CTBCTY Tập III chương 26
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)
Chương XXVI
Cắt cổ cứu người
Ba ngày Tết của tù nhân Tổng trại 8 tù binh lặng lẽ trôi qua trong u sầu, buồn bã, niềm vui khi có được cái bánh chưng, nửa chai bia, nửa chén cơm, không đủ khỏa lấp nỗi buồn thương nhớ gia đình. Suốt ba ngày Tết, đa số tù nhân thường tìm một nơi vắng vẻ, ngồi ăn miếng bánh, uống ngụm bia, yên lặng sống cho riêng mình rồi nhớ về những cái Tết đầm ấm, vui tươi, bên người thân trong quá khứ. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, mới đó đã chìm sâu vào trong trí nhớ của tù nhân.
Tối hôm qua, khi tiếng kẻng báo giờ ngủ vang lên được chừng mươi phút, một tù nhân trong khối Đà Lạt của tôi tên là Hoàng, nhà anh ta ở Đa Thiện gần Viện đại học Đà Lạt, bị bệnh về đường hô hấp thở không được, mặt mày đã bắt đầu tím xanh lại vì thiếu oxy. May mắn cho anh Hoàng, khu B trung úy của chúng tôi có Trung úy Bác sĩ Hồ, chuyên khoa tai mũi họng. Ông bác sĩ này sau khi khám bệnh, đã phát hiện ra anh Hoàng bị bệnh bạch hầu với biến chứng nặng nên gần như bị nghẹt thở. Muốn chữa bệnh chỉ có một cách duy nhất là phải giải phẫu ở cổ, đặt một ống nhựa vào khí quản để bệnh nhân tạm thời thở được, và sau đó phải đưa đi bệnh viện có đầy đủ phương tiện để tiếp tục cứu chữa. Chuyện giải phẫu phải làm gấp càng sớm càng tốt, nếu không chỉ vài giờ sau bệnh nhân sẽ bị nghẹt thở mà chết. Mặc dầu đã hơn chín giờ tối rồi nhưng khối trưởng và khối phó của khối 5 Đà Lạt, có nhiệm vụ phải báo cáo lên quản giáo về bệnh tình của tù nhân Hoàng để xin ý kiến. Từ khối 5 Đà Lạt đến chỗ quản giáo ở bao xa, tôi không biết được, thế nhưng khoảng nửa giờ sau, khi tôi mới thiu thiu ngủ, bỗng giật mình nghe giọng nói oang oang như là ra lệnh bên ngoài phòng của tôi. Với giọng nói đầy uy quyền như vậy, nếu không phải quản giáo thì còn ai vào đây nữa.
-Không có bệnh hoạn gì đâu, lâu quá mới ăn bánh chưng nên bị nghẹt ở cổ thôi. Anh khối trưởng xin ai có dầu Nhị thiên đường thoa vào là hết ngay.
Một vài tiếng động nhỏ nổi lên trong phòng khiến tôi đoán là có người đã thức dậy. Tôi không biết trại C thiếu úy và trại A đại úy, tù nhân ngủ như thế nào, nhưng trại B trung úy của tôi tất cả tù nhân được ngủ xếp cá hộp trên những tấm vỉ sắt PSP.
Trung úy Lợi giật nhẹ tay áo của tôi rồi nói nhỏ.
-Mẹ nó, ỷ là quản giáo rồi muốn nói gì thì nói sao, mấy ngàn ông quan bị giam ở đây đều ăn bánh chưng, tại sao chỉ có một ông bị nghẹn ở cổ.
Tôi cười thầm trong bóng đêm vì cái lối lý luận của Trung úy Lợi, tôi nói với hắn.
-Mày có để ý không, ông quản giáo này cũng biết dầu Nhị thiên đường, như vậy ông ta là dân Miền Nam tập kết, nếu không ông ta cũng ở trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chứ không phải chính quy Bắc Việt.
Trung úy Lợi thì thầm.
-Mày nói đúng.
Cũng ngay lúc ấy, giọng nói của ông quản giáo lại vang lên.
-Anh đòi mổ ngay cần cổ rồi thọc cái ống nhựa vô để cho người bệnh thở, phải không?
Một giọng nói chắc nịch vang lên, mà tôi đoán là của Bác sĩ Hồ.
