CTBCTY Tập II chương 14
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU – Tập II (Huy Văn Trương)
Chương XIV
Mấy giọt mưa rừng
Từ xa, tôi đã thấy Cúc đang đứng nói chuyện với anh tài xế xe vận tải. Một tay của Cúc đưa lên trời, tay kia chỉ về phía chiếc xe như muốn phân bua điều gì đó. Khi nhìn thấy tôi, Cúc bỏ mặc anh tài xế, vội vàng chạy về phía tôi. Dang tay nắm lấy tay tôi với đôi mắt đầy ngạc nhiên, Cúc hỏi.
-Anh đi đâu từ sáng tới giờ, làm em lo quá sức. Em phải năn nỉ mãi anh tài xế mới chịu đợi anh trở về. Mà nè, áo của anh đâu rồi? Tại sao lại ra nông nổi này?
Thay vì trả lời, tôi kéo Cúc ngồi xuống bậc thềm phía trước, dưới mái hiên của căn nhà mà chúng tôi ngủ tối hôm qua, rồi từ tốn kể cho Cúc nghe chuyện của viên chuẩn úy Nhảy Dù và năm người lính của ông ta. Cuối cùng tôi nói.
-Cái áo em mua cho anh ngày hôm qua ở chợ Bến Thành, anh đã dùng nó, đắp lên mặt của viên chuẩn úy Nhảy Dù rồi.
Cúc nói.
-Em thấy anh không mặc áo nên mới hỏi vậy thôi. Anh không nhớ sao? Hôm qua em đã mua cho anh ba bộ quần áo, để em lấy cho anh cái khác.
Tôi gật đầu, mắt liếc nhìn anh tài xế vừa hút thuốc vừa đi về phía chiếc xe. Khi ngang qua chỗ tôi và Cúc ngồi, anh ta vẫy tay.
-Cô với cậu lẹ lẹ lên. Mình đi cho rồi.
Tôi chụp cái áo tròng vào người không kịp gài nút, tay trái xách cái va-ly, tay phải nắm tay Cúc kéo vội lên băng ghế trước của chiếc xe tải. Cúc ngồi giữa, tôi ngồi ngoài, lòng cabin xe rộng rãi, nệm ghế dày và êm vì được thiết kế cho tài xế lái đường xa khiến tôi hài lòng, không muốn đòi hỏi gì thêm nữa.
Khi xe chạy đến cầu xa lộ Biên Hòa, Cúc đưa cho tôi gói xôi đậu đen được gói trong miếng lá chuối.
-Anh ăn đi kẻo đói.
Nói xong Cúc nhìn sang anh tài xế.
-Bác tài ơi, bác có ăn xôi không? Tôi mua tới sáu, bảy gói lận, đủ cho mình ăn tới Đà Lạt.
Anh tài xế miệng nói nhưng mắt vẫn dán vào kính xe phía trước.
-Cảm ơn cô, tôi không đói. Khi nào cần tôi sẽ xin cô.
Tôi vừa ăn xôi vừa đưa mắt nhìn quanh, khúc đường này quá quen thuộc với tôi. Tôi biết, chừng mươi phút nữa xe sẽ chạy ngang qua nhà máy xi măng Hà Tiên, rồi Trường Bộ Binh Thủ Đức. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, chiều nay chúng tôi sẽ tới cầu Đại Ninh. Tại đây, tôi và Cúc xuống xe, tìm tàu bè hay bất cứ phương tiện gì để qua sông Đa Nhim, sau đó đón xe khác đi về Đà Lạt. Phần anh tài xế, anh ta phải bỏ xe lại bên này sông. Nếu muốn đem xe về Đà Lạt, cách duy nhất là anh tài xế phải chạy ngược trở lại ngã ba Dầu Giây, đi vòng qua Phan Thiết, Phan Rang rồi theo đèo Ngoạn Mục lên Đà Lạt.
Advertisement
Lương tâm của tôi không cho phép mình lừa gạt anh tài xế, về chuyện cầu Đại Ninh đã nằm dưới đáy sông rồi. Tôi nói với anh ta.
-Anh có biết là cây cầu Đại Ninh đã bị sập rồi hay không?
Anh tài xế trợn mắt nhìn tôi.
-Sập hồi nào? Mà tại sao lại sập?
Tôi trả lời.
-Cầu đã bị công binh của Trường Võ Bị Đà Lạt đặt mìn, giựt sập hơn một tháng rồi. Anh không biết hay sao?
-Ê…đó chỉ là tin đồn. Hôm qua, một ông bạn của tôi đã lái chiếc Desoto chở đầy rau từ Đà Lạt xuống Sài Gòn. Chính ông ấy nói với tôi, tất cả cầu cống trên quốc lộ 20 đều nguyên vẹn tốt đẹp, còn đường xá thì êm ru phẳng lì.
