CTBCTY Tập IV Kết
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)
KẾT
Đoạn cuối cho một quê hương băng hoại, một nền văn hóa suy đồi, một xã hội mục nát.
Tên của hắn là Lâm Châu, độc thân, 30 tuổi, đến Pulau Bidong ngày 28 tháng 4 năm 1980, trên tàu CLA 10385 gồm có 76 người, số thứ tự tàu là 622, có nghĩa là trước con tàu của Lâm Châu, đã có 621 chiếc đến Mã Lai và sau đó được đưa ra đảo Pulau Bidong. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục nhập đảo với Ban tiếp nhận người mới, Lâm Châu được Ban nhà ở cho về tạm trú trong một căn lều thuộc khu A, nơi có 3 thanh niên độc thân đang trú ngụ.
Vào khoảng giữa tháng 4 năm 1980, số người Việt Nam tỵ nạn ở trên đảo Pulau Bidong chỉ còn hơn ba chục ngàn người, so với bốn mươi lăm ngàn vào tháng 4 năm 1979. Với chừng đó người, sống chen chúc trong một khu vực khoảng một cây số vuông, quanh bờ biển phía Nam của đảo, quả là có hơi chật chội. Tất cả nhà cửa cũng như lều trại ở trên đảo, được chia ra làm 7 khu A,B,C,D,E,F và G. Tùy theo quan niệm sống cũng như sở thích riêng của từng gia đình, nhiều người mong được sống trong khu A, vì gần bịnh viện Sick Bay, gần chợ chồm hổm nơi khu C, và gần nơi lãnh thực phẩm do Cao ủy tỵ nạn phân phát. Riêng Lâm Châu, vì độc thân nên ở đâu cũng không có gì là quan trọng đối với hắn. Hắn quan niệm, ở khu nào trên đảo Pulau Bidong cũng đều là thiên đường nơi hạ giới.
Một hôm khi đi tắm biển ở khu F, bất ngờ Lâm Châu gặp lại một người bạn ngày xưa cùng ở chung xóm. Cái tình hàng xóm của một thời mà hai người còn bận quần xà lỏn tắm mưa, bắt dế, đá cá lia thia. Sau đó khi lên bậc trung học, mỗi người một nẻo bặt âm vô tín. Gần hai chục năm sau nơi đất khách quê người tình cờ gặp lại, tha hương ngộ cố tri, cả hai ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, cứ như là Bá Nha gặp Tử Kỳ.
Ông bạn hàng xóm hỏi Lâm Châu.
-Tới đảo lâu chưa?
-Được khoảng một tuần. Còn mày?
-Tao hả? Ngày mai tao qua trại chuyển tiếp Terengganu, rồi đi Mỹ.
Lâm Châu vỗ vai ông bạn hàng xóm.
-Chúc mừng, chúc mừng.
Mặt mày tươi rói, ông bạn hàng xóm hỏi Lâm Châu.
-Mày đã gặp phái đoàn nào phỏng vấn chưa?
-Chưa.
-Ngày xưa có lính tráng gì không?
Đưa bàn tay phải cụt mất hai ngón tay trỏ và giữa, Lâm Châu nói.
-Tao được miễn đi lính vì lý do tàn tật.
-Có cha mẹ, anh em gì ở Mỹ không?
-Không.
Ông bạn hàng xóm chắt lưỡi rồi than.
-Hốt rác là cái chắc.
-Mày nói gì?
-Tao nói nếu muốn xin đi Mỹ, mày sẽ bị xếp vào thành phần hốt rác. Hiện tại muốn đi định cư ở Mỹ, phải có một trong ba điều kiện ưu tiên như sau: Ưu tiên một, cha mẹ bảo lãnh cho con cái hay ngược lại, thành phần này sẽ ở đảo khoảng ba đến bốn tháng. Ưu tiên hai, vợ chồng anh em bảo lãnh, thành phần này ở đảo khoảng năm sáu tháng. Ưu tiên ba, là quân nhân, cảnh sát, những người đã từng phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, những người này sẽ ở đảo khoảng chín tháng tới một năm.
Ngừng một chút như chờ cho Lâm Châu hiểu rõ vấn đề, ông bạn hàng xóm nói tiếp.
