Headlines

CTBCTY Tập III chương 27

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXVII
Nhảy núi

Bảy giờ tối, chúng tôi đang ngồi sinh hoạt kiểm điểm ở sân của khối 5 Đà Lạt, quản giáo Thành bất ngờ xuất hiện, ông ta ra dấu cho mọi người im lặng rồi nói.

-Trong khối này, có anh nào biết kẻ chữ, kẻ bảng hiệu không?

Nhanh như con sóc, một cánh tay đưa lên trời.

-Tôi biết.

Giọng quản giáo nói mà như ra lệnh.

-Anh gì mới đưa tay lên đó, đến hội trường gặp tôi ngay lập tức.

Tôi nhìn thật kỹ, người đưa tay là Sơn Fulro, hắn thản nhiên rời khỏi chỗ ngồi, đi thẳng về phía hội trường mà không nói một lời nào với khối trưởng. Lệnh của quản giáo lúc nào cũng mang đầy uy quyền đối với tù nhân, giống như là thánh chỉ của vua ban xuống, không cần biết khen thưởng hay xử phạt, tù nhân cứ nhắm mắt mà thi hành, khỏi cần phải hỏi han lôi thôi.

Tôi nghĩ thầm, không biết Sơn Fulro học được cái nghề kẻ khẩu hiệu hồi nào mà hắn khá tự tin khi xung phong đi làm, không một giây do dự.

Buổi họp kiểm điểm, bình bầu cá nhân xuất sắc thường ngày của khối, được kết thúc bằng một bài hát đầy hồ hởi phấn khởi, do hàng trăm cái miệng đói ăn của tù nhân đồng loạt cất lên. Tất cả phải rống cho thật to mới đạt yêu cầu.

Ta xuất trận trong tiếng kèn chiến thắng.
Khắp Miền Nam ngọn lửa cháy trong tim.
Đốt quân thù trong cơn bão tố.

Sau hơn nửa năm học tập cải tạo trong trại tù Sông Mao, tôi cũng như mọi người thuộc được non mười bài hát của Việt cộng, thêm một mớ chữ mới tối nghĩa mà chúng tôi phải cố nhét vào đầu và tập dùng cho quen. Chẳng hạn như một lần nọ, tôi nghe anh vệ binh dẫn chúng tôi đi lao động nói to “Các anh đi cứ linh tinh lang tang như một đàn vịt, đi cho đúng vào trọng tâm.” Sau khi được vệ binh nhắc nhở, chúng tôi đi theo thứ tự hàng một, và tin rằng đã đi đúng trọng tâm.

Khi bài hát chấm dứt, mọi người lục đục kéo nhau về phòng. Chưa đến giờ ngủ, tôi đi ra sân sau của tổ 37, ngồi dựa lưng vào tường ngắm trăng sao trên trời, nhớ đến vợ và đứa con chắc cũng vừa mới chào đời ở Đà Lạt. Dưới ánh sáng nhàn nhạt của vầng trăng vàng úa treo lơ lững giữa trời, tôi thấy Sơn Fulro đang tà tà đi đến chỗ tôi, hắn thong thả ngồi xuống bên cạnh rồi hỏi.

-Ngày mai, mày muốn lên hội trường kẻ khẩu hiệu không? Tao đã xin phép quản giáo Thành cho một thằng phụ tá, giúp tao trong công tác đó.

Tôi nói với Sơn.

-Từ nhỏ đến giờ, tao chưa bao giờ cầm đến cây cọ. Đi kẻ bảng hiệu, tao không làm được đâu.

Sơn Fulro cười.

-Mày chỉ giúp tao trải  mấy tấm vải xuống đất, căng cho thẳng, khuấy sơn cho đều, tất cả mọi việc khác tao bao hết. Công việc sẽ kéo dài vài tuần, tụi mình ngồi làm việc trong hội trường, mát mẻ nhẹ nhàng hơn là lao động cuốc đất ngoài nắng nhiều, mày còn đòi hỏi gì nữa.

Tôi hỏi Sơn.

-Tại sao mày không chọn mấy thằng trong nhóm lực sĩ của mày, mà lại kêu tao phụ giúp.

Sơn Fulro chau mày như suy nghĩ một hồi.

-Mấy thằng đó với tao tuy là đồng sàng nhưng dị mộng, tụi nó bộp chộp, nóng nảy, lúc nào cũng chỉ muốn trốn trại, trốn càng sớm càng tốt, thậm chí cướp súng AK bắn nhau với Việt cộng cũng chơi luôn. Tao không muốn như vậy mà làm việc phải cẩn thận, phải có kế hoạch đàng hoàng. Tao chấm mày vì mày tương đối hiền lành, đằm tính hơn mấy thằng hảo hán Lương Sơn Bạc bên tổ của tao.

Tôi vốn nhát gan, rất sợ khi nghe ai đó bàn đến chuyện chống đối và trốn trại, nên vội vàng gật đầu, rồi nói với Sơn.

-Gì chứ khuấy sơn cho đều thì tao làm được, tao sẽ đi kẻ khẩu hiệu với mày.

Sơn đứng lên, hắn nói to.

-Mày đồng ý rồi phải không? Vậy thì bây giờ tao phải đi gặp và thông báo với khối trưởng, kể từ ngày mai tao với mày sẽ làm công tác vẽ bảng hiệu ở hội trường, thời gian khoảng hai tuần. Sáng mai tao qua rủ mày đi làm.

