Headlines

CTBCTY Tập IV chương 39

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XXXIX
Công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Mới có ba năm giải phóng mà không biết Việt Cộng đánh tư sản mại bản mấy đợt rồi. Theo tôi nghĩ đối với Việt Cộng, khi mà người dân Miền Nam còn có tiền thì còn đánh, cướp cho hết mới thôi. Sau ngày bị đánh tư sản, gia đình của tôi rớt xuống bậc thang cuối cùng của nghèo nàn, đói rách. Trước đây vì dư dả tiền bạc, chúng tôi sống cách biệt, rất ít khi quan tâm đến đời sống kinh tế của mọi người chung quanh mình, biết người ta ăn cơm độn bo bo, biết để mà biết không có gì phải bận tâm. Bây giờ thì chúng tôi cũng giống như tất cả người dân Miền Nam, cũng chạy ăn từng bữa. Dân Miền Bắc tôi không nói tới, vì họ đã bị chuyện cải cách ruộng đất, bỏ đói từ năm 1954 rồi. Từ đó tôi biết rõ hơn về nguồn lương thực cung cấp cho dân chúng. Người dân đói hay no, tùy thuộc vào số thực phẩm do nhà nước phân phối. Theo quy định từng địa phương, mỗi tháng người dân sẽ được mua 16 kí lương thực, có tháng chỉ còn 13 kí, trong đó bao gồm gạo, bo bo, bột mì, một đôi khi có cả khoai mì xắt lát. Đường, muối, nước mắm hay vải vóc bán cho người dân cũng thất thường như trời có khi mưa khi nắng, khi nóng khi lạnh. Nói chung nhà nước bán thứ gì thì dân nhờ thứ ấy.

Tôi và Cúc vì làm vườn, canh tác ngoài Đa Thiện nên có sổ lương thực, được sống ở thành phố không phải đi kinh tế mới. Có một điều hết sức là may mắn cho gia đình tôi, là trong đợt đánh tư sản mại bản vừa qua, đám sai nha quan lại của triều đình Cộng Sản, đã quên mất cái máy bơm nước hiệu Yanmar ở vườn trồng rau ngoài Đa Thiện của tôi. Và đó là tài sản quý giá nhất mà tôi và Cúc còn có được.

Hồi mới học tập cải tạo về, tôi làm vườn kiểu tài tử, hàng ngày tôi ra vườn chỉ làm có một việc duy nhất là tưới cây, tưới cho có lệ với mục đích là xin chữ ký vào sổ. Cuối tuần khi đọc kiểm điểm trước tổ dân phố, tôi khai báo rằng mình có lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất. Khác với tôi, người dân trồng rau ngoài Đa Thiện, họ làm việc đầu tắt mặt tối, suốt ngày dãi nắng dầm mưa, chăm lo từng chút cho luống rau, tính toán từng bao phân cá, từng giọt nước, từng hột phân hóa học như U rê và Ka li. Vậy mà cũng có mùa họ bị thất thu, tiền bán rau không đủ chi phí cho tiền mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu.

Trước đây khi còn dư dả tiền bạc, cứ sau một vụ mùa Cúc phải bỏ ra một số tiền lớn để bù lỗ. Công ty quốc doanh của Cộng Sản lập ra cũng vậy, gần như một trăm phần trăm đều làm ăn lỗ lã vì tham nhũng. Chuyện không có gì phải ồn ào, nhà nước sẽ lấy tiền thuế của người dân bù vào như họ đã làm từ bao nhiêu năm nay. Hai trường hợp làm ăn giống nhau, với gia đình tôi, nguồn vốn cung cấp đã bị mất sau vụ vợ tôi thuộc thành phần bị đánh tư sản mại bản. Muốn sống còn, tôi và Cúc phải đem hết sức mình ra làm việc, phải siêng năng cần mẫn, như những người dân làm vườn ở Đa Thiện, với hy vọng sẽ sống được nhờ vào mảnh vườn này. Hoài công vô ích, cho dù chúng tôi có cố gắng đến đâu, có làm việc khổ cực như thế nào, thì kết quả vẫn là thua lỗ. Mùa nào cũng vậy, may mắn lắm thì huề vốn, chỉ lỗ công, còn thường thì thất điên bát đảo, cất đầu không nổi.

