CTBCTY Tập II chương 13
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU – Tập II (Huy Văn Trương)
Chương XIII
Nhảy Dù cố gắng
Khi tôi thức dậy, bầu trời đã ưng ửng sáng, những ngọn đèn đường bao quanh khu bến xe đã tắt tự lúc nào. Tôi liếc nhìn đồng hồ, hơn 5 giờ rồi mà người tài xế xe vận tải đi Đà Lạt vẫn chưa đến đón chúng tôi, như anh đã hứa. Một chút nghi ngờ thoáng qua trong đầu, có khi nào anh tài xế lấy tiền của chúng tôi rồi trốn mất tiêu hay không? Có thể lắm chứ. Chuyện Miền Nam mất vào tay Cộng Sản, giống như chuyện trời sập, chuyện không tưởng, vẫn có thể xảy ra thì chuyện anh tài xế xe tải lừa chúng tôi để lấy hai ngàn đồng, có gì là lạ đâu.
Tôi quay đầu nhìn sang bên cạnh, Cúc hãy còn ngủ say. Là con nhà giàu, suốt đời sống trong nhung lụa, trong nhà kẻ hầu người hạ, khi ra đường một bước lên xe, hai bước xuống ngựa, hôm nay phải ngủ lang ở đầu đường xó chợ, tôi tưởng rằng Cúc sẽ cau có, bực dọc, hoặc ít ra cũng trăn qua trở lại vì đàn muỗi đói lẩn quẩn bên tai, vì nền xi măng ẩm lạnh, vì chiếc chiếu cũ đầy mùi hôi hám. Trái lại, Cúc ngủ ngon lành từ tối đến giờ.
Tôi nhẹ nhàng đặt cái quạt giấy xuống bên cạnh Cúc, rồi lượm hai tấm thẻ bài rớt dưới đất đeo vào cổ của mình. Hai tấm thẻ bài này đã theo Cúc mấy năm rồi, hôm qua Cúc mới trả lại cho tôi. Trong cái ánh sáng đùng đục tựa như pha màu sữa của bầu trời chưa sáng tỏ, tôi đọc được hàng chữ Nguyễn thị Cúc, khắc thêm vào khoảng trống bên trên tên của tôi trong tấm thẻ bài.
Năm xưa, ngày đầu tiên bước chân vào lính, tại Trung Tâm II Tuyển Mộ Nhập Ngũ, tôi được nhận quân trang quân dụng, cùng với tấm thẻ bài làm bằng một loại sắt không rỉ sét, trên đó tên của tôi với số quân và loại máu được in bằng máy dập, ép. Cúc đưa tấm thẻ bài của tôi cho thợ khắc chữ ở Sài Gòn thêm tên của Cúc vào. Hai cái tên quyện vào nhau, được làm từ hai loại máy khác nhau khiến tấm thẻ bài có nét là lạ, trông đẹp hơn và cũng tình tứ hơn. Có thể nhờ vậy mà những cô bạn gái của Cúc, coi việc đeo tấm thẻ bài của lính như một món đồ trang sức. Với tôi, đó là những cô gái lãng mạn đáng yêu vào bậc nhất trên cõi đời này.
Tôi vươn vai, duỗi chân để xua đuổi cái mệt mỏi của đêm dài rồi đảo mắt nhìn quanh. Sài Gòn, thành phố của hơn hai triệu dân, với sức sống tràn đầy mãnh liệt vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ mê mệt. Hình như, cái thành phố cứng đầu này không muốn trở lại với những sinh hoạt bình thường của nó. Trong lúc giao thời, chưa biết phải làm gì, nhà nào cũng đóng cửa chờ đợi.
Theo tôi biết, bất cứ thành phố nào của Việt Nam, chợ và bến xe là nơi có sức sống nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Hôm nay, mọi sinh hoạt ồn ào náo nhiệt của bến xe Pétrus Ký không còn nữa, đường phố khá im vắng, một vài ngôi nhà mở hé cửa để lọt chút ánh sáng vàng nhạt qua khe hở. Tôi đoán có thể cả tháng rồi, bến xe đi Đà Lạt chỉ còn những cửa hàng ăn hoạt động cầm chừng, vì Thành phố Đà Lạt đã bị Cộng Sản chiếm đóng từ tháng trước.
