Headlines

CTBCTY Tập IV chương 36

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XXXVI
Ra cầu Ái Tử, lên núi Vọng Phu

Đã hơn 9 giờ sáng rồi, lúc bấy giờ tôi mới đi qua nhà bà tổ trưởng, tay ôm cuốn sổ “nhật ký đời tôi” mà trong người hãy còn bần thần ngầy ngật vì men rượu.

Vừa thấy tôi bà tổ trưởng đã cao giọng dạy dỗ.

-Sao hôm nay cậu đi làm trễ quá vậy?

Tôi nói với bà tổ trưởng mà cứ như là cuội nói.

-Thưa bà, tối hôm qua nhà còn mấy củ khoai đã bị thiu, nghĩ đến công lao khó nhọc của nhân dân khi trồng được củ khoai, vất đi thì tiếc cho nên tôi ăn hết luôn, ăn sạch sẽ. Sau đó suốt đêm tôi bị đi tiêu chảy liên tục cả chục lần, cho đến bây giờ mới tạm bớt. Tôi qua đây xin phép bà cho nghỉ ở nhà, mai hay mốt hết bịnh tôi sẽ đi làm lại.

Bà tổ trưởng nói với giọng lạnh lùng.

-Muốn nghỉ bệnh, phải có giấy chứng nhận của phòng y tế khu phố. Cậu đem cuốn sổ sinh hoạt của cậu lên phòng y tế ở đầu đường Phan đình Phùng, xin xác nhận đau ốm rồi đem về đây, tôi sẽ cho phép cậu nghỉ dưỡng bệnh.

Tôi vâng vâng dạ dạ rồi quay người đi. Khi đi được một đoạn khá xa, biết là bà tổ trưởng không nghe gì được, lúc bấy giờ tôi mới dám buông tiếng chửi thề cho đỡ tức.

-Mẹ bố, cái thời chết giẫm.

Tôi đạp xe đến phòng y tế của Phường, trước năm 75 đây là phòng mạch tư của một bác sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Trong phòng có hai người đàn bà bận áo choàng trắng đang làm việc. Tôi lấy số thứ tự rồi ra ngồi ngoài sân chờ đợi đến phiên mình.

Hai giờ sau, tôi được kêu vào phòng để khám bịnh. Người đàn bà trẻ mà tôi đoán là bác sĩ, đưa cho tôi tấm giấy màu vàng úa, loại giấy được tái sinh không biết là lần thứ mấy. Bà ta nói.

-Ông điền tên họ, ngày sinh tháng đẻ, nghề nghiệp và địa chỉ.

Tôi vâng dạ, mau lẹ điền giấy tờ.

Người đàn bà đọc tờ giấy rồi hỏi, câu hỏi xưa như trái đất mà nhiều người đã hỏi tôi.

-Sĩ quan Ngụy còn đang học tập cải tạo ở đâu tận Miền Bắc, tại sao ông được về sớm như vậy.

Tôi ngần ngừ một chút rồi mới nói, giọng nói nửa đùa nửa thật.

-Thưa cô, có thể là tôi có bà con theo Cách mạng.

Người đàn bà nhẹ giọng.

-Tôi là y tá Ngụy, được nhà nước lưu dung cho ở lại làm việc, lát nữa ông sẽ được bác sĩ khám bịnh.

Cô y tá nhìn vào phòng trong rồi nói.

-Nghe nói bà bác sĩ học nghề băng bó vết thương cho bịnh nhân trong mật khu, sau hơn chục năm hành nghề chăm sóc thương binh ngoài mặt trận, bà được cho lên làm bác sĩ, còn phần ngoại hình của bà thì… Tôi nói trước để cho ông biết mà chuẩn bị tinh thần.

Đúng như cô y tá lưu ý, tôi không dám nói gì về bề ngoài của bà bác sĩ, vì sợ không một ai tin những gì mà tôi nói về bà ta.

Bà bác sĩ, chỉ tôi ngồi xuống cái ghế rồi hỏi.

-Đau gì?

-Thưa bác sĩ, tôi bị đau bụng tiêu chảy.

Bà bác sĩ nhăn mặt.

-Iả chảy thì nói là ỉa chảy, ở đó mà tiêu với không tiêu. Bị hồi nào?

-Thưa bác sĩ, từ tối hôm qua.