Những lúc sau này khi đang làm vườn, tôi và Cúc thường gặp dăm ba người thanh niên với giọng nói của dân Sài Gòn hoặc Vùng 4. Những người này đi lang thang từ vườn nhà này sang vườn nhà khác, dò la, hỏi mua lại máy bơm nước chạy dầu cặn. Đối với nhà vườn, máy bơm giống như trái tim, dùng để bơm máu đi nuôi cơ thể của con người. Nhà vườn không có máy bơm nước, chẳng khác gì con người không có trái tim. Do đó những người tìm mua máy bơm nước sẽ có rất ít hy vọng, hay nói đúng ra là mò kim đáy biển. Một hôm tôi đang bận bịu tưới rau, bất chợt có một anh thanh niên áo quần bảnh bao lân la đến làm quen, và xin chỉ cho anh ta quanh đây có ai dư máy bơm nước muốn bán.

Vì muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao người ta tìm mua máy bơm nước, tôi gạ chuyện với anh thanh nên.

-Anh là người Miền Tây?

Do dự một chút, anh ta trả lời.

-Tôi là dân tạm trú ở Sài Gòn.

-Tại sao anh phải cất công, lặn lội lên tuốt trên núi này để mua mấy cái máy đó làm gì? Sài Gòn chán vạn gì, sao không mua?

Anh thanh niên cười thoải mái.

-Tôi đâu có rảnh, đi ba trăm cây số lên cái xứ Đà Lạt này để mua máy, lý do rất đơn giản là bạn bè của tôi đã săn lùng khắp cả Sài Gòn rồi, kiếm đỏ con mắt cũng không thấy một cái máy chạy bằng dầu cặn.

Tôi nói đùa với anh ta.

-Trời đất, quý vậy sao? Tôi có cái máy bơm Yanmar, đang dùng tưới rau đây nè. Nếu muốn mua, anh trả được bao nhiêu?

Đôi mắt của anh thanh niên vụt sáng rực lên.

-Cho tôi coi được không?

Tôi chỉ cái nhà nhỏ xíu bằng gỗ, dùng để che cái máy bơm gần hồ nước.

-Anh xuống đó mà coi.

Tôi chưa kịp dứt lời, anh thanh niên đã ba chưn bốn cẳng, phóng như bay.

Để mặc anh thanh niên muốn làm gì tùy ý, tôi tiếp tục công việc của mình. Chưa tưới xong mấy luống khoai tây, anh thanh niên đã trở lại với gương mặt tươi rói.

-Nói thiệt nghe, quá dữ luôn, một cái Yanmar F10 CE, thứ này thuộc loại hàng xịn à nghe.

Tôi cười thầm trong bụng, rồi hỏi.

-Anh nói như vậy, không sợ tôi tăng giá hay sao?

Anh thanh niên cười hô hố.

-Yên chí đi, tôi mà cho giá anh bạn nghe xong sẽ gật đầu cái rụp, không có đắn đo hay suy nghĩ một, hai gì hết. Nói nghe nè, Yanmar F5 tới F9 tôi gặp cũng nhiều, hơi cũ, giá của nó là một cây hay hơn chút đỉnh. Riêng cái F10 này quá ngầu lại còn quá mới, tôi ưu ái cho nó hai cây.

Vì không có chủ tâm bán máy bơm, tôi đùa với anh ta.

-Có hai cây thôi sao? Ít quá vậy.

Anh thanh niên trợn tròn đôi mắt.

-Trời đất, nè anh bạn chắc anh lo làm ăn quá nên không biết xã hội đổi thay như thế nào. Một căn nhà trong cư xá Thanh Đa, lô chữ, tầng trệt ở Sài Gòn chỉ có một cây thôi, lên tầng hai, ba , bốn, mỗi tầng bớt một chỉ. Cái máy Yanmar F10 của anh bạn đổi lấy hai căn nhà ở Thanh Đa. Vậy mà anh bạn còn chê ít hả?

Tôi hỏi anh ta.

-Tôi tưởng chỉ có nhà ở Đà Lạt mới mất giá, ai ngờ ở Sài Gòn cũng vậy sao?

Gã thanh niên cười ra vẻ khoái chí.

-Nói thiệt luôn nghe, liên tiếp mấy năm nay dân Sài Gòn bị lùa đi kinh tế mới cũng khá bộn, gần đây người ta rủ nhau đi vượt biên hà rầm, nhà bỏ trống rất nhiều nên mới xuống giá.

-Anh nói nhà rớt giá nghe rất có lý, vậy còn cái máy bơm nước Yanmar này, tại sao lại lên giá?

Anh thanh niên cười hề hề.

-Hổng biết thiệt sao? Hay là bạn giả ngộ.

-Tôi không biết thiệt mà.

Giữa vườn rau chỉ có hai người, anh thanh niên nhìn quanh như sợ có người khác nghe được chuyện mình nói, anh ta lấy tay che miệng rồi kề sát tai của tôi.

-Máy dầu cặn Yanmar, gắn vô tàu để vượt biên, hiện tại được ưa chuộng nhất. Hút hàng là phải rồi.

