CTBCTY – Tập I – Chương 6
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU (Huy Văn Trương)
Chương VI
Cũng toan, tính toán với tình
Tôi đang chăm chú ôn bài cho kỳ thi sắp tới, nên không biết Thiếu tá Hưng trưởng Phòng hành quân bước vào.
-Trung úy làm gì đó?
Khi nghe tiếng nói của ông, tôi mới giật mình.
-Thưa thiếu tá, tôi đang học bài.
Thiếu tá Hưng kéo ghế ngồi đổi diện với tôi, rồi nói:
-Gốc của trung úy cũng bự dữ.
-Thưa thiếu tá, tôi không hiểu ông nói gì.
-Về trường Võ Bị, làm ở khối tham mưu không có gốc, không chạy chọt làm sao về được.
-Thưa thiếu tá, ngày còn học ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, với bài trắc nghiệm định hướng không biết tôi làm như thế nào mà khi ra trường được đưa về Trường Võ Bị Đà Lạt. Chuyện đó, tôi hoàn toàn không biết được.
-Gia đình trung úy ở đâu.
-Dạ Đà Lạt.
-Ba trung úy ở trong quân đội?
-Thưa không, ba tôi là thợ mộc.
-Chắc trung úy có bà con làm lớn trong quân đội?
-Thưa không.
-Như vậy, gia đình trung úy quen biết thế nào với Đại tá Tham mưu trưởng.
-Ba tôi là thợ mộc, làm sao quen với Đại tá Tham mưu trưởng được.
-Có chuyện hơi lạ, tao không hiểu được.
-Chuyện gì vậy, thiếu tá?
Thiếu tá Hưng lắc đầu, đưa hai tay lên trời rồi ông móc trong túi ra tấm giấy.
-Đây là tờ giấy phép bảy ngày, cấp cho Trung úy Nguyễn Trọng Quân với chữ ký của Đại tá Tham mưu trưởng.
Tôi như từ trên trời rót xuống.
-Thưa thiếu tá, nếu tôi muốn xin nghỉ phép phải làm đơn chuyển theo hệ thống quân giai, đơn của tôi phải qua ý kiến của thiếu tá. Tôi đâu có làm đơn xin nghỉ phép.
-Tao cũng nghĩ như vậy, nhưng tại sao lại có tờ giấy phép này?
Tôi góp ý với ông:
-Hay là phòng nhân viên làm lộn. Thiếu tá trình với Đại tá Tham mưu trưởng coi lại đi, lộn là cái chắc.
Thiếu tá Hưng cười hớn hở.
-Chú mày có lý, để tao đi hỏi lại.
Tôi để ý, hình như ở trong trường chỉ có một mình Thiếu tá Hưng thường xưng hô mày tao với tôi. Tôi vừa tiếp tục ôn bài vừa lẩm bẩm, lâu lâu cũng phải có lầm lẫn, điều chỉnh mấy hồi.
Chừng mười lăm phút sau, Thiếu tá Hưng bước vào phòng với gương mặt không được vui cho lắm.
-Tao vừa gặp Đại tá Tham mưu trưởng, ổng nhìn tờ giấp phép rồi gằn giọng khiến tao muốn chết đứng “Đúng rồi, tôi ký tờ giấy phép đó”.
Thiếu tá Hưng nói mà như là năn nỉ tôi:
-Chú mày làm ơn đi phép giùm tao, đừng có lôi thôi hỏi tới, hỏi lui. Mày càng hỏi nhiều, tao càng dễ có cơ hội ôm ba lô ra Quảng Trị phòng thủ Cổ thành. Quân đội mà mày, thi hành trước, khiếu nại sau.
Tôi cầm tờ giấy phép rồi nói:
-Thưa thiếu tá, đang làm việc mà bỏ ngang, ai trực hành quân thay tôi?
-Chuyện đó tao lo, chuyện chú mày bây giờ là đi phép.
Đang làm việc bị đi phép, không biết làm gì tôi bèn về cư xá để thay đồ rồi lên Viện đại học. Gần bảy giờ tối tôi mới trở lại cư xá sĩ quan, ba tôi đã đợi ở đó từ lúc nào, gương mặt ông có vẻ giận dữ.
-Con đi đâu mà bây giờ mới về?
-Con đi học.
Khi nghe tôi nói đến hai chữ đi học gương mặt ông liền đổi sắc.
-Vậy hả, ba đâu có biết.
Tôi vừa mở cửa phòng vừa hỏi ba tôi.
-Ba tìm con làm gì?
-Ba có chuyện quan trọng muốn nói với con.
-Ba ăn cơm chưa?
-Chưa.
-Vậy ba với con ra quán bánh xèo, vừa ăn vừa nói chuyện được không?
Sau khi cất sách vở, tôi cùng ba tôi đi bộ ra khu Hòa Bình, quẹo xuống ngã ba đường Minh Mạng và Tăng Bạt Hổ, nơi có quán bánh xèo bình dân, nằm bên hông của một tiệm bán đồ sắt. Đây là quán bánh xèo ngon nổi tiếng của Đà Lạt.
Ông chủ quán bánh xèo tên Năm, vui vẻ hỏi tôi:
-Trung úy mạnh giỏi.
Tôi trả lời:
-Quá mạnh giỏi, còn chú Năm khỏe không?
-Không khỏe làm sao đổ bánh xèo cho trung úy ăn.
Quay sang nhìn ba tôi, chú Năm hỏi:
-Bác đây là gì của trung úy?
-Ba tôi đó chú Năm.
-Hèn gì trông giống trung úy quá sức. Bác với trung úy ăn bánh lớn hay nhỏ.
Tôi nói:
-Bánh lớn.
Chú Năm nói với ba tôi:
-Ông bác thật là có phúc, trung úy đây trẻ tuổi, lại làm ở Trường Võ Bị. Suốt đời, tôi chỉ ao ước được vô thăm trường một lần cho thỏa chí mà không được.
Tôi vỗ vai chú Năm.
-Hôm nào Võ Bị có lễ mãn khóa, tôi sẽ mời chú vô trường.
Chú Năm cười khoái chí.
-Trung úy nhớ đó nghe.
-Tôi nhớ mà, chú yên chí đi.
Chú Năm, đưa hai dĩa rau sống đầy vun tới trước mặt ba tôi và tôi. Ông nói nhỏ với tôi:
-Mỗi dĩa bánh của trung úy, tôi bỏ vô ba con tôm thứ bự, ngon khỏi chê.
Ba tôi chỉ ăn một cái bánh xèo rồi buông đũa, ông vừa uống nước trà vừa kể:
-Cái năm Nhật đảo chánh, ba với bác Bảy bỏ xứ vô Nam. Con không biết bác Bảy đâu, ổng với ba là bạn từ thủa hai đứa còn mặc quần lủng đáy, đi chăn trâu ở ngoài xứ. Khi xe lửa tới ga Tháp Chàm, thay vì lên Đà Lạt với ba, bác Bảy lại đổi ý đi vô Sài Gòn. Dễ chừng hai mươi bảy hay hai mươi tám năm rồi ba không có tin tức gì của bác ấy. Tuần rồi, ba tình cờ gặp lại bác Bảy ở chợ hoa Đà Lạt. Bác Bảy bây giờ có khác lúc xưa, nhưng ba vẫn nhận ra bác ấy nhờ bước đi hơi khập khểnh vì bị con trâu của ông Hương Bộ Hoạch húc hồi nhỏ. Vợ chồng bác Bảy lên Đà Lạt chơi, nhân tiện thăm cô con gái tên là Cúc đang học ở Viện đại học Đà Lạt. Cô ấy đang ở nội trú trong trường. Con có biết cô Cúc không?
-Ba à, trên Viện đại học có cả chục ngàn sinh viên, làm sao con biết ai là ai, cô nào là cô Cúc.
Ba tôi không buồn nghe tôi nói, ông kể tiếp:
-Khi biết con là trung úy trong Trường Võ Bị, lại đang tiếp tục học đại học bác ấy mừng lắm, khen con là người học giỏi, có chí.