Buổi sáng khi mà mọi người trong khối đều đã đi lao động ở bên ngoài, bỏ lại hai dãy phòng ngủ chìm trong im lặng, lúc bấy giờ tôi và Sơn mới thong thả đi đến hội trường. Chưa đến tám giờ, hãy còn sớm hai đứa nằm dài trên bục gỗ gác cẳng lên trời, nói chuyện ngày xưa chờ quản giáo Thành. Mãi cho đến khi mặt trời đã lên cao ngang nóc của hội trường, chiếu ánh sáng chói lòa xuống tận chỗ tôi nằm, lúc bấy giờ mới thấy quản giáo Thành đến, theo sau ông ta là hai tên bộ đội tay xách vai mang, lủng củng lỉnh kỉnh nào là vải vóc, thùng sơn, cọ vẽ. Tất cả đều hấp ta hấp tấp đi mà như bị ma đuổi. Quản giáo Thành mồ hôi nhể nhại, lấy trong xách cốt đeo bên hông tấm giấy vở học trò đưa cho Sơn Fulro rồi nói.

-Đây là những khẩu hiệu, hai anh phải khẩn trương làm cho xong trong vòng mười ngày, khi kẻ xong, tôi sẽ hướng dẫn chỗ cho các anh treo.

Nói xong quản giáo cùng hai tên cảnh vệ quay lưng bước đi, bỏ mặc hai thằng tù muốn làm gì thì làm.

Tôi và Sơn Fulro ôm cuộn vải to dài  màu vàng, nặng có thể đến hơn chục kí lô lăn dài trên mặt đất, khi thấy đã tạm đủ cho một khẩu hiệu, Sơn lấy một cây gỗ dài khoảng một sải tay đo bề rộng của sân khấu, vừa đo hắn vừa đếm thầm trong miệng rồi nói “Bảy cây rưỡi”. Sau đó hắn đo luôn bề rộng của hội trường, xong xuôi mọi chuyện Sơn lấy miếng giấy mà quản giáo Thành đưa lúc nãy, đặt lên tấm vải.

Tôi đọc được những hàng chữ.

-Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

-Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

-Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Tất cả có hơn một chục khẩu hiệu mà nội dung chỉ ca tụng lãnh tụ, nói tốt về đảng Cộng sản. Một khẩu hiệu duy nhất liên quan đến tù nhân là “Phấn đấu học tập tốt, lao động tốt”.

Tôi nói với Sơn Fulro.

-Tụi mình bắt đầu, tao quậy sơn cho đều để mày kẻ chữ, phải không?

Sơn với giọng nói rất từ tốn.

-Mày muốn thi đua giành danh hiệu lao động xuất sắc trong tuần, phải không? Nếu không thì lấy mấy lon sơn với hai cây cọ để cạnh tấm vải, tụi mình bày binh bố trận cho xôm tụ, sau đó tao với mày nằm nghỉ ngơi cho khỏe cái thân tù trước đã. Chuyện kẻ khẩu hiệu không có đi đâu mà vội, cứ thong thả, nhẫn nha mà làm.

Tôi nhìn mớ vải với hàng chục khẩu hiệu phải kẻ mà đâm ra lo lắng, chỉ sợ Sơn Fulro làm không kịp nên nhắc nhở hắn.

-Phải làm gấp đi mày, nếu không xong tao với mày coi bộ khó có đường sống với quản giáo.

Sơn trấn an tôi.

-Nói thực cho mày biết chỉ hai ngày là tao làm xong tuốt, không những xong mà còn đẹp nữa. Tuy nhiên tao muốn mỗi ngày hai đứa mình chỉ kẻ một khẩu hiệu mà thôi, làm xong sớm lại vác cuốc đi lao động chứ có được cái mẹ gì. Tin tao đi.

Sau khi ăn trưa xong, tôi và Sơn mới tà tà làm việc, đến chiều thì khẩu hiệu đầu tiên kẻ xong. Quản giáo Thành xuất hiện ở cuối hội trường, ông ta đi đến bên hai đứa tôi, đứng nhìn những chữ sơn đỏ được kẻ ngay hàng thẳng lối trên vải vàng, với đôi mắt đầy vẻ thán phục, ông ta nói.

-Bọn Ngụy các anh kể ra cũng lắm tài thật, anh học kẻ chữ ở đâu mà đẹp thế này.

Đứng lặng yên một lúc lâu, quản giáo Thành lại hỏi.

-Anh vẽ hình bác được không? Chúng tôi cần một tấm hình của bác lớn thật lớn để treo ở hội trường.

Sơn Fulro rụt rè, do dự một chút rồi hắn mới trả lời.

-Thưa anh tôi chỉ biết kẻ chữ, không biết vẽ chân dung, nếu có biết tôi cũng không dám bởi vì bọn lính Ngụy chúng tôi, không xứng đáng cầm cọ vẽ hình bác.

Quản giáo Thành nhìn Sơn Fulro ra chiều suy nghĩ điều gì đó, sau cùng ông ta nói.

-Anh nói thì tôi nghe, nhưng tôi đoán thực lòng anh không nghĩ như thế đâu. Các anh vẫn thường dè dặt khi nói chuyện với chúng tôi, nghĩ một đàng lại nói một nẻo. Tôi còn lạ gì.

Những ngày sau đó, quản giáo Thành bỏ mặc hai đứa tôi muốn làm gì thì làm, thỉnh thoảng ông ta mới ghé qua, liếc mắt nhìn cho có, hỏi vài câu bâng quơ rồi đi mất. Một vài lần ông ta đem cho tôi và Sơn Fulro vài củ khoai, lúc thì điếu thuốc Rubi quân tiếp vụ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, gọi là bồi dưỡng cho hai ông thợ vẽ.

