Headlines

CTBCTY Tập III chương 31

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXXI
Bữa cơm đoàn tụ

Đêm đầu tiên sau khi ra khỏi tù, tôi đi lang thang ở bến xe đò Phan Rang, đi để hít thở bầu không khí tự do, hết rồi chuyện phải ngồi họp tổ nghe đọc kiểm điểm, không cần phải đi ngủ sớm lấy sức mai còn đi làm lao động, muốn làm gì cũng được, muốn đi đâu cũng xong. Hôm qua còn ở trong tù, hôm nay đã thong dong ở bên ngoài, tự do đến với mình quá bất ngờ, khiến tôi cứ ngỡ là mình đang sống trong mơ, đi mà cứ tưởng như chân không chạm đất. Loanh quanh một hồi, tôi đưa mắt nhìn quanh rồi dừng lại nơi cái vỉa hè rộng khoảng một thước, bên hông một căn nhà. Đây đúng là một chỗ ngủ lý tưởng, quá sức rộng rãi, sạch sẽ, đối với một tù nhân vốn ăn chay nằm đất đã quen. Không một chút chần chừ, tôi quăng hai cái bao xuống đất làm gối, nằm gác chân lên cẳng, thong thả ngắm bầu trời Phan Rang đang từ từ tối dần.

Lơ tơ mơ một lúc, tôi cũng chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Giữa khuya trong bầu không khí im vắng của bến xe, tôi chợt giật mình tỉnh giấc, một nửa mảnh trăng vàng lấp ló sau mái hiên nhà, chiếu ánh sáng vàng nhạt vào chỗ tôi nằm. Tiếng của một con muỗi đói kêu vo ve bên tai, khiến tôi nhớ đến cái đêm tôi và Cúc ngủ ở bậc cấp của một căn nhà, nơi bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn. Đêm nay cũng ăn bờ ngủ bụi, nhưng cái khác biệt là tôi ngủ một mình, không phải thức quạt muỗi cho vợ. Một cơn gió đêm mang theo chút hơi lạnh khiến tôi rùng mình, rồi vội vàng lôi cái mền ra khỏi bao cát đắp qua người, chụp cái mùng lên đầu, tiếp tục giấc ngủ dở dang.

Buổi sáng, tôi thức dậy khi trời đã sáng tỏ, không có tiếng kẻng ma quái đàn áp cái lỗ tai của mình, không cần phải nhai vội miếng bột mì luộc rồi đi lao động. Tôi nằm phè cánh nhạn, nhìn mây trôi lờ lửng mà cảm thấy đã đời quá chừng. Cho đến khi có vài chiếc xe đò chạy vào bến, lúc bấy giờ tôi mới chịu cuốn mùng mền, nhét vào hai cái bao cát khoát lên vai rồi đi về phía cầu tiêu công cộng của bến xe. Mở vòi nước, đưa tay hứng lấy một vốc rửa mặt, sau khi đã giải quyết mọi vấn đề vệ sinh, tôi trở lại cái băng ghế gỗ hôm qua, mò trong bao cát lấy ra cái bánh ú. Tôi tà tà thưởng thức buổi ăn sáng, mắt ngắm nhìn sinh hoạt nhộn nhịp của bến xe, cuộc sống người dân sau hơn một năm giải phóng chừng như chậm hơn xưa nhiều. Mặt trời lên khá cao, chiếc xe đò cà tàng chở tôi lên Đà Lạt mới bắt đầu rời bến. Tiếng máy xe gầm gừ như nghẹt thở, phun ra từng cụm khói đen ngòm, xe chạy một cách mệt nhọc trên con đường lỗ chỗ ổ gà. Đến đèo Ngoạn Mục, lúc này chiếc xe không chạy nữa mà là bò, nó bò chậm đến độ một ông già ngồi trong xe hỏi anh tài xế.

-Có cần tụi tôi xuống đẩy phụ không?

Anh tài xế quay nhìn hành khách ngồi trong xe với nụ cười méo xệch. Anh ta nói.

