Headlines

CTBCTY Tập III chương 25

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXV
Bèo hợp để mà tan.

Hôm nay là 30 tháng 1 năm 1976 Tây lịch, nhằm ngày ba mươi tháng chạp năm Ất Mẹo, chỉ còn khoảng 7 giờ nữa là qua năm mới, năm Bính Thìn. Sở dĩ tôi nhớ rõ như vậy vì ở trong tù mấy ngày giáp Tết, tù nhân thường hỏi thăm khi nào đến Tết. Hỏi để biết ngày nhận được cái bánh chưng, để biết sẽ có ba ngày nghỉ lao động. Và, điều quan trọng hơn là tù nhân có thời giờ ngồi ôn lại những kỷ niệm thân yêu của ngày Tết xa xưa cũ, khi còn chung sống hạnh phúc với vợ con, cha mẹ, anh em.

Tôi gói cái bánh chưng và miếng cá khô to bằng ba ngón tay đã được nướng chín vào bao cát, tay phải nắm cổ chai bia lớn chỉ còn một nửa, tay trái túm cái bao, rồi hăng hái đi qua khối Bình Thuận tìm Long công tử. Lát nữa tôi và Long công tử cũng như tất cả mọi tù nhân ở Tổng trại 8 tù binh Sông Mao, sẽ ăn bánh chưng, uống bia con cọp để tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới.

Long công tử tiếp tôi với nụ cười thật tươi, gương mặt của hắn đã khá đầy đặn, cho tôi thấy lại hình ảnh của một chàng công tử hào hoa phong nhã ngày nào, khi tụi tôi còn là Sinh viên sĩ quan ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Long công tử nói oang oang như sợ tôi không nghe được.

-Chờ chút, chờ chút, tao lấy cái bánh chưng và nửa chai bia. Hay là mày cứ ra bên hông nhà bếp trước đi, tao tới liền.

Tôi đi chầm chậm qua ba căn nhà, đến căn cuối cùng là nhà bếp của khối Bình Thuận rồi quẹo phải. Ngồi dựa lưng vào bức tường hãy còn âm ấm vì phía sau bức tường là nhà bếp, tôi trải cái bao cát xuống đất, lấy món ăn thức uống để lên trên. Cũng phải hơn mười phút sau Long công tử mới đến, hắn cười thoải mái.

-Mày đợi có thấy lâu không?

Vừa dứt lời, Long công tử đặt cái bánh chưng và nửa chai bia của nó xuống, lần trong túi lấy ra một gói giấy nhỏ. Hắn vui vẻ nói với tôi.

-Đố mày biết, có cái gì trong gói này?

Tôi lắc đầu.

-Chịu thua, tao làm sao biết được. Chắc là muối ớt.

Nói xong mới biết là mình đoán sai, tôi nói luôn.

-Không thể được, bởi vì không lẽ Tết nhất đến nơi mà mày cho tao ăn bánh chưng chấm muối ớt, vô lý quá.

Long công tử cười đắc ý.

-Tao cũng không biết có gì trong đó luôn. Nhưng mà chuyện như thế này, thằng Thọ cùng tổ với tao, mày không biết thằng này đâu, hai đứa tao chia nhau một chai bia, nó là dân Chợ Lầu ở bên ngoài trại tù Sông Mao nên được gia đình thăm nuôi, tiếp tế thực phẩm đầy đủ. Thọ khen tao là dân chơi, nó nói “Mày băng rừng vượt suối hơn một tháng trời, dẫn theo mấy chục con cọp mũ nâu, từ Pleiku về đến Phan Thiết an toàn. Nếu mày đi nhanh hơn độ một tuần, có thể mày thoát được về đến Sài Gòn, không bị bắt nhốt ở lao xá Phan Thiết, và cũng không phải bị đưa ra Cà Tót để nếm mùi gian khổ đọa đày, giỡn mặt với tử thần. Tao cũng phục mày sát đất, suốt mấy tháng sống ở Cà Tót, áo quần giày dép bị tịch thu sạch sẽ, ngày ngày ăn ba hột cơm nấu bằng gạo mục, ăn lá đọt mì, tối đến chỉ có một bộ đồ bà ba đen bận trên người, ngủ chung với muỗi mòng, rắn rít, đói rét triền miên mà mày vẫn còn sống, đúng là một tay anh hùng hảo hán”.  Nói xong Thọ rót phần bia của hắn vào cái lon gô, đưa nửa phần còn lại trong chai và gói giấy này cho tao, hắn vừa đưa vừa nói, với giọng nói đầy chân tình “Tết nhất đến nơi, tặng mày chút mồi nhậu với bia cho đậm đà hương vị, chỉ tiếc là thiếu vài củ kiệu ngâm giấm nữa là đủ. Chúc mày năm mới, học tập tốt lao động tốt, giữ được mạng sống để trở về đoàn tụ với gia đình.”

