CTBCTY Tập III chương 28
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)
Chương XXVIII
Thằng Bờm có cái quạt mo
Đúng như lời quản giáo Thành nói với tôi và Sơn Fulro ở hội trường. Ba ngày sau, toàn trại B trung úy được tập họp theo từng khối để nghe thông báo quan trọng. Anh quản giáo với vẻ mặt nghiêm nghị nói.
-Tôi xin báo cáo với các anh một tin đầy hồ hởi phấn khởi, về lịch trình học tập trong hơn hai tháng sắp tới.
Đây là một tin vui khiến mọi người nghe qua đều hớn hở ra mặt, vì nghĩ rằng có học thì sẽ có thả về. Những chữ mới của Việt cộng, như hồ hởi phấn khởi, bọn tù chúng tôi lúc mới nghe lần đầu đều bị dị ứng như phong ngứa nổi lên khắp người. Một anh bạn tính tình xuề xòa nói nhỏ với bạn bè.
-Nghe riết rồi cũng quen thôi mà. Bọn mình đang ở trong rọ, đi với ma thì cứ hồ hởi phấn khởi mặc cái áo giấy. Đợi khi có cơ hội mình cởi bỏ, vứt đi mấy hồi.
Buổi học đầu tiên được tổ chức thật là hoành tráng, hội trường với biểu ngữ do Sơn Fulro và tôi làm được treo cùng khắp, khoảng bảy trăm tù trung úy Ngụy xếp hàng ngay ngắn trong hội trường, khối nào theo khối nấy. Tất cả đều đứng im phăng phắc để chào đón phái đoàn mà tôi đoán là ban giảng huấn.
Sau khi giới thiệu tên của mấy giảng viên và quản giáo. Chỗ này tôi muốn giải thích thêm một chút, tên và việc làm của mấy ông Việt cộng nghe cứ từa tựa như chuyện Phong thần của Tàu. Không Bế văn Đàn lấy thân làm giá súng, thì cũng Phan đình Giót đem thân mình lấp lỗ châu mai, không Lê văn Tám làm ngọn đuốc sống đốt cây xăng của Pháp, thì cũng như Nguyễn thành Trung, ông này làm gì tôi không biết. Những việc làm của họ cũng như những cái tên như vậy, bọn Ngụy chúng tôi nghe xong cứ coi như nghe chú cuội kể chuyện.
Trên bục gỗ một ông Việt cộng tựa như là có cấp bậc cao nhất trong ban giảng huấn, tách khỏi hàng tiến về phía trước, trịnh trọng nói.
-Hôm nay các anh thực sự bắt đầu bước vào học tập để trở thành con người mới, con người Xã Hội Chủ Nghĩa. Chương trình học gồm có mười bài, mỗi bài sẽ học trong một tuần, bài thứ nhất “Đế quốc Mỹ xâm lược, tên sen đầm quốc tế”, và những tuần lễ kế tiếp sẽ có thêm chín bài nữa. Mỗi bài học các anh sẽ được nghe giảng ở hội trường một ngày, sau đó có hai ngày ở tại tổ viết bài thu hoạch và tự kiểm điểm liên hệ tội lỗi của mình với bài học, ba ngày cuối là tuần tự từng cá nhân đọc bản kiểm điểm của mình trước tổ. Mọi người trong tổ có bổn phận giúp cho người đọc thấu hiểu rõ ràng tội lỗi của mình. Các anh cũng có bổn phận phải vạch rõ những sai trái của bạn mình trong thời gian làm lính Ngụy, đã theo lệnh của đế quốc Mỹ chống lại nhân dân, phản bội Tổ quốc.
