Headlines

CTBCTY Tập IV chương 40

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XL
Quên hẳn tình em.

Với tờ giấy phép đi lại của công an thành phố Lâm Đồng, vợ chồng tôi và chị Hai, sau một ngày xếp hàng rồng rắn, chầu chực ở bến xe gần ấp Ánh Sáng, cuối cùng chúng tôi cũng mua được 3 tấm vé đi Sài Gòn.

Chị Hai là người đứng chủ hộ khẩu của căn nhà ở Tân Định, chúng tôi đến gặp tên công an khu vực xin ghép thêm tên Cúc, tôi và Hương con gái của tôi vào. Ngày xưa thì miếng trầu đầu câu chuyện, hôm nay đất nước đã giải phóng rồi, tùy theo tầm mức quan trọng hay không của vấn đề mà miếng trầu sẽ to hay nhỏ, nhiều hay ít, chị Hai ôm theo cây thuốc lá Samit của Thái Lan, gói gọn trong bao giấy để làm lễ ra mắt. Gã công an khu vực tươi cười chuyện trò với chúng tôi, trong khi tay của hắn nhét lẹ cây thuốc vào hộc bàn. Sau màn thẩm vấn, điều tra lý lịch của tôi và Cúc kỹ càng thêm sự liên hệ chị em họ giữa Cúc và chị Hai, gã công an khu vực cho giá.

-Một cây.

Chị Hai than.

-Thưa anh sao nhiều dữ thần vậy, chỉ là chuyển hộ khẩu thôi mà.

Gã công an điềm nhiên nói.

-Đường Hai bà Trưng ở Thành phố Hồ chí Minh, bên này thuộc quận Một, bên kia thuộc quận Ba, cách nhau chỉ hơn chục thước. Chuyển hộ khẩu từ quận Một qua quận Ba cũng hết năm chỉ rồi, gia đình chị từ Đà Lạt về đến đây, xa lắc xa lơ, đường sá xa xôi tới ba trăm cây số lận, ngồi xe đò hết một ngày mới tới. Lấy một cây là rẻ quá rồi, còn kèo nài cái nỗi gì.

Chị Hai xuống giọng năn nỉ.

-Xin anh bớt cho gia đình chúng tôi chút ít, được không?

Gã công an lắc đầu nguây nguẩy.

-Đó là cái giá theo quy định ngầm ở trên, tôi không thể nào thay đổi được.

Tôi nhìn Cúc mà ngán ngẩm cho số tiền quá lớn phải chi ra. Chỉ viết thêm ba cái tên vào sổ hộ khẩu mà phải tốn chừng ấy. Đây quả thật là việc làm của một chính quyền vô đạo, lúc nào cũng tự xưng là vì dân vì nước mà thực chất là một lũ cướp cạn, bóc lột tận xương tủy của người dân.

Tháng 3 năm 1979, gia đình tôi di chuyển về Sài Gòn, sống trong căn nhà nhỏ của chị Hai bên Tân Định. Chuyện di dời chỗ ở cũng có một vài trục trặc nho nhỏ xảy ra, không theo đúng như ý mình. Chẳng hạn như tiền bán cái máy bơm nước Yanmar là hai cây, tôi phải trả cho người môi giới hết một chỉ. Bù lại đường ống dẫn nước bằng sắt từ chỗ đặt máy bơm lên đến vườn rau dài hàng trăm mét, tôi bán được hai chỉ. Riêng miếng đất vườn vì ông nhà nước đang tính chuyện bắt mọi người phải vô hợp tác xã, nên tôi bán đất mà không có ai mua, đành để đó giao cho trời đất trông coi.

Ngày mà chúng tôi dọn vào căn nhà của chị Hai ở con hẻm nơi Tân Định, ngay tối hôm đó, nhân có buổi họp tổ dân phố, gã công an khu vực, đưa gia đình tôi lên giới thiệu với mọi người trong tổ. Sau đó hắn long trọng trao cuốn sổ hộ khẩu gồm có tên của chị Hai là chủ hộ, kế đó là tên Cúc, tôi và con gái của chúng tôi, tổng cộng là có tất cả là bốn người trong hộ.