Dứt lời Long công tử mở gói giấy đưa về phía tôi.

Nhìn bốn con tôm khô to bằng đầu đũa, tôi cười rồi nói với Long công tử.

-Thằng cho mày mấy con tôm khô này, coi bộ cũng chịu chơi dữ. Ở cái xứ Bình Thuận khô khan nắng hạn, quanh năm cát bụi mù trời, vậy mà cũng có khá nhiều tay anh hùng hào kiệt. Tao muốn hỏi, có bao giờ mày nghe bài thơ “Mật khu Lê Hồng Phong” chưa ? Bài thơ mới nghe qua đã thấy phảng phất nét hào phóng ngang tàng. Tác giả bài thơ này phải là một tay hào sảng, phóng khoáng có thừa.

Long công tử nói với tôi.

-Những gì thuộc về lãnh vực khoa học, tao chịu thua, tuy nhiên với văn chương thơ phú thì tao có thể góp ý, đấu hót với mày. Để tao nhớ lại coi đâu khoảng 1973, tao đã có dịp đọc bài thơ này rồi.

Mai ta đụng trận ta còn sống.
Về  ghé Sông Mao phá phách chơi.

Cái thị trấn Sông Mao nhỏ xíu này, được biết đến một phần là nhờ Sư đoàn Dã chiến, hay là Sư đoàn Sơn cước gì đó, đa phần là người Nùng, năm 1954 từ Bắc vào đóng ở đây. Sau đó đổi tên thành Sư đoàn 6 do Đại tá Vòng A Sáng làm tư lệnh. Khi sư đoàn này di chuyển xuống Vùng III, sau đó là Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 Bộ Binh chuyển đến. Cuối cùng Việt cộng lấy hậu cứ, trại gia binh của Trung đoàn 44 làm Tổng trại 8 tù binh để nhốt tụi mình. Trong văn chương, Sông Mao được biết nhiều nhờ bài thơ mà mày vừa nhắc đến của ông thi sĩ coi trời bằng vung ở Phan Thiết. Lịch sử đã chứng minh, nhiều khi bài thơ hay có thể làm cho một địa danh lạ hoắc, một ngôi chùa tầm thường bỗng nổi tiếng như cồn, điển hình là ngôi chùa Hàn San ở bên Tàu, được vang danh thiên cổ nhờ vào bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế. Ông thi sĩ này, đổ Tiến sĩ năm 754 đời nhà Đường.

Long công tử hớp một ngụm bia, hắn bốc hai con tôm khô bỏ vô miệng vừa nhai vừa nói.

-Phần còn lại là của mày.

Nói xong, Long công tử đưa gói giấy cho tôi.

-Mỗi đứa hai con tôm coi bộ thiếu mồi rồi, nhưng mà nói cho cùng, ở tù được như vậy cũng còn phong lưu chán.

Tôi nói với Long công tử.

-Mình còn miếng cá khô nữa mà.

Long công tử nhìn xuống cái bao cát trải dưới đất, hắn vói tay cầm miếng khô.

-Vậy mà tao quên mẹ nó mất.

Miệng nói tay hắn xé miếng khô làm hai đưa lên mũi ngửi rồi giữ lại phần ít, đưa phần nhiều hơn cho tôi.

-Người ta thường nói trà dư tửu hậu, mày cứ từ từ nhậu lai rai đi, tao sẽ kể cho mày nghe về chuyện bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” Bài thơ đã đưa ngôi chùa Hàn San tầm thường, không có một chút gì đặc biệt, trở thành một trong mười ngôi chùa nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Đang thao thao bất tuyệt, Long công tử ngừng nói, hắn nhăn mặt rồi hỏi tôi.

-Mà nè, mày có biết chút gì về thơ Đường không?

Tôi vui vẻ nói.

-Mày hỏi hơi thừa, tao là sinh viên Văn Khoa năm thứ tư, đương nhiên có biết chút ít, cũng thuộc dăm ba bài thơ của Lý Bạch, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị như ai. Tao thuộc thơ Đường không phải vì thích, mà chỉ để phòng khi gặp những thằng cắc cớ như mày hỏi đến, tao còn biết đường mà trả lời.

Long công tử cười rồi nhích người ra xa, cái nhích người đầy giễu cợt giống như hắn sợ ngồi gần tôi.

