CTBCTY Tập III chương 33
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)
Chương XXXIII
Văn hóa Nhân Bản.
Bữa ăn sáng của chúng tôi chấm đứt, khi mặt trời đã lên cao. Cúc nói.
-Bây giờ em sẽ đưa anh đi trình diện bà tổ trưởng dân phố.
Tôi cười đùa.
-Em dùng chữ làm anh nhớ lại chuyện ngày xưa, khi mới tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, sau đó về trình diện Trung tá trưởng phòng nhân viên Trường Võ Bị Đà Lạt.
Cúc chậm rãi nói.
-Giải phóng rồi, hiện tại giai cấp nông dân, công nhân, đang làm chủ đất nước. Tin em đi, ông Trung tá Ngụy Trưởng phòng của anh, cho dù trước kia có tốt nghiệp Cao học hay Tiến sĩ ở Hoa Kỳ, hôm nay nếu học tập tốt, được thả về sớm, cũng phải chịu sự giám sát của bà tổ trưởng dân phố, phải trình diện bà ta như thường.
Nhà bà tổ trưởng cách nhà tôi có mấy căn, mới đi ba bước đã tới. Bà tổ trưởng đang ngồi vo gạo, khi thấy tôi và Cúc, bà nói.
-Cô cậu ngồi chơi, chờ tôi bắt nồi cơm lên bếp, chỉ chút xíu thôi.
Nói xong bà ngoắt một đứa bé, hình như là con của bà tới gần, nói nhỏ vào tai nó. Đứa bé gật đầu rồi quay lưng đi.
Một chút xíu của bà tổ trưởng, vậy mà cũng hơn mười lăm phút dài cổ chờ đợi của tôi. Hình như muốn chứng tỏ mình là nhân vật quan trọng, nên bà tổ trưởng cứ nhẫn nha vo gạo, từ tốn chẻ một đống củi đủ dùng cho vài ngày, nhen bếp lửa, chậm rãi bắt nồi cơm lên. Xong xuôi mọi việc bà mới quay sang nói chuyện với chúng tôi. Cũng cùng lúc ấy hai người đàn bà lạ mặt bước vào. Thấy họ, bà tổ trưởng vội giới thiệu với tôi.
-Đây là bà tổ phó và bà tổ phó an ninh.
Theo sự giải thích của bà tổ trưởng, tôi biết thêm về nhiệm vụ và trách nhiệm của từng người. Công việc của bà tổ phó an ninh coi vậy mà quan trọng nhất, bà ta phải tốn nhiều công sức truy tìm và phát hiện những phần tử phản động, chống đối Cách mạng, còn chưa ra đầu thú. Sĩ quan Ngụy như tôi, sau khi được trả tự do về lại địa phương, sẽ do bà tổ phó an ninh quản lý. Đến đây, bà tổ phó an ninh mới lên tiếng với tôi.
-Trong thời gian quản chế tại địa phương, cậu phải tuân hành theo tất cả những điều lệ mà ở trên đưa xuống. Cậu phải có một cuốn tập khoảng một trăm trang để ghi chép những công việc làm từng ngày, mỗi buổi sáng vào lúc bảy giờ, đem tập vở qua nhà tổ trưởng xin chữ ký đi làm lao động. Khi đến nơi làm, phải xin chữ ký của tổ trưởng nơi đó, lúc về phải có chữ ký cho phép về. Khi đến nhà phải đem sổ qua tổ trưởng ký xác nhận đã trở về. Nói một cách gọn gàng dễ hiểu, là một ngày cậu cần ký vào sổ bốn lần. Một tuần, cậu phải viết bản tự khai, nói rõ ràng là đã làm gì trong tuần, cuối tuần đọc bản kiểm điểm trước tổ dân phố, sau đó đem nộp cho công an khu vực. Một tháng một lần, trình diện và đọc bản kiểm điểm với công an khu vực.
