CTBCTY Tập III chương 29
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)
Chương XXIX
Nông trường bông vải Sông Lũy
Tôi ngủ một giấc ngon lành cho đến 9 giờ sáng. Tối hôm qua, nhờ ăn tô cơm trên đầy hơn dưới nên đến giờ này tôi vẫn chưa thấy đói. Mãi cho đến gần 10 giờ, gã bộ đội mới đến, ông ta đặt cái điếu cày lên bàn rồi đưa cho tôi hai cái bao cát còn khá tốt. Với tù nhân, bao cát là một tài sản quý hiếm, gã bộ đội cho tôi một lần hai cái bao cát, quả là một chuyện lạ. Bấy lâu nay tôi mong có một cái bao như vậy để cho Sơn Fulro may quần đùi bận đi lao động, nếu chốc nữa Sơn Fulro nhận được hai cái bao này chắc nó mừng lắm. Một cái quần may bằng vải bao cát, có tệ lắm cũng dùng được một năm mới rách. Qua hành động này, tôi vội vàng xét đoán, nhìn gương mặt của gã bộ đội tuy có vẻ dữ dằn thật nhưng biết đâu hắn là một người đầy lòng nhân hậu. Chưa kịp mừng, tôi đã nghe gã bộ đội nói.
-Cái xách tay của anh, tôi phải giữ lại để làm vật chứng trình lên trên, anh tạm dùng mấy cái bao cát này để đựng vật dụng cá nhân.
Tôi chợt hiểu thâm ý của gã bộ đội, vui vẻ nhận lấy cái bao với lý do thật giản dị “Của đi thay người”, tiền bạc và những vật dụng quý giá tôi còn không tiếc, thì sá gì cái xách tay rẻ tiền này.
Gã bộ đội nhìn tôi rồi nói, giọng nói nghe thật êm tai.
-Anh xếp mùng mền cho vào bao, tôi sẽ điều người đưa anh về lại trại.
Dứt lời gã đi ra cửa, vừa đi vừa nói to.
-Cái anh gì đó, nhớ phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, nghe chưa?
Tôi về đến trại đúng vào giờ ăn trưa, nếu về trễ chút nữa chắc tôi phải nhịn đói. Tôi nhìn lại chỗ nằm của mình mà lòng buồn rười rượi, cái bao ny lông đựng chút thực phẩm khô của tôi không còn nữa. Hôm qua tôi cứ nghĩ là gã bộ đội chỉ khám xét cái xách tay của tôi thôi, không ngờ có chút thực phẩm vụn vặt như đường với đậu mà tôi dè sẻn dành dụm chỉ còn khoảng năm bảy kí lô cũng bị tước đoạt luôn. Nhìn lại, gia tài vốn liếng của tôi bây giờ chỉ còn có một cái mùng, một cái mền, mà lòng phân vân tự hỏi, không biết mình đã đi xuống ở tầng thứ mấy của địa ngục.
Trung úy Lợi đến bên tôi hỏi nhỏ.
-Mày làm gì mà đứng ngẩn ngơ như ốc mượn hồn vậy? Hôm qua nghe mày bị dẫn lên Ban chỉ huy trại, mấy đứa tao lo gần chết, không biết có chuyện gì không.
Tôi cười.
-Có chớ, mày còn nhớ Long công tử không?
-Tại sao không, nó trốn trại nên mày bị liên lụy chứ gì?
Tôi mừng quá sức hỏi dồn.
-Nó trốn trại bằng cách nào? Có thoát không?
Trung úy Lợi ngập ngừng.
-Tao chỉ nghe tin đồn từ khối Bình Thuận là lợi dụng lúc đi lao động ở bên ngoài, Long công tử trốn mất, đến chiều khi điểm danh vào trại mới biết thiếu hắn. Hơn hai ngày mà không bắt lại được, chắc giờ này Long công tử đã ở Sài Gòn rồi.
Tôi hỏi Lợi.
-Sao mày biết hắn ở Sài Gòn?
-Tao đoán như vậy vì tất cả sĩ quan bên khối Bình Thuận đều là dân Phan Thiết, chỉ có một mình Long công tử là người Sài Gòn nên hắn có biệt danh là Long Sài Gòn. Nó không về Sài Gòn thì đi đâu? Mà nè sao mặt của mày bầm tím vậy?
Tôi vạch áo chỉ thêm vào những vết bầm trên người rồi nói với Lợi.
