CTBCTY Tập II chương 22
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập II (Huy Văn Trương)
Chương XXII
Uống thuốc liều
Nguồn tin hai tuần nữa được thăm nuôi loan truyền nhanh như chớp, tù binh bị nhốt trong Tổng trại 8 đang sống ngoắc ngoải tuyệt vọng, đột nhiên bừng tỉnh lại. Chuyện được thăm nuôi xảy ra, giống hệt như vùng đất Sông Mao khô cằn nắng cháy, bỗng đâu có được một cơn mưa rào đổ xuống. Sáu tháng dài đằng đẵng ăn uống thiếu thốn, từ tuần trước tù nhân đã phải bắt đầu ăn độn, mỗi bữa ăn tiêu chuẩn chỉ còn lưng chén cơm, áo quần của họ cũng bắt đầu tả tơi sờn rách. Thời Việt Nam Cộng Hòa, Sông Mao là hậu cứ của Trung đoàn 44 Bộ Binh, cho nên có rất nhiều công sự phòng thủ được làm bằng bao cát. Tù nhân lợi dụng lúc đi làm lao động gần những khu vực này, họ lén đào xới, đổ đất từ bao cát ra, giấu cái bao vào người đem về trại. Sau khi giặt giũ sạch sẽ, phơi khô, tù nhân dùng vải bao cát may thành quần áo để bận, thay thế cho những bộ đồ đã bị rách. Trường hợp gặp bao cát được dệt bằng sợi ny-lông dẹp, tù nhân cũng lượm về, họ chập nhiều sợi vào với nhau, thường thì khoảng sáu sợi, xe lại thành một sợi to tròn đan võng để nằm. Nhiều tù nhân khéo tay, họ đan những chiếc võng tuyệt đẹp, với ý định là khi mãn hạn tù sẽ đem về làm quà cho vợ con.
Ngay tối hôm đó trong một buổi họp tổ, khi chúng tôi đang è cổ hát bản “Tiếng đàn Ta Lư” thì quản giáo Cảnh xuất hiện. Đợi cho chúng tôi hát xong, với gương mặt vui tươi cởi mở, ông ta xác nhận, hai tuần nữa sẽ cho thăm nuôi. Và một tin tức quan trọng hơn mà mọi người chờ đợi từ bấy lâu nay là, sau kỳ thăm nuôi “Trên” sẽ tổ chức cho cả Tổng trại 8 tiến vào học tập. Chữ “Trên” ở đây có nghĩa là cấp cao hơn, còn cao cỡ nào thì chỉ có Việt Cộng biết mà thôi. Đây là một cái tin mang đến niềm vui, mang đến sung sướng, cái tin làm rúng động lòng người.
Sau khi họp tổ xong, tuy đã hơn tám giờ tối, tôi chạy qua khối Bình Thuận tìm Long công tử để báo tin mừng. Với nét mặt điềm tĩnh, Long công tử nói.
-Khối Bình Thuận cũng đã được quản giáo báo tin rồi.
Như mọi lần, hai đứa tôi kéo nhau ra sau hè của nhà bếp, ngồi đó chuyện trò, tâm sự vụn.
Long công tử với giọng buồn buồn.
-Trước khi bị lùa vô đây, mày còn có được diễm phúc là gặp lại cha mẹ, mấy đứa em cùng với vợ, tao không có cái may mắn đó. Một ông chủ công ty nhập cảng nông ngư cơ, xuất cảng cà-phê cộng thêm mấy cái biệt thự to lớn ở Sài Gòn, ba má của tao nếu không cao bay xa chạy như ba vợ của mày, chắc chắn ông bà đã bị tống cổ ra khỏi nhà, giống trường hợp của vợ mày mà thôi.
Long công tử buông tiếng thở dài.
-Cho đến hôm nay, ba má tao ở đâu, vợ con tao còn ở Ban Mê Thuột hay đã chết tức tưởi trong một xó rừng nào đó, tao không biết được.
Tôi hỏi Long công tử.
-Ba mươi tháng tư, mày đang ở đâu?
Long công tử nhắm mắt, nhíu mày.