Mọi thắc mắc mấy tháng nay, về chuyện người ta lùng sục khắp các vườn rau ở Đà Lạt mua máy bơm nước chạy dầu cặn, đã được trả lời thỏa đáng. Tôi nhìn anh thanh niên.

-Anh đưa giá bao nhiêu tôi cũng không bán, mà chỉ muốn trao đổi thôi. Vợ chồng tôi và đứa con gái hơn hai tuổi, ba chỗ ngồi trên tàu vượt biên, đổi lấy cái Yanmar F10 này.

Gã thanh niên gãi đầu bứt tóc.

-Tôi mua máy này đem về Sài Gòn, bán lại kiếm chút lời. Người mua phải chở tuốt xuống đâu Rạch Giá, Cà Mau, gắn vô chiếc tàu nào đó. Ai mà biết được chủ tàu mặt tròn mặt méo ra sao. Điều kiện của anh bạn đưa ra, tôi cũng chịu thua luôn.

Tôi an ủi anh thanh niên.

-Anh cứ giữ chuyện này trong bụng, biết đâu gặp mối, có người chịu thì anh đến đây gặp tôi.

Anh thanh niên chào tôi rồi đi mà lòng chừng như bịn rịn, không nỡ rời cái máy bơm.

Thấy vậy, tôi nói vói theo.

-Nếu tôi đổi ý, muốn bán máy thì gặp anh ở đâu?

Không thèm quay nhìn tôi, anh thanh niên to giọng.

-Về chợ trời Nguyễn Thông ở Sài Gòn, hỏi thằng Vinh máy nổ thì ai cũng biết.

Trong bữa cơm chiều ngày hôm ấy, tôi nói với Cúc về tin tức của người dân Sài Gòn, rủ nhau vượt biên như đi trẩy hội, cùng với chuyện giá trị cái máy bơm hiệu Yanmar ở ngoài vườn có giá là hai lượng vàng.

Cúc phân tích với tôi.

-Trước đây khi còn có tiền, cả anh và em đều đánh giá thấp bọn Cộng Sản. Em cứ đinh ninh rằng, mình bỏ Sài Gòn lên ẩn núp ở Đà Lạt là tạm yên thân rồi. Em đã quá chủ quan nên tất cả tiền bạc đều bị cướp sạch sẽ, giờ thì một xu dính túi cũng không có. Gia tài của mình giờ đây nếu còn chỉ là cái máy bơm đang dùng ở ngoài vườn. Chậm hay mau gì mình cũng phải vượt biên thôi, tuy nhiên anh với em phải soạn thảo kế hoạch thật tỉ mỉ, không được có bất cứ sai sót, lỗi lầm, cho dù là một lỗi nhỏ nhặt nhất.

Tôi đưa ý kiến.

-Nếu vượt biên, chuyện đầu tiên mình phải làm là dọn về ở Sài Gòn hay bất cứ tỉnh nào ở ven biển.

Cúc nói.

-Những tỉnh thành ven biển mình không có nhà, không có người quen. Em sẽ hỏi chị Hai về căn nhà của chị ở Tân Định Sài Gòn, mình sẽ bán cái máy bơm, dùng số tiền đó để chạy sổ hộ khẩu nhập chung với chị Hai ở Tân Định, còn dư bao nhiêu tiền dành ưu tiên cho chuyện vượt biên, cơm nước sinh sống hàng ngày mình phải tự làm để nuôi thân. Anh thấy được không?

Tôi gật đầu.

-Được quá đi chớ, chỉ sợ khổ cho em và con thôi. Anh thì dù gì cũng có được cái bằng “Tù cải tạo” cái bằng này chứng nhận người tốt nghiệp có khả năng nhịn đói, chịu nhục, giỏi nhất nhì trên thế giới.

Cúc cười với vẻ thích thú.

-Anh đừng có mừng, trong thời gian anh ở tù thì người dân Việt Nam cũng đang ở trong cái nhà tù lớn. Hai cái nhà tù cũng không có khác nhau bao nhiêu đâu.

Thấy Cúc vui vẻ, tôi ôm Cúc rồi nói.

-Em có nhớ là hồi xưa, tụi mình đi tắm biển ở Vũng Tàu hay không.

Cúc cười e thẹn.

-Nhớ chớ sao không.

Tôi nói với Cúc.

-Anh muốn hỏi em một câu, chỉ một câu thôi. Em có biết là em có một thân hình đẹp, có thể đi thi hoa hậu được không?

Cúc hơi đỏ mặt rồi nói.