-Thưa anh đúng.
Giọng của quản giáo đầy bực tức.
-Anh định lấy con dao chặt bí ở nhà bếp để cắt cái cần cổ của người ta, rồi gọi đó là chữa bệnh. Có phải anh muốn làm như vậy không? Nếu không mổ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Giọng nói của Bác sĩ Hồ trở nên rụt rè.
-Thưa anh, ảnh sẽ chết trong vòng hai tới ba giờ nữa.
-Làm sao anh biết được?
-Thưa quản giáo, tôi là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Tới đây cả hai người đều im lặng một lúc thật lâu, sau cùng tôi nghe được giọng của quản giáo dịu xuống.
-Được rồi, các anh có thể chuẩn bị mọi việc để mổ, chuyện hơi khó đó, tôi cần phải đi xin lệnh ở trên.
Hơn nửa giờ trôi qua, tôi nằm thao thức, trằn trọc hoài không ngủ được, cuối cùng đành phải ngồi dậy nhìn qua khung cửa sổ phòng của mình. Đối diện với tổ 37 của tôi là nhà của khối trưởng, cách hai căn có một căn phòng trống, bệnh nhân Hoàng đang nằm trong căn phòng này. Trước phòng có dăm bảy người liên quan đến việc giải phẫu, đang tụ tập bàn tán, những người không có nhiệm vụ phải trở về phòng ngủ. Không một ai được đứng trước cửa phòng bệnh, vì bác sĩ cũng như bệnh nhân cần một bầu không khí thông thoáng để thở.
Tôi lò dò bò ra khỏi tấm vỉ sắt PSP, xỏ chân vô đôi guốc rồi đi đến bên cạnh anh khối trưởng xin tình nguyện làm một người sai vặt. Tôi nói với khối trưởng là mình muốn đóng góp chút công sức, nhưng thật ra tôi tình nguyện chỉ vì tò mò, muốn coi ông bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, dùng loại vũ khí nào để đánh nhau với thần chết, giành giật lại cái mạng sống đang nằm dưới lưỡi hái của tử thần.
Thời gian chờ đợi dường như kéo dài cả thế kỷ, cho đến khi tôi thấy từ xa một người tay cầm đèn pin với ánh sáng chói lòa trong đêm, quét qua quét lại trên mặt đất. Nhìn ánh sáng di động theo bước chân đi, tôi biết là quản giáo đã trở lại, bởi vì ở trong tù chỉ có quản giáo mới có quyền dùng đèn pin. Anh khối trưởng tay nắm mấy con dao hình dạng hoàn toàn khác nhau, vì do tù nhân tự làm lấy, tay phải cầm cái ống nhựa cong cong, cáu bẩn đen sì. Tôi biết cái ống nhựa ở đâu mà có rồi, đó là cái cần điếu bát hút thuốc lào của mấy ông lực sĩ tổ 38.
Tôi điểm qua thật lẹ, thành phần tham dự ca giải phẫu gồm có, Trung úy Bác sĩ Hồ là người trực tiếp cầm dao mổ, phụ tá cho ông có một bác sĩ gây mê, ông bác sĩ này đứng một bên làm cảnh, bởi vì con dao mổ còn không có, ở đó mà đòi thuốc mê với lại thuốc tê. Cạnh đó một ông Nhảy Dù và một ông thuộc Sư đoàn 23 Bộ Binh, hai ông này trước 30 tháng 4 đều là Trung úy Đại đội trưởng, họ hét ra khói, nói ra lửa, bây giờ chắc chỉ có nhiệm vụ đứng đó kể kềm kẹp, nếu bệnh nhân vùng vẫy. Quản giáo là quan sát viên cũng là người giám sát cuộc giải phẫu, phụ tá cho ông ta có anh khối trưởng. Tôi đứng đó chờ được sai vặt. Về mặt nhân sự coi như đầy đủ. Sang phần dụng cụ giải phẫu chỉ gồm có mấy con dao, những con dao này tù nhân khi đi lao động nhặt được dây đeo súng của lính Mỹ, đem về trại tách cái nẹp sắt ra, đập thẳng rồi mài thành con dao. Hình dáng hay kích thước của con dao tùy theo sở thích của mỗi tù nhân khi chế biến. Những con dao làm theo kiểu thủ công như vậy chỉ có thể dùng để gọt vỏ trái cây, nếu đem dùng làm dụng cụ giải phẫu coi bộ hơi khó khăn cho ông bác sĩ. Tất cả mấy con dao đều được khử trùng bằng cách luộc trong nồi nước sôi, đặt ngay trong phòng giải phẫu, bên cạnh là một ngọn đèn dầu leo lét cháy. Một điều may mắn cho bệnh nhân là Trung úy Bác sĩ cũng chỉ khoảng ba mươi tuổi cho nên mắt của ông ta cũng còn sáng tỏ. Sau khi đưa mắt nhìn quanh một vòng căn phòng giải phẫu, bác sĩ bèn xin khối trưởng tăng cường thêm một cây đèn cầy nếu được. Yêu cầu của bác sĩ được khối trưởng thỏa mãn ngay lập tức.