Tôi cùng những ông trung úy Ngụy ngồi trong hội trường, nghe ông cán bộ Việt cộng nói việc chúng tôi cầm súng chống lại đảng Cộng sản cướp nước là “Phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân” nghe cứ ngang như cua. Với tôi, chuyện hai thằng ăn cướp đánh nhau, được làm vua thua phải ở tù điều đó hoàn toàn đúng, thế nhưng chúng tôi là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ quê hương, chống lại cái đảng cướp tên là Cộng sản, câu nói trên không thể áp dụng cho chúng tôi được. Đảng Cộng sản chụp cho chúng tôi cái mũ phản quốc thì đó là hành động của kẻ vừa đánh trống vừa ăn cướp. Biết như vậy nhưng chúng tôi không thể phản đối, vì họng súng AK lúc nào cũng chỉa thẳng vào đầu của chúng tôi. Bao lâu, người dân còn oằn mình mang gông vào cổ thì chuyện bóp méo sự thật, bẽ cong chân lý, vẫn còn trơ ra đó.
5 giờ chiều, một ngày nghe giảng ở hội trường chấm dứt, bọn tù chúng tôi lục đục kéo nhau về.
Sang đến ngày học tập thứ hai và thứ ba, chúng tôi được tự do ngồi ngay tại phòng ngủ của mình, khai lại lý lịch ba đời cùng mọi tội lỗi từ lúc bắt đầu cầm súng của đế quốc Mỹ chống phá Cách mạng, cho đến ngày 30 tháng 4. Bọn tù nhân chúng tôi được Cách mạng phát giấy bút và mực cửu long, ngòi bút là ngòi lá tre hay ngòi bắp chuối, mà cách đây khoảng hai chục năm tụi tôi dùng khi còn học lớp năm hoặc lớp tư ở bậc tiểu học. Những ngòi bút ấy tưởng đã biến mất hoặc nằm trong viện bảo tàng, bây giờ không biết tại sao Cách mạng vẫn còn dùng và cấp phát cho chúng tôi. Tôi lặng người nhìn cái ngòi bút lá tre mà lòng đầy thương cảm, nhớ lại cái thuở xa xưa, nhớ ngày đầu tiên cắp sách đến trường rồi bất giác đọc “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều” chưa kịp đọc tiếp thì đã nghe nhiều người trong tổ nối theo “và trên không có những đám mây bàng bạc…” Vì mơ màng như vậy nên khi Việt cộng cho hai ngày để khai lý lịch và tội lỗi, mới nghe qua tưởng là dễ dàng, ngon ăn, thế nhưng khi bắt đầu viết mới thấy khó khăn
Những năm mà chiến tranh Việt Nam leo thang đến tột đỉnh, mùa hè đỏ lửa năm 1972 với những trận đánh hủy diệt kinh hoàng ở An Lộc, Bình Long, Pleiku, Kontum rồi cổ thành Quảng Trị. Với bảy năm lính, tôi chỉ ở một đơn vị và may mắn là lính văn phòng chưa một lần cầm súng bắn nhau với Việt cộng. Cái may mắn này giúp tôi an tâm rất nhiều. Trong khi tôi ung dung nhàn nhã khai báo tội lỗi, thì mấy ông bạn cùng tổ của tôi ở những đơn vị tác chiến phải ngồi cắn bút nhớ lại những chi tiết vụn vặt, nhỏ nhặt, từ ngày vào lính cho đến khi vào tù, đã phục vụ bao nhiêu đơn vị, đụng trận với Việt cộng bao nhiêu lần, tại đâu, có bao nhiêu Việt cộng chết và bị thương.Tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ họ phải ghi vào bản kiểm điểm, và coi đó là phần tội lỗi của mình, khi đã xong phần viết, tiếp đến ba ngày cuối cùng mỗi người có nửa giờ đứng đọc bản thu hoạch của mình trước tổ, và nửa giờ để mọi người góp ý, xây dựng, bổ túc phần thiếu sót dưới sự kiểm soát của quản giáo.
Người đầu tiên đọc kiểm điểm là một trung úy đại đội trưởng thuộc sư đoàn 23, anh ta cầm tờ giấy từ tốn đọc to phần lý lịch, rồi bài học đế quốc Mỹ xâm lược, sau cùng là phần liên hệ tội lỗi của mình. Anh ta đọc kiểm điểm và được mọi người trong tổ giúp đỡ, bài của anh được toàn tổ thông qua với sự đồng ý của quản giáo. Lý do bài viết nhận tội, anh đã khai rõ đụng trận với chiến sĩ Cách mạng mấy chục lần, cùng con số thương vong của cán binh Cộng sản trong những trận ấy.