-Bà con thông cảm, bọn Ngụy chạy đi, tụi nó bỏ xe lại nhưng quên để lại phụ tùng thay thế. Xe hư chúng tôi phải khắc phục, nhặt nhạnh chắp vá, lượm chỗ này đắp chỗ khác, xe còn chạy được là may lắm rồi, vài tháng nữa chắc là phải đi bộ thôi.

Ba giờ chiều xe đến Đà Lạt, cập bến nơi cây xăng gần ấp Ánh Sáng, tôi khoát hai cái bao cát lên vai, bước vội về nhà. Khi ngang qua khu Hòa Bình, tôi chợt thấy cái vắng vẻ, buồn thảm của Đà Lạt. Thành phố nơi tôi ở mới có hơn một năm mà nó đã già đi thấy rõ, hầu hết những tiệm buôn chung quanh khu Hòa Bình đều đóng cửa, một vài chiếc xe hơi, dăm ba chiếc xe gắn máy di chuyển trên đường phố, lác đác vài người dân áo quần lam lũ, họ đi trong im lặng như những bóng ma. Hóa ra cuộc sống của người dân Đà Lạt, sau hơn một năm giải phóng nếu đem so sánh với tù cải tạo, có khá hơn thì cũng một chín, một mười mà thôi. Tôi men theo hè phố, đi xuống hết con dốc Minh Mạng, tên mới là Trương Công Định, căn nhà của ba tôi đã hiện ra. Đứng trước nhà, định đưa tay gõ cửa, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy cửa hé mở, không có khóa. Vì muốn tạo một chút vui mừng bất ngờ cho mọi người nhất là Cúc, tôi đẩy cửa bước vào. Người đầu tiên tôi gặp là chị Hai, ngồi bên một cái nia với mớ gạo trải đều ở bên trên, tôi không biết chị đang nhặt thóc hay sạn. Chị Hai ngẩn mặt, mở to mắt nhìn chằm chặp lấy tôi, rồi hỏi với giọng lạnh lùng.

-Ông tìm ai?

Tôi nói.

-Chị Hai quên tôi rồi sao? Tôi là Quân, chồng của Cúc.

Sau một thoáng sửng sờ, chị kêu to.

-Cô ơi….cô.

Tiếng nói của Cúc vọng lên từ nhà bếp.

-Chị làm gì mà la như cháy nhà vậy.

Cùng lúc ấy Cúc xuất hiện nơi cánh cửa ngăn nhà bếp với phòng khách, tay bưng một cái dĩa. Cúc nhìn tôi với ánh mắt xa lạ rồi nói với chị Hai.

-Chị xúc cho ông ấy chén gạo, nhớ cho ông ta thêm mấy đồng bạc lẻ nữa.

Quá ngạc nhiên vì thái độ kỳ lạ của vợ, chưa kịp tìm hiểu tại sao, tôi đã nghe tiếng vỡ tan tành của cái dĩa khi chạm nền nhà, âm thanh của nó vang vọng khắp căn phòng. Cùng lúc ấy Cúc chạy nhanh đến ôm lấy tôi.

-Anh phải không? Thoạt nhìn em cứ tưởng là người… người..

Tôi tiếp lời vợ.

-Ăn xin phải không?

Cúc gật đầu, vòng tay từ từ xiết chặt lấy tôi, trong khi nước mắt của nàng đã bắt đầu tuôn tràn, Cúc khóc ngon lành, khóc say sưa. Tiếng khóc nức nở nghẹn ngào của Cúc mỗi lúc một lớn hơn, làm tôi nhớ lại chuyện năm xưa. Hồi đó tại căn nhà có hai cây vú sữa ở đường Nguyễn Minh Chiếu Sài Gòn, Dung đã ôm tôi khóc ngon lành khi nói đến cái chết của Biên. Một cảm giác sợ hãi, lạnh buốt, chạy dọc theo sống lưng, rồi lan tỏa khắp thân mình, tôi hỏi Cúc, giọng nói không được bình tỉnh cho lắm.

-Ba hay má mất rồi phải không?

Cúc lắc đầu, cái lắc đầu khiến tôi sợ hơn nên vội hỏi.

-Hay là, con của mình đã chết rồi?

Cúc lại tiếp tục lắc đầu.

-Anh đừng có nói bậy.

Lo âu, sợ hãi đã bớt đi nhiều tôi mừng thầm trong bụng, hỏi tiếp.