Trong cái yên vắng tưởng chừng sẽ còn kéo dài không biết đến khi nào, bất chợt tôi thấy một nhóm người đi dọc theo lề đường. Khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, tôi nghe được họ nói chuyện với nhau.
-Đi lẹ lên mấy bà, nghe nói trời sáng là bắt đầu.
Tôi nghe để mà nghe, nghe xong rồi bỏ ngoài tai, chuyện buôn bán của mấy bà để ý làm gì cho mệt. Được vài phút lại có một bầy con nít, vừa đi vừa chuyện trò líu lo.
-Mày chắc không?
-Chắc.
-Ai nói với mày?
-Chị tao nói, lát nữa họ sẽ xử tội mấy ông lính Nhảy Dù.
Câu nói của thằng bé khiến tôi giật mình, không kịp suy nghĩ tôi bung người bật dậy như một cái lò xo, lật đật đuổi theo mấy đứa nhỏ. Tôi vừa chạy vừa la.
-Ê, mấy đứa.
Một thằng nhỏ quay đầu nhìn tôi.
-Chú kêu tụi con có chuyện gì?
Tôi vội vàng hỏi.
-Mày nói xử tội ai?
Thằng nhỏ trả lời tôi.
-Xử tội lính Nhảy Dù.
-Ai xử
-Việt cộng xử chớ còn ai nữa.
Tôi kéo tay thằng bé.
-Xử ở đâu?
-Chú theo đường Pétrus Ký này, chỉ một chút thôi, tới đường Trần Quốc Toản quẹo phải. Mà thôi, chú muốn coi thì theo tụi con, khỏi mất công con chỉ dẫn lôi thôi, tốn thì giờ vô ích.
Không một chút chần chừ, tôi rảo bước theo lũ nhỏ. Khi qua đường Trần Quốc Toản được một khúc, tôi nhìn thấy bên tay trái của tôi là một ngôi tháp nguy nga đồ sộ, cao ba, bốn tầng đang được xây cất dang dở, với những trụ sắt đen sì tua tủa đâm lên trời. Giữa sân là những đống gạch ngói, gỗ đá ngổn ngang, xa hơn chút xíu là cái cổng khá lớn với bốn chữ Việt Nam Quốc Tự.
Tôi nhìn sửng ngôi chùa không chớp mắt, thì ra tối hôm qua tôi thức suốt đêm, có ngủ đâu. Tiếng chuông tôi nghe được là tiếng chuông chùa Việt Nam Quốc Tự, chứ không phải là tiếng chuông chùa Sư Nữ Linh Phong ở Đà Lạt mà tôi nghe được trong giấc mơ. Ôi! Trong cuộc sống đổi thay bất thường này, mộng và thực xét cho cùng khó mà phân biệt được.
Khi đi ngang qua ngôi chùa, một thằng bé giật mạnh cái chéo áo của tôi, tay chỉ về phía xa xa.
-Đó.. đó.. chú thấy chưa! Chỗ đám đông bu quanh thành cái vòng tròn. Mình chạy lẹ lên đi chú.
Vì quá nóng lòng, tôi chạy thật nhanh vượt qua mấy đứa nhỏ, tiến về phía trước.
Khi tôi chen chân vào bên trong vòng tròn người, một cảnh tượng hãi hùng khiến tôi như muốn chết đứng, tay run theo tay, chân run theo chân, lạnh cứng cả người. Bốn, năm cái xác lính Nhảy Dù nằm la liệt trên mặt đất, những xác chết bê bết máu với thương tích đầy người, một điều lạ là cả hai đầu gối của mấy xác chết đều bị thấm đầy máu, trong đó có một xác không còn nguyên vẹn hình hài với cái đầu mất đi một nửa, máu khô trộn lẫn với óc phủ đầy ngực của xác chết. Bên cạnh đó, trên một cái ghế dựa cũ kỹ bạc màu sơn, một ông chuẩn úy Nhảy Dù, hai tay bị trói ngược ra phía sau, hai chân bị cột vào hai chân ghế, đôi giày bốt đờ sô cởi vất bên cạnh. Con mắt trái của ông chuẩn úy tím bầm, sưng to như một trái quít, hình như đã mù do bị một vật cứng đập vào chứ không phải do trúng đạn, máu khô còn đọng lại một bên má. Mắt bên phải của ông chuẩn úy còn lành lặn nhưng nhắm nghiền lại, đầu nghiêng về phía trái. Tôi đọc được chữ Ngo nơi túi áo phải của ông chuẩn úy. Tên ông ta là Ngô, Ngộ hay Ngọ, tôi không biết được.