-Ngoài ba thành phần trên, hầu hết những người còn lại, nếu không chịu đi định cư tại những nước khác như Canada, Úc, Anh, Pháp…thì cứ nằm ở đảo mà chờ. Một, hai năm, phái đoàn Mỹ sẽ mở một cuộc phỏng vấn nhân đạo, họ lượm hết tất cả những người này, gọi là làm một cuộc hốt rác. Chữ dùng nghe không được êm tai cho lắm, nhưng đó là cách mà những người tỵ nạn sống trên đảo nói chuyện với nhau.
Lâm Châu than với bạn.
-Như vậy tao ở đây có tệ lắm cũng hơn một năm, phải không?
-Đúng.
Sau một phút chần chừ, ông bạn hàng xóm nói tiếp.
-Tao có cái này rất hay muốn nói với mày, tụi mình vô quán cà phê đàng kia ngồi đi. Tao sẽ giới thiệu cho mày một việc làm tốt nhất trên đảo này, làm để cho cơ thể được mạnh khỏe lại có chút tiền, chờ ngày đi định cư. Hy vọng mày sẽ không từ chối.
Lâm Châu nói.
-Khoan đã, tao không có tiền uống cà phê đâu.
-Đừng có thắc mắc, nhằm nhò gì ba cái chuyện tiền bạc lẻ tẻ đó, tao cân hết mà.
Từ bồn chứa nước ngọt khổng lồ, cung cấp nước sinh hoạt cho tất cả mọi người trên đảo, cả hai đi dọc theo bãi biển về phía đồi tôn giáo, ước chừng sáu, bảy trăm mét mới đến được quán cà phê. Quán rộng chừng ba chục mét vuông, một nửa mái của quán lợp bằng tôn, nửa còn lại che bằng mấy tấm ny lông xanh được viền, nẹp, bằng cây rất kỹ. Tuy vậy mỗi khi có chút gió biển thổi vào, phần ny lông dư, viền quanh mái đập phần phật như muốn tách ra, bay đi nơi khác. Bàn ghế trong quán được đóng sơ sài bằng những tấm ván, nhặt nhạnh nơi vỏ mấy con tàu cũ. Một quầy tính tiền ở sâu trong quán, hai cái loa dám tới 100 watt treo trên cột đang phát ra một bản nhạc tình, lời ca buồn da diết.
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa, bọt tràn theo từng làn gió đưa…
Gần 5 năm rồi mới được nghe lại một bản nhạc ngày xưa của thời Việt Nam Cộng Hòa, nghe trong một không gian bao la rộng rãi của bãi biển nơi xứ người, trong bầu không khí tự do tuyệt đối, không có Bác Hồ, không có Đảng Cộng Sản, không công an khu vực, không tổ trưởng, không tổ phó an ninh, không họp tổ dân phố, không xét sổ hộ khẩu, không đánh tư sản mại bản, không kinh tế mới, không đổi tiền, không cơm độn. Nói chung những thứ gì chết bằm, chết tiệt, có liên hệ tới Đảng Cộng Sản đều không có ở đây. Bất ngờ gặp lại cái không khí bãi biển Nha Trang của những ngày xa xưa cũ hiện về trước mắt, khiến Lâm Châu lặng người chết sửng. Bầu không khí tự do mà anh đi tìm đang hiển hiện trước mắt.
Bắt tay với chủ quán, ông hàng xóm của Lâm Châu giới thiệu.
-Đây là Lâm Châu, bạn của tôi, người mà tôi nói sẽ tiếp tục làm công việc kéo nước.
Chủ quán cười vui vẻ.
-Tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ông, cứ thế mà làm đi. Bây giờ hai ông uống gì, cà phê sữa đá, cà phê đen, coca, pepsi, seven up?
Ông bạn hàng xóm của Lâm Châu nói.
-Cho tôi hai ly cà phê sữa đá.
Chủ quán đi vào trong, một lúc sau vợ của ông ta mang hai ly cà phê đến.
Cầm cái muỗng khuấy đều rồi nâng ly ực một hơi. Ông hàng xóm bắt đầu.