-Mẹ nó… hôm qua mấy thằng Việt cộng dợt tao một trận nên thân, thừa sống thiếu chết, nhưng mà số tao còn hên, tiền hung hậu kiết nên mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ có ê ẩm, bầm giập trong người chút đỉnh.
Trung úy Lợi nói với tôi.
-Từ ngày vào trại tới hôm nay, tao chưa bao giờ thấy Việt cộng đánh tù, tại sao tụi nó đánh mày?
Tôi trả lời Lợi.
-Trước mặt mọi người thì như vậy, nhưng khi vô phòng hỏi cung, chỉ có tù và cai tù, tụi nó đánh tù không đẹp không ăn tiền. Nếu có dịp được gọi đi làm việc, mày sẽ được thưởng thức mấy món ăn chơi này.
Sau trận đòn ở Bộ chỉ huy trại, thời vàng son của tôi thật sự chấm dứt. Tôi trở thành con người khác, con người chuyên chính vô sản, không một xu dính túi, không một cục đường để khi đói ăn cho đỡ thèm. Tôi và Lợi đói mờ mắt, ngày ngày hai thằng lê tấm thân ốm đói đi lao động.
Được chừng hơn một tuần lễ, đâu khoảng gần giữa tháng 6, sau bữa cơm chiều, tất cả tù nhân trại B trung úy, được lệnh tập họp tại hội trường để nghe biên chế. Hình như Việt cộng dùng từ ngữ này với ý nghĩa là, sắp xếp lại thành phần nhân sự hay là chuyển trại, tôi không hiểu rõ. Một danh sách tù nhân cải tạo dài lê thê, được một anh quản giáo đứng trên bục gỗ đọc thật to và rõ ràng.
-Ba trăm người có tên sau đây, ngày mai sẽ không đi lao động, ở tại trại để nghe lệnh mới.
Gần bảy trăm ông trung úy ngụy ngồi dưới đất, im phăng phắc lắng nghe. Danh sách đã đọc được vài chục người, trong đó chỉ toàn là khối trưởng, tổ trưởng, những người có thân nhân làm Cách mạng. Mọi người đều ngầm hiểu rằng, số phận của mình, đi hay ở, thả hay nhốt đều nằm trong lần thay đổi này. Căn cứ theo đó, ba trăm người có tên trong danh sách này, tương lai sẽ sáng sủa hơn những người khác. Tôi nghe đọc tên mà nhớ lại chuyện đọc kết quả của những kỳ thi Tú tài I và II ngày xưa. Hồi đó tên của những thí sinh trúng tuyển, sẽ được đọc trên đài phát thanh Đà Lạt. Chuyện hồi hộp là số báo danh của mình, được đọc trước tên theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn. Ví dụ như: Số Báo danh 273, Trần văn A Thứ. Số Báo danh 274, Nguyễn văn B Bình thứ. Và tiếp theo đó nếu xướng ngôn viên đọc Số Báo danh 278, Đinh văn C Bình thứ, thì có nghĩa là ba thí sinh mang số báo danh 275, 276, 277 rớt. Hôm nay, tôi ngồi cả nửa giờ để nghe danh sách biên chế, phải hết sức chú tâm, không được xao lảng bởi vì tên của mình có thể được đọc bất cứ lúc nào, không theo một quy luật gì hết. Cho đến khi anh quản giáo đọc xong bảng danh sách biên chế, tên tôi vẫn còn ở tận đâu dưới địa ngục. Buổi tối tôi đi ngủ mang theo trong lòng một nỗi buồn nhè nhẹ và tin rằng mấy trăm người không có tên chuyển trại cũng sẽ mang tâm trạng giống tôi. Ngày mai bảy trăm trung úy sẽ còn lại khoảng bốn trăm ở trong trại này. Tôi nằm trằn trọc, trăn trở với cảnh kẻ ở người đi cho đến khuya mới chợp mắt được.
Tôi thức dậy, khi nghe tiếng kẻng báo thức vang lên gần căn nhà của khối trưởng. Lúc chúng tôi đang sẵn sàng chuẩn bị tập thể dục tập thể mười lăm phút, thì nghe anh khối phó yêu cầu mọi người im lặng để nghe bản bổ xung biên chế. Giọng của khối phó vang vang trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi sáng.
