Headlines

CTBCTY Tập III chương 23

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXIII
Đường ra đơn vị

MỤC LỤC

Chương XXIII: Đường ra đơn vị
Chương XXIV: Địa Phương Quân Fulro
Chương XXV: Bèo hợp để mà tan.
Chương XXVI: Cắt cổ cứu người
Chương XXVII: Nhảy núi
Chương XXVIII: Thằng Bờm có cái quạt mo.
Chương XXIX: Nông trường bông vải Sông Lũy
Chương XXX: Bát cơm Phiếu mẫu
Chương XXXI: Bữa cơm đoàn tụ
Chương XXXII: Trừ khi mình có cánh
Chương XXXIII: Văn hóa Nhân Bản
Chương XXXIV: Bánh ít đi, bánh quy lại

Buổi sáng bột mì luộc, buổi trưa hai chén cơm, buổi chiều hai chén cơm, đó là những suất ăn đặc biệt của ba ngày Tết mà Cách mạng dành cho các anh.

Người cán bộ Cộng sản có gương mặt khắc khổ với những vết nhăn hằn sâu trên trán, áo quần chỉnh tề đứng trên bục gỗ dõng dạc nói, giọng nói của ông ta tràn đầy sức mạnh vang khắp cả hội trường. Trước mặt ông là hàng ngàn tù nhân cải tạo, áo quần lôi thôi nhếch nhác, thân thể gầy còm, ngồi ngay hàng thẳng lối dưới đất. Tất cả đều im lặng như đang lắng nghe.

Sau lưng vị cán bộ, ba người quản giáo thoải mái ngồi trên một cái băng ghế dài. Một người trong bọn bỗng đứng lên, ông ta từ tốn đi tới bên cạnh người cán bộ rồi tiếp lời.

-Để phát huy “truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta”, ngoài việc đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đưa Việt Nam tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, Đảng và nhà nước ta còn hết lòng chăm lo cho đời sống của các anh. Tết Bính Thìn năm nay ngoài phần ăn do cán bộ Bình vừa thông báo, tôi xin bổ sung thêm, tất cả các anh mỗi người sẽ được nhận một cái bánh chưng.

Vừa dứt câu nói, người cán bộ đưa tay về phía những người tù cải tạo đang ngồi dưới đất.

-Đề nghị các anh, chúng ta cùng vỗ tay ăn mừng.

Tôi đưa hai tay tới trước mặt vỗ mạnh vào nhau, cùng lúc ấy tôi nghe được âm thanh của hàng ngàn tiếng vỗ tay vang lên như sấm động khắp cả hội trường. Tôi biết chắc một điều, vỗ tay theo sự hướng dẫn là căn bệnh truyền nhiễm của người Cộng sản, bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, khi ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn mà ông ta cho là Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế Việt Nam có độc lập hay nô lệ Cộng sản, chuyện đó còn phải chờ sự phán xét cuối cùng của lịch sử.

Đợi cho đến lúc tiếng ồn tạm lắng xuống, người cán bộ mới thong thả nói.

-Tôi cũng xin thông báo thêm, các anh đừng vội nghĩ đến cái bánh chưng truyền thống thường thấy bày bán ngoài chợ, hay cái bánh cúng trên bàn thờ trong những ngày Tết. Cách mạng hãy còn nghèo, chỉ có thể phát cho các anh cái bánh chưng to bằng cái bánh Trung thu mà thôi. Tuy vậy, ít nhiều nó cũng nói lên được lòng ưu ái mà Cách mạng dành cho các anh.

Tôi thầm nghĩ, chỉ nghĩ trong đầu thôi chứ không dám nói ra. Ngày Tết cho tù cái bánh nếp nho nhỏ, thêm nửa chén cơm mà chén cơm trong tù chỉ được xới ngang mặt, dùng chiếc đũa gạt ngang, chỉ cho phép vài hột cơm dính vào đũa mà thôi. Chuyện chẳng có gì mà mấy ông Việt cộng này cũng cố ghép thêm mấy chữ “Truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta” vào mới chịu.

Tuy biết vậy nhưng tất cả tù cải tạo đều im lặng nghe cán bộ nói chuyện. Nếu ai không muốn nghe thì chịu khó vô thùng sắt nằm, nhốt thùng sắt là hình phạt dành cho tù cải tạo vi phạm nội quy của trại, bất cứ tội gì dù nặng hay nhẹ cũng bị nhốt vào đó. Riêng cái tội trốn trại, sẽ bị lính gác bắn chết ngay lập tức. Mấy tháng trước đây, khi hàng rào vỉ sắt PSP chưa được dựng lên, một anh bạn tù lợi dụng đêm tối chui hàng rào kẽm gai trốn trại, đã bị bắn chết ngay tại chỗ. Xác của anh lỗ chỗ vết đạn với máu khô bám đầy bộ quần áo nhàu nát, nằm úp mặt xuống đất, giữa mấy lớp hàng rào kẽm gai cho đến trưa. Tôi nghĩ rằng, Việt cộng cố tình để xác chết nằm đó như một lời cảnh cáo, răn đe, những ai có ý định trốn trại.

Trên bục gỗ, giọng nói của cán bộ lại oang oang cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi .

-Còn nữa để mừng Tết Bính Thìn, một cái Tết lịch sử đánh dấu năm đầu tiên mà nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tết năm nay các anh sẽ được uống la de, do nhà máy La Ve quốc doanh Sài Gòn giải phóng sản xuất. Hai người một chai.

Tôi nhìn những người ngồi quanh như ngầm hỏi. “ Cho tù uống la de ” chuyện này quả là có hơi khác thường. Từ sau ngày cơn bão 30 tháng 4 đổ ập xuống Miền Nam , khi vị Tổng Thống mới nhậm chức được hai ngày, lên Đài phát thanh kêu gọi lính Ngụy buông súng đầu hàng. Quân nhân các cấp thuộc đủ mọi quân binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đành phải tuân lệnh, vất súng đầu hàng Cộng sản Bắc Việt. Đầu hàng trong đau đớn uất hận, trong hờn căm tủi nhục. Hơn một tháng sau, phe chiến thắng kêu gọi sĩ quan Ngụy đi học tập cải tạo, đem theo mười ngày ăn. Mười ngày học tập đâu không thấy, chỉ thấy hơn sáu tháng trôi qua, sĩ quan Ngụy bị Việt cộng nhốt trong tù mà không một lời giải thích. Tù nhân trong trại cải tạo là những người đói ăn triền miên, mơ ước của họ là có được chén cơm đầy, không phải ăn độn, vậy mà Việt cộng lại cho họ uống la de.

Người cán bộ nhìn những gương mặt ngơ ngác của tù nhân, ông ta vội nói.

-Ngoài Bắc chúng tôi gọi là bia, trong Nam các anh gọi là la de, đúng không?

Có nhiều tiếng trả lời.

-Đúng, la de con cọp.