Tôi và Sơn Fulro lề mề lễ mễ, cà kê dê ngỗng kéo dài công việc được mười ngày. Cuối cùng Sơn cũng hoàn tất được khoảng chục khẩu hiệu chữ đỏ trên nền vải vàng. Hai đứa tôi đang tính chuyện thu dọn đồ nghề để đi về, từ xa quản giáo Thành và một tên cảnh vệ khiêng cái thang tre cũ mèm tới, ông ta nhìn những khẩu hiệu bày la liệt trên sân khấu với vẻ mặt vui vẻ.

-Hai anh treo những băng vải khẩu hiệu này lên sân khấu và chung quanh hội trường, tôi chỉ đến đâu các anh làm tới đó, hiểu không?

Tôi và Sơn Fulro vội vàng đáp.

-Thưa anh, hiểu.

Khi mà mọi chuyện đã xong xuôi, quản giáo Thành nói với chúng tôi.

-Sắp tới, các anh sẽ được đến đây để học tập.

Nghe quản giáo Thành nói, lúc bấy giờ tôi mới chợt thấy cả hội trường giống như một cái sân khấu dùng để diễn kịch, với những khẩu hiệu hai màu vàng đỏ giăng mắc khắp nơi.

Quản giáo Thành tươi cười hớn hở, rảo bước vòng quanh hội trường, ông ta vừa đi vừa ngước nhìn những tấm khẩu hiệu, miệng không ngớt lời khen ngợi Sơn Fulro và tôi. Ông ta nói.

-Tôi phải đề nghị biểu dương hai anh, không phải trước khối mà là trước toàn trại B trung úy mới được.

Hình như có sự tính toán từ trước, quản giáo Thành mở xắc cốt lấy cho tôi và Sơn Fulro mỗi đứa một tán đường và một nắm thuốc, với giọng đầy chân tình, ông ta nói.

-Thuốc lào ba số tám Cái Sắn, quý lắm đó.

Lúc này tôi mới nhìn kỹ quản giáo Thành, những lời nói của ông vừa rồi khiến tôi cảm thấy có một sự khác biệt giữa ông và những người quản giáo khác.

Cả hai đứa chưa kịp nói lời cảm ơn đã nghe quản giáo Thành nói tiếp.

-Kỳ thăm nuôi vừa qua, anh Sơn có gặp được gia đình không?

Sơn lắc đầu.

-Thưa anh, tôi còn độc thân chưa có vợ.

Quản giáo Thành nhíu mày.

-Vậy thì cha mẹ anh em, có ai đến thăm không?

Đứng lặng một hồi lâu, Sơn nói.

-Thưa anh cũng không, ba má tôi bị mất sạch vốn trong vụ mùa bắp sú tháng năm vừa qua, mấy ngàn gốc sú, đó là tất cả tài sản của ông bà đành để cho hư thúi ngoài vườn, rồi chặt bỏ. Ngày đi học tập, tôi biết ba má  tôi không có lấy một đồng trong nhà, cho nên kỳ thăm nuôi vừa qua ông bà không có đi. Tôi hiểu rõ nguyên nhân vì sao nên không lấy đó làm buồn.

Quản giáo Thành quay sang tôi.

-Còn anh Quân thế nào?

-Thưa anh, tôi được gặp mặt vợ tôi và đứa con lúc đó được khoảng bảy tháng trong bụng mẹ. Giờ này vợ tôi chắc đã sinh rồi, không biết là trai hay gái.

Quản giáo Thành đột nhiên nhỏ giọng lại chỉ vừa đủ cho hai đứa tôi nghe.

-Hai anh muốn viết thư về thăm gia đình không? Nếu muốn, cứ viết đi tôi sẽ coi kỹ nội dung rồi chuyển giùm cho. Điều quan trọng là nhớ không được cho bất cứ một ai biết chuyện này.

Ngạc nhiên quá sức, tôi và Sơn Fulro nhìn quản giáo Thành mà cứ tưởng rằng mình nghe lầm. Một ông cai tù xúi hai thằng tù lén viết thư cho gia đình, đây là chuyện vi phạm nội quy trại, chuyện mà đổ bể hai thằng tù sẽ bị cho vô nằm nghỉ mát trong thùng sắt như chơi. Thấy hai đứa tôi còn ngơ ngác như mán về thành, quản giáo Thành đến ngồi trong góc của hội trường, bên cạnh mấy thùng sơn rồi ngoắt hai đứa tôi lại.

-Tôi biết hai anh cũng như tất cả sĩ quan Ngụy trong trại này đều cẩn trọng giữ gìn, đứng trước mặt quản giáo, các anh hiền lành như một bầy cừu, gọi dạ bảo vâng, nhưng mà sau lưng thì mấy ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, đúng như câu nói khá tục tĩu mà người Việt thường hay nói …..

Hai anh ngồi xuống đây, nghỉ giải lao một chút, hút điếu thuốc lào, uống ly nước, mọi chuyện khác mình sẽ tính sau. Đợi cho chúng tôi ngồi đâu vào đó, quản giáo Thành nói mà như phân trần.

-Ngày xưa bọn tôi mà gặp lính Ngụy là xả súng bắn ngay lập tức, bắn liên hồi như bị đồng nhập, ở đời mà, cá ăn kiến thì kiến ăn cá. Các anh cũng vậy thôi mới nhác thấy Việt cộng là M79, M16 rồi đại liên M60 nổ như điên, thậm chí còn gọi thêm đại bác 105 ly yểm trợ, tiếp theo sau là máy bay giội bom lửa, bắn rocket,  làm gì để có dịp hai bên phân bua, giải bày tâm sự. Hôm nay nhân có chút thì giờ rảnh rỗi, tôi sẽ kể cho các anh nghe chuyện này, nghe xong nhớ quên luôn, coi như chưa nghe.