Người kế tiếp là tôi, sở dĩ tôi được đọc thứ hai, là vì căn cứ theo chỗ ngủ xếp cá hộp trên những tấm vỉ sắt PSP, tính từ cửa trước đi vào. Tờ kiểm điểm của tôi khá đơn giản so với anh bạn đọc trước, trong phần liên hệ tội lỗi tôi ghi ngắn gọn. “Từ ngày ra trường tháng 3 năm 1969, cho đến 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị của tôi là Trường Võ Bị Đà Lạt, vì là lính văn phòng nên tôi chưa bao giờ bắn một viên đạn, ngoại trừ khi tập bắn ở Quân trường Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức. Chuyện bắn giết chiến sĩ Cách mạng, tôi không có tham dự thậm chí chưa bao giờ thấy mặt chiến sĩ Cách mạng luôn.” Đọc xong tôi đứng chờ đợi phần giúp đỡ của toàn tổ. Trong lòng tôi tin tưởng mình hoàn toàn vô tội, và bài kiểm điểm sẽ được mọi người đồng ý cho qua vì chuyện quá rõ ràng. Đúng như tôi dự đoán, mọi người trong tổ đều đồng ý cho thông qua. Tôi chưa kịp mừng thì quản giáo đã vội lên tiếng.
-Anh Nguyễn trọng Quân chưa thông suốt chủ trương và đường lối của Đảng và nhà nước ta. Một ngày đi lính cho Ngụy, là đã mang tội với nhân dân với Cách mạng rồi. Anh Quân ở trong quân đội Ngụy bảy năm, mang hàm trung úy, lãnh không biết bao nhiêu là bổng lộc của Ngụy quyền. Anh có biết tiền mà bọn Ngụy phát cho anh, ở đâu mà có không? Đó là tiền mà bọn lãnh đạo của Ngụy đã bán đất đai của ông cha để lại cho đế quốc Mỹ, ăn cướp tiền thuế của nhân dân, đem chia cho Ngụy quân các anh.
Tôi nghe quản giáo nói mà chết điếng trong lòng, dù biết rằng, những lời nói của ông ta chỉ là những lời xảo ngôn, thế nhưng bên cạnh những lời nói đó có kèm theo cái án học tập cải tạo mút mùa. Nếu muốn sống để trở về, tôi phải im lặng chấp nhận cái chân lý của kẻ thắng trận.
Thấy tôi đứng im lặng, quản giáo nói tiếp.
-Tội lỗi của anh là đã tiếp tay với bọn lãnh đạo của Ngụy đánh phá Cách mạng, cản bước tiến xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam, bọn Ngụy các anh đã kéo nước Việt Nam đi thụt lùi hàng thế kỷ. Và còn nhiều tội lỗi nữa mà anh phải tự suy nghĩ. Phải tự nhận biết những sai lầm của mình mới mong học tập tiến bộ được. Tội của Ngụy quân các anh cho dù có lấy trúc ở Nam Sơn cũng ghi không hết tội, lấy nước biển Đông Hải rửa cũng không sạch mùi. Tối nay sau giờ họp tổ, anh ra nhà sau viết lại bản thu hoạch, phải thành khẩn khai báo mọi tội lỗi của mình cho đến khi đạt yêu cầu của Cách mạng đề ra mới thôi. Bản thu hoạch của anh sẽ được đọc sau cùng.
Dứt lời, ông quản giáo nhìn anh tổ trưởng rồi ra lệnh.
-Anh có thể cho tiếp tục buổi sinh hoạt.
Tôi ngồi nghe những anh bạn kế tiếp đọc bản kiểm điểm mà lòng đầy lo âu, không biết phải nhận tội như thế nào mới gọi là đạt yêu cầu. Theo lời quản giáo thì một ngày bận áo lính Ngụy, là đã mang tội với Tổ quốc rồi. Thôi thì cố gắng nghe những anh bạn được thông qua, mình ráng cóp cho giống họ là được. Suốt mười tuần lễ học tập, mỗi bài có một sức ép khác nhau, đè nặng lên đầu tù nhân. Sức ép ngày một tăng, cho đến khi tù nhân có cảm tưởng rằng mình đã thật sự gây nên tội lỗi với nhân dân, với Tổ quốc. Thấy được lỗi lầm rồi ghi vào bản tự khai, đó là mục đích yêu cầu mà tù nhân phải nhớ rõ.