Tôi nghe anh tài xế nói mà tưởng như mình nằm mơ, làm sao có thể có được một chuyện thần thoại hoang đường như vậy. Tháng trước chính mắt tôi thấy Đại úy Thi, công binh của Trường Võ Bị Đà Lạt, trình với Thiếu tướng Chỉ huy trưởng là ông đã cho nổ sập cầu Đại Ninh rồi. Tại sao, hôm nay cây cầu vẫn còn nguyên? Không lẽ Đại úy Thi đã báo cáo không đúng sự thật. Không biết phải tin vào ai, tôi nghĩ thầm phải chi mình có đôi cánh, bay cái vèo tới cầu Đại Ninh để biết rõ hư thực như thế nào. Nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn tin rằng cầu Đại Ninh đã bị sập, đúng như lời Đại úy Thi đã báo cáo.
Tôi thở dài rồi nói.
-Không thể nào có chuyện như vậy được. Chính tai tôi nghe báo cáo, cầu Đại Ninh đã bị giật sập.
Anh tài xế nhìn tôi, rồi ngập ngừng nói.
-Cậu dám đoan chắc như vậy, nếu tôi đoán không lầm, cậu phải là lính mà cũng có thể là sĩ quan của Trường Võ Bị Đà Lạt.
Tôi định nói dối rằng mình không phải là lính, vì không biết rõ anh tài xế là người có thân Cộng hay không. Bài học kinh nghiệm lúc sáng còn đó, trong lúc tranh tối tranh sáng như thế này, không biết giữ gìn lời ăn tiếng nói có thể mất mạng như chơi, nhưng không biết vì sao, tôi lại dõng dạc nói với anh ta.
-Đúng, tôi là trung úy thuộc Phòng hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt.
Gương mặt của anh tài xế chợt sáng lên, đang lái xe anh ta vội vàng đưa tay phải lên cuối chân mày.
-Chào trung úy, trước đây tôi là hạ sĩ nhất Nhảy Dù. Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, tôi được giải ngũ….
Tôi nhìn bàn tay phải của anh tài xế chỉ còn ba ngón tay, ngón trỏ và ngón giữa của anh ta bị cụt mất. Tôi hiểu ngay tại sao anh ta được giải ngũ. Tôi nói mà như là nhắc nhở.
-Việt Nam Cộng Hòa đã mất rồi, xin anh đừng có gọi tôi là trung úy nữa. Tôi tên là Quân, còn đây là Cúc, vợ của tôi.
Anh tài xế cười.
-Cậu Quân nhắc tôi mới nhớ, mấy chục năm nay quen thói rồi, tôi sẽ thay đổi cách xưng hô cho hợp thời thế. Tôi tên là Minh.
Bầu không khí trong xe bỗng trở nên thân mật ấm cúng hơn, khi Minh lấy một lon nước ngọt đưa cho Cúc.
-Mời cô và cậu Quân.
Tôi nói.
-Cảm ơn anh Minh, bây giờ tôi có thể nói chuyện thật lòng với anh mà không sợ gì cả. Mấy phút trước đây tôi vẫn còn lo sợ, lỡ anh là người có cảm tình với Việt Cộng thì kẹt cho tôi.
-Cậu Quân khỏi lo, gia đình tôi là Ngụy thứ thiệt, Ngụy một trăm phần trăm.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, Minh nói thêm.
-Tôi còn có hai thằng em đều là sĩ quan Nhảy Dù, một thằng chết trong trận tái chiếm Cổ Thành, thằng còn lại, tháng Ba vừa rồi bị thất lạc ở mặt trận Khánh Dương. Cho đến giờ này, tôi vẫn không có tin tức gì của nó.
Tôi hỏi Minh.
-Em của anh thất lạc ở Khánh Dương mang cấp bậc gì?
-Nó là chuẩn úy, ra trường năm ngoái rồi tình nguyện về Nhảy Dù.
Tôi giật mình và cảm thấy trái tim của mình đập mạnh hơn, hình ảnh của chuẩn úy Ngo quay về trong đầu. Tôi vội vàng hỏi Minh.
-Anh ấy tên gì?
-Nó tên Hoàng.
Tôi lắc đầu rồi nói.
-Không phải.
Minh nói với tôi.
-Phải mà, nó tên là Lê Văn Hoàng.
Tôi phân trần với Minh.
-Xin lỗi, tôi đang nói về một người khác.
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tôi mới từ tốn kể cho Minh nghe về chuyện của ông chuẩn úy Nhảy Dù tên là Ngo, vừa bị bắn chết sáng nay. Gương mặt của Minh biến đổi theo từng chi tiết của câu chuyện, từ cái vẻ thờ ơ lúc ban đầu, chuyển dần sang căng thẳng. Khi tôi kể xong xuôi mọi diễn biến đã xảy ra lúc sáng nay, riêng cái đoạn tôi không dám nhận mình là lính Ngụy, tôi giấu biệt, lúc ấy cũng là lúc xe sắp đến Biên Hòa.
Minh quay nhìn tôi.
-Tôi có chuyện muốn bàn với cậu.
-Chuyện gì vậy anh?
Giọng nói của Minh lộ vẻ như trách móc.
-Tại sao cậu không phụ giúp mọi người một tay, lo chôn cất mấy người lính Nhảy Dù?
Tôi giải thích.
-Anh Minh à, trước khi đi, tên cán bộ chỉ huy của Cộng Sản có viết mấy chữ đặt dưới chiếc giày, với nội dung là cấm đem xác đi chôn.
Minh nói.