Tôi ngồi đó bên góc phải của hội trường, không muốn phải căng tai nghe Việt cộng nói. Cộng sản Bắc Việt đem quân lính với xe tăng đại pháo vô Nam đánh phá, cướp sạch của cải của người dân Miền Nam , lừa gạt gom sĩ quan Ngụy vô tù. Ngày Tết cho tù nhân cái bánh chưng nho nhỏ, cho nửa chai la de, chuyện chỉ có vậy mà phải tốn vài tiếng đồng hồ để giảng giải, đả thông tư tưởng của sĩ quan Ngụy. Tôi không có dư thì giờ ngồi nghe mấy ông Việt cộng đọc chưa thông, viết chưa thạo, nói tầm phào nếu không về chủ nghĩa Mác Lê, thì cũng chỉ chuyện Cách mạng chăm lo cho tù có hai chén cơm, trong mỗi bữa ăn của ba ngày Tết. Tôi cũng không muốn bị đem đi nhốt trong thùng sắt. Việc của tôi là để cái xác của mình ngồi đó rồi nhắm mắt thả hồn đi lang thang. Bắt đầu từ chuyện vợ tôi và đứa con sắp sinh, không biết là trai hay gái đang sống ở Đà Lạt, ngày đêm mong ngóng chờ tôi trở về, rồi đến cuộc sống cơ cực, đói khổ triền miên trong tù. Với bọn tù cải tạo chúng tôi, cái ăn được đặt lên hàng đầu bởi vì chuyện thiếu ăn, đói lạnh, lúc nào cũng bám sát lấy tù nhân như hình với bóng, không thể tách rời. Một lát sắn khô, một chút bột mì vụn nơi đáy nồi, vài hột cơm còn sót lại nơi vành chén, tất cả đều được tù nhân chiếu cố tận tình.

Tôi đã từng chứng kiến cái cảnh trong lúc chia cơm, vì sơ ý có mấy hột rơi xuống tấm vỉ sắt PSP, anh bạn tù dù đang bận tay vẫn cẩn thận cúi đầu nhặt cơm lên, thổi nhè nhẹ như muốn bụi bám vào cơm bay đi, sau đó anh ta chậm rãi bỏ hột cơm vào thau. Việc làm của anh ta, khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về giá trị của chén cơm trong tù. Ở trong tù, tuy không có chuyện tranh giành cơm nước, vì tư cách của một sĩ quan không cho phép họ làm như vậy. Tuy nhiên tất cả mọi người đều ngầm hiểu rằng “Cơm và thức ăn, phải được phân chia sao cho thật đồng đều.”

Tổ 37 của tôi cũng như mọi tổ khác trong khối 5 Đà Lạt, được chia làm hai bán tổ là bán tổ một và bán tổ hai. Mỗi bán tổ gồm có tám người, ngủ chung một phòng, ăn cơm chung với nhau. Đến giờ cơm, khi nghe tiếng kẻng vang lên, người đại diện của bán tổ sẽ đến nhà bếp lãnh phần cơm của bán tổ mình. Trong tuần có khoảng hai ngày sẽ được nhận thêm tô canh, trong đó không cần nhìn hay đếm cũng biết là có tám miếng bí đỏ to bằng ngón tay cái. Ngày này qua tháng nọ, chỉ có duy nhất một loại canh bí đỏ mà thôi. Sở dĩ tù nhân chỉ được ăn canh bí, vì bí đỏ rẻ tiền và nhà bếp của khối có thể cất giữ lâu ngày mà không sợ bị hư thối.

Riêng về việc chia cơm, công việc có hơi khó khăn, tổ trưởng loay hoay hoài không biết làm sao cho việc phân chia được đồng đều, để mọi người vui vẻ nhận phần cơm của mình. Vì muốn giải quyết vấn đề, một người trong tổ có sáng kiến, khi đi làm lao động, anh ta lượm một miếng tôn nhỏ đã han rỉ vất đâu đó trong đống rác, sau khi chùi rửa sạch sẽ anh đục, cắt, ráp nối thành hình một cái hoa Thị có tám cánh. Với dụng cụ này, anh tổ trưởng chỉ có việc đặt miếng sắt vào thau cơm, đè mạnh xuống, cơm trong thau sẽ được cắt thành tám phần đều nhau, giống như tám miếng phô mai con bò cười của Pháp, mỗi người lãnh một phần. Mọi người đều coi cách chia cơm như vậy là công bình, hợp lý, tuy nó không được đẹp mắt cho lắm.

Khác với mọi người, tôi có lối suy nghĩ của tôi, cơm tuy được chia đồng đều nhưng thân thể và sức nặng của con người thì không bằng nhau. Bằng cớ là trong trại có nhiều người chỉ cân nặng khoảng bốn mươi lăm kí, cạnh đó lại có nhiều người nặng khoảng sáu, bảy chục kí. Phân chia như vậy, quá tội cho những người vai u thịt bắp, thân thể to lớn.

Tôi để ý, tổ 38 bên cạnh tổ của tôi có một nhóm gồm ba người, họ cao khoảng một mét tám, nặng dám tới bảy chục kí lô như không. Một chén rưỡi cơm cho một bữa ăn, chẳng thấm tháp gì cho cái thân thể to lớn cần nhiều năng lượng để nuôi sống họ. Ăn uống thiếu thốn một vài ngày, vài tuần thì không sao, thế nhưng đói ăn liên miên hàng sáu bảy tháng rồi, trông họ giống như những người Do Thái ốm đói trong trại tập trung hủy diệt Auschwitz ở Ba Lan, do Đức Quốc Xã dựng lên vào năm 1940. Để sống còn, ba ông lực sĩ của tổ 38 bằng mọi giá phải tìm thêm thực phẩm, tìm thêm thức ăn phụ trội cho cái bao tử lép xẹp của họ. Bị nhốt trong tù, vây quanh kín mít bởi bốn bức tường vỉ sắt PSP cao ba mét, mùa nắng đất cát khô cằn nứt nẻ, đến nỗi cỏ dại cũng khó mà sống sót thì làm sao có rau xanh mà ăn. Con đường sống duy nhất của ba ông lực sĩ, là tình nguyện xin đi lao động bên ngoài trại như đốn củi, kéo xe. Tuy phải làm những việc lao động nặng nhọc như vậy, nhưng bù lại họ có thể nhặt nhạnh bất cứ loại rau dại, lá rừng, có thể ăn được đem về trại. Tối đến sau bữa cơm chiều, sau giờ họp tổ, trong cái ánh sáng mờ mờ của trăng sao trên bầu trời Sông Mao, ba người cùng nhau nấu một nồi lá to như cái nồi nấu nước xông khi bị cảm, trong đó gồm đủ loại lá rừng mà con người có thể ăn được, miễn sao không chết là tốt rồi. Phải ăn để mà sống còn,chờ ngày trở về, và họ đã sống oai hùng không một tiếng than van, không một lời oán trách.

Ngoài chuyện đói ăn, tù nhân còn phải đương đầu với cái nạn thiếu mặc. Vì cái thông cáo tráo trở, đi học tập mười ngày, cho nên sĩ quan Ngụy chỉ đem theo hai hoặc nhiều lắm là ba bộ quần áo. Sáu, bảy tháng rồi chỉ một bộ đồ dãi nắng dầm mưa, quần áo đã bắt đầu sờn rách. Để giải quyết vấn đề, tù nhân khi đi làm lao động thường đào bới những lô cốt, hầm chống pháo kích của lính mình ngày xưa tìm vải bao cát, đem về may thành quần áo để bận thay đổi.