-Đi ỉa nhiều không?

-Dạ thưa hơn mười lần.

-Cứt lỏng phải không?

-Dạ phải.

Tôi trả lời mà trong lòng nghĩ thầm, tiêu chảy mà cứt đặc sao được.

Bà bác sĩ gắn dây ống nghe vào hai tai, tay cầm cái mặt nghe hình tròn úp vào ngực của tôi, sau khi di chuyển vài lần, đầu nghiêng qua nghiêng lại, bà nói.

-Bịnh nhẹ thôi, không có gì phải lo. Hôm qua ăn rau sống tưới phân bắc mà không chịu rửa cho sạch chứ gì?

-Dạ, sao bác sĩ biết?

-Tôi là bác sĩ nên phải biết. Hồi còn ở trong mật khu tôi chữa bịnh này rất thường. Nhà ông có trồng ổi không?

Tôi nghe nhưng không hiểu, tại sao bà bác sĩ lại hỏi như vậy.

-Thưa bác sĩ, không có.

-Đi tìm nhà nào có trồng cây ổi, xin một mớ lá, nấu lên rồi uống sẽ cầm được ỉa chảy.

Từ đầu đến giờ, tôi đóng kịch là một bịnh nhân bị tiêu chảy, nên giả vờ lo lắng hỏi.

-Thưa bác sĩ, có cần sắc ba chén còn tám phân hay không?

Bà bác sĩ nói.

-Cái này là thuốc Nam, thuốc gia truyền từ ông bà để lại, đâu có phải là thuốc Bắc mà phải sắc cho cạn.

-Xin bác sĩ cho tôi một cái toa, để mua thuốc chữa bịnh ỉa chảy.

-Làm gì có nhà thuốc tây mà mua, uống nước lá ổi là được rồi.

Tôi cảm ơn bà bác sĩ, rồi đưa cuốn sổ sinh hoạt hàng ngày của tôi cho bà.

-Nhờ bác sĩ ký vào đây, cho tôi được nghỉ phép vài ngày, đợi khi hết bịnh tôi sẽ đi làm việc lại.

Bà bác sĩ cầm cuốn sổ lật qua rồi lật lại, sau một hồi cố gắng rặn được vài chữ “Sổ sinh hoạt”. Bà chắt lưỡi.

-Chuyện giấy tờ đem ra ngoài, con y tá nó làm cho.

Tôi cầm cuốn sổ, cảm ơn bà bác sĩ rồi đi ra, bên tai còn nghe tiếng càu nhàu “Cái lũ Ngụy này, đứa nào cũng mắc cái bịnh cảm ơn”.

Trên đường về nhà, tôi vừa đạp xe vừa nghĩ đến chuyện phải sống suốt đời trong một xã hội, khi đau ốm đến bệnh viện được một bà bác sĩ chưa chắc đã học xong bậc tiểu học, miệng nhai trầu, tai đeo ống nghe, khám cho bịnh nhân. Cũng trong lúc đó có hàng trăm, hàng ngàn ông bác sĩ tốt nghiệp Y khoa đại học bị lùa vô những cái nhà tù tận trong rừng sâu núi thẳm gọi là trại cải tạo, sáng trưa chiều tối đốn tre, chặt củi, cuốc đất trồng khoai. Tự nhiên, tôi có cảm tưởng là mình đang bị ỉa chảy trong quần.

Liên tiếp ba ngày, tôi nằm nghỉ thoải mái ở trong nhà. Buổi sáng tôi ngồi trên sân thượng ăn sáng với vợ con, uống cà phê, nhìn đỉnh núi Lâm Viên mù mờ trong sương mà lòng thảnh thơi nhẹ nhõm. Được sống sung sướng, bỗng dưng tôi nhớ đến bạn bè, nhớ Long công tử, Nhân đầu bạc, không biết giờ này tụi nó ở đâu.

Hai giờ chiều, tôi ôm cuốn sổ sinh hoạt hàng ngày đi qua nhà bà tổ trưởng.

-Thưa bà, bịnh của tôi đã thuyên giảm khá nhiều, ngày mai tôi sẽ đi làm, còn lại buổi chiều hôm nay xin bà cho tôi được đi ciné.

Phải mất một lúc chần chờ, lưỡng lự, bà tổ trưởng mới gật đầu. Với giọng nói của một con vẹt Cách mạng 30, bà ta lên giọng dạy dỗ.