Cuối cùng bà tổ phó an ninh hỏi tôi, giọng nói như là mẹ dạy con.
-Cậu đã nhớ rõ chưa?
Tôi lật đật đáp.
-Thưa bà rõ.
Sau khi đã lên lớp, dạy dỗ tôi đủ mọi điều, cả ba bà sếp đều hứa là sẽ hết lòng giúp đỡ tôi trong thời gian quản chế.
Dĩ nhiên tôi phải cảm ơn tấm lòng tốt của ba người, xin hứa sẽ thi hành đúng mọi lời chỉ dạy.
Xong chuyện ra mắt bộ ba tam đầu chế, Cúc dẫn tôi đi trình diện công an khu vực ở phường. Gã công an khu vực của tôi, mặt mày non choẹt, trong bộ quân phục màu vàng pha chút hồng nhạt, dạy cho tôi một mớ luật lệ mà tôi phải tuân thủ trong thời gian bị quản chế. Sau nhiều lần vặn hỏi, biết tôi đã thông suốt mọi chuyện, gã công an khu vực nói.
-Còn nữa, ngoài việc phải chấp hành tốt mọi quy định khi bị quản chế, anh còn có bổn phận phải báo cáo với chính quyền Cách mạng, khi biết được những ai còn lẩn trốn, chưa chịu trình diện học tập, hoặc những tổ chức phản động của Ngụy còn cài lại. Nhớ chưa?
Tôi lẹ lẹ nói.
-Nhớ.
Hình như thấy tôi thuộc dạng dễ dạy, gã công an khu vực bèn phán một câu đầy ân huệ.
-Buổi làm việc hôm nay đến đây đã tạm đủ, cho phép anh về nhà nghỉ ngơi.
Bước chân ra khỏi phường, tôi biết rằng mình đã hoàn tất mọi thủ tục của một sĩ quan Ngụy bị quản chế, sau khi học tập cải tạo được thả về.
Trong lòng nhẹ nhàng, thoải mái, tôi cười với Cúc.
-Quán cà phê của chị Huệ ở đường Phan Bội Châu, có còn không em?
-Vẫn còn, mà anh hỏi làm gì vậy?
-Tụi mình tới đó làm một ly cà phê để nhớ lại những ngày xưa yêu dấu, nhớ ngày đầu tiên anh dẫn đào đi cà phê.
Cúc cười với vẻ mặt tràn đầy sung sướng.
-Kể ra ngày xưa em cũng khá là dễ tính, vô quán cà phê với kép mà ngồi ghế đẩu, uống cà phê trong cái ly xây chừng, gặm bánh mì. Thực lòng mà nói, với khung cảnh quá bình dân của quán tuy có hơi xa lạ với em, nhưng mà… nhưng mà… em nhớ hoài.
Khi thấy tôi chị Huệ cười, vẫn là nụ cười của ngày xưa đầy vui vẻ, thân thiện.
-Trung úy mới học tập về. Ủa mà sao về sớm dữ vậy. Chưa thấy ai được thả hết mà.
Tôi than với chị Huệ.
-Bộ chị muốn em ở tù mút chỉ cần câu máy hay sao. Mà nè, chị đừng có gọi em là trung úy, tụi nó bỏ tù em nữa bây giờ.
Tôi quay sang Cúc, miệng nói với chị Huệ.
-Đây là vợ em, chị nhớ Cúc không?
Chị Huệ lắc đầu, nói mà như ghẹo Cúc.
-Mấy cô khác thì tôi nhớ.
Tôi nói với chị Huệ.
-Em được thả về mới có ba ngày, người đầu tiên mà em đến thăm là chị, nói như vậy để chị biết là em quý chị như thế nào.
Vừa dứt lời, không để cho chị Huệ nói lên ý kiến của chị, tôi vội tiếp.
-Cho em hai ly cà phê sữa nóng, thêm một cái hộp quẹt.
-Hút thuốc hả?
