CTBCTY Tập IV chương 43
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)
Chương XLIII
Qua cửa Thần Phù
Mười một giờ ngày 12 tháng 4 năm 1980, gia đình Vinh máy nổ gồm có bốn người và gia đình tôi có ba người, bắt đầu chuyến vượt biển. Từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, đoạn đường chỉ chừng 170 cây số, mà chúng tôi phải mất hơn 6 giờ mới đến nơi. Vừa xuống xe đang còn ê ẩm cả người sau mấy giờ ngồi bó gối một chỗ, tôi đã thấy một người đàn ông với gương mặt hiền lành chơn chất, nước da ngăm đen, áo sơ mi xám ngắn tay, ông ta đến bên tôi.
-Xe đạp ôm cậu Hai.
Tôi trả lời.
-Tôi đợi xe lôi.
Nhận ra mật khẩu, người đàn ông dẫn tôi ra khỏi đám đông rồi nói.
-Tôi tên là Ba Râu, được ông Dậu phân công đi đón mấy người.
Khi biết được người dẫn đường do Long công tử sắp đặt, tự nhiên tôi cảm thấy an tâm vô cùng.
Ông Ba Râu nói mà như là ra lịnh.
-Tất cả hãy đi theo tôi, nhớ chia làm hai toán riêng biệt, đừng có đi chung.
Nói xong ông ta dẫn chúng tôi đi dọc theo một con đường nhỏ, qua một khúc cua, ông chỉ vào một căn nhà khá rộng.
-Trước mặt là cái quán cơm bình dân, mọi người vào đó cứ yên tâm mà ăn uống, chủ quán là vợ của một người lính Ngụy. Nhớ ăn cho no vì phải đến gần trưa mai mới được ăn lại. Không có gì gấp, cứ từ từ mà ăn, bao lâu cũng được.
Ông Ba Râu ngưng nói, nhìn chúng tôi như chờ đợi có ai hỏi gì không, khi thấy mọi người đều im lặng, ông nói thêm.
-Phía sau quán có nước rửa mặt, có cầu tiêu, khi ăn xong qua bên kia đường, tôi đợi ở đó.
Tôi kêu hai dĩa cơm trắng, một miếng cá kho, Cúc và con gái của tôi ăn chung một dĩa. Tuy cả nước đang sống trong hoàn cảnh đói ăn, thiếu mặc, nhưng cái hào sảng của người dân ở đây vẫn còn hiện rõ trong dĩa cơm đầy ắp, cao như ngọn núi. Tôi đang ở tại một thành phố mà người ta gọi là Tây Đô, là trung tâm của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho nên những hạt gạo trong dĩa cơm coi bộ cũng trắng trẻo, tròn trịa, và hình như cũng thơm hơn những hạt gạo ở các tỉnh khác. Gác bỏ ngoài tai những lo âu của một chuyến vượt biên đầy hiểm nguy đang chờ đón, tôi có được bữa ăn tối no bụng và ngon miệng. Cách đó hai cái bàn, Vinh máy nổ và vợ con của anh ta cũng đang tận tình thưởng thức bữa cơm. Thời gian qua mau, bên ngoài mặt trời đã lặn từ lâu, hai ngọn đèn Neon trong quán chiếu ánh sáng trắng mờ xuống căn phòng, Vinh máy nổ trả tiền xong, dẫn vợ con đi về phía nhà sau. Chờ cho đến khi gia đình Vinh máy nổ trở lại, rồi dẫn nhau đi qua bên kia đường, lúc bấy giờ tôi mới thanh toán tiền cơm, cùng vợ con đi ra nhà vệ sinh.
Khi chúng tôi qua đến bên kia đường, đã thấy Vinh máy nổ và vợ con của anh ta đi được một khoảng khá xa phía trước.
Ông Ba Râu nói với tôi.
-Mấy người cứ đi theo sau tôi, cách vài chục thước là được rồi, đường đi cũng khá xa đó, mấy cây số chứ không ít đâu.