-Còn thằng Tý với con Quyên?

Cúc khóc nhỏ lại.

-Tụi nó đi họp đoàn thể gì đó, chưa về.

Đến đây tôi đã hoàn toàn yên tâm. Đưa tay nâng cằm của Cúc lên, nói nhỏ.

-Anh về, lẽ ra em phải mừng, tại sao lại khóc? Em làm anh sợ mất hồn.

Cúc nói với tôi, giọng đầy nước mắt.

-Tội nghiệp cho anh quá chừng, nhìn anh tiều tụy, bệ rạc, giống hệt như mấy người vô gia cư thường hay lang thang ngoài chợ. Bất ngờ thấy chồng mình thân tàn ma dại như vậy, không khóc sao được. Ở trong đó khổ lắm phải không anh?

Tôi đùa với Cúc.

-Cũng không khổ lắm đâu, sức người có thể chịu được.

-Đói lắm phải không?

Tôi trả lời.

-Cũng có đói, nhưng mà sức người có thể chịu được.

Cúc vùng vằng, trong khi nước mắt vẫn lưng tròng.

-Anh nói chuyện cứ như là đùa giỡn, nếu không khổ cực, không đói khát, tại sao anh ốm đi nhiều như vậy, lại nữa quần áo lành lặn đâu hết rồi mà anh ăn bận cứ như…như..

Tôi nói.

-Ăn mày phải không? Anh giống ai thì em cứ nói, đừng có ngại. Em biết không, gần ba tháng rồi anh chỉ có một bộ đồ duy nhất mặc trên người. Mỗi tuần một lần khi đi tắm ở Sông Lũy, anh giặt quần áo xong vắt cho khô rồi bận lại, giặt riết bộ đồ mòn đi, mõng dánh như tờ giấy quyến, chạm mạnh tay nó có thể rách toạc ra lúc nào không biết.

Cúc nhìn xuống chân của tôi rồi hỏi.

-Anh mang cái gì vậy? Trông giống như cục gạch.

Tôi khoe với Cúc.

-Đây là đôi guốc gỗ do anh tự đóng lấy đó em, nó bền hết biết, anh mang cả mấy tháng rồi mà chưa hư.

Cúc lại hỏi tôi.

-Kỳ thăm nuôi em có đem khá nhiều thực phẩm cũng như tiền bạc cho anh, chừng đó không đủ để anh dùng hay sao? Còn quần áo của anh đâu hết rồi, tại sao anh chỉ còn một bộ đồ bận trên người?

Tôi vuốt tóc vợ rồi nói.

-Khi nào rảnh rỗi, có nhiều thì giờ anh sẽ kể cho em nghe chuyện ở trong tù. Bây giờ anh đói lắm rồi, nhà còn cơm nguội không? Cho anh một chén rưỡi.

Cúc thắc mắc hỏi tôi.

-Tại sao phải một chén rưỡi?

-Đó là tiêu chuẩn một bữa ăn cho tù cải tạo, anh ăn như vậy cả năm rồi nên quen miệng mà nói vậy thôi.

Dứt lời, tôi cười đùa với Cúc.

-Nếu nhà có dư cơm thì cho anh hai chén cũng được.

Cúc nói.

-Nhà hết cơm nguội rồi, anh đợi chị Hai nấu cơm nóng cho anh ăn, được không? Chỉ đợi một chút thôi mà cưng.

Tôi than với Cúc.

-Chiều hôm qua, anh ăn một cái bánh ú nhỏ hơn cái nắm tay, sáng nay cũng ăn một cái bánh ú nữa, rồi nhịn đói đến bây giờ. Em coi trong nhà có củ khoai hay trái bắp nào không, anh phải ăn liền lập tức mới được. Nếu không có gì bỏ bụng, anh sẽ bị xỉu vì đói.

Thấy tôi đòi ăn mà như sắp chết đến nơi, Cúc nói với chị Hai.

-Chị chạy qua tiệm ăn trước nhà, mua cho cậu tô mì hoành thánh.

Nghe Cúc nói, tôi ngạc nhiên thực sự, bèn hỏi Cúc.

