CTBCTY Tập IV chương 35
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)
Chương XXXV
Uống rượu tiêu sầu
Tôi và Cúc đứng nép vào một bên cửa, tiễn đưa ông Năm bánh xèo ra về. Chờ cho đến khi thân hình khá to lớn của ông ta mất hút trong bóng đêm dày đặc, lúc bấy giờ hai đứa mới đóng cửa trở vào nhà.
Dưới ánh sáng của ngọn đèn neon, nhìn gương mặt của Cúc tươi cười hớn hở, tôi ngạc nhiên hỏi:
-Vừa bị ép buộc ký giấy tờ bán căn biệt thự nguy nga đồ sộ, tọa lạc trên một lô đất rộng cả mẫu mà không có được đồng xu hay cắc bạc nào, sao em lại vui quá như vậy.
Cúc chậm rãi hỏi tôi.
-Nếu anh phải chọn giữa chuyện Việt Cộng bắt em bỏ tù mà không cho biết đến khi nào mới thả, và chuyện họ lấy căn nhà mà mình đang ở, thì anh sẽ chọn điều nào?
Tôi hiểu Cúc muốn nói gì rồi nên đáp.
-Dĩ nhiên là phải lấy của che thân, cúng cho họ căn nhà.
Cúc ôm chặt lấy tôi.
-Em cũng vậy thôi, bỏ căn biệt thự để có anh là chuyện em phải làm.
Đang nói chuyện, Cúc chợt nhỏ giọng lại như muốn tâm sự với tôi.
-Anh biết không, suốt mấy ngày qua em sống trong lo âu, sợ hãi, vì tin rằng chuyện anh khai gian lý lịch trong trại cải tạo, trước sau gì cũng bị Cộng Sản phát hiện. Lúc bấy giờ họ sẽ bắt anh bỏ tù lại, lần này sẽ không có ngày về.
Tôi nhắc Cúc.
-Mới mấy ngày trước đây em khẳng định với anh là, Việt Cộng đã không cho người đi xác minh lời khai của anh trong trại tù cải tạo nên mới thả anh về. Tại sao hôm nay, em lại nói khác đi như vậy. Em có tự mâu thuẫn với mình hay không?
Cúc với nụ cười rạng rỡ trên môi.
-Trước đây em chỉ muốn anh được an lòng, nên em tự lừa dối mình mà nói với anh như vậy. Hôm nay, sau khi nghe ông Năm đồng ý đánh đổi tự do của anh để lấy căn biệt thự, em mới biết chắc một điều, tạm thời anh đã thoát khỏi cái tội man khai lý lịch. Em mừng là vì vậy.
Ngập ngừng một chút, Cúc nói tiếp.
-Anh thử nghĩ coi, sau tháng 4 năm 75, mấy chục tòa nhà cao tầng của ba ở Sài Gòn đã bị Đảng Cộng Sản Việt Nam ăn cướp giữa ban ngày. Còn căn biệt thự ở đường Công Lý, nơi mà anh với em đang ở cũng bị họ đem cả chục chiếc xe tăng, trên đó có hàng trăm bộ đội Cộng Sản trang bị súng AK, B40, tràn vô nhà mình đuổi anh và em ra khỏi nhà. Chuyện này chính anh đã chứng kiến. Mất chừng đó nhà cửa, em không một chút tiếc thương thì sá gì căn biệt thự ở Đà Lạt. Hơn nữa, năm ngoái khi anh và em về tới Đà Lạt, em vẫn đinh ninh rằng ngôi biệt thự này đã bị Cộng Sản lấy mất rồi.
Vui vì thấy vợ thương yêu và lo lắng cho mình, tôi đi tới cái tủ rượu nằm khuất sau một bức tường nơi phòng khách, chọn một chai. Ba tôi không phải là đệ tử của thần lưu linh, thế nhưng cái tủ rượu của ông phải nói là thuộc vào hạng hiếm có ở Việt Nam. Tủ được đóng bằng loại gỗ tốt, to lớn, bề thế, đứng choán cả một góc phòng, bên trong với hàng trăm chai rượu quý của những hãng sản xuất rượu nổi danh trên thế giới. Dân nghiện chỉ cần nhìn thấy cái tủ rượu của nhà tôi, sẽ nghĩ ngay ba tôi là một tay uống rượu như hũ chìm.