-Sĩ quan Ngụy như cậu phải coi phim “Thép đã tôi thế đấy” của Liên Xô, đang chiếu ở rạp ciné Hòa Bình. Coi để biết con người Cộng Sản “Ba veo cót sa gin” đã được tôi luyện như thế nào, lấy đó mà làm gương.

Tôi cảm ơn bà tổ trưởng đã chỉ dạy. Ở trong tù, tôi đã được cán bộ quản giáo ca ngợi về cái tên Ba veo này nhiều rồi, nghe nhiều đến độ bị iả chảy luôn.

Sau khi nói với vợ là mình sẽ đi thăm má của một người bạn, tôi thả bộ dọc theo con dốc Minh Mạng lên khu Hòa Bình. Thay vì mua vé vào coi ciné, coi phim anh “Ba veo cót sa gin” ngu xuẩn nào đó của Liên Xô, có đầu mà không có óc, một anh Việt Nam lấy thân mình chèn pháo, thì anh Liên Xô lại chui đầu vào lò lửa Cộng Sản để tôi luyện cho thành thép. Tôi quẹo qua đường Hàm Nghi, đi quá nhà thờ Tin Lành một đoạn khá xa, tìm tới căn nhà của Nhân đầu bạc, nằm phía bên trái thấp hơn mặt đường một chút.

Dễ chừng cả chục năm rồi tôi mới gặp lại má của Nhân, bà cụ già đi thấy rõ trong bộ bà ba rộng thùng thình, bạc màu thời gian. Nhìn tôi một hồi lâu, bà hỏi.

-Có phải con là thằng cục bột không?

Tôi quá mừng vì bà còn nhận ra tôi.

-Dạ thưa bác đúng, con là thằng cục bột đây.

Nói xong, tôi cầm tay bà.

-Bác có khỏe không?

-Mày nhìn bác là biết rồi, khỏe sao được khi thằng Nhân còn ở tù mãi tận đâu đâu. Nó về là bác khỏe ngay.

Tôi mau mắn hỏi bà.

-Nhân học tập cải tạo ở đâu vậy bác? Theo con biết, sĩ quan Ngụy ở mấy tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy, đều bị lùa vô trại tù Sông Mao. Ở đó con tìm hoài mà không thấy Nhân, nên cứ nghĩ là nó đã đi Mỹ vào tháng tư năm bảy lăm rồi.

Má của Nhân thở dài.

-Đi đâu mà đi, được đi Mỹ đã là phước, thằng Nhân còn đang học tập cải tạo. Mà nè, ở Đà Lạt này bác chưa thấy một ông sĩ quan nào đi tù được thả về. Sao con về sớm vậy?

Tôi không biết phải trả lời như thế nào về câu hỏi của bà, chục người gặp tôi thì cả chục đều hỏi như vậy. Không muốn giải thích dài dòng về chuyện này, tôi đưa tay gãi đầu.

-Thưa bác, khó mà biết được mấy ông Việt Cộng dựa theo tiêu chuẩn nào để thả người. Theo sự suy đoán của con thì những sĩ quan được cho về sớm, đa số thuộc thành phần có bà con theo mấy ổng. Và những ông sĩ quan ngày trước khi còn là lính Việt Nam Cộng Hòa không liên quan đến ngành Chiến Tranh Chính Trị, Tình báo, Quân báo…Đại khái là như vậy. Có thể con là lính văn phòng, làm ở Trường Võ Bị Đà Lạt, nên được cho về sớm.

Tôi ngưng nói, nhìn má của Nhân một lúc rồi mới hỏi.

-Thưa bác, hôm nay con đến đây trước là thăm bác, sau đó là hỏi về tình trạng của Nhân.

Má của Nhân đầu bạc với nét mặt rầu rầu.

-Chuyện có hơi dài dòng, con vô nhà ngồi uống miếng nước, từ từ bác sẽ kể cho con nghe rõ ràng mọi chuyện.

Tôi theo chân má của Nhân đi vào nhà, nhìn dáng người ốm yếu của bà đi xiên qua xẹo lại như muốn té, tôi đỡ lấy cánh tay của bà rồi giữ chặt. Cánh tay của bà chỉ có xương là xương, tự nhiên trong lòng tôi bỗng xót xa, thương cho hoàn cảnh neo đơn của một bà mẹ già, sống một mình trong căn nhà khá là to lớn mòn mỏi đợi chờ con.