Trước mặt ông chuẩn úy, cả chục tên cán binh Cộng Sản với bộ đồ trận kaki Nam Định, chân mang dép râu, vai mang súng AK, đầu đội nón cối. Gương mặt của họ đầy vẻ tự tin của kẻ thắng trận với những cặp mắt sáng ngời nhìn thẳng về phía trước, chỉ có nước da nhờn nhợt, tai tái xanh màu cây cỏ của núi rừng Trường Sơn. Tất cả đều còn quá trẻ, tôi đoán họ chưa qua được tuổi hai mươi. Riêng người chỉ huy toán cán binh Cộng Sản, sở dĩ tôi biết ông ta là cấp chỉ huy bởi vì bộ đồ kaki mà ông đang mặc trên người trông rất sạch sẽ, thẳng thớm, vai đeo cái xách cốt bằng da màu vàng đậm, bên hông kè kè cây súng ngắn K59. Chân ông ta không mang dép râu mà mang đôi giày xăng đan. Đó là điều tôi thấy khá khôi hài, mới từ trong dãy Trường Sơn ra mà mang xăng đan da còn mới tinh, khác nào George Orwell đã viết “Trong Trại Súc Vật, mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác”.
Người cán bộ Cộng Sản chỉ huy có gương mặt hiền lành, mang đậm nét quê mùa của một anh nông dân thật thà chất phát, quanh năm chân lấm tay bùn, ông ta nhìn viên chuẩn úy Nhảy Dù với đôi mắt hiền khô rồi cất giọng.
-Đồng bào Miền Nam ruột thịt, hãy nghe tôi nói. Đây là xác những tên lính Nhảy Dù Ngụy ngoan cố. Hai ngày trước, khi mà thằng Tổng Thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn, vào khoảng mười giờ sáng ngày ba mươi tháng tư, những tên lính Nhảy Dù Ngụy này vẫn không chịu buông súng, chúng điên cuồng, tiếp tục đánh phá cách mạng với mục đích là cản bước tiến của dân quân ta trên đường giải phóng Sài Gòn. Năm cái xác lính Nhảy Dù Ngụy mà đồng bào thấy nằm lung tung, lang tang dưới đất là do bị các chiến sĩ cách mạng trừng trị. Đổi lại, cả chục chiến sĩ của ta đã hy sinh một cách oan uổng dưới tay của đám lính Nhảy Dù Ngụy này. Tất cả chỉ vì lơ đễnh, cả tin vào lời kêu gọi lính Ngụy buông súng đầu hàng của thằng Dương Văn Minh.
Đây là lần đầu tiên, tôi được nghe tận tai, thấy tận mắt một cán bộ cấp chỉ huy Cộng Sản nói chuyện với dân chúng. Tôi không biết ông ta được huấn luyện ra sao, học hành tới đâu, cấp bậc là gì. Thế nhưng, khi một người cán bộ chỉ huy Việt Cộng, gọi Tổng Thống Dương Văn Minh là phe thù nghịch với mình bằng thằng, đó là ngôn ngữ của những người thiếu giáo dục, những kẻ không có học. Văn hóa của Miền Nam từ bao năm rồi không chấp nhận lối nói chuyện như vậy. Bởi vì dân cũng như lính Miền Nam, tuy không gọi Hồ Chí Minh của Miền Bắc là Chủ Tịch nhưng họ gọi ông ta là “ông Hồ Chí Minh” không có chữ thằng đi kèm.
Người cán bộ chỉ huy ngưng nói, ông ta đi tới rồi đi lui, nhìn những người dân đang đứng vây quanh với đôi mắt hiền hòa, nụ cười tươi tắn trên môi rồi thong thả đến trước mặt viên chuẩn úy Nhảy Dù, thân mật vỗ vai viên chuẩn úy.