-Ngày mười ba tháng ba, Liên đoàn Biệt Động Quân của tao đang ở Long Thành, được lệnh về phi trường Tân Sơn Nhất, sau đó là vận tải cơ C130 bốc tụi tao thả xuống phi trường Cù Hanh, Pleiku. Khi đáp xuống phi trường, một chiếc C130 trong đoàn phải hạ cánh khẩn cấp, không biết có phải vì trúng đạn phòng không của Việt Cộng hay không, may mắn là phi cơ đáp an toàn rồi sau đó mới bốc cháy.
Tôi nêu lên thắc mắc với Long công tử.
-Lúc đó mày có biết là Ban Mê Thuột đã mất vào ngày mười tháng ba rồi hay không?
-Biết cái con mẹ gì đâu, khi tụi tao xuống phi trường Cù Hanh nghe tin là Ban Mê Thuột xong rồi. Lúc bấy giờ tao cứ tưởng là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã giải tỏa Ban Mê Thuột xong xuôi, không cần tụi tao nữa. Ngay chiều hôm đó, có lệnh mới cho Đại đội 2 của tao tới trám chỗ cho một Tiểu đoàn Địa Phương Quân vừa mới rút đi. Hơn sáu năm lính, ba năm làm Đại đội trưởng Đại đội 2, của một Tiểu đoàn Biệt Động Quân, đánh nhau với Việt Cộng hằng trăm trận, chưa bao giờ tao tham dự một cuộc hành quân lạ lùng như vậy. Hành quân mà không có lệnh hành quân, chỉ với một tấm bản đồ to bằng cuốn vở, không yểm trợ, không lương thực, không có cái con mẹ gì hết. Đem một đại đội tấn vào một vùng đất hoang vu, không biết bạn ở đâu, địch ở đâu, đại đội của tao lơ ngơ lớ ngớ giữa rừng cả tuần. Mãi cho đến ngày hai mươi tháng ba, tao mới được lệnh của Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng gọi về Pleiku họp và lãnh tiếp tế.
Tôi tỏ vẻ không tin.
-Mày kể chuyện giống như đùa.
-Không có đùa đâu, sau khi dặn Thiếu úy Đại đội phó ở lại coi đại đội, tao dẫn theo một trung đội về Pleiku. Suốt mấy tiếng đồng hồ lội bộ trong rừng, khi tao tới cái buôn Thượng mà tuần trước đại đội đi qua, dân trong buôn còn đưa tay vẫy chào. Ngày hôm ấy buôn Thượng vắng hoe không một bóng người, ngay đến mấy con heo đen thui, lưng cong bụng ỏng chúi mũi xuống vũng sình tìm thức ăn cũng biến đi đâu mất. Cả buôn làng chìm trong im lặng đến kỳ lạ, chỉ còn nghe được tiếng rì rào trong gió của mấy bụi tre gai ở bên đường. Tụi tao tiếp tục di chuyển, cho đến khi mặt trời đứng bóng mới về tới Pleiku. Qua tin tức do Chuẩn úy Trung đội trưởng thu lượm được, báo cáo với tao, lúc bấy giờ tao mới biết Ban Mê Thuột đã bị Việt Cộng chiếm từ ngày mười tháng ba. Riêng thành phố Pleiku, lính và dân ở đây đã di tản mất tiêu từ ba, bốn ngày trước đó rồi. Cả một Quân đoàn với hàng trăm ngàn quân nhân, được trang bị phi cơ chiến đấu, chiến xa, trọng pháo, tất cả đều biến mất, biến khỏi Pleiku một cách khó hiểu. Tao ngẩn ngơ đứng nhìn phố núi cao nguyên mà lặng điếng trong lòng, xa thật xa tận cuối con đường mòn, chỉ một người duy nhất đang di chuyển chầm chậm, trông giống như một cái bóng ma. Tao đi trong thành phố không xe, không người, không tiếng động, chỉ thấy lá vàng khô trong bụi mù cùng với giấy rác, theo từng cơn gió nhẹ đuổi nhau chạy trên mặt đường, băng ngang qua những căn nhà cửa đóng then cài. Pleiku lúc bấy giờ là hoang địa, là một thành phố vô chủ, thành phố ma, tao đứng trước kho tiếp liệu của một đơn vị nào đó trong Quân đoàn, cửa kho mở toang hoác, vũ khí, đạn dược, quân dụng, thực phẩm, văng tung tóe khắp mọi nơi. Chiều hôm đó trong lúc mây đen vần vũ khắp trời, tao ôm cái cổng Quân đoàn khóc như một thằng điên.