Mười tuần lễ học tập rồi cũng qua đi, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ là khoảng đầu tháng sáu của năm 1976, còn vài tuần lễ nữa là tôi đã ở tù được một năm. Sau đợt học tập, cuộc sống của tù nhân bắt đầu trở lại với những sinh hoạt bình thường, sáng vác cuốc đi tối vác về, cuốc nhiều hay ít, trưa đến cũng chỉ chén rưỡi cơm mà thôi.
Khi lao động ở bên ngoài trại, thường thì mỗi khối có bốn vệ binh đi theo canh gác, những người vệ binh này luôn giữ khoảng cách an toàn rất xa, không để cho tù nhân dễ dàng cướp súng, nhưng lại rất gần trong tầm của súng AK. Buổi trưa, khi tôi đang ngồi thưởng thức nắm cơm nguội, từ xa hai anh vệ binh đi về phía chúng tôi, họ hỏi hết người này đến người nọ rồi theo hướng chỉ dẫn của một anh bạn tù, cả hai đi thẳng đến trước mặt tôi. Một trong hai người nhìn vào tờ giấy đang cầm trên tay rồi hỏi.
-Anh là Nguyễn trọng Quân phải không?
Tôi linh cảm có chuyện không hay, nhưng không kịp có thì giờ suy nghĩ, vội vàng trả lời.
-Phải.
Anh vệ binh đưa tay ra dấu.
-Anh theo chúng tôi.
Tôi nhét vội chút cơm còn lại vô miệng, vừa nhai vừa đứng lên đi theo hai anh vệ binh. Họ dẫn tôi đi quanh co, tạt ngang, chẻ dọc, cuối cùng hướng về doanh trại của bộ đội, bên ngoài của trại tù, tôi hoàn toàn không biết gì huống chi đi vào doanh trại của họ. Từ đây thêm khoảng 5 phút lội bộ, chúng tôi đến một khu nhà nằm cách khá xa doanh trại, hai người vệ binh dẫn tôi vào một căn nhà gỗ mái lợp tôn trông cũng khá khang trang, rồi đóng cửa lại. Vừa mới ở ngoài nắng, bị đưa vào một nơi không có ánh sáng, mắt của tôi chưa quen với bóng tối, phải chừng vài phút sau tôi mới tạm thấy rõ mọi nơi. Căn phòng trống rỗng chỉ có một cái bàn và hai cái ghế, nơi góc phòng có một cái chõng tre, giữa phòng hai ông bộ đội đang ngồi hút thuốc lào. Một ông nhìn tôi rồi hỏi với giọng chắc nịch đầy uy quyền.
-Nguyễn trọng Quân phải không?
Tôi hơi chột dạ vội vàng trả lời.
-Thưa phải.
Giọng nói của ông ta gắt lên.
-Mày quen thế nào với thằng Long?
Tôi nghĩ ngay đến Long công tử, và tin rằng bạn mình đã trốn trại nên nói.
-Thưa, anh muốn nói đến Long công tử, phải không?
Tôi vừa dứt lời thì ba, bốn cái đấm liên tục nện vào đầu, mặt, mũi của tôi rồi thì đá đạp liên hồi, tôi té lăn quay, nằm dài dưới đất, tiếp theo là vài cái giậm mạnh lên mình, tôi mơ hồ nghe tiếng chửi thề.
-Mẹ bố mày, tao đâu có hỏi thằng công tử nào đâu mà mày nói công với tử.