-Mười bảy anh có tên sau đây, lát nữa sẽ không đi lao động, nhập chung với ba trăm người có tên trong danh sách ngày hôm qua, chuẩn bị chuyển trại. Số một Trần văn Danh, số hai Nguyễn trọng Quân…
Đang lơ mơ, bất chợt nghe tên mình được đọc trong danh sách chuyển trại bổ túc, tôi lặng người đi vì sung sướng, chuyện mà tôi hoàn toàn không ngờ đã xảy ra, giống như một phép lạ. Tai của tôi ù đi không còn nghe tên của mười lăm người còn lại. Cùng lúc ấy một chút nghi ngờ thoáng qua trong đầu, khiến tôi suy nghĩ thật nhiều về danh sách bổ túc này. Tôi tự hỏi, có phải trong bản tự khai sau cùng của tôi nộp cho gã bộ đội ở Ban chỉ huy trại, thân nhân Cách mạng của tôi là ông Năm bánh xèo, có cái tên là Trần Chiến Bí thư tỉnh ủy Đà Lạt, đã được mấy ông trên Ban chỉ huy điều chỉnh xong, cho nên tôi được chuyển trại trong danh sách bổ túc. Nếu đúng như vậy, cái tội khai gian của tôi không chóng thì chày cũng sẽ lộ, khi mà Việt cộng cho người lên Đà Lạt xác minh ông cậu Việt cộng Trần Chiến của tôi. Trời Sông Mao buổi sáng mát lạnh, vậy mà mồ hôi trên trán của tôi đã tuôn ra mỗi lúc một nhiều. Tôi than thầm, tiền của Việt cộng vốn đã không có giá trị, không hiểu tại sao tôi lại ngu xuẩn đến độ tin dùng, mà lại dùng tiền giả mới khốn nạn cho đời mình.
Khi mọi người đã đi lao động, ba trăm mười bảy người được chuyển trại, lúc bấy giờ mới khăn gói lên đường. Tôi nhìn vài người bạn tù đang tay xách, nách mang giống như cảnh mấy chú Ba mua ve chai của vài chục năm về trước, với gánh ve chai chất đầy vật dụng phế thải, rảo bước khắp phố phường tìm mua phế liệu. Hôm nay bọn tù cải tạo chúng tôi, khi chuyển đến chỗ ở mới cũng gồng gánh như mấy chú Ba nhưng lại mang theo những vật dụng còn tệ hơn đồ phế thải, dăm ba miếng vải rách, cái bao cát lủng nhiều lỗ cột túm một đầu, không biết đựng những gì bên trong, cái lon gô nho nhỏ móp méo cháy đen vì khói, thùng đựng nước làm bằng tôn lợp nhà rỉ sét. Tài sản của tôi còn thê thảm hơn nhiều, sau vụ bị điều tra và đổi chát với gã bộ đội trên Bộ chỉ huy, bây giờ tôi chỉ còn lại một cái mùng, một cái mền đựng trong hai bao cát cột dính lại với nhau bằng một sợi dây.Tôi vắt hai cái bao lên vai, theo đám tù nhân đi ra cổng trại. Ngoảnh mặt nhìn lại trại tù, nơi tôi đã ở gần một năm mà thương cho Trung úy Lợi và Sơn Fulro, cả hai đều không được chuyển trại lần này. Chúng tôi được đưa đến một khu rừng thưa, nằm gần Sông Lũy cách trại tù Sông Mao khoảng chừng 10 cây số, nơi đây không nhà, không cửa, không dân cư, không đường sá, hoang vu vắng lặng. Bị đưa đến một nơi hoang dã nhưng không một ai thắc mắc, bởi vì mọi người đều hiểu rõ thân phận tù đày của mình. Một anh bạn tù là dân Phan Thiết, đứng nhìn quanh một hồi rồi nói.
-Ở đằng xa kia là Lương Sơn.