Ngồi xuống ghế sofa nơi phòng khách, chỉ chiếc ghế bên cạnh, ra dấu cho tôi ngồi xuống, má của Nhân rót cho tôi ly nước lọc rồi từ tốn nói.

-Đầu tháng tư năm ngoái, khi người dân Đà Lạt ùn ùn kéo nhau di tản về Sài Gòn, thành phố Đà Lạt như là cái thành phố ma. Bác ở lại đây, lý do khiến bác không đi là vì không bà con, không thân nhân ở Sài Gòn, hơn nữa gia tài của bác như là nhà cửa với bao nhiêu là hàng hóa, vải vóc, một đời tốn công xây dựng, bỏ đi không đành. Một tháng sau, khi mà loa phát thanh của Việt Cộng loan báo là Sài Gòn đã đầu hàng, bác rất vui mừng vì tin rằng hết chiến tranh rồi, mẹ con sẽ được đoàn tụ.

Má của Nhân đầu bạc ngưng nói, bà thong thả nhấp một hớp nước rồi than thở.

-Bác chờ đợi với hy vọng chỉ năm mười ngày nữa, sẽ gặp lại thằng Nhân con của bác. Bác chờ một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, hy vọng gặp lại con của mình cứ như ngọn đèn dầu mỗi ngày một cạn, nhiều lúc bác tưởng như hy vọng đã tắt mất. Trong những lúc tuyệt vọng, bác tự lừa dối mình, tự an ủi mình, chắc thằng Nhân đã đi Mỹ rồi, và vì hai nước cách xa ngàn dặm lại là kẻ thù của nhau, nên nó chưa viết thư cho bác được. Bác biết rõ thằng Nhân tuy cứng đầu, nghịch ngợm, ưa phá phách nhưng nó là một đứa con có hiếu. Nếu không đi Mỹ thì nó đã về lại Đà Lạt để gặp mẹ của nó rồi. Khi mà sự chờ đợi của bác đã đến chỗ tuyệt vọng thì bác nhận được tin của thằng Nhân, do một cô gái đưa tới.

Má của Nhân làm một cử chỉ như mệt mỏi.

-Chuyện nói ra đây bác còn không tin, thì làm sao con tin cho được. Phải không? Một buổi chiều nọ, đâu khoảng giữa tháng chín năm ngoái, lúc bác đang còn ăn dở bữa cơm thì có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ nhè nhẹ, rụt rè, gõ cửa mà như không dám gõ. Bác lớn tiếng hỏi “Ai đó?” Một giọng nói dịu dàng trả lời “Thưa bác, con” Khi cánh cửa được mở ra, trước mặt bác là một con bé mặt mày sáng sủa xinh xắn, trông thật dễ thương, trên tay cầm một bức thư “Thưa, bác có phải là mẹ của anh Nhân không? Anh Nhân nói con đưa bức thư này cho bác”.

Đang kể chuyện xưa, đôi mắt của má Nhân đầu bạc chợt sáng rực lên, bà tươi cười nói với tôi.

-Con có biết không, bác như người sắp chết đuối mà chụp được cái phao. Có thư của thằng Nhân, có nghĩa là nó còn sống. Không câu nệ, bác nắm tay con bé lôi tuốt vô nhà. Vì quá nóng lòng cho nên bác vừa đi vừa hỏi con bé về tin tức của thằng Nhân. Trái với cái hấp tấp của bác muốn biết mọi chuyện ngay lập tức, con bé rụt rè đưa bức thư. Không thể nói gì hơn, bác ngồi xuống ghế sofa.

Má của Nhân đưa tay vỗ vào thành ghế.

-Bác ngồi xuống cái ghế này nè, rồi mới từ từ đọc thư của thằng Nhân. Bức thư viết ngày hai bốn tháng sáu năm bảy lăm. Thư viết ngắn gọn, hình như được viết trong úc vội vàng. Trong thư nó hỏi thăm sức khỏe của bác, và nói rằng nó phải đi trình diện học tập mười ngày tại Sài Gòn. Nhân cũng nhắn với bác một điều quan trọng, người con gái cầm bức thư này là vợ của nó. Đọc xong bức thư, tâm trạng của bác lúc bấy giờ rối bời như mớ bòng bong. Mừng vì có được đứa con dâu, buồn vì không biết thằng con đang học tập cải tạo ở đâu. Bác nhìn lên, con bé vẫn còn đứng đó, lúc này bác mới nhớ ra là mình thật là vô ý, quên nói cho con bé ngồi.