-Cậu không biết gì về Cộng Sản, tin bọn nó chỉ có nước bán lúa giống, đánh trống bỏ dùi là nghề của họ. Tên Việt Cộng viết tấm giấy đó, giờ này nó đã dông mất tiêu rồi, không bao giờ trở lại chốn cũ. Cậu có đốt đuốc tìm mười năm, cũng chẳng bao giờ gặp nó.
-Sao anh biết?
-Việt Cộng là bọn đa nghi xảo quyệt giống như bầy Cáo, chúng không bao giờ dám trở lại chỗ chúng đã đi qua hoặc đã trú ngụ vì sợ gài bẫy. Tôi còn lạ gì họ, suốt thời niên thiếu ở vùng xôi đậu, thêm gần ba năm lái xe chở hành khách, hai năm lái xe vận tải trên tuyến đường Sài Gòn – Đà Lạt, bị Việt cộng đào đường đắp mô, chận xe đóng thuế. Tiếp xúc thường xuyên với Việt cộng, cho nên tôi rành bọn họ quá. Hù dọa, khủng bố thiên hạ, là chính sách và đường lối của mấy ổng mà.
Minh ngừng nói, anh ta lần trong túi áo lấy ra bao thuốc Bastos xanh, chìa về phía tôi.
-Mời cậu Quân hút thuốc.
-Cảm ơn anh, để khi khác.
Minh quay cửa kính xe xuống, với cái bật lửa Zippo bóng loáng trên tay trái, Minh mồi thuốc, trong khi tay phải chỉ với ba ngón tay vẫn điều khiển tay lái một cách thuần thục.
Minh nói với tôi, mà khói thuốc vẫn còn đầy trong miệng.
-Cậu Quân à, tôi có chuyện cần cậu giúp một tay. Không biết cậu có đồng ý không?
-Chuyện gì? Nếu không phải chuyện hái sao trên trời, tôi sẽ làm ngay.
Minh nghiêm giọng.
-Tôi muốn cậu với tôi, tụi mình đi chôn sáu người lính Nhảy Dù. Một mình tôi không đủ sức, nhất là vấn đề tài chánh. Hai ngàn mà cậu và cô trả tiền xe cho tôi ngày hôm qua, tôi tiêu xài đã hụt đi mất gần một trăm rồi.
Tự nãy đến giờ, Cúc ngồi yên nghe Minh nói chuyện với tôi. Bất ngờ Cúc lên tiếng.
-Anh Minh là dân Sài Gòn phải không?
Minh đáp.
-Tôi chỉ có một phần là dân Sài Gòn thôi.
Cúc nói.
-Vậy còn mấy phần khác, là dân xứ nào?
Minh hỏi lại Cúc.
-Cô muốn biết gốc gác tôi ở đâu, là dân xứ nào phải không? Ba anh em tôi gốc ở Bến Tre.
Cúc hỏi.
-Tại sao anh không ở Bến Tre mà lại lên Sài Gòn? Chắc ở dưới đó mất an ninh chứ gì?
Minh nói.
-Việt Cộng gọi đó là vùng đất bất khả xâm phạm của họ, cho nên ở Bến Tre tình hình an ninh không được yên ổn như Sài Gòn, nhất là làng của chúng tôi ở cách tỉnh khá xa, khi mặt trời mọc phe Quốc Gia mình kiểm soát, lúc mặt trời lặn lại thuộc về đám âm binh Việt Cộng. Sống ở vùng quê, chúng tôi thấy rõ cái dã man tàn ác của Việt Cộng mà những người sống ở thành phố như cô và cậu Quân, không bao giờ biết được.
Minh hít một hơi thuốc dài rồi mới thong thả nói tiếp.
