Headlines

CTBCTY Tập III chương 30

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXX
Bát cơm Phiếu mẫu

Tháng sáu, Việt Nam đã vào mùa mưa, khu rừng Sông Lũy nơi chúng tôi đang ở, cứ năm ba ngày lại bị một trận mưa lớn. Nhà ở đang được tù nhân làm dở dang, chỉ có hai căn của cán bộ quản giáo và vệ binh là đã làm xong. Riêng phần tù nhân thì đầu đội trời, chân đạp đất, một miếng ny lông nhỏ để che thân cũng không có, nói gì đến áo mưa. Mấy trăm thằng tù ướt như chuột, lạnh run người, suốt đêm ngủ ngồi chỉ mong sao cho trời mau sáng, kiếm chút ánh mặt trời mà sưởi ấm.

Hai tuần lễ sống trong cảnh màn trời chiếu đất rồi cũng qua mau, cuối cùng nhà ở cũng hoàn tất, tù nhân nằm ngủ xếp cá hộp, mỗi người có khoảng sáu tấc bề ngang, không chật mà cũng không rộng, điều sung sướng nhất của tù nhân là từ nay không còn lo cái cảnh phải ngồi bó gối suốt đêm, nghe mưa rơi mà nhớ nhà, để rồi chợt thấy sao nước mưa lại có vị mặn. Khi chỗ ở đã ổn định, tất cả tù nhân được nhận công tác mới, trồng bông vải ở nông trường Sông Lũy nằm cách xa chỗ tù nhân đang ở khoảng ba cây số. Nông trường là một khu đất hình chữ nhật khá bằng phẳng, rộng mênh mông bát ngát, diện tích có đến vài trăm mẫu như không, bề ngang của nó ước chừng non một cây số, bề dài khoảng hai cây. Tôi nghĩ trong đầu, hôm nào có dịp tôi sẽ đi đếm bước chân để đo thử. Khu đất đã được xe máy cày ủi sơ qua, cho nên vẫn còn nhiều chỗ chưa được hoàn tất. Với một số nhân lực khổng lồ, hơn ba trăm tù nhân kẻ xúc người đào, sau gần một tuần mới dọn xong cỏ rác. Khi đất đã sẵn sàng, tiếp theo là việc gieo hột bông vải. Một người tù đi trước, dùng cuốc đào một cái lỗ nhỏ, tù nhân đi sau vai mang một cái bị đựng hột giống, thả vào đó chừng hai tới ba hột bông rồi dùng chân lấp lại. Chuyện đơn giản như vậy nhưng tù nhân cũng được học tập cách trồng bông vải hết nửa ngày. Gieo hạt xong là đến chuyện đi khắp nông trường, chỗ nào bị úng thủy thì phải khai mương thoát nước. Đất hoang gặp mưa nhiều, cỏ dại mọc mạnh hơn cây bông vải, tù nhân lại vác cuốc đi dọn cỏ. Chỉ tội cho tù nhân là những cây cuốc do lò rèn của tù nhân tự chế còn vụng về, thô sơ nên lưỡi cuốc không được bén cho lắm, cuốc đổ mồ hôi mà cỏ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Hai tuần sau đó, cây bông vải đã mọc cao hơn mặt đất chừng một gang tay. Bất ngờ có lệnh cho tù nhân tập họp để nghe quản giáo nói chuyện. Mặt của anh quản giáo đỏ kè như người say rượu, anh ta nói với giọng nói đầy giận dữ, tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống được cái đám tù nhân khó dạy này.

-Các anh là thành phần có tội với nhân dân, với Tổ quốc, thay vì đem xử bắn, Cách mạng đã cho các anh cơ hội học tập cải tạo để trở thành con người mới, con người Xã Hội Chủ Nghĩa. Nuôi các anh tốn không biết bao nhiêu là cơm gạo. Hôm nay cho các anh đi làm lao động, đóng góp công sức xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, thì các anh lại trở thành những kẻ phá hoại.

Tù nhân ngồi im phăng phắc nghe quản giáo nói chuyện mà không hiểu tại sao ông ta lại giận quá sức như vậy. Nhìn những gương mặt ngơ ngác của tù nhân, anh quản giáo nói tiếp.