-Chuyện như vầy, cả năm rồi ở trên đảo Pulau Bidong, tao sống hùng sống mạnh bằng cái nghề kéo nước mướn cho tiệm cà phê này. Đồ nghề của tao gồm có tám cái thùng nhựa đựng nước, mỗi thùng có dung tích là hai mươi lăm lít, và hai sợi dây dù cỡ ngón tay mỗi sợi dài bốn mét. Mỗi buổi sáng sau khi điểm tâm bằng hai chén cơm của Cao ủy, nếu sang hơn tao bỏ ra một đồng Mã Lai là có một tô bún cá to bự, với đầy đủ hành hẹ giá sống. Tám giờ sáng tao đến bồn chứa nước ngọt của đảo, nhờ mấy anh bạn trong Ban cấp thủy du di cho tao tám thùng nước đầy. Từ bồn chứa tao xách những thùng nước này xuống mé biển, cách đó chừng hai chục mét, dùng sợi dây dù xỏ qua tay cầm, cột bốn thùng nước lại với nhau. Sau đó choàng đầu dây qua vai, rồi kéo đến quán cà phê này. Một trăm lít nước tương đương với sức nặng là một trăm ký, mới nghe qua tưởng là khó khăn, cực nhọc lắm. Thực ra nó nhẹ hều, bởi vì tao kéo phía trước, đàng sau nhờ có ông Archimede đẩy phụ. Đoạn đường kéo nước dài chừng sáu trăm mét, tao đi mất nửa giờ, sau đó trở lại làm tiếp chuyến thứ hai. Đổ tám thùng nước vào hai cái phuy của quán cà phê xong, tiền trao cháo múc, chủ quán trả cho tao tám đồng Mã Lai, nếu đổi ra đô la Mỹ được bốn đồng. Mỗi buổi sáng tao tập thể dục chừng hai tiếng kéo nước trên biển, lãnh bốn đô la Mỹ ngon ơ. Mày muốn làm không?
Nhìn bàn tay cụt mất hai ngón của mình, Lâm Châu ngần ngừ.
-Nếu tao không làm thì sao?
-Mày đừng có lo, cái mối này có thằng chịu chung cho tao ba chục đô, để tao sang lại cho nó dàn đồ nghề và giới thiệu với chủ quán cà phê. Khi gặp mày, tao đổi ý chỉ muốn giao lại cho mày, với chút hy vọng là hơn một năm đợi chờ trên đảo, mày có công ăn việc làm để giải khuây, có chút tiền tiêu vặt và tao cũng được trọn chút tình xưa nghĩa cũ với bạn bè. Mày có biết, tại sao tao nói như vậy không?
Lâm Châu lắc đầu.
-Không biết.
Ông hàng xóm của Lâm Châu cười.
-Tao biết mày quên chuyện này rồi. Hồi đó mày có con dế lửa với râu ria chân cẳng coi ngầu hết sức, đá đâu thắng đó, có đứa đòi mua hai đồng mà mày không bán lại đem cho tao. Lúc đó, thiệt lòng mà nói tao cảm động đến muốn khóc. Khi xa cái xóm nhỏ, thằng bạn mà tao nhớ nhất là mày.
Lâm Châu hoàn toàn không nhớ một chút gì về chuyện con dế ngày xưa, vậy mà ông bạn hàng xóm vẫn còn mang theo trong lòng cho đến hôm nay, hắn nhìn ông bạn mà lòng bồi hồi xúc động.
-Cảm ơn mày đã giúp đỡ tao.
-Không có gì đâu, sau khi uống cà phê xong tao sẽ dẫn mày về lều của tao, mày phải dọn qua khu F này ở luôn cho tiện việc làm ăn. Căn lều tao đang ở chỉ có tao và một thằng nữa, hắn cũng mới tới đảo đâu chừng vài ngày.
Khi ông bạn hàng xóm đã lên đường đi định cư, căn lều còn lại hai người, Lâm Châu và một gã thanh niên. Mỗi người một góc lều, mạnh ai nấy sống.
Hai ngày qua đi trong câm lặng, cuối cùng không chịu được bầu không khí tẻ nhạt, Lâm Châu nói với gã thanh niên.
-Tôi tên là Lâm Châu, còn anh?
-Hỏi làm gì?
-Để khi cần, xưng hô cho dễ.
Gã đàn ông với đôi mắt buồn hiu, lơ đễnh nhìn trời.
-Quân.
