Headlines

CTBCTY Tập II chương 19

Chiến tranh bên cạnh tình yêu – Huy Van Truong

Chương XIX
Sáu năm, dâu bể trùng phùng

Chúng tôi gồm có vài trăm sĩ quan cấp úy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đi trình diện học tập cải tạo theo lệnh gọi của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, tất cả tụ tập trong sân căn nhà kính của Ủy ban quân quản Thành phố Đà Lạt.

Tôi đứng một mình trong góc sân, lặng lẽ quan sát cảnh mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò nổ như bắp rang, họ thản nhiên vui vẻ nói chuyện cứ như là đang tham dự một buổi họp mặt, mừng ngày hội ngộ sau nhiều năm xa cách. Trước khi đến đây, tôi tưởng chỉ có một mình tôi là sung sướng hạnh phúc, khi được đi học tập cải tạo mười ngày. Nào ngờ lúc nhìn thấy bầu không khí tưng bừng náo nhiệt của các vị sĩ quan cấp úy khi gặp nhau, tôi mới biết được là, mọi người đều có chung một tâm trạng giống như tôi.

Nhìn thoáng qua một vòng, tôi không thấy ai quen thân với mình, nhưng tôi lại biết mặt hầu hết các sĩ quan trình diện ngày hôm nay, bởi vì họ là những người dân của Đà Lạt. Trước khi vào lính những ông sĩ quan này phải là học sinh của Trường trung học Trần Hưng Đạo, trung học Việt Anh, trung học Trí Đức, trung học Bồ Đề, Lycée Yersin, hoặc là sinh viên của Viện đại học Đà Lạt. Nếu không là bạn học cùng trường với tôi, họ với tôi cũng đã từng gặp mặt nhau nhiều lần khi đi bát phố Hòa Bình.

Tôi đi vòng quanh sân với mục đích là tìm gặp những thằng bạn chung trường, chung lớp với tôi ngày xưa ở Trường trung học Trần Hưng Đạo, như là Nhân đầu bạc chẳng hạn. Tôi cần có một vài người bạn thân để chia xẻ ngọt bùi, để tối đến sau giờ học sẽ treo mùng gần nhau chuyện trò tâm sự, uống ly trà hút điếu thuốc.

Đúng hai giờ chiều, một anh cán bộ Việt Cộng mở cửa nhà, với giọng oang oang anh ta nói:

-Các anh tuần tự vào văn phòng nộp lại “Giấy chứng nhận”. Sau đó ra ngoài sân, sắp hàng đợi lệnh mới.

Mọi người ngoan ngoãn thi hành lệnh trong im lặng, trật tự. Khi vừa bước chân qua khỏi ngưỡng cửa của căn nhà, tôi choáng váng cả người như là bị điện giật, trước mặt tôi, ông Năm bánh xèo ngồi chễm chệ sau cái bàn làm việc, ông ta đưa mắt quan sát từng vị sĩ quan một, khi họ nộp lại tờ giấy chứng nhận. Đến lượt tôi, ông Năm bánh xèo cầm tờ giấy lật qua lật lại rồi đọc:“Nguyễn Trọng Quân”. Sau đó ông ta ngẩn nhìn tôi.

-Trung úy mạnh giỏi?

Tôi ngớ người, khi nghe câu hỏi phát ra từ miệng của ông Năm bánh xèo, đây là câu nói xã giao vui đùa, mà ngày xưa khi gặp tôi ông Năm thường hỏi.

Tôi ngập ngừng, nếu là ngày xưa câu trả lời của tôi sẽ là “Quá mạnh giỏi, còn chú Năm có khỏe không?”. Hôm nay thời thế đã xoay chiều, không còn là chuyện vui đùa của một ông bán bánh xèo và một trung úy nữa, mà là chuyện sống chết giữa một ông cán bộ của phe thắng trận và một trung úy hàng binh. Tôi lấy giọng, cố nói cho rõ ràng từng chữ.

-Thưa ông, tôi khỏe.

Ông Năm bánh xèo với gương mặt nghiêm nghị, nhưng giọng nói lại giống như đùa.

-Mỗi dĩa bánh của trung úy tôi bỏ vô ba con tôm.

Tôi đứng chết lặng không dám nói một tiếng, không biết ông Năm bánh xèo đang đùa hay nói móc mình đây. Ngày xưa, khi ăn bánh xèo nơi quán của ông Năm, tôi luôn luôn giữ gìn tư cách của một người sĩ quan, không bao giờ phách lối hay làm bất cứ việc gì có thể làm mất lòng ông. Hơn nữa, tôi đâu có dại dột phá phách lôi thôi, để bị quân cảnh còng đầu. Khi xét thấy mình hoàn toàn không có làm điều gì sai trái với ông ta, tôi mạnh dạn nói.

-Cảm ơn ông.

Ông Năm bánh xèo chỉ vào góc phòng, nói mà như ra lệnh.

