáu chỉ của tôi ở ngoài vườn rau, nhớ không?

Sau một lúc suy nghĩ, Vinh xuống giọng.

-Cái máy thì tôi nhớ rồi đó vì nó quá tốt, còn anh thì tôi quên mất mẹ nó rồi.

Giọng nói của Vinh máy nổ đúng là giọng nói của dân giang hồ, tôi thở dài ngao ngán.

-Anh nói đúng, cái gì đáng nhớ thì mình nhớ. Hôm nay tôi đến đây chỉ muốn thăm anh, sau đó là mời anh ly cà phê.

Vinh máy nổ gật đầu cái rụp.

-Đi thì đi, má nó cái máy này nó hành tôi từ sáng tới giờ, phải nghỉ ngơi một chút, uống ly cà phê mới được.

Đưa mắt nhìn tôi Vinh hỏi.

-Ngồi đâu đây anh bạn?

-À…cái quán cà phê ở góc đường đàng kia, lên xe tôi chở đi.

Vinh máy nổ quay vô nhà nói lớn.

-Má thằng cu đâu, lên coi nhà chút xíu tôi đi công chuyện rồi về liền.

Hai ly cà phê đen đá được mang ra, tôi cầm muỗng khuấy cho tan đường, bưng lên làm một hơi.

-Cà phê gì mà đắng chát cả cổ.

Vinh nói.

-Nửa cà phê, nửa bắp rang, thêm xác cau khô xay nhuyển, đắng là phải rồi, nhưng mà có chút mùi cà phê cũng đỡ ghiền. Phải không anh bạn?

Tôi gật đầu.

-Anh nói đúng.

Nhìn quanh thấy quán vắng khách, tôi ngập ngừng thổ lộ tâm tình.

-Anh Vinh nè, tôi đến Sài Gòn này cũng được mấy tháng rồi, tìm đường vượt biên nhưng không có quen ai, hôm nay chợt nhớ tới anh, nhớ chuyện anh mua máy nổ gắn vô tàu vượt biên, nên tôi đến nhờ anh chỉ mối giùm.

Nhìn tôi lâu thật lâu như để đánh giá những gì tôi mới nói, Vinh dò hỏi.

-Anh ở gần đây không?

-Bên Tân Định.

-Ngủ vỉa hè hả?

-Không, tôi ở với bà chị họ bên ấy.

-Có hộ khẩu đàng hoàng không?

Tôi thoải mái trả lời.

-Đương nhiên là có rồi.

Vinh máy nổ tỏ vẻ tin tưởng.

-Coi bộ ngon à nhe, thời buổi này mà vô được hộ khẩu ở Sài Gòn, không phải là chuyện dễ, chung chi cho công an cũng bộn phải không?

Hỏi mà không cần nghe tôi trả lời, Vinh tiếp.

-Muốn nghe chuyện vượt biên hả? Miền Bắc như thế nào thì tôi không biết chớ ở Miền Nam này, ngày nào cũng có tàu vượt biên. Đi ngay sông Sài Gòn thì năm cây, Vũng Tàu ba cây, vùng bốn hai cây, một cây cũng có luôn. Nhưng mà, mười đường dây đi chui như vậy, chỉ có một là thiệt, chín cái còn lại là đồ dởm. Anh có dám chơi không? Nếu không thì còn một con đường này nữa, bin cái đường bán chính thức của nhà nước, mười hai cây. Đây là con đường chắc ăn như bắp, bảo đảm một trăm phần trăm là ra tới hải phận quốc tế, vì tàu có công an hộ tống. Sau đó thì chết chìm trên biển vì chở quá nhiều người, hay là gặp dông bão thì ráng mà chịu.

Nghe Vinh máy nổ nói một hơi, tôi vẫn còn bán tín bán nghi.

-Cảm ơn anh đã nói cho tôi biết rõ ràng mọi chuyện. Tôi muốn hỏi thêm về những người đi bán chính thức, họ là ai?

Vinh lên giọng.