-Biết, đó là lý do mà em kéo anh đi Vũng Tàu, chỉ với mục đích là khoe thân thể tuyệt đẹp của mình. Có điều em không ngờ và hơi thất vọng là anh ngó lơ, không thèm nhìn em trong bộ bikini, khi em từ dưới biển đi lên. Tự ái của một người con gái biết mình có một thân hình đẹp, khiến em nghĩ thầm, cái gã con trai mắc dịch này bày đặt làm cao, chắc hắn tưởng cái lon trung úy của Trường Võ Bị Đà Lạt là ngon lắm, cho nên gương mặt cứ khinh khỉnh coi phát ghét. Đã vậy còn làm bộ như là đứng đắn lắm.

Đang nói Cúc chợt đổi giọng.

-Anh có biết không, cũng tại cái ghét đó mà sau này, vài tuần không gặp anh là em thấy nhớ. Từ nhớ đến yêu, trong tâm hồn chỉ là một khoảng cách không lấy gì làm xa cho lắm.

Mãi cho đến ngày hôm đó, tôi mới biết được tâm sự giấu kín trong lòng của Cúc.

Tôi cười, thú tội với vợ.

-Anh đâu phải là Lục vân Tiên, để nói với Kiều nguyệt Nga

Khoan khoan ngồi đó chớ ra.

Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Em biết không, trong bụng thì anh thích ngắm nhìn thân thể của em trong bộ áo tắm, nó có một hấp lực mạnh như sức hút của một thỏi nam châm, khiến đầu óc của anh lúc bấy giờ chỉ toàn là ý tưởng đen tối, bắt anh phải ngoảnh mặt làm ngơ không dám nhìn.

Gương mặt của Cúc lộ vẻ bằng lòng.

-Vậy mà hồi đó em cứ ngỡ là anh bị bệnh lãnh cảm.

-Anh đâu phải là gỗ đá, có điều anh không hiểu em đã tập luyện như thế nào mà có được thân hình đẹp tuyệt vời như vậy.

Cúc giải thích.

-Chỉ là trời sinh mà thôi, em chẳng có tập tành gì cả, suốt ngày chỉ bơi lội trong hồ bơi ở nhà. Thực lòng mà nói, em rất thích đi tắm ở hồ bơi công cộng, vì mỗi khi thấy em mặc đồ tắm đi ngang, bọn thanh niên choi choi vẫn thường huýt sáo vang trời. Tiếng huýt sáo làm em ngượng đỏ mặt nhưng trong lòng lại vui sướng, tuy vậy em rất ít khi đi bơi ở những hồ bơi công cộng, vì nước ở đó không được sạch sẽ như nước hồ bơi ở nhà. Còn một điều quan trọng nữa mà anh không biết đâu, em là một trong bốn nữ lực sĩ bơi lội của Việt Nam Cộng Hòa tham dự Đông Nam Á Vận Hội, trong bộ môn nhào lộn trên tấm ván nhún. Vì bơi lội thường xuyên như vậy, nên thân thể của em nẩy nở đều đặn, chỉ có vậy thôi.

Tháng 9 năm 1978, tôi được đưa ra tổ dân phố lần thứ hai để duyệt xét xin giải chế. Nhờ cái đồng hồ Seiko mà tôi lo lót cho tên công an khu vực từ năm trước, mọi việc đều tiến hành êm đẹp. Cuối cùng để kết thúc buổi họp, tên công an khu vực với giọng nói rõ ràng.

-Trước mặt đồng bào, anh Nguyễn trọng Quân, trung úy Ngụy quân đã được tập trung học tập cải tạo và nhà nước khoan hồng cho về. Hôm nay sau khi giải chế, anh chính thức trở thành một công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi theo hiến pháp quy định.

Tôi cảm ơn nhà nước và Đảng Cộng Sản mà trong bụng chỉ muốn nói. Từ giờ trở đi, tôi thoát được cái nạn bốn chữ ký một ngày, có thể xin phép đi Sài Gòn để tìm đường vượt biên. Chuyện làm công dân của cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tôi xin nhường cho các đảng viên Đảng Cộng Sản và gia đình họ. Tôi cũng tin rằng tất cả người dân của hai miền, Nam và Bắc Việt Nam đều sẵn sàng từ chối cái quyền công dân này. Bằng chứng là năm 1954 hơn một triệu người dân Miền Bắc di cư vào Nam, sau tháng 4 năm 1975, hàng triệu triệu người dân Việt Nam tìm đường vượt biên, không biết cho đến khi nào mới chấm dứt. Riêng cá nhân tôi, tôi thà chết trên biển cả, đem tấm thân này làm mồi cho cá, quyết không làm công dân của một nước, mà trong đó mạng sống của con người bị xem nhẹ như cỏ rác, nhân phẩm của con người bị chà đạp còn tệ hơn súc vật.

Loading

Scroll To TOP