Chuyện gì chứ khoe tôi học giỏi, không ai bằng ba tôi.
-Làm sao bác ấy biết con học giỏi.
-Ba nói cho bác ấy biết.
-Bác có tin không?
-Không tin mà ngày hôm sau bác Bảy và vợ xuống Trại Hầm thăm ba, ổng nhờ con đưa giùm cô Cúc, con của bác ấy về Sài Gòn.
Ba tôi lần trong túi quần lấy ra hai tấm giấy.
-Đây là hai cái vé máy bay, ngày mai con đưa cô Cúc về Sài Gòn, ở nhà bác ấy chơi vài ngày. Bác Bảy muốn coi mặt con, hỏi con vài chuyện.
Tôi cứ nghĩ là ba tôi đùa, mặc dầu từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy ông nói đùa. Tôi cằn nhằn:
-Ba à, con còn phải đi học. Hơn nữa con đang ở trong quân đội, làm gì mà có thì giờ để hộ tống cái cô Cúc gì đó về Sài Gòn.
Ba tôi nói tỉnh queo.
-Con vừa có cái phép bảy ngày mà.
Tôi giật thót người, chỉ có thiếu tá trưởng phòng biết tôi đi phép, làm sao mà ba tôi cũng biết được chuyện này.
-Ai nói cho ba biết là con có cái phép bảy ngày?
-Bác Bảy chớ ai, bác nói với ba là đã xin cho con cái phép bảy ngày.
Ngạc nhiên quá sức, tôi vội hỏi ba tôi:
-Bác Bảy ở trong quân đội hả ba? Ổng mang cấp bậc gì?
-Bác Bảy không có dính dáng gì với lính, ổng chỉ lo kinh doanh buôn bán thôi. Nghe đâu ông ấy là ông trùm nhà cửa ở Sài gòn.
Tôi nghĩ, kinh doanh buôn bán gì mà cái phép của một thằng sĩ quan trong quân đội, muốn xin là được ngay, quả thật ông bác Bảy này không đơn giản tí nào. Tôi biết mình đang ở vào thế kẹt, đành phải thi hành lệnh thôi.
-Con chỉ đưa cô Cúc về Sài Gòn thôi, phải không ba?
-Ừ, con sẽ ở nhà bác Bảy vài ngày, bác ấy chỉ muốn chuyện trò với con, sau đó con đưa cô Cúc về lại trường.
-Hiện giờ cổ đang ở đâu?
-Nghe nói, nó ở nội trú trong trường.
-Được rồi, con sẽ làm đúng những gì ba dặn.
Ba tôi cười vui vẻ, ông uống thêm một hớp nước trà rồi nói:
-Ba tin con, bây giờ ba phải đi về.
Thực sự, nếu muốn từ chối không đưa cô Cúc về Sài Gòn cũng được nhưng tôi không nở. Phần vì thương ba tôi, một phần tôi cũng có đôi chút tò mò về cô Cúc. Bấy lâu nay tôi sống với mối tình đầu của mình, lúc nào tôi cũng nhớ Dung. Ba năm, rồi lại bốn năm, thời gian trôi qua vùn vụt, riêng tôi si tình rồi để tang cho mối tình đầu chừng đó năm cũng đủ rồi. Tôi vẫn nghĩ, đến một lúc nào đó tôi phải quên Dung, có lẽ đây là cơ hội giúp tôi xóa bỏ bóng hình Dung trong tim tôi. Chuyện có được hay không? Chưa biết, tôi phải tìm hiểu thêm về Cúc.
Tôi đón Cúc ở ký túc xá của nữ sinh viên Đà Lạt. Nhận xét đầu tiên của tôi về Cúc là nàng không đẹp, bốn điểm trên mười không thể gọi là đẹp được, nhưng nhờ vào cách ăn mặc với bộ quần áo đắt tiền, đôi giày cao gót da cá sấu, sợi dây chuyền bạch kim với trái tim nửa vàng nửa trắng nơi cổ, chiếc vòng ngọc nơi tay, khiến cho sắc đẹp của người con gái tăng thêm vài phần. Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Tôi nhủ thầm, coi cũng tạm được.
-Thưa cô, tôi là Quân. Xin hỏi cô có phải là Cúc không?
-Dạ phải.
-Bác Bảy dặn tôi, đến đưa cô về Sài Gòn.
-Dạ, em có nghe ba em nói hồi hôm qua.
Tôi hơi ngạc nhiên:
-Bác Bảy còn ở Đà Lạt à?
-Dạ không, ba em ở Sài Gòn, ổng gọi điện thoại cho em tối hôm qua.
Khi biết chắc, người con gái đứng trước mặt mình là Cúc, tôi đổi cách xưng hô.
-Em đã sẵn sàng chưa?
-Dạ chưa.
-Anh đợi em hai chục phút thôi, lẹ lẹ lên.
Hai chục phút sau, tôi xách va li của Cúc rồi cùng nàng đi bộ ra bến xe lam ở ngã năm Đa Thiện. Vừa đi tôi vừa nói:
-Bốn giờ chiều, phi cơ sẽ cất cánh ở phi trường Liên Khương, mình còn dư nhiều thời giờ. Em đói bụng không?
-Dạ, cũng hơi đói.
Tôi đưa Cúc tới quán cà phê bình dân của chị Huệ ở đường Phan Bội Châu. Cúc nói với tôi:
-Mình lại nhà hàng Shanghai đi anh.
Tôi chợt nhớ ra là mình đang đi với một cô gái con nhà giàu. Tự ái của thằng con trai, mặc cảm con nhà nghèo khiến tôi nói với Cúc, giọng nói cộc cằn, không một chút lịch sự:
-Anh hai mươi bốn tuổi, khi anh mới sanh ra nhà hàng Shanghai đã có ở đó rồi, có từ thời mấy ông Tây thuộc địa cỡi ngựa tới Chic Shanghai ăn uống. Chừng đó năm, anh đã đi qua nhà hàng này cả hàng triệu lần, chỉ một lần duy nhất anh bước chân vào đó, không dám ngồi ở phòng ăn, chỉ ngồi phòng ngoài uống ly cà phê, ăn một dĩa khoai tây chiên. Ăn khoai tây chiên rồi uống cà phê, đúng là nhà quê lên tỉnh nhưng trong thực đơn, đó là hai món rẻ nhất. Hôm nay, anh đưa em vào đó ăn trưa. Nếu em ăn một bữa ăn đúng nghĩa, một phần tư tháng lương của anh sẽ bay cái vèo. Anh sẽ đưa em tới đó, đứng ngoài đợi em ăn, được không?
Cúc lúng túng ra mặt, giọng nói của nàng không được bình tĩnh cho lắm:
-Em đâu có biết, lần nào lên thăm em, ba cũng đưa cả gia đình vào đó ăn tối. Em thấy nơi đó thức ăn ngon, tiếp đãi lịch sự.
Tôi nói với giọng châm biếm:
-Phải rồi, tiền cũng lịch sự không kém, nơi đó là cái máy chém chứ không phải là nhà hàng. Chỉ có những người như ba em mới đủ tư cách vào đó, còn anh phải đợi đến khi nào trúng số anh mới vào. Bây giờ em có muốn vô đây với anh, ăn khúc bánh mì, uống ly cà phê bình dân hay không?
-Dạ muốn.
-Vậy em còn đợi gì mà không vô quán?
Tôi nói với chị Huệ:
-Cho em hai khúc bánh mì chả, hai ly cà phê.
Chị Huệ nhìn tôi cười, nụ cười như ngầm nói, tôi méc cho mà coi:
-Cô Vân đâu rồi.
-Dạ, đi học.
Trường hợp này kêu bằng oan ơi ông Địa, biết vậy lúc nãy vô Shanghai ăn mà hay hơn. Tôi cầm khúc bánh mì chả gặm ngon lành, nhìn sang Cúc, khúc bánh mì vẫn còn nằm nguyên trong dĩa, tôi giục:
-Ăn đi em.