Hình ảnh của một người tù khi đi làm lao động, đầu đội một cái nón rộng vành may bằng vải bao cát rách bươm như xơ mướp, vai khoác một chiếc áo sơ mi đã bắt đầu mục với nhiều miếng vá. Họ bận một cái quần cụt cũng được may bằng vải bao cát, để lòi ra hai cái ống chân đen đúa, gầy ốm khẳng khiu. Cuối cùng dưới chân là một đôi guốc gỗ được tù nhân tự làm lấy.Tù cải tạo lúc đi lao động, khi làm gần những doanh trại mà người Mỹ lúc rút khỏi Việt Nam, bàn giao cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975 những doanh trại này bị bỏ hoang, tôn lợp mái nhà đã bị tháo gỡ chỉ còn trơ lại cái sườn nhà làm bằng gỗ thông. Tù nhân lấy những thanh gỗ này đẻo thành đôi guốc, quai guốc được làm bằng vải bao sẻng của lính Mỹ vứt đầy trong những đống rác của doanh trại. Để tránh cho đôi guốc khỏi bị mòn quá mau do nhu cầu di chuyển khá nhiều, tù nhân tìm mấy miếng cao su ruột xe hơi, cắt nhỏ, đóng vào đáy đôi guốc. Một đôi guốc được chế biến xong, tuy hình dáng của nó xấu xí giống như cục gạch nhưng rất bền, có thể dùng được cả năm. Người dân sống quanh khu Chợ Lầu Sông Mao, khi gặp một nhóm người, thân thể ốm đói, mặc áo quần may bằng vải bao cát, chân đi guốc gỗ đế cao su, họ biết chắc rằng đó là tù cải tạo của Tổng trại 8 tù binh. Và tôi cho rằng, nó cũng có thể là hình ảnh của mọi tù nhân cải tạo trên khắp nước Việt Nam thời bấy giờ.

Tôi có vóc dáng của một người Việt Nam cao trung bình, nặng hơn năm chục kí lô một chút. Một chén rưỡi cơm do trại cấp phát cho mỗi bữa ăn, tuy không đủ năng lượng cần thiết để nuôi cơ thể, nhưng cái đói không làm cho tôi quay quắt, cuống cuồng, lo tìm thức ăn thêm như những anh bạn lực sĩ của tổ 38. Vào kỳ thăm nuôi vừa qua, vợ tôi đã tiếp tế cho tôi khá nhiều thực phẩm cũng như tiền bạc. Thỉnh thoảng trong bữa ăn, tôi thường giặm thêm chút thịt ruốc kho sả hoặc miếng cá khô to bằng ngón tay út. Khi ăn tôi vẫn thường kín đáo giấu mọi người, vì tôi không muốn những bạn tù không được thăm nuôi nhai cơm trắng với nước muối, phải nhịn thèm khi ngửi mùi ruốc sả thơm lừng thoảng trong không khí, hoặc liếc nhìn miếng cá khô với đôi mắt thèm thuồng. Chút cá khô, chút ruốc sả, không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể nên khoảng dăm ba ngày, vào buổi tối sau giờ họp tổ, tôi và Trung úy Lợi dùng cái lon gô nấu chút chè đậu xanh, sau đó bưng lon chè còn nóng hổi ra sân sau của nhà bếp. Trong bóng đêm mù mờ, hai thằng vừa thổi vừa ăn, nhai húp xì xụp. Bụng tuy còn đói, miệng vẫn còn thòm thèm, tôi vẫn không quên để dành chừng nửa chén chè đựng trong lon gô, xách qua cho Long công tử. Tôi cũng xin nói thêm là ở trong tù, lon gô thường được tù nhân đục hai cái lỗ nơi miệng lon, sau đó họ dùng một cọng kẽm gai móc vào đó, làm thành quai cho dễ xách khi nấu nướng.

Khi đi ngang qua tổ 38, tôi thấy ba anh bạn lực sĩ đang ngồi quanh một cái nồi to bự với đũa chén trên tay. Tôi biết những thứ gì trong đó rồi. Tất cả năng lượng của lá rừng trong cái nồi ấy, không thể nào sánh bằng chút chè đậu trong cái lon gô mà tôi đang có trên tay.

Tôi xin lập lại, tôi là người quá sức may mắn được vợ của tôi tiếp tế đầy đủ thức ăn và tiền bạc. Nếu không, tôi cũng sẽ chịu cảnh đói khổ như mấy ông bạn lực sĩ ở tổ 38, bên cạnh tổ của tôi mà thôi. Tôi biết một trong ba người là Sơn mập, học ngang lớp với tôi, tôi đệ nhất B2 ban toán, sinh ngữ chính là Anh văn, hắn đệ nhất B1 ban toán, sinh ngữ chính là Pháp văn. Sở dĩ Sơn có cái tên này vì nó cao và to như một con trâu. Sau khi đậu tú tài toàn phần, với lệnh Tổng động viên, chúng tôi kẻ trước người sau, lần lượt lên đường nhập ngũ. Nếu không có ngày 30 tháng 4, không có trại tù cải tạo, chúng tôi có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau. Hạnh phúc vì nghĩ mình được sống đầy đủ hơn mọi người, cho nên tôi muốn chia sẻ chút gì đó với Sơn mập và hai người bạn lực sĩ của nó.

Đang mơ màng, tôi chợt giật mình vì hàng ngàn tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên như muốn nổ tung cả hội trường. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi vội vàng đưa hai tay lên trời vỗ mạnh vào nhau. Đồng thời, tôi hỏi nhỏ Trung úy Lợi đang ngồi bên cạnh tôi.

-Có chuyện gì mà vỗ tay dữ vậy bạn?

Trung úy Lợi ghé miệng sát tai của tôi, với giọng nói tỉnh khô vừa đủ cho tôi nghe.

-Mẹ bố cái lũ Việt cộng, chỉ được cái gian manh lừa gạt, bọn nó nói  “Không đụng đến cây kim sợi chỉ, của người dân” nhưng xe cộ, nhà cửa của người ta thì chúng cướp sạch sẽ. Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa của mình đã nói: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói”. Cho nên tao nghe tai này, để nó lọt qua tai kia. Mày hỏi tao cũng vô ích.

Tôi quay nhìn Lợi, gật đầu cười khoái chí như ngầm đồng ý với hắn.

Trên bục gỗ, người cán bộ đợi cho tiếng vỗ tay tạm yên, ông ta nói.

-Tôi xin nhắc lại một lần nữa, để cho chương trình văn nghệ giúp vui ngày Tết được thêm phần long trọng, mỗi khối phải có ít nhất là ba tiết mục giúp vui như là hát tốp ca chẳng hạn. Khối trưởng phải nhanh chóng trình lên quản giáo, những bản nhạc Cách mạng mà các anh chọn, nếu được đồng ý, sẽ cho anh em trong khối tập dợt. Tôi xin thông báo thêm, trong đêm văn nghệ Tết, sẽ có các đồng chí trên ban chỉ huy trại xuống tham dự.