Khi cuộc giải phẫu sắp bắt đầu, khối trưởng quay nhìn tôi rồi nói nhỏ.
-Chắc không cần thêm người đâu, anh Quân có thể về phòng ngủ, mai còn đi lao động.
Cũng khá khuya rồi, dám hơn mười một giờ như không, khi tôi về đến phòng thì mọi người đều đang say sưa trong giấc ngủ. Tôi nhẹ nhàng bò vô chỗ của mình, bò thật nhẹ cố gắng không gây lên tiếng động. Trong cái sâu thẳm của đêm dài vô tận, tôi nằm đó đầu óc cứ lởn vởn về mấy con dao mổ mà ông bác sĩ sẽ dùng để giải phẫu. Hình ảnh của một con gà bị cắt cổ với con dao cùn, người cắt cổ gà cầm con dao cưa qua, cứa lại, đẩy lên kéo xuống, còn con gà thì cố gắng vùng vẫy trong đau đớn tuyệt vọng. Vạn vật học năm đệ nhất cho tôi biết, trong cổ của con người có một mạch máu lớn dẫn lên đầu, rồi thực quản, khí quản, thanh quản, ba bốn thứ hầm bà làng cùng nằm ngay đó. Dưới ánh đèn dầu le lói sáng, bệnh nhân nằm đó không được gây mê vì không có thuốc. Con dao cùn của ông bác sĩ chỉ cần lệch đi một phân, mạng sống của bệnh nhân không biết sẽ về đâu. Tôi ôm cái mối lo của một người vô tích sự, chìm vào giấc ngủ mà lòng đầy băn khoăn, thắc mắc, rồi thương cho ông bác sĩ lẫn bệnh nhân, vì biết họ đang phải chiến đấu với tử thần.
Tiếng kẻng báo thức vang lên khi trời mới mờ sáng, chuyện tôi nghe được đầu tiên trong ngày là cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn, anh bạn của chúng tôi đã thở được nhờ cái ống nhựa hút thuốc lào đặt xuyên qua vết mổ nơi cổ. Mọi chuyện tốt đẹp, chỉ còn chờ đưa bệnh nhân ra bệnh viện Phan Thiết để tiếp tục chữa trị. Tôi ăn sáng trong vui vẻ miệng nhai miếng bột mì luộc, uống ly nước lạnh, mà cứ tưởng như là đang ăn ổ bánh mì thịt, thưởng thức ly cà phê sữa nóng nơi quán cà phê bình dân của chị Huệ ở đường Phan Bội Châu Đà Lạt. Tôi vui vì bạn mình đã thoát được lưỡi hái tử thần trong đường tơ kẽ tóc, vượt qua cuộc giải phẫu có một không hai đầy bất trắc, trong điều kiện nghiệt ngã với những dụng cụ của thời thượng cổ, khi mà con người còn ăn lông ở lổ, sống chui rúc trong hang động.