Tôi nghe để mà nghe nhưng hoàn toàn mù tịt không biết mình đang ở đâu. Cán bộ quản giáo chia chúng tôi ra làm ba khối: khối một lo chuyện đốn cây, khối hai lo việc dựng nhà , khối ba cắt và gánh tranh lợp mái nhà. Nguyên cả buổi chiều hôm ấy, chúng tôi được khối trưởng và tổ trưởng phân chia công tác cho hai tuần sắp tới. Tối đến mọi người ngủ ngay tại chỗ, trong cảnh màn trời, chiếu đất. Một vài người gom một ít lá khô, lót xuống đất làm chiếu nằm cho đỡ lạnh. Giữa khuya tôi chợt tỉnh giấc, con trăng mười sáu tròn như một cái dĩa, chiếu ánh sáng vàng nhạt xuyên qua kẽ lá, cả một khu rừng chìm trong không gian lung linh mờ ảo, khiến tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong mộng. Bọn tù chúng tôi thường gọi những ông Việt cộng canh gác tù là bộ đội, cảnh vệ, bảo vệ hay vệ binh, thứ gì cũng được, không một ai thắc mắc, miễn sao khi nói lên mọi người đều biết đó là lính Việt cộng canh giữ tù. Hơn ba trăm tù nhân nằm la liệt giữa rừng, nhìn quanh tôi, không một cọng kẽm gai làm hàng rào, không một người lính canh. không khối trưởng, không tổ trưởng điểm danh, không ai thắc mắc đến mình, đây là cơ hội tốt nhất cho bất cứ tù nhân nào muốn trốn trại. Biết như vậy nhưng không một ai dại dột trốn trại vào lúc này, vì mọi người đều biết rằng mình là thành phần tốt, đã được chọn lựa, sàng lọc kỹ càng, và ngày về không còn bao xa.
Ngày đầu tiên đi gánh tranh, bảy giờ sáng gần một trăm tù nhân do hai vệ binh canh gác dẫn đường. Mỗi tù nhân tự mình đốn một khúc cây rừng to bằng cổ tay, hai đầu được vót nhọn dài hơn một sải tay, dùng làm đòn gánh. Chúng tôi di chuyển trong khu rừng thưa độ hơn bốn cây số, dọc theo con Sông Lũy với đội hình hàng một, người này cách người kia từ năm tới mười mét. Đến một khúc sông cạn, mực nước chỉ tới thắt lưng, đáy sông chỉ toàn cát và cát, chúng tôi vượt qua sông, đi thêm một đoạn khoảng một cây số là đến Quốc lộ 1. Từ đây chúng tôi rẽ phải, đi cặp theo lề quốc lộ một đoạn chừng ba cây số hướng về phía thành phố Phan Thiết. Sau đó băng ngang quốc lộ, rồi theo con đường mòn nhỏ, đi thêm khoảng sáu cây số nữa đến một cái trảng trống. Trước mắt tôi nguyên cả một ngọn đồi cỏ tranh xanh mướt hiện ra. Những thảm cỏ tranh theo từng cơn gió nhẹ nghiêng qua rồi ngả lại, giống như chúng đang rượt bắt đùa giỡn với nhau. Tôi biết mình đã tới nơi sau khi vượt qua một chặng đường dài ước chừng mười lăm cây số. Một anh bạn nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói “Lội bộ bốn tiếng đồng hồ rồi đó quý vị”. Cỏ tranh đã sẵn sàng do nhóm cắt tranh đến đây từ hôm qua, chúng tôi chỉ có việc cột lại thành bó. Mỗi bó tranh to khoảng một vòng tay ôm, xỏ cây đòn qua hai bó tranh rồi gánh về. Cũng may là gánh tranh không nặng lắm, vừa sức với đám tù ốm đói, cho nên chúng tôi không một ai kêu ca phàn nàn gì cả, trên đoạn đường dài mười lăm cây số trở về trại. Những ngày kế tiếp, hình như dân chúng biết tù cải tạo hay đi gánh tranh, ngang qua đoạn đường trên Quốc lộ 1. Thỉnh thoảng bọn tù chúng tôi lại nhặt được khi thì xâu bánh ú, lúc thì nải chuối sứ, cục đường, củ khoai, trái bắp từ trên những chiếc xe đò chạy từ Phan Rang ra Phan Thiết, Sài Gòn liệng xuống. Tuy không nhiều nhưng những món thực phẩm phụ trội trời cho được tù nhân chia nhau, người củ khoai, kẻ trái bắp. Chút thực phẩm dôi ra như vậy, tính thêm cho phần ăn hôm đó của tù, đã vượt chỉ tiêu, quá tiêu chuẩn rồi. Sau một năm ăn uống thiếu thốn, bao tử của người tù đã tự động điều chỉnh, thu nhỏ lại để thích ứng với hoàn cảnh, nếu tù nhân bất ngờ ăn quá nhiều thực phẩm cho một bữa ăn, họ có thể bị trúng thực hay bội thực. Một anh bạn tù, sau hai ngày gánh tranh đi trên con đường xuyên Việt này, khi thì lượm được củ khoai, lúc thì trái chuối do dân chúng từ xe đò ném xuống bèn nảy ra quyết định đổi tên Quốc lộ 1, với lý luận rất đơn giản, anh ta nói .