-Xã Hội Chủ Nghĩa cả năm rồi, tiệm ăn còn được buôn bán hay sao? Gạo đâu mà nấu cơm? Ai có tiền mà ăn?

Cúc giải thích.

-Gạo chợ đen, mì chợ đen, thịt chợ đen, thứ gì cũng chợ đen, chủ tiệm ăn chỉ muốn bán cầm chừng, sống tạm qua ngày. Chờ đợi coi tình hình biến chuyển như thế nào.

Nói đến đây Cúc chợt nhăn mặt, đưa tay lên giả bộ như bịt mũi.

-Em nói anh đừng có giận, áo quần của anh bốc mùi hôi quá sức. Trong khi chờ đợi mì, anh đi tắm rồi thay quần áo sạch sẽ. Sau đó mình lên lầu thăm con.

-Đi liền, anh muốn gặp con ngay bây giờ. Em biết không suốt thời gian ở trong tù, lúc nào anh cũng mơ ước được thấy mặt con, chỉ mong được ôm nó vào lòng. Mà nè con mình là trai hay gái.

-Con gái, nhưng anh phải đi tắm trước đã.

Nói xong Cúc nhìn tôi, hỏi tiếp.

-Anh mang cái gì trong hai cái bao cát vậy?

-Một cái mùng và một cái mền.

-Có gì quan trọng trong bao cát không?

-Không, chỉ có tờ giấy phóng thích của Tổng trại 8 tù binh là quan trọng, cái bằng tốt nghiệp này anh cất rất kỹ trong túi quần.

Cúc nói với tôi.

-Như vậy thì dễ dàng rồi, quần áo, guốc dép, mùng mền của anh, tất cả em sẽ dồn vô một cái bao rồi đem đi đốt.

Tôi than thở với Cúc.

-Phí của trời, biết vậy mấy hôm trước anh chịu hy sinh cho muỗi chích một hai đêm, đem mùng mền này cho bạn tù của anh. Trong đó thiếu thốn đủ mọi thứ, vớ được cái mền chắc họ mừng lắm.

Cúc giục tôi.

-Anh đi tắm đi, tắm xong xuống ăn mì là vừa.

Sau khi trút bỏ bụi tù, tôi ngồi vào bàn ăn.

Cúc đến ngồi đối diện với tôi, tay bồng con, chăm chú nhìn tôi ăn mì.

-Anh à, chỉ nên ăn một tô mì thôi, nếu anh ăn nhiều quá, bao tử chưa quen với thịt mỡ, có thể bị trúng thực.

Tôi gật đầu đồng ý rồi nói sang chuyện khác.

-Anh muốn bồng con một chút, sau đó mới ăn mì.

Tôi đọc được cái vui sướng trong đôi mắt của Cúc.

-Ăn cho xong rồi anh muốn bồng con bao lâu cũng được.

Tôi vừa chậm rãi thưởng thức tô mì, vừa nghe vợ nói về chuyện tôi sẽ phải làm gì trong những ngày sắp tới.

-Ngày mai em sẽ dẫn anh qua gặp tổ trưởng dân phố, tổ phó và tổ phó an ninh, cả ba người này đều là đàn bà. Anh có biết không, bà tổ trưởng trước ngày giải phóng là nội trợ, bà tổ phó là thợ may, bà tổ phó an ninh bán cá. Nhiệm vụ của ba bà là lo tất cả mọi chuyện trong tổ dân phố của mình, trông coi chừng ba chục gia đình. Họ thay mặt cho nhà nước, truyền lệnh xuống cho dân như họp hội hàng tuần, đốc thúc dân đi làm thủy lợi, làm lao động Xã Hội Chủ Nghĩa, vận động dân đi vùng kinh tế mới. Phụ tá của ba bà có một ông thư ký của tổ, đặc biệt ông thư ký của tổ mình trước năm 75, có bằng Cao học làm phụ khảo ở trên Viện đại học Đà Lạt.

Nói đến đây Cúc cười.

-Đất nước ta đang xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, bằng Cao học của Ngụy không có giá trị, họ cho ông ta làm thư ký như một đặc ân, vì làm thư ký tổ dân phố sẽ được miễn công tác xã hội.

Tôi hỏi Cúc.