Được lời như cởi tấm lòng, hai thằng tù của phe thua trận, thoải mái ngồi xích lại gần đối diện với quản giáo Thành, lắng nghe một ông Việt cộng của phe thắng trận kể chuyện. Không một chút gì gọi là nôn nóng, hấp tấp, quản giáo Thành từ tốn nhét một bi thuốt lào Cái Sắn vào cái nõ của điếu cày, ông ta đánh mạnh cây diêm vào vỏ hột quẹt, một cây rồi hai cây, mãi cho đến cây thứ sáu ánh lửa mới bùng lên. Hút xong điếu thuốc lào, nhả khói bay mù trời, quản giáo Thành buông tiếng chửi thề.

-Mẹ … cái nhà máy diêm quốc doanh. Hai anh có thấy không? Có cây diêm quẹt mà làm cũng không xong, vậy mà nó đánh thắng đế quốc Mỹ, thế mới là lạ.

Tôi và Sơn Fulro mặt mày xanh lè cắt không còn hột máu, tôi chỉ muốn xin quản giáo cho tôi trở lại làm việc, ngồi đây nghe ông ta nói chuyện phản động, lành ít dữ nhiều coi bộ không khá. Hai thằng tù thì sợ nhưng quản giáo Thành vẫn tỉnh bơ, tà tà nói với Sơn Fulro.

-Anh hút một điếu cho sảng khoái tinh thần.

Được quản giáo mời thuốc thì còn gì hơn, không chần chờ, Sơn Fulro đỡ lấy cái điếu cày từ tay quản giáo rồi nói.

-Cảm ơn anh.

Quản giáo Thành ngồi dựa lưng vào cái bục gỗ, lim dim đôi mắt, rồi cất giọng đều đều.

-Hồi xưa lâu lắm rồi, cái thuở mà tôi còn ở trong rừng Trường Sơn, quanh năm suốt tháng ẩn núp trong hang động, trốn chui trốn nhủi trong rừng già, né tránh bom đạn của đế quốc Mỹ. Ngày thì đói meo vì ăn không đủ no, đêm thì gió rừng lạnh buốt mà không có áo ấm. Vậy mà bọn tôi vẫn phải vác AK, B40 đi đánh nhau với lính Ngụy, khổ cực như vậy vẫn chưa hết, còn phải chẻ dọc Trường Sơn chống Mỹ cứu nước theo lệnh của Bác và Đảng. Thôi thì muôn vàn khó khăn, nguy hiểm nói sao cho hết.

Quản giáo Thành ngưng kể chuyện ông ta hỏi Sơn Fulro và tôi.

-Mấy anh là dân Đà Lạt phải không?

Cả hai đứa cùng trả lời.

-Phải.

-Ngày xưa, các anh có biết con đường bộ đi từ Đà Lạt đến Buôn Ma Thuột không?

Sơn nhanh miệng trả lời.

-Tôi biết, nhưng mà con đường đó bỏ hoang lâu lắm rồi mà.

Quản giáo Thành gật đầu.

-Anh nói đúng đó.

Rồi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên, quản giáo Thành gặng hỏi Sơn Fulro.

-Bộ anh có đi qua con đường đó rồi hay sao?

Sơn Fulro lúng túng ra mặt, hắn ấp a ấp úng.

-Thưa anh …không, tôi biết vì nghe người ta nói.

Quản giáo Thành tiếp tục câu chuyện.

-Từ Đà Lạt theo quốc lộ 20 xuống đến ngã ba Liên Khương rồi quẹo phải, đi thêm hơn chục cây số là tới Thanh Bình, La Ba. Tại đây đến quận Lạc Thiện của Buôn Ma Thuột chỉ còn khoảng một trăm cây số, đoạn đường này do người Pháp làm nhưng chưa hoàn tất, nó giống như là con đường mòn. Sau đó con đường này bị bỏ hoang vì bọn Ngụy các anh không có đủ lính để bảo vệ. Kể từ đó, khu vực này trở thành an toàn khu cho chúng tôi. Ở về phía tây nam của quận Lạc Thiện là một vùng đồi núi hoang vu, rộng mênh mông bát ngát, là địa bàn hoạt động của tiểu đoàn chúng tôi. Danh xưng là tiểu đoàn nhưng chỉ có khoảng trăm rưỡi người, do chuyện bổ xung quân số thường gặp nhiều khó khăn, không như một tiểu đoàn bộ binh Ngụy của các anh, quân số gấp đôi gấp ba tiểu đoàn của chúng tôi.Thường thì lính của tiểu đoàn phân tán mỏng trong những khu rừng quanh hồ Buôn Tría, nhiệm vụ là phá hoại bất cứ những gì mà các anh xây dựng được như đường xá, cầu cống, tung quân đi đánh phá, đặt mìn trên con đường đất duy nhất của quận Lạc Thiện, khiến hàng chục chiếc xe dân sự cũng như quân sự bị phá hủy, chiếc thì chổng bốn bánh lên trời, chiếc cắm đầu xuống đất, chiếc cháy đen thui. Chính cái xác của những chiếc xe này như là một lời cảnh cáo của tử thần, khiến cho không còn một chiếc xe dân sự nào dám di chuyển. Tuy nhiên, chuyện quan trọng nhất vẫn là pháo kích vào quận Lạc Thiện, pháo càng nhiều càng tốt bất kể ngày đêm, pháo để uy hiếp tinh thần của lính Ngụy. Cũng tại quận Lạc Thiện này, một trận đánh mà tôi vẫn còn nhớ mãi cho đến bây giờ, nhớ và không bao giờ quên.

Quản giáo Thành đưa tay lấy cái điếu cày, miệng hỏi.

-Các anh có biết tại sao không?

Sơn Fulro nói.

-Thưa anh, chắc lính Ngụy chúng tôi chết quá nhiều chứ gì.