Xong xuôi mọi việc, gã công an khu vực ra về, ngày hôm sau hắn mới đến nhà tôi lấy tiền. Sở dĩ gã công an làm việc xong rồi mới nhận vàng sau mà không sợ bị quỵt, vì thân phận của người dân chạy lo chuyển hộ khẩu như gia đình tôi, giống hệt con cá nằm trên thớt. Quỵt tiền công an khác nào đi giựt tiền của thằng ăn cướp, nó bắt cả gia đình cho đi tù mọt gông, đánh cho lòi tiền ra mới thôi.

Sau đợt đổi tiền ngày 3 tháng 5 năm 1978, đồng tiền mới có mệnh giá khá cao do nhà nước ấn định. Vào thời điểm đó 1800 đồng tiền mới sẽ mua được một lượng vàng. Tuy nhiên tiền được in ra không có vàng bạc, Mỹ kim hay một nền kinh tế vững chắc để bảo chứng, nên đối với thế giới bên ngoài, đồng tiền của Cộng Sản phát hành, không khác gì tờ giấy lộn. Trong nước niềm tin của dân chúng đối với đồng tiền còn tệ hơn, người ta chỉ giữ một số tiền rất ít ở trong nhà, đủ tiêu dùng hàng ngày. Chỉ có vàng là có giá trị tuyệt đối, tất cả mọi việc từ giao dịch làm ăn đến buôn bán đổi chác, đều dùng vàng làm căn bản. Gã công an đòi tôi trả đúng một lượng vàng mà phải là vàng lá Kim Thành mới được, bởi vì chính anh ta cũng không tin vào giá trị đồng tiền của nhà nước.

Vô được căn nhà ở con hẻm Tân Định, xong xuôi chuyện hộ khẩu, gia tài vốn liếng của tôi và Cúc còn đúng một lượng vàng. Đối với tôi, lúc này lượng vàng mà chúng tôi hiện có là cả một gia tài khổng lồ mà tôi phải cất giữ kỹ càng, sau này sẽ dùng nó để vượt biên. Cho dù có chết đói chúng tôi cũng phải chịu, quyết không được đụng đến số vàng này. Vì nghĩ như vậy nên tôi bàn với Cúc, là phải đem vàng chôn giấu dưới nền gạch hoa trong nhà bếp.

Cúc với giọng nói không được vui.

-Tụi mình quả thật là ngây thơ, để mất bò mới lo làm chuồng.

Tôi thở dài rồi than.

-Phải chi mình làm cái chuồng bò sớm hơn thì đỡ biết mấy.

Hình như không muốn nhắc đến chuyện buồn, Cúc chuyển đề tài.

-Mình phải tìm cách lo làm ăn, kiếm tiền để sống, ngồi không sẽ chết đói hết.

Tôi nói với Cúc.

-Mấy ngày nữa anh sắm vài món đồ nghề, ra góc đường đầu hẻm ngồi vá xe đạp.

Cúc nhìn tôi ra chiều thương hại.

-Anh làm có được không?

Tôi mạnh dạn trả lời.

-Đó là nghề của anh mà, ngày xưa khi còn đi học ở bậc trung học, vì nhà quá nghèo nên anh phải tự sửa xe, vá xe, tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy. Hơn nữa thời bấy giờ tại Đà Lạt, chỉ hai tiệm bán và sửa xe đạp là tiệm Công Thành và tiệm Tân Tiến. Hai tiệm này nằm đối diện nhau trên đường Phan đình Phùng, cách quán mì quảng ở hẻm Ngọc Hiệp khoảng chừng ba trăm mét. Xe đạp của anh nếu bị cán đinh, lủng ruột ở đâu, anh phải tự vá lấy không thể dẫn bộ hàng vài ba cây số đến hai cửa tiệm trên để vá xe. Ngoài ra, anh cũng biết sửa chữa những hư hỏng lặt vặt của xe đạp từ hồi đó, bây giờ bất đắc dĩ, dùng nó làm kế sinh nhai chắc cũng có thể được. Phần việc của anh sẽ như vậy, còn em làm gì?