-Ông thư ký của tổ mình tên là Tú, phải không?

-Sao anh biết

-Tốt nghiệp Cao học rồi ở lại làm phụ khảo, trên Viện chỉ có một người, thằng đó học trung học với anh. Đậu tú tài hai, nó tiếp tục lên đại học vì được hoãn dịch với lý do gia cảnh. Sau sáu năm dùi mài kinh sử, hè năm 1973 nó xong Cao học, rồi ở lại Viện đại học làm phụ khảo.

Cúc nghe tôi nói xong, mới tiếp tục câu chuyện.

-Gia đình mình cũng như tất cả mọi người trong tổ, đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ của bốn người đó.

Nói xong Cúc hấp tấp.

-Quên đi chớ, còn ông công an khu vực nữa, như vậy là năm người tất cả.

Tôi lấy tờ giấy phóng thích của Tổng trại 8 tù binh, để lên bàn rồi nói với Cúc.

-Câu chót trong tờ giấy này có ghi, anh sẽ bị quản chế , bị giám sát tại địa phương trong thời hạn là một năm. Sau đó có được giải chế hay không còn tùy nhiều điều kiện.

Cúc trấn an tôi.

-Anh đừng có lo, tổ trưởng, tổ phó, tổ phó an ninh, em lo lót hết rồi. Lễ lạc, Tết nhất, em đều kín đáo quà cáp, biếu xén riêng cho họ. Ba người đều vui vẻ nhận quà. Và với gia đình mình, họ làm việc với một mắt nhắm, một mắt mở. Riêng ông thư ký thì giả câm, giả điếc, cố gắng tìm đường sống trong chỗ chết. Ông này mình khỏi cần lo, vì ông ta là thiên lôi trời sai đâu đánh đó. Chỉ còn gã công an khu vực mới chuyển đến là em chưa biếu xén gì cho hắn. Lúc nãy em đã dặn chị Hai mua vài cây thuốc lá rồi, thuốc Mỹ thì không còn, nên phải mua thuốc Sài Gòn Giải phóng, đây là thuốc lá đắt tiền nhất, để sẵn đó. Khi gã công an khu vực đến dò xét nhà mình, với lý do là thăm hỏi bà con, anh hãy kín đáo đưa cho hắn một cây thuốc lá. Chỉ lần đầu tiên ra mắt hắn thôi, những lần sau cho hắn một, hai gói là được rồi.

Bị ám ảnh trong tù, tôi lo lắng hỏi Cúc.

-Nếu hắn không nhận, lại bắt bỏ tù anh thì sao?

Cúc trấn an tôi.

-Anh như con chim bị tên, mới thấy cành cây cong đã sợ rồi. Trước mặt mọi người, gã công an nào cũng cố chứng tỏ mình là người đứng đắn, trong sạch, sống đạo đức theo gương Bác Hồ, nhưng sau lưng, bác cháu nhà nó hút thuốc lá ngoại quốc, ăn tạp như heo.

Thấy tôi đã ăn xong, Cúc đứng lên đưa con cho tôi bồng, rồi nói.

-Mọi chuyện ứng xử, khi phải sống trong một tổ dân phố dưới chế độ cai trị của Cộng sản, anh đã hiểu sơ qua rồi. Giờ thì anh thoải mái chơi với con, em phụ chị Hai nấu cơm.

Tôi ghẹo Cúc.

-Con gái rượu của ông trùm nhà cửa Sài Gòn mà cũng biết nấu ăn sao? Anh tưởng em chỉ biết nấu chút xôi hay chén cháo thôi.

-Anh đừng có coi thường em, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn thăm nhà, ba chỉ thích em nấu cơm cho ổng ăn thôi.

Buổi tối cả nhà ăn cơm tối trên lầu hai. Nhìn cha mẹ, vợ con cùng hai đứa em xum họp đầy đủ quanh bàn ăn, thừa lúc mọi người đều ăn uống ngon lành, cười nói huyên thuyên, tôi hỏi Cúc.

-Tại sao mình không ăn cơm ở nhà bếp mà phải dọn lên lầu.

Cúc từ tốn nói cho tôi nghe.