-Dạ không, để chị đốt nhà em luôn cho tiện đó mà.
Quán của chị Huệ bàn ghế thấp lè tè, ghế đẩu nhỏ xíu, cà phê túi vải. Quán cà phê bình dân đến mức khó có cái quán nào bình dân hơn. Tôi hỏi chị Huệ.
-Sao vắng khách quá vậy chị?
-Trưa rồi nên ít người uống cà phê, hơn nữa…thời buổi khó khăn, kiếm được đồng tiền cũng hơi khó.
Tôi và Cúc chọn một cái bàn bên ngoài quán, nhìn ra đường Phan Bội Châu. Đường phố vắng hoe, người đâu không thấy, chỉ thấy dăm ba chiếc lá vàng khô không biết từ đâu lạc lõng tới đây. Mấy chiếc lá theo từng cơn gió nhẹ, đuổi nhau chạy trên lề đường phát ra tiếng kêu xào xạc nho nhỏ, tựa như tiếng thở dài buồn bã của buổi trưa hè Đà Lạt. Tôi ngồi đó mà lòng chừng như trống rỗng, đưa mắt nhìn về hướng khu Hòa Bình. Một người đàn bà quần áo lam lũ đang đi về phía chúng tôi, theo sau là người đàn ông áo vá vai, quần sờn rách, chân mang dép râu, vai gánh hai cái bao may bằng vải xám, cột túm miệng.
Tôi nói với Cúc.
-Giải phóng rồi vợ lên làm chủ, anh chồng coi bộ hơi mệt.
Cúc nhìn họ một lúc rồi nói.
-Không phải là vợ chồng đâu, ông đi sau là người gánh thuê. Mấy tháng gần đây, em biết dưới chợ có một chỗ xay bắp thành bột, những người gánh thuê thường đứng ở đó, họ gánh bột bắp về nhà cho những ai mướn họ.
Tôi thắc mắc hỏi Cúc.
-Nếu không có xăng để chạy Honda thì dùng xe đạp để thồ cũng được vậy, tại sao phải gánh.
Cúc nói mà như than giùm cho họ.
-Anh tưởng xe đạp rẻ lắm sao, thời buổi này người dân cơm không có ăn, áo không có mặc, lấy tiền đâu ra mà mua xe đạp.
Khi hai người nọ đi qua trước quán, tôi nhìn người đàn ông đang còng lưng gánh hai cái bị, trong đó có thể là bột bắp. Nhìn gương mặt thông thái của ông ta với cặp kính cận, thêm thân hình dong dỏng cao, một tia chớp chợt lóe sáng trong đầu của tôi. Bỗng dưng tôi cảm thấy xốn xang trong lòng, cả một quá khứ xa xưa tưởng chừng đã chìm sâu vào dĩ vãng, nay đột nhiên lũ lượt kéo về. Đúng là thầy Hạnh của tôi rồi. Năm tôi học đệ lục, thầy dạy Anh văn cho lớp tôi. Năm tôi học đệ nhất ông là thầy dạy Anh văn của tôi thêm một năm nữa. Cuối năm đó, tôi đậu tú tài hai, tuy đã đậu phần thi viết nhưng vẫn còn một cửa ải chót cùng phải vượt qua, đó là phần thi vấn đáp môn Anh văn.
Thầy Hạnh là giáo sư trực tiếp khảo bài tôi. Sau chừng dăm ba phút đọc một đoạn văn mà thầy chỉ định trong sách, tiếp theo đó là phần hạch hỏi bằng tiếng Anh, cuối cùng thầy nhỏ giọng chỉ đủ cho tôi nghe hai chữ “Very good”. Hai chữ này gián tiếp nói cho tôi biết là mình đã đậu. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy.
-Anh làm gì mà ngồi thừ người ra vậy?
Giọng nói của Cúc kéo tôi về với thực tại. Tôi nói với Cúc, giọng không được vui.