-Đã cho các anh học tập cách gieo hột giống rồi, mỗi lỗ chỉ bỏ vào hai tới ba hột, vậy mà có rất nhiều lỗ mọc lên đến năm sáu chục cây bông vải. Chúng tôi đang điều tra, tìm cho ra những kẻ phá hoại này. Bây giờ các anh phải ra nông trường. Đi kiểm soát lại những lỗ nào có quá nhiều cây, các anh phải nhổ bỏ chỉ chừa lại đúng ba cây mà thôi.

Tôi nhìn gương mặt của anh quản giáo rồi nghĩ thầm. Tưởng chuyện gì quan trọng như là tù nhân cướp súng trốn trại, bắn nhau với bộ đội, hoặc tệ lắm là chửi rủa, chống đối Cách mạng nên quản giáo tức giận cũng phải. Đàng này tù chỉ làm hao hụt một mớ hột giống bông vải, chuyện nhỏ chút xíu mà cũng um xùm. Theo lệnh quản giáo, ba trăm tù nhân đi ra nông trường, chỉ một thoáng là mọi việc đã làm đúng theo ý ông ta.

Liên tiếp mấy tuần sau đó, bất kể nắng mưa, tù nhân đi nông trường chỉ làm cỏ và rải phân. Cây bông vải được chăm sóc cẩn thận, lại thêm mưa thuận gió hòa nên lớn nhanh như thổi. Mỗi lần ra nông trường là mỗi lần thấy đổi khác, màu xanh của cây bông vải giờ đây đã phủ kín khắp vài trăm mẫu đất. Công việc đang tiến triển tốt đẹp, ngày 29 tháng 8 tù nhân lại nhận được lệnh chuyển trại. Đang giữa mùa mưa, nghe chuyện đổi chỗ ở, mọi người đều nản chí và tin rằng chuyện ở nông trường Sông Lũy đã xong, bây giờ sẽ đi đến một nông trường khác, lại tiếp tục chặt cây, đốn nứa, cắt tranh làm nhà, lại phá rừng để trồng trọt. Nội cái chuyện làm nhà để ở trong mùa mưa cũng khiến tù nhân xuống tinh thần, nói gì đến chuyện lao động sản xuất. Nhưng mà lệnh là lệnh, đám tù nhân lại lo thu dọn đồ đạt rồi tay xách nách mang, gồng gánh dẫn nhau di chuyển đến chỗ ở mới. Cho đến chiều ngày hôm ấy, tù nhân được đưa đến gần trại tù cũ ở Sông Mao, cái trại tù đặc biệt có hàng rào vỉ sắt PSP bao quanh, chúng tôi được ở trong một căn nhà tiền chế rộng mênh mông giống như Đại giảng đường của Trường Bộ Binh Thủ Đức. Căn nhà nằm bên ngoài hàng rào vỉ sắt PSP, cách biệt hoàn toàn với trại tù cũ. Tôi không biết ngày xưa Trung đoàn 44 của Sư đoàn 23 Bộ binh, dùng căn nhà tiền chế này để làm gì, rạp hát chiếu phim cho lính coi? Hơn ba trăm tù binh ở trong căn nhà tiền chế mà chỉ chiếm có gần phân nửa diện tích, phần còn lại bỏ trống không. Tối đến chúng tôi ngủ trên sàn xi măng, trên trần nhà bốn ngọn đèn nê ông sáng chói, mỗi ngọn cách nhau độ chục thước. Hơn một năm rồi, khi mặt trời lặn là chúng tôi bắt đầu sống trong bóng tối, riết rồi thành quen, hôm nay là lần đầu tiên tôi thấy lại ánh đèn nê ông, dù chỉ có bốn ngọn đèn trong một căn phòng rộng lớn, nhưng sao tôi vẫn thấy sáng choang, thấy từng vết trầy xướt trên cột nhà, từng cái lỗ thủng trên vách, từng hàng chữ nho nhỏ viết bậy trên tường. Mười giờ đêm, máy đèn ngưng chạy cả căn phòng chìm trong bóng tối, tôi nằm yên không ngủ được, băn khoăn, thắc mắc, không hiểu tại sao họ không đưa chúng tôi đến một khu rừng khác mà lại đem chúng tôi về đây để làm gì? Tôi mở mắt nhìn lên trần, nghĩ về vợ con, cha mẹ, mấy đứa em cho đến khi tiếng ngáy của anh bạn tù bên cạnh vang lên đều đều, cũng là lúc tôi chìm vào giấc ngủ. Buổi sáng tôi thức dậy khi tiếng kẻng từ trại tù cũ, cách xa khoảng vài trăm mét vang vọng đến, vì cách nhau khá xa nên tiếng kẻng chỉ vừa đủ nghe, không man rợ, không hung tợn như khi mình ngủ gần bên nó. Trưa đến một ông Việt cộng lạ mặt xuất hiện, ông ta tự giới thiệu.