Trên đường từ hội trường về phòng ngủ, tôi nhẩm tính còn bảy ngày nữa mới đến Tết, cũng có nghĩa là ba ông bạn lực sĩ tổ 38 phải đợi thêm một tuần, mới được ăn bánh chưng. Vì nghĩ như vậy ngay chiều hôm ấy, tôi mở bao ny lông đựng thực phẩm của tôi để ở đầu nằm, lấy ra ba tán đường rồi xúc một chén đậu xanh. Nhìn tới nhìn lui thấy chẳng còn bao nhiêu đậu, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn, tôi đổ đậu xanh trở lại. Thuận tay tôi bốc một nắm đậu đen gói vào trong tấm giấy vở học trò. Tôi cẩn thận cho đường và đậu vào trong một cái bao cát đã sờn rách, túm gọn lại. Tôi đi ra phía sau căn nhà của tổ tôi, băng qua một cái giếng khô tới căn nhà sau của tổ 38. Sơn đang ngồi gom củi thành một đống nhỏ, hình như hắn đang chuẩn bị bếp để nấu nồi lá rừng. Tôi đến bên cạnh Sơn.

-Mày đang làm gì đó?

Sơn ngước mặt nhìn tôi không trả lời mà lại hỏi tôi, giọng nói đầy mệt mỏi.

-Mày không thấy hay sao? Tao đang nấu chút lá rừng.

Tôi nhìn quanh rồi ngồi xuống bên cạnh Sơn, nói nhỏ.

-Tao thấy mấy người trong nhóm của mày hình như không được thăm nuôi kỳ vừa rồi, tụi mày ăn uống có vẻ thiếu thốn. Tao có mấy tán đường đem tặng tụi mày.

Vừa nói tôi vừa đưa cái bao cát đến trước mặt Sơn.

Sơn nhìn tôi với gương mặt đầy vẻ ngạc nhiên, hắn nói.

-Trong tù mọi người đều thiếu thốn, tại sao mày không giữ lấy để ăn mà lại đem cho tao?

Thực lòng mà nói, tôi không biết trả lời Sơn như thế nào vì tôi không phải là bạn thân của hắn. Tận cùng trong đáy lòng, tôi biết mình chỉ thương xót cho hoàn cảnh đói rách, khốn khổ cùng cực của hắn mà thôi. Mà cũng có thể vì chút tình ngày xưa khi hai đứa cùng học chung trường, ngang lớp. Của cho không bằng cách cho, ăn nói không khéo, có thể làm Sơn nổi giận chửi cho tôi một trận như không, nghĩ như vậy nên tôi nói với Sơn.

-Ăn lá rừng hoài, chắc xót ruột lắm phải không?

Chừng như hiểu rõ tại sao tôi cho hắn mấy tán đường, Sơn dịu giọng.

-Cảm ơn mày nhiều.

Tôi đi về mà lòng nhẹ nhàng thanh thản, đêm hôm ấy tôi ngủ một giấc ngon lành tới sáng, không trăn trở, không mộng mị vì nghĩ rằng mình đã làm được một việc tốt lành.

Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trong tù lặng lẽ trôi qua, buổi tối sau khi họp tổ xong, thay vì đi ngủ, tôi đi qua tổ 38 bằng cửa trước. Tại đây tôi gặp hai anh chàng lực sĩ đang ngồi hút thuốc lào, bên cạnh họ là ngọn đèn cầy leo lét cháy. Ở trong tù, đèn cầy là một tài sản quý giá của tù nhân, người ta chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, tôi biết sau khi hút thuốc lào xong họ sẽ tắt ngay, nhưng mà như vậy cũng là xài sang quá rồi. Không giống như mọi tù nhân trong trại, thường hút thuốc lào bằng điếu cày, hai anh chàng này lại hút bằng cái điếu bát men xanh, mà theo tôi đoán có thể họ đã nhặt được trong đống rác nào đó khi đi làm lao động. Hai chàng lực sĩ đang nhét bi thuốc lào to bằng đầu ngón tay vào nõ của cái điếu bát, với cái xe điếu là một ống ny-lông cong vòng, dài chừng ba mươi phân. Hình như họ chỉ xin được một bi thuốc nên cả hai cùng hút chung. Người hút trước, chỉ hút một hơi ngắn, rồi đẩy cái điếu bát cho bạn. Anh hút sau nhanh nhẹn đón lấy cái xe điếu, đặt lên miệng rồi lấy sức hút một hơi dài, anh ta rít cho đến khi mấy cọng thuốc lào trong cái nõ cháy đỏ rực, rồi tan biến đi không còn chút tàn mới chịu ngừng. Chỉ có một bi thuốc lào mà hai người hút, tụt nõ là cái chắc. Đưa tay đẩy cái điếu bát ra xa, anh chàng lực sĩ thong thả ngửa cổ, nhắm mắt, lơ tơ mơ nhả khói bay đầy phòng.

Tôi đi tới gần họ rồi hỏi.

-Hai anh có biết anh Sơn ở đâu không?

Anh bạn lực sĩ dường như đang phê vì thuốc lào, giương cặp mắt lờ đờ nhìn tôi.

-Ông bạn hỏi Sơn nào? Sơn em hay là Sơn Fulro.

-Tôi muốn hỏi anh Sơn to và cao, vẫn thường đi lao động chung với mấy anh.

Anh bạn lực sĩ khác trả lời.

-Sơn Fulro phải không? Nó đang ở ngoài sân sau.

Tôi quay người đi mà quên luôn chuyện nói lời cảm ơn.

Dưới ánh lửa bập bùng của mấy thanh củi, trên bếp nồi lá rừng đang sôi sùng sục, hơi nước từ trong nồi thoát ra lẩn vào không khí, mang theo mùi hôi ngai ngái. Tôi nhìn gương mặt vuông chữ điền với đôi mắt sáng quắt của Sơn rồi hỏi hắn.

-Tao có hơi tò mò chút xíu, trông mày cũng sáng sủa trắng trẻo, không biết tại sao mày lại có cái biệt danh là Sơn Fulro. Hình như năm học đệ nhất mày có tên là Sơn mập mà.

Không để Sơn kịp trả lời, tôi hỏi tiếp.

-Đường với đậu tao đưa cho, tụi mày đã nấu chè chưa?

Sơn đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn hơi là lạ, ngập ngừng lưỡng lự một chút, hắn nói nhỏ.

-Chuyện khá dài dòng, mày ngồi xuống đây, tao mời mày chén lá rừng, đừng có vội nghĩ rằng lá rừng thì chán vạn gì, không dễ có đâu. Tụi tao đi lao động bên ngoài trại, vài lần mới có một lần nhặt nhạnh được lá rừng, rau dại, trong đó lá Bình bát là loại lá ngon nhất. Nồi lá tao đang nấu không có loại lá này, mày cứ từ từ ăn chén lá rừng rồi nghe tao kể chuyện. Tao phải kéo mày trở lại cái năm 1969, mới có thể giải thích rõ ràng.

Đôi mắt của Sơn chợt nhíu lại như đang suy nghĩ, phải một lát sau hắn mới nói tiếp.

-Ngày hai mươi lăm tháng giêng năm đó, tao tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, nhận đơn vị mới là Tiểu khu Darlac.

Tôi cắt lời Sơn.

-Như vậy mày đi khóa 5/68 Thủ Đức. Tên của mày thêu nơi túi áo với bảng đen chữ vàng phải không?

-Đúng, sao mày biết?