-Nói có sách mách có chứng, tôi phải kể lại chuyện sau đây, để cậu Quân và cô Cúc thấy rõ cái man rợ của Việt Cộng. Đâu khoảng đầu năm một ngàn chín trăm sáu mươi bốn, khi mà Đệ Nhất Cộng Hòa vừa mới sụp đổ được vài tháng, sau đó hàng rào ấp chiến lược bị tháo bỏ, tình hình an ninh trong các xã, ấp bắt đầu trở nên tồi tệ. Những viên chức hành chánh của xã, ban ngày họ làm việc tại văn phòng xã, đêm đến họ phải ôm mùng mền vô trong Quận để ngủ, hầu tránh sự truy lùng của du kích quân Cộng Sản. Một buổi chiều nọ, ông xã trưởng Lâm Châu sau giờ làm việc, cao hứng làm vài ba xị đế, khi đã ngà ngà say, ông quên mất cái nguy hiểm nên ngủ luôn tại nhà. Nhà tôi ở cách nhà ông xã trưởng Lâm Châu khoảng chừng mươi mét, giữa hai căn nhà là một hàng dừa lão. Khoảng chín giờ tối, bốn ông Việt Cộng súng ống đầy người, kéo đến nhà ông xã trưởng. Sau khi đọc bản án tử hình được viết trên một tờ giấy xé ra từ một cuốn vở học trò, với nội dung là ông xã trưởng đã làm tay sai cho Mỹ Ngụy, bức hại dân lành. Chuyện mới nghe qua tưởng như là giỡn chơi, thế nhưng khi thi hành án lệnh, là cắt cổ thiệt, thời bấy giờ khi giết người để răn đe, Việt Cộng chỉ dùng một cách duy nhất là cắt cổ. Đối với Việt Cộng chuyện cắt cổ Ngụy quyền cũng đơn giản giống như mấy bà nội trợ cắt cổ con gà, con vịt. Tay Việt Cộng thi hành bản án, đúng là một sát thủ chuyên nghiệp, hắn tính toán một cách chính xác, cắt cổ như thế nào mà ông xã trưởng không chết ngay. Ông xã trưởng Lâm Châu, tuy bị thương nặng nhưng vẫn cố bò đến cái gốc dừa gần nhà tôi, suốt đêm ông rên la thảm thiết, rồi kêu cầu cứu, nhiều lúc lại rú lên như chó tru. Nhìn thấy người bị thương nằm đó, tôi nói với ba tôi hãy cứu ông ta. Ba tôi ra dấu cho mấy anh em tôi yên lặng, ông chỉ vào căn nhà bếp của ông xã trưởng, nơi mà ngọn đèn dầu hãy còn tỏa chút ánh sáng mờ mờ, rồi nói “Bọn Việt Cộng vẫn còn ở trong nhà ông xã trưởng. Nếu ba cứu ông ta, cả gia đình mình sẽ bị tụi Việt Cộng xử tội, cái tội tiếp tay bao che cho bọn phản quốc chạy theo Mỹ Ngụy. Mấy đứa bây có muốn bị cắt cổ hay không? Nếu không, hãy im lặng”. Mãi cho đến khi trời mờ sáng, tiếng kêu của ông xã trưởng mới yếu dần rồi tắt hẳn. Khi biết chắc rằng mấy ông Việt Cộng đã rút đi rồi, ba tôi và tôi vội chạy ra gốc cây dừa nơi mà ông xã trưởng Lâm Châu đang nằm, với chút hy vọng là sẽ cứu được ông ta. Đến nơi, tôi lặng người đi vì sợ, xác ông xã trưởng nằm bên vũng máu hãy còn tươi, một vết cắt tím bầm nơi cổ, hình như máu hãy còn tiếp tục rỉ xuống đất. Gương mặt ông xã trưởng trắng nhợt, đôi mắt trợn trừng, cái miệng há hốc như con cá Ngảo cần không khí để thở. Tôi đoán rằng, ông xã trưởng phải chết trong đau đớn cùng cực.
Minh ngừng nói, đưa điếu thuốc đến gần khe cửa, chút tro tàn nơi điếu thuốc bị gió cuốn hút ra ngoài.
-Ngay ngày hôm đó, ba tôi dẫn anh em tôi ra bến xe, cho ba đứa cùng “Đồng Khởi” lên Sài Gòn, tạm trú nơi nhà ông chú của tôi ở khu Bàn Cờ. Trước khi chia tay, ba tôi căn dặn tôi phải lo cho hai đứa em, đừng có bận tâm gì về ông.
Minh quay nhìn tôi, gương mặt của anh hiện rõ nét đau khổ.
-Cậu Quân có biết số phận của ba tôi ra sao không?
Tôi ngập ngừng.
-Coi bộ hơi phiền à nghe.
Minh vội nói.
-Chỉ phiền thôi sao? Chưa kịp nhớ về ba tôi thì một người bạn của chú tôi từ dưới quê lên, báo cho chú tôi biết là ba tôi đã mất rồi. Cái chết của ba tôi, giống hệt cái chết của ông xã trưởng Lâm Châu. Ba tôi chết, một cái chết thê thảm, oan ức, tức tưởi, chỉ vì có ba thằng con lên Sài Gòn học, chạy theo Mỹ Ngụy. Chúng tôi không một đứa nào dám về quê, dự tang lễ của ba tôi, không được nhìn mặt ông lần cuối cùng, năm đó tôi vừa mười tám tuổi, chiến tranh đã bắt đầu lan rộng khắp Miền Nam. Tôi biết rằng trước sau gì mình cũng phải đi quân dịch, sau nhiều ngày suy nghĩ, tính toán thiệt hơn, tôi tình nguyện vào Nhảy Dù. Chuyện tôi quyết định vào Nhảy Dù, không biết đúng hay sai nhưng hai đứa em của tôi, khi nhìn thấy ông anh của chúng oai hùng trong bộ đồ bông nên sau khi đậu tú tài, chúng vô Thủ Đức rồi cũng tình nguyện vào Nhảy Dù luôn.
Tay trái cầm điếu thuốc, cánh tay tì lên tay lái, Minh dùng tay phải nâng lon nước, hớp một ngụm.
-Chúng tôi chỉ là dân tạm trú ở Sài Gòn.
Cúc nói.
-Ở Sài Gòn, anh có biết ông Nguyễn Văn Bảy không?
-Không, mà cha nội đó là ai vậy? Tài xế xe đò hả?
Cúc cười vui vẻ.
-Đương nhiên là anh không biết, nhưng ông trùm nhà cửa ở Sài Gòn chắc anh biết. Đúng không?
-Ông trùm nhà cửa ở Sài Gòn thì ai lại không biết, có phải là ông Bảy Ấn không?