-Anh có theo dõi tin tức qua đài BBC hay VOA, nói về boat people và những con tàu chở đầy người tỵ nạn không?

-Không.

-Vậy mà cũng bày đặt nói chuyện vượt biên, chuyện tôi kể sau đây anh sẽ không tin, nhưng mà đó là hoàn toàn thật. Năm ngoái có một con tàu tên là Southern Cross ghé Sài Gòn chở một ngàn hai trăm người Việt gốc Hoa đi bán chính thức, mỗi người đóng cho nhà nước mười hai cây.

Vinh máy nổ xoa hai tay vào nhau.

-Chỉ làm một chuyến thử nghiệm, sơ sơ ông nhà nước ẵm gọn hơn nửa tấn vàng một cách ngon lành. Còn chuyện mấy ông lớn chia chác vàng như thế nào thì không một ai biết được, nó thuộc bí mật nhà nước.

Tôi nhắc chừng Vinh.

-Anh không sợ hay sao? Nói nhỏ nhỏ thôi.

Với gương mặt tỉnh rụi Vinh nói.

-Chuyện này thiên hạ đồn rùm beng ai cũng nghe, chỉ có anh là không biết thôi. Mà nè chuyện chưa hết đâu, sau đó khoảng cuối tháng mười năm 78, thêm chiếc tàu Hải Hồng chở hơn hai ngàn năm trăm người, cũng là người Việt gốc Hoa, từ đồng bằng sông Cửu Long đi Indo hay Mã Lai gì đó. Mỗi người nộp mười sáu cây, chủ tàu bốn, nhà nước mười hai.

Vinh chắt lưỡi.

-Anh biết không, mười hai cây nghe thì ít nhưng nó nặng gần nửa kí lô. Nói cho gọn, một mạng người đổi lấy nửa kí vàng. Chủ tịch đảng hay Thủ tướng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nuốt gọn hơn một tấn vàng mà không bị mắc nghẹn. Ăn chừng đó vàng mà mấy ổng cũng không thấy no, sau đó lại có hàng trăm chiếc tàu Hải Hồng khác tiếp tục ra đi, mỗi chiếc chở theo năm, sáu trăm người, mỗi người lại đóng cho nhà nước nửa kí vàng.

Tôi ngạc nhiên quá sức.

-Đếm đầu người đổi lấy vàng, như vậy là buôn người rồi chớ còn gì nữa.

-Buôn hay bán gì thì tôi hoàn toàn không biết, nhưng đó là tin tức của đài BBC nói, dựa theo lời khai của những người đi trên tàu cặp bến Mã Lai. Phần tin tức này chính tai tôi nghe không bỏ sót một chữ.

Tôi hỏi thăm dò Vinh.

-Tôi với anh mới quen nhau, những chuyện bí mật như vậy anh đem kể cho tôi nghe, bộ anh không sợ tôi là công an chìm hay sao?

Với vẻ mặt đầy tự tin, Vinh máy nổ thản nhiên nói.

-Sợ mẹ gì. Hỏi nhỏ thôi, trước năm bảy lăm anh là lính Ngụy phải không?

Tôi lưỡng lự.

-Đúng.

Vinh cười với vẻ mặt hãnh diện.

-Tôi đoán có sai đâu. Cùng phe mà, đánh bài lật ngữa luôn nghe, không giấu giếm gì hết, tôi là trung sĩ nhất Liên đoàn tám mốt Biệt Kích Dù, tốt nghiệp Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Còn anh bạn?

Tôi nói.

-Anh lật bài, tôi cũng lật luôn. Trung úy Nguyễn trọng Quân, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Nhìn tôi với ánh mắt tựa như còn nghi ngờ.

-Sĩ quan Ngụy đang còn học tập mút mùa ở Miền Bắc, xuân thu nhị kỳ mới thả một ông quan bịnh hoạn sắp chết về, nói là đã học tập tốt, nên được nhà nước khoan hồng nhân đạo cho về đoàn tụ với gia đình. Có ông quan nào mà lang thang ở đây được, cha nội đừng có bày đặt hù tôi à nghen.