-Tao còn nhớ hồi đó, ở quân trường khi thấy Huynh trưởng khóa 5/68 mang bảng tên đen chữ vàng, là khóa 6/68 bọn tao bẻ cua lặn mất, vì tránh voi chẳng xấu mặt nào. Tao khóa 6/68, ra trường sau mày khoảng một tháng rưỡi. Đơn vị mới của tao là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Sơn hỏi tôi, giọng hơi cao lên.

-Mày dạy môn gì ở đó?

Tôi cười chế giễu hắn.

-Mày tưởng cứ về Trường Võ Bị Đà Lạt, là phải dạy sinh viên sĩ quan hay sao? Lúc đó tao chỉ có cái tú tài toàn phần, kiến thức còn thua mấy ông sinh viên Võ Bị, lấy cái gì mà dạy họ. Tao làm ở Khối tham mưu, Phòng hành quân. Làm việc ở đó, không hề có chút dính dáng gì đến Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt.

Sơn gật gù, tỏ ý như hiểu rõ. Hắn kể tiếp.

-Sau hai tuần nghỉ phép mãn khóa, tao tà tà vác ba lô ra Air Việt Nam bay lên Ban Mê Thuột, thủ phủ của Cao nguyên trung phần. Đó là lời nói mà tao vẫn thường nghe người ta nói chắc như bắp khi nhắc tới Ban Mê Thuột. Và tao hoàn toàn yên chí như vậy, cho đến khi đặt chân xuống phi trường Phụng Dực, tao mới giật mình tỉnh mộng. Trước mắt tao là một cái phi đạo nhỏ xíu, khô khốc nhựa đường, nằm im lìm trong cái nóng oi bức của buổi trưa, chung quanh chỉ có đất đỏ và đất đỏ, bụi bay mù trời. Khi xe bus Air Việt Nam chạy vào thành phố, tao nhìn hai bên đường với nhà cửa lụp xụp, dân cư thưa thớt, nhìn đâu cũng thấy một màu đỏ của bụi mù. Lúc bấy giờ thật lòng mà nói, tao hối hận quá sức tự trách mình, tại sao không chọn về những tiểu khu đông dân trù phú ở vùng IV. Tiểu khu Darlac thời bấy giờ gồm có mấy quận như sau: Quận Hòa Bình với thành phố Ban Mê Thuột ở ngay trung tâm, Quận Phước An, Quận Buôn Hô, cuối cùng nếu đi theo Quốc lộ 27 về  hướng Nam, khoảng sáu mươi cây số là Quận Lạc Thiện. Sau hai tuần chờ đợi ở Tiểu khu, tao nhận được Sự vụ lệnh cho về Đại đội 650 Địa Phương Quân đang đóng ở Chi khu Lạc Thiện. Khi qua Phòng 4 xin phương tiện di chuyển, Thiếu úy Giang nhìn tờ Sự vụ lệnh của tao với đôi mắt đầy thương hại  “Hết chỗ đi rồi hay sao mà chuẩn úy lại về Lạc Thiện, ông hãy chuẩn bị sắm cái áo giáp thiệt dày, nhớ mang thêm nón sắt không thôi bể gáo đó.” Tao hỏi Thiếu úy Giang “Tại sao phải cần áo giáp?” Ông ta trả lời  “Tại sao hả? Bởi vì ở đó ngày nào cũng ăn đạn pháo kích của Việt cộng”.

Sơn ngưng kể chuyện, hắn cho thêm một thanh củi nhỏ vào bếp rồi mới từ tốn nói.

– Mày biết không, lúc bấy giờ tao nghĩ rằng ông thiếu úy Phòng 4 chỉ đùa cho vui nên tao nghe mà coi như không có, chỉ lo việc hỏi ông ta đường xuống Lạc Thiện. Thiếu úy Giang thấy tao có vẻ coi thường lời nói của ông ta, nên ông gằn giọng  “Con đường duy nhất để đến Lạc Thiện là quá giang trực thăng của cố vấn Mỹ. Đường bộ từ Ban Mê Thuột đến Lạc Thiện bị hư hại nặng nề, thêm chuyện mất an ninh do Việt cộng đào đường đắp mô thu thuế, bắt thanh niên thiếu nữ về mật khu để tải đạn hoặc làm lính cho chúng.” Tao hỏi Thiếu úy Giang “Như vậy tôi phải qua gặp cố vấn Mỹ của Tiểu khu để xin trực thăng xuống Lạc Thiện, phải không?” Thiếu úy Giang trả lời tao “Không cần phải làm như vậy, chuẩn úy cứ đi thẳng ra phi trường L19. Ở đó, ngày nào cũng có trực thăng của cố vấn Mỹ ra vào Lạc Thiện, ông cứ yên tâm không phải lo việc thiếu phương tiện. Mà nè chuẩn úy có biết phi trường L19 nằm ở đâu không?” Tao trả lời ông ta “Nó ở gần nhà thờ, ngay ngã năm hay ngã sáu gì đó phải không” Thiếu úy Giang gật đầu “Đúng rồi”.

Sơn ngả người, tựa lưng vào cây cột phơi đồ rồi nói.

-Từ Tiểu khu Darlac tới phi trường L19 khoảng hơn một cây số, đi xe lam chỉ tốn mười đồng nhưng tao không thích. Tao vác ba lô rủng ra rủng rỉnh lội bộ, đi cho đỡ cuồng chân, chuẩn bị cặp giò để xuống đơn vị mà lội. Nói là gần, nhưng dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, mồ hôi cũng thấm ướt áo may ô. Cổng vào phi trường hướng mặt ra quốc lộ, hai anh lính Địa Phương Quân gác cổng với quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ sắt có lưới, khăn quàng cổ màu xanh da trời, dây biểu chương trên vai, bên hông thêm khẩu colt 45. Một anh lính chào tao, rồi sốt sắng chỉ chỗ xin quá giang trực thăng đi Lạc Thiện. Theo sự hướng dẫn của anh lính, tao vừa đi vừa nhìn cái chòi lợp tôn vách ván, mỗi cạnh chừng ba mét sơn màu vàng lợt, được gọi là phòng vận chuyển mà ngao ngán trong lòng. Anh chàng trung sĩ tên Thu lo việc giấy tờ, nhìn Sự vụ lệnh của tao rồi hỏi  “Chuẩn úy đi xuống Lạc Thiện ?”Tao nói “Đúng”. Trung sĩ Thu nói với tao hãy ngồi đó đợi, khi nào có trực thăng đến, anh ta sẽ dẫn tao đi.