-Chúng tôi hy sinh thân mình đi làm cách mạng với mục đích là đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng Miền Nam thoát khỏi gông cùm kềm kẹp của Mỹ Ngụy, đem lại Độc lập Tự do cho đất nước, đem thanh bình no ấm cho toàn dân. Chuẩn úy biết ăn năn hối lỗi, cứ an tâm ông sẽ được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Chúng tôi những người cách mạng chân chính, đánh kẻ chạy đi, không bao giờ đánh người chạy lại.
Người cán bộ chỉ huy ngừng nói, quay nhìn đám đông như đợi cho mọi người hiểu rõ những gì mình vừa diễn đạt, sau đó ông ta mới từ tốn nói tiếp.
-Riêng tên chuẩn úy Nhảy Dù bị cột trên chiếc ghế mà đồng bào thấy đây, sở dĩ hắn còn sống cho đến giờ phút này bởi vì hắn đã quỳ lạy, van xin cách mạng tha tội.
Từ nãy đến giờ, viên chuẩn úy Nhảy Dù vẫn lặng im như đang nghe, đột nhiên ông ta ngẩng đầu lên, cố nhướng con mắt còn lại nhìn theo người cán bộ chỉ huy, rồi cất giọng thều thào:
-Nước…Nước.
Người cán bộ chỉ huy nhìn mấy tên cán binh Cộng Sản, hất hàm.
-Mở trói, đem nước cho hắn.
Viên chuẩn úy Nhảy Dù đưa tay đón cáibi-đông nước bằng nhựa được sản xuất tại Trung Cộng, nhưng hình như ông ta không nhìn thấy rõ, cho nên hai tay cứ quơ quào trong không khí.
Một tên cán binh Việt Cộng nắm lấy cổ tay của viên chuẩn úy Nhảy Dù, đặt cáibi-đông nước vào tay của ông ta. Với hai bàn tay tím bầm, máu khô còn đọng lại nhiều chỗ, viên chuẩn úy Nhảy Dù dùng cả hai tay ôm cáibi-đông nước sát vào lòng như sợ người khác giật mất. Tôi đợi hoài, đợi mãi vẫn không thấy viên chuẩn úy Nhảy Dù uống nước. Xin nước mà không chịu uống chỉ để ôm vào người, hành động kỳ lạ như vậy, cho tôi thấy ông ta đang lo nghĩ đến chuyện gì đó quan trọng hơn là việc uống nước. Hai phút, rồi ba phút trôi qua trong im lặng, cuối cùng viên chuẩn úy mới từ từ nâng cáibi-đông lên cao quá đầu, sau đó ông ta ngửa cổ há miệng, úp ngược cáibi-đông lại. Nước từ trong bi-đông òng ọc chảy xuống mắt, mũi, miệng của viên chuẩn úy. Một phần nước chảy tràn qua bên má, hòa với máu khô thành một màu vàng lờn lợt lan xuống chiếc áo rằn ri, làm ướt dầm cái lon chuẩn úy màu đen thêu nơi cổ áo, ướt luôn cái tên Ngo nơi túi áo. Mặc kệ, viên chuẩn úy vẫn tiếp tục uống từng hớp nước một cách ngon lành. Cục xương trái khế nơi cổ của ông ta chạy lên, chạy xuống theo tiếng nước trôi ừng ực qua cổ họng, trong khi hai tay vẫn giữ chặt cáibi-đông. Có chứng kiến tận mắt cảnh một người lính của bên thua trận, mang thương tích trầm trọng đầy người, ung dung bình thản uống nước như vậy, mới thấy được cái phong thái hào hùng đầy bi thảm của ông ta.
Như muốn kéo dài thời gian, viên chuẩn úy nhẫn nha uống cho đến giọt nước cuối cùng từ cáibi-đông rơi xuống, lúc bấy giờ ông ta mới từ tốn đưa tay vuốt mặt, dụi mắt, quay nhìn người cán bộ chỉ huy. Con mắt còn lại của viên chuẩn úy chợt nhíu lại, rồi bất ngờ, ông ta ném mạnh cáibi-đông về phía người cán bộ chỉ huy. Cáibi-đông lăn long lóc trên nền xi măng, phát ra những tiếng kêu khô khan, cộc lốc. Với giọng khàn khàn, đầy tự tin, viên chuẩn úy Nhảy Dù gằn từng tiếng một.