Sau cả giờ lội bộ, chúng tôi đến được một bãi đất rộng cỡ chừng cái sân quần vợt. Một chiếc xe chở hàng đậu ở góc sân, sát với lề đường. Chỉ vào những lùm cây bên đường, ông Ba Râu nói.
-Vào trong đó nằm nghỉ, tôi đi lo công chuyện lát nữa sẽ trở lại đón.
Tôi nhìn quanh, không thấy gia đình Vinh máy nổ ở đâu, trong lòng có hơi lo lo, tuy nhiên tôi vẫn kéo tay Cúc và con đi vào một bụi cây gần đó. Chúng tôi nằm nghỉ ngơi, sau một ngày di chuyển đầy mệt nhọc. Tưởng chỉ đợi chờ chút xíu, ai ngờ hơn cả giờ sau ông Ba Râu mới trở lại, đưa tay chỉ chiếc xe, ông ta nói.
-Bên tay phải của chiếc xe là bờ sông, hai người đi tới đó rồi theo bờ dốc mà đi xuống, sẽ thấy chiếc ghe đậu sẵn nơi đó. Nhớ chờ tôi đi xa rồi hãy đi.
Khi cái bóng của ông Ba Râu đã khuất trong màn đêm, tôi dẫn vợ con lần theo vệ đường đến gần chiếc xe, quả thật sau đó là triền dốc thoai thoải. Phía dưới sông một chiếc ghe khá lớn, với hai ngọn đèn bão thắp sáng nơi mũi ghe. Khoảng năm người, vừa đàn ông, vừa đàn bà, đang hì hục chuyền tay nhau những trái thơm từ ghe lên bờ. Tất cả đều im lặng, chú tâm làm việc. Tôi nghĩ thầm, tổ chức đưa đón người vượt biên như thế này quả thật là tuyệt vời, hàng hóa thì cứ từ ghe chuyển lên bờ, người thì cứ từ bờ mà xuống ghe. Vì nghĩ như vậy nên tôi tà tà bồng con gái của tôi đưa xuống ghe. Người đàn bà đang chuyển thơm dừng tay, bà ta nhìn tôi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên sửng sốt. Cũng cùng lúc ấy, có có người đập nhẹ lên vai của tôi rồi nói nhỏ.
-Lộn rồi ông nội ơi, ghe của mình ở bên kia chứ không phải ở đây đâu.
Tôi nghe giọng ông Ba Râu nói mà giựt mình toát mồ hôi, vội vàng ôm con quay người đi theo ông ấy gấp. Đi mà không kịp nhìn phản ứng của những người trên ghe chở thơm như thế nào.
Khi gia đình của tôi lên được chiếc ghe tam bản, chun vô cái mui lợp bằng tre ở giữa ghe, tôi đã thấy gia đình Vinh máy nổ ở trong đó rồi. Chiếc ghe nhỏ xíu chỉ chở được bốn người lớn và ba đứa con nít, mà đã chật ních. Ba Râu đứng sau đuôi đẩy nhẹ mái chèo, chiếc ghe từ từ rời bến.
Nếu tôi nhớ không lầm thì đêm nay là 27 hay 28 âm lịch rồi, chỉ còn một, hai ngày nữa là qua tháng ba, tháng của bà già đi biển. Những ngày cuối tháng của âm lịch, không trăng không sao, bầu trời tối đen như mực, giữa không gian bao la tĩnh mịch, tôi ngồi lặng yên mắt nhìn vào khoảng tối mênh mông, tai nghe tiếng mái chèo khua nước đều đặn. Càng về khuya âm thanh của nó nghe càng lúc càng rõ hơn, thỉnh thoảng lại có tiếng cá quẫy nước trước mũi ghe, làm tăng thêm cái im vắng của đêm dài. Trong bóng đêm dày đặc, tôi bò chầm chậm về phía đuôi ghe, nơi ông Ba đang đứng chèo.