Tôi hỏi mà như xúi Long công tử.
-Dân Sài Gòn như mày, đâu có gì phải quyến luyến cái thành phố “Đi dăm phút đã về chốn cũ” đó, tại sao mày không chạy đi cho rồi.
Long công tử đột nhiên nổi giận với tôi.
-Mày biểu tao chạy hả? Chạy sao được. Ban Mê Thuột mất, đem C130 chở một Liên đoàn Biệt Động Quân thả xuống Pleiku, rồi bỏ quên luôn ở đó, một mình tao chạy, trong khi lính của tao còn ở trong rừng đợi tao. Tao không thể làm như vậy được, mày cũng biết rồi, lính không có cấp chỉ huy như rắn mất đầu. Sáng hôm sau, tao dẫn đại đội xé rừng đổ xuống biển, sau hơn hai tuần băng rừng vượt núi, tụi tao tới Tuy Hòa, thành phố đã lọt vào tay Cộng Sản từ mấy ngày trước, sau đó là Nha Trang, Phan Rang. Ngày hai mươi lăm tháng tư, sau hơn một tháng vượt thoát chạy về vùng tự do, tụi tao tới được Phan Thiết, lúc này lính Cộng Sản đã đứng chật đường. Tao bị bắt, nhốt ở lao xá Phan Thiết. Nếu tao nhớ không lầm, ngày mười tháng năm, Việt Cộng chở tao cùng với hàng trăm tù binh đủ loại, đem lên giam giữ ở Cà Tót.
Long công tử quay sang nhắc tôi.
-Mày buồn ngủ chưa? Khuya rồi về đi, mai còn đi lao động.
Bầu trời Sông Mao sâu thăm thẳm, con trăng lưỡi liềm treo lơ lững giữa trời, tôi nhìn theo ánh sao đêm lấp la lấp lánh như muốn tắt ở cuối dải Ngân Hà mà thương xót cho Long công tử. Thương một thằng tù cô đơn, lạc lõng giữa đám bạn tù, cha mẹ vợ con lưu lạc phương nào, không biết sống chết ra sao, trong lòng đầy thương cảm, tôi nói với Long công tử.
-Mày cũng vậy, giữ gìn sức khỏe để mai còn đi lao động.
Cuối cùng chuyện gì đến phải đến, hôm nay là ngày thăm nuôi, tất cả tù nhân được miễn đi lao động, ở trong phòng đợi loa gọi tên. Khi nghe gọi tên mình, lúc bấy giờ người tù mới được đi ra khu thăm nuôi, nằm cách trại chừng năm trăm thước để gặp thân nhân.
Hôm nay những cái quần cụt may bằng vải bao cát, biến đi đâu mất, hầu như tất cả tù nhân đều bận bộ quần áo còn lành lặn khi gặp người thân, vì họ không muốn thân nhân của mình thấy được sự khổ cực mà họ đang gánh chịu. Bộ đồ tuy che đậy được phần nào cái thân thể ốm yếu của tù nhân, nhưng không thể nào che được nét lo âu sầu não, trên gương mặt của họ. Thôi thì giấu được chút nào hay chút ấy, có còn hơn không.
Tám giờ sáng, tôi đã diện bộ đồ tương đối còn tốt ngồi chờ. Mãi cho đến gần mười một giờ, mới nghe loa gọi tên mình, nhanh như một con sóc, tôi phóng ra cửa phòng đi đến khu thăm nuôi. Vừa đi vừa chạy mà vẫn thấy chậm, trong lòng nôn nao náo nức, không biết chỉ có một mình vợ tôi đi thăm tôi, hay còn có ba má tôi đi theo nữa.