-Trung úy đợi tôi ở đó.

Quay sang người sĩ quan đang đợi nộp lại giấy tờ, ông Năm bánh xèo lên giọng.

-Người kế tiếp.

Tôi đứng một mình trong góc phòng, nhìn các vị sĩ quan nộp lại giấy tờ mà trong lòng đầy phập phồng lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình.

Hơn nửa giờ trôi qua, chờ cho đến khi người sĩ quan cuối cùng bước ra khỏi phòng, ông Năm nói với tôi.

-Trung úy tới đây, tôi có cái này cho trung úy.

Tôi ngạc nhiên quá sức, một ông Việt Cộng nằm vùng thì có cái gì mà cho mình.

Cúi đầu lục trong cái xắc cốt một hồi lâu, ông Năm lấy ra một tấm hình.

-Tặng trung úy để làm kỷ niệm.

Tôi nhìn tấm hình màu khổ 6 x 9, rồi chợt nhớ ra đâu khoảng vài năm về trước, trong lúc tôi đang ngồi ăn bánh xèo, ông Năm đã nhờ một người khách, bấm cho tôi và ông một tấm hình. Chụp hình với ông bán bánh xèo chớ đâu phải với đào thì cần gì phải nhớ cho mệt óc, chụp xong tôi quên mất tiêu. Chuyện chụp hình hoàn toàn biến mất trong trí nhớ của tôi. Hôm nay lần đầu tiên tôi được thấy bức hình, trong hình tôi mặc bộ đồ tiểu lễ mùa hè, trên vai cặp lon trung úy màu vàng nổi bật trên nền nhung đen, thêm cái huy hiệu Trường Võ Bị Đà Lạt may nơi tay áo trái gần vai. Với chừng đó thứ cho dù người mặc bộ đồ trên, mặt mũi có xấu xí đến đâu, thoáng nhìn qua cũng thấy oai phong lẫm liệt. Ông Năm mặc áo sơ mi màu xám ngồi bên cạnh tôi, tay trái thân mật quàng qua vai, trông cứ như là bà con thân thích. Người lạ nhìn vào tấm hình, sẽ nghĩ đó là hai bác cháu, hoặc nếu không bác thì cũng phải là chú.

Đang miên man suy nghĩ, bất chợt tôi nghe giọng nói của ông Năm bánh xèo vang lên.

-Trung úy có biết tại sao Ngụy quân Ngụy quyền, bỏ của chạy thoát thân như một bầy vịt chạy đồng hay không?

-Thưa ông tôi không biết.

Ông Năm bánh xèo với giọng đắc chí.

-Cảm ơn trung úy nhiều, ngày xưa khi còn Việt Nam Cộng Hòa, tấm hình này là cái bùa hộ mạng của tôi, một đôi lần bị cảnh sát xét giấy tờ, dồn vào ngõ cụt hết phương vùng vẫy, tôi nhờ nó mà vượt qua nhiều cửa ải bố ráp của cảnh sát. Trên giấy tờ tùy thân, tuổi của tôi đã quá hạn phải đi quân dịch thế nhưng có tật giật mình, tôi sợ rằng nếu để mấy ông cảnh sát bắt về đồn để tiếp tục xét hỏi thanh lọc, sưu tra lý lịch có thể tôi sẽ gặp rắc rối. Với cái nghề “Vạch lá tìm sâu” biết đâu mấy tay mật vụ hay cảnh sát chìm sẽ mò ra cái gốc cán bộ nằm vùng của tôi, cho nên tôi chìa tấm hình ra rồi nói “Cháu của tôi là Trung úy An Ninh Quân Đội của Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi là cậu của nó, là người Quốc Gia chân chính. Mấy ông có thể quay điện thoại vô Trường để kiểm chứng”.Tuy nói cứng như vậy nhưng biết mình là người xài tiền giả, tôi xuống giọng “Thưa mấy anh, cùng là anh em một nhà với nhau hết mà, tứ hải giai huynh đệ, mời quý anh khi nào rảnh ghé quán bánh xèo của tôi ở đường Tăng Bạt Hổ, tôi sẽ đãi quý anh một bữa no nê”. Khi nghe tôi nói như vậy lại có thêm tấm hình làm bằng chứng, ông nào cũng mềm lòng xét qua loa rồi cho tôi đi.

Ông Năm bánh xèo ngưng nói một lúc, rồi hỏi tôi.

-Ngày xưa, trung úy làm gì trong Trường Võ Bị?

-Thưa ông, tôi làm ở Phòng hành quân.

Ông Năm bánh xèo cúi đầu nhìn xuống, kéo hộc bàn lấy ra gói thuốc và cái hộp quẹt.

-Như vậy trung úy không thuộc diện ác ôn. Ngày hôm nay tấm hình này đối với tôi không còn giá trị nữa, tôi tặng lại cho trung úy, chúc trung úy học tập tốt, mau trở về với gia đình.