-Đúng, Nguyễn Văn Bảy tự là Bảy Ấn. Ông ấy là ba của tôi.
Minh vội vàng quăng tàn thuốc qua khe cửa, anh ta há hốc miệng, tròn xoe đôi mắt nhìn Cúc.
-Nè cô Hai, đừng giỡn với tôi, cô nói thì tôi nghe. Còn tôi nói có gì không phải, xin cô bỏ qua cho. Con gái của một đại tư bản, trùm nhà cửa ở Sài Gòn mà ngủ vỉa hè, làm sao tôi tin cho được.
Cúc vẫn cười vui vẻ.
-Tôi có bắt anh tin đâu. Tôi chỉ muốn nói với anh, ở trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra được.
Cúc chỉ tôi rồi nói tiếp.
-Hai ngày trước, vợ chồng tôi còn sống trong một ngôi biệt thự nguy nga ở đường Công Lý. Sáng hôm qua, hàng chục chiếc xe tăng với hàng trăm lính Việt Cộng chạy vào sân nhà tôi, họ đuổi vợ chồng tôi ra khỏi nhà. Đó là hành động của bọn côn đồ, bọn ăn cướp giữa ban ngày chứ đâu phải là quân Giải Phóng. Chuyện như vậy anh tin được không?
Minh suy nghĩ một chút rồi trả lời.
-Tôi tuy học hành không ra gì, có cái bằng Trung học đệ nhất cấp mà thi cũng không đậu. Nhưng nhờ sớm lăn lóc với đời, học hỏi, bươn chải, đọc thêm sách vở, nên tôi hiểu được chút ít gian manh của Việt Cộng. Dinh Độc Lập là biểu tượng cho cơ quan công quyền tối cao của Miền Nam đã bị nghiền nát dưới xích sắt xe tăng của Việt Cộng. Cướp được chính quyền rồi, nước Việt Nam là tài sản riêng của đảng Cộng Sản, họ muốn đem cho ai cũng được, bán cho ai cũng xong.
Minh ngừng nói quay sang Cúc.
-Cô với cậu thử nghĩ coi, có một bọn ăn cướp, sau khi cướp được tài vật, thì chúng nó làm gì?
Không đợi cho Cúc và tôi trả lời, Minh nói tiếp.
-Ở đây tôi không muốn nói đến lũ ăn cắp, ăn trộm, bởi vì những hạng người này họ chỉ khoét vách đào ngạch, lén lút vô nhà cạy tủ lấy trộm của người, còn cái bọn ăn cướp là dùng vũ lực để cướp của người ta. Những gì dùng được chúng nó giữ lại để dùng, không dùng được, chúng đem đi bán sạch bách, lấy tiền chia nhau tiêu xài hoang phí. Đúng không? Cộng Sản cũng vậy mà thôi, mấy chục năm kiên trì, rình rập, lừa đảo, hôm nay họ đã dùng hàng chục sư đoàn lính chính quy cọng với xe tăng và trọng pháo, đã cướp xong hoàn toàn nước Việt Nam, ngày mai họ sẽ đem bán cái đất nước này lấy tiền chia chác cho các đảng viên của họ. Ngày nào, đảng Cộng Sản còn nắm quyền, trước sau gì nước Việt Nam cũng bị đem đi bán, bán cho đến sạch sành sanh mới thôi.
Tôi nghĩ thầm, anh chàng Minh này nếu được học hành tới nơi tới chốn, cuộc đời của anh ta sẽ khác đi nhiều, chứ không phải chỉ là một anh tài xế tầm thường chuyên lái xe vận tải. Tôi hỏi vặn Minh, với mục đích dò xét thêm về khả năng lý luận của anh ta.
-Dựa vào đâu mà anh nói như vậy?
Minh cao giọng.
-Dựa vào đâu hả? Thì cô Cúc mới nói với tôi đó. Hàng chục chiếc xe tăng, hàng trăm tên bộ đội với súng đạn đầy người, tràn vô sân nhà của cô, họ chỉa súng vô đầu, đuổi cô và cậu ra khỏi nhà. Đó có phải là chuyện họ mua căn nhà của cô và cậu, với cái giá thuận mua vừa bán hay không? Nếu cô Cúc nói rằng, cô đồng ý bán căn nhà cô đang ở cho Việt Cộng thì tôi sẽ im miệng, không có gì cần bàn cãi. Còn nếu cô nói rằng, đó là hành động của bọn ăn cướp thì chắc chắn là tôi nói đúng. Như vậy chuyện tương lai lũ Việt Cộng bán nước, sẽ bán sạch cái đất nước Việt Nam này, lấy tiền chia chác với nhau, là chuyện sẽ phải xảy ra.
Tôi nhắc Minh.
-Anh đang dùng “tam đoạn luận” để chứng minh là Việt Cộng sẽ bán nước, thế nhưng anh quên mất, tiền đề của anh đưa ra không đứng vững, bởi vì Việt Cộng nói rằng, họ đánh Mỹ là để giải phóng cho dân tộc.
Minh cười ranh mãnh.
