CTBCTY Tập IV chương 37
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)
Chương XXXVII
Đất nước mang mặt nạ
Sau hơn một năm học tập cải tạo tại Tổng trại 8 tù binh Sông Mao, tôi được Cộng Sản cho về đoàn tụ với gia đình, kèm theo cái án quản chế một năm ghi ở cuối tờ giấy phóng thích.Với cái án này, cuộc sống hàng ngày của tôi bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định, nó chật hẹp, tù túng đến nghẹt thở, nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình đang bị bó tay, cột chân rồi nhốt trong một cái cũi. Suốt mấy tuần lễ đầu tôi sống loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn, với số tiền mà vợ tôi đang có trong tay, thừa sức bảo đảm cho gia đình tôi có một cuộc sống an nhàn, mà không cần phải làm gì cả. Tuy nhiên theo lý thuyết của Cộng Sản, Xã Hội Chủ Nghĩa là một xã hội không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng, những gia đình nào không trực tiếp lao động sản xuất đều bị đưa đi tái định cư tại vùng kinh tế mới. Ba chữ kinh tế mới là một cách nói để lừa dân, mà thực chất là chính sách đem con bỏ chợ của Cộng Sản, quăng người ta vào những nơi rừng thiêng nước độc, rồi bỏ mặc trong đó. Người dân nếu có bị đói rét, bệnh tật hay đau yếu, thì phải gắng mà tự lo liệu lấy thân, không phải là chuyện của nhà nước.
Muốn được sống tại thành phố, tôi chỉ còn một con đường duy nhất là ngày ngày phải đi lao động sản xuất lại mảnh vườn của mình ở Đa Thiện. Vào khoảng cuối năm 1976, tôi nghe phong phanh đâu đó, người dân trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa được chia ra làm 13 hay 16 bậc. Sĩ quan Ngụy cải tạo trở về chưa có quyền công dân nên không có tên trong bản phân chia giai cấp nói trên.
Biết mình hết đường vùng vẫy, tôi sống im lặng nhẫn nhục cho qua ngày đoạn tháng, sống như một cái bóng mờ, đứng bên lề xã hội, cho dù đó là một cái xã hội man rợ của thời trung cổ. Tôi sống mà lúc nào cũng phải tuân theo đúng mọi luật lệ khắt khe, nghiệt ngã, của công an khu vực và sự kềm kẹp vô lý của bộ ba tổ trưởng dân phố, tổ phó, tổ phó an ninh.
Mới có hơn một năm sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, tôi thấy được một điều, tất cả mọi người từ dân đen cho đến ông Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản, Chủ Tịch nước, Thủ Tướng, tất cả đều phải mang mặt nạ. Có hàng trăm loại mặt nạ khác nhau, Ngài Tổng Bí Thư chẳng hạn, ông là người buôn dân hại nước nhưng khi xuất hiện trước công chúng, ông ta mang cái mặt nạ “Thanh liêm đạo đức”. Ngài Thủ Tướng lẳng lặng bán nước cho Tàu cộng, nhưng khi nói chuyện với mọi người, Ngài mang cái mặt nạ “Vì dân vì nước.” Ở một đất nước mà chính quyền cai trị dân dựa trên căn bản lừa dối, người dân của nước đó muốn sống còn, họ phải ăn gian nói dối với chính quyền thôi. Theo gương các vị lãnh tụ, cá nhân tôi ngay cửa ra vào nhà, tôi treo một cái bị rồi tưởng tượng trong đó có một mớ mặt nạ. Khi bước chân ra khỏi nhà, tôi đeo cái bị vào cổ rồi tự hỏi mình “Hôm nay mình đi đâu? Gặp ai? Làm gì?” Nếu đi gặp bà tổ trưởng, tôi đeo cái mặt nạ “Quỵ lụy xin xỏ”. Nếu đi gặp công an khu vực, công an phường, tôi đeo cái mặt nạ “Gọi dạ bảo vâng”. Bài học quý giá ở trong tù cải tạo còn đó, nhiều vị sĩ quan tánh tình cương trực, thẳng thắn, nhất định không chịu khuất phục trước sự tuyên truyền dối trá, lừa đảo của Việt Cộng, không chịu đeo mặt nạ. Họ đã chống đối, phản kháng, tìm cách vượt ngục, hình phạt dành cho họ là bỏ đói, hành hạ tra tấn dã man cho đến chết và sau đó là một phát súng ân huệ.