Quản giáo Thành cười mà miệng ông ta méo xệch.

-Không phải như anh nghĩ đâu mà ngược lại, bọn tôi chết không biết bao nhiêu mà kể, cả tiểu đoàn nát như tương tàu. Điều quan trọng là có một chuyện lạ khác trong trận đánh đó, đã làm thay đổi cái nhìn của tôi về lính Ngụy các anh. Trước khi trận đánh xảy ra, chúng tôi có hơn hai tháng để chuẩn bị. Về phần tin tức, lính Ngụy trú đóng trong quận Lạc Thiện chỉ có một đại đội trừ, tức là khoảng năm, sáu chục tay súng, tin này do cán bộ nằm vùng cung cấp. Di chuyển trong vùng đã có giao liên, sĩ quan chúng tôi được học tập địa hình, địa thế trên sa bàn, binh sĩ được huấn luyện kỹ càng, công tác động viên tinh thần cũng đạt yêu cầu cao. Trong trận đánh đó sẽ có thêm hai tiểu đoàn cùng một đại đội đặc công phối hợp với chúng tôi để đánh vào quận Lạc Thiện vào đêm ấy. Còn chuyện tên của hai tiểu đoàn và phối hợp như thế nào thì tôi không biết. Mang tiếng là sĩ quan nhưng là sĩ quan cấp thấp, trên chỉ cho tôi biết có bấy nhiêu thôi.

Chuyện gì đến phải đến, 6 giờ chiều của một ngày cuối tháng 1 năm 1970, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Sau khi cơm nước xong xuôi, súng đạn cũng như những trang bị cho trận chiến đã được chuẩn bị đầy đủ, từ buông Tría đi theo hướng Đông, dưới sự dẫn dắt của giao liên, tiểu đoàn chúng tôi xé rừng vượt suối đi mà như chạy tiến đánh quận Lạc Thiện. 12 giờ khuya, khi mà đại đội đi đầu của chúng tôi gần đến chợ Liên Sơn, còn cách mục tiêu là quận Lạc Thiện khoảng hơn ba trăm thước. Cả tiểu đoàn đang tập trung binh lính lại để tấn công thì một chuyện bất ngờ xảy ra. Tôi nói bất ngờ vì theo tin tức tình báo mới nhất của sáng ngày hôm đó, là khi đêm đến, tất cả lính Ngụy đều rút vào phòng thủ bên trong hàng rào kẽm gai của quận. Vậy mà không hiểu tại sao, đêm đó toán tiền sát của chúng tôi vướng mìn Claymore và sau đó cả một đại đội đi đầu bị đủ mọi loại đạn M16, M79 cho đến đại liên M60 của Ngụy thi nhau nhả đạn như mưa sa, bão táp. Cá nhân tôi thì tin rằng, lực lượng của Ngụy ước chừng phải hơn một đại đội đang phục kích tại chợ, mới có được hỏa lực mạnh mẽ như vậy, chỉ mới vài phút nổ súng, hơn nửa đại đội của chúng tôi đã bị loại khỏi vòng chiến. Những người còn sống sót sau đợt bắn hủy diệt, đã cố gắng cầm cự trong tuyệt vọng, bắn và không biết tại sao. Chừng hơn mười phút sau, tiếng súng AK của đại đội đi đầu hoàn toàn im lặng trong khi súng M16, M60 vẫn tiếp tục nổ giòn, tệ hơn nữa là đạn của đại bác 105 ly của Ngụy bắt đầu dồn dập chụp xuống liên tu bất tận, vào đại đội đi sau.

Quản giáo Thành ngưng nói, ông ta nhìn hai đứa tôi rồi hỏi.

-Gặp trường hợp như trên, là cấp chỉ huy thì hai anh phải làm sao?

Sơn Fulro nói.

-Đem tất cả lính của tiểu đoàn lên tiếp viện.

Riêng tôi, tôi nói với tất cả sự thật xuất phát tự đáy lòng.

-Chạy thoát thân.

Quản giáo Thành nhìn tôi cười.