Nhà thăm nuôi khá rộng với một dãy bàn dài, tù nhân đứng một bên, thân nhân của tù đứng một bên, cách vài mét lại có một cán bộ xen vào giữa kiểm soát. Tôi không thấy ba má tôi, chỉ có một mình Cúc đứng bên cạnh một người đàn bà lạ hoắc, tuổi độ bốn mươi. Trên bàn là hai bao ny lông to, tôi biết đó là thực phẩm mà Cúc mang vào cho tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên, mừng muốn khóc là Cúc mập ra với hai tay đỡ lấy cái bụng bầu. Ngày tôi đi học tập, Cúc không nói gì về chuyện nàng có thai, tôi xa vợ đã hơn sáu tháng, chắc đứa bé vào khoảng bảy tháng. Tôi thầm cảm ơn trời, hú hồn nếu để hai tháng nữa mới cho thăm nuôi, cận ngày sanh nở Cúc không thể nào đi thăm tôi được.
Trước ngày thăm nuôi, tôi có cả ngàn câu hỏi trong đầu muốn hỏi Cúc, dĩ nhiên chỉ là những câu hỏi về gia đình, không liên quan gì đến chính trị, trước mặt cán bộ tôi không dại gì nói đến chuyện chính trị. Khi gặp mặt Cúc với cái bụng bầu, tôi quên hết mọi chuyện, chỉ lo hỏi về đứa con mà vợ tôi đang mang trong bụng.
Cúc giới thiệu với tôi.
-Đây là chị Hai, anh còn nhớ không ngày xưa khi anh và em về Sài Gòn, chị Hai là người thường làm bữa ăn sáng cho mình.
Tôi lắc đầu.
-Hồi đó anh không để ý, nên không nhớ.
Cúc giải thích với tôi.
-Nhờ có chị Hai lo cho em, ba má mới cho em đi thăm anh, cũng nhờ chị em mới đem được chừng này thực phẩm cho anh. Tất cả thức ăn trong bao đã qua thủ tục kiểm soát của trại rồi.
Nói tới đây, Cúc nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe.
-Chị Hai hiện là người giúp việc cho nhà mình. Tiền em giấu dưới đáy lon gô đựng ruốc kho sả.
Tôi gật đầu.
-Anh đã nghe rõ rồi.
Dứt lời tôi nói to, cốt ý cho ông cán bộ nghe.
-Ba, má, thằng Tý, con Quyên, có khỏe không? Em an tâm ở trong này anh phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, theo đúng chủ trương đường lối của đảng và nhà nước, khi nào tiến bộ anh sẽ được trở về sum họp với gia đình.
Mới hơn sáu tháng ở tù, tôi học được một câu nói nghe sặc mùi chữ nghĩa của Việt Cộng.
Ba mươi phút thăm nuôi trôi qua thật lẹ, ông cán bộ Việt Cộng thông báo đã hết giờ thăm, lợi dụng lúc chộn rộn, khi mà mọi người đang còn ồn ào xôn xao, Cúc giúi vào tay của tôi một cuộn tiền. Hành động của Cúc, không qua được đôi mắt lanh lẹ của ông cán bộ, nhưng hình như ông ta thấy cái bụng bầu của Cúc nên cố tình quay mặt làm ngơ. Tôi vội vã nhét tiền vào túi mà sợ điếng hồn.