Tôi đang đờ người nghĩ, tại sao ông Năm giữ kỹ tấm hình như vậy, rồi bây giờ lại cho tôi. Mục đích của ông là gì? Vì suy nghĩ như vậy nên tôi lấy hết can đảm, liều mạng hỏi ông Năm.

-Thưa ông Cách mạng đã thành công, ông không sợ tôi dùng tấm hình này để lừa dối Cách mạng, như ông đã làm với các cơ quan an ninh của Ngụy hay sao?

Với nụ cười bí hiểm, ông Năm nói với tôi, giọng nói huênh hoang đầy tự đắc.

-Trung úy chỉ được cái lo bò trắng răng, địch vận là nghề của tôi mà.

Tôi cảm ơn ông Năm bánh xèo rồi đi ra cửa, trước khi cất tấm hình vào ví, tôi liếc nhìn phía sau. Cái tên Trần Chiến với chữ ký bằng bút nguyên tử nằm ngay góc trái đập vào mắt, khiến tôi lạnh cả gáy.

Bốn giờ chiều, chúng tôi được chất lên hàng chục chiếc GMC, bốn chục sĩ quan được nhét vô một chiếc xe, đứng sát nhau như cá đóng hộp. Không cần phải giải thích, mọi người đều hiểu rằng đây là những chiếc GMC của Việt Nam Cộng Hòa bỏ lại. Xe lăn bánh chạy dọc theo hồ Xuân Hương, qua cà-phê Thủy Tạ, qua sân vận động rồi nhà ga xe lửa, một anh đứng phía trước sát với cabin xe, nhìn qua khe hở nhỏ tí xíu của tấm bạt.

-Chắc họ sẽ đưa tụi mình đến Trường đại học Chiến Tranh Chính Trị hay Trường Võ Bị Đà Lạt để học tập.

Được vài phút sau, một giọng nói khác vang lên.

-Xe đến ngã tư Phan Chu Trinh rồi các bạn, ủa mà sao lại quẹo phải. Đi đâu vậy?

Một vài tiếng xì xào bàn tán.

-Không lẽ xuống Phan Rang, dân Đà Lạt mà đem xuống Phan Rang để học tập, đi chi cho xa vậy?

Vì xe bị phủ bạt kín mít nên trong xe tối hù, không thấy rõ mặt nhau, nhưng tôi đoán chắc rằng gương mặt mọi người phải lo lắng băn khoăn ghê lắm. Khoảng mười phút sau, một giọng nói đầy mừng rỡ.

-Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến quý vị ơi, phải như vậy mới được chớ, đi đâu cho xa.

Chúng tôi xuống xe, được đưa vào những dãy nhà ngủ của khóa sinh Cảnh Sát Dã Chiến, phòng ốc ở đây rộng mênh mông, hai người một giường hai tầng. Sau khi ổn định chỗ ở đến phần phát cơm tối, mỗi người được lãnh một nắm cơm vắt to bằng trái cam. Đang sống sung sướng ở nhà, bữa cơm chiều đầy đủ cơm sốt canh nóng, chén bát đũa muỗng sạch sẽ, giờ đây đột nhiên mỗi ông quan tay bốc một cục cơm vắt lạnh ngắt, lòng dạ nào mà ăn cho được. Nhiều ông quan chê cơm nắm, cho rằng “Người quân tử chiếc chiếu trải không ngay, không ngồi” huống gì bốc cơm mà ăn như vậy coi sao được, bèn nhịn đói luôn cho được việc, họ đi ngủ với cái bụng trống rỗng. Ngày đầu tiên trong mười ngày học tập của sĩ quan cấp úy, trôi qua nhẹ nhàng êm đẹp. Chỉ còn chín ngày nữa là sĩ quan cấp úy chúng tôi sẽ trả xong nợ đời, món nợ không mượn mà phải trả.

Sáng ngày thứ hai của mười ngày học tập, nhiều người thức giấc khi trời còn mờ tối, lo làm vệ sinh cá nhân rồi chuẩn bị giấy bút sẵn sàng cho buổi học tập đầu tiên. Cũng vẫn là những gương mặt vui tươi hớn hở của ngày hôm qua, họ tụ tập trò chuyện với hy vọng tràn đầy. Mọi người chờ hoài chờ mãi, chờ cho đến trưa vẫn không được cho đi học, mà lại được hướng dẫn đi ăn cơm. Lệnh của cán bộ Việt Cộng, tất cả sĩ quan Ngụy đội hình di chuyển hàng một, mỗi người cách nhau một mét. Cứ khoảng vài chục mét lại có một anh bộ đội, súng AK mang trên vai đi ngoài hàng kiểm soát. Lội bộ chừng hơn vài trăm mét, chúng tôi đến nhà ăn, mỗi bàn một thau cơm, chút rau luộc, vài con cá khô. Mấy ông quan nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, cố nuốt cho trôi hết chén cơm vì bụng đói. Sau bữa ăn, mọi người phải tự rửa chén đũa của mình, giữ lại để dùng cho lần tới.