Ngồi trên một cái băng làm bằng bìa gỗ tạp được đóng dính vào tường, tao vừa hút thuốc vừa nhìn phi cơ lên xuống để giết thì giờ. Đúng như tên gọi của phi trường, phi cơ đến và đi chỉ toàn loại có dòng họ với phi cơ bà già, chỉ có một lần duy nhất, một chiếc Caribou màu xám hạ cánh rồi sau đó chừng mươi phút, lại cất cánh bay lên. Sau hơn ba tiếng đồng hồ chờ đợi, Trung sĩ Thu mới dẫn tao ra phi cơ trực thăng, theo sau là bốn người đàn bà Thượng, mỗi người mang một cái gùi to thật to đựng đầy ắp muối hột, thêm hai đứa bé chừng bảy, tám tuổi, mặt mày lem luốc mà tao đoán là con của họ. Điều đặc biệt nhất là có thêm hai con chó mực, lúc nào cũng quấn quít bên chân hai đứa nhỏ. Tất cả mọi người đi bộ dọc theo phi đạo một đoạn chừng hơn trăm thước, tới chiếc trực thăng UH1 đang đậu trên phi đạo. Một anh chàng Mỹ trắng dẫn mấy người Thượng đến gần máy bay, đỡ từng người đàn bà lên, sau đó là hai đứa bé và hai con chó. Cuối cùng anh ta cẩn thận đem bốn cái gùi muối hột, đặt lên máy bay cạnh mấy người đàn bà Thượng. Xong xuôi mọi việc, hắn quay lại phía tao và Trung sĩ Thu ra hiệu là máy bay đã hết chỗ. Trung sĩ Thu nói với tao “Chuẩn úy theo tôi về lại trạm vận chuyển rồi về phố nghỉ ngơi, ngày mai tới đây đợi nữa.” Tao phàn nàn với Trung sĩ Thu “Tôi có Sự vụ lệnh ra đơn vị, lẽ ra tôi phải được ưu tiên đi chứ”. Trung sĩ Thu cười, nụ cười như thương hại cho sự ngây thơ của tao, anh ta nói “Tại chuẩn úy không biết thôi, ở đây trực thăng của Mỹ, phi công cũng là người Mỹ, mình xin đi nhờ, muốn cho ai đi là quyền của họ. Hơn nữa chuẩn úy có biết không, tại phi trường này với người Mỹ, thứ tự ưu tiên lên máy bay được sắp xếp như sau: thứ nhất là đàn bà, thứ nhì là con nít, thứ ba là chó, lính tráng bọn mình được đứng hàng thứ tư”.

Tôi gật đầu nói với Sơn.

-Ngày đó tụi mình còn quá trẻ, mang cái quai chảo trên vai mà cứ tưởng là ông trời con cho nên mới càm ràm. Đi ra đơn vị, lao đầu vào chiến trường, chứ đâu phải ăn cỗ mà tranh giành, đi không được thì về phố nghỉ, có sao đâu.

Sơn tiếp lời tôi.

-Mày nói đúng tao về lại Thành phố Ban Mê Thuột, đi lang thang như một gã du thủ du thực, buồn tình bèn ghé vào một quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt. Ngồi một mình trong góc phòng, tao mồi một điếu thuốc, kêu một ly cà phê đen, thưởng thức vài bản nhạc thời trang phát ra từ mấy cái loa treo trên tường. Giọng hát của cô ca sĩ nũng nịu như là thì thầm bên tai người yêu. “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ, từng đôi đi trên phố vắng”. Đang mơ màng thả hồn theo khói thuốc, bất chợt nghe lời ca của bản nhạc nhắc đến nơi mình ở, bỗng dưng tao thấy xốn xang trong lòng, vị cà phê vốn đã đắng lại càng đắng hơn.Ngẩn nhìn cô thu ngân có gương mặt sáng như trăng rằm, đôi mắt buồn như chứa cả một mùa thu, tự nhiên tao thấy cô đơn lạc lõng, thấy lòng buồn vô cớ, chán cho cái thân làm lính trận miền xa của mình.

Ngày hôm sau, tao lại ba lô lên vai cuốc bộ ra phi trường. Lần này tao được cho lên máy bay một cách thoải mái vì hành khách quá giang chỉ có một mình tao. Đối với những quân nhân trong binh chủng Tổng trừ bị như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, hoặc như các binh sĩ của Sư đoàn Bộ Binh thì hành quân trực thăng vận giống như đi xe đò. Riêng với tao kể từ ngày vào lính cho đến khi ra trường, mang cái lon chuẩn úy về Tiểu khu Darlac, đó là lần đầu tiên tao bước chân lên một chiếc trực thăng UH1 của quân đội Mỹ, dĩ nhiên mọi chuyện đều khá xa lạ, khiến tao không tránh khỏi ngạc nhiên. Phi cơ gì mà trống trơn, không cửa, không ghế, thậm chí đến cái dây an toàn để mình bám víu vào, cũng không có luôn. Gió lùa từng cơn từ trái sang phải thoải mái, cứ như mình đang đứng giữa nơi đất trời lộng gió.Ngồi phía trước trực thăng, đã có hai viên phi công Mỹ oai vệ trong bộ đồ áo liền quần, đầu đội helmet. Hai bên hông là hai xạ thủ đại liên, mỗi người ngồi trên một cái ghế đặt sát chân khẩu M60. Nằm dài dưới sàn trực thăng là một anh lính bộ binh Mỹ.

Tôi ngắt lời Sơn.

-Mày còn ngon hơn tao nhiều, sáu năm lính ở trường Võ Bị Đà Lạt, tao như một thằng nhà quê, chưa bao giờ đặt chân lên chiếc trực thăng.

Không chút gì quan tâm đến câu nói của tôi, Sơn ngẩng đầu rồi đưa hai tay vòng ra sau ôm lấy cổ, hắn tiếp tục câu chuyện.

-Ngày xưa thuở còn đi học, như mày biết tao có cái tên là Sơn mập, bởi vì tao cao và to như một con trâu. Khi vào Quân trường Quang Trung rồi Quân trường Thủ Đức, tao là sinh viên sĩ quan trong toán Quốc Quân Kỳ. Vậy mà thằng Mỹ nằm dưới sàn trực thăng, có thân hình phốp pháp to gần gấp đôi tao, hắn có đôi mắt xanh và một gương mặt dễ nhìn. Tao không biết quân đội Mỹ có cho phép quân nhân để râu hay không, nhưng thằng Mỹ trước mặt tao có bộ râu quai nón dài và rậm. Tao thầm nghĩ nếu bộ râu của hắn trắng như tuyết, thêm bộ đồ màu đỏ nữa, thì hắn sẽ biến thành ông già Noel mà không cần phải hóa trang. Một mình một chợ, thằng Mỹ nằm chình ình giữa sàn máy bay, gối đầu lên cái túi quân trang màu cứt ngựa, hai tay để hờ lên bụng, cây súng M16 vứt lăn lóc bên cạnh. “Sang sông phải lụy đò”, bài học kinh nghiệm ngày hôm trước vẫn còn đó, biết rõ thân phận đi nhờ tàu, tao rón rén nhẹ nhàng ngồi xuống nơi khoảng không gian còn trống, ngồi mà chỉ sợ gây lên tiếng động mạnh. Khi thấy tao thằng Mỹ cười, nụ cười ngây ngô, hiền khô như ông già Noel,  rồi lịch sự nhích người sang một bên nhường chỗ cho tao. Tao không hiểu tại sao hắn phải làm như vậy, sàn phi cơ còn khá rộng, đủ chỗ cho dăm ba người nữa mà. Nhìn quanh con tàu mà lòng đầy hoang mang, tao loay hoay tìm chỗ nào đó để bám vào vì lo sợ khi trực thăng bốc lên cao, gió hút mạnh sẽ quăng mình ra ngoài trời như không. Tiếng cánh quạt trực thăng quay mỗi lúc một nhanh, toàn thân con tàu rung lên bần bật, máy bay nhấc mình khỏi mặt đất, cắm đầu bay là là dọc theo phi đạo rồi bốc lên cao, lao mình về phía trước để lại đằng sau nhà cửa, xe cộ, và cánh rừng cao su chìm trong làn bụi đỏ. Ngày qua tháng lại, lá của những cây trong rừng cao su nằm sát phi trường nhuốm toàn một màu đỏ gạch, màu đỏ của bụi thời gian.