-Tôi tên là Tâm, có nhiệm vụ nuôi ăn các anh, yêu cầu tất cả hãy theo tôi.

Nói xong, ông ta dẫn tù nhân đi qua một căn nhà tiền chế nhỏ và cũ kỹ hơn căn nhà mà chúng tôi đang ở. Vừa bước chân vào phòng, không ai bảo ai, mọi người đều khựng lại vài giây rồi mới tiếp tục cất bước. Trước mặt của tôi là hai dãy bàn dài, trên đó chén đũa đã sẵn sàng, cứ bốn cái chén lại có thêm một cái dĩa nhỏ đựng bốn cục kẹo và bốn điếu thuốc lá. Cách dọn bàn ăn giống hệt như ngày xưa khi tôi còn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, KBC 4100. Cái khác biệt duy nhất là dĩa kẹo thay cho bình trà đá. Thời đó sinh viên sĩ quan chúng tôi gọi đùa với tính cách giễu cợt, KBC bốn thằng một ca rê, hay là KBC bốn thằng một mâm cũng được. Hiện tại chúng tôi là tù nhân chứ đâu phải là sinh viên sĩ quan, cả năm rồi tù nhân ngồi bệt dưới đất mà ăn cơm, có bao giờ thấy bàn ghế đâu. Hôm nay nếu ăn cơm mà ngồi vào bàn, tôi nghĩ rằng tất cả bọn tù chúng tôi đều tưởng rằng mình nằm mơ.

Ông Tâm nói với chúng tôi.

-Kể từ hôm nay, khi đến giờ ăn, các anh sẽ được thông báo qua đây để dùng cơm.

Nói xong, thấy mọi người cứ đứng yên như ông phỗng đá, ông ta thúc giục.

-Các anh cứ tự nhiên, bốn người ngồi vào một mâm, lát nữa cơm và thức ăn sẽ được mang lên.

Cai tù mà bưng cơm cho tù nhân thì bố ai mà dám tin, một vài anh tù nhè nhẹ ngồi vào bàn, rồi thì tất cả mọi người lần lượt làm theo. Thừa lúc mọi người ồn ào lo chọn chỗ, một anh bạn tù ngồi đối diện với tôi nói nhỏ với anh bạn đội nón xanh, ngồi kế bên tôi.

-Tao cá với mày, lát nữa sẽ có phái đoàn báo chí ngoại quốc từ Âu châu đến thăm viếng và phỏng vấn tụi mình.

Ông bạn đội nón xanh hỏi lại.

-Sao mày biết?

-Việt cộng làm việc gì cũng có tính toán cả rồi, sở dĩ tụi mình được đem ra đóng phim, vì hầu hết hơn ba trăm tù nhân ở đây không nhiều thì ít đều có liên quan đến gia đình Cách mạng. Nếu không liên quan thì cũng thuộc thành phần gọi là dễ dạy bảo, không chống đối. Mày thấy tao nói có đúng không?

Trước cái lối lý luận chặt chẽ, chắc như đinh đóng cột, anh bạn tù đội nón xanh gật đầu.

-Đồng ý.

Cơm được dọn lên, thức ăn gồm có một tô canh và một dĩa cá kho, tù nhân sau khi ăn chén rưỡi cơm, chút cơm dư lại được chia đều cho mọi người. Đây là một bữa ăn mà tôi cho là khá thịnh soạn và trang trọng nhất, kể từ ngày bước chân vào tù. Thịnh soạn vì tô canh rau muống nấu với tôm khô, dĩa cá kho với hai con cá mòi to bằng bàn tay thơm lừng như mời gọi, trang trọng vì có đủ bàn ghế. Cơm nước xong xuôi, tù nhân thong thả thưởng thức chút ngọt của cục kẹo, rồi ung dung hút một điếu thuốc, thả khói bay đầy phòng.

Cách chỗ tôi ngồi vài bước, một giọng nói nghe cứ như đùa vang lên.

-Tù cải tạo mà ngày nào cũng ăn uống như thế này, chắc tao phải xin học lâu thêm chút nữa.