Cúc nói mà như đã có tiên liệu sẵn trong đầu.

-Em với chị Hai sẽ ra đầu hẻm bán bánh căn cho dân trong xóm. Cả ba người cùng đi làm, hy vọng sẽ nuôi được thân và con, không bị chết đói. Có điều này em muốn nhờ anh, tối đến khi về nhà anh giúp em xay bột, được không?

-Được quá đi chứ mình đã giao hẹn rồi, cố gắng bươn chải kiếm cơm chờ cơ hội vượt biên. Anh chỉ hơi ngại một điều, thời buổi gạo châu củi quế, người dân cả nước ăn độn bo bo, một loại thực phẩm mà các nước khác chỉ dành để nuôi súc vật. Hiện tại giá một kí gạo chợ đen là mười đồng, vàng thì một trăm tám mươi đồng một chỉ, tính ra, một chỉ vàng mua được có mười tám kí gạo. Anh so sánh như vậy để em thấy, gạo đắt như vàng. Bánh căn được làm từ gạo, đem xay thành bột. Như vậy bánh căn là một món ăn của giới nhà giàu, người dân lao động sống trong con hẻm của mình lấy tiền đâu mà ăn bánh căn?

Cúc với giọng nói bình thản.

-Vì anh là người Miền Trung sống trên cao nguyên, nơi mà cuộc sống vốn đã khó khăn từ xưa, nên anh mới có lối suy luận như vậy. Anh à, hiện tại mình đang sống ở Sài Gòn mà, người dân ở đây suy nghĩ và tiêu pha không giống như những nơi khác. Cả tuần nhịn đói ăn độn bo bo, nhưng nếu họ có chút tiền là kéo nhau đi ăn tiệm. Giờ này không còn nhà hàng nữa, thì chỗ bán bánh căn bên lề đường của em, sẽ là quán ăn lý tưởng cho mọi người.

Tuy không đồng ý, nhưng tôi phải thừa nhận là Cúc có lý phần nào.

-Anh hy vọng em nói đúng. Nếu vậy thì mình phải thử thời vận một lần.

Cúc tươi cười nói.

-Ngày mai em với chị Hai sẽ đi chợ mua thêm một ít đồ dùng lặt vặt, tất cả mọi thứ khác hầu như đã có đủ. Trước đây sau ngày ba mươi tháng tư, chị Hai đã bán bánh căn ở con hẻm của nhà mình rồi.

Phần tôi, tôi bắt đầu hành nghề sửa xe đạp, đúng ra là vá bánh xe đạp bị lủng ruột thì đúng hơn.

Ngày đầu tiên, vác đồ nghề ra một gốc cây ở đầu đường, tôi đóng tấm giấy bìa cứng với hàng chữ “Vá xe đạp” lên thân cây, đặt đồ nghề xuống rồi ngồi đợi. Tôi ngồi từ sáng tới trưa, nắng Sài Gòn nóng cháy da, mồ hôi ướt dầm cái áo sơ mi cũ, uống cả lít nước mà vẫn không hết khát. Cuối cùng sự chờ đợi của tôi cũng có kết quả. Người khách đầu tiên là một ông cụ khoảng 60 tuổi, nhìn chiếc xe của ông, tôi nghĩ thầm không biết ở cái đất Sài Gòn này còn có chiếc xe nào bệ rạc, xập xệ như chiếc xe này không. Vá xong hai cái lỗ do cán phải đinh, cầm 1 đồng của ông cụ, tôi ngập ngừng không biết xử trí ra sao cho phải đạo. Lấy đồng bạc của ông cụ thật lòng tôi không nỡ, không lấy thì đói rã họng. Sau một hồi do dự, tôi đưa lại tiền cho ông cụ rồi nói.

-Người ta vá cái ruột xe, chỉ chừng năm, mười phút, con làm tới cả hơn nửa giờ, vậy mà bác vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, không một lời phiền trách. Lần này con không lấy tiền bác đâu, để lần sau đi.