-Với tao mà mày cũng nổ như lựu đạn M26, ngồi gần mày, tao sợ có ngày banh xác như không. Khi tụi mình còn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức lúc đó mày mới mười chín tuổi, làm thế nào mày có thể là sinh viên năm thứ tư Đại học được. Chắc mày là thần đồng, đậu tú tài toàn phần vào năm mười lăm tuổi mà tao không biết.

Nghe Long công tử nói, tôi mới nhớ là hắn đã không biết gì về chuyện tôi học Văn Khoa ở Đà Lạt. Trong đầu của hắn, tôi vẫn là thằng Bắp cải của hơn bảy năm về trước khi tụi tôi còn ở Thủ Đức. Không có đi đâu mà vội, tôi từ tốn giải thích cho Long công tử nghe.

-Mày nói đúng, mười chín tuổi vừa đậu xong cái bằng tú tài hai, tao tình nguyện vào Trường Bộ Binh Thủ Đức mà chưa có một ngày bước chân vô đại học, chưa biết mặt mũi của nó như thế nào. Mãn khóa, khi mọi người hăng hái tươi cười vác ba lô ra đơn vị, riêng tao ôm cái mối tình tuyệt vọng với em Dung xinh đẹp đem về Trường Võ Bị Đà Lạt. Suốt hai năm sau đó tao sống như một cái xác không hồn, sống mà như đã chết rồi, sống mà không một chút hy vọng vào tương lai. Thất tình mà mày. Tao làm việc ở Trung tâm Hành quân Trường Võ Bị Đà lạt, hết ca trực có hai mươi bốn giờ nghỉ, tao dùng thời giờ này lang thang ở mấy quán cà phê, tìm quên trong tiếng nhạc lời ca, bên những giọt cà phê đắng, bên khói thuốc cay nồng. Ở đó tao mơ màng nhìn mấy cô thu ngân mà thương tiếc, nhớ hoài nhớ mãi về những ngày phép ở Sài Gòn, với mối tình mà tao cho là đi trên đường một chiều.

Long công tử cắt lời tôi.

-Tao có cảm tưởng rằng mày đã lạc đề, chuyện mày kể không có chút gì liên hệ đến việc mày học đại học.

-Có chớ sao không, cứ từ từ đừng có nóng, tao mới nói rõ đầu đuôi được. Một lần nọ khi tao đang ngồi ăn sáng ở câu lạc bộ sĩ quan của trường, bàn bên cạnh tao là một ông thiếu úy và một ông chuẩn úy. Tao vừa gặm bánh mì vừa uống cà phê, tai nghe họ nói chuyện. Mày cũng đừng có vội chê là bất lịch sự khi nghe lén chuyện của người khác, tao bị nghe vì hai cái bàn kê gần nhau quá. Qua câu chuyện của họ, tao biết được cả hai ông đều tốt nghiệp Cao học, vừa đổi về làm việc ở Văn hóa vụ. Tao nghĩ thầm hèn gì cách ăn nói của họ nghe thật là chửng chạc, mạch lạc, rõ ràng, cứ như là mấy ông thầy. Cấp bậc của hai ông đều nhỏ như tao thôi, nhìn cái vỏ bên ngoài, tao giống hệt hai ông sĩ quan nọ, cũng quân phục với huy hiệu Trường Võ Bị Đà Lạt bên tay áo trái, lon lá trên cầu vai, cũng cái mũ nồi để trên bàn, thế nhưng học thức của họ thì không nhỏ chút nào, nó cao tận mây xanh. Sự khác biệt giữa tao và hai ông sĩ quan ngồi bàn bên cạnh là cái hố sâu bằng cấp. Trường Võ Bị Đà Lạt là nơi long đầm hổ huyệt, đi đâu, ngồi đâu, cũng gặp những bậc trí thức khoa bảng, bằng cấp đầy người.Trước đó vào những ngày nghỉ, khi thấy tao không chịu tiếp tục việc học mà chỉ hay la cà ở những quán cà phê, ba tao nói với tao, câu nói mà tao nhớ mãi trong lòng “Ba là thợ mộc, đã từng đóng nhiều bàn ghế cho học sinh, mơ ước của ba là được ngồi trên những cái ghế đó mà không được, nay con may mắn hơn ba, có cơ hội tiến thân, con lại đi chọn mấy cái ghế trong quán cà phê”. Sau buổi ăn sáng ngày hôm ấy, tao quyết định mò lên Viện đại học Đà Lạt, ghi danh vào Văn khoa. Những năm sau đó tao vừa đi lính vừa đi học, cứ tà tà ngày này qua tháng nọ. Hết năm thứ nhất, tao bò lên năm thứ hai rồi tiếp tục bò lên năm thứ ba. Bò hoài, bò mãi, cuối cùng sau mấy năm đèn sách, học trầy vi tróc vảy, tao là sinh viên năm thứ tư, đang chuẩn bị bợ cái bằng cử nhân thì ngày 30 tháng 4 đến.