Tôi đang chăm chú nghe má của Nhân đầu bạc nói chuyện, bất chợt có tiếng mở cửa rồi một người con gái xuất hiện với cái bị giấy trên tay.

-Má nè, con mua cho má…

Tôi nhìn người con gái với cái nhìn đầy ngạc nhiên, cô bạn cùng lớp với tôi tên Vân trên Viện Đại Học, là người con gái mà má Nhân đang nói đến. Quá vui mừng vì biết Nhân đã lấy Vân, tôi nói.

-Chào chị Vân.

Khi thấy tôi, với đôi mắt tròn xoe đầy kinh ngạc, Vân hỏi.

-Anh Quân tới đây hồi nào?

Hỏi để mà hỏi, không đợi tôi trả lời, Vân quay sang má của Nhân.

-Má cũng biết anh Quân nữa sao? Có tin tức của anh Nhân hả Má?

Má của Nhân nói với Vân.

-Cái thằng cục bột này là bạn của thằng Nhân từ hồi nhỏ, nó mới học tập cải tạo về, đến đây thăm má, tiện thể nó hỏi thăm tin tức của thằng Nhân. Ủa… mà tụi bây cũng biết nhau nữa sao?

Vân nhanh nhẩu trả lời.

-Dạ, tụi con học cùng lớp ở Viện Đại Học Đà Lạt. Đâu khoảng cuối năm bảy hai, con và anh Quân tình cờ gặp anh Nhân ở cà phê Hạnh Tâm.

Với gương mặt đầy bẽn lẽn, Vân nói với má Nhân.

-Lần đầu tiên gặp chồng con, má biết không, con thương ảnh liền.

Má của Nhân với nụ cười đầy vẻ thích thú.

-Cái thằng đó có gì mà con thương, nó chỉ được cái lông bông lêu bêu là giỏi.

Vân cười.

-Tại má không để ý, bụt chùa nhà không thiêng, nên má mới nói như vậy. Một ông trung úy Thủy Quân Lục Chiến với gương mặt dày dạn nắng mưa, lại thêm cái tính khí hào hùng, coi trời bằng vung. Bị thương nơi chân, anh Nhân không nói mình bị thương mà xắn cái ống quần rằn ri lên, chỉ vào vết thương còn quấn băng trắng rồi nói “Cổ Thành Quảng Trị”. Cái hành động đem nguyên một ngôi thành cổ đặt lên vết thương của mình, dưới mắt của con, nếu đem so với người hùng Từ Hải, thì chưa biết ai mới là anh hùng.

Má của Nhân ngắt lời Vân.

-Mày chỉ được cái mê chồng, trước mặt khách mà cứ bô bô cái miệng. Má đang nói cho thằng Quân nghe về chuyện con với chồng con ở Sài Gòn, sau đó chỉ một mình con về đây. Con hãy kể cho Quân nghe về chuyện chồng của con đi học tập như thế nào. Má đâu có biết nhiều về Sài Gòn, sợ nói không được rõ ràng.

Vân ngồi xuống bên cạnh má của Nhân, nắm tay bà rồi bắt đầu câu chuyện.

-Vào khoảng hai mươi tám tháng tư, năm bảy lăm, anh Nhân tới sạp vải của dì Yến trong chợ Bến Thành tìm em với bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến, súng đạn đầy người. Tụi em mới nói với nhau được vài câu thì hai người lính của anh Nhân từ ngoài chạy vào “Ông thầy, mình phải đi gấp, đại bàng cần gặp ông, xe jeep đang đợi bên ngoài”. Em chỉ kịp đưa cho anh Nhân địa chỉ của nhà dì Yến ở Sài Gòn, với lời nhắn “Em đợi anh ở nhà dì”. Ba giờ chiều ngày ba mươi tháng tư, anh Nhân tới nhà dì Yến tìm em. Trên người anh chỉ mặc có cái áo may ô màu nhà binh và một cái quần dài rằn ri của Thủy Quân Lục Chiến, tệ hơn nữa là đi chân đất, không có lấy đôi dép mà mang. Em phải lấy bộ đồ dân sự của ông dượng đưa cho anh Nhân mặc tạm.