-Các bạn thử tưởng tượng cái cảnh một tù nhân di chuyển hàng chục cây số, mỏi mệt khờ người, đói rã ruột vớ được trái chuối thơm lừng, chỉ mới ngửi mùi thôi đã thấy sung sướng tràn đầy hạnh phúc. Quý vị còn chần chờ gì nữa mà không gọi con đường này là “Quốc lộ huy hoàng”.
Riêng cá nhân tôi, một lần tôi lượm được cái bánh ú, lần khác được ổ bánh mì nhỏ, dài cỡ gang tay, tuy có hơi mềm nhưng khi ăn thì vừa thơm vừa ngọt, có thể tại cả năm rồi mới được ăn khúc bánh mì đúng nghĩa nên tôi mới có cảm giác như vậy. Nội quy của trại là cấm tù nhân liên hệ với dân chúng, nhưng bọn tôi cả trăm người đi gánh tranh mà chỉ có hai cảnh vệ đi canh giữ, chúng tôi biết chẳng có anh cảnh vệ nào đi theo 30 cây số để giữ chúng tôi. Không chừng họ đã tìm một gốc cây hoặc vào nhà dân ngủ một giấc, chờ đến chiều theo chúng tôi về trại. Họ cũng biết rằng, chúng tôi là những tù nhân sắp được thả về nên không một ai muốn trốn trại cả, dại gì mà trốn, trong khi chỉ cần đợi một thời gian ngắn nữa sẽ được cầm giấy phóng thích mà ra về. Trong hai tuần lễ đi gánh tranh, có một chuyện mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên, là khi tôi và hai người bạn tù băng qua “Quốc lộ huy hoàng” theo con đường mòn đi đến đồi tranh, lúc bấy giờ mặt trời đã lên khá cao, chiếu ánh sáng gay gắt xuống đỉnh đầu, mồ hôi đã bắt đầu thấm ướt áo. Từ xa chúng tôi thấy một căn nhà gạch sạch sẽ, khang trang, nằm bên tay phải của đường mòn, cả ba bàn với nhau vào xin ly nước lạnh. Một bé gái khoảng chừng 8 tuổi, dẫn chúng tôi ra sau nhà, chỉ vào cái lu nước trong góc bếp. Khi cả ba đứa đang bu quanh cái lu để uống nước, bất ngờ có giọng nói của một người đàn bà vang lên.
-Các ông ở đâu đến? Tại sao ngang nhiên vào nhà tôi uống nước?
Không ai bảo ai cả ba cùng quay lại, trước mặt chúng tôi là một người đàn bà, ước chừng trên năm mươi tuổi một chút với mái tóc muối tiêu, trong bộ bà ba nâu đã bạc màu. Nhìn đôi mắt đầy ngạc nhiên của bà, tôi vội trả lời.
-Thưa bác, tụi con có xin phép cô bé này và được dẫn ra đây để uống nước.
Có thể người đàn bà thấy tụi tôi ăn mặc không giống ai, dơ dáy bẩn thỉu lại thêm chuyện mỗi người vác theo một cây gậy vót nhọn, cho nên bà ta hỏi chúng tôi với một giọng nói như là đe dọa.
-Các ông là ai? Đi đâu mà mang theo gậy gộc như thế này? Tôi kêu công an bây giờ.
Qua cách hỏi, tôi biết là bọn tôi sẽ bị rắc rối to nếu ăn nói không được rõ ràng. Tôi nhỏ giọng.
-Thưa bác, tụi con là tù cải tạo ở Sông Mao, đi gánh tranh về làm nhà, vì khát quá nên vào đây xin nước uống. Tụi con có làm điều gì không phải, xin bác tha tội cho.
Ánh mắt người đàn bà bỗng dịu lại.
-Tù cải tạo?
-Dạ phải.
-Vậy mà tôi cứ nghĩ là các ông muốn vào cướp nhà tôi. Nếu cướp vào đây thì họ đã chọn lầm chỗ vì đồ đạc trong nhà tôi đã bán sạch sẽ rồi. Các ông thử nhìn xem, bàn ghế, giường tủ, có còn cái nào đâu.