-Em biết người đàn ông gánh thuê đó là ai không?
-Ai vậy anh?
-Thầy dạy Anh văn của anh, thời anh còn học Trung học Trần Hưng Đạo. Ông đã từng du học ở Anh mấy năm, không biết tại sao lại ra nông nỗi này.
Cúc nói.
-Anh ở tù hơn một năm, trong thời gian đó có nhiều đổi thay ở bên ngoài mà anh không biết. Bây giờ ở Việt Nam người ta học tiếng Liên Xô, tiếng Tàu, Anh ngữ là ngôn ngữ chết. Những bậc trí thức khoa bảng đã từng du học bên Anh, bên Mỹ, đều bị liệt vào thành phần do CIA Mỹ gài lại. Thân phận của họ cũng giống như sĩ quan Ngụy, còn được nhà nước cho đi gánh thuê, vác mướn như thầy của anh, là may mắn lắm rồi.
Cúc nhìn quanh rồi nhắc tôi.
-Uống cà phê đi anh, mình còn phải đi về. Em biết anh muốn gì rồi, mai em sẽ có cách giúp cho thầy của anh.
Tôi hơi ngạc nhiên.
-Anh có cảm tưởng là em đi guốc trong bụng anh.
Cúc mỉm cười.
-Nhìn gương mặt buồn buồn của anh khi nói về ông thầy là em biết rồi.
-Anh muốn giúp thầy anh chút tiền.
-Đừng có hành động điên rồ, ông ấy dám đem thân làm thuê, gánh mướn, thì ông cũng dám cho anh vài cái bạt tai. Anh không nhớ câu “Sĩ khả lục, bất khả nhục” hay sao.
Cúc trả tiền cà phê rồi nắm tay tôi kéo đi.
-Ngày mai tụi mình xuống chợ, chỗ máy xay bắp gặp thầy. Anh cứ yên tâm, chỉ cần nói cho em biết thầy của anh tên gì, mọi chuyện còn lại để em lo.
Tôi bưng ly cà phê nốc một hơi. Mới ở tù ra, cà phê sữa túi vải vẫn còn thơm lừng, ngọt lịm.
Trước khi rời khỏi quán, tôi nói to với chị Huệ, tiếng nói xuất phát tự đáy lòng.
-Cà phê ngon quá sá.
Một ngày sống trong xã hội dân sự, trôi qua trong an lành.
Buổi sáng, tôi và Cúc ở nhà ăn sáng cho đến gần tám giờ mới xong, sau đó tôi đi qua nhà bà tổ trưởng đưa cuốn sổ “nhật ký đời tôi” dày một trăm trang cho bà tổ trưởng, xin phép bà cho đi làm lao động. Khi có chữ ký rồi, tôi và Cúc dẫn chiếc xe đạp của thằng Tý ra khỏi nhà. Hôm nay tôi chở vợ đi làm vườn ở ngoài Đa Thiện. Trước khi đi, với tính lo xa, tôi hỏi Cúc.
-Để con ở nhà với chị Hai có sao không? Anh thực lòng không an tâm chút nào.
Cúc trấn an tôi.
-Anh đừng quá lo lắng, chị Hai là người rất cẩn thận, chị chăm sóc con bé còn tốt hơn em nữa. Hôm nay mình chỉ ra thăm vườn để cho anh biết mặt ông tổ trưởng và tổ phó an ninh là sếp mới của anh, nơi anh làm lao động. Còn tất cả mọi chuyện ngoài vườn đã có người lo hết rồi. Mai mốt anh ra vườn, chỉ cốt để lấy chữ ký của hai ông sếp mà thôi.
Tôi đạp xe chở Cúc dọc theo đường Phan Đình Phùng, đến ngã ba chùa, chúng tôi đẩy xe lên con dốc dài và cao cho đến tận cổng trường Bùi Thị Xuân. Bắt đầu từ đây là xuống dốc cho đến ngã năm Viện đại học. Xe đang chạy ngon trớn, bất ngờ Cúc vỗ nhẹ vào lưng tôi.