-Anh nhìn chăm chăm như vậy, làm sao em ăn được.
-Được rồi, ăn xong anh về cư xá lấy quần áo. Khi anh đi rồi không ai nhìn, lúc đó em tha hồ mà ăn.
-Anh để em ngồi một mình ở đây à?
-Phải rồi.
-Em đi theo anh được không?
-Không.
-Tại sao vậy?
-Nơi anh ở là cư xá sĩ quan độc thân, về phòng anh người ta dị nghị chứ sao. Hỏi hoài.
Tôi trở về cư xá, thay bộ đồ dân sự, mặc bộ đồ tiểu lễ mùa đông. Tôi đứng trước gương ngắm nghía, sửa lại cái mũ nồi đen trên đầu cho chỉnh tề, kiểm soát lại quần áo trong va ly, khi biết chắc là đã có thêm bộ đồ tiểu lễ mùa hè, lúc bấy giờ tôi mới xách va ly quần áo trở lại quán chị Huệ. Thấy tôi với bộ quân phục, Cúc trầm trồ:
-Bộ đồ này đẹp quá trời, giống như mấy ông sinh viên Võ Bị phải không anh?
-Bộ đồ đẹp, còn anh, em thấy thế nào?
-Anh dữ thấy mồ.
Tôi không nói gì thêm, ra dấu cho Cúc cùng đi. Từ đường Phan Bội Châu, hai đứa thả bộ xuống bến xe taxi nằm trước nhà hàng Chic Shanghai.
Có thể, Đà Lạt là một thành phố duy nhất trên thế giới, nếu muốn đi máy bay phải tới ga xe lửa. Đâu khoảng năm 1961 khi mà Cộng Sản Bắc Việt đẻ ra cái Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Dân miền Nam đang sống trong tự do thanh bình, no ấm đâu có cần mấy ông Bắc Việt vào đây để giải phóng. Chỉ có những người ngoại quốc ngây thơ mới tin rằng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là do dân miền Nam lập ra. Từ khi có Mặt Trận, mấy ông giải phóng đi đến đâu ở đó có chiến tranh, khổ đau chết chóc kéo theo đến đó. Việt Cộng bằng mọi cách khủng bố dân chúng, phá hủy nhũng công trình lợi ích công cộng của Việt Nam Cộng Hòa, hôm nay họ đào đường đắp mô đường bộ, ngày mai đặt mìn giựt sập cầu phá hủy đường xe lửa, tuần tới phục kích bắn phá dân chúng đi trên tàu lửa. Đến năm 1968 đoạn đường xe lửa từ Sông Pha lên Đà Lạt phải ngưng hoạt động. Tôi biết người Pháp đã bỏ ra hàng chục năm, tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của để xây dựng nên đoạn đường xe lửa đặc biệt này. Gọi là đặc biệt, vì ngoài hai đường ray thường, còn có thêm đường ray răng cưa thứ ba ở chính giữa. Khi bắt đầu leo dốc, đầu máy xe lửa đặc biệt sẽ móc vào đường ray răng cưa. Xe lửa leo dốc sẽ không bị tuột. Người ta gọi đường xe lửa này là Cog railroad, do hãng Fuca Thụy Sĩ sản xuất, loại đầu máy xe lửa này trên thế giới chỉ có ở Thụy Sĩ và sau đó là Đà Lạt. Mấy năm rồi, xe lửa không chạy được nhưng nhà ga vẫn còn đó, người ta dùng ga xe lửa làm trạm hàng không.
Ba giờ chiều, tôi và Cúc ngồi trong tòa nhà kính ở phi trường Liên Khương chờ máy bay. Hai tách cà phê còn nóng hổi, tỏa mùi thơm ngào ngạt được mang lên. Qua khung cửa kính, bên ngoài sương mù xuống thật thấp bao phủ cả núi đồi. Trước mắt tôi, phi đạo mù mờ trong sương chiều. Thấy cảnh, chạnh lòng nhớ đến bài thơ cũ, tôi khẽ đọc:
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang.
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau.
Cúc hỏi tôi:
-Thơ của anh phải không?
Tôi đùa với Cúc:
-Anh mà làm thơ hay như vậy đâu có đi lính làm gì cho mệt, ở nhà làm thơ gánh ra bán chợ trời, khỏe ru.
-Bài thơ buồn quá, của ai vậy anh?
-Đó là bài Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giả. Không biết anh nhớ có đúng hay không, đừng có tin anh.
o O o
Vẫn là những chiếc taxi nhỏ xíu sơn hai màu xanh trắng của Sài Gòn hơn bốn năm về trước, đưa tôi và Cúc ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt. Sài Gòn vẫn vậy, ồn ào náo nhiệt xe cộ dập dìu như mắc cửi, xe chạy trên đường Công Lý, qua chùa Vĩnh Nghiêm, qua ngã tư Yên Đổ được chừng non cây số, Cúc nói với tài xế ngừng lại trước một ngôi nhà kín cổng cao tường.
Mỗi tay một cái va ly, tôi theo Cúc đi vào nhà. Vừa bước chân qua khỏi cánh cửa cổng cao quá tầm mắt, tôi khựng người lại. Trước mắt tôi, một ngôi biệt thự nguy nga, đồ sộ kiến trúc theo kiểu Pháp, giống như những ngôi biệt thự mà tôi thấy ở Đà Lạt, cũng sân cỏ rộng mênh mông, cũng một con đường nhỏ lát đá dăm hình chữ C để xe hơi chạy vào tận hàng hiên của ngôi biệt thự.
Một người đàn ông cao lớn, mặt mũi phương phi trong bộ vest đúng thời trang đang đi tới, đi lui trước thềm nhà, nhìn ông ta tôi có cảm tưởng ông sắp đi họp nội các chính phủ hay họp Quốc Hội. Ông nhìn tôi thật lâu. Tôi không biết ông muốn gì đành đứng yên, lúng ta lúng túng, tay chân hình như thừa thãi. Cuối cùng, ông ta cũng lên tiếng:
-Con là Quân?
-Dạ phải.
Ông ta tự giới thiệu:
-Bác là Bảy, bạn của ba con.
Quay sang Cúc, ông nói:
-Con đi đường có mệt hãy vô phòng mà nghỉ, ba có chuyện riêng muốn nói với Quân.
Tôi hơi ngạc nhiên, tại sao cha con họ gặp nhau mà không một chút gì vui mừng, hớn hở. Đợi cho Cúc khuất hẳn sau cánh cửa cuối phòng, bác Bảy mới nói với tôi:
-Con nói như thế nào mà Cúc chịu theo con về đây.
Không biết bác Bảy có lẩm cẩm hay không? Chính ông là người muốn tôi đưa Cúc về đây, rồi bây giờ lại hỏi. Tôi trả lời:
-Dạ, bác muốn con đưa Cúc về đây, con đã làm đúng lời bác dặn.
-Đúng là bác muốn như vậy, nhưng mà có chuyện này bác chưa nói với con. Từ ngày má của Cúc mất, sau đó bác lấy bà sau, con Cúc đâm ra ghét bác, không bao giờ chịu nghe lời bác. Ngày hôm qua nó còn nói với bác là, cho dù bác có đưa mười người tới cạy chân nó cũng không về Sài Gòn đâu. Bác nhờ con, nhưng không tin là con sẽ đưa Cúc về đây được. Mà thôi, mọi chuyện sẽ tính sau, con nghỉ cho khỏe, ở chơi vài ngày rồi đưa nó về lại Đà Lạt. Phòng riêng của con ở trên lầu, phòng thứ hai bên trái, lát nữa, chị người làm sẽ hướng dẫn con mọi việc trong căn nhà này.
Ách giữa đàng lại mang vào cổ, chuyện xung đột, bất hòa giữa hai cha con họ, đang không tròng vào cổ mình.