Đang lui cui rửa chén và đôi đũa nơi bể nước gần phòng ngủ, tôi giật mình vì có ai đó vỗ nhẹ vào vai của tôi.

-Cũng biết rửa chén nữa hả trung úy?

Tôi quay đầu nhìn lên, Trung úy Lợi Công binh Trường Võ Bị Đà Lạt đang tươi cười nhìn tôi, nụ cười như là chế giễu.

Tôi nói với Trung úy Lợi.

-Gọi mày với tao cho quen, cứ trung úy với đại úy, Việt Cộng nó đì cho xói trán bây giờ.

Trung úy Lợi hỏi tôi.

-Mày ở phòng nào?

Tôi chỉ cho hắn căn phòng tôi đang ở.

Trung úy Lợi nhìn theo hướng ngón tay trỏ của tôi.

-Chỗ mày còn giường trống không? Tao dọn qua ở với mày cho vui.

Tôi reo lên.

-Tao đang buồn vì không có bạn, gặp lại mày cứ như là “Tha hương ngộ cố tri”. Mày dọn qua lẹ lẹ lên, còn mấy cái giường bỏ không đó.

Trung úy Lợi sửa lưng tôi.

-Đừng có ăn nói tào lao, tao với mày đang ở tại Đà Lạt, trên đất nước của mình, tha hương cái nỗi gì. Mày phải nói là “Buồn ngủ gặp chiếu manh” mới được.

Tôi gật đầu.

-Mày nói phải, chiếu manh, chiếu cói, chiếu cạp điều hay chiếu gì cũng được, giờ thì mày làm ơn về phòng lấy hành lý đi, tao đợi mày tại phòng của tao.

Phải hơn một giờ đồng hồ sau, Trung úy Lợi mới đến, hắn đặt cái ba lô xuống đầu giường kế giường của tôi, cất giọng kể lể.

-Mày biết không, mọi người đều nói mặt mũi của tao coi cũng sáng sủa không đến nỗi nào, vậy mà tao làm chuyện gì cũng chậm lụt, khi di tản khỏi Trường Võ Bị Đà Lạt tao cũng chậm, rồi chuyện chạy trốn ra ngoại quốc tao còn chậm hơn, cho nên giờ phút này mới còn ở đây để gặp mày.

Tôi an ủi Trung úy Lợi.

-Mày tưởng tao ngon lắm chắc, tao còn đần hơn mày nhiều. Mà chuyện mày rời khỏi Trường Võ Bị Đà Lạt sau cùng là phải rồi, còn trách cứ gì ai, bởi vì nhiệm vụ của mày là đặt chất nổ phá hủy trường mà.

Tôi nhìn quanh, khi thấy không có ai tôi mới nói nhỏ vào tai của Trung úy Lợi.

-Tan tành hết phải không? Giống như cả chục phi tuần F 5 của mình dội bom chứ gì.

Trung úy Lợi với gương mặt thảm não.

– Trường Võ Bị Đà Lạt còn nguyên xi như mới, không chết một con kiến, cũng không hư một cục gạch.

Tôi ngồi đờ người ra.

-Mày nói láo cũng vừa thôi, chừng đó kí lô hợp chất C4 mà còn nguyên sao được. Công binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chứ đâu phải du kích Việt Cộng chỉ biết đặt mìn, đắp mô, phá hủy vài khúc đường rầy xe lửa.

Trung úy Lợi mồi một điếu thuốc.

-Mày có cà-phê không? Tao thèm quá.

Tôi đùa với Trung úy Lợi.

-Có, mà tao để ở Trường Võ Bị Đà Lạt rồi, mày làm ơn nhớ giùm là tụi mình đang đi học tập chứ không phải ngồi ở cà-phê Tùng hay cà-phê Thủy Tạ. Nói cho tao biết, tại sao mày không cho nổ Trường Võ Bị Đà Lạt.

Trung úy Lợi rít một hơi thuốc, chậm rãi kể.

-Tối hôm đó, sau khi uống cà-phê với mày tại Trung tâm Hành quân, tao cùng bốn ông lính công binh, là chuyên viên chất nổ, chạy xe dodge qua Nhà thí nghiệm nặng. Tại đây, vì còn dư quá nhiều thì giờ, tụi tao ngủ một giấc ngon lành chờ đến giờ hành động. Đúng chín giờ tối, tao bắt đầu cho đệ tử tháo dỡ hợp chất C4 xuống xe, lúc bấy giờ tao mới phát giác ra trong xe không có ngòi nổ với mấy cuộn dây dẫn điện.

Trung úy Lợi nhìn tôi.