Ông cụ hấp háy đôi mắt.

-Hình như cậu mới ra nghề, phải không?

-Dạ phải.

Ông cụ nhét tờ giấy bạc vào tay tôi.

-Cố gắng lên, dăm ba bữa, nửa tháng sẽ quen tay thôi mà.

Những ngày sau đó, chuyện làm ăn của tôi vẫn ì ạch một chỗ, không khá lên chút nào. Có ngày sáng vác đồ nghề đi tối vác về, không kiếm được đồng xu cắc bạc nào hết. Tiền vào thì không có nhưng đến trưa vẫn phải ăn, một chén rưỡi cơm là tiêu chuẩn của tù cải tạo, được tôi đem áp dụng cho cái nhà tù lớn mà tôi đang sống.

Không như lời khuyên của ông cụ đã cho tôi đồng bạc tuần trước. Tôi hành nghề chưa được nửa tháng, chưa quen tay đã muốn bỏ nghề tìm việc khác với lý do là không có khách. Tôi vá xe đạp mà suốt ngày chỉ có một việc ngóng cổ chờ khách, nhìn xe cộ chạy qua rồi chạy lại trước mặt mà phát chán. Buồn đời tôi ngồi dựa lưng vào gốc cây, trùm cái nón vải rộng vành cũ mèm lên mặt, rồi thả hồn đi về miền quá khứ vàng son một thuở. Tôi nhớ lại từ lúc còn nhỏ xíu, ngày này qua ngày khác đạp xe đi học, cuối tuần cùng Nhân đầu bạc rủ thêm vài thằng bạn nữa đi tắm ở Hồ Xuân Hương. Vì hồ nằm ngay trung tâm thành phố nên có lệnh cấm tắm. Cấm thì cấm, lũ nhỏ chúng tôi kéo nhau đạp xe đến cuối hồ, qua ngã rẽ lên Trung tâm Nguyên Tử Lực, gần đó có cây cầu sắt đen sì bắt ngang con suối dẫn vào hồ, tại đây chúng tôi mặc sức bơi lội mà không có gì phải lo lắng. Lúc nhỏ tin lời Nhân, tôi bắt con chuồn chuồn voi to bằng ngón tay út, cho nó cắn rốn, tuy đau gần chết, nhưng nhờ vậy mà sau hai tuần tôi đã biết bơi. Thêm vài tháng nữa, tôi đã bơi nhanh như rái. Tôi đã cùng với mấy đứa bạn bơi cùng khắp nửa Hồ Xuân Hương, từ vườn Bích Câu tới cầu sắt. Cho tới bây giờ dù ai nói gì cũng mặc kệ, tôi vẫn tin rằng nhờ cho chuồn chuồn cắn rốn mà tôi biết bơi, và bơi giỏi nữa là khác.

Đang mơ mơ màng màng, tôi chợt giật mình tỉnh mộng.

-Ngủ hả?

Giọng nói sang sảng của ai đó kéo tôi về với thực tại. Ngước mặt nhìn lên, trước mắt tôi một ông già trạc ngoài 50, quần cụt áo cộc, nước da ngăm đen đang ngồi chễm chệ trên yên chiếc xích lô đạp. Đưa tay chỉ vào bánh xe, ông ta nói.

-Bơm xe coi mày.

Tôi lật đật chụp cái ống bơm, lẹ làng gắn vào cái van bằng sắt nơi bánh xe. Sau chừng hơn chục cái bơm dầu như thời còn là Sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức bị huynh trưởng phạt. Khi ước chừng đã đủ hơi, tôi lấy cái cán búa gõ mạnh vào bánh xe để thử độ căng.

-Xong rồi chú.

Ông đạp xích lô móc túi đưa cho tôi một đồng.

Tôi từ chối.

-Thưa chú, bơm xe không có tính tiền.

-Giỡn hoài mày, có làm phải có ăn, những chỗ vá xe đạp, người ta bơm bánh xe đều có tính tiền. Tao đưa mày một đồng, được không?

