CTBCTY Tập III chương 32
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)
Chương XXXII
Trừ khi mình có cánh
Sáng tinh mơ tôi giật mình thức giấc, không phải vì tiếng kẻng khủng bố man rợ, gõ liên hồi như muốn chọc thủng lỗ tai của tù nhân, mà là tiếng khóc của con. Tôi đưa tay qua bên cạnh, không tìm thấy vợ. Đang bối rối, không biết làm sao dỗ cho con bé ngủ tiếp, tôi đã thấy Cúc xuất hiện nơi cửa với chai sữa trên tay. Chỉ một thoáng sau, Cúc đã gọn gàng và lanh lẹ vừa cho con bú vừa nói với tôi.
-Gần tám giờ rồi, bên ngoài trời khá đẹp lại có nắng ấm, lát nữa mình ăn sáng trên sân thượng, uống cà phê ngắm cảnh Đà Lạt, tiện thể cho con phơi nắng luôn.
-Em muốn sao cũng được, mới mấy ngày trước, anh chỉ mơ một chén cơm đầy mà không được. Hôm nay có diễm phúc ngồi bên vợ con, uống cà phê ăn sáng, anh không dám đòi hỏi gì hơn đâu.
Sở dĩ tôi nói với Cúc như vậy, bởi vì tôi không tin được rằng, chỉ cần một bước, người ta có thể từ địa ngục lên đến thiên đàng. Ở trong tù tôi đã nhiều lần nằm mơ, thấy mình được về xum họp với vợ con, để rồi khi tỉnh giấc lại bàng hoàng tiếc nuối. Đối với tôi “Những gì tốt lành quá sức tưởng tượng, thường chỉ có trong mộng mà thôi”. Tôi hỏi Cúc.
-Anh đang nằm mơ phải không em?
Cúc cho con bú, miệng nói với tôi.
-Không có đâu, nhưng anh phải mau mau đi rửa mặt, chị Hai sắp mang thức ăn sáng lên rồi đó.
-Đồng ý, em bồng con lên sân thượng trước đi, anh sẽ lên liền lập tức.
Miệng thì nói vậy nhưng phải mười phút sau tôi mới lên đến sân thượng. Cúc đang ngồi mơ màng nhìn về phía Bắc, nơi có đỉnh núi Bà mù mờ trong mây, con bé nằm trong cái giường nhỏ xíu bên cạnh. Nhìn vào cái bàn trống, nghĩ đến chuyện ăn sáng, không biết tại sao tôi lại nhớ đến quán cà phê chị Huệ ở đường Phan Bội Châu. Tôi vịn hai tay vào hai vai của Cúc.
-Ước gì mình có hai khúc bánh mì chả và hai ly cà phê nóng, thì còn gì tuyệt diệu hơn.
Có thể vì quá vui, Cúc vòng hai tay, cúi đầu trịnh trọng như đang đóng phim Tàu.
-Bẩm hoàng thượng, ở trong tù cải tạo, mỗi buổi sáng hoàng thượng ăn gì thần thiếp không biết. Riêng ở trong nhà này, ngài khỏi cần ao ước làm gì cho mệt, thần thiếp đã dặn chị Hai làm theo ý của hoàng thượng rồi.
Tôi ngạc nhiên hỏi Cúc.
-Sao em biết anh muốn ăn bánh mì chả.
Cúc nhắc tôi.
-Lần đầu tiên gặp anh, tụi mình ăn sáng ở quán cà phê chị Huệ ở đường Phan Bội Châu. Anh có nhớ là anh đã gọi cho em món gì không?
Advertisement
Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời.
-Có.
Cúc nói tiếp.
-Sau đó anh bỏ em ngồi một mình trong quán, chuyện đó khiến em nhớ suốt đời. Khi anh rời khỏi quán, vì tò mò em hỏi chị Huệ và biết được thói quen của anh khi tới quán.
Tôi không ngờ những chuyện nhỏ nhặt ngày xưa của mình, Cúc lại nhớ kỹ như vậy. Muốn Cúc hiểu rõ mình hơn, tôi nói.
-Hồi đó, anh thường ăn bánh mì chả vì nó rẻ, vừa với túi tiền của mình. Nếu được chọn lựa, dại gì anh không lấy tô phở tái, chín, nạm, gầu, gân, nóng hổi, thơm ngon đầy chất bổ dưỡng.
Chị Hai bưng hai phần ăn sáng đến, đặt lên bàn rồi nói.
-Tôi bồng em bé xuống nhà chơi với ông bà.
Cúc vội vàng lên tiếng.
-Chị xuống ăn sáng với ba má tôi đi, để em bé đó, tôi muốn cho nó tắm nắng chút xíu.