Một ngày trong đời sống quản chế của tôi xem ra chẳng có gì đáng nói, nó đều đặn, trầm lặng, như tiếng nước suối chảy róc rách trên nguồn. Sau một ngày tiếp xúc với xã hội bên ngoài, khi về đến nhà tôi cất mấy cái mặt nạ vào túi, treo lên cây đinh nơi cửa để ngày mai dùng lại.
Ở trong nhà với cha mẹ, vợ con, anh em, tôi không đeo mặt nạ, lúc bấy giờ tôi mới trở lại chính là tôi. Buổi sáng thức dậy, tôi rủng ra rủng rỉnh ngồi ăn sáng với vợ, chơi đùa với con. Thức ăn sáng của chúng tôi thường thì có bánh mì thịt hoặc trứng ốp la, khi thì bún bò do vợ tôi nấu, sau đó tôi ung dung nhấp từng ngụm cà phê sữa béo ngọt, thơm lừng. Sau bữa ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng, tôi mang cái mặt nạ vào rồi đi qua gõ cửa nhà bà tổ trưởng, xin chữ ký cho phép đi làm lao động ở vườn rau tại Đa Thiện. Nhìn cái bản mặt đầy đau khổ của tôi, bà tổ trưởng vui vẻ ký vào sổ như là đã ban phát ân huệ cho một tên tiện dân nghèo đói, khốn khó.
8 giờ sáng, tôi đi ra Đa Thiện làm vườn, làm lao động để tạo ra của cải vật chất theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, của Đảng và nhà nước. Chiếc xe Honda mà tôi mua đâu khoảng năm 1973 hãy còn khá mới, được lau chùi sạch sẽ để ở nhà làm cảnh. Sĩ quan Ngụy vừa mới ở tù về, đang bị quản chế mà cỡi Honda đi làm vườn, khác nào cái gai nhọn đâm vô mắt tên công an khu vực. Để được an thân, tôi chọn cách dùng chiếc xe đạp cà tàng đi làm và coi đó là phương tiện di chuyển hợp lý nhất.
Từ nhà tôi tới vườn, đường dài khoảng chừng 4 cây số, tôi vừa đạp xe vừa mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó vượt biên thành công đến được nước Mỹ. Mơ mơ mộng mộng tôi đã đạp xe đến vườn lúc nào không hay. Tại vườn, việc đầu tiên là tôi đi tìm ông tổ phó an ninh để xin chữ ký là đã đến nơi làm việc. Lúc này nắng đã lên khá cao, tỏa ánh sáng chói lòa xuống cả một vùng thung lũng đầy những vườn rau xanh ngắt. Mọi người dân làm vườn ở đây đều thức dậy từ tờ mờ sáng, đã tưới tắm xong xuôi khu vườn của họ. Riêng tôi cho tới lúc này, mới từ tốn quay cái máy bơm nước chạy bằng dầu cặn hiệu Yanmar, tưới nước cho mấy ngàn cây bắp sú của mình. Vì tưới nước trái giờ như vậy nên rau tôi trồng không được xanh tươi, tốt đẹp, như những vườn rau chung quanh. Hàng ngày tôi chỉ làm có mỗi một việc là tưới cây, những chuyện nặng nhọc khác như cuốc lật đất, bón phân cá, dọn cỏ, xịt thuốc trừ sâu, Cúc đã thuê người chăm lo.