-Anh Quân nói đúng, không cần đợi lệnh chúng tôi quay đầu nhắm hướng cũ chạy thục mạng, chạy bất kể gai cào, cây xóc, bao nhiêu là vật dụng cứu thương như những cặp thanh tre dài từ một, hai, ba gang tay mà chúng tôi mang theo, dây thừng, móc sắt, cả súng đạn AK và B40, mạnh ai nấy vứt, vứt cho nhẹ để dễ bề thoát thân. Chúng tôi bỏ chạy trong tiếng đạn pháo 105 ly nổ rền cùng với hỏa châu sáng rực cả một góc trời, trái này chưa kịp tắt thì đã có trái khác tiếp nối. Và cuối cùng cái mà chúng tôi sợ nhất đã xuất hiện, ba hay bốn chiếc trực thăng, có thể hơn thế nữa tôi không đếm được, chúng thi nhau trút rocket xuống con đường mà chúng tôi đang tháo chạy. Mấy thằng giặc lái Ngụy các anh khôn tày trời, tụi nó bắn rocket gọn thơm như chơi thảy lỗ, chặn đầu, chặn hông, chặn đuôi khiến chúng tôi không biết đâu mà trốn. Phần tôi đang cắm đầu cắm cổ chạy, bất ngờ cả thân hình của mình bị nhấc bỗng lên trời rồi ném mạnh xuống đất, tai của tôi ù đi, mắt của tôi tối sầm lại, bỗng dưng tất cả đột nhiên chìm vào im lặng. Tôi không còn biết gì nữa. Nằm bất tỉnh không biết bao lâu, nửa giờ, một giờ, hay hơn tôi hoàn toàn không biết cho đến khi tai tôi nghe được nhiều tiếng chân người giậm trên lá khô, rồi một giọng nói vang lên “Ông thầy, chắc bọn nó chạy mất đất rồi, chẳng còn đứa nào nữa đâu.” Tôi mở mắt nhìn, bầu trời không còn tối đen mà đã có pha chút sang sáng mờ mờ, ở tận cuối chân trời hình như sao mai đã xuất hiện. Bất chợt tôi lại nghe một giọng nói khác vang lên “Các anh lục soát lại một lần nữa cho kỹ rồi chuẩn bị trở về.” Cùng lúc ấy tôi nghe tiếng la to “Chuẩn úy có thêm xác một thằng Việt cộng nằm đây nè.” Một tên lính Ngụy mặt mày bặm trợn nhìn sát vào mắt tôi, hắn nói với giọng đầy ngạc nhiên “Ý trời, nó còn sống, để tôi làm phước cho nó về chầu diêm vương luôn nghe chuẩn úy?” Tôi nhắm mắt lại, biết rằng cuộc đời của mình đến đây là hết, mơ mơ màng màng tôi thấy ba má của tôi, thấy hai người thân yêu mà mấy năm rồi tôi chưa được gặp. Một cú đá nhẹ vào bên hông khiến tôi mở mắt nhìn, bắt gặp gương mặt của thằng lính Ngụy trẻ măng, hắn có đôi mắt hiền như một con nai với cái lon chuẩn úy đen thui nơi cổ áo, hắn nhìn tôi nhưng lại nói “Các anh rẽ phải độ mươi thước, quay đầu rút lui theo đường cũ. Thằng Việt cộng này để tôi xử, cho nó theo Bác và Đảng của nó luôn.” Dứt lời hắn đưa ngón tay trỏ lên miệng như ra dấu, tôi không hiểu hắn muốn nói gì nhưng tôi biết, lần này cái chết mới thật sự đến, tôi nhắm mắt chờ, bỗng dưng có vật gì đó nằng nặng rớt trên người tôi, không phải một mà tới hai, đồng thời cả chục tiếng đạn M16 nổ vang bên tai của tôi. Một cảm giác dễ chịu lan khắp người, thì ra cái chết cũng êm dịu, nhẹ nhàng như mình đi vào giấc mơ, không có một chút gì gọi là nhức nhối hay đau đớn. Quanh tôi rừng xanh đã hoàn toàn chìm vào im lặng, tôi bay dật dờ trên mây, bay hoài bay mãi cho đến mấy phút sau, lý trí mới nói cho tôi biết là mày hãy còn sống. Việc làm đầu tiên là tôi đưa tay sờ nắn khắp người, mọi thứ đều có vẻ bình thường. Tôi nhéo mạnh vào tay, cái nhéo khiến tôi đau muốn chết, tôi đứng lên chỉ thấy hơi tê tê nơi chân phải, rồi nghe rõ mình nói “Không chạy đi còn đợi gì nữa.” Tôi co giò phóng nhanh về phía trước, đầu thì biểu mình chạy nhưng bắp chân phải của tôi tê dại, không chịu nhúc nhích, cả thân hình của tôi đổ dài  xuống đất hệt như một gã võ sĩ bị cú đấm nốc ao.

Quản giáo Thành ngưng nói, ông ta hỏi hai đứa tôi.

-Hai anh có biết tại sao tôi bị té không?

Son Fulro trả lời.

-Hình như chân của anh bị thương.

-Đúng rồi, chân phải của tôi bị mảnh đạn rocket nằm kẹt ở bắp chân mà tôi không biết, nếu để yên thì không sao, nhưng khi cử động mảnh đạn cắt vào dây thần kinh khiến mình bị đau buốt. Tôi té nhào là phải. Suốt hai ngày sau đó, tôi bò lết trong rừng, sống nhờ bịch gạo sấy với bi đông nước mà thằng chuẩn úy trẻ quăng lại trên người của tôi, cuối cùng tôi được mấy tay đặc công cứu, đem về đơn vị. Với thương tật nơi chân, tôi được điều qua làm việc ở hậu cần cho đến ngày giải phóng. Bấy lâu nay tôi vẫn thường lưu tâm tìm kiếm thằng chuẩn úy Ngụy đã tha chết cho tôi, không những tha mà còn cung cấp thực phẩm và nước uống. Tìm hoài nhưng chưa gặp, tôi nghĩ rằng nếu có ông chuẩn úy nào đóng ở Lạc Thiện trong thời gian đó, hy vọng sẽ tìm ra manh mối. Ngày xưa, một tên sĩ quan Ngụy đã tha chết cho tôi, hôm nay tôi muốn làm một việc gì nho nhỏ như gởi thư giùm cho hai anh để đền ơn cứu mạng, xét cho cùng tôi vẫn còn lời quá nhiều. Đúng không?

Tôi nhìn Sơn Fulro mà lòng nghi ngờ, thằng chuẩn úy trẻ mà quản giáo Thành kể, có thể là hắn lắm chứ, vì cuối năm 1969 hắn đang ở Lạc Thiện. Như đoán được ý nghĩ của tôi, Sơn Fulro nhìn tôi rồi lắc đầu như ngầm nói, đừng bao giờ nhắc chuyện xa xưa cũ.

Quản giáo Thành kết thúc câu chuyện bằng một điếu thuốc lào rồi nói.

-Công việc kẻ khẩu hiệu đã hoàn tất tốt đẹp, hai anh có thể về nghĩ ngơi chuẩn bị tinh thần, các anh sắp bước vào học tập rồi đó.

Sơn Fulro hơi ngập ngừng rồi hỏi quản giáo Thành.