Lâm Châu chửi thầm trong bụng, mẹ nó sao mày hà tiện lời nói quá vậy, nghĩ như vậy nhưng hắn vẫn cố nhẫn nại.
-Nếu cần gì xin anh cứ nói, làm được gì giúp anh tôi sẽ làm.
-Cảm ơn.
Nói xong Quân lại cắm cúi ngồi viết, coi như không có Lâm Châu đang có mặt trong lều.
Một tháng trôi qua bầu không khí nhàm chán trong căn lều vẫn vậy, không có gì thay đổi. Lâm Châu ngày ngày đi kéo nước mướn, khi trở về lều, hắn thấy Quân vẫn ngồi đó chăm chú viết. Có một điều khá kỳ lạ là tuy Quân chăm chú viết, nhưng hình như hắn không viết được bao nhiêu. Một tháng qua rồi mà cũng chỉ một cây viết với cuốn vở. Nhiều lần khi đi lãnh thực phẩm của Cao ủy ở kho tiếp liệu, gần cầu Jetty, tiện thể Lâm Châu lãnh giùm lương thực cho Quân. Nhờ đó mà Lâm Châu biết là Quân đi tàu chỉ có một người, đến đảo ngày… số thứ tự tàu …
Chừng đó chi tiết giúp cho Lâm Châu đoán được, chắc tàu của Quân gặp dông tố, bão bùng trên biển, và hắn là người sống sót duy nhất, cho nên hắn mới bị trầm cảm như vậy. Giải tỏa được thắc mắc mang nặng trong lòng, Lâm Châu mới thấy thoải mái, không còn bận tâm nhiều về Quân.
Cũng trong thời gian này, một thuyền nhân là kiến trúc sư đang ở trên đảo, cùng với nhiều người trong khối xây cất, đã được phép của chính quyền Mã Lai, họ bắt đầu xây đài tưởng niệm thuyền nhân trên một ngọn đồi, cách nhà thờ và chùa trên đồi tôn giáo không xa mấy. Mọi việc tiến hành tốt đẹp, qua đến tháng bảy, đài tưởng niệm đã hoàn tất. Đài gồm có một cái đế hình tròn được xây bằng đá, đường kính ước chừng sáu, bảy mét, chiều cao hơn một mét. Ngay trung tâm có một cái trống đúc bằng xi măng tượng trưng cho trống đồng Ngọc Lũ của người Việt Nam. Trên chân đế, có năm cánh buồm trắng, to nhỏ, cao thấp, khác nhau. Cánh buồm cao nhất chắc cũng hơn bốn mét, cùng với bốn cánh buồm khác hội tụ tại một điểm là tâm của nơi đặt trống. Năm cánh buồm tượng trưng cho những con thuyền tỵ nạn Việt Nam, cùng hướng về cái trống đồng là hòn đảo Pulau Bidong, hòn đảo của tự do.
Từ ngày có đài tưởng niệm trên đồi tôn giáo, Lâm Châu thấy Quân không còn ngồi lì trong lều. Mãi cho đến sau này hắn mới biết, Quân ngày ngày vẫn thường lên ngồi dưới những cánh buồm nơi đài tưởng niệm, nhiều lần hắn ngồi cho đến gần nửa khuya mới trở về.
Cuộc sống trên đảo êm đềm qua mau, ngày ngày người ta vẫn tiễn người cũ lên đường đi định cư, đón tàu tỵ nạn mới tới đảo. Những đợt sóng tỵ nạn Cộng sản, lớp sau theo lớp trước, ào ào như sóng biển vỗ bờ tưởng không bao giờ dứt. Sau gần một năm chờ đợi, cuối cùng Lâm Châu cũng được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, và chấp thuận cho đi định cư. Để ăn mừng ngày mà cuộc đời bước qua ngã rẽ mới, Lâm Châu chia sẻ với Quân tin vui của mình.
-Anh Quân nè, tôi đã được cho đi Mỹ rồi.
Quân cười, nụ cười mà cả năm rồi Lâm Châu mới thấy.
-Chúc mừng, lên đường bình an.
-Mới được Mỹ nhận thôi, còn phải đợi ít nhất là dăm ba tháng nữa. Trường hợp của anh như thế nào?
Quân thản nhiên nói.