Long công tử dường như đã hiểu rõ chuyện học của tôi nhưng hắn vẫn thắc mắc.

-Viện đại học Đà Lạt nổi tiếng với phân khoa Chính trị Kinh doanh, tại sao mày không học mà lại chui đầu vô Văn khoa?

Tôi cười với Long công tử.

-Mấy ông giảng sư thỉnh giảng từ Đại học Văn khoa Sài Gòn lên, thường dễ dãi trong việc điểm danh, không phải là chín, mà là năm cũng bỏ làm mười, đừng có vắng mặt nhiều quá thì mọi chuyện coi như là êm xuôi, đó là lý do tao chọn Văn khoa.

Long công tử gật gù ra chiều thấm ý, hắn khen tôi mà như là người anh khen thằng em.

-Đang ở trong quân đội mà mày còn học thêm ở đại học, kể ra mày cũng là thằng có chí đó. Hóa ra tao với mày kẻ trước người sau cùng chung một môn phái. Vậy thì mày biết gì về bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” nói cho tao nghe coi.

Tôi không đọc nguyên tác bài thơ bằng chữ Hán, mà xuống giọng luôn một mạch bốn câu thơ đã được dịch sang tiếng Việt.

Trăng tà tiếng quạ kêu sương.
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô.
Nửa đêm ghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Long công tử đưa tay ra dấu cho tôi ngừng, rồi hỏi.

-Mày thấy bài thơ thế nào?

Tôi trả lời hắn.

-Một bài thơ bất hủ, một kiệt tác lừng danh thiên hạ, kể từ ngày bài thơ ra đời cho đến nay, trải hơn một ngàn hai trăm năm, chừng đó năm tháng qua đi cũng đủ thẩm định giá trị của bài thơ rồi. Tao nghĩ không có gì phải bàn đến.

Long công tử lắc đầu ra chiều thất vọng.

-Mày sống mà như con ngựa kéo xe, bị che mắt nên chỉ biết đi theo con đường mà người ta đã vạch sẵn,  chỉ biết đi theo những lối mòn văn chương xưa rích xưa rác, nghe người ta khen bài thơ hay, mày cũng bày đặt khen theo, không biết tự chọn lấy một con đường mới mà đi. Tao đã đọc hàng trăm bản dịch bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” hầu hết những người dịch đều không nhắc đến câu thứ ba trong nguyên tác của bài thơ chữ Hán “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự” câu này được dịch sang tiếng Việt là “Chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô”. Một câu thơ tầm thường như vậy có gì để mà ca ngợi, phân tích, tán dương. Giống như chuyện bọn mình đang đi làm lao động khổ sai, cuốc đất trồng khoai gần Chợ Lầu trong cái nắng cháy da của Sông Mao, trưa đến mỗi thằng tù chén rưỡi cơm nguội, nửa lon nước giếng, ăn cơm mà tưởng như đang nuốt hết đắng cay của cuộc đời. Cảm thương cho thân phận tù đày tao bèn than thở bằng một câu thơ “Chợ Lầu ở ngoài trại tù Sông Mao”.Câu thứ ba của bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” và câu thơ của tao, hai câu giống nhau như đúc, mày làm ơn nói cho tao biết nó hay ở chỗ nào?

Tôi giật mình nghĩ thầm, xét cho cùng ngụy biện rồi ăn nói cộc lốc như Long công tử, đôi khi cũng có lý phần nào. Để trả lời hắn tôi nói.

-Mày diễn tả một câu thơ Đường nổi tiếng bằng những lời nói phang ngang bửa củi, cứ như là quản giáo đang lên lớp, dạy dỗ tù nhân. Tao biết nói gì với mày bây giờ.

Long công tử tu một hơi bia, đưa miếng khô cá lên miệng, hắn nói.

-Còn một điều nữa tao cũng muốn nói thêm với mày, chùa Hàn San hiện đang nằm bên trong thành Cô Tô, chứ không phải ở ngoài thành như bài thơ đã nói.

-Mày nói thì tao nghe, tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Căn cứ vào đâu mà mày nói chùa Hàn San nằm bên trong thành Cô Tô.

Long công tử nói.

-Nhà tao có tấm hình chùa Hàn San treo trên tường, diện tích của chùa khá rộng dám tới một mẫu tây như chơi. Trong sân chùa cây cỏ xanh um, quanh chùa bị bao vây bởi trùng trùng điệp điệp nhà cửa của dân, nhà này sát với nhà kia khiến tao có cảm tưởng một con kiến cũng khó mà chui qua được, nói cho dễ hiểu là chùa Hàn San tứ bề thọ địch, nằm gọn giữa thành Tô Châu, tên mới của thành Cô Tô.