Hai đứa tôi ngồi thưởng thức ly cà phê sữa nóng, thơm lừng. Trong cái không gian bao la tĩnh mịch, với bầu không khí mát mẻ trong lành, Cúc với giọng nói tràn đầy hạnh phúc.
-Theo em biết, có thể có đến bảy, tám chục ngàn sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đi tù cải tạo, tất cả đều bặt âm vô tín. Em không bao giờ ngờ, anh lại được phóng thích sớm như vậy. Anh biết có bao nhiêu người về cùng một lượt với anh không? Và tại sao anh lại được thả?
Lúng túng một chút, tôi nói.
-Chuyện anh được về có chút nghi vấn, mà chính anh cũng không biết thì làm sao anh nói cho em hiểu được.
Nói xong tôi ngồi thừ người suy nghĩ một hồi lâu, sau cùng tôi nói với Cúc.
-Anh sẽ kể lại cho em nghe thật chi ly, rành rọt từng chi tiết nhỏ, từ ngày đầu tiên, khi anh bắt đầu trình diện học tập cải tạo cho đến ngày về. Hy vọng với cái nhìn khách quan, em có thể giải thích chuyện tại sao anh được thả về sớm như vậy.
Tôi hớp một ngụm cà phê, cắn một miếng bánh mì, rồi bắt đầu câu chuyện.
-Anh gặp ông Năm bánh xèo tại Ủy ban Quân quản thành phố Đà Lạt, ông ta ngồi ngay trong văn phòng tiếp nhận sĩ quan Ngụy đi trình diện học tập cải tạo. Tên của ông Năm là Trần Chiến….., ông ta cho anh tấm hình màu chụp anh với ông ấy trước năm 1975 ….
Cúc ngồi đối diện với tôi, hai tay chống cằm, chăm chú lắng nghe.
Khi tôi kể đến đoạn, gã bộ đội tất lấy cả tiền bạc và năm trăm đô la cùng với cái đồng hồ của tôi. Cúc la lên.
-Sao kỳ vậy, em còn nhớ, em nhét dưới đáy lon gô đựng thịt ruốc đúng một ngàn đô la lận mà.
Tôi lật đật tiếp lời Cúc.
-Đúng, đúng, một ngàn đô, nhưng trước đó anh quên kể cho em nghe, là anh đã chia cho Long công tử bạn của anh năm trăm đô, anh chỉ còn giữ năm trăm thôi…..
Sau khi đã nghe đầy đủ, trọn vẹn câu chuyện ở trong tù mà tôi kể. Cúc ngồi thừ người ra như suy nghĩ, cuối cùng nàng nói.
-Em có thể đoan chắc một trăm phần trăm, anh được thả về là do báo cáo của tên Việt cộng đã đánh anh ở ban chỉ huy trại. Sau khi đã lấy hết tiền và được anh ký giấy xác nhận vật dụng của anh chỉ có một cái mền và một cái mùng. Nó đã báo cáo anh có ông cậu là Bí thư tỉnh ủy, giống như anh đã khai trong bản tự khai lý lịch. Hồ sơ của anh đã được thông qua mà không cần xác minh. Vì nếu tụi nó trực tiếp hỏi ông Năm bánh xèo, câu trả lời của ông ta sẽ là “không”. Như vậy lòi ra chuyện anh khai gian lý lịch, với cái tội đó anh sẽ là người cuối cùng bước chân ra khỏi trại tù, nói gì đến chuyện được về sớm.Và vì hồ sơ của anh tới chậm, nên tên của anh nằm trong danh sách bổ túc, gồm có mười bảy người.
Cúc ngồi trầm ngâm một lúc, hình như thấy tôi vẫn còn lo lắng, nàng trấn an tôi.
-Anh yên tâm, chuyện gì qua, nó đã qua rồi. Không có lý do gì thả anh về xong, tụi Việt cộng mới đi làm chuyện xác minh giấy tờ, để rồi sau đó lại cho người đi bắt anh trở lại.
Nghe Cúc lý luận mạch lạc, vững chắc, khiến tôi hoàn toàn tin tưởng. Chuyện đơn giản như một với một là hai, vậy mà cả tuần rồi tôi không hiểu, cứ thắc mắc hoài.
Trong lòng thanh thản, tôi hớp một ngụm cà phê, rồi giục Cúc.
-Em ăn đi, còn chờ gì nữa.
Cúc cầm miếng bánh mì lên rồi nói với tôi.