-Tụi mình đi làm vườn chớ không phải đi học đâu, anh nhớ rẽ trái theo hướng Đa Thiện, rồi chạy thêm khoảng hơn một cây số, bên phải có con đường đất, xuống dốc khoảng một cây số nữa là tới vườn của mình.
Tôi đứng nhìn mảnh vườn mà lòng ngao ngán, cỏ dại mọc đầy lối đi giữa hai luống rau, có nơi cỏ còn tốt hơn cây bắp sú. Gì chớ chuyện làm cỏ là nghề của tù cải tạo, với hơn một năm kinh nghiệm trong nghề, tôi hăng hái nói với Cúc.
-Kể từ ngày mai, anh sẽ bắt đầu dọn sạch cỏ trong vườn.
Cúc nhỏ nhẹ nói với tôi.
-Anh à, mục đích của mình là trốn chạy, mục tiêu của mình nằm bên kia bờ Thái Bình Dương. Mảnh vườn này chỉ là tấm bình phong che chở cho gia đình mình trong cơn bão dữ mà thôi. Cỏ dại nhiều hay ít không thành vấn đề.
-Em nói đúng, nhưng mà đã ra đến đây rồi thì em cũng để cho anh lăn lóc bụi đời với cây cỏ cho có vẻ nông dân chút xíu.
-Theo em nghĩ thì anh nên tìm một anh thợ máy, chuyên về động cơ nổ để học nghề. Nay mai giữa trùng dương bao la bát ngát, con tàu chở mình có bị trục trặc về máy móc, mình còn biết đường mà xoay xở.
Tôi đồng ý với Cúc, không nói thêm gì nữa.
Cúc dẫn tôi tới nhà của ông tổ phó an ninh để xin chữ ký vào sổ nhật ký của tôi. Vừa gặp ông ta, Cúc vội nói.
-Ngày mai, nhờ ông làm bớt cỏ trong vườn giúp tôi, tiền đổi công, vần công bao nhiêu cứ cho tôi biết, tôi sẽ trả đầy đủ.
Nghe Cúc nói chuyện, tôi cười thầm trong bụng, đã gọi là đổi công mà trả bằng tiền, thì ra trong Xã Hội Chủ Nghĩa người ta luồn lách, tránh chữ làm thuê, cuốc mướn.
Ông tổ phó an ninh tươi cười nói với Cúc.
-Cô khỏi lo, tôi sẽ dọn cỏ sạch sẽ.
Cúc chỉ tôi rồi nói.
-Xin giới thiệu với ông tổ phó an ninh, đây là chồng của tôi học tập cải tạo vừa được nhà nước cho về, hiện còn đang bị quản chế. Sau này, mọi thứ giấy tờ chứng thực của chồng tôi khi đi làm vườn ở đây, xin ông tổ phó giúp đỡ cho.
-Cô yên chí, có qua có lại, tôi sẽ hết lòng giúp cô.
Thấy ông tổ phó cũng thuộc hạng dễ tính, tôi lên tiếng.
-Thưa ông tổ phó, ở Đa Thiện ông có biết trung úy Ngụy tên Hoàng, đi học tập cải tạo và được nhà nước khoan hồng cho về cách đây mấy tháng trước không?
-Có phải cái ông bị cắt cổ, thọc cái ống nhựa vô để thở, đúng không?
Tôi mừng rỡ.
-Dạ đúng rồi.
Giống như bị chạm trúng chỗ ngứa, ông tổ phó an ninh xổ ra một tràng.
-Kể ra mấy tay bác sĩ Ngụy cũng giỏi thiệt, ở trong tù không có dụng cụ, không thuốc men, mà dám làm chuyện động trời như vậy, tôi cũng xin cúi đầu bái phục. Mà cậu hỏi ông Hoàng làm gì?