-Tôi thuộc diện ưu tiên ba, năm ngoái phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho đi định cư, nhưng tôi từ chối.
Nghe Quân nói, Lâm Châu tưởng Quân nói giỡn, cho nên hắn không thắc mắc gì rồi nói.
-Cả năm rồi tôi kéo nước mướn cho nên có chút tiền dư. Hôm nay tôi mời anh đi ăn bún cá rồi uống cà phê, mừng ngày tôi được chấp thuận cho đi Mỹ.
Quân gật đầu.
-Đi thì đi.
Sau khi thưởng thức tô bún cá thơm ngon, đậm đà hương vị của biển Bidong, Lâm Châu và Quân kéo nhau đến quán cà phê.
Ngồi xuống chiếc ghế gỗ xập xệ, Quân nói.
-Sở dĩ tôi đi uống cà phê với anh, vì tôi có chuyện muốn nhờ anh giúp đỡ.
-Chuyện gì? Nếu được tôi sẵn sàng làm.
Quân nói.
-Tôi sẽ ở đây làm chúa đảo. Khi nào anh đi định cư, tôi có mấy cuốn vở nhờ anh chuyển cho gia đình của tôi. Được không?
-Tưởng gì khó khăn lắm chớ vài cuốn vở là chuyện nhỏ, anh yên chí đi.
Nghe Lâm Châu đồng ý giúp mình, gương mặt của Quân sáng rực lên vui mừng thấy rõ. Hắn nói.
-Cảm ơn anh rất nhiều.
Liên tiếp luôn mấy tuần sau đó, nhiều đêm Lâm Châu để ý thấy Quân say sưa ngồi viết, hắn viết cho đến sáng rồi gục đầu bên ngọn đèn đã cạn dầu từ bao giờ. Hình như có bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu sinh lực hắn trút hết vào mấy cuốn vở, như sợ rằng không còn đủ thời giờ để viết.
Đúng như những gì Lâm Châu suy đoán, một buổi sáng nọ khi thức dậy, hắn không còn thấy Quân ngồi đó nữa, thay vào đó là một cái bì thơ, với hàng chữ “Kính gởi anh Lâm Châu”.
Không kịp suy nghĩ, Lâm Châu vội vàng mở phong bì.
Thưa anh Lâm Châu,
Tôi và anh sống chung với nhau trong một căn lều cũng đã được gần một năm, cho đến hôm nay, tôi mới có dịp tâm sự cùng anh qua những trang giấy này.
Như anh biết, bãi biển khu F nơi anh và tôi đang sống, nó nằm ở cực Nam của đảo Pulau Bidong. Nếu đứng tại đây, nhìn về hướng Nam, hòn đảo Cá mập chắn ngay trước mắt, quay qua hướng Đông không bao xa, vợ con tôi đang ở đó. Tuy gần như vậy mà hôm nay, đúng một năm rồi tôi mới chịu đi gặp họ. Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy vì tôi cần phải viết, phải kể lại cho ba má và người thân của tôi. Kể cho họ biết chuyện gì đã xảy ra cho vợ chồng tôi vào chuyến vượt biên năm ngoái.
Tàu của chúng tôi, sau năm ngày lênh đênh trên biển, bị tàu hải tặc Thái Lan cướp hết vàng bạc, sau đó húc chìm. Tôi lao mình xuống biển tìm vợ con giữa lúc màn đêm vừa buông xuống. Biển đêm sâu hun hút, đen như mực, tôi vừa bơi vừa gọi tên vợ con đến khản cả giọng. Tôi bơi mà không biết bơi về đâu, cho đến khi sức tàn lực kiệt mới nhắm mắt xuôi tay. Cũng cùng lúc ấy một tấm ván chạm vào tay tôi như có ai đó đưa cho mình. Tôi ôm lấy tấm ván rồi thiếp đi, không còn biết gì nữa. Khi tôi tỉnh dậy, mặt trời đã lên khá cao, chiếu ánh sáng xuyên qua giàn lưới cá phơi nơi mũi tàu. Nhìn thấy mấy người đàn ông lực lưỡng, mình trần như hải tặc Thái lan đang kéo lưới, tôi hoảng sợ la lớn rồi cố vùng dậy để chạy. Hoàn toàn bất lực, tay chân của tôi bủn rủn, tê liệt, không cử động được. Một người trong bọn đánh cá đè tôi, để một ngón tay lên miệng như nói hãy im lặng. Sau đó hắn chỉ vào ngực của hắn, rồi nói.