Sở dĩ có chuyện ngược đời như vậy, vì thực ra cái tủ rượu của nhà tôi là do bác Bảy, ông ba vợ của tôi đưa từ Sài Gòn lên. Bác Bảy muốn có riêng một tủ rượu để ở nhà ba tôi, phòng khi ông lên Đà Lạt thăm người bạn cố tri cũng là ông sui, bác có sẵn rượu để uống. Đầu dây mối nhợ là như vậy.
Đưa chai Johnnie Walker nhãn đen lên cao, tôi nói.
-Tối nay vợ chồng mình, mỗi đứa phải cưa dăm ba ly mừng ngày vui.
Cúc nhìn tôi với đôi mắt đầy vẻ ngạc nhiên.
-Chưa bao giờ em thấy anh chạm tay vào ly rượu, nói gì đến chuyện uống vài ly.
Tôi cười vui vẻ.
-Ngày xưa, lần đầu tiên đưa em về Sài Gòn gặp bác Bảy, trong bữa cơm tối, ông bắt anh phải uống rượu với ông.
Cúc chỉnh tôi.
-Anh phải gọi là ba, không còn là bác Bảy nữa đâu.
Tôi gật đầu nói lia lịa.
-Phải, phải… ba. Tối hôm đó anh uống với ba vài ly Martell, ngồi nghe ông tâm sự. Cũng nhờ uống chút rượu mạnh, máu trong người của anh hình như luân lưu mau hơn, nên anh đánh một giấc ngon lành cho đến sáng. Hôm nay, anh cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhõm trong lòng, nhất là thấy em sung sướng như vậy nên anh muốn uống chút rượu mừng.
Cúc gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
-Nhà không có gì làm mồi nhậu, hay là để em vô nhà bếp rang một ít đậu phụng.
Chưa dứt lời, Cúc đã lấy chai Johnnie Walker trên tay tôi đặt vào tủ, rồi đưa cho tôi chai Martell Cordon Bleu.
-Uống thứ này đằm hơn anh à, không có bị xóc như Johnnie Walker.
Tôi tròn mắt ngó vợ.
-Thiệt không? Sao em biết? Đừng có nói mò nghe.
Cúc từ tốn giải thích.
-Chuyện có hơi dài, em sẽ cố gắng nói gọn lại cho anh nghe. Như anh đã biết, ba của em là một ông già nhà quê, thuở nhỏ vì nhà nghèo, không được học hành nên phải đi chăn trâu, chăn bò, kiếm sống. Từ bé cho đến lúc bước chân vào Sài Gòn, ba của em có biết uống rượu bao giờ đâu. Đến khi gặp ông ngoại, ba mới tập tành chuyện rượu chè. Dĩ nhiên lúc đó ông chỉ uống toàn là rượu đế Việt Nam. Sau này khi giàu có lên rồi, vì công việc thường hay đi đây đi đó, giao thiệp với nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, lúc bấy giờ ông mới uống rượu ngoại quốc. Chuyện đời, “Phú quý sinh lễ nghĩa” ba quay sang uống những loại rượu quý hiếm. Ở đây có một chuyện trở ngại là ba đọc tiếng Việt còn vấp váp nói gì đến chuyện tiếng Anh, tiếng Tây.
Tôi cướp lời Cúc.
-Như vậy thì làm sao ba biết phân biệt được các chai rượu danh tiếng trên thế giới.
Cúc trả lời tôi.
-Em chớ còn ai nữa, lúc bấy giờ em đang học đệ nhị, đệ nhất bậc trung học. Vì muốn giúp ba nên em phải coi những cuốn sách chuyên nói về rượu, tìm tòi nghiên cứu những loại rượu ngọai quốc nào ngon, loại nào quý hiếm, em sẽ đặt mua. Em mua đủ loại rượu cho ba, từ Whiskey của Mỹ qua Whisky của Scottland, của Ireland rồi Martell của Pháp.
Đang nói Cúc đột ngột dừng ngang.
-Đố anh biết cái hầm rượu của ba ở căn nhà đường Công Lý, có bao nhiêu chai?
-Cũng cả trăm chai, như cái tủ rượu này.
Cúc cười ra vẻ thích thú.
-Nó gấp mười lần đó anh.
Tôi than.
-Như vậy, ba uống cho tới khi nào mới hết.