Tôi nhìn kỹ mặt ông đạp xích lô, đúng là dân Sài Gòn, nghèo nhưng mà tính tình cởi mở, rộng rãi và đầy hào sảng.

-Cảm ơn chú.

-Ơn với nghĩa gì. Mày không biết tao nhưng tao biết gia đình mày.

Bị ám ảnh thường xuyên bởi cái bất an trong chế độ Cộng Sản, lúc nào cũng sợ bóng sợ gió, tôi đang cố đoán coi ông già này là ai, tại sao lại biết mình.

Thấy tôi ngẩn người không nói gì, ông đạp xích lô nói.

-Đâu chừng hai tuần trước, khi thằng công an khu vực đưa gia đình mày trình diện trước tổ dân phố, hôm đó tao có đi họp nên biết mày.

Tôi thở phào nhẹ nhõm.

-Bữa đó đông người quá, nên con không biết ai là ai.

-Nhìn mày, mặt mũi coi cũng sáng sủa, tướng tá cũng tạm được, tao tưởng mày về con hẻm đó để làm vương làm tướng gì. Ai ngờ lại đi vá xe đạp. Hỏi thiệt nè, làm ăn có được không?

-Thưa chú đói gần chết, cả tuần mà kiếm chỉ được mấy đồng.

-Vậy sao? Bỏ mẹ nó đi, theo tao đạp xích lô, nghề này coi vậy mà cũng dễ thở.

Tôi phân trần với ông.

-Con không có tiền thế chưn để mướn xe, cũng như không có người giới thiệu.

Trầm ngâm một lúc, ông đạp xích lô nói.

-Chiếc xe này của tao, tao chỉ đạp ban ngày, tối đến nếu mày muốn, tao sẽ cho mày mướn.

-Thưa chú, con chưa có kinh nghiệm, chỉ sợ chạy không đủ sở hụi đóng cho chú.

-Ê, mày đừng có lo, làm được nhiều đưa nhiều, làm ít đưa ít, không có khách thì khỏi trả tiền mướn xe cũng được.

Thấy điều kiện cho mướn xe quá dễ dãi, tôi hỏi.

-Thiệt không chú?

-Bộ tao giỡn với mày hả? Làm ăn chứ đâu phải ngồi lê ngồi lết ngoài quán nhậu, muốn nói gì cũng được. Tao nói một là một, tin tao đi. Mà nè nói cho mày biết, đạp xích lô dù gì kiếm tiền cũng khá hơn nghề vá xe đạp của mày, suốt ngày chỉ biết ôm gốc cây, ngủ gà ngủ gật, chẳng làm được cái con mẹ gì hết.

Tôi nói to.

-Cảm ơn chú, nếu được như vậy thì con làm liền.

-Quên cái chữ cảm ơn đi, vợ chồng mày coi bộ cũng có học hành đàng hoàng, mà sao giờ này lại trôi giạt đến đây. Cỡ tuổi mày có đánh chết ngày xưa cũng là lính Ngụy, phải không?

Trước câu hỏi khá bất ngờ của ông đạp xích lô, tôi ú ớ không nói nên lời, che giấu lý lịch hay là khai thiệt. Đang còn phân vân, tôi chợt nghe ông đạp xích lô tiếp luôn.

-Tao đạp xích lô mấy chục năm rồi, từ trào ông Diệm qua ông Thiệu cho đến bây giờ, không có dính líu gì đến Cộng Sản. Mày đừng có lo.

Yên tâm được phần nào, tôi nói.

-Thưa chú, con là lính Ngụy, cảm ơn chú đã có lòng giúp đỡ.

-Nữa, mày lại nói chuyện ơn với nghĩa, giúp người sa cơ thất thế là chuyện phải làm. Mày bỏ hết đồ nghề lên xe, tao chở đi một vòng, chỉ dạy mày mọi ngóc ngách trong nghề.

Đang lui cui lo thu dọn, tôi nghe ông đạp xích lô nói thêm.