Người đàn bà miệng nói, tay ngoắt con bé lại.
-Trong nhà chỉ có tôi và nó, “Cháu bà nội, tội bà ngoại” ba nó cũng đang cải tạo ở ngoài Bắc, mai mốt thằng rể của tôi được tha, nó lại dẫn con bé về nội. Nói thì nói vậy chớ tôi ngờ rằng, đã ra tới Bắc thì làm gì có đường về, phải không các anh?
Nói xong bà nhìn chúng tôi.
-Như mấy anh đây còn có hy vọng.
Tôi để ý thấy người đàn bà đã đổi cách xưng hô, bà không gọi chúng tôi bằng ông mà gọi chúng tôi bằng anh, nghe bớt xa lạ đi nhiều. Thấy tình hình đã êm xuôi vì gặp được phe mình, tôi bạo dạn hỏi.
-Thưa bác, anh con rể của bác mang cấp bậc gì mà phải ra Bắc.
-Tôi nhớ, in hình như là thiếu tá thì phải.
-Bác có ra thăm nuôi anh ấy chưa?
-Tôi chỉ nghe nói là nó bị đưa ra Bắc, còn chuyện ở trại tù nào thì tôi cũng không biết, nói gì đến chuyện thăm nuôi.
Tôi nhìn con bé có gương mặt buồn buồn, rồi hỏi.
-Thưa bác, mẹ của cháu đâu rồi?
-Con gái tôi đã mất cũng được nửa năm rồi, tội nghiệp cháu tôi, mới có mấy tuổi đã mồ côi mẹ, còn cha thì có cũng như không, ông bà nội thì già yếu ở mãi tận đâu ngoài Quảng Trị, mất liên lạc từ tháng 4 năm 75, chỉ có tôi là ngoại của nó nên phải đem cháu về đây nuôi thôi.
Nói đến đây người đàn bà đi lại góc bếp, bưng một cái nồi đến đặt trước mặt chúng tôi.
-Nhà chẳng có gì, còn chút cơm nguội, các anh có đói thì cứ tự nhiên ăn.
Anh bạn tôi mở nắp vung, nhìn vào bên trong rồi đề nghị.
-Không còn nhiều cơm lắm đâu, mỗi đứa được chỉ non một chén, lúc này hãy còn sớm, tụi mình chia làm ba phần, bỏ vào lon gô cơm trưa riêng của mỗi đứa, sau đó ai muốn ăn lúc nào thì tùy ý.
Từ nãy đến giờ con bé không nói gì chỉ đưa mắt nhìn chúng tôi, bất chợt nó lên tiếng.
-Sao bà ngoại đem phần cơm của mình cho mấy ổng vậy? Chiều nay mình lấy gì ăn?
Người đàn bà vuốt tóc con bé, nhỏ nhẹ nói.
-Bà sẽ nấu cơm mới cho con ăn.
Sau khi nhận phần cơm của mình xong. Tôi nhìn những hột cơm còn sót lại bám quanh nồi, tiếc của trời, tôi nhấc cái nồi cơm lên, nói với người đàn bà.
-Thưa bác, để con rửa nồi cho.
Người đàn bà nói.
-Không cần đâu, anh cứ để đó, lát nữa tôi sẽ rửa sau.
Đến đây, tôi đành phải nói với bà.
-Thưa thật với bác, khi rửa nồi, con sẽ chắt nước, lóng cặn, có thêm được muỗng cơm.
Người đàn bà nhìn tôi múc nước rửa nồi, bà đưa tay lên giụi mắt.
-Đói lắm hả con?
Nói xong bà đi lại góc bếp, bưng đến một cái nồi nhỏ. Bà gắp cho mỗi đứa một con cá nục kho to bằng hai ngón tay, cho vào từng lon gô rồi nói.
-Phần còn lại của bà cháu tôi.
Sau khi nói lời cảm ơn và cúi chào người đàn bà, cả ba đứa rút lui mà lòng đầy vui mừng hớn hở, biết rằng sẽ có được một bữa cơm trưa chắc chắn là no nê và ngon miệng. Khi đã ra đến cổng tôi ngoái đầu nhìn lại, người đàn bà đứng trước nhà, tay vịn vào khung cửa, khiến tôi nhớ lại, ngày xưa khi tiễn tôi lên đường nhập ngũ, má tôi cũng đã làm y như vậy.