Ngưng lại một lúc như để lấy sức, sau đó Sơn mới nói tiếp.

-Trực thăng bay được chừng hơn mười phút, bên dưới máy bay đã là một cánh rừng xanh ngắt, trải dài đến tận cuối chân trời. Phi cơ đang bay ngon lành bỗng dưng tao nghe được nhiều tiếng kêu lụp bụp quanh thân tàu, chen lẫn với tiếng phành phạch như xé gió của cánh quạt. Chưa kịp tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, tao đã thấy hai anh chàng Mỹ đen đang ngồi nơi ghế xạ thủ đại liên, đứng bật lên như một cái lò xo, họ nhanh nhẹn mở tung nắp che cơ bẩm, nạp đạn vào súng. Cùng lúc ấy trực thăng nghiêng mình về bên phải, đạn đại liên từ khẩu M60 rải xuống như vãi đậu, những viên đạn vạch đường sáng bay lẹ như sao xẹt, chen nhau cắm đầu xuống đất xen lẩn với những tiếng nổ giòn giã vang lên giữa bầu trời trong xanh, rồi tiếng vỏ đạn rớt trên sàn trực thăng nghe lùng bùng cả màng nhĩ. Phi công và xạ thủ đều có đội helmet, nên họ thản nhiên thi hành nhiệm vụ một cách ngon lành như không có gì xảy ra. Riêng tao, chỉ kịp đưa hai tay lên bịt lấy tai. Khi tiếng đạn đại liên ngưng nổ, phi cơ lại nghiêng mình về bên trái, cây đại liên bên trái bắt đầu hoạt động, lại có hàng loạt tiếng nổ tành tạch kéo dài, vỏ đạn với móc sắt lại văng tung tóe trên sàn trực thăng. Mặc kệ chuyện gì đang xảy ra, anh chàng lính Mỹ nằm dài dưới sàn vẫn nhắm mắt ngủ ngon lành. Hình như những viên đạn bắn từ dưới đất lên trúng trực thăng, rồi những tràng đại liên M60 nổ chát chúa bên tai, không có gì làm cho hắn phải bận tâm. Trái với gương mặt thản nhiên của thằng Mỹ, tao biết rõ, mặt của mình cắt không còn giọt máu. Hai tay của tao hết bịt tai mà đã chuyển sang ôm chặt lấy cái ba lô từ lúc nào, trong khi toàn thân ướt dầm mồ hôi.

Tôi cười khoái chí.

-Tao tưởng chỉ có một mình tao nhát gan thôi, ai ngờ mày cũng vậy.

Sơn với giọng hãnh diện.

-Chuẩn úy mới ra trường mà được như vậy là ngon lắm rồi. Sau này tao mới biết, khu rừng phía dưới là vùng oanh kích tự do, cho nên hai anh chàng xạ thủ tha hồ rải đạn mà không sợ trúng phải thường dân. Cho đến khi tiếng súng đã hoàn toàn im bặt, chỉ còn nghe tiếng kêu phành phạch của cánh quạt, tao hướng tầm mắt về phía trước, xa xa giữa vùng đồi núi chập chùng, một cái hồ rộng mênh mông bát ngát hiện ra như một tấm gương phẳng lì đặt giữa rừng xanh, bao quanh hồ là trùng trùng điệp điệp núi và núi, tiếp nối nhau như không bao giờ dứt. Trực thăng bay ngang hồ tao nhìn xuống, nước hồ xanh màu ngọc, bóng của chiếc trực thăng đen thui như một con cá mập, nhẹ nhàng bơi lướt trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Cái bóng bơi lẹ như chớp, khiến tao có cảm tưởng nó bơi còn nhanh hơn chiếc trực thăng mà tao đang ngồi. Trong đời chưa bao giờ tao thấy một cái hồ lớn như vậy, và tao tin rằng đó là cái hồ lớn nhất Miền Nam  Việt Nam thời bấy giờ. Chừng năm phút sau, trực thăng đã qua khỏi hồ, bay dọc theo một con đường đất đỏ lỗ chỗ ổ gà, thỉnh thoảng lại có dăm, ba cái hố bom hình nón lá lật ngửa mà đường kính của nó còn to hơn bề ngang con đường. Hai bên đường cây cối chết khô chỉ còn trơ lại những nhánh cây gầy ốm, cong queo, què quặt vì thuốc khai quang, bên lề đường xác một chiếc xe bus cháy đen, xa xa vài chiếc quân xa, cái lật ngửa chổng bánh lên trời, cái nằm bẹp như một đống sắt vụn. Những hình ảnh điêu tàn của cánh rừng, cho tao biết rằng chiến tranh đã hiện diện ở đây, đã tàn phá không xót thương, hủy hoại không chừa một thứ gì. Vượt qua cánh rừng cây khô, phi cơ hạ thấp cao độ rồi đáp xuống một khoảng đất trống, xa xa ẩn hiện trong vùng cỏ tranh là những căn nhà tiền chế, mà tao đoán là căn cứ của cố vấn Mỹ và chi khu Lạc Thiện. Khi cánh quạt đã ngưng hẳn, một chàng phi công đi quanh chiếc trực thăng, với cây viết chì mỡ trên tay, hắn từ tốn khoanh tròn những lỗ đạn trên đuôi tàu. Xong xuôi công việc, đứng nhìn những vòng tròn to nhỏ khác nhau, hai chàng phi công Mỹ nhìn nhau cười khoái chí. Tao đưa mắt nhìn quanh rồi đếm thầm trong miệng, có tất cả mười hai cái vòng tròn, nếu đem chia đều cho sáu người trên máy bay thì mỗi người lãnh hai viên, đạn AK hay đạn đại liên phòng không 12 ly 7, tao không biết được. Chừng đó đạn bắn vào chiếc trực thăng mà mọi người vẫn bình an vô sự, đúng là chuyện khá hy hữu, chuyện may mắn không ngờ. Lúc này thay vì quay lưng phủi đít đi vào chi khu, vì muốn chứng tỏ mình là người biết chuyện, tao đi đến trước mặt hai anh chàng Mỹ lái trực thăng nói lớn. “Thank you.” Nói xong tao quay lưng bước đi.

Sơn nhìn thẳng vào mắt tôi rồi hỏi.

-Mày biết thằng phi công Mỹ nói gì với tao không?

Tôi trả lời Sơn.

-Làm sao tao biết được.

Sơn cười híp cả mắt.