-Mày biết không lúc đó tao tức điên người, giận đến nỗi run tay mờ mắt, chửi thề nhặng cả lên “Đù má, cuộn dây điện to như cái cối đá mà mấy ông nở lòng nào quên cho được, trước khi đi tôi đã kiểm soát lần cuối cùng, dặn tới dặn lui, ông nào cũng báo cáo đủ. Tại sao đến đây lại không có dây dẫn điện”. Một ông lính rụt rè nói với tao “Tại hấp tấp quá nên em quên”. Tao chụp cái ống liên hợp máy PRC 25 gọi về Đại đội Công Binh của trường. Gọi khan cả cổ mà không một tiếng trả lời, tao gọi máy về đại đội mà cứ như là gọi xuống âm ti, tức mình tao quăng mẹ nó cái ống liên hợp xuống ghế trưởng xa, chỉ vào hai người lính “Hai ông làm ơn lái xe dodge về đại đội lấy ngòi nổ và dây dẫn điện qua đây cho tôi, hai ông còn lại cứ tiếp tục công việc”.

Trung úy Lợi vứt cái tàn thuốc xuống đất, lấy chân giậm lên rồi nói với tôi.

-Mày biết rồi, từ Nhà thí nghiệm nặng đến Đại đội Công Binh khoảng chừng mười phút lái xe, vậy mà tao đợi hơn một tiếng đồng hồ vẫn không thấy tăm hơi của hai ông đệ tử. Tao cùng hai người đệ tử còn lại, ôm đống hợp chất C4 mà khóc ròng. Không máy PRC 25, không đặc lệnh truyền tin, không súng đạn, tụi tao như những thằng mù, điếc, câm. Đã hơn mười giờ rưỡi rồi mà tụi tao vẫn còn ở trong trường. Tao đoán rằng hai ông đệ tử của tao khi đến Đại đội Công Binh thấy cảnh vườn không nhà trống, mọi người đã chạy mất tiêu hết rồi, quá sức hoảng sợ cả hai bèn dọt luôn cho êm chuyện. Tao chỉ hơi buồn chút xíu là tại sao họ chạy mà đành đoạn bỏ thầy, bỏ bạn của họ ở lại. Mười một giờ đêm, khi biết chắc rằng hai ông lính của tao đã dông mất đất rồi, tao mới dẫn hai người lính còn lại chạy bộ ra khỏi trường. Ba thầy trò như những cái bóng ma vừa chạy vừa run, khi chạy ngang qua Vũ đình trường Lê Lợi, tao chỉ sợ lính của Tiểu đoàn An ninh chưa rút đi, còn đóng ở điểm kích 1511 phía sau lưng Đài Tử Sĩ tưởng mình là Việt Cộng thì bỏ mẹ, họ làm thịt ba đứa tao là cái chắc. Mày nhớ giùm tao, ban đêm di chuyển trong trường mà không biết mật khẩu, mật hiệu, kể như là chết chắc, chết chắc luôn. Cuối cùng sau mấy chục phút chạy muốn hụt hơi, mồ hôi đổ như tắm, tụi tao cũng thoát được ra khỏi cổng Lý Thường Kiệt, khu Chi Lăng vắng ngắt không một bóng người, dân chúng ở đây đã di tản tự lúc nào.

Trung úy Lợi nhìn tôi rồi nhắc lại.

-Trường Võ Bị Đà Lạt còn nguyên xi, không hư một cục gạch.

Tôi nói đùa với Trung úy Lợi.

-Như vậy là mày đã lập được công lớn với Cách mạng rồi.

Trung úy Lợi nghiêm sắc mặt.

-Đừng có nói giỡn, ở tù mọt gông đó mày, chuyện đặt chất nổ chỉ có tao với mày biết, tao là thủ phạm, mày là tòng phạm vì phối hợp kế hoạch với tao. Từ đây về sau, hai đứa mình cứ câm như hến là được, mày biết câu nói “Tai vách mạch rừng” rồi chớ gì.

Nhìn nét mặt đầy lo sợ của Trung úy Lợi, tôi nói.

-Biết quá đi chớ, nhưng tại sao đêm đó mày không gọi máy cho Trung tâm Hành quân?

Trung úy Lợi nhăn mặt.

-Trên đời này chưa có ai mà ngu như tao, máy PRC 25 cùng với đặc lệnh truyền tin tao đều để trên xe dodge, chuyện chết người là ở chỗ đó.

Những gì muốn biết, tôi đã biết rõ ràng tường tận. Tôi không muốn nghe Trung úy Lợi kể thêm về chuyện đặt chất nổ phá hủy Trường Võ Bị Đà Lạt trước khi di tản, nên chuyển đề tài.

-Dẹp mẹ chuyện đó qua một bên, mày đem thức ăn gì cho mười ngày.

Trung úy Lợi hỏi tôi.

-Mày hỏi làm gì?

-Tao đề nghị hai đứa mình góp thức ăn lại, ăn chung cho vui.