Má của Nhân hỏi.

-Tại sao thằng Nhân phải ăn mặc như vậy?

Vân trả lời.

-Má ở Đà Lạt nên không biết đâu, đang đánh nhau bỗng dưng nghe lệnh của Tổng Thống kêu gọi trên đài phát thanh, quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hãy buông súng đầu hàng, chờ bàn giao. Sau đó là hình ảnh thê thảm của Sài Gòn với một đạo quân rã ngũ, súng đạn quần áo lính vứt lăn lóc đầy đường, trong khi dân chúng kẻ xuôi người ngược, chạy mà không biết chạy đi đâu. Ba mươi tháng tư, Sài Gòn hổn loạn như vậy đó.

Vân quay qua nói với tôi.

-Mấy ngày sau đó, em chở anh Nhân đi đăng ký theo lệnh của chính quyền mới. Anh Nhân đi vào Trường trung học Gia Long ở đường Phan Thanh Giản, chừng một giờ sau đi ra với tấm giấy to bằng bàn tay chứng nhận đã trình diện, được cho về địa phương chờ lệnh mới. Anh Nhân không muốn về Đà Lạt, với lý luận là ở Sài Gòn xô bồ phức tạp, dầu gì cũng dễ thở hơn cái xứ Đà Lạt nhỏ bé. Lính Thủy Quân Lục Chiến như anh khó mà an thân với đám du kích địa phương, đám Việt Cộng nằm vùng. Mấy ngày sau đó, tụi em tổ chức đám cưới mà chủ hôn là dì Yến, quan khách là mấy người hàng xóm của dì.

Vân quay người ôm má của Nhân.

-Tụi con lấy nhau mà không hỏi ý kiến của má, vì tình hình lúc bấy giờ không cho phép. Ngày hai mươi bốn tháng sáu năm bảy lăm, anh Nhân theo lệnh gọi trình diện học tập mười ngày. Trước khi đi anh viết một bức thư gởi cho má, xin má tha lỗi cũng như xin má nhận con là con dâu.

Tôi hỏi Vân.

-Từ năm ngoái tới giờ, chị có nhận tin tức gì của Nhân không?

Vân suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời.

-Tháng ba vừa rồi, em và má có đi thăm nuôi anh Nhân ở Long Khánh, trong lần thăm nuôi đó, anh Nhân cho biết là ngay đêm trình diện ở Trường nữ trung học Gia Long, anh cùng các bạn tù bị đưa lên Trảng Lớn, nhốt ở đó đâu hơn ba tháng, sau đó được chuyển trại về Long Khánh và ở trại đó cho đến khi được thăm nuôi. Sau lần em và má gặp anh Nhân ở Long Khánh cho đến bây giờ thì hoàn toàn bặt tin, không biết anh Nhân còn ở đó hay đã chuyển đi trại tù khác rồi.

Thấy không còn gì phải nói, tôi xin phép má của Nhân đầu bạc và Vân rồi ra về. Tiễn tôi ra cửa, cả hai người đứng nhìn theo mà không chịu vào nhà. Hình ảnh của hai người đàn bà, một già một trẻ tựa cửa, một trông ngóng con, một chờ đợi chồng đang học tập cải tạo không biết khi nào mới về, trông thật não lòng.

Buổi chiều mùa thu Đà Lạt mang chút gió vàng lành lạnh, mây xám giăng mờ khắp nẻo, tôi đi trong tiếng chuông thu không từ chùa Linh Sơn nương theo gió vang vọng đến bên tai. Tiếng chuông trầm trầm lắng đọng nghe sao mà rầu đến não ruột. Đột nhiên bài hát “Lối về đất mẹ” mà tôi đã được nghe một nam ca sĩ nổi danh gốc ở Quảng Trị, hát bài này nhiều lần trong quá khứ “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi Vọng Phu ..”. Câu hát với lối chơi chữ nghe như câu ca dao nhẹ nhàng, êm đềm, thêm giọng ca trầm ấm của ông ca sĩ nghe sao mà buồn thấm thía, thấm tận đến xương tủy.

Loading

Scroll To TOP