Kéo lê hai bao thực phẩm ra khỏi nhà thăm nuôi, tôi đứng lặng yên nhìn Cúc đi về phía cổng trại, đầu của Cúc cúi gầm, tay đỡ lấy bụng, với những bước đi nặng nề chậm chạp vì cái bầu quá lớn. Hình ảnh người vợ thương yêu của mình phải chịu nhiều đau đớn mất mát, khiến tay chân của tôi cứ như rũ rượi, rã rời. Tôi ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào hai cái bao thực phẩm mà thấy cay cay nơi mắt. Tôi đang ở trong tù, ngoài kia vợ tôi cũng đang ở tù, có khác chăng chỉ là cái hàng rào vỉ sắt PSP. Hai bao thực phẩm quá nhiều, nặng có đến bảy, tám chục kí lô như không, tôi phải nhờ một anh trung úy vác giùm tôi một bao về trại. Nhìn cái bao thực phẩm của anh ta, tôi ngượng ngùng không nói nên lời, thực phẩm thăm nuôi của anh, đựng trong một cái bao ny lông nhỏ xíu ước chừng năm, bảy kí. Mấy ngày đường, đi xe đò từ Bảo Lộc Đà Lạt, đến Sông Mao, mà chỉ đem cho chồng vài kí lô thực phẩm, chuyện đó nhắc cho tôi nhớ bên ngoài vợ con của sĩ quan Ngụy hẳn là phải chịu nhiều bạc đãi, khổ sở, chẳng khác gì trong tù. Nghĩ như vậy, tôi lấy tặng anh bạn mới quen gói đường khoảng một kí. Anh ta nhìn tôi với đôi mắt đầy u uẩn, giống như chất chứa cả một đại dương buồn bã.
-Cảm ơn anh bạn, nếu bạn cho tôi một điếu thuốc, hút để lãng quên đời chắc tôi sẽ vui hơn, thích hơn.
Tôi vui vẻ lục trong bao, đưa anh ta gói thuốc còn nguyên.
-Cám ơn anh, đã giúp tôi mang bao thực phẩm về trại.
Việc đầu tiên tôi phải làm là múc hết thịt ruốc kho sả, cho vào cái hũ thủy tinh mà tôi có, nơi đáy lon gô được gói kỹ lưỡng trong mấy lớp ny-lông, là một xấp tiền mới và mười tấm giấy một trăm đô, kèm theo một lá thư ngắn gọn.
Anh giữ số tiền này để phòng thân, cả gia đình đều mạnh khỏe. Trước đây em quên nói với anh, cho nên anh để lại tám ngàn tiền Việt Nam Cộng Hòa dưới gối. Số tiền này chỉ là hột cát sông Hằng so với số tiền em đang có. Đừng lo lắng gì cho em, bằng mọi giá anh phải sống trở về với em và con. Thương anh, vợ của anh. Cúc.
Đọc xong thư, anh nhớ đốt bỏ ngay lập tức.
Tôi bật que diêm hút thuốc tiện thể đốt luôn bức thư, đợi cho đến khi bức thư chỉ còn lại chút tro tàn, tôi lấy khoảng một phần ba số thực phẩm mà tôi có, đem qua cho Long công tử. Phần còn lại của tôi và Trung úy Lợi.
Tôi và Long công tử ra ngồi sau hè nhà bếp, vừa ăn xôi gà vừa thưởng thức lon gô cà-phê sữa nóng hổi. Chuyện hai đứa tôi mở tiệc linh đình như vậy, không có gì là lạ vì hầu như tất cả tù nhân trong trại, cũng đều đang tụ họp theo từng nhóm nhỏ ăn uống tưng bừng.
Tôi đưa cho Long công tử năm trăm đô la, thêm một trăm đồng tiền mới của Việt Cộng, đó là một món tiền khá lớn vào thời bấy giờ. Sở dĩ tôi biết giá trị của đồng tiền mới, vì Trung úy Lợi đã dùng một đồng mua được ba tán đường.
Long công tử nhìn tôi.
-Mày nhớ không, hồi còn ở Thủ Đức mày cho tao với Biên mượn năm trăm, tao vẫn chưa trả lại cho mày. Hôm nay mày cho tao năm trăm đô la nữa, như vậy là đúng một ngàn.
Biết Long công tử chỉ đùa cho vui, nên tôi nói với hắn.
-Dưới con mắt của một cậu công tử như mày, tiền nào cũng là tiền cho nên mày mới đem gà cọng với vịt như vậy.
Long công tử hỏi.
-Mày có biết giá trị của năm trăm đô la không?
Tôi thú thật với Long công tử.
-Đô la ngoài thị trường chợ đen của thời Cộng Sản tao không biết, nhưng mà nhiều hay ít không phải là chuyện đáng nói, không thể nào đem đô la cộng với tình bạn được.