-Tao thứ tư, vì đạp xích lô kỳ cựu nên dân trong xóm hẻm của mình gọi tao là ông Tư xích lô. Còn mày tên gì?

-Thưa chú, Quân.

-Có chuyện quan trọng mà lúc nãy tao quên nói với mày. Tao đạp xe có năm ngày trong tuần thôi, thứ bảy, chủ nhật, tao nghỉ. Hai ngày đó, nếu muốn mày có thể lấy xe chạy luôn.

Tôi hỏi ông Tư.

-Tại sao ông nghỉ hai ngày vậy.

-Mày hỏi hơi lạ, trâu bò đi cày cũng phải cho nó nghỉ ngơi. Hỏi như vậy, hèn gì mày ngồi vá xe là phải rồi.

Ông Tư chở tôi đi loanh quanh khu chợ Tân Định, chỉ mấy chỗ mà ông thường đậu xe chờ khách, rồi nói.

-Tao sẽ căn dặn cái đám đồng nghiệp của tao giúp đỡ cho mày. Phần mày, nhớ nói mày là con nuôi của ông Tư xích lô. Nếu không bọn xích lô ở đây, lại tưởng mày là thằng trôi sông lạc chợ ở đâu đến giành mối, tụi nó đục cho mà giập mật như không.

Nhờ trời giúp, tôi bỗng dưng trở thành dân đạp xích lô ngon lành. Tất cả mọi chuyện đến với tôi một cách tốt đẹp, đẹp như mơ.

Từ ngày tôi hành nghề đạp xích lô, tiền bạc vô khá là đều đặn, đủ tiền mua gạo cho bốn người trong nhà, tiền thực phẩm thì Cúc và chị Hai lo. Từ đó cuộc sống vật chất của gia đình tôi tạm ổn định, không còn phải lo lắng nhiều. Thêm một điểm lợi mà tôi không ngờ tới, nhờ đạp xích lô rong ruổi nhiều nơi, tôi nghe ngóng được nhiều tin tức về chuyện vượt biên. Từ chuyện ở Miền Tây, người ta vượt biên chỉ tốn vài chỉ vàng, đến chuyện người Hoa đi đăng ký bán chính thức, mỗi người đóng cho nhà nước 12 cây. Nói chung tất cả mọi tỉnh ven biển, người ta rủ nhau vượt biên hà rầm. Đi thoát cũng nhiều, chìm tàu vì gặp dông tố bão bùng cũng lắm, bị hải tặc Thái Lan cướp bóc hãm hiếp cũng bộn. Và quan trọng nhất là bị công an Việt Nam bắt bỏ tù cũng khẳm.

Tất cả tin tức mà tôi thu thập được, đưa đến cho tôi một kết luận: Nếu chịu khó về sống ở Cà Mau hoặc những tỉnh lẻ xa Sài Gòn, chuyện một người dân chỉ cần chung góp vài chỉ vàng là có thể vượt biên được rồi. Và, tôi tin đó là sự thật.

Sau mấy tháng đạp xích lô, tôi đã thuộc khá nhiều con đường của Sài Gòn, không còn bỡ ngỡ như những ngày đầu, phải nhờ khách chỉ đường cho mình đạp xe.