-Mày nói nghe được, tao có năm lon thịt hộp với mấy gói mì. Còn mày có gì?

Tôi mở cái xách tay lôi ra hũ ruốc kho sả.

-Tao chỉ có chừng này.

Trung úy Lợi thắc mắc.

-Cái thứ gì trong đó?

Tôi cười với Trung úy Lợi.

-Ruốc thịt heo kho sả.

Trung úy Lợi dùng cả hai tay bưng cái hũ ruốc lên, miệng cười toe toét.

-Mẹ nó, làm gì mà mày đem theo cái hũ ruốc to quá mạng như vậy.

-Món này vợ tao làm, tao chê là nhiều quá nhưng vợ tao cứ nhét vào cái xách tay của tao.

Trung úy Lợi gật gù cái đầu.

-Mày lấy vợ được bao lâu rồi.

-Mới hơn một tháng.

-Chắc vợ của mày ghét mày lắm, muốn mày học tập ba, bốn tháng thay vì là mười ngày, cho nên mới làm cái hũ ruốc to như vậy. Nhưng mà không sao đâu, yên chí đi tao sẽ ăn phụ với mày.

Tôi và Lợi thân với nhau kể từ đó.

Một ngày ở Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến trôi qua lẹ như cái chớp mắt, ăn trưa xong chưa kịp làm gì đã đến cơm chiều, ngày hôm sau lại cũng cơm trưa, rồi cơm chiều. Mười ngày trôi qua cái vù, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ, không nghe nói gì đến chuyện học tập.

Gần như là tất cả mọi người đều bắt đầu thắc mắc bàn ra tán vào. Nhiều câu nói đầy ngờ vực được đưa ra.

-Nếu mai hay mốt bắt đầu học, như vậy chắc phải hai tuần nữa sẽ được về.

Một giọng nói hơi bi quan cất lên.

-Tao nghi phải một tháng quá.

Một anh có máu tếu trong người, vọt miệng.

-Chắc phải ba năm.

Nhiều tiếng ồn ào phản đối.

-Thằng nào nói ba năm đó, miệng mồm ăn mắm ăn muối, chỉ được cái nói bậy là giỏi.

Chuyện học tập mười ngày coi như không có, mọi người tuy không nói ra nhưng đa số đều tin rằng chắc cũng phải học tập vài tháng. Khi đã có được niềm tin, mọi hy vọng sẽ đến, nhờ vậy mà sinh khí trong trại vẫn còn.

Qua buổi sáng của cuối tuần lễ thứ ba, hàng chục chiếc GMC bít bùng chở chúng tôi đến chỗ mới, theo lời của cán bộ Cộng Sản là tạo điều kiện cho chúng tôi học tập tốt hơn. Mọi người lại hy vọng, lần này sẽ là Trường Võ Bị Đà Lạt, vì chỉ có nơi đó mới đầy đủ phòng ốc cho hàng ngàn sĩ quan chúng tôi học tập. Khi xe ra khỏi cổng Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến sẽ quẹo trái để về Trường Võ Bị Đà Lạt như mọi người dự đoán, thì đoàn xe lại rẽ phải. Một bầu không khí yên lặng chụp xuống, tất cả ngơ ngác nhìn nhau “Đi đâu đây hở Trời”.

Sĩ quan cấp úy chúng tôi, trình diện Ủy ban quân quản Thành phố Đà Lạt, được đưa đến tập trung tại Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến, ở đây khoảng hai chục ngày. Suốt thời gian nói trên, chúng tôi chỉ học được một bài học duy nhất là viết bản lý lịch trích ngang hay trích dọc gì đó, dài hàng chục trang giấy, trong đó khai rõ lý lịch ba đời của dòng họ nhà mình và cả ba đời dòng họ bên vợ, viết đi rồi viết lại, viết cho đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. Cái khó cho chúng tôi là không một ai biết Việt Cộng yêu cầu cái gì, cho nên đã hai chục ngày qua, chưa có ông quan nào viết được bản khai lý lịch đạt yêu cầu như Việt Cộng mong muốn. Cho dù đó là quan kỹ sư, quan bác sĩ, quan dược sĩ, quan tiến sĩ…cũng bó tay luôn.

Giã từ Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến, đoàn xe GMC chở chúng tôi nối đuôi nhau giong ruổi trên con đường thiên lý, mãi cho đến chiều tối mới đến thị trấn Sông Mao thuộc tỉnh Phan Thiết, rồi ngừng lại tại trại gia binh của Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Đến đây tôi biết được một điều, chuyện học tập mười ngày đã trở thành chuyện cổ tích.

Theo lời của cán bộ quản giáo nói với tất cả sĩ quan cấp úy, để cho việc học tập được dễ dàng, đạt kết quả tốt, trại học tập phải được tổ chức theo lệnh trên.