-Tao là lính Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không bao giờ quỳ lạy hay van xin những thằng vừa đánh trống, vừa ăn cướp như mày. Nếu tụi tao còn đạn, bọn Việt Cộng man rợ như chúng mày làm gì có cơ hội đứng đây mà nói láo, mà huênh hoang khoác lác với dân chúng.
Bất ngờ bị vạch mặt, chỉ ra chuyện nói láo của mình, bẽ mặt trước đám đông, gương mặt của người cán bộ chỉ huy đang dương dương tự đắc, đột nhiên đổi sang màu xanh, xanh như tàu lá, đôi mắt của ông ta long lên sòng sọc biểu hiệu cho sự giận dữ tột cùng. Hai tay run run, ông ta rút khẩu K59 đeo bên hông, lên đạn rồi hướng nòng súng về viên chuẩn úy Nhảy Dù. No mất ngon, giận mất khôn, người cán bộ chỉ huy không còn giữ gìn phong cách của người thắng trận, không còn để ý đến lời ăn tiếng nói trước công chúng, ông ta nghiến răng, rít lên.
-Địt mẹ, mày nói gì? Nói lại cho bố mày nghe coi, cái thằng lính Ngụy ngoan cố.
Như chưa vừa lòng với những gì mình mới nói, gương mặt của người cán bộ chỉ huy chuyển sang màu đỏ, như màu đỏ của cái đầu con gà chọi. Ông ta hét to, nước bọt từ trong miệng văng đầy trong không khí.
-Đồ khốn kiếp, ông thì bắn bỏ mẹ mày bây giờ.
Vừa dứt lời, người cán bộ chỉ huy đá vào cáibi-đông nhựa Trung Cộng, cú đá mạnh đến nỗi cáibi-đông bay qua khỏi vòng tròn người đang đứng bao quanh.
Trước sự giận dữ của kẻ địch, thay vì giữ im lặng, chấp nhận nín thở để sang sông, viên chuẩn úy Nhảy Dù chậm rãi đưa tay chỉ vào vết thương nơi mắt trái của mình rồi nói.
-Mày là một thằng Việt Cộng bỉ ổi, đã bắn chết mấy người lính của tao, khi họ đã bị thương nặng không còn khả năng kháng cự, đánh bể một con mắt của tao, hành hạ bắt tao nhịn đói, nhịn khát, cột tao ở đây hơn một ngày rồi.
Nói đến đây, gương mặt của viên chuẩn úy chợt nhăn lại biểu lộ sự uất hận tột cùng.
-Tao hối hận…, thật sự hối hận vì ngày xưa trong lúc đánh nhau, tụi tao, hay nói rõ hơn là lính Miền Nam Việt Nam đã đối xử quá sức nhân đạo với tù binh Cộng Sản. Hôm nay, tụi mày là những người thắng trận, đã xử sự với lính Miền Nam Việt Nam còn tệ hơn là đối xử với một con vật. Sau này trong chính sử sẽ ghi lại, Việt Nam trong suốt bốn ngàn năm dựng nước giữ nước, ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, là ngày khởi đầu cho một giai đoạn đen tối, thời kỳ mà Tàu Cộng sử dụng những người mặt Việt mà lòng dạ Tàu, cai trị Việt Nam.
Tôi sợ đến nỗi xuýt tè ra quần vì những câu nói đầy tính khiêu khích của viên chuẩn úy Nhảy Dù. Lẽ ra, ông ta nên im lặng giả dại qua ải, đàng này ông ta lại nói lên sự thật, sự thật ấy như một nhát dao đâm ngay vào cổ họng của kẻ thắng trận. Tôi chỉ muốn chạy lại đưa tay bịt miệng của viên chuẩn úy Nhảy Dù, nhưng…mọi chuyện đã trễ rồi.