Một anh bạn có máu khôi hài nói nhỏ.

-Sau bữa cơm ân huệ, quá sức là đầy đủ, tao đã sẵn sàng ra pháp trường.

Anh bạn có cái nón xanh ngồi kế bên tôi, hỏi người tù đối diện.

-Mày nói có phái đoàn ngoại quốc đến viếng thăm, sao giờ này chưa thấy.

Anh bạn ngồi đối diện với tôi gằn giọng.

-Mày cứ đợi đó đi, có thể chiều nay hay ngày mai không chừng.

Ba ngày trôi qua trong yến tiệc linh đình mà không có phái đoàn nào tới thăm cả, trưa ngày 1 tháng 9, chúng tôi được tập họp để nghe quản giáo nói chuyện.

Anh quản giáo với gương mặt vui vẻ, tươi cười nói.

-Ngày mai ba trăm mười bảy anh đang ở trại này sẽ được cho về đoàn tụ với gia đình. Lát nữa các anh sẽ được lãnh giấy ra trại cũng như gạo và tiền xe đi đường.

Một tù nhân giơ tay lên trời.

-Thưa anh tôi xin được hỏi.

Quản giáo chỉ anh ta.

-Hỏi gì?

-Thưa anh, lãnh giấy tờ xong, đi về liền được không?

Quản giáo cười thoải mái.

-Trong giấy tờ đề ngày 2 tháng 9, anh nào đi ra trước là phạm tội trốn trại, hình phạt như thế nào thì các anh đã biết rồi. Gắng thêm chút nữa đi, các anh đã về tới đích rồi mà.

Một tù nhân khác nói to.

-Thưa anh.

Quản giáo nói.

-Anh hỏi gì?

-Thưa anh, qua khỏi mười hai giờ khuya là đã qua ngày hai tháng chín rồi. Lúc đó, tôi đi ra khỏi trại được không?

-Theo nguyên tắc thì được, nhưng mà ban đêm lính canh thấy anh đi gần hàng rào, họ sẽ bắn ngay. Anh muốn đi thì cứ đi.

Tôi được lãnh khoảng 4 kí gạo và 12 đồng, đó là thực phẩm và tiền xe cho mấy ngày đi đường về lại quê cũ. Ngồi một mình trong góc phòng, nghĩ đến chuyện ngày mai tôi sẽ được thả ra khỏi tù, rồi nhớ lại những bữa ăn huy hoàng trong mấy ngày qua, đột nhiên hình ảnh Trung úy Lợi và Sơn Fulro đói ăn thiếu mặc, hiện ra rõ mồn một trong đầu. Cảm thông được hoàn cảnh khốn khó của bạn, tôi muốn tìm cách nào để có thể chia sẻ chút thực phẩm và tiền bạc cho hai người bạn của mình. Suy nghĩ hoài, cuối cùng tôi cũng tìm được cách giúp Sơn Fulro và Lợi. Thường thì khoảng 5 giờ chiều là tù nhân đi lao động ngoài trại trở về, mới 4 giờ rưỡi tôi đã ôm 4 kí gạo đựng trong hai cái bao cát nhỏ, lấy sẵn 6 đồng để một bên túi áo đi đến gần cổng trại B trung úy rồi ngồi đợi . Cẩn thận hơn, tôi ngồi cách xa cổng khoảng hai trăm mét. Sở dĩ tôi đưa cho Sơn Fulro và Trung úy Lợi 4 kí gạo với 6 đồng, chỉ giữ lại cho mình 6 đồng vì tôi biết, khi ra khỏi trại tôi còn có thể xoay sở được. Trong khi Sơn Fulro và Trung úy Lợi còn ở lại trong trại tù, giống như bị trói tay, bịt mắt, cột chân, không cách gì kiếm được một hột gạo, nói gì đến chén cơm. Mới chừng hút xong điếu thuốc, tôi đã thấy đoàn tù trở về. Sơn Fulro không cần tìm cũng thấy vì hắn là thằng cao nhất trong hàng. Nhìn trước nhìn sau không thấy cảnh vệ, tôi nhập vô đoàn, đi chầm chậm chờ khi Sơn Fulro đến gần, tôi lẹ làng trao gạo và tiền cho hắn, rồi nói.

-Của mày và Trung úy Lợi.