-Thưa anh, có điều này tôi hơi thắc mắc, ngôn ngữ anh dùng không giống các cán bộ quản giáo khác.

Ngửa mặt nhìn trời rồi cất tiếng cười vang, quản giáo Thành nói.

-Tôi là dân Miền Nam, mười năm trước sau khi đậu xong cái bằng Trung học đệ nhất cấp, tôi nhảy núi, đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa. Các anh là Ngụy quân, đường anh anh đi, đường tôi tôi đi, hồn ai người nấy giữ.

Trên đường về, Sơn Fulro nói với tôi.

-Mày có biết, tại sao lính của mình tiêu diệt gần như là sạch một đại đội của Việt công không? Quản giáo Thành thắc mắc cũng phải. Tất cả chỉ là một chuyện tình cờ, ngẫu nhiên, nó xảy ra đúng giờ, đúng ngày, đúng chỗ. Vào khoảng thời gian đó, tao đang đi biệt phái cho đại đội Fulro nên không biết gì hết. Khi mãn hạn trở về, tao mới được nghe kể lại tường tận chi tiết.

Sơn Fulro đi chậm lại, hắn nói.

-Chuyện như thế này, chiều ngày hôm đó, Đại đội 1 thuộc tiểu đoàn của tao sau bảy ngày hành quân, kéo về quận nghĩ ngơi, tạm đóng quân ngay chợ Liên Sơn. Tao biết quản giáo Thành không biết gì về ngôi chợ này đâu. Gọi là chợ nhưng đây là một cái chợ có thể nói là nhỏ nhất thế giới, nó nằm trên một khoảng đất trống cách quận Lạc Thiện khoảng ba trăm mét. Nền nhà của chợ hình vuông được tráng xi măng mỗi cạnh khoảng sáu mét. Trên đó người ta dựng bốn cây cột, đường kính khoảng ba mươi phân, chống đỡ cho mái chợ lợp tôn. Chợ chỉ có vậy, họp mỗi buổi sáng từ tám giờ đến mười giờ. Trong chợ có đúng bốn người bán hàng, mỗi người trải một tấm poncho của lính, trên đó một bên là rau cải mà dân địa phương trồng được như bầu bí, bên còn lại là thực phẩm khô như muối, đường, cá khô và một ít đồ gia vị. Chợ cũng có vài món đồ đắt tiền như chục gói thuốc lá, dăm ba hộp sữa đặc có đường hiệu ông Thọ. Ngôi chợ này tao đã nhiều lần ghé qua để mua thuốc lá, trong chợ lúc nào cũng vắng khách, chỉ lèo tèo dăm ba người, khách đi chợ thường là những người lính ở trong quận, thêm vài người Thượng vai mang gùi, với con chó nhỏ lẽo đẽo theo sau đi vào chợ, họ đổi rau rừng lấy muối hột, cá khô. Chợ chỉ có một vài ngày đông khách là khi lính mình lãnh lương, vào những ngày đó, chợ mới nhộn nhịp ồn ào được đôi chút.

Tôi thắc mắc hỏi Sơn Fulro.

-Mày nói không có đường bộ từ Ban Mê Thuột vào Lạc Thiện, vậy thì hàng hóa bán ở chợ do đâu mà có, nguồn cung cấp hàng từ đâu đến.

Sơn Fulro nhíu mày suy nghĩ.

-Mày hỏi cũng phải, thường thì khoảng hai cho tới ba tháng sẽ có một chuyến tiếp tế bằng đường bộ từ Ban Mê Thuột vào. Ngày tiếp tế sẽ có một cuộc hành quân khá lớn, hai đại đội Đia phương quân thuộc chi khu Lạc Thiện có nhiệm vụ dò mìn, mở đường rồi giữ an ninh từ Liên Sơn qua khỏi đèo Lak ra đến Giang Sơn. Theo chiều ngược lại, Tiểu khu Darlac cũng có hai đại đội Địa phương quân dò mìn và sau đó giữ an ninh từ phi trường Phụng Dực vào đến Giang Sơn. Thường thì khoảng mười giờ sáng, cuộc hành quân mở đường mới hoàn tất, lúc bấy giờ thì đoàn quân xa tiếp tế gồm có hàng trăm chiếc xe GMC của Bộ chỉ huy 5 tiếp vận vùng II chiến thuật, từ Tiểu khu Ban Mê Thuột mới bắt đầu lăn bánh đi vào Lạc Thiện, chở theo đầy đủ mọi nhu cầu thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi, lương khô, súng ống đạn dược cho tất cả binh sĩ và dân chúng ở quận Lạc Thiện.

Đang nói Sơn Fulro quay qua cằn nhằn với tôi.

-Mày hỏi hơi nhiều làm tao bị phân tâm, quên đầu, quên đuôi.

Nói xong, Sơn Fulro tự gõ vào đầu của nó.

-Tao nói tới đâu rồi? À, chiều hôm đó, đại đội 1 thuộc tiểu đoàn của tao đóng quân gần chợ, trải dài theo những căn nhà của dân, nằm dọc theo con đường đất với hai điểm kích cách xa đại đội cả cây số. Ngay đêm  Việt cộng đánh vào quận, họ đi theo con đường này, ngang qua điểm kích mà không biết. Nhờ sự báo động của toán kích này, mà cả đại đội súng đạn sẵn sàng chờ địch. Và như lời quản giáo Thành kể, đại đội đi đầu của Việt cộng kể như bị xóa sổ.

Tôi hỏi Sơn Fulro.

-Mày có biết ông chuẩn úy nào đã chơi đẹp, tha mạng cho quản giáo Thành không?