Hai tiếng nổ chát chúa vang lên, phá tan bầu không khí im vắng của buổi sáng, tiếp theo đó là nhiều tiếng rú đầy sợ hãi của đám đông dân chúng đứng chung quanh. Hai lỗ tai của tôi lùng bùng như muốn nổ, mắt của tôi hoa lên, đất trời chừng như đảo lộn khi thấy thân hình của viên chuẩn úy Nhảy Dù cùng với chiếc ghế đổ ập xuống đất. Người cán bộ chỉ huy đã bắn hai phát súng vào đầu gối của viên chuẩn úy Nhảy Dù. Như một tia chớp xé toạc màn đêm, tôi rùng mình chợt hiểu, tại sao hai đầu gối nơi xác những người lính Nhảy Dù đều bê bết máu. Người cán bộ chỉ huy với đôi mắt trợn trừng trắng dã, nhìn viên chuẩn úy Nhảy Dù đang lăn lộn dưới đất, đôi mắt của ông ta lúc này giống hệt như mắt một con dã nhân đang nhe nanh, gầm gừ đe dọa địch thủ. Không biết, khi xương bánh chè nơi đầu gối bị bắn bể, mức độ đau đớn mà người ta phải chịu nó như thế nào, nhưng nhìn gương mặt của viên chuẩn úy Nhảy Dù tái nhợt, nhăn rúm, với cái miệng méo xệch, hai tay cố bóp lấy đôi chân mà máu tươi đã thấm ướt hai cái ống quần, tôi biết, ông ta đang gánh chịu một sự đau đớn tột cùng. Người cán bộ chỉ huy đi chầm chậm theo vòng tròn, nhìn mặt từng người đang đứng vây quanh như muốn ăn tươi, nuốt sống họ. Cuối cùng, ông ta quay lại bên viên chuẩn úy Nhảy Dù, kê họng súng vào ngay màng tang của viên chuẩn úy, rồi thản nhiên bóp cò. Chỉ một giây đồng hồ ngắn ngủi, linh hồn của viên chuẩn úy Nhảy Dù đã theo tiếng súng, bước chân qua bên kia thế giới. Ông ta đã anh dũng đi vào lịch sử, một trang sử oai hùng đầy bi thương uất hận của phe thất trận. Máu ở đâu mà nhiều quá, chảy tràn lan trên mặt đất, thấm ướt cái phù hiệu hình vuông may nơi tay áo trái của viên chuẩn úy Nhảy Dù, cái phù hiệu với con chim ưng màu đen bay ngang cánh hoa dù bọc gió, nổi bật trên nền trời màu đỏ thắm. Những dòng máu oan khiên, những giọt máu uất ức chảy hoài, chảy mãi không muốn ngừng, trong khi thân thể của viên chuẩn úy Nhảy Dù đã nằm yên, ngàn đời an nghỉ bên cạnh xác đồng đội của ông ta.
Cảm thương cho người vừa nằm xuống, xót xa khi nhìn về tương lai đen tối của mình trong suốt quãng đời còn lại. “ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, nước mắt của tôi được dịp tuôn tràn. Tôi khóc thành tiếng lúc nào không biết, khóc cho mình rồi khóc thương cho mấy chục triệu dân Việt Nam, không biết họ phải chịu kiếp sống đọa đày trong cái địa ngục Xã Hội Chủ Nghĩa này bao nhiêu lâu nữa đây.
Tiếng khóc của tôi vang lên khiến cho nhiều người xì xào, bàn tán. Với vẻ mặt đầy tức giận, khi thấy tôi khóc thương cho viên chuẩn úy Nhảy Dù vừa bị xử bắn, người cán bộ chỉ huy như đang say máu, say mùi thuốc súng, ông ta đi đến trước mặt tôi, gí cái nòng súng còn đang bốc khói vào ngay giữa trán tôi. Với giọng đầy ngạc nhiên, ông ta nói.
-Địt mẹ cái lũ Ngụy ngoan cố này, tao chỉ bắn có một thằng lính Ngụy chống phá Cách mạng. Cho dù, có một triệu thằng phản động như thằng lính Nhảy Dù này tao cũng bắn tuốt. Tại sao mày lại khóc? Mày là lính Ngụy phải không?
Hồn vía lên mây, tôi sợ đến nỗi im ngay tiếng khóc. Đầu óc của tôi làm việc nhanh như một cái máy, tôi phải trả lời người cán bộ chỉ huy liền lập tức, trước khi ngón tay trỏ của ông kịp bóp vào cò súng. Bằng một giọng nói run rẩy vì quá sợ hãi, tôi lắp ba, lắp bắp.
-Thưa… cách mạng tôi không phải là lính Ngụy.
Chỉ là một câu nói tuy đơn giản, nhưng nó cho tôi biết rõ về con người của mình như thế nào rồi.