-Anh hơi đâu mà lo cho mệt, ba uống rượu bằng con mắt. Chính em nhìn cái hầm rượu của ba, chưa uống mà đã say rồi.
Như chợt nhớ ra điều gì, Cúc hỏi tôi.
-Ngày xưa ở Trường Võ Bị Đà Lạt, lương trung úy độc thân của anh, bao nhiêu một tháng?
Tôi trả lời Cúc.
-Hơn hai mươi lăm ngàn một chút.
-Chưa đủ để ba mua một chai rượu.
Hình như tôi đã nghe câu nói này ở đâu đó trong quá khứ. Sau một hồi suy nghĩ, tôi chợt nhớ ra rồi cười thích thú.
-Đúng là cha nào con nấy. Em có biết, ba đã từng nói với anh “Lương tháng của con, không đủ cho con Cúc mua một bộ đồ.”
Cúc hỏi tôi.
-Ba nói với anh như vậy sao?
-Đúng.
-Vậy mà em cứ tưởng ông không biết gì về em. Mà thôi để em kể tiếp cho anh nghe, trong hầm rượu của nhà có rất nhiều rượu quý nhưng ba chỉ thích Marttell Cordon Bleu. Đây là loại rượu được làm bằng nho, trồng ở vùng Cognac của Pháp, đóng trong những thùng gỗ Sồi rồi ủ ít nhất là hai, ba năm. Vì vậy loại rượu này nó thơm mùi đặc biệt của gỗ Sồi, không lẫn vào đâu được.
Tôi lắc đầu.
-Nghe em nói, anh cứ như vịt nghe sấm.
Cúc đưa tay chận miệng tôi.
-Nếu không biết, thì anh hãy cố nghe cho hết câu chuyện. Hồi đó em vẫn thường uống rượu với ba, mua rượu cho ba, nên em rất rành, loại rượu nào ngon, loại nào quý, loại nào đắt, loại nào rẻ. Còn ba gọi em là con gái rượu của ông, hiểu theo cả hai nghĩa, là con gái cưng và con gái chuyên lo việc mua rượu ngon cho ba. Giờ thì anh đã hiểu rõ, tại sao em rất sành sỏi về các loại rượu. Anh cứ yên tâm, đem rượu lên sân thượng trước đi, em phải dặn dò chị Hai coi con rồi sẽ lên sau.
Đặt chai rượu và hai cái ly thủy tinh trong suốt xuống cái bàn gỗ trên sân thượng, tôi ngẩng mặt nhìn trời, trăng đêm nay đã khá tròn, chắc còn vài ngày nữa là đến rằm tháng Tám. Trong cái im vắng sâu thẳm của đêm dài, tôi rót rượu vào hai cái ly, mùi thơm của loại rượu được sản xuất tại Pháp thoảng trong không khí, xông thẳng vào mũi. Chưa uống giọt rượu nào mà tôi đã cảm thấy lòng lâng lâng nhẹ nhõm. Tôi nâng ly ực một hơi, một dòng nước lành lạnh chảy tràn qua cổ họng, theo sau là một luồng hơi ấm lan tỏa khắp người. Cùng lúc ấy, Cúc xuất hiện nơi cuối sân, tay bưng một cái tô mà tôi đoán là đậu phụng rang, tay kia xách một chai nước khoáng hiệu Perrier. Đi đến ngồi bên tôi, Cúc nói.
-Ba vẫn thường uống rượu mạnh pha với Perrier.
Tôi nói.
-Anh hoàn toàn mù tịt về rượu, em nói cách pha chế rượu với anh, khác nào đàn khảy tai trâu.
Cúc nâng chai Perrier rót vào hai ly rượu, bưng lên lắc nhẹ rồi thản nhiên uống một hơi.
Tôi nhắc chừng Cúc.
-Em uống từ từ, vừa vừa thôi, không khéo lại say bây giờ.
Cúc trấn an tôi.
-Anh đừng có lo, ngày xưa lúc chưa giận ba, thỉnh thoảng em vẫn thường cụng ly với ông, cha con mà như là bạn, cũng chén thù chén tạc, cho nên tửu lượng của em cũng thuộc hạng kha khá.
Tôi thố lộ tâm tình với Cúc.
-Chuyện mà em thường uống rượu với ba, anh hoàn toàn không biết. Nếu như vậy, không chừng em uống rượu còn khá hơn anh.
