Headlines

Lá thư cho người thầy cũ

(Kính dâng hương hồn thầy Trần Ngọc Huyến)
CSVSQ Phạm Văn Hòa K18

Bài viết của CSVSQ Phạm Văn Hòa K18

Người xưa có câu:  “Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy”.

Người mà chúng tôi cung kính gọi là thầy đã cho chúng tôi không phải một chữ hay nửa chữ mà cả bồ chữ!  Thầy dạy chúng tôi trở thành một chiến sĩ dũng cảm, một cấp chỉ huy biết tiên liệu, một người lãnh đạo có tinh thần cấp tiến, một cán bộ quốc gia có kiến thức, đức độ và “Không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”.  Thầy còn chuẩn bị tinh thần cho chúng tôi để sau này khi ra trường phải đương đầu với  thực trạng xã hội, nên thầy gọi chúng tôi là “Cùi” để luôn nhớ rằng thử thách đang chờ đón ngoài ngưỡng cửa trường học để vào trường đời. 

Hôm nay người “Thầy” của các “Cùi” không còn nữa, xin viết lên tâm trạng của đứa học trò tưởng nhớ đến người thầy kính mến.

Thưa Thầy,

Mười giờ đêm, tiếng điện thoại reo vang tôi mau chân đến nhấc điện thoại thì bên kia đầu dây người bạn cùng khóa cho biết thầy đã qua đời.  Mẩu đối thoại ngắn gọn như cuộc đời con người bắt đầu và chấm dứt!  Tôi thẩn thờ, đầu óc lùng bùng vì tin thầy ra đi quá đột ngột.  Bên ngoài trời mưa nặng hột, tiếng mưa rơi tí tách nhịp đều trên mái lều tôi vừa làm phía sau vườn cách đây mấy hôm như thay cho người học trò khóc thầy.  Tiếng gió hú lùa vào khe hở hòa với tiếng lá quyện xì xầm làm tăng thêm sự đau buồn.

Mấy năm trước Houston cũng trong ngày bão rớt tương tự như hôm nay, được tin đứa bạn cùng khóa qua đời vì cơn bạo bệnh, vì sức người có hạn nên đành thua định mệnh.  Sự ra đi của đứa bạn dù làm tôi buồn, nhưng ít ra cũng an ủi khi biết là kể từ ngày đó bạn tôi thoát khỏi đau đớn dằn vặt vì căn bệnh ngặt nghèo. 

Còn sự ra đi của thầy có phải vì tuổi già sức yếu, hay vì bệnh hoạn?  Tôi không kịp hỏi mà bạn tôi chắc cũng không biết, vì kể từ ngày về Houston, thầy sống ẩn dật trong cuộc sống ồn ào của thành phố.  Vì lẽ đó tin tức về thầy ít ai biết.  Cách nay khoảng năm hay sáu năm, chúng tôi có đem tặng thầy cuốn lưu niệm của khóa.  Hôm đó tôi không đi được, nhưng chính tay gói món kỷ vật gửi thầy.  Nhìn lại hình ảnh bạn bè năm xưa, nhìn bức ảnh vị thầy cũ, mái trường xưa, những cánh đồi thơ mộng, các bài học trong lớp, ngoài bãi tập, tôi có đề mấy câu thơ sau đây gửi kèm theo cuốn lưu niệm:

Quyển hình lưu niệm ngày xưa,
Tình thầy, nghĩa bạn vẫn chưa phai màu,
Tuổi xanh giờ đã bạc đầu,
Người còn, người mất, người sầu tha hương . . .  

Quyển lưu niệm có đủ màu sắc đã gói gém tuổi thanh xuân của chúng tôi, gồm màu xanh hy vọng, màu trắng trung trinh, màu vàng như nước da dân Việt, màu đỏ như giọt máu đào cho quê hương .  . vân vân . . kết thành vòng ngũ sắc bắc cầu cho tình yêu quê hương, lòng hy sinh cho đồng đội.  Trong đó thầy là người đã gieo hạt mầm tốt trong đầu chúng tôi trong những giờ “Lãnh Đạo Chỉ Huy“. 

Tôi còn nhớ, một hôm tôi và thằng bạn cùng phòng, Nguyễn Chính Trực, ngủ quên nên không đến lớp vào giờ giảng của Thầy.  Sinh viên cán bộ đàn anh lo lắng về phòng đánh thức hai đứa, nhìn vẽ mặt nghiêm trọng của anh tôi nghĩ là hình phạt nặng nề sẽ giáng lên chúng tôi.  Trực và tôi nhìn nhau lo ngại.  Hai đứa lẽo đẽo theo sau sinh viên cán bộ vào trình diện thầy trong lớp.  Khi Trực và tôi xuất hiện, cả lớp im phăng phắc nhìn chúng tôi với cặp mắt lo ngại.  Tôi cảm thấy ngột ngạt, nghe tiếng tim đập nhanh to nhịp.  Tiếng giày của tôi nghe rõ mồn một.  Hai đứa đứng nghiêm trình diện mặt  còn ngáy ngủ.  Thầy nhìn chúng tôi với cặp mắt nhân từ, và hình như trên môi điểm nụ cười.  Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm.  Sinh viên cán bộ đứng nghiêm chỉnh chờ lệnh.  Thầy nói với anh sinh viên cán bộ, giọng hiền từ nhưng rõ ràng từng tiếng như để cả lớp cùng nghe:

–      Anh Hoàng, tên Niên trưởng sinh viên cán bộ, đừng phạt hai “Cùi” nghe!  Tôi đoan chắc là không “Cùi” nào dám trốn học giờ của tôi cả, chỉ vì làm việc quá mệt mà hai đứa ngủ quên đó thôi.