Tôi theo chân chị người làm, đi lên căn phòng dành riêng cho mình. Thang lầu làm bằng gồ quý, hai lan can với những hàng cột chạm trổ cầu kỳ, tỉ mỉ được đánh vẹc ni bóng loáng, không một hạt bụi, chứng tỏ nó được lau chùi hàng ngày. Căn phòng tôi ở khá rộng, đầy đủ tiện nghi, điều mà tôi thích nhất là cái cửa sổ nhìn xuống sân sau của căn nhà. Tôi gieo mình xuống giường, đưa mắt nhìn những đường hoa văn chạy quanh trần nhà rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Đang mơ mơ màng màng, tôi chợt giật mình vì có ai đó lay nhẹ nơi vai. Tôi mở mắt ra nhìn rồi nói, giọng nói đầy bực tức:
-Ai cho em vào đây?
Cúc trả lời:
-Em vào để thức anh dậy.
Câu trả lời của Cúc khiến tôi nổi giận đùng đùng. Mặc cảm nghèo hèn, khiến tôi có thành kiến với lũ con gái nhà giàu, họ dựa vào đồng tiền nên muốn làm gì thì làm. Tôi lên giọng cay cú với Cúc:
-Vẫn biết đây là nhà của em, nhưng em phải biết chút lịch sự tối thiểu, ỷ là nhà của mình rồi muốn làm gì cũng được hay sao?
Cúc nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên, đôi mắt ươn ướt như muốn khóc khiến lòng tôi chùng xuống, bao nhiêu giận dữ vụt tiêu tan, tôi nhẹ giọng:
-Tại sao em vào mà không gõ cửa?
-Em gõ cửa đến mấy lần mà không nghe anh trả lời. Cuối cùng, em đành phải mở cửa đi vào để đánh thức anh dậy. Ba đang đợi anh xuống ăn cơm tối. Anh biết mấy giờ rồi không?
– Không.
– Đã chín giờ tối rồi.
Người quá đáng là tôi chứ không phải là Cúc, tôi nói nhỏ:
-Xin lỗi em.
Tôi theo Cúc đi xuống nhà. Bác Bảy ngồi nơi bàn ăn, trước mặt ông là chai rượu Martell, khi thấy tôi, bác lên tiếng:
-Uống với bác một ly cho ấm bụng, trước khi ăn cơm.
-Thưa bác, con không biết uống rượu.
Bác Bảy lắc đầu, nhìn tôi như tiếc rẻ.
-Con đi lính được bao lâu rồi?
-Dạ, gần năm năm.
-Lính mà không biết uống rượu coi bộ hơi yếu, người ta thường nói nam vô tửu như kỳ vô phong. Ở miền Nam này không biết uống rượu kể như mất vợ. Con có biết không, đâu ba chục năm trước lần đầu tiên bác gặp ông ngoại của con Cúc, bác không biết uống rượu. Dân miền Trung của mình mấy ai biết uống rượu, tiền mua gạo không có lấy tiền đâu mà uống rượu, tuy vậy bác vẫn cố hầu rượu với ông ấy. Một mình bác uống hết một lít rượu đế, sau đó bác bị say lúy túy, nằm bò càng nơi góc nhà đến chiều hôm sau mới tỉnh lại, nhờ vậy mới lấy được má con Cúc.
Bác Bảy chỉ chiếc ghế đối diện.
-Con ngồi đó, không cần uống một lít rượu đế như bác ngày xưa. Mấy chục năm rồi, bây giờ thời thế đã khác, con uống một ly nhỏ Martell là được rồi.
Nghĩ tới Dung giờ này đã yên phận với mối tình của nàng, tôi nhìn Cúc đang ngồi đó, bên cạnh bác Bảy rồi quyết định, phải uống một lít rượu đế thôi. Tôi nâng ly Martell.
-Mời bác.
Suốt bữa ăn, bác Bảy và Cúc không hề nói chuyện với nhau, chỉ có mình tôi tả xung hữu đột khi nói với Cúc, lúc phải trả lời bác Bảy. Bữa ăn tối trôi qua trong không khí tẻ nhạt, Cúc đứng lên:
-Con mệt quá phải về phòng nghỉ, ba và anh Quân ăn cơm vui vẻ.
Khi bóng Cúc đã khuất sau cầu thang, bác Bảy hỏi tôi:
-Con buồn ngủ chưa?
-Dạ chưa.
-Vậy, bác cháu mình ra sân sau chuyện trò.
Vừa bước ra khỏi nhà, tôi ngạc nhiên đến sửng người khi nhìn thấy nguyên một tiểu cảnh ở góc vườn. Dưới ánh sáng lung linh mờ ảo của những ngọn đèn đặc biệt, một hòn non bộ với thác nước cao chừng hai mét, nước đổ ào ào, xen vào đó là những cây bonsai với đủ mọi hình dáng, từ rừng thông xanh chen chúc nhau bên bờ đá, cho đến những cây tùng mọc lác đác trên sườn núi, mà thân của nó đổ dài theo khe suối, rễ của nó bám chặt vào vách đá cheo leo. Dưới chân thác nước, tôi đếm được 5 hòn đá có hình dáng giống như những hòn núi đá ở vịnh Hạ Long mà tôi đã từng thấy qua hình ảnh. Tôi buột miệng:
-Đẹp quá chìmg.
Bác Bảy đến bên tôi.
-Con có thấy gì không?
-Dạ năm hòn đá.
-Đúng, bác cho xây hòn non bộ này vì nghĩ đến quê hương xứ sở của mình. Mỗi khi gặp khó khăn, phiền phức, bác thường ra đây ngồi nghe nước chảy rôi thả hồn về quê, bao lo âu phiền muộn sẽ từ từ tan biến. Con có thấy nó giống như Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng của mình không?
-Dạ con chưa được về xứ mình, nên không biết núi Ngũ Hành như thế nào.
Bác Bảy chỉ tôi ngồi xuống một cái ghế đá.
-Bác có chuyện nhờ con, chỉ là chuyện gia đình.
-Dạ, con sẽ cố gắng hết sức.
-Chuyện như vầy, bác là người kinh doanh về nhà cửa ở Sài Gòn. Từ ngôi biệt thự này chạy về phía phi trường Tân Sơn Nhứt, bác có khoảng chục cái building cao tầng cho Mỹ mướn.
Tôi nghe bác Bảy nói mà lạnh cả người, chỉ cần một tòa nhà cho Mỹ mướn, con cháu sống sung sướng suốt một đời, đàng này ông có những chục tòa nhà cao tầng, đó là chuyện tôi không bao giờ ngờ tới. Có điều, tôi không hiểu được tại sao một người như bác Bảy, học hành không được bao nhiêu vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, chưa đầy ba chục năm sau lại xây dựng nên một sản nghiệp khổng lồ như vầy. Ông ta phải là một con người đặc biệt khác thường.
Bác Bảy kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ.
-Công việc làm ăn của bác mỗi ngày một phát triển tốt đẹp, đạt đến giai đoạn cực thịnh cách đây vài năm, khi mà con số lính Mỹ viễn chinh đổ vào Việt Nam lên đến hơn nửa triệu người. Trong lúc bác đang bận bịu với công việc làm ăn, bất ngờ má con Cúc lại đột ngột qua đời vì bệnh tim bẩm sinh. Phải mất cả mấy tháng trời, nỗi buồn của bác mới nguôi ngoai được phần nào.