Nói xong, tôi cụng ly với Cúc rồi hớp một ngụm. Chỉ một vài phút sau, hơi ấm của rượu chừng như đã luân lưu khá mau trong cơ thể. Rượu vào lời ra, tôi nói với Cúc, câu nói nghe qua tưởng như vô thưởng vô phạt. Tôi không ngờ, với Cúc câu nói lại quan trọng vô cùng.
-Không biết, giờ này ba ở đâu? Đang làm gì?
Cúc nhìn tôi với ánh mắt buồn như muốn khóc.
-Có chuyện này em muốn nói với anh, tháng ba năm bảy lăm, khi theo anh tới phi trường Cam Ly để về Sài Gòn, trên chiếc phi cơ C130 do anh Ly bạn của anh lái. Vừa về đến nhà, gặp ba chưa kịp chào hỏi ông đã giận dữ mắng cho em một trận nên thân. Sau đó ba nói với em, nguyên văn như thế này “Tại sao con đi về chỉ một mình, mà không lôi đầu cái thằng ngu đó về đây cho ba. Có cơ hội đi Mỹ với vợ lại không chịu, cứ khư khư ôm cái Trường Võ Bị đó mà làm gì. Đã vậy lại còn bày đặt nói chuyện đào ngũ với không đào ngũ.”
Cúc ngưng nói, uống một ngụm rượu.
-Em biết vì giận nên ba mới nói như vậy, chứ thật lòng ông rất thương anh. Anh có biết vì sao em dám nói như vậy không?
Tôi trả lời Cúc.
-Quả thật, anh không biết.
Cúc nhỏ giọng.
-Sau khi la em xong, ba đi tới đi lui trong phòng khách mà như là gà mắc đẻ, gương mặt đầy vẻ bực tức, miệng thì lẩm bẩm những gì em không rõ. Cuối cùng, ông nhắc điện thoại hấp ta hấp tấp quay số. Sau chừng mười phút chuyện trò ba cúp máy, quay sang nói vói em “Ba vừa điện thoại tới nhà riêng của ông Đại tá, bạn ba, ông này là Tham Mưu Trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, với ý định nhờ ông ấy can thiệp cho thằng chồng ngu dốt, đần độn của con, được đi phép về Sài Gòn một cách hợp pháp. Tiếc rằng ông ấy đã thuyên chuyển đi đơn vị khác rồi, nên không giúp gì được.” Nói xong ba đưa hai tay lên trời, nhìn em với đôi mắt đầy tuyệt vọng “Sức người có hạn, ba chỉ lo được đến đó mà thôi.”
Nghe Cúc kể lại chuyện xưa, tự dưng tôi cảm thấy xốn xang trong lòng, thương ông ba vợ của mình quá chừng, rồi buột miệng nói.
-Tội nghiệp cho ba.
Cúc ngồi xích lại gần, rồi tựa đầu lên vai của tôi, trong ánh trăng mờ mờ lành lạnh của đêm đen, bất chợt tôi cảm được từng giọt, rồi từng giọt nước mắt âm ấm của Cúc rơi nhẹ trên vai, chen lẩn với giọng nói ngập ngừng thổn thức.
-Em nhớ ba quá anh à.
Tôi ôm chặt lấy Cúc như muốn truyền chút hơi ấm cho nàng.
-Anh cũng vậy.
Nói xong tôi đưa tay tìm ly rượu.
-Anh đã vô tình chạm vào nỗi buồn của em, tụi mình uống cạn ly này đi, biết đâu nhờ hơi rượu sẽ làm giảm bớt đi cái buồn mà em đang mang nặng trong lòng.
Cúc gật đầu.
Tôi và Cúc uống cạn ly đầy rồi rót đầy ly cạn. Tôi tưởng rằng uống rượu để tiêu sầu, ai ngờ cạn ly Cognac, mối sầu đầy thêm. Xong ly thứ hai, đến ly thứ ba, nhìn lại đêm hãy còn dài, chai rượu mới vơi đi một nửa mà tôi đã thấy trời đất như quay cuồng, lảo đảo, choáng váng mặt mày. Không biết bằng cách nào, tôi đã mò về đến phòng ngủ của mình, đánh một giấc cò bay thẳng cánh cho đến khi mặt trời đã lên khá cao, tôi mới giật mình thức giấc.