Trước sự thành công vẻ vang của cuộc giải phẫu, đám tù chúng tôi thừa thắng xông lên, không chống Mỹ cứu nước mà lại hăng hái vác cuốc sẻng đi lao động. Buổi chiều, khi đám tù nhân chúng tôi đi làm lao động về, mặt trời lúc ấy tròn như một cái mâm, đỏ ối, cũng đã mấp mé trên đầu bức tường vỉ sắt PSP đen đủi xám xì. Chưa về đến khối Đà Lạt, tôi đã nghe tin tức về bệnh nhân. Anh Hoàng không được bệnh viện Phan Thiết cho nhập viện để được chữa trị, lý do rất đơn giản vì anh là sĩ quan Ngụy, là người có tội với nhân dân, với tổ quốc và hiện đang ở tù. Tôi nhìn những vệt nắng cuối cùng của một ngày cũng vừa chìm khuất sau bức tường sắt PSP âm u lạnh lẽo, màu đen của đêm tối phủ xuống trại tù Sông Mao, kéo theo cái hy vọng mỏng manh được cứu sống của anh Hoàng. Chuyện bệnh viện Phan Thiết từ chối không cứu chữa cho anh Hoàng đã xác nhận tù nhân Ngụy không phải là người, cho nên Cách mạng không cần bận tâm. Anh Hoàng phải ở lại trong trại tù Sông Mao, phải tự lo lấy thân mình, sống hay chết không phải là trách nhiệm của ban chỉ huy trại. Trong tình huống nghiệt ngã như vậy, còn nước còn tát, để cứu chữa cho bạn mình, khối trưởng kêu gọi tù nhân trong trại B trung úy, ai có thuốc trụ sinh xin gom lại giúp cho bệnh nhân, vì nếu không có thuốc trụ sinh, vết mổ sẽ bị nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Bên cạnh việc xin thuốc, bệnh nhân cũng cần phải ăn uống để sống, sữa với đường là hai loại thực phẩm duy nhất có thể giúp cho bệnh nhân duy trì sự sống, trong giai đoạn hậu giải phẫu. Lời kêu gọi của khối trưởng giúp đỡ bệnh nhân là chuyện hoàn toàn đúng, thế nhưng rất nhiều tù nhân đói đến rã họng, có người từ ngày vào tù cho đến ngày hôm ấy chưa biết được tán đường ngọt hay mặn, thì làm sao họ giúp được. Câu nói “hỏi nơi khố rách” không còn gì đúng hơn trong trường hợp này. Một số ít tù nhân có tiền, có thực phẩm nhưng nếu đem giúp bạn thì lại sợ bóng sợ gió, tôi nằm trong số những người đó. Khi đem mấy tán đường và năm đồng đến gặp khối trưởng, mặc dù đã phòng bị trước nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi anh khối trưởng trợn mắt hỏi tôi.
-Ở đâu mà Quân có nhiều tiền dữ vậy? Một đồng đã là tốt lắm rồi.
Không dám nhìn thẳng mặt anh khối trưởng, tôi lật đật nói trớ đi.
-Số tiền này của tổ 37 quyên góp được, họ nhờ tôi đem đến giúp anh Hoàng.
Một tuần lễ trôi qua, anh bạn của chúng tôi vẫn anh dũng chiến đấu chống lại tử thần, với sự giúp đỡ đầy nhiệt tình của Bác sĩ Hồ. Cho dù biết là cuộc chiến không cân sức, thế nhưng hai người vẫn cầm cự ngày đêm không biết mệt mỏi. Vì bệnh nhân không ăn được, nên bác sĩ phải kiêm luôn y tá, bởi vì chỉ có một mình ông biết cách cho bệnh nhân uống sữa mà không bị chảy lan qua vết mổ nơi cổ.
Mỗi ngày trôi qua, tình trạng sức khỏe của anh Hoàng lại giảm đi một ít, có vài lần tôi trông thấy anh ngồi trước cửa phòng với tấm thân gầy gộc chỉ còn xương bọc da, đôi mắt thất thần nhìn bâng quơ lên trời cao. Hơi thở của anh phập phồng qua cái ống nhựa, qua miếng bông băng vàng úa, giống như miếng vải mùng to bằng bàn tay che vết mổ nơi cổ. Vậy mà bốn tuần lễ đã trôi qua, bệnh nhân và bác sĩ vẫn kiên cường chiến đấu. Tôi đoán rằng, cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc, cái chết sẽ đến với anh Hoàng trong một ngày rất gần.