Có một chuyện mà tôi vẫn giấu kín trong lòng không nói với ai, đó là lần tôi đạp xe chở khách đi dọc theo đường Công Lý, nay đã đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi về ngang qua con đường Nguyễn minh Chiếu ở Phú Nhuận, lòng tôi bỗng dưng bồi hồi xúc động một cách lạ thường. Tôi đạp xe men theo con đường này, đạp xe mà như sống trong mơ, nhà cửa hai bên đường vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Hình ảnh của chính tôi với bộ tiểu lễ của Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngồi bên cạnh Dung trong chiếc taxi nhỏ xíu, mùi thơm của nước hoa mà Dung dùng vẫn còn lẩn quẩn đâu đây. Rồi cũng chính hình ảnh của tôi khi về Sài Gòn học khóa Đại đội trưởng, trong bộ quân phục lính tác chiến, với huy hiệu của Trường Võ Bị Đà Lạt may bên tay áo trái, thêm hai cái bông mai vàng trên cổ áo. Dung với chiếc áo dài lụa màu vàng mỡ gà, ôm gọn lấy thân hình đầy đặn của nàng.Chúng tôi rong chơi khắp Sài Gòn trên chiếc xe Honda hai bánh của Dung. Không biết đó có phải là những ngày hạnh phúc nhất trong đời hay không, mà khi nhớ đến tôi lại thấy mọi chuyện hiện ra rõ mồn một trước mắt. Tôi dừng xe trước nhà có hai cây vú sữa, mà không hiểu bằng cách nào tôi có thể đến đây được. Căn nhà vẫn vậy, vẫn như xưa nhưng sao tôi thấy có cái gì đó hơi là lạ. Sau một lúc tìm tòi lục lọi trong ký ức, tôi mới nhận ra căn nhà bây giờ chỉ còn có một cây vú sữa, cây kia đã bị cưa mất tự lúc nào. Chuyện cũng phải thôi, ruộng dâu còn biến thành biển cả, tôi và Dung người đi kẻ ở, thì hai cây vú sữa chỉ còn một là phải rồi.

Một người đàn bà mở cửa nhìn tôi rồi hỏi.

-Ông tìm ai?

Nhìn người đàn bà, tôi biết bà ta là ai rồi, và mong rằng bà ta cũng nhận ra tôi. Đợi cả phút mà không thấy tôi nói gì, người đàn bà quay lưng đi vô nhà miệng thì nói.

-Cái đồ mất nết.

Tôi lật đật gọi giật lại.

-Chị Lành.

Người đàn bà quay lại thật nhanh, nhìn tôi một lúc rồi hỏi.

-Sao ông biết tên tôi?

-Chị không nhớ tôi sao? Tôi là Quân đây mà.

Người đàn bà mở to đôi mắt nhìn tôi một lúc rồi la to.

-Cậu Quân phải không, mới có mấy năm mà sao cậu thay đổi nhiều quá vậy. Nếu cậu không nói, chắc tôi không nhận ra cậu, cứ tưởng là ông đạp xích lô đang đợi đón khách. Mời cậu vô nhà uống nước, thật là may mắn tôi có nhiều chuyện muốn nói với cậu.

Đang còn lấn cấn với chiếc xích lô, tôi chưa biết phải làm gì thì chị Lành đã nói.

-Đem xe vô sân, tôi sẽ khóa cổng lại là an toàn.

Chị Lành pha cho tôi một ly trà nóng.

-Sĩ quan Ngụy học tập được thả về đếm trên đầu ngón tay, cậu về được bao lâu rồi?

-Cũng hơn hai năm.

-Dữ ác hông, vậy mà hôm nay mới tới đây. Tôi mong được gặp cậu, bởi vì có một lá thư của cô Dung gởi cho cậu.

Vì nóng lòng muốn biết trong thư nói gì, tôi vội vàng hỏi chị Lành.

-Dung nói gì vậy chị?

-Cậu cứ từ từ uống nước đi, tôi vào trong lấy thư cho cậu.

Nhìn nét chữ của Dung, tôi thật sự xúc động tưởng như mình bị ngộp thở. Để trấn áp sóng gió trong lòng, tôi cố lấy bình tĩnh hớp một ngụm trà. Bức thư viết từ tháng 7 năm 78.

Anh yêu,

Em đang ở California với ba má. Mọi chuyện đều tốt đẹp. Chỉ thiếu anh nên em cảm thấy cuộc đời như vô nghĩa, cho dù là em đang ở Mỹ. Ở đây em có theo dõi tin tức Việt Nam, và biết rằng tất cả sĩ quan Ngụy đều được nhà nước khoan hồng nhân đạo, cho đi học tập cải tạo. Em hiện đang đi học lại và sẽ chờ anh, chờ mãi cho đến khi mình gặp lại nhau.