-Hắn nói “Không có chi” Tao nghe rất rõ nhưng phải đợi khi đi được vài bước, tao mới giật mình hiểu ra là hắn nói tiếng Việt. Khi tao đưa tay nhấc cái ba lô khoác lên vai, chuẩn bị đi về phía mấy căn nhà mà tao nghĩ là Chi khu Lạc Thiện. Bất ngờ, tao giật mình đánh thót vì tiếng la hốt hoảng đầy kinh hoàng của hai anh chàng xạ thủ đại liên. Tao và hai ông phi công cùng quay đầu nhìn lại. Bên hông chiếc trực thăng, một anh xạ thủ đang lật và kéo anh chàng Mỹ to quá khổ sang một bên, hình như anh chàng này đã chết vì trúng đạn của Việt cộng bắn lúc nãy, máu tươi ướt đẫm chỗ anh ta nằm. Tao thật sự choáng váng, lạnh cả người khi nhớ lại cái cảnh anh Mỹ mập nhích tấm thân đồ sộ sang một bên, để tao có thể ngồi thoải mái hơn, nếu anh ta vẫn nằm yên thì chắc viên đạn vô tình bắn hú họa đó, đã không trúng vào chỗ nhược của anh ta, mà sẽ trúng vào tao cũng nên. Cũng có thể cái tấm thân to lớn bề thế như một ông hộ pháp của anh ta, đã đỡ lấy viên đạn cho tao không chừng. Ở đời, chuyện sống chết mấy ai biết được. Một anh lính ở tận nước Mỹ xa xôi vạn dặm, đến Việt Nam chiến đấu để bảo vệ Miền Nam, anh ta chết, cái chết nhẹ như một giấc mơ. Tao nghĩ đến mình, là con dân nước Việt, là lính Miền Nam Việt Nam, nếu tao có phải hy sinh để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa thì cũng không có gì phải tiếc nuối. Thế nhưng với anh lính Mỹ vừa mới giã từ cõi đời nơi xứ lạ quê người, thân nhân không được thấy mặt, khiến lòng tao không khỏi bùi ngùi thương cảm. Ngày đầu tiên ra đơn vị, với tao đó là một ngày đáng ghi nhớ trong đời.

Sơn cho thêm một thanh củi vào bếp rồi ngước nhìn tôi với giọng nói đầy tự tin, hắn nói.

-Tao dám bảo đảm với mày, Lạc Thiện là một cái quận xa xôi, hẻo lánh, tiêu điều xơ xác và nhỏ nhất của Việt Nam Cộng Hòa vào thời bấy giờ. Quận lỵ cái con mẹ gì, chỉ có chừng hơn hai chục cái nhà tôn vách ván với con đường đất đỏ nhỏ xíu chạy ngang trước quận.

Tôi thắc mắc hỏi Sơn.

-Như vậy thì tại sao người ta gọi là quận?

Sơn giải thích cho tôi.

-Vài chục căn nhà, dân số chưa được trăm người Kinh nhưng gọi là quận, vì trong lãnh thổ của quận Lạc Thiện còn có khoảng hơn ba chục cái buôn Thượng nằm rải rác khắp nơi, có buôn cách xa quận hơn hai chục cây số. Tổng số dân của mấy chục cái buôn Thượng này lên đến con số hơn bốn ngàn người. Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ phải bảo vệ dân của mình, bảo vệ những cái buôn Thượng này, đó là lý do người ta lập quận, đặt cơ quan hành chính ở đó. Ngày đầu mới đến Lạc Thiện, bụng đói cồn cào, tao được một anh lính chỉ cho căn nhà thấp lè tè, mái lợp tôn, trong số hơn vài chục căn nhà trước quận, anh ta gọi đó là quán ăn. Trong quán chỉ có bán một món ăn độc nhất là mì gói đổ nước sôi với một cái trứng gà, thức uống thì chỉ vài chai Coca sắp trên một cái kệ. Điều đặc biệt là tuy quận không có điện nhưng quán lại có đá lạnh, tao thắc mắc hỏi chủ quán và được ông ta dẫn ra sau nhà, chỉ vào cái tủ lạnh đặt nơi góc bếp.

Sơn đột ngột đổi giọng hỏi tôi.

-Mày có thấy ai ngu như tao không? Được cha mẹ cho ăn học đầy đủ, tốt nghiệp trung học với hai cái tú tài, cũng tốt nghiệp Thủ Đức đàng hoàng, vậy mà tao không hề biết là trên đời này trước khi có tủ lạnh chạy điện, người ta đã chế ra cái tủ lạnh chạy bằng dầu hôi. Và cái tủ lạnh này là sản phẩm độc đáo nhất của Lạc Thiện thời bấy giờ. Chừng đó, quận chỉ có chừng đó mà thôi, không còn gì khác. Nói vậy cũng không đúng, còn chớ, còn chuyện pháo kích nữa. Ở cái chỗ ma thiêng nước độc, chỉ có một trung đội pháo binh và bốn Đại đội Địa Phương Quân trú đóng, vậy mà ngày nào cũng ăn pháo kích. Việt cộng đặt súng cối 82 ly nơi những đỉnh núi cao gần hồ Lăk, hôm nay chúng rót vào chi khu mươi trái đạn, ngày hôm sau tại ngọn núi khác, bọn chúng lại  bắn vài chục trái nữa, cứ như vậy ngày qua tháng lại pháo đều đều. Việt cộng pháo kích đều đặn đến nỗi một vài ngày không ăn pháo lại thấy thiêu thiếu, lại nghe lính hỏi nhau “Sao mấy ngày rồi, chưa thấy Việt cộng pháo kích hè ?”. Tao cười rồi nghĩ thầm, hình như ngày nào không có pháo kích thì lính mình ăn cơm không thấy ngon. Khi biết rằng tao đang bước một chân xuống cái địa ngục có thật ở trên đời tên là Lạc Thiện, cũng là lúc tao nhớ lại thành phố Ban Mê Thuột, nhớ nhà cửa, nhớ xe cộ, nhớ rạp cine Lô đô, nhớ con người, nhớ xe mì hoành thánh bên hông chợ của vợ chồng ông Tàu, và biết rằng Ban Mê Thuột đúng là thiên đường, là thủ phủ của cao nguyên. Hơn mấy năm trường ở Chi khu Lạc Thiện, đại đội của tao cùng ba đại đội khác thay phiên nhau hành quân lục soát, truy lùng Việt cộng. Một tuần lội rừng, một tuần về phòng thủ quận nghỉ dưỡng quân. Rồi lại bảy ngày  lương khô thịt hộp, tiếp tục hành quân, cứ như thế ngày này qua tháng nọ. Tụi tao đụng trận với Việt cộng cả chục lần, con số thương vong của hai bên cũng khá, chết chóc cũng bộn. Anh chàng mang máy cho tao may mắn được giải ngũ, chỉ để lại một con mắt ở chiến trường. Còn ông đệ tử của tao không được may mắn cho lắm, hắn gởi lại chiến trường một cái chân, thêm mấy vết thương ở bụng, sau ba tháng nằm ở Quân Y Viện Ban Mê Thuột, cộng thêm mấy lần tái khám, hắn trở về với vợ con trên đôi nạng gỗ. Cá nhân tao mỗi khi đụng trận là tao phải thí mạng cùi, ôm súng dẫn lính xung phong chiếm mục tiêu. Nhờ phước đức của ông bà để lại nên tao vẫn còn lành lặn, không được giải ngũ, cứ phải phục vụ trong quân đội cho đến ngày 30 tháng 4.

Loading

Scroll To TOP