-Tôi không cần biết “tam đoạn luận” hay “tứ đoạn luận” gì hết. Chuyện đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng Miền Nam, đem lại độc lập tự do cho đất nước chỉ là chiêu bài để mị dân mà thôi. Từ thủa thành lập cho đến ngày hôm nay, đảng Cộng Sản Việt Nam núp dưới cái chiêu bài này để ăn cướp. Và đó là bản chất của họ, chuyện chỉ có vậy.
Cúc nhìn Minh như ngầm đồng ý, rồi xen vô.
-Anh Minh nè, tạm gác chuyện tranh cãi qua một bên, lúc nãy anh muốn cùng với chồng tôi, lo việc chôn cất mấy người lính Nhảy Dù. Phải không?
-Đúng, nhưng tôi không có đủ tiền.
Cúc với giọng nói đầy tự tin.
-Chuyện tiền bạc tôi có thể lo được, tuy nhiên vẫn còn có nhiều việc quan trọng hơn, mà mình cần phải làm trong việc chôn cất mấy người lính Nhảy Dù. Chẳng hạn: Phải chôn họ ở đâu? Ai sẽ là người đi mua áo quan?
Minh nói.
-Tôi báo trước cho cô và cậu biết, mình không thể nào chôn họ ở Nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Tôi chen vào hỏi Minh.
-Tại sao vậy?
Minh với giọng nói chắc nịch.
-Việt Cộng đóng quân ở đó đông như kiến. Mình mà đem xác mấy ông lính nhảy dù này vô đó chôn, chẳng khác gì chạm vào cái tổ ong vò vẻ. Chọc vào mấy ông đang say men chiến thắng, họ bắn bỏ mình như không.
Vừa dứt lời, Minh vặn người sửa lại thế ngồi trong khi hai tay vẫn cầm chắc tay lái.
-Ngày hôm qua, tôi lái xe đến Nghĩa trang quân đội Biên hòa, với mục đích là thăm mộ thằng em tôi một lần cuối. Thời thế đã đổi thay, gió đã đổi chiều, biết đâu sau này người ta sẽ cày xới, san bằng cái nghĩa trang này để xóa bỏ vĩnh viễn hình ảnh của những người lính Miền Nam. Em tôi tên là Lê Văn Huy, chuẩn úy Nhảy Dù chết trong trận tái chiếm Cổ Thành, thân xác của nó được đem về chôn ở Nghĩa trang quân đội Biên hòa. Khi tôi đậu xe gần bức tượng “Thương Tiếc” đang gặm bánh mì, uống ly nước mía. Tôi bỗng giật mình vì một ông lính Việt Cộng tay cầm cái ống nói, với giọng oang oang qua máy truyền tin “Bọn tớ đang ở ngay chân đồi mả lính Ngụy. Mẹ kiếp cái bọn Ngụy, chúng nó dùng nguyên một quả đồi để chôn xác hàng vạn thằng lính Ngụy, cảnh quang trông hoành tráng ra phết”.
Minh lại loay hoay mồi thêm một điếu thuốc, rít một hơi dài, thở khói ra mũi coi thoải mái hết sức.
-Tôi nghe tên Việt Cộng nói rõ ràng, nhưng phải suy nghĩ một lúc mới hiểu. Cô cậu biết nó nói gì không?
Cúc lắc đầu.
-Không, mà cảnh quang hoành tráng là cái gì?
Minh trả lời Cúc.
-Theo tôi hiểu, nó muốn nói Nghĩa trang quân đội Biên Hòa to lớn và đẹp đẽ.
Tôi hỏi Minh.
-Không chôn người ở Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, vậy thì mình phải chôn họ ở đâu?
Cúc nói.
-Em biết, chỗ xử bắn ông chuẩn úy Nhảy Dù đến Nghĩa địa Chí Hòa, khoảng mười phút lái xe. Chôn ở đó là tiện nhất.
Chuyện nói ra thì dễ nhưng khi thi hành mới khó. Chôn cất xong năm người lính Nhảy Dù và viên chuẩn úy, đồng hồ đeo tay của tôi chỉ một giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1975.
Đợi cho đến khi Cúc thanh toán xong xuôi tiền công cho những người lo việc chôn cất, Minh giục tôi và Cúc.
-Chúng ta lên xe, trễ lắm rồi.
Đêm Sài Gòn phủ một màu đen, nhà cửa hai bên đường chỉ còn là những cái bóng chạy giật lùi mỗi lúc một mau. Chút ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn đường khi mờ khi tỏ của một thời xa xưa, không làm cho mặt đường sáng thêm chút nào. Đường phố vắng tanh không một bóng người, không một tiếng động ngoại trừ tiếng nổ đều đều bên tai của động cơ xe vận tải do Minh lái. Xe chạy băng băng trên xa lộ Đại Hàn, xuyên qua màn đêm dày đặc, lao đầu về phía trước.
Tôi nhìn Minh đang chăm chú lái xe, với vẻ mặt đầy mệt mỏi rồi nói với Cúc.
-Em đổi chỗ cho anh, anh muốn ngồi giữa để nói chuyện với anh Minh. Lái xe trong đêm vắng, có người chuyện trò hy vọng anh Minh sẽ đỡ buồn ngủ.
Cúc nhoài người ra ngoài, ngồi tựa vào cửa xe rồi nói với tôi.