Nói xong, tôi tách đoàn đi về phía căn nhà tiền chế mà không kịp nghe Sơn nói gì hết. Trong lòng vui mừng vì liều mạng làm được một công việc khá nguy hiểm và đã thành công, tôi vừa đi vừa huýt sáo bản nhạc.

Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu,
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…

Tối hôm 1 tháng 9, đám tù chúng tôi đi ngủ sớm, lấy sức để ngày mai ra về. Không biết hôm nay là ngày mấy của âm lịch mà bầu trời tối mò, đầy mây đen, trăng sao lặn đâu mất, thỉnh thoảng lại có vài tia chớp xé toạc màn đêm, liền sau đó là nhiều tiếng sấm vang dội ở cuối chân trời. Khoảng ba bốn giờ sáng, một trận mưa lớn đổ xuống, kéo dài cho đến khi trời sáng tỏ mà cơn mưa vẫn chưa chịu dứt. Mấy trăm tù nhân đã sẵn sàng ra về, nhưng vì mưa quá lớn nên đành ở trong nhà để núp mưa. Họ nhìn nhau như dò hỏi, rồi lại chờ. Khi cơn mưa vừa tạm ngớt hột, một vài người đội mưa hùng dũng dứt khoát ra đi, nhiều người vì quá nóng lòng nên cũng vội vàng đi theo. Tôi và một số người chờ thêm khoảng nửa giờ nữa thì cơn mưa gần như tạnh hẳn, lúc bấy giờ bọn tôi mới ra về. Cái cổng chúng tôi đi ra không có bảo vệ canh giữ, nhưng hôm nay đã thấy ông Thiếu tá trưởng trại đứng đó tự bao giờ. Điểm đặc biệt là ông Thiếu tá này lai Tây, đó là điều duy nhất tôi biết về ông ta. Ông thiếu tá vui cười bắt tay từng người tù và nhắc đi nhắc lại chỉ một câu nói.

-Hãy quên hết những gì các anh đã học được trong trại, về trình diện địa phương, mấy ông chủ tịch xã ấp hay công an phường, nói gì thì kệ họ, nhớ vâng dạ, chớ có cãi lại nó sẽ bỏ tù các anh đó.

Tôi là thằng chót cùng bước ra khỏi trại, tai vẫn còn nghe ông Thiếu tá trưởng trại nhắc lại câu nói trên. Đó là câu nói duy nhất có giá trị, mà tôi đã học được trong hơn một năm hai tháng học tập cải tạo, ở Tổng trại 8 tù binh Sông Mao.

Tin hay không, khi tôi bước ra khỏi cổng trại tù, không thấy bóng dáng một người tù cải tạo nào cả, họ biến mất, biến sạch sẽ không để lại một chút dấu vết gì. Một mình đứng giữa trời đất bao la, tôi nhìn quanh không biết đường nào mà đi. Trước mặt tôi độ trăm thước, dưới một gốc cây được che bởi một miếng ny lông màu xanh đậm to thật to, vài người dân địa phương ngồi vây quanh một cái bàn. Khi tới gần, tôi tò mò muốn biết họ đang ăn cái gì. Cơm tấm? mì quảng? bún bò? Mỗi người một tô vừa ăn vừa húp xì xụp. Tôi biết trong túi của tôi còn 6 đồng, đó là những đồng tiền mà tôi sẽ dùng để đi xe đò về Đà Lạt. Thấy tôi, người đàn bà bán hàng mời.

-Ăn bún cá đi cậu.

Vừa nói xong, bà liền nói tiếp.

-Ủa, mà cậu là tù cải tạo mới được thả về, phải không?

Tôi nói.

-Dạ phải.

Bà bán bún nói mà như quở tôi.

-Lúc nãy, trời hãy còn mưa mà người ta đã đi mất đất rồi, tại sao giờ này cậu mới ra?

Tôi đang lúng túng chưa biết trả lời như thế nào, bà bán bún lại nói.

-Ngồi xuống ăn đi, tù ăn khỏi trả tiền.

Nói xong bà ta lanh lẹ làm một tô bún, khói còn bốc lên nghi ngút, đưa cho tôi.

-Ăn đi, ăn cho no rồi đi về, mà nhà của cậu ở đâu?

-Thưa bà, Đà Lạt.

-Khá xa đó, phải tốn hai ngày xe, từ đây đến Phan Rang ngủ lại một đêm, ngày hôm sau mới đi từ Phan Rang lên Đà Lạt.