Trưa đến, tôi đi vào trong căn nhà nhỏ với diện tích chừng 20 mét vuông, căn nhà này Cúc thuê người dựng tạm lên ở cuối vườn, gần cái máy bơm nước, dùng để nghỉ ngơi và có chỗ ăn trưa. Sau khi rửa tay chân sạch sẽ, tôi soạn cái gà men cơm để lên bàn, Cúc đã làm sẵn cho tôi cơm canh, thịt cá, thức ăn phải nói là quá dư thừa cho một người. Tôi cắm cái bếp điện hâm nóng thức ăn. Bị ám ảnh suốt cả năm với cái đói ở trong tù, tôi xới một chén cơm trắng đầy vun, gắp miếng thịt kho trứng béo ngậy, rồi nhai chầm chậm. Tôi nhai hoài nhai mãi mà không nuốt được miếng cơm vì hình ảnh đói khát của Sơn Fulro, Trung úy Lợi và những người bạn tù cứ lẩn quẩn trong đầu, khiến tôi thấy mình như mắc nghẹn trong cổ. Cuối cùng tôi phải húp một miếng canh, nước canh cuốn trôi đi hình ảnh trại tù cải tạo, với những đói khát, nhọc nhằn mất hút trong trí nhớ. Xong bữa ăn trưa, tôi nấu nước sôi pha một ly trà, thong thả thưởng thức cái hương vị đậm đà của trà cũng như cái hậu ngòn ngọt của nó, rồi đánh một giấc thoải mái cho đến 2 hay 3 giờ chiều. Giờ này là giờ tôi phải đi tìm ông tổ phó an ninh để xin chữ ký. Để trễ hơn lỡ ông ta bận việc đi đâu mất, mình phải đợi tới khuya. Nói như vậy chứ nếu có việc, ông tổ phó thường ký cho tôi một lần hai chữ ký. Buổi chiều khi về đến nhà, tôi lại lò dò qua nhà bà tổ trưởng xin chữ ký và báo cáo mọi việc tôi đã làm trong ngày. Chuyện sau cùng là tôi kiểm soát lại, mình đã xin đầy đủ bốn chữ ký hay chưa. Những công việc này, tôi lập đi lập lại hàng ngày đều đặn như tiếng kêu tíc tắc, êm ái, của một cái đồng hồ Thụy Sĩ.
Một tuần làm việc qua đi, cuối tuần tôi lại chuẩn bị sẵn sàng một gà men cơm, trong đó cơm thì ít nhưng khoai mì và bo bo thì nhiều, cộng thêm một gói muối đậu, một chai nước lạnh, đi làm lao động không công, góp sức xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, theo lệnh của công an khu vực và tổ trưởng dân phố. Cách vài tuần lại có một lần đi làm lao động xa nhà, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phường, tôi cùng tất cả sĩ quan Ngụy đang bị quản chế tại thành phố Đà Lạt, khăn gói quả mướp, gạo, mắm, muối, lội bộ vào khu kinh tế mới Tà Nung cách Đà Lạt khoảng hơn 10 cây số đường rừng. Tại đây, suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi khai hoang, phát cỏ, trồng khoai lang và khoai mì. Sĩ quan Ngụy bị quản chế như chúng tôi, mang cơm nhà đi lao động sản xuất, đến khi thu hoạch mùa màng sẽ do nhà nước quản lý, đó là chân lý của Xã Hội Chủ Nghĩa và chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Tôi thi hành lệnh quản chế nghiêm chỉnh, không một chút sai sót với hy vọng sẽ được giải chế, chấm dứt chuyện một ngày phải lặn lội đi xin cho đủ bốn chữ ký. Và điều quan trọng nhất mà tôi mong đợi là khi được giải chế, mình có thể lên Phường, xin công an tờ giấy phép đi ra khỏi tỉnh. Tuy nhiên, nếu xin phép đi xuống những thành phố ở vùng duyên hải, chuyện cấp phép sẽ khó khăn hơn nhiều. Lý do thì mọi người đều hiểu rõ.