Dứt lời, hắn tiếp thêm mấy cú đá vô ba sườn của tôi như muốn trút tất cả giận dữ lên người tôi. Nắm cơm tôi vừa ăn lúc nãy ộc ra khỏi miệng, tạo thành một vũng nhỏ bầy nhầy trên mặt đất, với những hạt cơm chưa được tiêu hóa trộn lẩn với chút nước sền sệt màu vàng, một mùi chua lợm giọng bốc lên. Sức chịu đựng của tôi đến đây là hết, tôi sợ đến vãi đái trong quần, nên tìm cách nói thế nào cho họ đừng đánh. Chút lý trí mù mờ trong đầu nói với tôi, chỉ có một cách là nói láo. Trước khi ngất đi hình ảnh ông bán bánh xèo vụt hiện về trong đầu, tôi cố sức thều thào nói.
-Đừng đánh nữa, tôi là con cháu gia đình Cách mạng. Cậu của tôi hiện là…
Tôi hơi ngập ngừng vì không biết chức vụ của ông Năm bánh xèo, cuối cùng tôi nói đại.
-Bí thư tỉnh ủy Đà Lạt.
Dứt lời tôi mê đi không còn biết gì nữa. Không biết tôi đã thiếp đi bao lâu, khi tỉnh dậy, mọi người đã đi đâu hết rồi, chỉ còn một người bộ đội đang ngồi bó gối nơi ghế, tay ôm lấy chân, tay gõ nhẹ lên mặt bàn, miệng hát nho nhỏ “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn”.
Thấy tôi cựa quậy, mở mắt nhìn, ông ta hỏi.
-Lúc nãy mày nói cái gì?
Tôi cố nhớ lại tất cả diễn tiến trước khi bị bất tỉnh. Phải rồi nếu muốn không bị đánh, phải nói láo, trót phóng lao thì phải theo lao, tôi mạnh dạn nói.
-Thưa anh, cậu tôi hiện là Bí thư tỉnh ủy Đà Lạt.
Gã bộ đội đổi thái độ, hỏi lại với giọng bớt vẻ cộc cằn.
-Anh nói gì? Cậu anh là bí thư tỉnh ủy?
-Thưa phải.
-Tên ông ấy là gì?
-Thưa anh, tên là Trần Chiến.
Gã bộ đội nhìn vào tờ giấy để trên bàn.
-Anh khai láo với tôi, phải không? Có thân nhân theo Cách mạng, tại sao trước đây anh không khai trong tờ khai lý lịch.
Lúc bấy giờ tự nhiên đầu óc tôi sáng suốt một cách lạ lùng, tôi thản nhiên nói.
-Thưa anh, tôi là trung úy Ngụy quân, tôi sợ rằng khai ra sẽ liên lụy đến sự nghiệp Cách mạng của cậu tôi.
Cuộc đối thoại bây giờ đã trở nên nhẹ nhàng, gã bộ đội nói, giọng nói nhỏ lại.
-Anh quen thế nào với trung úy Long, người Sài Gòn ở khối Bình Thuận.
Tôi trả lời anh ta.
-Thưa anh, tụi tôi là bạn cùng chung một khóa sĩ quan ở Trường Bộ BinhThủ Đức.
-Một khóa có nhiều người, tại sao anh lại quen với hắn?
-Tại vì, chúng tôi cùng chung một trung đội, giường ngủ của tôi và Long kế nhau.
Gã bộ đội đưa tay gãi cằm, mắt nhìn lên trời.
-Thân nhỉ, thế thì anh có biết nhà hắn ở Khánh Hội không?
Tới đây tôi đã đoán ra mọi chuyện. Long công tử đã trốn trại thành công, cho nên gã cán bộ Việt cộng muốn khai thác thêm nơi tôi về tin tức của Long công tử. Trong lòng mừng cho bạn, tôi nói.
-Tôi chỉ quen Long ở quân trường, không biết nhà của nó ở đâu. Tôi chỉ nhớ, ngày xưa Long có nói với tôi là nhà nó ở Khánh Hội.
Gã bộ đội nói.
-Chuyện tên Long, tôi tạm tin lời anh, còn chuyện cậu của anh là bí thư tỉnh ủy, tôi sẽ cho người lên Đà Lạt xác minh lại, hiện tại anh có gì chứng minh cho lời khai của mình không?
Tôi nói không suy nghĩ.