-Biết chớ, đó là Chuẩn úy Châu. Chính nó kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho tao nghe, tuy nhiên Châu giấu biệt chuyện hắn tha chết cho quản giáo Thành. Chuyện này hôm nay tao mới biết, có thể hắn sợ bị hạch hỏi lôi thôi, tại sao không đem tù binh về mà tự động thả. Sau trận đánh kinh hồn với hơn bốn chục Việt cộng bỏ xác tại trận, Chuẩn úy Châu được thăng cấp thiếu úy tại mặt trận. Có điều một năm sau đó, nó chết vì bị Việt cộng bắn sẻ trong một lần dẫn đại đội hành quân mở đường ra Ban Mê Thuột. Lúc nãy xém chút nữa là tao đã nói với quản giáo Thành, thằng chuẩn úy tha chết cho ông tên là Châu và hắn đã chết rồi, nhưng tao kịp thời ngưng lại bởi vì nếu tao nói ra, thì tao phải khai luôn thời gian tao đi biệt phái cho Đại đội Fulro. Điều mà tao giấu kín không khai trong tờ khai lý lịch.

Đến đây, như chợt nhớ ra điều gì mới, Sơn Fulro cười khoái chí.

-Mày nhớ không, quản giáo Thành nói “Mấy thằng giặc lái Ngụy khôn tày trời” vì không biết nên ông ta mới nói như vậy. Thật ra theo lời kể của Chuẩn úy Châu, đêm đó chỉ có pháo binh yểm trợ là của phe mình, còn trực thăng bắn rocket cũng như C47 thả hỏa châu suốt đêm, là do ba thằng cố vấn Mỹ đi hành quân với đại đội gọi đến, chính họ điều động, hướng dẫn phi cơ đánh phá. Có điều này hơi khác thường mà tao muốn lưu ý với mày, thường thì Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến hoặc Bộ Binh khi hành quân cấp tiểu đoàn, mới có cố vấn Mỹ tham dự. Chỉ riêng chi khu Lạc Thiện của tiểu khu Darlac, rất nhiều lần đại đội Địa Phương Quân đi hành quân là có khoảng ba cố vấn Mỹ đi theo. Tao không hiểu, tại sao lại có chuyện ưu tiên khác thường như vậy.

Ngay buổi tối hôm đó, tôi nằm trằn trọc đắn đo suy nghĩ suốt cả đêm, cuối cùng tôi viết cho vợ một bức thư ngắn gọn.

“Con mình là trai hay gái, anh ở trong trại học tập tốt, lao động tốt, một ngày không xa, anh sẽ được Cách mạng cho về đoàn tụ với gia đình. Anh là Nguyễn Trọng Quân.”

Tôi liều mạng đưa thư cho quản giáo Thành, rồi hồi hộp chờ đợi. Sở dĩ tôi nói liều mạng vì vẫn còn chút nghi ngờ. Việt cộng nói mười ngày là mười tháng, cũng có thể là mười năm. Tin Việt cộng khác nào binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tin vào Hiệp định Paris do chính Việt cộng ký kết, đến nỗi nước mất nhà tan phải mang thân tù tội.

Ba ngày sau, khi tôi còn đang ngồi họp tổ, quản giáo Thành đến lôi tôi ra một góc vắng rồi nói.

-Tôi đã xé bỏ thư của anh rồi, anh có biết tại sao không? Thư anh viết không có đạt yêu cầu.

Hồn vía lên mây, tôi không hiểu quản giáo Thành muốn nói gì. Tôi nhớ lại, trong thư tôi viết rất đơn giản không có gì đụng chạm đến chính trị, không nói xấu Cách mạng, tại sao lại không đạt yêu cầu.

Thấy tôi đứng đờ người ra như tượng đá, quản giáo Thành nói.

-Mới bị giam có mấy tháng mà các anh sợ bóng sợ gió, sợ chúng tôi như sợ cọp, sợ đến nỗi viết thư cho vợ mà chỉ viết có mấy chữ. Vợ mình sanh cho mình đứa con, anh cũng nên thăm hỏi sức khỏe của cô ta và nói một vài lời động viên tinh thần.

Tôi mừng như vừa thoát khỏi một đại nạn nên vội vàng nói, giọng nói lắp ba lắp bắp.

-Thưa anh…, tôi…tôi sẽ viết thêm.

Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo quản giáo Thành đang đi chầm chậm về phía cổng trại, bước chân của ông ta hơi khập khà khập khểnh, do bị thương tật trong một trận đánh ở Lạc Thiện với lính Việt Nam Cộng Hòa.

Bâng khuâng tôi tự hỏi mình, những việc làm đầy tình người của quản giáo Thành, có thay đổi được lòng căm thù Cộng sản trong tôi hay không? Hỏi rồi tự trả lời, dưới mắt của tôi, người lính Việt cộng với cái nón cối trên đầu, bộ đồ ka ki Nam Định, cây súng AK trên vai, đôi dép râu lẹp xẹp dưới chân, ngồi trên chiếc xe tăng T54, hình ảnh đó đại diện cho một chế độ độc tài, man rợ, bội ước. Nó đại diện cho một đội quân xâm lược, đi đánh phá gây ra không biết bao nhiêu là tang tóc đau thương cho người dân Miền Nam, kéo cả nước Việt Nam đi thụt lùi hàng thế kỷ. Ngày nào mà Việt Nam còn bị đặt dưới ách cai trị của đảng Cộng sản, ngày đó người dân Việt Nam còn phải làm nô lệ phục vụ cho những tên Cộng sản đang cầm quyền ở Hà Nội.

Hành động đầy lòng nhân từ của quản giáo Thành, tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ trong lòng, nhưng chắc chắn không thể nào đánh đổ được thành kiến xấu xa về Việt cộng đã có từ mấy chục năm trong đầu của tôi.

Loading

Scroll To TOP