Một năm trôi qua lẹ như cái chớp mắt, mới đó mà đã đến ngày tôi được giải chế. Tối hôm ấy, tôi ăn mặc chỉnh tề đứng trước mặt mấy chục gia đình trong tổ dân phố, trên bục cao là bàn chủ tọa đoàn gồm có công an khu vực, bộ ba tam đầu chế, thư ký. Sau khi ho nhẹ vài tiếng để lấy giọng, tôi đọc to tờ tổng kết thành tích lao động cùng những công tác Xã Hội Chủ Nghĩa, mà tôi đã làm trong suốt một năm vừa qua. Khi tôi vừa dứt lời, mọi người trong tổ dân phố xì xào bàn tán xôn xao, một vài giọng nói vang lên “Cho giải chế là phải, hành hạ người ta cả năm cũng đủ rồi”.
Tôi chưa kịp vui mừng, đã thấy tên công an khu vực đứng lên, hắn đưa tay ra dấu cho mọi người hãy giữ im lặng. Tên công an đảo mắt nhìn quanh, khi thấy mọi người đều đồng lòng ủng hộ thằng sĩ quan Ngụy ác ôn, gương mặt của hắn bỗng trở nên lầm lì. Giận cá chém thớt, tên công an khu vực bèn ưu ái tặng thêm cho tôi một năm quản chế nữa, lý do hắn ta đưa ra rất giản dị “Một năm qua, đương sự tuy có chấp hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị của nhà nước, lao động tốt nhưng về mặt tư tưởng thì không có chút tiến bộ nào. Bác Hồ có nói, Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng ta cần người hồng hơn chuyên”.
Khi nghe tên công an tuyên bố như trên, tôi tự phản tỉnh, phân tích phần nội tâm của mình. Cho đến ngày hôm nay, tôi chỉ mới sống dưới chế độ cai trị của Cộng Sản được hơn hai năm, trong đó có một năm hai tháng là ở tù cải tạo, một năm quản chế tại địa phương. Với một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, đầu óc của tôi chưa kịp thấm nhuần tư tưởng cũng như đạo đức cách mạng, thì làm sao tôi có thể chấp nhận ngày 30 tháng tư, là ngày giải phóng. Với tôi cho đến ngày nhắm mắt lìa đời, 30 tháng tư là ngày Đảng Cộng Sản đã dùng bạo lực để cướp Miền Nam Việt Nam, đặt cả nước Việt Nam dưới sự cai trị độc tài của một cái đảng không khác gì bọn thổ phỉ. Vì suy nghĩ như vậy nên tôi phải công nhận rằng, tên công an khu vực nói đúng một trăm phần trăm tư tưởng trong đầu của tôi. Hơn ai hết, tên công an này biết rõ tôi và mọi người dân đều mặc áo giấy, mang mặt nạ, chuyện lột mặt nạ của tôi, quá dễ dàng đối với hắn. Tâm phục khẩu phục, tôi vui vẻ ôm thêm một năm quản chế nữa.
Biết tôi không được giải chế, gương mặt của Cúc buồn thấy rõ rồi nói với tôi.
-Anh à, họ cứ cột chân của anh như vậy thì làm sao mình có thể về Sài Gòn, tìm đường vượt biên. Hôm qua em nghe đài BBC, có một gia đình gồm mười tám người đi trên một chiếc ghe nhỏ, vượt biển đến Úc Châu xin tỵ nạn chính trị.
Tôi an ủi Cúc.
-Hãy gắng chờ đi em, hy vọng năm tới anh sẽ được giải chế, lúc bấy giờ mình hãy tính.
Cúc bàn với tôi.
-Em đang tính chuyện sẽ dùng tiền lo lót, để tên công an khu vực giải chế cho anh. Không biết em tính như vậy có được không?
Tôi hăng hái trả lời Cúc.