-Tôi có tấm hình mà tôi chụp chung với ông cậu của tôi, để trong xách tay ở bên trại.
Vừa nghe tôi nó xong, gã bộ đội đứng lên rồi nói.
-Được rồi anh nghỉ đi.
Dứt lời, gã biến mất sau cánh cửa gỗ duy nhất trong phòng. Còn lại một mình, lúc này tôi mới thấy đau nhức cả thân mình, toàn thân của tôi chỗ nào cũng ê ẩm, đụng tới đâu, đau tới đó. Tôi đưa tay sờ nắn khắp mọi nơi với hy vọng là không bị gãy xương, chuyện gì chứ gãy xương ở trong tù thì chỉ có chết. Sau một hồi xoa bóp, cử động chân tay, tất cả đều hoạt động bình thường. Trong lòng mừng thầm, tôi nhắm mắt rồi ngủ quên luôn.
Mãi cho đến khi tôi thức giấc, ngọn đèn điện vàng hoe treo giữa phòng đã bật sáng tự lúc nào, tỏa chút ánh sáng mù mờ yếu ớt lên khắp căn phòng.Tôi biết bây giờ là từ khoảng 7 giờ cho tới 10 giờ đêm, vì đây là giờ mà máy phát điện riêng của trại tù Sông Mao chạy. Trong cái im vắng của đêm đen, tôi chợt nghe vài tiếng động vang lên, rồi cánh cửa của căn phòng bỗng mở rộng, gã bộ đội bước vào, một tay cầm đèn pin, tay kia nắm cái xách tay của tôi, hắn thong thả để xuống bàn rồi nói.
-Cái xách tay này của anh, phải không?
Tôi gật đầu.
-Thưa phải.
Gã bộ đội lục trong xách, lấy ra tấm hình mà tôi chụp chung với ông bánh xèo đưa lên. Gã nhìn tấm hình rồi nói.
-Tấm hình màu này cậu cháu nhà anh chụp ở đâu mà đẹp thế, nhất là anh mặc bộ đồ vàng của Ngụy, trông cứ như là ông tướng.
Vì muốn lấy lòng gã bộ đội, tôi tiếp lời.
-Thưa anh, tướng cướp thì có.
Gã bộ đội lật ra mặt sau tấm hình, lẩm bẩm đọc.
-Trần Chiến.
Quay nhìn tôi, ông ta hất hàm.
-Cậu của anh tên là Trần Chiến?
-Dạ phải.
Nói xong tôi mới nhớ lại tấm hình được tôi kẹp vào giữa xấp tiền đô la và tiền mới, thêm cái “đồng hồ hai cửa sổ”, tất cả được gói gọn trong một bao ni lông, nhét ở đáy của túi xách. Gã bộ đội ngồi chống tay lên cằm, vẻ mặt đăm chiêu tư lự.
-Theo tin tức tình báo mà chúng tôi được biết, trước khi bọn Mỹ Ngụy tháo chạy, tình báo CIA của Mỹ có gài lại một số mật báo viên, bọn người phản quốc này làm việc cho CIA được trả lương bằng tiền mới của nhà nước ta, thậm chí còn có cả đô la nữa. Chúng tôi đang điều tra trong trại tù này, nếu tìm ra bọn tình báo làm cho đế quốc Mỹ, hắn sẽ bị Cách mạng thẳng tay trừng trị, khó lòng mà thoát khỏi cái án tử hình.