Đang nói chuyện, bác Bảy thân mật vỗ vai tôi:
-Có chuyện này bác muốn nói với con, đàn ông bọn mình coi vậy chứ đoản lắm, nói là buồn, nhưng vợ mất chưa được bao lâu bác đã lật đật cưới bà khác. Bà sau này có với bác đứa con trai, vừa thôi nôi cách đây độ nửa năm. Trước đây khi má con Cúc còn sống, nhưng sau khi sanh con Cúc đã không sanh đẻ được nữa, bác nghĩ rằng ông trời cũng lạ, cho mình tiền bạc thừa mứa nhung con cái để nối dòng lại quá khắt khe. Nào ngờ, khi lấy bà sau chưa được bao lâu lại có liền đứa con trai. Ông bà mình có nói “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” được đứa con trai bác mừng muốn chết, cho nên bác lẹ lẹ làm tờ di chúc, tài sản của bác sẽ chia làm hai phần bằng nhau. Con Cúc một phần, thằng con trai của bác với bà sau một phần. Chuyện bất hòa giữa bác và Cúc bắt nguồn từ đó. Con Cúc giận bác cho đến giờ.
Bác Bảy ngưng nói, ông nhìn tôi thật lâu rồi chầm chậm lên tiếng:
-Con và Cúc học chung trường, cùng là người có ăn học, dễ thông cảm nhau. Bác nhờ con giải thích cho Cúc hiểu tâm tình của bác, để cha con không còn giận hờn nhau nữa.
Bây giờ tôi đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, hiểu rõ mục đích chuyến đi phép bảy ngày của mình. Sau một lúc suy nghĩ, tôi mạnh dạn trả lời bác Bảy:
-Con nghĩ rằng bác làm đúng tất cả mọi chuyện, em Cúc hơi quá đáng nếu không muốn nói là quá ích kỷ, chỉ biết lo cho mình thôi. Con sẽ tìm cách nói với Cúc.
Một nụ cười thoáng trên môi bác Bảy, ông nói:
-Cảm ơn con nhiều, bác biết con sẽ làm được.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay.
-Bác còn gì sai bảo con nữa không?
-Không.
Tôi nói:
-Xin phép bác cho con về phòng nghỉ.
Khi tôi đi được vài bước, bác Bảy chạy theo đặt vào tay của tôi một cái phong bì dày cộm.
-Con cầm chút tiền này, mai đưa Cúc đi chơi.
-Thưa bác con có tiền.
Bác Bảy nói với tôi, giọng nói đầy uy quyền của một nhà đại tư bản.
-Tiền lương của lính Mỹ tính bằng đô la bác coi còn không ra gì huống chi lương của lính Việt Nam. Tin bác đi, lương tháng của con không đủ cho con Cúc nó sắm một bộ đồ. Cứ cầm lấy, mai mốt không xài trả lại cho bác sau. Nếu con muốn.
Tôi biết có chối từ cũng không được, đành phải cầm lấy cái phong bì. Bác Bảy dặn thêm:
-Nhà có nhiều xe, con muốn đi đâu cứ biểu tài xế chở đi.
Tôi ngủ một giấc cho đến chín giờ sáng mới thức dậy. Hôm nay tôi dự định sẽ tìm cơ hội để nói với Cúc về chuyện phân chia tài sản của bác Bảy. Tôi phải thanh toán chiến trường cho lẹ lẹ, như lính Nhảy Dù tấn công mục tiêu, sau đó còn trở về Đà Lạt.
Khi tôi đi ngang qua nhà bếp, Cúc đang ngồi nơi bàn ăn với tờ báo trên tay. Thấy tôi nàng cất tiếng:
-Anh ngủ ngon không?
Tôi trả lời:
-Lạ nhà, nhưng vẫn ngủ ngon như thường.
-Anh muốn ăn sáng ở nhà, hay muốn xuống Sài Gòn đi dạo một vòng rồi ăn sáng luôn?
Tôi chợt nhớ đến tựa đề của một bài hát khá thịnh hành, bèn đùa với Cúc:
-“Lính mà em” ăn ở đâu cũng được.
Giọng nói của Cúc hơi gắt:
-Anh ăn nói kiểu huề vốn như vậy, làm sao em biết anh muốn gì.
-Xin lỗi em, thực lòng mà nói anh có biết gì về Sài Gòn đâu. Bốn tháng ở Quân trường Thủ Đức, cuối tuần nghỉ phép anh chỉ loanh quanh từ tòa nhà Quốc Hội đến chợ Bến Thành, rồi từ Dinh Độc Lập với con đường Công Lý chạy qua khỏi cầu cho đến đường Nguyễn Minh Chiếu, chỉ chừng đó thôi. Anh về Sài Gòn cũng giống như Mán về thành.
-Em có chuyện này muốn nói với anh, nhưng anh phải hứa là không được tự ái,
-Đồng ý.
-Em muốn mời anh xuống Sài Gòn ăn trưa, em sẽ trả tiền.
-Đi liền, nhung anh phải là người trả tiền.
Tôi kể cho Cúc nghe đầu đuôi câu chuyện giữa tôi và bác Bảy tối hôm qua, kể luôn cả chuyện bác đã đưa tiền cho tôi. Tôi nói với Cúc:
-Anh đoán số tiền ba em đưa cho anh nhiều, nhưng anh không ngờ nó nhiều đến như vậy. Lương trung úy độc thân của anh chỉ có hai mươi lăm ngàn một tháng, số tiền trong bì thơ bằng hai tháng lương của anh. Mà thôi, dẹp chuyện tiền bạc qua một bên, anh chỉ muốn nói với em hãy thương ba em, đừng giận ông ấy nữa. Chuyện ba em chia đôi gia tài cũng phải thôi, con bà trước hay bà sau cũng là con của ông ấy, hơn nữa đứa bé lại là con trai. Nỡ lòng nào em dành hết phần của em mình, cho dù là em cùng cha khác mẹ.
Cúc chăm chú nhìn tôi nhăn mặt, tỏ vẻ khó chịu, được một lúc nàng mới nói:
-Câu chuyện hơi dài, mình ra nhà sau ngồi em sẽ kể cho anh nghe. Được không?
-Anh, lúc nào cũng sẵn sàng.
-Để em dặn chị Hai làm thức ăn sáng, anh muốn ăn gì?
-Gì cũng được.
Tôi và Cúc ra ngồi ở bãi cỏ bên hòn non bộ. Cúc mở đầu câu chuyện:
-Trước đây, em dặn lòng là sẽ không bao giờ về lại Sài Gòn gặp ba em, nhưng hôm qua lúc gặp anh em lại đổi ý. Em muốn kéo anh về phe em để chống lại ba em. Em nghĩ, tại sao không nương vào sự tin tưởng của ba em đối với anh để thuyết phục ông đừng chia gia tài cho má ghẻ của em.Tất cả những gì ba em nói với anh đều là sự thật, nhưng đó chỉ là một phần của sự thật thôi, mà một phần thì chẳng khác gì chuyện anh mù sờ voi. Ôm cái chân voi, rồi la lên là con voi giống cái cột nhà.
Cúc nhìn tôi như chờ đợi, khi thấy tôi yên lặng, nàng nói tiếp.
-Ông ngoại của em là người Ấn, sang Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Thời bấy giờ, đa số người Ấn ở Việt Nam sinh sống bằng nghề cho vay lấy lãi hoặc là mở cửa hàng buôn bán mỹ phẩm, tơ lụa chở từ Bombay sang. Riêng ông ngoại em lại lấy vợ Việt, nuôi một đàn dê bán thịt, lấy sữa. Chuyện cũng dễ hiểu, vì ông không có nhiều vốn như những người Ấn khác. Ngày xưa, từ cầu Mạc Má Hồng chạy dài đến phi trường Tân Sơn Nhứt là một vùng đất hoang, cây cối xanh tươi, cỏ dại mọc đầy đồng, lác đác chỗ này vài chục căn nhà tranh vách đất, chỗ kia dọc theo mặt lộ mươi căn nhà gạch, gom hết lại độ vài trăm căn nhà. Ông ngoại em cho đàn dê ăn cỏ trên vùng đất đó.
Tôi ngắt lời Cúc.
-Khoan đã, em nói cái cầu tên gì?
-Cây cầu tên là Mac Mahon, người Việt mình đọc thành Mạc Má Hồng. Sau này đổi tên là cầu Công Lý.