Thấy tôi chăm chú lắng nghe với nét mặt lo âu, bà bán bún nói tiếp.

-Cậu yên tâm, lát nữa thằng con tui đem bún tới đây, tôi sẽ biểu nó chở cậu ra bến xe đò ở Chợ Lầu. Từ đây đến đó gần năm cây số chớ không ít đâu.

Tôi cảm ơn bà bán bún rồi bắt đầu ăn. Cọng bún mềm và dai, miếng cá ngọt, chả cá giòn, nước lèo béo ngậy, ớt cay, rau sống thơm, chỉ một thoáng là tôi ăn hết tô bún, bưng cái tô húp sạch không còn một giọt nước. Bụng hãy còn đói, muốn ăn thêm tô nữa nhưng ngượng trong lòng không dám hỏi. Tôi nói dối với bà bán bún.

-Ở tù nhịn ăn quen rồi, mới ăn có tô bún của dì mà đã thấy no cành hông. Cảm ơn dì.

Tôi được chở đến bến xe đò đi Phan Rang, bến xe vắng hoe như chùa bà Đanh, chỉ còn duy nhất một chiếc xe khách Renault Goelette cà tàng sắp sửa chạy, hình như chiếc xe này được nhập cảng vào Việt Nam từ thời Đệ nhất Cộng hòa. Sở dĩ tôi biết rõ hiệu xe là Renault Goelette vì ở Đà Lạt, người ta dùng loại xe này để chở khách từ chợ Đà Lạt đến Chi Lăng. Bến xe Chi Lăng nằm gần cổng Lý Thường Kiệt của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ngày xưa, thỉnh thoảng tôi vẫn đi làm bằng loại xe đò này.

Anh lơ xe cỡ chừng mười tám tuổi, nhìn tôi từ đầu đến chân như đánh giá khách hàng, rồi hỏi với giọng cộc lốc.

-Có tiền không?

Tôi nhanh nhẹn trả lời.

-Có.

-Ngồi trên mui, chịu không?

-Chịu.

-Sáu đồng.

Tôi nghe mà muốn lùng bùng hai cái lỗ tai, rồi than thành tiếng.

-Sáu đồng, như vậy tôi đâu còn đủ tiền đi Đà Lạt.

Vừa than xong tôi nói với anh lơ xe.

-Ba đồng được không?

Anh lơ xe cười sằng sặc rồi lớn tiếng.

-Giỡn hoài cha nội, từ đây đến Phan Rang mà trả ba đồng, chỉ vừa đủ tiền đóng hụi chết cho công an, chạy với giá đó bọn tôi chỉ có nước húp cháo rùa.

Một ông khách ngồi trên xe, nghe anh lơ to tiếng bèn nói.

-Lấy ba đồng của anh ấy đi, tôi sẽ bù thêm ba đồng còn thiếu cho.

Tôi leo lên mui xe, ngồi chung với mấy con heo con cùng với bầy gà vịt bị nhốt trong mấy cái giỏ tre, rồi tự an ủi mình “Tù với heo gà vịt cũng như nhau thôi mà”, miễn sao đi tới nơi về tới chốn là được rồi. Xe chạy được một lúc bỗng nhiên ngừng lại, giọng anh lơ xe gọi tôi.

-Cái ông gì ngồi trên mui xe đó, có phải là tù cải tạo mới được thả ra sáng nay không?

Tôi nói.

-Phải.

-Vậy mà sao ông không nói, may nhờ có ông khách đây nhắc tụi tôi mới biết, xuống đây ngồi đi.

Tôi đặt chân lên cái thang bằng sắt, được hàn vào ở cuối xe bên trái, bám theo đó mà xuống. Anh lơ xe nhường cho tôi chỗ ngồi của anh ta ở cuối băng ghế, còn anh ta đứng nơi bậc cấp bằng gỗ, một tay bám lấy cái thang, một tay đập ầm ầm vào thân xe, miệng la to như cháy nhà.

-Tới luôn bác tài.

Chiếc xe từ từ lăn bánh, bò chầm chậm về phía trước. Anh lơ xe hỏi nhỏ tôi, giọng tò mò nhưng đầy thân mật.

-Cấp bậc?

-Trung úy.

-Đơn vị?

-Trường Võ Bị Đà Lạt.

Anh lơ xe xuýt xoa.