-Ông Ba nè, còn bao lâu nữa mới tới điểm hẹn.
Giọng nói của ông Ba, nghe như là hơi thở của gió sông.
-Còn lâu lắm, ít ra phải chiều mai mới tới.
-Xa dữ vậy sao ông?
-Xa chớ, tính ra phải chèo ròng rã gần một ngày một đêm đó cậu.
Tôi nêu thắc mắc với ông Ba.
-Bộ hổng có cách nào khác, mau hơn hay sao?
-Có chớ, nhưng mà ông Dậu muốn tuyệt đối an toàn nên chọn cách này.
-Như vậy khi lên được tàu lớn, mình bỏ chiếc ghe này phải không?
Vẫn với giọng trầm trầm.
-Tôi đâu có đi, nhiệm vụ của tôi là chở người đến chỗ hẹn, Khi mấy người lên tàu lớn xong xuôi, ông Dậu sẽ trả tiền công cho tôi.
-Như vậy, ông Ba phải chèo ghe thêm một ngày một đêm nữa để trở về.
-Đúng như vậy.
Tôi chắt lưỡi.
-Chèo đi và về suốt mấy ngày đêm như vậy, ông được trả bao nhiêu tiền?
-Hai chỉ.
-Tai sao ông không leo lên tàu lớn đi vượt biên luôn.
Có tiếng thở dài của ông Ba trong đêm vắng.
-Tôi còn có bổn phận lo phụng dưỡng mẹ già. Mẹ của tôi đau yếu quanh năm, nếu tôi bỏ đi, ai lo cho bà. Hai chỉ vàng cho chuyến đưa khách này là một số tiền lớn, đủ cho tôi sửa lại cái mái nhà đã mục nát, còn dư chút đỉnh dùng để lo thuốc thang cho mẹ.
Tôi ngã lưng xuống sàn ghe, nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ mà trong lòng vẫn còn vướng bận chút ưu phiền. Tôi ngủ một giấc ngon lành, cho đến khi trời mờ sáng mới giật mình thức dậy, ông Ba vẫn đứng đó, hai tay đều đặn đưa đẩy mái chèo. Tôi biết ông Ba đã thức nguyên đêm, chèo ghe không nghỉ, vậy mà gương mặt của ông trông vẫn bình thường, không một chút gì gọi là mệt mỏi. Lúc này thì mọi người trong ghe đã bắt đầu thức giấc, Vinh máy nổ múc một thau nhỏ nước sông, cho mọi người rửa mặt.
Ông Ba Râu vừa chèo ghe vừa lên tiếng căn dặn mọi người.
-Khúc sông này còn nhiều ghe xuồng qua lại, mấy người thay phiên nhau mà rửa mặt đừng có bò ra khỏi mui ghe, lát nữa khi đến chỗ nghỉ ngơi, lúc đó ai muốn làm gì thì làm.
Tuy nói vậy mà phải mấy tiếng đồng hồ sau, ghe mới tấp vào một doi đất cây cối um tùm. Ông Ba Râu lấy trong bị ny lông, phát cho mỗi người hai nắm cơm vắt.
-Ở đây rất là an toàn, ít ghe tàu qua lại, mọi người có thể chun ra khỏi mui, ngồi trên ghe ăn cơm. Tôi phải nghỉ một chút cho lại sức, khoảng một giờ nữa mình sẽ tiếp tục đi.
Nói như vậy nhưng mãi cho đến khi mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, ông Ba mới bắt đầu cho ghe di chuyển. Tôi nhìn quanh, dòng sông rộng mênh mông từ bên này bờ qua bờ bên kia có thể hơn một cây số. Đó là do sự ước đoán của tôi mà thôi, còn trên thực tế, sông rộng bao nhiêu tôi không rõ. Ghe đi khá xa bờ, trên sông tàu bè ngược xuôi không nhiều lắm. Khi mà mặt trời bắt đầu lặn ở cuối chân trời, ông Ba chỉ vào một cái cồn to thật to ở giữa sông.