-Phải đó, em cũng mệt quá rồi, cần nhắm mắt một chút. Hai người nói chuyện mà em ngồi ở giữa, em sẽ không ngủ được.
Tôi nói với Cúc.
-Em dựa vào vai của anh mà ngủ.
Cúc không nói gì, ngoan ngoãn tựa đầu vào vai của tôi.
Quay nhìn Minh, tôi hỏi nhỏ.
-Tôi biết anh là lính Nhảy Dù, nhưng yếu tố đó không đủ mạnh, khiến anh phải lo chôn cất sáu người lính Nhảy dù. Phải còn lý do nào đó chìm ẩn bên trong, anh có thể nói cho tôi biết được không?
Không vội trả lời tôi, Minh quay cửa kính xe xuống thành một kẽ hở nhỏ, mồi một điếu thuốc, rít một hơi dài, đốm lửa nơi đầu điếu thuốc rực sáng trong đêm. Chỉ một giây bừng cháy sáng, tôi thấy đôi mắt Minh như mờ đi. Minh nói với tôi, giọng nói trầm đều.
-Tôi làm như vậy vì tôi là lính Nhảy Dù, và tôi vẫn còn mang một món nợ với ông thầy của tôi, Chuẩn úy Bùi Anh.
Giọng nói của Minh trở nên xa vắng.
-Đâu hơn chục năm trước, mãn khóa Nhảy Dù, tôi cùng bốn chục tân binh được một ông thiếu úy lãnh về Tiểu đoàn I Nhảy Dù. Mang cái phù hiệu của Tiểu đoàn I nơi túi áo, tôi tham dự nhiều trận đánh lớn có, nhỏ có. Từ đồng bằng đánh lên cao nguyên, từ Sài Gòn bay ra vùng hỏa tuyến.
Đang kể chuyện say sưa, Minh đột ngột ngưng nói quay qua hỏi tôi.
-Cậu Quân có biết bản nhạc “Kỷ vật cho em” không?
Tôi trả lời Minh.
-Biết, đây là bản nhạc mà tôi thích. Đã là lính Việt Nam Cộng Hòa ai mà không biết bản này.
-Tại sao cậu Quân lại thích nó?
-Tôi là khách thường trực của quán cà-phê Hạnh Tâm, bản nhạc này được mấy cô thu ngân cho khách nghe hoài. Mặc dù lời của bản nhạc nghe chán chường, đầy bi quan, mỗi lần nghe là một lần muốn tự tử nhưng nó lại có sức thu hút mãnh liệt. Tôi nghe riết rồi đâm ra thích.
Minh nói với tôi.
-Tôi thì khác. Sở dĩ tôi thích bản nhạc này vì nó nói đúng y bon chuyện năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm, Tiểu đoàn I Nhảy Dù của tôi, nhảy trực thăng vận vào mặt trận Bình Giã. Tôi mê bản nhạc này, vì có tôi hiện diện trong đó. Sau này tôi còn tham dự nhiều trận đánh nữa, như ở Sơn Tịnh Quảng Ngãi rồi quay về giải tỏa áp lực của địch quanh thủ đô, bảo vệ đài phát thanh Sài Gòn trong trận Tết Mậu Thân.
Thấy Minh sắp sửa lạc đề, tôi nhắc khéo.
-Anh Minh à, anh kể tiếp cho tôi nghe chuyện Chuẩn úy Bùi Anh đi.
Minh vỗ trán.
-Chút xíu nữa là tôi quên mất tiêu, nếu cậu không nhắc, chuyện như thế này: trong cuộc hành quân vùng Mõ Vẹt Cam-Bu-Chia, một biến cố trọng đại đã xảy ra khiến tôi nhớ mãi suốt đời. Chuẩn úy Bùi Anh và tôi bị thất lạc đơn vị, không địa bàn, không bản đồ, mỗi người chỉ còn khẩu M16 trên tay với vài băng đạn. Riêng tôi chỉ bị thương nhẹ ở chân, vết thương do miểng đạn pháo 82 ly không có gì nguy hiểm. Lúc bấy giờ, sau gần năm năm trong quân ngũ, tôi đã mang lon hạ sĩ nhất, là một chiến binh dày dạn chiến trường, quen xông pha nơi trận mạc. Tôi rất hãnh diện vì mình là một trong ba người còn sót lại, trong số bốn mươi tân binh được bổ sung cho tiểu đoàn vào cuối năm một ngàn chín trăm sáu mươi bốn. Trong khi đó, ông thầy của tôi là Chuẩn úy Anh mới ra trường được vài tháng, kinh nghiệm chiến trường chưa có bao nhiêu, ông ấy chỉ hơn tôi cái lon chuẩn úy gắn nơi cổ áo, chuyện mưu sinh thoát hiểm, di chuyển trong rừng, làm sao bằng tôi được. Tận cùng trong thâm tâm, tôi không phục Chuẩn úy Anh, nếu không muốn nói là coi thường. Chuyện trốn chạy Việt Cộng, hai người hai ý kiến trái ngược nhau, tôi chỉ muốn chạy thật mau, bất kể phương hướng, miễn làm sao thoát khỏi vùng ảnh hưởng của Việt Cộng càng sớm càng tốt. Với