Về nhân sự cũng như nơi ăn chốn ở, Trại học tập cải tạo Sông Mao, Phan Thiết, được chia ra làm ba Trại phân biệt rõ ràng: Trại A giam giữ sĩ quan Ngụy có cấp bậc đại úy, Trại B trung úy và Trại C thiếu úy.

Tôi ở Trại B trung úy, nên không biết rõ tổ chức của Trại A đại úy và Trại C thiếu úy như thế nào. Tôi chỉ biết rằng Trại B trung úy của tôi, được chia làm năm khối: Khối 1 Lâm Đồng, Khối 2 Bình Tuy, Khối 3 Ninh Thuận, Khối 4 Bình Thuận và Khối 5 Đà Lạt. Trước năm 1975, sĩ quan cư ngụ ở tỉnh nào sẽ về khối đó. Khối Đà Lạt của tôi có sáu tổ, mỗi tổ có mười sáu người, bắt đầu từ tổ 37 cho đến tổ 42. Như vậy toàn Khối 5 Đà Lạt có tổng cộng khoảng chín mươi sáu sĩ quan cấp trung úy. Khối sẽ có khối trưởng và khối phó, tổ sẽ có tổ trưởng và tổ phó điều hành, những vị sĩ quan này đều có thân nhân đi theo cách mạng khi khai lý lịch. Họ được cách mạng chỉ định giữ những chức vụ trên.

Khối trung úy Đà Lạt của tôi ở trong hai dãy trại gia binh nằm đối diện, cách nhau bởi một cái sân rộng, một dãy nhà gồm có nhiều căn. Cứ tám người ở trong một căn nhà bề ngang khoảng bốn mét, chiều dài chừng mười mét được chia làm ba phần: nhà trước, nhà bếp, phía sau là nhà vệ sinh và phòng tắm. Tường xây gạch, loại gạch đúc bằng xi măng có lỗ hổng ở bên trong, mặt tường không có tô hồ, mái nhà lợp tôn. Nhà có phòng tắm nhưng không có nước, sông Mao là vùng đất bán sa mạc, về mùa nắng giếng khô cạn cho nên mỗi tuần một lần, tù cải tạo được dẫn lên đập nước cách trại chừng vài cây số để tắm rửa và giặt quần áo.

Sau vài ngày xáo trộn lúc ban đầu, cuộc sống của tù nhân dần dần ổn định, 6 giờ sáng khi tiếng kẻng báo thức đánh lên, mọi người phải ra sân tập thể dục tập thể đúng mười lăm phút, sau đó vệ sinh cá nhân, lãnh phần ăn sáng để chuẩn bị 7 giờ đi làm lao động.

Sáng hôm nay, Tổ 37 của tôi đang sửa chữa hàng rào kẽm gai, ngay nơi cổng ra vào của Trại trung úy. Đám tù nhân chúng tôi phải làm lại hàng rào cho kiên cố hơn để giam giữ mình. Một ông cán bộ Cộng Sản nói với chúng tôi “Các anh đòi kềm, búa, kéo cắt sắt, bao tay để làm việc phải không? Trước đây chiến sĩ cách mạng tay không còn đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Hôm nay sĩ quan Ngụy các anh chỉ có làm cái hàng rào kẽm gai sơ sài như thế này mà đòi hỏi lung tung. Cách mạng còn nghèo không có những thứ ấy, các anh phải khắc phục khó khăn để hoàn thành công tác.”

Chúng tôi với tay không, cố gắng làm cho xong lớp hàng rào thứ nhất, sau đó đến lớp hàng rào thứ hai, rồi lớp thứ ba. Mặt trời lên khá cao chiếu ánh nắng chói lòa xuống đầu lũ tù, tôi đưa tay áo lên quẹt bớt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán.

Trung úy Lợi đưa bình nước cho tôi.

-Nhắp một chút cho đỡ khát đi mày.

Tôi cầm cáibi-đông nước, mà mắt không rời một đám người đang tiến về trại. Hàng trăm người chứ ít ỏi gì, tất cả đều mặc bà ba đen, chậm rãi di chuyển, trông họ giống như là đang cố lê bước chứ không phải là đi. Khi đoàn người đã đến gần, có thể trông rõ mặt, tôi chợt rùng mình nhìn lại mình, hơn hai tháng rồi bọn tù chúng tôi tuy có ốm đi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn đầy đủ hình hài vóc dáng của một con người. Đám người mới tới trông như là những bộ xương biết đi, những gương mặt tái mét vàng ủng, chỉ còn da bọc xương, đôi mắt lờ đờ lạc thần như những cái xác chết.

Một người trong Tổ 37 của chúng tôi lên giọng hỏi.

-Ở đâu tới vậy?

-Cà Tót.

Ba, bốn thằng Đà Lạt ngơ ngác nhìn nhau.

-Có thằng nào biết Cà Tót ở đâu không?

-Hình như là ở trong mật khu Lê Hồng Phong.