-Sĩ quan Đà Lạt, ngầu dữ há. Ở trong tù chắc trung úy chịu nhiều cực khổ cũng như đói rét phải không?

Nghe anh lơ xe hỏi, đột nhiên tôi nhớ đến người đàn bà đã cho tôi chén cơm với con cá nục. Hôm nay tôi được thả về, trong khi ông thiếu tá con rể của bà hãy còn ở tận Miền Bắc, nghìn trùng xa cách. Không biết sao, tự nhiên tôi quay nhìn về hướng Sông Mao mà nước mắt lưng tròng.

Anh lơ xe ghé miệng vào sát tai tôi, anh ta nói mà như là tâm sự với người bạn hiền.

-Sao trung úy khóc vậy?

Tôi nói.

-Ở trong tù đói liên miên, mấy tháng trước khi đi gánh tranh ở Lương Sơn, tôi được một người đàn bà cho chén cơm, chuyện đó khiến tôi chợt nhớ đến “bát cơm Phiếu mẫu”. Không biết bao giờ mới gặp lại bà ta để đền ơn, tôi khóc vì thương cho hoàn cảnh của bà.

Xe đến Phan Rang, anh lơ xe kín đáo đưa lại cho tôi ba đồng, thêm hai cái bánh ú, rồi nói.

-Húp cháo rùa thì cũng chịu thôi, nỡ lòng nào mà lấy tiền của tù cải tạo.

Tôi nghe anh lơ xe nói, mà cứ ngỡ như là nghe một tay anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc nào đó, đã đầu thai lầm thế kỷ, lầm luôn đất nước.

Vừa bước xuống xe tôi chạy vội đến phòng vé, mua một vé xe đi Đà Lạt vào sáng hôm sau. Xong xuôi mọi chuyện, tôi nhìn quanh tìm chỗ ngủ. Ngủ bờ, ngủ bụi, ngủ ngoài rừng, ngủ dưới mưa cả tuần lễ tôi còn chưa sợ, sá gì một chỗ ngủ nơi bến xe, giờ đây mùng mền đã có sẵn, một mái hiên nhà cũng đã tốt lắm rồi, lo làm gì cho mệt thân. Tôi ngồi xuống một cái băng ghế gỗ cũ kỹ, ọp ẹp, như muốn sụm xuống bất cứ lúc nào. Bụng đã bắt đầu xót, tôi lột cái bánh ú ăn cho đỡ đói, cái còn lại để dành ngày mai. Vừa ăn tôi vừa nhìn lên bầu trời hiu quạnh, từ xa tôi thấy một người đàn ông đang thong thả đi đến chỗ tôi ngồi. Khi ông ta đến gần, tôi mới nhận ra đó là người đàn ông đã trả cho tôi ba đồng tiền xe lúc sáng. Ông ta cười với tôi, nụ cười hiền hòa như muốn bắt chuyện.

Tôi tìm ông mãi mà không thấy, nào ngờ ông lại ngồi ở đây.

-Thưa có việc gì không?

-Chẳng có việc gì quan trọng, tôi chỉ muốn hỏi, ông có muốn nghe anh lơ xe nói gì về ông không?

Ai lại không tò mò, đương nhiên là tôi muốn nghe người khác nói gì về mình. Tôi trả lời.

-Dạ muốn lắm chứ. Anh ấy nói gì vậy?

Người đàn ông tằng hắng lấy giọng.

-Chuyện như thế này, anh lơ xe tâm sự với tôi “Bác à, tội nghiệp cho cái anh chàng trung úy ở tù vừa mới được thả về, chắc là do bị hành hạ, đánh đập, bỏ đói nên chưa đến ba mươi tuổi mà đã lẫn rồi. Tôi dám nói với bác như vậy vì lúc ngồi trên xe, tôi thấy anh trung úy cứ nhìn về hướng Sông Mao mà khóc. Anh ta nói là thương nhớ cái bà kiểu mẫu nào đó đã cho anh bát cơm”. Cuối cùng anh lơ xe nói với tôi mà như là có ý trách trung úy “Được thả về, vợ con, cha mẹ, anh em, không thương nhớ mà lại đi khóc thương một bà kiểu mẫu đã cho mình bát cơm. Người như vậy phải nói là lẫn rồi, nếu ổng không lẫn hả, tui thề sẽ bỏ nghề làm lơ xe đò cho mà coi”.

Loading

Scroll To TOP