Không chần chừ tôi móc trong túi quần, lấy cái bằng tốt nghiệp của Tổng trại 8 tù binh Sông Mao được bọc plastic cẩn thận, đưa cho Vinh máy nổ.

Coi xong tờ giấy, thái độ của Vinh hơi thay đổi, giọng nói của hắn có phần xúc động.

-Hết đường bin rồi hay sao mà ông thầy phải đem thân đạp xích lô?

Không trả lời Vinh, tôi phân trần.

-Tôi với anh trước bảy lăm không quen biết, không cùng đơn vị, anh gọi tôi là ông thầy khiến tôi thêm xấu hổ.

Vinh máy nổ giải bày.

-Trước bảy lăm khi tôi ra trường, mang cái lon trung sĩ còn mới tinh về trình diện Tám mươi mốt Biệt Kích Dù. Ông thầy của tôi đã dìu dắt, hướng dẫn, nâng đỡ, đưa tôi vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, trong những ngày đầu binh nghiệp nơi chiến trường. Ông ấy là trung úy tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt. Giống hệt như ông.

Tôi biết là Vinh máy nổ đã hiểu lầm, hắn tưởng tôi là dân Võ Bị Đà Lạt. Trước năm 1975, nếu có ai tưởng lầm như vậy, tôi không đính chính mà còn nhận luôn. Bây giờ tuổi đã khá lớn, đã biết suy nghĩ chín chắn thì đâu phải ra đó, ngô ra ngô, khoai ra khoai. Không muốn nói dối với người không biết. Tôi xác nhận với Vinh.

-Tôi là trung úy tốt nghiệp Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, được thuyên chuyển về phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt, khác xa với ông thầy của anh là sĩ quan hiện dịch, tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Cùng là trung úy, nhưng tôi không thể nào sánh với ông thầy của anh được đâu.

Tôi ngồi xích lại gần Vinh.

-Tôi năm nay ba mươi, còn anh?

-Hai mươi tám.

Tôi nói.

-Gọi tôi bằng anh là tôi mừng lắm rồi.

Vinh máy nổ gật đầu, hắn nhỏ giọng.

-Không biết thì thôi, giờ đã quen nhau rồi, tôi muốn nói với anh Quân một chuyện quan trọng, tụi này có tổ chức một chuyến vượt biên, định qua Tết khi trời yên bể lặng là đánh. Tất cả mọi thứ hầu như đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ thiếu cái hải bàn, anh đạp xích lô đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, cố dò hỏi mua giùm tôi cái hải bàn. Giá nào cũng phải mua.

Tôi lập lại lời Vinh.

-Giá nào cũng phải mua? Nếu tìm được tôi chỉ cần đổi lấy ba chỗ trên tàu, anh đồng ý không?

-Anh cứ tìm đi, chuyện này để tôi bàn với ông chủ tàu rồi cho anh biết sau.

Tôi xin Vinh một miếng giấy và cây bút, viết địa chỉ của tôi ở Tân Định rồi trao cho Vinh.

-Tất cả mọi việc đều nhờ anh, có tin tức gì nhớ báo cho tôi biết.

Trước khi chia tay, tôi uống một ngụm cà phê đậm màu xác cau, cất tiếng gọi chủ quán tính tiền.

Vinh máy nổ khoát tay.

-Chuyện của anh là lo đi tìm cái hải bàn, ba cái thứ lẻ tẻ vụn vặt này, để tôi.

Kể từ đó, cứ dăm ba ngày là tôi ghé thăm Vinh máy nổ. Khi thì kéo ra quán kiếm chút cà phê, lúc thì ngồi tại nhà Vinh uống ly trà đá, bàn chuyện vượt biên. Tình thân giữa tôi và Vinh mỗi lúc một sâu đậm, gần như có thể tin tưởng lẫn nhau hoàn toàn.

Một hôm tôi ngồi ở nhà Vinh máy nổ uống trà, nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi mới có ý nhờ Vinh máy nổ.