-Em chỉ thua anh có vài tuổi sao em rành chuyện xưa của Sài Gòn như vậy?
-Ông ngoại em kể lại, vì đây là vùng đất của ông ngoại em mà. Chuyện như thế này, sở thuế của Sài Gòn muốn thâu thuế trên đàn dê của ông ngoại, vì đàn dê ăn cỏ trên đất của thành phố nhưng không thâu thuế được, phần ông ngoại lại cho rằng đất ở đây không phải của ông, đàn dê chỉ ăn cỏ trên đó thôi. Cuối cùng một giải pháp ổn thỏa cho cả hai bên là, sở đất Sài Gòn ký giấy cho ông ngoại phần đất từ cầu Mạc Má Hồng đến Tân Sơn Nhứt để ông chăn dê, với điều kiện phải đóng thuế thổ trạch. Từ một di dân bỗng dưng trở thành địa chủ, ông ngoại phải đi thu thuế của những gia đình có nhà trên vùng đất này, rồi nộp lại cho sở thuế của Pháp ở Sài Gòn. Chuyện được sở hữu miếng đất ông ngoại không phàn nàn, nhưng khi thu thuế đất thường gặp khó khăn, trở ngại, vì người dân ở đây lý luận rằng: họ là dân Việt Nam, sống trên đất Việt Nam tại sao lại phải nộp thuế đất cho một anh Ấn Độ. Chuyện tranh cãi về thuế đất dùng dằng, kéo dài cho đến cái năm Nhật đảo chánh, ba của em từ Quảng Nam lưu lạc đến vùng này. Ông ngoại thuê ba để chăn đàn dê và thu thuế đất cho ông. Ba em lúc bấy giờ là một thanh niên trẻ tuổi lanh lẹ, làm việc giỏi giang, nhất là khi đi thu thuế đất, không biết ba nói những gì mà việc thu thuế êm xuôi, trót lọt.
Ông ngoại thường nói với em “Tao gả má mày cho ba mày, vì tao muốn cột cẳng ba mày ở đây. Thiếu ba mày, một mình tao làm sao lo nổi mọi chuyện”. Em nói với ông “Vậy là ông ngoại lợi dụng ba con”. Ông cười rồi nói “Lúc đầu tao có ý đó thiệt, nhưng sau này tao thương ba mày còn hơn con ruột”
Chị người làm bưng ra hai phần ăn sáng. Không khách sáo, tôi kéo khay thức ăn lại trước mặt mình, vừa ăn vừa hỏi Cúc:
-Ông ngoại em có bao nhiêu người con?
-Chỉ có một mình má em.
Tôi đùa với Cúc:
-Ba em cũng sướng thiệt, ông ngoại em tạo dựng nên cơ nghiệp. Ba em vào thừa hưởng.
-Không đúng đâu anh ơi! Nói như vậy tội nghiệp cho ba em. Trước thập niên năm mươi, vùng đất từ Tân Son Nhứt về đến cầu Mạc Má Hồng, ai muốn lấy bao nhiêu đất để xây nhà cũng được, họ chỉ tốn một ít tiền gọi là lệ phí giấy tờ sau đó phải đóng thuế thổ trạch cho ông ngoại của em. Ông ngoại sẽ nộp tiền thuế này lại cho sở thuế ở Sài Gòn. Gần hai chục năm sau, khi lính Mỹ đổ vào Việt Nam, vùng đất này trở thành vùng đất vàng. Lúc bấy giờ ba em bán bớt đất, xây building cho Mỹ mướn rồi giàu lên từ dạo ấy đến giờ.
Tôi chấm dứt bữa ăn sáng bằng một ngụm cà phê, rồi nói với Cúc:
-Tất cả gia tài sản nghiệp do một tay ông tạo dựng nên, đúng không?
-Đúng, em đâu có phủ nhận công của ba em đâu.
Tôi mừng quá sức, vì câu chuyện diễn tiến tốt đẹp theo chiều hướng mà tôi muốn.
-Nếu vậy, ba em có quyền phân chia tài sản của ông theo ý ông muốn, tại sao em lại giận ba em?
Gương mặt của Cúc bỗng nhiên đối sắc. Cúc trả lời tôi, với giọng nói đầy tức giận:
-Cũng tại nơi hòn non bộ này, năm ngoái khi ba em đi Đà Nẵng lo công việc, má ghẻ của em dẫn thằng bồ của nó về đây. Con nhỏ không biết em vừa từ Đà Lạt về lại nhà vào tối hôm trước, đang ở trên lầu. Từ phòng anh ở nhìn xuống đây, anh sẽ không thấy gì, nhưng bên phòng ngủ của em sẽ thấy rất rõ.
-Em ăn nói hơi lỗ mãng, tại sao lại kêu má ghẻ của mình là con nhỏ.
-Nó bằng tuổi em lại lăng loàn, anh muốn em kêu nó bằng gì?
Rõ ràng là tôi đang rơi vào tình huống bất ngờ, nhưng tôi vẫn cố gắng vớt vát.
-Tại sao em biết họ là bồ của nhau?
-Ba em vắng nhà cả tuần, hai đứa mất nết ngồi đây hôn nhau, không phải là bồ thì gọi là gì?
Cúc nhìn tôi với đôi mắt buồn hiu.
-Anh có biết, tại sao em không muốn ba em chia gia tài cho thằng bé không?
-Không, tại sao vậy?
-Bởi vì, thằng bé là con của má ghẻ em với thằng bồ của bả, nó giống thằng bồ của má ghẻ em như hai giọt nước. Nó đâu phải là con của ba em. Ba em là cái mỏ vàng mà người đào mỏ là má ghẻ của em và thằng bồ của bả.
Tôi ngồi thừ người ra đó, tiếng thác nước từ hòn non bộ đổ xuống hồ nghe rào rào như tiếng mưa rơi. Âm thanh của nó khiến tôi chợt nhớ đến một cuốn phim đen trắng của Nhật, mà tôi đã được xem cách đây vài năm. Ba người núp mưa dưới cái cổng tên là Rashomon cổ xưa, dẫn vào miền nam cố đô Kyoto. Một nửa mái cổng đổ nát, tàn tạ tiêu điều chìm trong làn nước mưa xám đục, một ông sư, một bác tiều phu, một gã thường dân…. đâu là sự thật?
Bác Bảy và Cúc, tôi phải tin ai?
Cho dù câu chuyện Cúc kể không có một bằng chứng cụ thể nào về gốc gác của thằng bé, nhưng qua trực giác tôi tin rằng Cúc nói đúng. Còn nếu muốn suy luận lại càng rõ ràng hơn, một cô gái mới hai mươi tuổi chịu lấy bác Bảy, một ông già đáng tuổi cha mình, nếu không vì tình thì chỉ vì tiền mà thôi.
Mục đích của tôi là thuyết phục Cúc, bây giờ tôi lại bị Cúc thuyết phục.
-Anh đang nghĩ gì vậy?
Giọng nói của Cúc kéo tôi trở về với thực tại, mặc dù nghe Cúc nói rõ ràng nhưng tôi vẫn hỏi lại:
-Em nói gì?
-Anh làm gì mà ngồi ngẩn người ra như vậy?
Thay vì trả lời câu hỏi của Cúc, tôi hỏi lại nàng:
-Tại sao, em không nói chuyện bê bối của bà má ghẻ và thằng bé cho ba em nghe?
-Liệu ba em có tin lời nói của em hay không? Hay là ông lại cho rằng em đặt chuyện để vu khống cho người ta. Em muốn nhờ anh nói giùm, đó là lý do tại sao em đồng ý theo anh từ Đà Lạt về đây.
Tôi lắc đầu:
-Chuyện quan trọng lại quá sức tế nhị, anh không đủ khả năng. Hơn nữa, nếu ăn nói không khéo léo, bác Bảy có thể nổi giận cho anh vài cái bạt tai rồi tống cổ anh ra khỏi nhà với câu nói “Cái trứng đòi khôn hơn con gà”
Hai đứa im lặng nhìn nhau, cuối cùng tôi nói với Cúc:
-Anh không giúp được gì cho em đâu. Ngày mai anh sẽ về Đà Lạt, em có muốn đi cùng với anh hay không, tùy ý em.