-Chuyện ở trong tù của anh, em đã hiểu khá rõ. Bây giờ đến chuyện ở bên ngoài, có nhiều việc mà anh cần phải biết. Trước hết em sẽ nói về số tiền mình hiện có, nếu không nắm chắc chuyện tài chánh trong nhà, anh lại dè sẻn, tiết kiệm không đúng chỗ. Giống như ngày đi học tập, khi biết anh chỉ đem theo có hai ngàn tiền Việt Nam Cộng Hòa, chuyện đó khiến em lo lắng cho đến khi được thăm nuôi, đưa được tiền cho anh, em mới yên tâm. Hiện tại tiền bạc mình không thiếu, số vàng và đô la em hiện giữ, gia đình mình tiêu xài vài chục năm không hết, chưa kể túi hột xoàn mà em cất trong xách tay, mỗi hột trị giá vài chục cây vàng. Tuy vậy chuyện quan trọng nhất vẫn là trương mục ngân hàng ở ngoại quốc đứng tên em. Chuyện này chỉ có em và anh biết thôi. Và, mục đích cuối cùng của mình là phải tìm cách đặt chân đến bến bờ tự do.
Nghe Cúc nói mà tôi bần thần cả người. Tôi biết trước giải phóng gia đình Cúc giàu có nức tiếng ở Sài Gòn, điều tôi không ngờ mức độ giàu của vợ mình lại kinh khủng như vậy, thảo nào, khi tôi còn ở trong tù Cúc gởi cho tôi một ngàn đô la mà coi nhẹ như hột bụi.
Thấy tôi ngồi im lặng, Cúc nói tiếp.
-Chuyện tiền bạc anh đã hiểu rõ, bây giờ em nói đến cuộc sống hiện tại. Anh đi tù được vài tháng, em đã mua một miếng đất trồng bắp sú ở Đa Thiện, mua đất để khai báo với Việt cộng là mình có đất sản xuất, nếu không sẽ bị lùa đi kinh tế mới. Miếng đất nằm cách Viện đại học Đà Lạt của mình khoảng hơn một cây số, có diện tích là ba ngàn mét vuông, người dân ở Đa Thiện gọi là ba sào. Chủ đất phải bán bớt vì miếng đất của ông ta lớn hơn một mẫu. Có lẽ ông ta sợ chuyện cải cách rộng đất ở ngoài Bắc lại tái diễn ở Miền Nam, cũng có thể ông ta sợ nay mai đất đai sẽ phải vô hợp tác xã nông nghiệp, cho nên ông ta bán bớt đi, kiếm chút tiền dằn túi cho chắc, chỉ chừa lại đúng một mẫu đất cho cả gia đình ông ta. Giấy tờ bán đất em đã đem ra cho cái đám quan chức, gọi là chính quyền Cách mạng ở Đa Thiện chứng thực và hoàn toàn hợp lệ. Nhờ miếng đất đó, mà gia đình mình không thuộc diện phải đi kinh tế mới. Anh biết không, Tà Nung là vùng kinh tế mới của Đà Lạt, nó nằm sâu trong núi, cách phi trường Cam Ly khoảng mười cây số đường rừng. Hình như Việt cộng còn lập thêm vùng kinh tế thứ hai ở Đinh Văn, nằm cách Thanh Bình, La Ba, đâu khoảng hai chục cây số nữa, trên đường đi Ban Mê Thuột. Chuyện này em không rõ lắm, chỉ nghe đồn thôi.
Nghe đến đây, tôi có chút thắc mắc nên hỏi Cúc.
-Lúc đó em đang có bầu, làm thế nào em có thể chu toàn mọi công việc, nhất là việc trồng trọt bắp sú, cần người phụ giúp.
-Anh nói đúng, em cần người giúp, đúng ra là em cần một người thân tín, có thể tin cậy được. Người đầu tiên em nghĩ đến là chị Hai. Ngày xưa, tuy chị là người giúp việc trong nhà, nhưng em coi như chị bởi vì chị là người thật thà, trung hậu, lại tứ cố vô thân. Ngày mà anh đưa em từ Đà Lạt về Sài Gòn bằng phi cơ C130 ở phi trường Cam Ly, khi biết cả nhà sẽ đi Mỹ, em cho chị Hai một số tiền, đủ mua một căn nhà bên Tân Định theo ý của chị. Khi mua miếng đất ở Đa Thiện xong, em về Sài Gòn, đưa chị Hai lên sống với gia đình mình.
Tôi ngắt lời Cúc.
-Dù có chị Hai giúp, em làm sao có thể cáng đáng công việc của một người nông dân?
Cúc cười vui vẻ.