-Sau khi anh đi tù cải tạo, ở Đà Lạt, nhà của dân ban ngày không được khóa cửa vì tổ trưởng, tổ phó và công an khu vực, có thể ghé thăm bất cứ lúc nào mà không cần phải gõ cửa. Họ thản nhiên mở nắp nồi cơm, coi mình có ăn độn hay không, dở nắp nồi khác xem ăn thịt hay cá, nhiều hay ít. Gặp hôm nhà nào ăn cơm không độn, sẽ được tổ trưởng khen “Hôm nay nhà mình chắc có cúng giỗ hay sao mà nấu toàn cơm trắng thế này”. Chủ nhà nghe lời khen, sẽ tự biết đó là một lời cảnh cáo của tổ trưởng “Tôi biết rồi đó, liệu mà giữ hồn”.

Hôm nay nhà mình có đủ thịt gà, thịt heo, tôm cá, nên em phải dọn lên đây để tránh họ dòm ngó.

Tôi nói.

-Mình quen với họ mà.

Cúc nhắc tôi.

-Em nói đối với nhà mình, họ nhắm một mắt, mở một mắt, nhưng phần mình cũng phải kín đáo một chút, đừng lộ liễu quá khiến họ khó làm việc.

Ba tôi khen Cúc.

-Vợ con nó nói đúng đó, mình phải cẩn thận thì tốt hơn.

Má tôi là người vui nhất trong nhà, bà nói.

-Từ lúc con đi học tập, ngày nào má cũng đọc kinh, cầu xin Trời Phật phù hộ cho con mau được trở về. Hôm nay lời cầu xin của má đã ứng nghiệm, sáng mai má sẽ mua nhang đèn, hoa quả, xuống chùa Sư Nữ cúng tạ ơn. Con có muốn đi với má không?

Tôi phải giải thích cho bà hiểu.

-Con đang bị quản chế, đi đâu dù xa hay gần đều phải xin phép tổ trưởng và công an khu vực. Hơn nữa, ngày mai con phải lên trình diện công an khu vực, làm mọi thủ tục của một tù cải tạo bị quản chế.

Thằng Tý với con Quyên, ngồi dựa ngửa ra ghế than trời.

-No quá chị ơi, ước gì ngày nào cũng được ăn như vậy.

Bữa cơm đoàn tụ chấm dứt trong bầu không khí vui tươi, thoải mái. Tôi thấy được sự sung sướng hiện lên rõ rệt trên nét mặt của tất cả mọi người trong gia đình. Từ đầu bữa ăn cho đến giờ chị Hai chỉ im lặng ăn cơm, bất ngờ chị nhìn tôi rồi hỏi.

-Ngày mai cậu muốn ăn gì? Nói trước để tôi còn lo đi chợ.

Tôi cố tình đùa với chị.

-Không cần gì đâu, ở trong tù tôi ăn cơm với muối quen rồi, chị cho tôi một chén rưỡi cơm nguội là đủ rồi.

Chị Hai cười vui vẻ.

-Cơm thì chừng đó thôi nhưng phải có thêm con gà quay nữa phải không?

Cúc tiếp lời chị Hai.

-Chị nhớ mua hai con gà thì mới đủ cho cả nhà ăn.

Cơm nước xong xuôi, mọi người đều trở về phòng riêng của mình, tôi và Cúc bồng con đi lên lầu ba, đến chân cầu thang tôi nói với Cúc.

-Để anh cõng em lên lầu.

Cúc cảnh báo tôi.

-Nói nhỏ một chút, ba má la cho coi. Bây giờ anh bồng con giùm, em phải đi pha sữa cho nó, sau đó còn phải qua nhà bà tổ trưởng, khai báo chuyện anh mới được Cách mạng khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình. Nếu không khai báo, tối nay công an khu vực xét nhà, thấy anh cư ngụ bất hợp pháp, họ lại bắt anh bỏ tù nữa bây giờ.

Tôi bồng con đi lên lầu, chân bước mà bên tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng nói của ông Thiếu tá trưởng trại cải tạo. “Về trình diện địa phương, họ nói gì kệ họ, chớ có cãi lại, nó sẽ bỏ tù các anh đó.”

Loading

Scroll To TOP