Một giọng cằn nhằn.

-Phải không đó, đừng có đoán mò nghe cha nội.

Cà Tót, cái địa danh lạ hoắc mà từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ nghe đến. Tôi nhìn đám tù mới với đôi mắt thờ ơ, vì biết rằng mình không có quen ai trong nhóm. Tôi định quay người tiếp tục làm việc, bất ngờ một người hai tay chống gậy, chầm chậm đi đến bên tôi.

-Quân bắp cải phải không?

Tôi ngớ người ra, cái biệt danh Quân bắp cải của tôi khi còn ở Quân trường Thủ Đức, chỉ có Biên, Long công tử và một số ít bạn bè trong đại đội cùng khóa với tôi biết mà thôi. Biên đã chết rồi, người trước mặt tôi có thân hình giống như là cái xác chết, nhất định không phải là Long công tử. Tôi nhìn kỹ người gọi tôi một lần nữa, trước mặt tôi là một bộ xương khô dơ dáy bẩn thỉu, người không ra người, ngợm không ra ngợm, hai con mắt của hắn thụt sâu vào như hốc mắt của cái đầu lâu, tóc tai rụng gần hết chỉ còn lưa thưa vài cọng, hai bàn tay gầy trơ xương nắm chặt lấy cây gậy đang chống xuống đất, hai bàn chân không giày không dép, dính đầy đất bùn, cả thân hình của hắn được che bởi bộ đồ bà ba đen rộng thùng thình. Tôi hoàn toàn không biết được gã tù đứng trước mặt mình là ai. Tại sao hắn lại biết cái tên Quân bắp cải.

Tôi hỏi hắn.

-Mày là ai? Sao biết tên tao?

Bộ xương không trả lời, vất cây gậy xuống đất rồi đưa cả hai tay ôm lấy mặt tôi, nước mắt từ trong cái hốc mắt vô hồn của hắn chảy tràn qua làn da đen sạm nhăn nheo, lăn dài trên đôi gò má hóp.

-Bắp cải à, mày không nhìn ra tao sao?

Tôi lắc đầu, hỏi lại hắn một lần nữa.

-Mày là ai? Cùng chung Đại đội sáu mươi hai với tao ở Thủ Đức phải không?

Cái thây ma trước mặt tôi thều thào.

-Tao là Long công tử đây.

Cái tên Long công tử lúc bấy giờ mới thực sự trở về trong đầu của tôi, kéo theo cả một dĩ vãng vàng son một thuở, đánh thức luôn thính giác của tôi. Thêm vài câu trò chuyện trao đổi, tôi nhận ra giọng nói ngọt ngào đầy tình cảm của Long công tử, đúng là giọng nói của hắn vào những ngày xa xưa khi tụi tôi còn ở quân trường Thủ Đức. Trong trường hợp này, tôi có mắt cũng như mù, thị giác của tôi có cũng như không, vì gương mặt và hình dáng bề ngoài của Long công tử đã thay đổi, khác biệt hoàn toàn với ngày xưa. Dang rộng hai cánh tay, tôi ôm lấy bộ xương mà nước mắt của mình chỉ chực tuôn tràn. Mắt của tôi mờ đi như bị bao phủ bởi một màng sương mỏng, tôi nói với giọng nói nghẹn ngào trong cổ họng, nhiều lúc tưởng như bị hụt hơi.

-Long công tử, mày làm gì để đến nỗi thân tàn ma dại như thế này, sáu năm hơn rồi phải không, kể từ ngày tao với mày rời xa đồi Tăng Nhơn Phú, sáu năm dâu bể đổi thay, đâu ngờ hôm nay tụi mình lại gặp nhau trong cảnh đọa đày đau xót, trùng phùng trong tù ngục thê lương bi thảm như vầy.

Long công tử đưa tay rờ tai, mắt, mũi của tôi, nó dùng mấy ngón tay chỉ còn da bọc xương với móng tay đầy cáu ghét, bẩn thỉu, lau mấy giọt nước mắt trên má của tôi.

-Mày chỉ thay đổi chút ít, không còn sữa nữa rồi.

Thương thằng bạn ốm đói, lòng đầy hoang mang, không biết Long công tử có được ở chung trại B trung úy với mình hay không, tôi vỗ nhẹ vào lưng của nó.

-Nói cho tao biết ngày ba mươi tháng tư, mày là đại úy hay trung úy.

Long công tử hỏi lại tôi.

-Mày hỏi cấp bậc của tao để làm gì?

Tôi từ tốn giải thích.

-Nếu mày còn là trung úy thì tụi mình sẽ được ở chung một trại, còn nếu là đại úy, mày phải qua trại khác.

Long công tử dịu giọng.

-Tao là trung úy.

Tôi mừng rỡ ôm chặt lấy hắn.

-Vậy là tụi mình được nhốt chung một trại rồi.

Loading

Scroll To TOP