Tôi hỏi.

-Có phải mày đang nói đến chuyện ngựa đá qua sông, đúng không?

Long công tử ờ …ờ…trong miệng rồi nói.

-Gần đúng như vậy, cũng là chuyện vật đổi sao dời mà thôi. Mày có biết nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi không?”.

Tôi trả lời.

-Nghĩa trang này nằm chình ình ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, ai mà không biết.

Long công tử với giọng từ tốn kể cho tôi nghe.

-Người ta nói năm 1859, chính xác hơn là 1870, nghĩa trang này được gọi là Đất Thánh Tây, nằm ở ngoại ô Sài Gòn, là nơi đồng không mông quạnh, cỏ dại mọc đầy, ngày đêm ếch nhái kêu nghe buồn đến nát ruột, đó là nơi dùng để chôn cất lính viễn chinh và thường dân Pháp. Tám, chín chục năm sau, Sài Gòn phát triển quá sức mau chóng, dân số tăng vùn vụt, nhà cửa được xây cất với tốc độ chóng mặt, Sài Gòn bành trướng gấp trăm, ngàn lần ngày xưa. Đất Thánh Tây bấy giờ hết còn ở ngoại ô, mà nó đã nằm lọt vào trung tâm thành phố Sài Gòn, rồi được đổi tên thành nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Hàn San Tự cũng biến đổi theo hình thức như vậy. Từ lúc bài thơ ra đời, cho đến tấm hình treo ở nhà tao, hơn một ngàn hai trăm năm vật đổi sao dời, biển cả còn biến thành ruộng dâu thì chuyện Hàn San Tự, từ ngoại ô thành Cô Tô trở thành trung tâm thành Tô Châu, là chuyện phải xảy ra. Cho đến hôm nay, nếu ngôi chùa này còn ở ngoại ô như câu thơ đã diễn tả, đó mới là chuyện lạ, cần phải thắc mắc.

Long công tử ngừng kể chuyện, đưa tay cầm cái bánh chưng, hắn lột lớp lá chuối bên ngoài đặt xuống cái bao cát, rồi đến lớp lá chuối bên trong, tay làm nhưng miệng lại càm ràm.

-Mày có thấy không, bánh chưng thì phải gói bằng lá dong, hạt nếp trong bánh mới xanh tươi, khi ăn mới thấm được cái mùi Tết nằm bên trong bánh. Gói bánh chưng bằng lá chuối, gói cha nó bánh tét cho được việc. Mẹ nó …

Long công tử im bặt, hình như hắn đang lúng túng trong việc lựa lời để thóa mạ. Tôi chọc quê Long công tử.

-Giờ này mà mày còn nằm mơ, nhắc đến chuyện cổ tích thời tụi mình còn ở Thủ Đức, cuối tuần diện bộ Tiểu lễ đi phép Sài Gòn, ăn uống ở những nhà hàng sang trọng. Rồi đến Tết năm đó, năm Kỷ Dậu, khóa 6/68 tụi mình đi chiến dịch một tuần, ứng chiến, giữ an ninh cho dân Sài Gòn ăn Tết. Bánh chưng, bánh tét, trái cây, người dân Sài Gòn cho bọn mình nhiều đến độ ăn mà phát ớn. Hôm qua tao nghe mấy ông Việt cộng có hứa rồi, Tết năm sau sẽ cho tù nhân ăn bánh chưng gói bằng lá dong đàng hoàng.

Long công tử cười lớn, nó nói với giọng nói tràn đầy sung sướng.

-Bắp cải ơi, so với thời còn ở Thủ Đức, hôm nay mày đã khá hơn nhiều rồi. Hồi xưa mày nói cái giọng sọc dưa như vậy, coi bộ mệt với tao, nhưng hôm nay thì…thì…

Long công tử ngập ngừng.

-Hôm nay tao cũng như mấy ngàn ông sĩ quan bị nhốt ở Tổng trại 8 tù binh Sông Mao này, mấy ông bên Không quân thì đúng là đại bàng gãy cánh, Hải quân như tàu mắc cạn, Nhảy dù thì bị dù đuôi nheo, Thiết giáp như cua gãy càng, Biệt động quân giống như cọp sút móng. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Mày muốn chê trách như thế nào cũng được, không ai phàn nàn gì đâu.

Long công tử cắn một miếng bánh chưng được gói bằng lá chuối rồi gật đầu.