tôi, thì giờ là vàng bạc, chạy chậm đồng nghĩa với chết. Chuẩn úy Anh ngược lại, ông ta chạy nhưng vẫn cẩn thận xác định phương hướng. Giữa rừng già, không có địa bàn làm thế nào mà Chuẩn úy Anh có thể tìm được phương hướng. Vì nghĩ như vậy, nên tôi xẳng giọng với Chuẩn úy Anh “Chuẩn úy có biết đơn vị mình nằm ở chỗ nào không mà ông dò tìm phương hướng?” Chuẩn úy Anh trả lời “Tôi cũng như anh, không biết đơn vị ở đâu, nhưng tôi biết chắc một điều, nếu mình đi về hướng Đông sẽ là phía Việt Nam Cộng Hòa, hy vọng sống sót rất cao. Còn nếu đi về hướng Tây sẽ là Cam-Bu-Chia, là hậu cần của Việt Cộng, đó là tử địa. Anh có muốn đi theo tôi hay không, tùy anh lựa chọn”. Tôi đi theo Chuẩn úy Anh mà trong lòng đầy bực tức, hơn hai ngày trong rừng rậm, lầm lũi băng rừng vượt suối, hai thầy trò dẫn nhau tìm đường trở về lại đơn vị. Qua ngày thứ ba, vết thương nơi chân của tôi bắt đầu làm độc vì bị nhiễm trùng, cùng lúc ấy một cơn mưa nhỏ kéo đến đã làm cho toàn thân của tôi lạnh ngắt, tai ù đi như bị điếc, đầu thì nóng sốt trong khi chân tay lại run lập cập khiến tôi không thể nào di chuyển được. Tội nghiệp Chuẩn úy Anh, mặt mày hốc hác vì đói và mệt, vậy mà ông ấy một mặt vẫn cố gắng cõng tôi trên lưng, mặt khác vừa lo dò tìm phương hướng. Gục đầu trên vai của Chuẩn úy Anh, hai tay của tôi choàng qua cổ của ông ta, mắt tôi thấy rõ ràng, Chuẩn úy Anh cố lê từng bước chân nặng nề, đi xuyên qua những rừng cây âm u đầy muỗi mòng rắn rết. Tôi thầm nghĩ, nếu tình trạng bi đát như thế này kéo dài, cuối cùng cả hai sẽ cùng chết. Trong lúc tuyệt vọng, tôi nói với Chuẩn úy Anh “Ông thầy bỏ tôi lại đây, một mình ông đi nhanh hơn, may ra còn thoát được.” Chuẩn úy Anh nói với tôi, giọng nói chứa đầy tình nghĩa “Trong binh chủng của mình, những người lính Nhảy Dù coi nhau như anh em trong một đại gia đình. Một ngàn trái đạn pháo của Việt Cộng nổ chụp lên đầu, lính Nhảy Dù cùng nhau chung sức gánh chịu, bởi vì, họ từng chia xẻ với nhau từng ngụm nước trên đỉnh Trường Sơn, từng nắm cơm nơi địa đầu giới tuyến. Và điều quan trọng nhất là lính Nhảy Dù không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Một người lính Nhảy Dù nằm xuống nơi chiến địa, xác của họ phải được đem về hậu phương chôn cất.” Cuối cùng, Chuẩn úy Anh nói với tôi, câu nói mà suốt đời tôi không bao giờ quên “Trừ khi tôi chết đi, nếu còn một hơi thở, tôi còn cõng anh trên lưng”.
Minh ngừng nói, chừng như quá xúc động khi nhắc lại chuyện xưa, anh đưa tay quẹt ngang mắt của mình rồi nói tiếp .
-Mỗi một chữ của Chuẩn úy Anh nói ra, là một giọt nước mắt của tôi lại rơi xuống, trộn lẫn với những giọt mưa rừng lạnh ngắt. Đột nhiên Chuẩn úy Anh hỏi tôi “Tại sao anh lại khóc”. Ngạc nhiên quá sức, tôi không hiểu tại sao Chuẩn úy Anh biết tôi khóc. Tôi nói “Sao ông thầy biết?” Chuẩn úy Anh nói “Có mấy giọt nước mưa âm ấm, rớt vào cổ tôi”. Trong lòng đầy thương cảm, hối hận vì suy nghĩ nông cạn, sai lầm của mình, tôi buột miệng nói “Xin ông thầy tha lỗi”. Không biết Chuẩn úy Anh có nghe tôi nói lời xin lỗi hay không, nhưng ông vẫn cúi đầu lê bước. Một chuyện hết sức là may mắn, chiều ngày hôm ấy, khi chúng tôi vượt qua một cái trảng trống, được trực thăng phát hiện và bốc về. Những lời nói của Chuẩn úy Anh trong chiến trường ngày nào đã thấm vào từng mạch máu, từng tế bào của tôi. Đó là lý do khiến cho tôi ngày hôm nay, phải lo chôn cất sáu người lính Nhảy Dù.
Tôi nói với Minh.
-Bây giờ, tôi đã hiểu tại sao, nhưng trong lòng vẫn còn chút lấn cấn.
Minh lập lại.