Long công tử nhắc tôi.
-Bản tính của mày vốn nhút nhát, nhưng mày là thằng chí tình, chuyện đó sẽ hại mày về sau.
Tôi nói với Long công tử.
-Có chuyện này tao muốn nói với mày, cứ mỗi lần thiếu tiền, muốn ăn cướp của dân, tụi Việt Cộng lại đổi tiền. Từ ngày mà ông Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình cho đến nay, đúng ba mươi năm, mấy tháng trước là lần thứ tư Việt Cộng đổi tiền, tính trung bình cứ khoảng hơn bảy năm là dân Việt Nam lại bị Việt Cộng ăn cướp tài sản của mình một lần. Riêng cái thằng đế quốc Mỹ bị Việt Cộng gán cho cái tội danh xâm lược, bóc lột, thì từ ngày lập quốc tới giờ, trải qua gần hai trăm năm, hình như tụi nó chưa đổi tiền lần nào.
Long công tử giục tôi.
-Mày lo ăn thịt gà đi, nói chuyện đổi tiền làm gì cho mệt.
Tôi cười với Long công tử.
-Vợ tao chưa đi học tập nên biết được, giữ tiền Việt Cộng giống như cầm tờ giấy lộn, chắc cũng tại như vậy mà vợ tao mới gởi đô la cho tao.
Long công tử cầm cái đùi gà rô ti vàng ươm mỡ.
-Mày cứ giữ tiền đi, đưa cho tao làm gì.
Tôi thuyết phục Long công tử.
-Với bọn Việt Cộng gian xảo lọc lừa, họ nói mười ngày thành mười tháng hay có thể lâu hơn nữa, tụi mình có đề phòng vẫn hơn. Tao ở khối 5 Đà Lạt, mày ở khối 4 Bình Thuận, cách nhau không xa, tuy là bấy lâu nay tao với mày có thể gặp nhau đều đều nếu muốn. Nhưng mà…Mày còn nhớ hay không, ngày xưa khi còn ở quân trường, mày đã từng giải thích cho tao nghe về ý nghĩa của bốn chữ Cư An Tư Nguy trong phù hiệu của Trường Bộ Binh Thủ Đức “Sống yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy khốn”. Biết đâu tối nay, tụi Việt Cộng bất ngờ giới nghiêm, tù của khối nào ở yên trong khối đó, áp tải mày ra giam giữ ở miền Bắc, đem tao nhốt ở Phú Quốc thì sao.
Long công tử gật gù cái đầu chỉ còn vài cọng tóc.
-Mày nói nghe cũng có lý.
Nói xong Long công tử cất tiền vào túi.
-Có tiền, có đầy đủ thực phẩm rồi, tao cần phải ăn uống tẩm bổ cho mau mạnh khỏe lại như xưa.
Tôi mừng rỡ tiếp lời hắn.
-Lâu lắm tao mới nghe mày nói một câu hay như vậy, cố gắng ăn cho nhiều vào.
Với nụ cười đầy tự tin, Long công tử ghé sát vào tai của tôi nói nhỏ, giọng nói ngang tàng của một sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt, không bao giờ chịu khuất phục trước họng súng AK.
-Khi mà sức khỏe của tao đã hoàn toàn hồi phục, hai thằng mình vượt ngục, kéo nhau vô rừng tiếp tục chiến đấu.
Tôi nhìn cái hàng rào vỉ sắt PSP xám xì xám xịt, cao đúng ba mét, với nòng súng đại liên 50 đen thui trên tháp canh, rồi nghĩ đến vợ tôi đang mang thai sắp sanh mà mồ hôi trộm tuôn ra khắp người. Tôi nhắm mắt than thầm, làm bạn với một ông sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt coi trời bằng vung, lại là bạn thân cùng sống cùng chết với hắn, quả thật không dễ chút nào. Đưa tay nâng cái lon gô, tôi ngửa cổ uống một ngụm cà-phê sữa nóng mà tưởng là mình đang uống thuốc liều.
HUY VĂN TRƯƠNG