-Mình đã đến điểm hẹn, tối nay khoảng tám giờ tàu lớn sẽ đến. Bây giờ tôi sẽ cho ghe tấp vô cái cù lao đó để nghỉ ngơi, chờ tàu đến rước.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, êm đẹp. Mới gần tám giờ, giữa đêm tối mịt mù có tiếng động cơ của máy Yanmar nổ giòn mỗi lúc một gần hơn. Ngày xưa lúc được phóng thích khỏi Tổng trại 8 tù binh, trở về Đà Lạt tôi làm vườn ở Đa Thiện, ngày ngày tưới nước bằng cái máy Yanmar F10 cho nên tôi rất quen thuộc, nghe tiếng nổ của máy là tôi nhận ra ngay.
Giữa đêm đen, tôi thấy ánh đèn pin chớp tắt ba lần. Ông Ba cũng vội bấm đèn ba lần. Vài phút sau, ghe của tôi và tàu đã đến gần nhau. Giọng của Long công tử từ bên tàu hỏi vọng sang.
-Quân với Vinh phải không?
Cả hai đứa tôi đều nói.
-Đúng.
Chiếc tàu do Long công tử lái chạy chậm chậm như ngừng lại, ông Ba chèo ghe cặp sát hông tàu. Con gái của tôi và Cúc được đưa lên trước, sau đó là gia đình của Vinh máy nổ, tôi là người cuối cùng leo lên tàu.
Trên tàu hoàn toàn trống vắng, chỉ có vợ con của Long công tử, tôi đoán vậy vì tôi chưa gặp mặt vợ hắn bao giờ. Sau một lúc chuyện trò, trao đổi tiền bạc với ông Ba, Long công tử cho tàu tách khỏi ghe của ông Ba rồi dọt mau về phía trước.
Tôi đi đến bên Long.
-Sao không thấy ai hết vậy?
Long trả lời tôi.
-Chạy khoảng một giờ nữa, tụi mình sẽ đón thêm hai gia đình, già trẻ lớn bé khoảng mười người, sau đó sẽ là gia đình chủ tàu và tài công gồm có tám người, tổng cộng có tất cả là hai mươi tám người trên chiếc tàu này.
Quá chín giờ, tàu nhận thêm hai gia đình mà chỉ có tám người, gần một giờ sau thêm gia đình ông Hòa chủ tàu.
Vừa gặp mặt Long công tử, chủ tàu đã vội vàng nói.
-Mẹ nó thằng tài công biến đâu mất, tôi đợi nó cả buổi chiều mà không thấy. Giọng của chủ tàu đột nhiên như than thở.
-Khổ một điều là cái hải bàn lại do nó giữ, mới mệt cho mình.
Vinh máy nổ hỏi chủ tàu.
-Không có tài công, không có hải bàn, mình phải làm gì bây giờ?
Ông chủ tàu với nét mặt đầy bối rối.
-Tôi đang muốn điên cái đầu, không biết phải giải quyết như thế nào. Mất cả hai năm tính toán, sắp xếp, chuẩn bị, cuối cùng không đi được chỉ vì một sai lầm nhỏ tý xíu hay sao.
Nhìn Long công tử, chủ tàu nói.
-Đây là cơ hội ngàn năm mới có một, không thể bỏ qua, tụi mình phải đi thôi.
Vinh máy nổ hỏi vặn chủ tàu.
-Ông định làm tài công phải không?
Lắc đầu lia lịa, chủ tàu chỉ Long công tử.
-Ông Dậu lái chứ tôi mà lái cái nổi gì.
Vinh máy nổ nói.
-Nè ông Hòa ơi, ông có nằm mơ hay không? Bắt ông Dậu lái tàu ra khơi vượt đại dương, khác nào ở trên đất liền, có một chiếc xe chở hành khách với ba chục chỗ ngồi, đổ đèo mà không có tài xế. Ông biểu lơ xe phải cầm tay lái, đã vậy ông còn bịt mắt anh lơ xe. Nếu xe xuống hết đèo, mà tai nạn không xảy ra, thì đó phải là một phép lạ.