-Malaysian.
Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi nhắm mắt mê đi vì quá mệt.
Bốn ngày sau, tôi được chiếc tàu này đưa đến một đồn lính, hình như là đồn biên phòng của Mã Lai, gần biên giới Thái Lan. Ở đồn lính Mã Lai hai ngày, tôi được Cao ủy tỵ nạn đưa về trại chuyển tiếp Terengganu và sau đó là Pulau Bidong.
Trên đảo Bidong, nhiều đêm tôi ngồi một mình nơi đài tưởng niệm thuyền nhân trên đồi tôn giáo. Đêm khuya gió biển lành lạnh, bầu trời đầy trăng sao, tôi dõi mắt nhìn về hướng Đông, nơi đó vợ con tôi và người bạn thân đang trầm mình dưới đáy đại dương, dang tay vẫy gọi. Tôi thẫn thờ ngồi đó nghe biển hát, tiếng hát rì rào khi trầm khi bổng như sóng biển vỗ bờ, như tiếng gọi thầm thương nhớ thiết tha của vợ con, rồi bỗng dưng nước mắt tuôn tràn tưởng như không bao giờ dứt. Cả một quá khứ xa xưa bỗng chốc hiện về ngay trước mắt, năm 1954 hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam, gần một triệu người Bắc di cư vào Nam lánh nạn Cộng Sản. Ở Miền Nam người dân được sống trong thanh bình vài năm, sau đó đến cuối năm 1960, Cộng Sản Bắc Việt lập ra Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam rồi đem quân xâm lăng Miền Nam. Chiến tranh mỗi ngày một leo thang khốc liệt, tôi và bạn bè của tôi lên đường tòng quân. Tôi biết, tôi là một người bình thường, đúng hơn là dưới mức bình thường. Suốt bảy năm trong quân ngũ, tôi không có được cái dũng khí của Trung úy Đức bạn tôi, tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh, đã cùng anh em binh sĩ chân giẫm lên xe tăng T54, đầu đội hàng chục ngàn trái đạn pháo của Việt Cộng để rồi bị thương phải cưa mất hai chân khi tử thủ An Lộc, trong mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi cũng không có được tính kiêu hùng, coi cái chết nhẹ tựa mây trời nơi vùng hỏa tuyến của Trung úy Thủy Quân Lục Chiến Nhân đầu bạc, khi cùng binh sĩ trong đại đội xả thân tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Tôi lại càng không có cái hào hoa lãng mạn nơi thành phố, nhưng vẫn đầy đủ bản chất anh hùng trên chiến trường nơi biên giới của Long công tử. Trong khi bạn bè của tôi ở những đơn vị tác chiến, cầm súng đánh nhau ngày đêm với Việt Cộng để bảo vệ Miền Nam, lớp chết, lớp bị thương, người còn sống mang tấm thân tàn phế thì tôi được ở đơn vị không tác chiến, sống an lành ở hậu phương. Như vậy với hai mươi mốt năm, từ năm 1954 cho đến năm 1975, khi mà dân quân Miền Nam anh dũng chiến đấu chống Cộng Sản xâm lược, thì riêng cá nhân tôi CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU đậm đà thắm thiết của vợ tôi mới theo tôi cho đến ngày hôm nay, đến cuối cuộc đời.
Thưa anh Lâm Châu.