Sợ ông tổ phó an ninh nghi ngờ, hai tên tù Ngụy khi được thả về là tìm cách liên lạc móc nối với nhau để chống đối Cách mạng, tôi mau lẹ phân trần.
-Thưa ông, ngày xưa tôi học ngang lớp với anh Hoàng ở trường trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Tôi chỉ muốn thăm anh ấy thôi.
-Vậy hả, tôi là tổ phó an ninh, tất cả dân ở Đa Thiện này, từ làng trên cho tới xóm dưới, đều như nằm trong lòng tay của tôi. Muốn tới nhà anh Hoàng phải không? Cậu trở ngược ra đường cái, quẹo phải đi thêm một đỗi nữa tới con đường đất. Hỏi nhà anh Hoàng thì ai cũng biết.
Gặp lại anh Hoàng mà lòng không được vui, tôi biết mặc dù được gia đình chăm sóc đầy đủ suốt mấy tháng trường, nhưng sắc diện của anh vẫn vậy, vẫn ốm như ngày còn ở trong tù. Cái khác biệt duy nhất là vết mổ nơi cổ nay đã liền da, một vết sẹo không được đẹp cho mấy nằm ngay nơi cổ.
Tôi hỏi anh Hoàng.
-Khỏe không bạn?
Anh nhìn tôi với đôi mắt buồn bã, rồi quay người vào trong nhà. Anh dùng tay phải làm dấu hiệu như đang viết, thì ra anh Hoàng đã bị câm và cũng có thể điếc, sau lần giải phẩu cổ ở trong tù và không được chuyển đến bịnh viện cứu chữa. Vợ anh Hoàng, tôi đoán vậy, đem đến cho anh một tờ giấy và cây bút. Sau một hồi hí hoáy viết, anh Hoàng trao tờ giấy cho tôi. Nhìn nét chữ nguệch ngoạc không được ngay hàng thẳng lối. Tôi biết, anh bạn tôi tệ lắm cũng có hai cái bằng tú tài, không thể nào lại viết chữ như gà bươi, quạ mổ, trừ trường hợp anh bị khủng hoảng tâm lý, gây chấn động đến tinh thần. Sau và phút bút đàm với anh Hoàng, tôi cáo biệt ra về, không quên viết xuống tờ giấy mấy chữ sáo rỗng “Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe”. Tôi nói sáo rỗng vì biết rằng anh sẽ không còn sống được bao lâu nữa mà vẫn viết “chúc anh mạnh khỏe”. Thực vậy, chỉ vài tháng sau đó, tôi nhận được tin anh Hoàng đã từ giã cõi đời. Tôi biết anh ra đi trong sự đau đớn xót thương vô bờ bến của vợ con.
Trên đường về, khi Cúc đang dẫn chiếc xe đạp lên dốc, tôi lấy tờ bút đàm với anh Hoàng ra, xé bỏ những câu thăm hỏi, chuyện trò. Riêng có một hàng chữ tôi bắt buộc phải nuốt luôn vào bụng, bởi vì với hàng chữ này, tôi và anh Hoàng sẽ bị bắt vô tù cải tạo lại, thậm chí còn có thể xử bắn vì cái tội chống phá Cách mạng. Cúc thấy tôi nuốt mảnh giấy bèn hỏi.
-Tại sao anh phải nuốt tờ giấy vậy?
Tôi vói tay dẫn xe cho Cúc.
-Em muốn biết phải không? Nghe xong đừng có sợ, mấy chữ mà anh nuốt vào bụng là “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm”. Chuyện gì khác thì anh không rõ nhưng anh biết chắc một điều, anh Hoàng là một người can đảm có thừa, cương nghị và cứng rắn như một thỏi sắt.
-Tại sao anh nói vậy?
-Em nghĩ như thế nào, nếu tấm giấy đó lọt vào tay mấy tên Công An Cộng sản
Cúc với vẻ mặt lo âu.