Chủ tàu phân bua với Vinh máy nổ.
-Trong một chuyến vượt biên chui, công việc quan trọng nhất là đón khách, tám mươi phần trăm thất bại là ở chỗ này. Tối nay công tác đón khách do ông Dậu làm, đã hoàn thành tốt đẹp. Kế tiếp là chuyện, từ đây ra tới biển còn có hai trạm công an, một cái cách cửa biển gần ba mươi cây số, tôi đã cúng cho nó ba cây. Còn trạm công an gần cửa biển, bọn cô hồn sống này đòi bảy cây nữa mới chịu nhắm mắt làm ngơ. Chính bản thân tôi sẽ đứng trước mũi tàu vẫy tay như một ám hiệu, khi tàu của mình đi qua hai trạm công an đó. Vàng thì họ đã lấy rồi, nhưng chuyện cho mình đi hay bắn mình chết, còn tùy vào mệnh trời. Đêm nay nếu tàu của mình không qua cửa ải, anh Vinh có trả lại cho tôi mười lượng vàng, mà tôi đã chi cho công an hay không?
Lúc này Long công tử mới lên tiếng.
-Cãi nhau cho đến sáng cũng không giải quyết được vấn đề, mình phải quyết định ngay lập tức, có đi hay không?
Chủ tàu sau một lúc do dự, ông ta bèn đẩy trách nhiệm cho Long công tử.
-Tất cả mọi việc đều do ông Dậu quyết định.
Long công tử vừa lái tàu vừa nói với giọng ôn tồn.
-Ông Hòa à, trước năm bảy lăm, tôi là trung úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phan văn Dậu là tên giả.
Tháng ba năm sáu chín, tôi tốt nghiệp Trường Bộ binh Thủ Đức, tình nguyện đi Lực Lượng Đặc Biệt. Cuối năm bảy mươi, binh chủng này giải tán, tôi về binh chủng Biệt Động Quân. Cấp bậc và chức vụ cuối cùng của tôi là, Trung úy đại đội trưởng một đại đội Biệt Động Quân. Sở dĩ tôi phải giải thích đầu đuôi rõ ràng như vậy, vì với chức vụ đại đội trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến mạng sống của hàng trăm binh sĩ dưới quyền. Đại đội của tôi đụng trận với Việt Cộng không biết bao nhiêu lần, trong cảnh bom rơi đạn nổ, cận kề với tử thần, tôi chưa một lần nao núng, chưa một lần cảm thấy lẻ loi đơn độc, vì biết rằng có hàng trăm binh sĩ đang cầm súng chiến đấu bên tôi.
Long công tử bất chợt chỉ vào đám hành khách, rồi mới nói tiếp.
-Hôm nay, trên con tàu này, với khoảng hơn hai chục người, có được mấy người… sống chết với tôi. Tôi thật sự phân vân lưỡng lự. Nhưng mà xét cho cùng, tự do thì phải trả bằng mạng sống của mình mới có được, từ sau năm bảy mươi lăm, đã có hàng triệu người dân Việt Nam, họ thà chết trên biển cả để đổi lấy tự do. Thì tại sao một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như tôi, lại không dám làm. Tôi sẽ lái tàu vượt biển, còn chuyện có đến được bến bờ tự do hay không, còn tùy vào mệnh trời như ông Hòa đã nói.
Vinh máy nổ bắt tay Long công tử.
-Yên chí đi, tôi đứng sau lưng của ông, Tám mươi mốt Biệt Kích Dù cũng từ Lực Lượng Đặc Biệt mà ra. Mình phải đánh một trận cuối cùng cho oai hùng trước khi đầu hàng số mệnh. Nhất định không để phải cúi đầu nhục nhã như tháng tư năm bảy lăm.