Cũng đúng lúc ấy, tôi nói với Cúc một câu nói mà tôi không hề muốn nói:
-Ba em chia cho em một nửa gia tài như vậy là quá rồi, nếu ổng để hết gia tài lại cho thằng bé, em cũng chẳng làm gì được, luật pháp đâu có cấm cản.
Tôi không ngờ câu nói trong lúc cùng đường lại có kết quả, Cúc ngồi im lặng một lúc rồi nói với tôi:
-Anh nói đúng, em sẽ suy nghĩ lại, cảm ơn anh đã giúp em. Giờ này cũng đã hơn mười một giờ rồi, em mời anh xuống Sài Gòn ăn trưa.
-Chuyện đó không có gì trở ngại, anh cũng muốn dạo một vòng Sài Gòn.
Tôi mặc bộ đồ tiểu lễ mùa hè của Trường Võ Bị Đà Lạt, gắn thêm cặp lon trung úy nơi cầu vai áo rồi thong thả đi xuống nhà. Cúc cũng đã chưng diện xong xuôi, hai đứa lên chiếc Peugeot 404. Anh tài xế với giọng kính cẩn.
-Thưa cô muốn đi đâu?
Cúc trả lời cộc lốc:
-Sài Gòn.
Quay sang tôi, Cúc nói:
-Hình như anh thích mặc đồ lính hơn đồ dân sự.
-Đúng.
-Khi đi phép, anh có quyền mặc thường phục mà.
-Con người anh yếu đuối, thiếu tự tin, lúc nhỏ khi đi học bị bạn bè trong lớp hiếp đáp, đứa bóp mũi, đứa cú đầu, đứa đá đít, có cục kẹo giấu trong túi cũng bị tụi nó lục lấy mất. Bị ăn hiếp riết thành quen, anh coi đó là chuyện bình thường. Lớn lên khi vào trung học, anh học hành không được giỏi giang gì cho lắm, năm nào cũng chỉ hơn được mươi đứa ở cuối lớp. Lúc thi đậu Tú tài, thấy tên mình trên bảng anh vẫn chưa tin. Khi đi lính, anh không dám thi vào Hải Quân hay Võ Bị Đà Lạt vì sợ mình không đủ sức.
Cúc nói:
-Đó là chuyện xưa, còn bây giờ phải khác chớ.
-Không có gì khác, một đôi khi em thấy anh ăn nói cộc cằn, thô lỗ rồi nghĩ rằng anh có cá tính mạnh hoặc dữ nhưng thật ra đó chỉ là phản ứng của một người nhút nhát, mang đầy mặc cảm. Tự tin sao được khi anh mặc đồ dân sự đi ngoài phố, là bị cảnh sát gác đường chận lại xét giấy tờ vì nghi là anh trốn quân dịch. Hơn nữa đen đúa, xấu xí như anh lại mặc bộ đồ dân sự rẻ tiền không hợp thời trang, đi với một cô gái ăn mặc sang trọng lịch sự như em dám bị người ta nói “Tiếc thay cây quế giữa rừng” hoặc tệ hơn nữa có thể bị du đảng Sài Gòn đánh cho gãy tay, què cẳng như không. Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, biết phòng xa vẫn tốt, mặc bộ đồ tiểu lễ của Trường Võ Bị Đà Lạt, thêm cặp lon trung úy nơi cầu vai áo, giúp anh tự tin hơn.
Xe chạy vòng theo bùng binh chợ Bến Thành, khi đi ngang qua nhà hàng Thanh Bạch tôi nói với anh tài xế.
-Ngừng xe ở đây.
Cúc quay qua nhìn tôi:
-Anh muốn ăn trưa ở Thanh Bạch?
-Không, mấy năm trước lúc còn là Sinh viên sĩ quan Thủ Đức anh cùng hai người bạn có ăn tối ở đây, anh chỉ muốn nhìn lại chốn cũ chút xíu.
Khi nói xong, tôi mới giật minh nghĩ lại, mình chỉ nói có một phần sự thật. Tôi giấu biệt chuyện có Dung trong bữa ăn đó, giấu chuyện tôi yêu Dung say đắm như thế nào.
Tối hôm đó, không biết Cúc nói gì với bác Bảy, ngày hôm sau khi gặp tôi bác Bảy vồn vã, săn đón, niềm nở chuyện trò với tôi như là thượng khách trong nhà. Ông dẫn tôi và Cúc đi ăn uống ở những nhà hàng sang trọng của Sài Gòn và Chợ Lớn, sắm cho tôi những bộ quần áo đắt tiền. Cúc đã hết giận bác Bảy. Nhìn cha con họ vui vẻ bên nhau, cười nói huyên thuyên tôi thấy hết sức áy náy trong lòng. Lạy trời, xin bác Bảy đừng nghe lời nói bậy của tôi trong lúc cùng đường, đem hết gia tài sản nghiệp của bác để lại cho mẹ con thằng bé.
Liên tiếp mấy ngày sau đó, Cúc dẫn tôi rong chơi khắp Sài Gòn trên chiếc xe Peugeot 404. Tôi ăn diện như một tay chơi thứ thiệt của Sài Gòn, áo quần đắt tiền, lịch sự hợp thời trang, thêm đôi giày da của Ý bóng láng, khiến cho tôi quên mất mình là con của một gia đình nghèo, quên luôn mình là lính trong một đất nước mà bom đạn của chiến tranh đã tàn phá, hủy hoại đến tận cùng của khổ đau.
Gần ngày cuối cùng của bảy ngày phép, Cúc cho tài xế lái xe ra Vũng Tàu. Tôi ngồi dựa ngửa trên chiếc ghế dựa nơi bãi biển, bên cạnh là chai bia 33 lạnh ngắt, từng giọt mồ hôi lạnh của chai bia chảy dọc theo thân chai, mới nhìn thấy chưa kịp uống đã phát thèm. Cúc từ dưới biển đi lên, thân hình cân đối đầy đặn với làn da trắng mịn màng, gói gọn trong bộ bikini xanh lợt. Tôi thấy rõ cái hấp lực mãnh liệt trong một tấm thân căng đầy nhựa sống. Những giọt nước biển trong veo chảy dài theo thân thể của nàng, long lanh, lấp lánh dưới ánh mặt trời khiến tôi ngẩn ngơ cả người. Để xóa bỏ ý nghĩ xấu trong đầu, tôi quơ tay nâng chai bia uống một hơi. Cúc lại gần chiếc ghế bên cạnh tôi nhẹ giọng:
-Anh ngồi nhớ ai mà như mất hồn vậy? Xuống tắm biển với em.
Vừa dứt lời, Cúc nắm dây thẻ bài tôi đeo nơi cổ, kéo tôi đứng lên.
-Cho em coi cái thẻ bài của anh được không?
Tôi tháo hai tấm thẻ bài đưa cho Cúc.
-Cho em luôn cũng được huống gì chỉ coi thôi.
-Thiệt không?
-Anh không biết nói láo.
Cúc nói:
-Hình như thẻ bài là vật bất ly thân của lính, phải không anh?
Tôi trả lời Cúc:
-Đúng, nhưng chỉ đúng với người lính tác chiến ở ngoài trận địa, nơi mà bom đạn vô tình, có thể đốt cháy hoặc xé nát thân xác người lính thành nhiều mảnh nhỏ, công dụng của tấm thẻ bài là để xác nhận tính danh của người quá cố. Thêm một công dụng nữa cũng không kém phần quan trọng, là trên tấm thẻ bài còn ghi rõ loại máu của người lính mang nó, phòng khi bị thương cần được tiếp máu. Anh là lính văn phòng, tấm thẻ bài không quan trọng lắm đâu. Mai mốt, anh làm lại tấm thẻ mới.