-Anh đừng nói với em những chuyện như vậy nữa, em sợ lắm. Bây giờ mình có chuyện khác quan trọng không kém, cần phải làm.
-Chuyện gì vậy em?
-Gần một giờ rồi, anh chở em xuống chợ ăn trưa, lâu lâu mình ăn cơm bình dân một bữa, được không?
Tôi gật đầu.
-Được quá đi chớ, gì chớ chở vợ đi ăn thì anh đồng ý cả hai tay.
Tôi và Cúc mỗi người ngồi trên một cái đòn bé tí xíu, bên cạnh gánh cơm bên hông chợ.
Cúc nói với tôi.
-Sau giải phóng, nhiều gánh hàng rong xuất hiện khắp nơi, nhất là ở quanh chợ, mình ăn cơm nghe anh.
Tôi nói nhỏ vào tai Cúc mà trong lòng đầy hãnh diện.
-Em nên nhớ hơn một năm trường ở trong tù, mỗi bữa ăn của anh chỉ là một chén rưỡi cơm, ăn với muối. Giờ đây nếu được ăn cơm chan nước mắm đã là hạnh phúc lắm rồi.
Chị bán cơm đưa cho Cúc và tôi mỗi người một dĩa cơm tấm. Mới nhìn dĩa cơm tôi đã nuốt nước miếng ừng ực, cơm trắng với bốn năm lát dưa leo rải đều trên mặt, một ít bì xắt sợi nhỏ, thêm một miếng thịt heo nướng cỡ hai ngón tay, đặc biệt là chén nước mắm ngọt với những miếng ớt mong mỏng, đỏ tươi. Tôi ăn cơm mà không thấy ngon, vì đầu óc cứ lởn vởn hình ảnh mấy người bạn tù ốm đói. Cơm nước xong xuôi, sau khi trả tiền Cúc chỉ cho tôi người đàn ông với cặp kính cận trên mặt, đang đứng lớ ngớ bên kia đường, trước chỗ máy xay bắp.
-Phải thầy của anh đó không?
Tôi gật đầu.
Cúc hỏi.
-Thầy tên gì?
-Hạnh.
Cúc dặn tôi.
-Anh đi theo em, nhớ đừng nói gì hết.
Tôi lại gật đầu.
Cúc dẫn xe đạp, đi đến bên người đàn ông.
-Thưa thầy, có phải thầy là thầy Hạnh, ngày xưa dạy Anh văn ở trường Trung học Trần Hưng Đạo không?
Vẻ lúng túng hiện rõ trên khuôn mặt già nua, khắc khổ, sau một thoáng do dự, thầy nói.
-Dạ phải, tại sao cô biết tên tôi?
Cúc nói liền.
-Có một anh học trò cũ của thầy, nhờ con trao lại cho thầy chiếc xe đạp này, tuy nó hơi cũ, trầy xước tróc sơn nhưng đây là chiếc xe hiệu Peugeot của Pháp. Nó bền chắc và đắt giá gấp chục lần chiếc xe đạp sản xuất trong nước. Nếu thầy dùng chiếc xe này mà thồ hàng trăm kí gạo, con bảo đảm với thầy muôn đời không sợ hư.
Thầy Hạnh nhìn chiếc xe đạp với cặp mắt sáng rỡ sau cặp kính cận. Đưa tay sờ nắn cái tay lái, lắc qua, lắc lại, một lúc sau thầy nói.
-Tôi biết đây là một chiếc xe đạp tốt, tôi thích nó lắm, nhưng mà, thưa cô… tôi không dám nhận đâu.
Cúc hỏi với giọng đầy vẻ ngạc nhiên.
-Thầy có thể nói cho con biết, nguyên nhân tại sao thầy lại không nhận chiếc xe.
Thầy Hạnh vẫn với giọng nói điềm đạm.