-Cũng không tệ lắm nếu đem so với cơm hẩm gạo mục, lá khoai mì ở Cà Tót, nhưng mà thôi, tự nãy đến giờ tụi mình nói toàn chuyện tầm phào. Bây giờ tao muốn nói với mày chuyện quan trọng hơn, có an nguy đến tính mạng của tụi mình, đó là chuyện trốn trại. Tao nói, nếu có gì không đồng ý thì mày cho tao biết. Suốt mấy tháng qua, tao dành rất nhiều thì giờ để suy nghĩ và tìm cách trốn ra khỏi cái trại tù này. Như mày biết, Sông Mao là một thị trấn khá sầm uất “bên ngoài trại tù Sông Mao là Chợ Lầu”, điều này cho mình biết rõ dân chúng sống cách trại tù không xa. Chuyện leo tường, đào đường hầm trốn trại vào ban đêm là chuyện khó có thể thực hiện được vì chỉ có vài giờ trong đêm tối, làm sao mình có thể đào được đường hầm sâu ít nhất khoảng một thước, chui qua hàng rào vỉ sắt PSP mà không gây tiếng động. Nếu lỡ bị phát giác khi đào đất, sẽ bị súng đại liên hỏi thăm sức khỏe ngay lập tức, cho nên tao không chọn giải pháp leo rào hoặc đào hầm. Tao đang tính đến chuyện khi đi lao động bên ngoài, mình sẽ thừa lúc mấy tay lính gác lơ là, chuồn ngay về phía nhà dân, phóng ra quốc lộ 1, thuê Honda ôm chạy càng xa trại tù càng tốt, trước khi Việt cộng phát hiện ra là có tù trốn trại và tung người đi truy lùng. Sau đó tao với mày sẽ tìm xe ôm về Sài Gòn hay ngược ra Phan Rang. Sở dĩ mình phải dùng xe ôm là tránh bị xét giấy tờ tùy thân. Tao cũng tính đến chuyện mình có thể mua một chiếc xe đạp cà tàng, đạp về Sài Gòn tuy chậm chạp nhưng đó là cách di chuyển an toàn và chắc chắn nhất. Tụi mình có thừa tiền để làm theo cách này. Kế hoạch của tao như vậy, mày có ý kiến gì hay nói cho tao biết.

Mặt trời vừa khuất sau cái hàng rào xám xì xám xịt làm bằng những tấm vỉ sắt PSP, trong cái nhá nhem của buổi chiều cuối năm,  gương mặt của Long công tử lộ vẻ bồn chồn thấy rõ. Tôi nói với nó.

-Những điều mày nói hoàn toàn hợp lý vì trốn trại như vậy vừa dễ, vừa an toàn, cơ hội thành công rất cao. Chỉ có một điều tao thấy không êm xuôi là, khối 5 Đà Lạt của tao và khối 4 Bình Thuận của mày, có bao giờ đi làm lao động chung với nhau ở ngoài đâu. Làm sao hai đứa có thể cùng trốn trại một lần được.

Long công tử cười lớn.

-Đó chính là điều mà hôm nay tao muốn bàn với mày. Cá nhân tao, bằng mọi giá phải trốn trại tìm gặp thân nhân. Dám gần cả năm rồi tao chưa được gặp vợ con, cha mẹ, không biết họ còn sống hay đã chết trong cơn biến loạn vừa qua. Tao sẽ về Sài Gòn, về lại căn biệt thự của ba má tao, với chút hy vọng là nhà cửa chưa bị Việt cộng tịch thu và ông bà vẫn còn sống ở đó.

Long công tử quay sang hỏi tôi.

-Mày có biết tại sao tao dám về lại nhà cũ không?

Tôi trả lời hắn.

-Tao không biết, bộ mày không sợ bị công an địa phương theo dõi rồi bị bắt lại sao?

Long công tử cười sảng khoái.

-Khi bị bắt giam tại lao xá Phan Thiết ngày 25 tháng 4, lúc bấy giờ Miền Nam chưa mất, tao vẫn tin tưởng rằng phe mình sẽ chống cự cho đến người lính cuối cùng, cho nên trong tờ khai lý lịch mà Cộng sản bắt làm, tao khai địa chỉ cái nhà kho của ba tao ở bên Khánh Hội, và cái địa chỉ đó tao vẫn tiếp tục dùng trong những tờ khai lý lịch sau đó, dùng cho đến bây giờ.

Đang say sưa nói chuyện, Long công tử đột nhiên hỏi nhỏ.

-Mày có biết tuần trước, một nhóm tù Fulro bị bắt nhốt ở trại của tụi mình không?

Tôi trả lời Long công tử.

-Có, tao có thấy, nhưng mà hình như cả Tổng trại 8 tù binh này đều thấy, chứ không phải một mình tao.

Long công tử với nét mặt hớn hở.