Nghe gã bộ đội nói tôi chợt hiểu ra, và một nỗi lo sợ bỗng đâu ập đến, càng nghe gã nói mồ hôi của tôi càng đổ ra mỗi lúc một nhiều. Cái án tử hình khiến tôi cảm thấy lạnh cả người. Trên đời không có cái ngu nào giống cái ngu nào. Ngay từ đầu, nếu tôi nói có liên hệ với Long thì mọi chuyện đã êm xuôi.Vì khi Long công tử trốn trại, tôi chỉ bị nhốt conex vài tuần, còn nếu nặng lắm cũng chỉ vài tháng. Khi khai láo là tôi có ông cậu là bí thư tỉnh ủy, tôi quên mất số tiền năm trăm đô la cùng với mấy trăm tiền mới, để chung với tấm hình. Giờ đây số tiền đó là chứng cớ để buộc tội tôi có làm việc cho CIA. Thú thật tôi chỉ muốn van xin gã bộ đội cho tôi khai báo lại cho đúng. Nhưng mà nghĩ cho cùng, nếu khai đúng nguồn gốc của số tiền đô la lại liên hệ tới vợ tôi ở Đà Lạt. Khi nhớ đến vợ, bỗng dưng hai hàng nước mắt của tôi đua nhau lăn dài trên má. Thấy tôi khóc, gã bộ đội đẩy nhẹ cái xách tay về phía tôi. Ông ta nói với giọng nói chắc nịch.
-Anh hãy nghe cho kỹ, tôi đã kiểm soát trong xách tay của anh, chỉ thấy một cái mùng, một cái mền vải mỏng nhẹ và một tấm hình, ngoài những thứ đó ra, không có gì khác, không tiền, không đô la, không đồng hồ. Đúng không?
Nghe gã bộ đội nói mà tôi mừng như vừa chết đi sống lại, người cứ nhẹ như đang đi trên mây. Bị tuyên án tử hình rồi lại được cho trắng án, còn gì mừng hơn. Phải rồi, tôi không có gì cả, không có gì hết cả.
Tôi nói to.
-Thưa cán bộ, trong xách tay của tôi chỉ có một cái mền, một cái mùng, ngoài những thứ đó ra không có gì khác.
Gã bộ đội đưa cho tôi một xấp giấy, với giọng nói hết sức là hiền từ.
-Anh ngồi viết bản tự khai, nhớ viết cho đúng những gì anh vừa nói, vì đây là bằng chứng xác nhận là anh vô tội. Khi xong, anh ký vào và đưa cho tôi.
Tôi run tay nhận xấp giấy với cây bút và bắt đầu viết, gã bộ đội mở cửa đi ra ngoài. Nửa giờ sau, khi tôi viết xong bản tự khai, gã bộ đội cũng trở lại với một tô cơm đầy vun có ngọn. Sau khi đọc xong tờ tự khai của tôi, một nụ cười tươi tắn nở trên môi gã bộ đội.
-Anh đói lắm rồi phải không? Ăn cơm đi, trong cơm có cả cá kho nữa đấy, tối nay anh ngủ tại đây trên cái chõng tre ở góc phòng, ngày mai tôi sẽ cho người đưa anh về trại.
Gần một năm rồi, hôm nay tôi mới được thoải mái ăn một tô cơm đầy vun như ngọn núi. Tôi ăn cơm nhưng mắt liếc nhìn gã bộ đội với gương mặt sáng rỡ, tươi rói, giống hệt như cái lão phú ông trong chuyện thằng bờm, với cái triết lý hiện thực chủ nghĩa mà lòng đầy sung sướng. Đang ở tù mới thoát khỏi án tử hình, lại được ung dung ngồi thưởng thức một tô cơm to bự với cá kho thì còn gì hạnh phúc hơn. Thì ra cái triết lý đơn sơ giản dị như vậy, cho đến hôm nay tôi mới thấm nhuần. Tôi và một miếng cơm đầy miệng, gắp thêm miếng cá nho nhỏ, rồi chầm chậm nhai, vừa nhai vừa thưởng thức vị ngọt của cơm trắng trộn với chút mằn mặn của cá kho, thêm mùi thơm của nước mắm, của cá, mà cả năm rồi tôi chưa được ngửi. Hạnh phúc là đây, cần gì phải đi tìm ở đâu xa xôi cho mệt. Tôi nhìn gã bộ đội một lần nữa, rồi nghĩ đến câu cuối của bài đồng dao mà trẻ con vẫn thường hay hát khi chơi đùa trên hè phố “Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười”. Người đời vẫn thường hay thắc mắc về tiếng cười của thằng bờm. Riêng tôi, tôi tin rằng đó là nụ cười vui vẻ chấp thuận, chứ không phải cái cười chê õng chê eo vì một sự trao đổi bất tương xứng.