Một giây chần chừ, chỉ một giây thôi nhưng tôi thấy nó dài như một thế kỷ. Người cán bộ chỉ huy nhích nòng súng lên trời. Tôi nghe được một tiếng nổ vang lên bên tai như muốn rách màng nhĩ, cùng lúc ấy tôi biết là mình vẫn còn sống. Như chưa hả giận, người cán bộ chỉ huy hướng mũi súng vào xác của mấy người lính Nhảy Dù liên tục bóp cò, cho đến khi một tiếng “cắc” lạnh lùng vang lên, ông ta mới chịu ngừng tay. Từ lúc viên chuẩn úy Nhảy Dù bị bắn, cho đến khi những viên đạn điên cuồng ghim vào thân xác của những người lính Nhảy Dù, tất cả mọi việc chỉ diễn ra trong vòng vài phút, tôi hành động theo phản xạ tự nhiên, hoàn toàn theo bản năng sinh tồn của một con người đứng trước cái chết.
Người cán bộ chỉ huy nhét khẩu súng K59 vào bao.
-Mẹ bố cái lũ Ngụy ngoan cố, chỉ có bỏ tù bỏ đói, lưu đày biệt xứ nơi trại Cổng Trời mới trị được bọn chúng mày.
Vừa dứt lời, ông ta bước đến bên cạnh xác của viên chuẩn úy Nhảy Dù, đưa tay lật cái ghế lên trong khi chân đá mạnh vào cái xác chết.
-Địt mẹ cái đồ bán nước, ôm chân đế quốc.
Nói xong, người cán bộ chỉ huy ngồi chồm hỗm bên cạnh chiếc ghế, lục trong cái xách cốt, lấy ra một tờ giấy đặt lên mặt ghế và bắt đầu viết.
Tôi không biết ông ta viết gì trong tờ giấy nhưng nhìn nét mặt đầy căng thẳng của ông ta, tôi biết chắc đó phải là những điều quan trọng. Chừng độ hơn mười phút sau, người cán bộ chỉ huy ngừng viết, ông ta đặt tấm giấy ngay ngắn trên mặt ghế, rồi cúi đầu lượm một chiếc giày bốt đờ sô của viên chuẩn úy Nhảy dù dằn lên.
Người cán bộ chỉ huy chống tay vào ghế đứng lên, quay nhìn đám cán binh Cộng Sản, ông ta nói:
-Chúng ta về thôi.
Cùng một sự việc, tôi và viên chuẩn úy bị kẻ thù uy hiếp bằng súng, viên chuẩn úy Nhảy Dù nói với mọi người là ông đã chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng chứ không van lạy, xin tha mạng như lời nói điêu ngoa của kẻ thù. Ông thà chết để bảo vệ danh dự, quyết không để kẻ thù vu khống, sỉ nhục. Tôi là Trung úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bực của tôi cao hơn ông chuẩn úy Nhảy Dù hai bậc. Chúng tôi cùng xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi là siêu huynh trưởng của ông ta nhưng không dám nhận mình là lính. Tôi là một thằng hèn đã nói láo để sống còn. Chuyện rõ như ban ngày, người đáng sống là viên chuẩn úy Nhảy Dù chứ không phải là tôi.
Tôi có thể im lặng, giấu kín chuyện xấu hổ hèn hạ, tham sống sợ chết của mình bởi vì không một ai ở đây biết tôi là trung úy, chỉ trừ một người. Người đó là tôi. Biến cố xảy ra ngày hôm nay, đã làm thay đổi hẳn con người của tôi. Cái chết của viên chuẩn úy Nhảy Dù, đã khiến tôi có cái nhìn khác hơn của một người bên thua trận. Viên chuẩn úy Nhảy Dù chết nhưng ông đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Đó là một cái chết đầy bi thảm oai hùng, cái chết còn sống mãi muôn đời với lịch sử, với Tổ Quốc Việt Nam.