Dưới ánh nắng ấm của bầu trời Vũng Tàu, hai thân thể đứng gần như chạm nhau, tôi quay mặt đi không dám nhìn thân hình quá sức hấp dẫn của Cúc trong bộ áo tắm rồi nói:
-Mấy hôm rày, anh có chuyện muốn hỏi em nhưng thấy không thuận tiện.
-Chuyện gì vậy anh?
Tôi hơi ngập ngừng khi hỏi Cúc
-Em..em có bạn trai chưa?
Cúc cười:
-Em có nhiều bạn trai nhưng chưa có bồ. Anh biết rồi, bạn trai và bồ hoàn toàn khác nhau. Ở vào hoàn cảnh của em, tìm được một người tình quả thực khó hơn chuyện bắt con lạc đà chui qua cái lỗ kim.
-Em giải thích rõ hơn được không? Con nhà giàu, học giỏi như em thiếu gì bồ.
-Câu nói đó, chỉ áp dụng cho con trai chứ không phải cho con gái.
Cúc nói với gương mặt buồn hiu.
-Con gái xấu như em không nên học nhiều, học càng cao càng khó kiếm chồng, hơn nữa nhà em lại quá giàu. Đám bạn trai của em trên Viện đại học, sau một thời gian quen biết, họ từ từ rút lui nhẹ nhàng không kèn không trống.
-Tại em kênh kiệu quá chứ gì?
-Không phải, chỉ tại không ai muốn ra trường với mảnh bằng kỹ sư đào mỏ.
Câu nói vô tình của Cúc như một nhát búa đập lên đầu tôi. Đó là vấn nạn đeo đẳng tôi suốt cả tuần qua.
Ngày xưa, khi thuyên chuyển về Trường Võ Bị Đà Lạt, lương lính chẳng được bao nhiêu, tôi ký cóp dành dụm từng xu, chắt chiu góp nhặt từng đồng hy vọng sau vài năm sẽ có đủ tiền mua chiếc xe Honda hai bánh mới để đi làm, và cũng để gọi là có chút gì với mọi người. Thời tôi mới ra trường, chiếc xe Honda trị giá năm mươi ngàn đồng. Bốn năm sau, khi tôi để dành được năm mươi ngàn đồng giá chiếc xe tăng lên gần gấp đôi. Tôi không biết gì về Kinh tế học nhưng cứ cái đà lạm phát như thế này bốn năm nữa, khi tôi để dành được một trăm ngàn, không chừng giá của chiếc xe Honda sẽ tăng vọt lên khoảng hai trăm ngàn đồng hay có thể hơn nữa. Như vậy, nếu tôi tiếp tục để dành tiền, cuối đời cũng chỉ mua được cái bóng chứ không bao giờ mua được chiếc xe.
Chuyện dành dụm mua chiếc xe Honda hai bánh, bao nhiêu năm rồi tôi làm không được, thử hỏi chuyện lớn hơn như ông bà mình thường nói “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Làm sao tôi có thể thực hiện được, suốt đời chỉ là mơ thôi mà.
Tuần trước bác Bảy cho tôi năm chục ngàn, tất cả hãy còn nguyên, chưa mẻ lấy một xu. Nguyên một tuần lễ đi chơi với Cúc, bao nhiêu chi phí Cúc lo hết. Với số tiền bác Bảy cho, cọng thêm tiền tôi để dành, giờ đây tôi có thể đi mua một chiếc xe Honda mới tinh. Lẽ ra tôi phải dừng lại là tốt nhứt, thế nhưng tôi lại nghĩ đến chiếc xe hơi hiệu Peugeot sang trọng, êm như nhung mà tôi đang đi, căn biệt thự to lớn đầy đủ tiện nghi trên đường Công Lý tôi đang ở, thêm hàng chục building cao tầng cho Mỹ mướn. Tôi muốn tiến xa hơn một bước nữa. Nếu lấy Cúc tôi sẽ có tất cả, chỉ kẹt có một điều, tôi học Văn khoa nhưng sẽ tốt nghiệp Kỹ sư đào mỏ. Đó là vấn nạn của tôi.
Sau một lúc suy nghĩ, tôi giải quyết vấn nạn của mình bằng câu nói tỏ tình với Cúc.
-Em có nghĩ rằng anh là thằng đào mỏ không?
Gương mặt Cúc thoáng chút ngạc nhiên, sau đó nàng cúi đầu nhìn xuống bộ bikini mà nàng đang mặc rồi nói với giọng chắc nịch
-Không.
Ngày hôm sau, tôi hộ tống Cúc về Đà Lạt. Tuần trước, khi đi Sài Gòn với Cúc tôi có năm chục ngàn gởi tiết kiệm ở Nam Đô ngân hàng. Ngày về, tôi đủ tiền mua chiếc xe Honda mới với giá hàng trăm ngàn, không chừng tôi còn có nhiều hơn nữa, chưa biết được.
Trở về Đà Lạt, chuyện đầu tiên tôi làm là đi mua chiếc Honda mới. Ước mơ trở thành sự thật, rút ngắn thời gian ít ra cũng được năm năm, tôi vui vẻ lái xe lang thang cùng khắp Đà Lạt. Tôi nhớ đến câu nói: “Người con trai có ba chuyện khó khăn phải làm, thứ nhất tậu trâu, thứ nhì cưới vợ, thứ ba làm nhà.” Mua được chiếc xe giống như chuyện tôi tậu được con trâu, còn chuyện cưới vợ, làm nhà đã có ba má tôi lo liệu.
Những lúc sau này, bác Bảy thường xuyên lên Đà Lạt thăm ba má tôi. Chuyện người lớn nói với nhau tôi không biết được, chỉ biết là năm sau ba tôi bán căn nhà gỗ ọp ẹp với miếng vườn nhỏ ở Trại Hầm rồi mua một căn nhà ba tầng khá khang trang ở đường Phan Đình Phùng, gần rạp ciné Ngọc Hiệp. Tôi biết rằng, tiền bán căn nhà ở Trại Hầm chỉ đủ để ba tôi mua một căn nhà bếp ở phố. Số tiền khổng lồ cần có để bù vào giá cả chênh lệch giữa hai căn nhà, phải có bàn tay của bác Bảy nhúng vào.
Tôi trả lại căn phòng cư xá độc thân của tôi cho trường rồi dọn về ở chung với ba má của tôi. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, cuộc sống vật chất của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Lương tháng của tôi không cần phải trích ra vài ngàn phụ giúp mấy đứa em, không cần phải để dành tiền mua xe. Tôi tiêu xài rộng rãi, thoải mái hơn xưa. Mỗi thứ Bảy, Chủ Nhật tùy theo có trực hành quân hay không tôi thường chở Cúc dạo phố Đà Lạt, khi thì cà phê Tùng, cà phê Thủy Tạ, lúc ăn sáng ở phở Bắc Huỳnh gần ga xe lửa, ăn trưa ở nhà hàng Mê Kông, thậm chí có nhiều lần chúng tôi vào ăn tối ở nhà hàng Chic Shanghai. Đi chơi với Cúc, năm thì mười họa, tôi mới được trả tiền cà phê một lần, nói gì đến chuyện trả tiền ăn nhà hàng. Đà Lạt là một tỉnh nhỏ, chuyện nhỏ chút xíu như cái móng tay cũng có thể đồn ầm lên. Tình cờ một vài lần, tôi nghe được những lời thiên hạ xì xầm, đàm tiếu về tôi.
-Vợ chưa cưới của ông ấy là con nhà tỉ phú ở Sài Gòn.
-Căn nhà ông ấy ở đường Phan Đình Phùng là do bên vợ mua cho, trước đây nghe nói nghèo kiết xác ở đâu tận Trại Hầm.
Những lời bàn ra tán vào về tôi tuy hoàn toàn đúng, nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu mặc dầu đã chuẩn bị tinh thần từ trước.