Headlines

Sơ lược về trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

Lịch Sử của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là lịch sử của một thực thể gắn liền với lịch sử cận đại của dân tộc, của lịch sử chiến tranh Việt Nam nói chung và của giòng Quân Sử Việt nói riêng. Vào năm 1945, khoảng thời gian mà nhân loại đang hân hoan đón chào một nền hòa bình thật sự qua sự đổ vỡ toàn diện của phe Trục, người dân Việt Nam vẫn chịu âm thầm chiến đấu đòi hỏi độc lập và hòa bình cho quốc gia, vừa tranh đấu với ngoại bang vừa chống trả lại những thủ đoạn gian manh lừa đảo của tập đoàn Cộng Sản Quốc Tế mà đại điện là Hồ Chí Minh. Công cuộc tranh đấu này đã đem lại một thành quả đầu tiên qua Hiệp Ước Vịnh Hạ Long vào năm 1948, mà theo đó, người Pháp công nhận Việt Nam độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Lợi dụng cơ hội này, Quân Đội Quốc Gia sơ khai được thành hình nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của người Pháp. Dù vậy, chính phủ lúc bấy giờ đã cho thành lập trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá bên cạnh dòng sông Hương, Huế, một quân trường nhằm đào tạo sĩ quan hiện dịch, nòng cốt cho Quân Đội VN. Sau hai năm, trường Sĩ Quan Hiện Dịch Huế được di chuyển về Đà Lạt vì nơi đây có đầy đủ các điều kiện về khí hậu và huấn luyện để rèn luyện các sĩ quan sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện khốc liệt của chiến trường mai hậu. Trường được cải tổ toàn diện và được cải danh thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.

Năm 1955, thoát khỏi sư đô hộ của thực dân Pháp, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thực hiện cuộc cách mạng Quốc Gia và khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Quân Đội Quốc Gia với toàn vẹn chủ quyền được thống nhất chỉ huy dưới danh xưng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Trường Võ Bị Liên Quân cũng nằm trong khuôn khổ cải tổ đó và một lần nữa được cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, do Nghị Định 317/QP/TT ngày 29-7-1959, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký. Năm 1960, Ông cũng là người đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng một cơ sở huấn luyện khang trang tọa lạc tại đồi 1515, gần hồ Than Thở, khoảng 5 km phiá Bắc trung tâm thị xã Đà Lạt.

Từ 1959, do nhu cầu chiến trường, chương trình huấn luyện của các khoá thay đổi theo thời gian thụ huấn, gần 4 năm rồi trở lại 2 năm. Từ 1966, chương trình và phương pháp huấn luyện phỏng theo các tiêu chuẩn đào tạo sĩ quan của Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ. Kể từ đây, thời gian huấn luyện các khoá SVSQ là 4 năm.

Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có trách nhiệm đào tạo các sĩ quan hiện dịch nòng cốt cho Hải-Lục-Không Quân, có khả năng chỉ huy, chiến đấu trong thời chiến và một trình độ kiến thức bậc đại học, để sẵn sàng phục vụ đất nước trong thời bình.

Chương trình huấn luyện quân sự luôn được cập nhật các kiến thức mới, các chiến thuật mới. Các sinh viên sĩ quan được huấn luyện chiến thuật tác chiến cấp trung đội và thêm một số kiến thức thuộc cấp đại đội, để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trung đội trưởng bộ binh khi ra trường, cũng như sẵn sàng nhận một chức vụ cao hơn sau một thời gian ngắn phục vụ tại các đơn vị. Các tân sĩ quan mới ra trường sẽ thụ huấn thêm các khoá học khác theo quân binh chủng của họ.

Tuy nhiên, từ 1971, các sinh viên năm thứ 3 (bắt đầu từ Khóa 25 SVSQ) chọn Không Quân và Hải Quân theo học chuyên môn tại các trường của Không và Hải Quân vào mùa Quân Sự.bMùa Văn Hoá, họ trở về trường học chung với đồng khoá. Kể từ thời gian này, Trung Đoàn SVSQ có thêm 2 đại dội SVSQ Hải Quân và Không Quân (tổng cộng 10 đại đôi).

Từ 1962, các ứng viên muốn gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam phải tối thiểu có bằng Tú Tài II và được chọn lọc qua một cuộc khảo sát. Chương trình học mỗi năm được chia làm hai mùa, mùa Đông Quân Sự (2 tháng), các mùa khác học Văn Hóa (9 tháng), cũng như thêm các giờ huấn luyện quân sự, như Lãnh Đạo Chỉ Huy…

Để trao dồi nghệ thuật chỉ huy và lãnh đạo, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có truyền thống tổ chức Hệ Thống Tự Chỉ Huy và 8 tuần huấn nhục cho các tân khóa sinh. Hệ Thống Tự Chỉ Huy ngoài mục đích giúp các sinh viên sĩ quan thực tập về chỉ huy, còn có tác dụng phát huy tình huynh đệ giữa các khóa. Tám tuần huấn nhục giúp khóa sinh dứt bỏ nếp sống dân chính, để khép mình vào khuôn khổ kỷ luật của nhà trường.

Từ 1966, thời gian thụ huần kéo dài đến bốn năm. Về văn hóa, sinh viên sĩ quan được dạy chương trình bậc đại học như các đại học dân sự, thêm vào các cuộc thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm với các học cụ tối tân. Các tân sĩ quan các khoá sau cùng được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, tương đượng với các trường đại học khác, hoặc các trường quân sự khác trên thế giới.

Từ ngày thành lập cho đến tháng 4 năm 1975, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã cung ứng cho các chiến trường bốn Vùng Chiến Thuật tất cả 29 khóa Sĩ Quan với tổng số gần bảy ngàn Sĩ Quan, cùng với gần 500 sinh viên sĩ quan của 2 khóa cuối cùng. Các sĩ quan tốt nghiệp được phân phối đi khắp các Quân, Binh, Chủng để đảm trách vai trị cán bộ Chỉ Huy hoặc Tham Mưu. Dù ở cương vị nào, kỹ thuật hay tác chiến, người Sĩ Quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần “Tự Thắng Để Chỉ Huy” và câu châm ngôn “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” là kim chỉ nam minh chứng mọi hành động vị quốc an dân.

Đa số các cựu sinh viên sĩ quan đã thành công trên đường binh nghiệp và làm vang danh Trường Mẹ. Những người còn sống đang tiếp tục con đường đã chọn, những người nằm xuống đã trởthành những anh hùng vị quốc vong thân.

Trong 27 năm phục vụ cho đất nước, các sĩ quan xuất thân đã đóng góp tích cực cho sự tồn tại của chế độ Cộng Hoà của miền Nam VN, đồng thời chứng minh được tinh thần tận tuỵ hy sinh, kể cả mạng sống của mình cho đất nước và dân tộc. Những công trạng của họ, cùng những gương anh hùng, cùng trách nhiệm “Bảo quốc an dân” là những bằng chứng sống khiến người dân luôn tin cậy.

Sau năm 1975, dầu Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã đi vào Quân Sử, nhưng truyền thống Bất Khuất và Hào Hùng chưa lịm tắt được trong tâm tư của những sĩ quan xuất thân từ Ngôi Trường lịch sử này.

<script src=”https://code.responsivevoice.org/responsivevoice.js?key=eiLdqce3″></script>

Loading

Scroll To TOP