Nhìn thẳng vào mắt Long công tử, Vinh máy nổ với nụ cười đầy bí mật.
-Tôi có một món quà đặc biệt tặng ông.
Nói xong, Vinh máy nổ lục trong túi lấy ra một cái địa bàn của lính bộ binh Việt Nam Cộng Hòa.
-Cái địa bàn này nó theo tôi từ khi tôi về Tám mươi mốt Biệt Kích Dù. Sau bảy lăm, tôi giữ nó làm kỷ niệm, giấu kỹ cho đến bây giờ.
Vinh máy nổ và Long công tử nhìn vào cái địa bàn, rồi cả hai cùng cười to. Giữa đêm khuya vắng lặng, tiếng cười đầy sảng khoái của họ vang vang trên dòng sông, nghe như cả một thời chinh chiến kiêu hùng của ngày xa xưa cũ vẫn còn hiện diện đâu đây.
Dứt tiếng cười Long công tử nói.
-Anh Vinh lo phần máy móc, nhắc nhở tôi phải làm gì, chạy như thế nào. Tôi biết cái máy Yanmar F10 này quá yếu, quá cũ, cho một chuyến vượt biên dài ngày trên biển.
Quay sang tôi.
-Quân, mày lo phần kiểm soát và phân phối thực phẩm, quan trọng nhất là nước uống, mình chỉ có một phuy nước sông và một thùng nhựa chứa hai mươi lít nước mà thôi. Chừng đó nước ngọt cho hơn hai chục người, chính xác là hai mươi ba người,phải không? Tất cả đều do mày định liệu.
Trong đêm khuya tĩnh mịch tiếng máy tàu nổ đều đặn, đưa con tàu hướng ra cửa biển.
Khi mà ông Hòa đứng trước mũi tàu, vẫy tay lần thứ hai, trời cũng bắt đầu sáng, mặt trời ló dạng ở phương đông, chiếu những tia nắng màu hồng rực rỡ cả một góc trời, tôi biết tàu đang qua cửa biển. Đột nhiên tôi nhớ đến câu ca dao được truyền tụng trong dân gian.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù.
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Ở đây tôi chỉ muốn nói đến nghĩa đen của câu ca dao mà thôi, Thần Phù là cửa biển thuộc tỉnh Ninh Bình, Miền Bắc Việt Nam. Ngày xưa hàng chục thế kỷ trước, từ đồng bằng sông Hồng vượt biển vào Nam, khi qua đây, người ta sợ hãi những đợt sóng to gió lớn nơi cửa biển sẽ làm chìm tàu. Hôm nay chúng tôi vượt biển trên một con tàu nhỏ, ngoài chuyện dông tố bão bùng còn phải đối diện với nạn bắt bớ, giam cầm, tù đày của công an Cộng Sản Việt Nam, rồi nạn cướp của, hiếp dâm phụ nữ của hải tặc Thái Lan, cả hai đều tàn bạo man rợ như nhau. Nếu so ra, ở vào thế kỷ thứ hai mươi này vượt biển lánh nạn Cộng Sản, còn thập phần nguy hiểm hơn sóng gió nơi cửa biển Thần Phù cổ xưa.
Kiến thức về địa bàn và phương hướng trong Trường Bộ binh Thủ Đức, kinh nghiệm nơi Trường Võ Bị Đà Lạt, cho tôi hiểu rõ về phương hướng và tọa độ. Mặt trời đứng ngay trước mũi của con tàu, tôi biết chúng tôi đang đi đúng hướng
Tôi ngoảnh nhìn hai bên bờ sông, mù khơi xa tít là đất liền, cửa biển rộng mênh mông ước chừng vài cây số. Rời bỏ quê cha đất tổ, ngậm ngùi nói câu giã từ Việt Nam, giã từ nơi đã cưu mang tôi hơn 30 năm, vui buồn khổ đau lẩn lộn. Và cũng vui mừng hớn hở nói lên mấy chữ “Vĩnh biệt nhà tù hình chữ S”.