-Được quá đi chớ, nhưng mà mình phải tuyệt đối cẩn thận, đừng có để chuyện tiền mất tật mang thì không tốt chút nào.
Chần chừ một lúc, Cúc cho tôi biết kế hoạch mà chúng tôi phải làm trong những ngày sắp tới. Trước hết, phải tăng phần lo lót quà tặng cho bộ ba tam đầu chế, sau đó mình sẽ gặp riêng tên công an khu vực, giúi cho hắn một cái đồng hồ hoặc một cái radio với điều kiện là năm tới, hắn phải đồng ý giải chế cho anh.
Sợ tôi không hiểu hết ý của mình, Cúc nói.
-Thực ra tên công an khu vực muốn bao nhiêu tiền, mình đều có thể cho nó được. Vì việc giải chế cho một sĩ quan Ngụy, tất cả đều do công an khu vực quyết định, nhưng nếu mình đưa quá nhiều tiền, hắn sẽ đâm ra ngờ vực, tìm hiểu về nguồn tài chánh của mình.
Tôi góp ý với Cúc.
-Em nói đúng, suốt năm qua cứ một, hai tuần, anh đưa cho tên công an khu vực một gói thuốc lá, đút lót kiểu như vậy đúng là không đủ nhét kẽ răng của con cọp, của một tên công an khu vực, có toàn quyền sinh sát trong tay. Đúng không?
Cúc gật đầu.
-Đúng vậy tụi mình ngu thiệt. Nếu mình lo lót nhiều từ năm ngoái, biết đâu anh đã được giải chế rồi.
Không được giải chế, tôi lại tà tà đạp xe đi làm vườn mà thực chất là đi xin chữ ký, chứng minh mình có làm việc. Xét ra việc tôi bị quản chế, không ít thì nhiều cũng giúp cho bà tổ trưởng, tổ phó, tổ phó an ninh cũng như tên công an khu vực, có thêm chút bận rộn, thêm công ăn việc làm.
Khoảng một tháng sau đó, theo đúng kế hoạch, vào một buổi tối nhân dịp tên công an khu vực đi thăm hỏi người dân trong tổ dân phố, mà thực chất là đi kiểm soát an ninh, tôi trịnh trọng mời hắn nán lại nhà một chút, uống ly trà rồi hãy về.
Thấy tên công an chừng như vẫn còn do dự, tôi vội nói.
-Thưa anh, vợ chồng tôi có chút quà mọn tặng anh, để cảm ơn lòng tốt mà anh đã dành cho gia đình chúng tôi.
Nghe tôi nói, tên công an đặt cái sắc cốt lên chiếc ghế sofa sau đó y khoan thai ngồi xuống.
-Có chuyện gì anh cứ nói đi.
Tôi thong thả rót nước trà vào ly, đợi cho hắn uống một hơi rồi mới nói.
-Chẳng giấu gì anh, vợ chồng tôi mang ơn anh rất nhiều, không biết lấy gì mà đền đáp.
Vừa nói tôi vừa lấy gói quà nhỏ, đựng cái đồng hồ Seiko 5 đưa cho anh ta.
-Chút quà mọn xin anh vui lòng nhận cho, tiện thể lần tới xin anh nới tay “giơ cao đánh khẽ” giúp cho tôi được giải chế.
Liếc mắt nhìn quanh, khi không thấy ai, tên công an khu vực lẹ làng nhét cái hộp quà vào sắc cốt rồi hấp tấp ra về.
Những tuần lễ sau đó, khi tôi đọc kiểm điểm hàng tuần trước tổ dân phố, thái độ của tên công an khu vực hoàn toàn đổi khác. Hắn khen ngợi tôi hết lời, nào là có tiến bộ nhanh chóng về mặt tư tưởng, đáng được biểu dương trước tổ, sau đó hắn khuyên mọi người hãy coi tôi như là một tấm gương trong việc lao động sản xuất.
Con đường giải chế của tôi đã được khai thông, tôi chỉ còn chờ kết quả.