-Chiếc xe quý giá như thế này mà đem cho tôi, cậu học trò của tôi lấy gì mà đi. Hơn nữa, nếu muốn cho tôi, cậu ấy phải có mặt để nhận lời cảm ơn của tôi chứ. Không có cậu học trò, chủ nhân của chiếc xe, tôi không nhận đâu.
Tôi đã đứng yên khá lâu, nghe đầy đủ những lời đối thoại giữa Cúc và thầy Hạnh. Biết không thể nào trốn được nữa, tôi bước lên.
-Thưa thầy con là Quân, học trò của thầy từ lúc con còn học đệ lục. Năm con thi tú tài hai, thầy là người trực tiếp khảo hạch thí sinh về phần thi vấn đáp môn Anh văn. Hôm qua, tình cờ thấy thầy gánh hai cái bị bột khá nặng, sẵn nhà còn dư chiếc xe đạp, vợ chồng con bàn với nhau đem tặng thầy. Hy vọng chiếc xe này sẽ giúp thầy bớt phần nào gian nan, khổ cực.
Thầy Hạnh nói.
-Từ đầu tôi đã ngờ cậu chính là người muốn cho tôi chiếc xe, nhưng tại sau cậu lại giấu mặt.
-Thưa thầy, con nói nếu có gì không phải xin thầy tha thứ. Con sợ thầy mắc cỡ với học trò cũ, khi phải đi làm những việc thấp hèn, nặng nhọc bằng tay chân để mưu sinh.
Thầy Hạnh cười, nụ cười đầy kiêu hãnh.
-Tôi có thừa can đảm đem thân làm thuê gánh mướn, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, mà không một chút hổ thẹn với lương tâm. Miễn sao đồng tiền mà tôi kiếm được phải trong sạch là tôi làm. Cậu còn thắc mắc gì về chuyện này nữa không?
Tôi đưa chiếc xe đạp cho thầy Hạnh.
-Thưa thầy con đã hiểu rõ lòng của thầy, bây giờ chắc thầy chịu nhận chiếc xe này rồi phải không?
Thầy Hạnh không nói gì, chỉ gật đầu.
Cúc lấy tờ hóa đơn mua xe đạp trong xách tay, trao cho thầy.
-Đây là giấy tờ xe, xin thầy giữ lấy.
Tôi và Cúc chào thầy rồi ra về. Trên đường đi tôi nắm tay Cúc mà lòng sung sướng, nghĩ về chị Huệ, một người bán cà phê túi vải tuy nghèo nhưng hiền từ, thật thà, một ông trung úy Ngụy tên Hoàng cho đến lúc sắp chết vẫn cố viết xuống giấy mấy chữ “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm”, một ông thầy dạy Anh văn, từng du học bên Anh, đã hiên ngang gánh thuê vác mướn để kiếm tiền mưu sinh. Những người này đã đại diện cho một nền Văn hóa Nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 4 năm 1975, Cộng sản cướp được miền Nam. Với sự suy nghĩ thiển cận của những người quen sống ở trên cây, lấy cuộc sống hái lượm làm nền tảng, chỉ thấy được giá trị của cuộc sống vật chất như đất đai, nhà cửa, xe cộ, nên họ chỉ lo chở về miền Bắc nào là xe hơi, Honda hai bánh, ti vi, tủ lạnh, quạt máy, mà quên đi khía cạnh tinh thần, quên mất cái gia tài đồ sộ và quý giá nhất của Việt Nam Cộng Hòa là nền Văn hóa Nhân bản. Việc làm này không chóng thì chầy sẽ đưa Đảng Cộng sản Việt Nam và bè lũ tay sai của họ đến chỗ diệt vong.
Con người đã có mặt trên trái đất hàng triệu năm, dân tộc Việt Nam với bề dày của bốn ngàn năm văn hiến, so với một trăm năm hay hơn thế nữa dưới ách đô hộ của Cộng sản, thì khoảng thời gian này chỉ là một giấc ngủ đầy ác mộng mà thôi.