Em chỉ viết ngắn gọn vì đường bưu điện giữa Mỹ và Việt Nam, hình như chưa được thiết lập bình thường. Nếu nhận được thư này, anh nhớ trả lời cho em liền nghe. Địa chỉ của em ghi ngoài phong bì.

Thương anh rất nhiều, nhớ anh còn nhiều hơn nữa.

Em, Dung.

Đọc xong bức thư, tôi ngồi thừ người ra như kẻ mất hồn. Được một lúc, tôi thẫn thờ nhét lá thư vào túi quần, đi ra sân.

Chị Lành mở cổng đứng nép qua một bên, nhường đường cho tôi đẩy chiếc xe xích lô ra. Không chào không nói, tôi đạp xe đi thẳng về nhà.

Tới đầu con hẻm, tôi thấy Cúc vẫn chưa về, đang ngồi bên lò đúc bánh căn, bu quanh là ba người đàn bà và hai đứa con nít, họ đang say sưa thưởng thức mấy cái bánh căn một cách ngon lành, đầy nhiệt tình.

Thấy tôi Cúc vui mừng nói lớn.

-Anh ngồi đây coi hàng giúp em một chút, em về nhà lấy thêm bột rồi ra liền.

Tôi ngồi bệt xuống cái đòn bằng gỗ nhỏ xíu, múc một ít nước mắm ngọt đã pha sẵn đựng trong cái thẩu bằng thủy tinh, đổ vào chén, thêm một muỗng tương ớt rồi thản nhiên bốc một cái bánh chấm nước mắm nhai ngon lành.

Đúng là món ăn của nhà giàu, chỉ toàn là bột gạo, không pha bắp, không trộn bo bo, nhờ đó mà cái bánh dẻo thật là dẻo, thơm thật thơm mùi gạo. Sẵn bụng đang đói, tôi nhai ngấu nghiến một lúc ba cái bánh, trước những cặp mắt đầy ngạc nhiên của mấy người đàn bà.

Cúc từ trong hẻm đi ra, hai tay bưng một cái nồi nho nhỏ. Hương, con gái tôi mặt mũi lem luốc, tay níu áo bà ba của mẹ, tay cầm cái chén. Nhìn hai mẹ con áo quần lôi thôi lếch thếch, giống như vừa mới đi làm ruộng về, thương vợ, thương con, thương cho bản thân mình, bỗng dưng tôi thấy cay cay nơi mắt. Tôi đưa tay giụi mắt rồi nói khống.

-Có chút ớt thôi mà sao cay quá.

Cùng lúc ấy, một quyết định dứt khoát thoáng qua trong đầu, tôi lần trong túi quần, lấy bức thư của Dung, bức thư mà trước đây chừng nửa tiếng, tôi nâng niu quý trọng. Sau một phút chần chừ, tôi dùng cái gắp than bằng sắt, dở cái khuôn bánh căn to cỡ cái chén nhỏ lên, thả bức thư vào. Bì thư được làm bằng một loại giấy dày, trắng bóc, tên của tôi được Dung viết bằng lối chữ in không bỏ dấu, uốn mình vặn vẹo trong lửa hồng như than khóc trước khi biến thành tro bụi. Cũng cùng lúc ấy, gương mặt của Dung với đôi mắt đầy vẻ lo âu nhìn tôi, trước khi mất hút trong lòng chiếc máy bay C130 đêm nào ở phi trường Tân Sơn Nhất. Đôi mắt ấy, tôi đem theo cho đến ngày hôm nay, giờ đây nó đang mờ dần, nhạt nhòa rồi biến mất. Tôi đặt cái khuôn bánh căn lại chỗ cũ che kín ánh lửa hồng, mà tưởng là mình đang đậy nắp tấm ván thiên, chôn chặt mối tình say đắm, cuồng nhiệt của một thời xa xưa. Trong giây phút chạnh lòng, tôi chợt nghe tôi nói với chính mình : Dung ơi! Anh muốn gọi tên Dung một lần nữa, để rồi từ đây cho đến cuối cuộc đời sẽ “Quên hẳn tình em.”

Loading

Scroll To TOP