-Sau 30 tháng 4, những người Fulro đó vẫn tiếp tục chiến đấu chống Cộng sản cho đến tuần trước mới bị bắt, có nghĩa là họ đã cầm cự được hơn tám tháng rồi. Vậy thì những người Fulro chưa bị bắt họ đang ở đâu? Nếu trốn thoát được khỏi trại tù này, sau khi gặp vợ con và cha mẹ, tao sẽ nghiên cứu kỹ càng, tìm cách móc nối với những người Thượng Fulro còn ở trong rừng. Và tao sẽ vào rừng để tiếp tục chiến đấu. Đàng nào cũng chết, tao thà chết tự do ở trong rừng chứ không chịu chết một cách nhục nhã hèn hạ, như đã suýt bỏ mạng ở Cà Tót cách đây mấy tháng. Còn trường hợp, nếu không gặp được lính của mình hoặc Fulro thì với một khẩu M16 và cái địa bàn, tao sẽ tìm cách vượt biên giới, băng rừng đến Thái Lan. Mưu sinh thoát hiểm, sống trong rừng là nghề của một sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt. Chắc chắn tao sẽ đến được Thái Lan.

Tôi cản ngăn Long công tử.

-Đi Thái Lan làm gì? Mày đã từng du học ở Mã Lai rồi, hai nước Mã với Thái có gì khác nhau đâu. Nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp, không giấy tờ tùy thân, họ sẽ bỏ tù mày, sau đó sẽ gởi trả về Việt Nam giao cho Việt cộng, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa chẳng thà đừng tránh tốt hơn.

Long công tử nhìn tôi rồi thở dài ngao ngán.

-Mày đúng là một thằng khờ, nhưng mà chuyện đời mấy ai mà biết được, biết đâu nhờ cái khù khờ đó mà cuộc sống của mày cứ thuận chèo xuôi mái, trôi nhẹ nhàng trên dòng đời đầy hiểm nguy trắc trở. Mày hỏi tao, đi Thái Lan để làm gì hả? Dễ thôi, mày nhìn vào bản đồ Việt Nam đi, phía Bắc là Tàu cộng, hướng Tây là Lào cộng rồi Khờ Me đỏ. Xa hơn là Thái Lan vẫn còn tự do. Tao thà bỏ thây trong rừng núi Trường Sơn tìm đường sang Thái Lan chứ quyết không sống chung với Việt cộng, với lũ quỷ đỏ này. Còn điều này nữa, tao biết chắc rằng phi trường B52 ở U-Ta-Pao vẫn còn đó, hy vọng người Mỹ ở trong căn cứ này sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ mà họ sẽ chấp nhận tao, đón nhận một sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt đã từng cộng tác với họ trong chiến tranh Việt Nam. Trong trường hợp vượt biên tới Thái Lan, tao cần vài người bạn đồng hành.

Tôi hăng hái nói với Long công tử

-Bên khối 5 Đà Lạt của tao có một thằng trung úy, là một tay hảo hán bạt mạng, hắn đã từng chung sống với Đại đội Địa Phương Quân Fulro nhiều tháng. Nếu mày muốn, tao sẽ giới thiệu nó với mày.

Long công tử cười ngất.

-Quân bắp cải ơi, chính mày vừa nói với tao là khối 5 Đà Lạt và khối 4 Bình Thuận không thể cùng đi lao động ở bên ngoài một lần, thì làm sao cùng trốn trại. Nếu được tao đã trốn chung với mày rồi, cần gì phải tìm ai.

Hình ảnh cái xác chết của người tù trốn trại lỗ chỗ vết đạn nằm dưới mấy lớp hàng rào kẽm gai, rồi cảnh hàng chục tên bộ đội với súng AK, thi nhau bắn vào người tù cải tạo trốn trại đang chạy trối chết, khiến tôi buột miệng nói với Long công tử.

-Có một điều này, tao cũng muốn nói thêm với mày, đôi khi ông trời cũng khéo sắp đặt cho tao với mày không thể trốn trại chung một lần. Trước đây, với gần bảy năm lính, cuộc sống quân ngũ của tao phẳng lặng như mặt nước hồ thu, im lặng an lành đến mức tao cứ tưởng như mình chưa đi lính. Cho nên hôm nay chỉ cần một chút sóng to gió lớn là tao sẽ bị nhận chìm ngay tức khắc. Tháng trước sau buổi thăm nuôi, mày muốn rủ tao trốn trại. Tao đã suy nghĩ rồi, nếu theo mày chắc tao không thể chịu đựng nổi gian lao, hiểm nguy cũng như khổ cực. Chỉ cần cho tao một chút hy vọng nhỏ nhoi, là sẽ còn có cơ hội gặp lại vợ con thì dù phải ở tù thêm năm, hay mười năm nữa tao cũng chịu. Hãy để tao ở lại trong trại tù này.