Đợi cho đến khi đám cán binh Cộng Sản đã đi xa, tôi ngồi xuống bên cạnh xác chết của viên chuẩn úy Nhảy Dù với máu tươi bám đầy trên tóc, chảy dài xuống mặt. Con mắt còn lại của ông ta trợn trừng nhìn lên bầu trời cao xanh thẳm. Ở đó, người chết đã chết rồi nhưng oan khiên, uất hận ngàn đời vẫn còn chất chứa không tan. Tôi đưa tay vuốt mắt cho viên chuẩn úy Nhảy Dù, rồi cởi cái áo sơ mi đang mặc trên người. Với tất cả tấm lòng thành kính, tôi cẩn trọng đắp chiếc áo lên mặt người chết, mà tưởng là mình đang làm lễ phủ cờ cho một chiến sĩ vị quốc vong thân.
Khi tôi ngước mặt nhìn lên, đám đông đã tản mác đi gần hết, chỉ còn lại xác của sáu người lính Nhảy Dù, họ nằm yên đó không đi đâu hết, chết rồi làm sao mà đi. Một chuyện lạ lùng hy hữu, đã xảy ra giữa Sài Gòn ngày hôm ấy, trên trời cao, lẫn trong đám mây xám ngập ngừng trôi, một con chim lạc bầy, cất tiếng kêu ai oán bi thương, tiếng kêu vang vọng giữa thinh không như muốn xé nát lòng người, như tiếng gọi hồn tử sĩ trong đêm truy điệu trước ngày lễ mãn khóa, tại Trường Bộ Binh Thủ Đức mà tôi đã tham dự.
Một thằng bé mặt mày sáng sủa, trên người chỉ mặc độc có một cái quần cụt, nhè nhẹ bước đến bên tôi, nó nói nhỏ vào tai của tôi.
-Chú đợi đây, con chạy về nhà lấy cái áo của ba con cho chú bận. Đợi con nghe.
Lòng tôi chùng xuống khi nghe giọng nói êm dịu đầy ắp tình người, vì thằng bé chỉ lo tìm áo cho tôi, trong khi nó thì mình trần trùi trụi. Tôi gật đầu rồi đưa tay nhấc tờ giấy dằn dưới chiếc giày trên mặt ghế. Trên tờ giấy chỉ có một hàng chữ “Ngim cấm kông được kéo sác đi chôn kí tên ba út”. Phải mất hơn mười phút để người cán bộ chỉ huy viết được mười hai chữ, loại chữ như gà bươi mà ngày xưa khi mới bước chân vào học lớp vỡ lòng ở bậc tiểu học, tôi thường tập viết. Tôi nhớ đến sếp của tôi, thiếu tá trưởng phòng hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt. Thiếu tá Hưng là mẫu người rộng rãi, xuề xòa, không bao giờ phê phán, chê trách một ai. Với ông thì chín bỏ làm mười, vậy mà khi nói đến cái man rợ, độc ác của Việt Cộng, ông nói “Có một cái luật bất thành văn là những người chỉ huy, những kẻ lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam, cấp bậc càng cao, chức vụ càng lớn, trong đầu của họ càng chứa nhiều bã đậu, nhưng mức độ gian manh, dã man tàn ác, trong những cái đầu bã đậu ấy, không một ai trên trái đất này sánh bằng”.
Tôi đứng lên, nhìn xác thân của những người lính Nhảy Dù bị vứt bỏ bên đường mà lòng đầy thương cảm. Đã đến lúc phải đi, tôi đứng nghiêm như đang làm lễ chào Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vào mỗi sáng thứ Hai tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Sau vài giây chần chờ, tôi đưa tay chào kính xác của mấy người lính Nhảy Dù lần cuối cùng rồi hít một hơi dài để lấy sức, nhắm mắt cắm đầu chạy thục mạng trở về bến xe.
Hai ngày, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, một ông chuẩn úy Nhảy Dù và năm người lính của ông ta vẫn còn chiến đấu. Tuy bị thương nặng nhưng họ đã cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng, cố gắng bảo vệ màu cờ sắc áo, cố gắng bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi vì, bốn chữ “Nhảy Dù Cố Gắng” thì bất cứ người lính Nhảy Dù nào từ quan cho tới lính cũng đều thuộc nằm lòng.
Không phải tự nhiên mà sau hai mươi năm dâu bể đọa đày, Tô Thùy Yên đã phải ngậm ngùi thương tiếc với bài thơ “Anh Hùng Tận”
Tới đây toàn những tay hào sĩ.
Tiêu xác thân, để lại oan hồn.
Lời thơ nghe sao mà xót xa, đau đớn đến tận cùng xương tủy.