Tôi là Trung úy Nguyễn trọng Quân, sĩ quan trực Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Một năm trước đây, khi tôi đến được đồn lính biên phòng của Mã Lai, một mình đến được bến bờ tự do, trong khi vợ con thì chìm sâu dưới đáy đại dương, tôi khóc không thành tiếng, dửng dưng đứng nhìn cánh cổng thiên đường Pulau Bidong với ngọn hải đăng đã tắt ngấm, chỉ còn lại cái bóng mờ nơi bờ biển mà không muốn bước chân vào. Tôi tự coi như mình đã chết từ lúc chiếc tàu của tôi, bị tàu hải tặc Thái Lan húc chìm. Trên tàu gồm có hai mươi ba người kể luôn cả tôi, hai mươi hai người đã chìm vào lòng đại dương sâu thẳm, họ là nhóm người trong số hàng triệu, triệu người Việt Nam dùng thuyền vượt biển, được thế giới gắn cho cái chữ Boat People. Người ta ước lượng rằng, trong số vài triệu người đó, một phần tư đã bỏ mình trên biển Đông. Người dân Việt Nam bỏ nhà bỏ cửa, bỏ mồ mả ông cha, bỏ tất cả, vượt biển tìm tự do, họ thà chịu chết trên biển Đông chứ quyết không sống dưới chế độ độc tài man rợ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau này trong lịch sử, các sử gia chân chính của Việt Nam sẽ nói đến giai đoạn mà Đảng Cộng Sản cai trị Việt Nam, và coi đó như một trang sử ô nhục của đất nước, là thời kỳ đen tối nhất của Việt Nam trong suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Sáu cuốn vở mà tôi gói trong tấm ny lông này là những gì tôi muốn nói. Nhờ anh chuyển cho ba vợ tôi, tên ông ấy là Nguyễn văn Bảy, ông vua nhà cửa ở Sài Gòn trước năm 1975. Hiện tại ba vợ của tôi đang sống ở Mỹ, tôi chỉ biết được có chừng đó chi tiết về ông. Anh có thể đọc và phổ biến những gì tôi viết trong mấy cuốn vở này, hy vọng ba vợ của tôi khi nghe chuyện, sẽ biết được tin tức con gái của ông cùng thằng rể và đứa cháu ngoại.
Khi anh đọc những hàng chữ này thì tôi đã đi gặp vợ con của tôi. Chúng tôi đã được sum họp vui vầy bên kia thế giới, một thế giới Tự Do không Cộng Sản
Chúc anh lên đường định cư bình an, hạnh phúc.
Cảm ơn anh.
Nguyễn trọng Quân.
Lâm Châu đọc xong bức thư mà cả người bần thần, thương cho hoàn cảnh bi đát của người bạn chung lều. Không thể chần chờ hắn vội vã mở tấm giấy ny lông, sáu cuốn vở dày cỡ trăm trang được xếp ngay ngắn, đánh số từ một tới sáu. Bên trong mấy cuốn vở là những trang giấy dày đặc những hàng chữ nhỏ đều đặn, nhiều nơi chữ đã nhạt nhòa, hình như là do nước mắt của người viết. Lâm Châu mở trang đầu tiên của cuốn vở rồi bắt đầu lẩm nhẩm đọc.
“ Tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê của tôi ở trên cao nguyên với rừng thông bạt ngàn xanh thẳm, quanh năm sương mù lạnh lẽo bao phủ khắp núi đồi. Tuy Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhưng cao nguyên Lâm Viên nơi tôi ở có hơi khác chút xíu….”
Mới đọc được vài trang, Lâm Châu chợt nhớ ra những dòng chữ mà mình đang đọc là của Quân, người bạn ở chung lều với mình suốt một năm qua. Anh bạn này vừa mất tích, hay là đã tự tử từ tối hôm qua rồi. Trên đảo Bidong nếu vì bất cứ lý do gì mà mất đi một người tỵ nạn, Ban chỉ huy trại phải báo cho Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc biết. Không thể đọc tiếp, Lâm Châu vội vàng gói sáu cuốn vở vào trong tấm giấy ny lông cất vào túi xách tay, rồi co giò phóng như bay lên Ban chỉ huy trại để báo cáo về tình trạng của người bạn sống chung lều với mình.
Một tuần lễ, trước ngày rời đảo Pulau Bidong đi định cư, Lâm Châu bất chợt nghe được trong mục tìm người, phát đi từ loa phóng thanh của Ban thông tin trên đảo.
“Tìm chồng. Trung úy Nguyễn trọng Quân 32 tuổi, trước năm 1975 phục vụ tại Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, vượt biển ngày 12 tháng 4 năm 1980, trên con tàu gồm có 23 người, đã bị tàu hải tặc Thái Lan húc chìm. Anh Quân, nếu anh còn sống hãy liên lạc số điện thoại …hoặc địa chỉ …California, USA. Vợ Nguyễn thị Cúc.”
Huy Văn Trương
Tháng 12/ 2023