Long công tử gật đầu.

-Đúng, mày đi theo tao khác gì cái của nợ, làm vướng bận thêm cho tao mà thôi. Nhưng mà…

Trong bóng tối mờ mờ, gương mặt của Long công tử trở nên đăm chiêu tựa như đang suy nghĩ, phải mấy phút sau hắn mới nói nên lời.

-Có một chuyện khiến tao phải lo lắng là khi tao trốn trại rồi, mày là đứa đầu tiên sẽ bị kêu lên để điều tra, bọn Việt cộng sẽ đánh đập, đày ải, trấn lột, mày có muốn sống cũng không được mà chết cũng không xong. Chỉ còn một cách duy nhất để mày có thể sống an toàn trong trại tù này là tao với mày phải chia tay nhau, không được gặp gỡ thường xuyên như bấy lâu nay tụi mình vẫn làm. Tao cũng nghĩ đến chuyện phải làm cách nào để mọi người trong khối 4 Bình Thuận khinh bỉ, coi tao như một con chó ghẻ cần phải xa lánh. Muốn được như vậy tao chỉ còn một cách là đóng vai một thằng ăn ten. Chừng ba tháng sau, khi mọi người đã ghê tởm, khinh khi tao ra mặt, trong số đó có mày, lúc bấy giờ tao sẽ trốn trại.

Tôi nhắm mắt lại mà lòng xúc động muốn khóc, thương cái quang minh lỗi lạc của Long công tử, trước khi ra đi mà hắn còn tính chuyện an nguy cho bạn. Tôi nói.

-Mày có biết chuyện làm ăn ten dù là đóng kịch, cũng không tốt cho mày. Tại sao phải làm như vậy, hay là mày giả làm thằng ăn trộm vặt một vài tán đường, chút thuốc Lào, với cái tội này mày chỉ bị đem ra phê bình kiểm thảo và làm bản kiểm điểm trước tổ, trước khối mà thôi, không bị nhốt conex, cũng không mang tiếng phản bội anh em.

Long công tử chần chừ giây lát, chuyện này phải để tao suy nghĩ lại, nên đóng vai ăn cắp vặt hay là làm thằng ăn ten chuyên đi rình mò tố cáo anh em.

Tôi nhìn chiếc đồng hồ dạ quang đang đeo trên tay, mới đó mà đã hơn tám giờ. Ở đây cho tôi nhắc một chuyện quan trọng, có một điều khá may mắn là tất cả những tù nhân ở Trung tâm Huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt, không bị tịch thu vật dụng cá nhân cho nên tôi và nhiều người tù còn giữ được đồng hồ hoặc nhẫn vàng, trong khi ở những trại khác, tù nhân bị trấn lột sạch sẽ. Đêm nay là đêm trừ tịch, không trăng không sao, bầu trời tối đen như mực, tôi ngồi gần bên Long công tử, tuy đã quen với bóng tối nhưng cũng phải khó khăn lắm mới thấy được gương mặt của hắn. Long công tử nói với tôi, giọng nói chầm chậm, trầm trầm như là của một ông già đã bước qua khỏi ngưỡng cửa tri thiên mệnh, nói lời cuối cùng khi chia tay với người bạn cố tri.

-Lẽ trời đất hợp tan, tụ tán, tao với mày may mắn được sống chung với nhau trong tù mấy tháng rồi, bèo hợp để mà tan, trăng tròn rồi lại khuyết, đừng có buồn khi phải xa nhau. Sau này, nếu còn nhớ đến tao, mày cứ coi như tao là thằng Biên, đã chết từ lâu rồi. Kể từ ngày mai, tụi mình phải tập nín thở qua sông, phải giấu kín tình cảm của mình, sống vô tri vô giác như cây cỏ đất đá. Muốn được như vậy mày nhớ đừng bao giờ qua đây tìm tao, nếu mày còn muốn sống chờ ngày trở về gặp lại vợ con và cha mẹ.

Hình bóng của một người lính cô đơn với cây súng M16 trên vai lầm lủi vượt Trường Sơn, băng ngang nước Căm Bốt với đầy mìn bẫy, lính Khờ Me đỏ tàn ác, bạo tàn, khiến tôi chạnh lòng thương cảm. Nghĩ đến giây phút phân ly, trong bóng tối của đêm giao thừa, tôi siết chặt tay Long công tử rồi nói mà nước mắt chỉ chực tuôn tràn.

-Tao sẽ cố gắng làm đúng những gì mày dặn. Nhớ giữ gìn sức khỏe.

Loading

Scroll To TOP