-Anh Vinh nè, tôi có chuyện muốn nhờ anh.

-Chuyện gì vậy?

-Trước khi nhờ, tôi phải kể rõ cho anh nghe về hoàn cảnh gia đình của tôi. Vợ tôi là dân Sài Gòn, anh có nghe tên ông Bảy Ấn bao giờ chưa?

Vinh nhíu mày.

-Có phải ông ấy là ông vua nhà cửa ở Sài Gòn, trước năm bảy lăm không?

Tôi vội vàng nói.

-Đúng vậy.

Vinh hỏi.

-Anh nhắc tới ông già đó làm gì? Nghe đâu là ông ấy chạy đi Mỹ lâu rồi mà.

-Tôi phải nhắc bởi vì ông ấy chính là ba vợ của tôi.

Vinh trợn mắt.

-Anh em bạn với nhau lâu nay, biết nhau khá nhiều, khá thân thiết, sao anh cứ hù tôi hoài vậy.

Không cần phải vòng vo Tam Quốc nữa, tôi rù rì kể cho Vinh máy nổ nghe mọi chuyện kể từ tháng tư năm bảy lăm, lúc tôi và Cúc bị đuổi ra khỏi căn biệt thự ở đường Công Lý, đến lần đánh tư sản mại bản đợt hai hay ba gì đó. Tất cả tiền bạc tài sản của chúng tôi đều bị mất sạch, cuối cùng phải lưu lạc đến Tân Định sống, vợ tôi bán bánh căn, còn tôi đạp xích lô như anh biết.

Nghe xong chuyện, Vinh bùi ngùi.

-Tôi làm gì giúp anh được?

-Nhờ anh giới thiệu vợ chồng tôi với chủ tàu, chúng tôi muốn thương lượng với ông ta cho vợ chồng tôi đi, khi đến Mỹ sẽ trả tiền sau. Thú thật với anh, hiện tại ở Việt Nam này, gia tài của vợ chồng tôi chỉ có một lượng vàng, tiền bán cái máy Yanmar, cái máy này anh đã thấy rồi.

Vinh tiếp lời tôi.

-Biết, biết mà.

Tôi tiếp tục câu chuyện.

Tất cả tiền bạc của vợ tôi hiện còn ở ngân hàng ngoại quốc, số tiền này nhiều đến nỗi dám làm nghiêng nhà băng như không.

Vinh cười với giọng đầy khoái trá, hắn khen tôi.

-Anh cũng biết giỡn đó.

Tôi nói.

-Không có giỡn đâu, với chừng đó tiền, vợ chồng tôi trả cho chủ tàu một, hai chục cây, coi như mấy đồng tiền lẻ bị đánh rơi. Hơn nữa chủ tàu muốn đem theo chút tiền qua Mỹ sống, phải giấu giếm chỗ này chỗ nọ. Cho vợ chồng tôi đi theo, khỏe re, để vàng sờ sờ trước mắt mà không ai biết được. Chuyện quan trọng là anh Vinh tin lời tôi nói được bao nhiêu phần trăm.

Vinh nói.

-Tin anh thì tôi tin rồi, còn chủ tàu có chịu hay không lại là chuyện khác.

Tôi giải thích với Vinh máy nổ.

-Sở dĩ tôi phải thương lượng với chủ tàu, vì tôi đã lùng kiếm khắp cả Sài Gòn mà không thấy tông tích bất cứ cái hải bàn nào hết. Thời buổi này, tìm cho được cái hải bàn của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, còn khó hơn chuyện hái sao trên trời, mò kim đáy biển. Con đường duy nhất để vợ chồng tôi có thể đặt chân lên tàu vượt biên, là xin đi với điều kiện qua Mỹ sẽ trả tiền sau.

Vinh nâng ly trà ực một hơi.

-Yên chí đi, khi gặp chủ tàu tôi sẽ đem chuyện này bàn với ông ta. Còn được hay không thì tôi không biết.

Loading

Scroll To TOP