-Chỗ này em muốn nói cho anh rõ, tuy mang tiếng là người làm vườn trồng bắp sú, nhưng hầu như tất cả mọi việc nặng nhọc như xới đất, lên luống, làm cỏ, bón phân, tưới nước, em đều mướn người phụ giúp. Sau năm 1975, khi anh đã đi học tập rồi, toàn bộ những gia đình nông dân trồng rau cải ở Đà Lạt, đều phải sống bám vào mảnh đất của họ. Nếu không tiếp tục làm vườn, họ sẽ bị chết đói. Nhà nước Việt cộng kiểm soát hầu hết những gì liên quan đến việc sản xuất rau cải. Họ bán cho nông dân một số lượng nhỏ phân bón, xăng dầu, chỉ bằng một phần ba nhu cầu nông dân cần dùng. Người dân khi làm vườn, họ phải mua thêm hai phần ba hạt giống, phân xác cá mòi, phân hóa học, thuốc trừ sâu, xăng dầu chạy máy tưới cây với giá chợ đen. Sau ba, bốn tháng làm việc đầu tắt mặt tối, đến mùa thu hoạch, ông nhà nước nhảy vô thu mua tất cả nông sản của nông dân với giá rẻ mạt. Nông dân bị chèn ép dã man tàn bạo như vậy, thiếu ăn, thiếu mặc là chuyện không thể tránh được. Đói thì đầu gối phải bò, người nông dân đành đi làm thuê, cuốc mướn, tìm thêm chút thu nhập để sống qua ngày. Em đã mướn họ làm, và trả công cho họ cao hơn những nơi khác.
Tôi hỏi.
-Làm như vậy em không sợ bị phường khóm cho mình là địa chủ, cường hào ác bá, bóc lột sức lao động của người dân hay sao?
-Anh đừng lo quá như vậy, chính ông tổ trưởng và tổ phó trong tổ sản xuất của vườn mình ở Đa Thiện, vẫn thường vui vẻ xin làm mướn cho mình với danh nghĩa là vần công, đổi công. Người dân trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa dùng mấy chữ này để thay thế cho chữ làm mướn. Giống như những người dân ở Đa Thiện, em cũng làm vườn nhưng không cần tiền, em làm vườn với mục đích khác. Trồng trọt như vậy, lỗ lã là cái chắc rồi, tuy nhiên sau những vụ mùa, mình khai với tổ dân phố đã bán cho Nông hội của nhà nước, lúc thì mười tấn, khi thì mười lăm tấn bắp sú, chuyện này đủ bảo đảm cho gia đình mình không bị ép phải đi kinh tế mới.
Cúc ngưng nói chuyện, đưa tay nựng con, thấy vậy tôi bồng con lên định hun vào đôi má phúng phính của nó, con bé hé mở mắt nhìn tôi vài giây rồi khóc ré lên. Cúc vội vàng ôm lấy con rồi nói.
-Cái ông này mặt mày dữ quá, làm con sợ phải không?
Dứt lời Cúc quay sang tôi.
-Thấy anh lạ nên con nó khóc. Hôm qua gặp anh em còn không nhận ra. Em nói như vậy để cho anh biết rằng chỉ hơn một năm ở tù, gương mặt của anh đã biến đổi nhiều như thế nào.
Tôi nói với Cúc.
-Hình dáng của anh có thay đổi, xấu xí đến đâu anh cũng không quan tâm. Chuyện anh muốn nói là sự đổi thay của xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của Cộng sản. Tù nhân trong tù, phần thể xác thì bị hành hạ, ngày ngày phải đi làm lao động khổ sai, cơm không đủ ăn, áo không có mà mặc, còn phần tinh thần thì bị gán cho hai chữ Ngụy quân, có tội với nhân dân, phản bội Tổ Quốc, sống dưới sự kiểm soát của quản giáo và vệ binh. Chuyện tưởng chỉ có trong tù, nào ngờ người dân sống ngoài trại tù cũng khổ như vậy, cũng tối ngày đầu tắt mặt tối, lam lũ kiếm miếng ăn, rau cải trồng được thì bị nhà nước thu mua. Đời sống tinh thần thì bị tổ trưởng, tổ phó, tổ phó an ninh cùng công an khu vực áp bức, đè nén, nay bắt đi thủy lợi, mai cướp nhà đuổi đi kinh tế mới. Xét như vậy thì người dân sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa có khác gì ở trong tù đâu.
Cúc tiếp lời tôi.
-Có khác mà anh không thấy thôi, nhà tù dùng để nhốt dân, nó to lớn hơn cái tù giam sĩ quan Ngụy. Nói một cách đơn giản nó là cái nhà tù bao trùm lên tất cả dải đất hình chữ S. Khác nhau là ở chỗ đó.
Tôi hớp một ngụm cà phê rồi nói tiếp với Cúc.
-Em nói đúng, mục đích cuối cùng của mình là phải đem con lánh xa Cộng sản, tránh xa cái Xã Hội Chủ Nghĩa man rợ này, càng sớm càng tốt. Nhưng mà hiện tại cả gia đình mình kẹt trên cái đỉnh núi này, làm sao trốn được.
Tôi nhìn Cúc rồi chắt lưỡi.
-Trừ khi mình có cánh.