Vào một buổi trưa, khi chúng tôi đang chuẩn bị lãnh cơm, một chiếc xe Pegeot 203 đi vào trại chạy thẳng đến gần khối 5 Đà Lạt của chúng tôi. Chiếc xe sơn hai màu, thân xe màu đen mui xe màu trắng ngà, tôi biết đây là chiếc xe taxi của thành phố Đà Lạt, nơi tôi sống. Chiếc xe quá quen thuộc với tôi, Đà Lạt có khoảng hai chục chiếc taxi sơn hai màu như vậy, thường đậu ở bến số 1 trước nhà hàng Chic Shanghai, và bến số 2 trước rạp cine Ngọc Hiệp để chờ khách.
Vừa thấy chiếc taxi, tôi đã có linh cảm là anh Hoàng được thả về để người nhà lo ma chay cho anh, thay vì nhốt anh chết ở trong trại. Anh Hoàng được hai người tù dìu lên xe, anh được trả tự do nhưng không một cái vẫy tay, không một lời nói từ biệt với bạn bè bởi vì thanh quản của anh đã bị nhiễm trùng quá nặng, chưa chết nhưng có thể anh đã bị câm. Khi chiếc xe taxi sơn hai màu đen, trắng ngà, khuất sau khúc quanh nơi cổng mang theo anh bạn tù người Đà Lạt của chúng tôi, lúc bấy giờ tôi mới giật mình tự hỏi. Anh Hoàng bị một thứ bệnh mà y học lúc bấy giờ có thể chữa trị dễ dàng, nhưng không may cho anh là bệnh đến không đúng lúc, không đúng chỗ khiến anh phải chết. Ngày ấy nếu bệnh viện Phan Thiết có cho anh nhập viện thì anh vẫn phải chết như thường, vì khoảng đầu năm 1976 bệnh viện Phan Thiết cũng như hàng trăm bệnh viện ở Miền Nam chỉ còn có cái vỏ bên ngoài, bao nhiêu thuốc cũng như dụng cụ y khoa đã lên xe về miền Bắc hết rồi, và điều tệ hại hơn là gần như một trăm phần trăm bác sĩ Ngụy đều đang ở trong tù. Điều hành khám bệnh trong bệnh viện chỉ là những y tá từ trong rừng Trường Sơn, họ hành sử giống như những con người sống ở trên cây, rành cách sử dụng cây xuyên tâm liên trị bá bệnh, hơn là thuốc trụ sinh và con dao mổ của y học Tây phương. Anh bạn tù của tôi có hai nơi chữa trị bệnh cho mình, thứ nhất ở trong trại tù Sông Mao có dư bác sĩ nhưng lại thiếu dụng cụ y tế và thuốc men, thứ hai bệnh viện Phan Thiết ở ngoài trại tù chỉ còn tên với cái vỏ bên ngoài, không bác sĩ không thuốc. Cả hai nơi đều dẫn đến chỗ chết, như vậy không trước thì sau, anh bạn của tôi cũng phải chết thôi.
Trại tù cải tạo Sông Mao, mười giờ đêm trong căn nhà trại gia binh cũ, bệnh nhân nằm dài trên một tấm vỉ sắt, dưới ánh sáng mù mờ của một cây đèn dầu và một cây đèn cầy, vài con dao thô sơ do tù nhân tự chế, một cái ống nhựa của bình thuốc lào. Không phương tiện khử trùng, không thuốc mê, không thuốc trụ sinh, ông bác sĩ Ngụy mổ cổ bệnh nhân, thọc cái ống nhựa vào cho bệnh nhân thở, trong nhất thời để kéo dài sự sống của bệnh nhân. Câu hỏi đặt ra là sẽ duy trì cuộc sống ấy được bao lâu? Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm?
Ngày 27 tháng 01 năm 1973 hiệp định Paris ký kết, Việt Nam Cộng Hòa được đưa lên bàn mổ ở bên Pháp. Mực chưa khô trên bản Hiệp định ngưng chiến, Việt cộng đã tiếp tục đem quân lính và vũ khí xâm nhập Miền Nam. Trong khi đó Việt Nam Cộng Hòa mỗi ngày một cạn dần nguồn tiếp liệu, không còn đạn dược xăng dầu. Với những điều kiện khắc nghiệt như vậy, Việt Nam Cộng Hòa sống sót từ hiệp định Paris năm1973, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới chịu sụp đổ, đó phải là một phép lạ.