–       Tuân lệnh!  Niên trưởng cán bộ Nguyễn Hoàng  trả lời. 

Sau đó thầy hướng về cả lớp dặn dò:

–      Từ nay về sau, các Cùi nhớ mỗi khi đi học nên đánh thức các bạn xung quanh phòng mình.  Có như vậy mới là tình đồng đội đùm bọc lẫn nhau.  Cả lớp im phăng phắc. 

Nói xong thầy ra dấu cho hai đứa chúng tôi về bàn.

Bao nhiêu năm rồi thầy nhỉ!  Ngày mà tôi còn nhìn cuộc đời không chút nghi kỵ.  Ngày mà thầy ở tột đỉnh đời binh nghiệp, được giao phó trọng trách đào tạo lớp cán bộ có kiến thức, có tinh thần hy sinh cao độ, có đức liêm chính của kẻ sĩ trong hình ảnh thanh kiếm báu của trường, để đấu tranh, kiến tạo và hiện đại hóa nước Việt Nam.  Chỉ vài phút ngắn ngủi đó thôi, thầy đã để lại lòng tôi bao nhiêu cảm mến.  Chỉ trong giây phút ngắn ngủi ấy, tôi và có lẽ các bạn tôi, còn học nhiều hơn những điều thầy dạy trong giờ Lãnh Đạo Chỉ Huy.  Thầy làm sao nhớ kỷ niệm đó, cũng như thầy làm sao nhớ tên tôi người học trò cũ của thầy.  Nhưng, tôi không bao giờ quên bài học quý giá mà thầy đã mặc khải và ảnh hưởng cuộc sống của tôi đến hôm nay dù tóc đã nhuốm màu.

Cánh nay mấy năm, một hôm thấy thầy trong đám đông người.  Thầy ngồi lặng lẽ.  Nhìn thầy thật lâu định đến chào nhưng biết thầy muốn an thân ẩn dật nên đành thôi.  Thầy già hơn, không còn cái hùng dũng ngày nào, nhưng cặp mắt ấy vẫn cái nhìn quắc thước.  Thầy không còn uy quyền, không ở đỉnh cao danh vọng, nhưng thầy đã hoàn thành sứ mạng người thầy mà không mấy ai làm được.  Giờ đây, có nhiều nỗi buồn vì sự đời quá khắt khe mà thầy phải đương đầu.  Xã hội đặt khuôn thước lên mỗi chúng ta và dư luận muốn chúng ta phải sống trong khuôn khổ.  Chính đó gây chán chường, làm con người trở về sau khung cửa khép kín để tìm cuộc sống ẩn dật.  Biết đâu thầy cũng có nỗi buồn và tâm trạng này.

Tôi còn nhớ mấy đứa bạn đến thăm và tặng thầy cuốn lưu niệm về kể lại, hôm đó thầy rất vui, nói chuyện huyên thiên kể cho chúng nó nghe những kỷ niệm ngày xưa lúc thầy là “con cưng của Cụ”.  Tụi bạn tôi được may mắn gặp thầy trong con người thật của chính mình, ngoài lớp mặt nạ mà xã hội muốn chúng ta phải mang.  Tụi bạn tôi có cái may mắn là được nghe thầy nói những điều mà thầy chưa bao giờ muốn nói trong giờ Lãnh Đạo Chỉ Huy, và được gặp thầy với con người thật hồn nhiên.

Hôm trời mưa tầm tã.   Đám tang của thầy chìm trong cơn mưa Thu.  Một chiếc lá lìa cành nhẹ nhàng bay theo gió.  Thầy lặng lẽ ra đi vì thầy muốn như vậy.  Từ nay, không ai còn nghe tiếng nói của thầy, nhưng có biết bao học trò cũ của thầy đã thấm nhuần lời thầy giáo huấn.  Giờ đây thầy đi về nhà vì thầy đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một công dân trần tục.  Giờ đây thầy đi về miền vĩnh cửu, không ưu phiền, không hận thù.  Linh hồn nhẹ nhàng như cánh chim trên trời, thơ thới như áng mây, rạng ngời như ánh sáng Trên Cao . . ..

Phạm Văn Hòa, K18

Bài đăng trong Tập Thơ Truyện BAO MÙA NẮNG HẠ, Phạm văn Hòa xuất bản 2014,   
http://www.phamvanhoa.com/               

Loading

Scroll To TOP