Headlines

CTBCTY Tập IV chương 38

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XXXVIII
Gia Tĩnh Minh Thế Tông.

Đang ngon giấc, tôi giật mình thức dậy vì tiếng đập cửa ầm ầm từ dưới nhà vọng lên. Tôi đoán rằng phải có nhiều cánh tay cùng đập một lần vào cửa thì âm thanh hung hãn, dồn dập, gấp rút của nó, mới có thể vang xa từ tầng một lên đến tầng ba, nơi tôi đang ngủ.

Tung mền ngồi dậy nhìn quanh, tôi thấy Cúc đang ôm chặt con vào lòng, con bé hình như sợ hãi quá sức nên im thin thít. Riêng tôi thực lòng mà nói, tôi sợ đến són đái trong quần.

Từ ngày được thả về với gia đình cho đến hôm nay cũng đã gần hai năm rồi, thỉnh thoảng trong giấc ngủ, tôi lại mơ thấy công an đập cửa nhà rồi bắt tôi nhốt vào trại cải tạo. Với những cơn ác mộng như vậy, tôi thường thấy mình bị giam giữ khi thì năm năm, khi thì mười năm, cũng có khi không có ngày về, bị nhốt hoài nhốt mãi giữa những hàng rào vỉ sắt PSP đen đủi xám xịt, tuy không có cảnh bom rơi đạn nổ, không có bắn giết chết chóc, chỉ toàn là kê khai lý lịch cá nhân, thành khẩn khai báo tội lỗi, đọc kiểm điểm hàng đêm trước tổ, chỉ chừng đó thôi nhưng nó làm cho con người sợ hãi đến bỏ ăn mất ngủ, và một đều ghê rợn nhất không bao giờ thay đổi là câu nói của quản giáo “Sĩ quan Ngụy phản quốc như các anh, không bị xử bắn, chỉ cho đi ở tù là may mắn lắm rồi”. Chỉ có chừng đó sự kiện, tái đi diễn lại từ ngày này qua ngày khác, và lần nào cũng vậy, khi thức dậy là toàn thân của tôi mồ hôi đã ướt dầm hết cái áo lót.

Những cơn mộng dữ theo đuổi tôi, lâu dần khiến tôi có phản xạ tự nhiên như khi thấy nguy hiểm, sẽ tìm đường chạy thoát thân. Không hiểu tại sao đêm nay, khi nghe tiếng đập cửa, sự sợ hãi lại khiến tôi ngồi chết lặng, bất động một chỗ đến vài phút mà không biết phải làm gì. Có thể mặt mày của tôi đã trở nên xanh lè, cắt không còn giọt máu, cho nên Cúc trấn an tôi.

-Không có gì đâu anh, đừng có sợ.

Tôi chưa kịp hoàn hồn thì ầm một tiếng, cánh cửa phòng ngủ của vợ chồng tôi bung ra. Bốn, năm người, mặc thường phục với áo sơ mi xam xám, quần vải màu bộ đội, chân mang dép nhựa. Một điều đặc biệt là tất cả những người này đều có một gương mặt lạnh như tiền, và đôi mắt sắt như dao. Một người trong bọn vai mang sắc cốt, đầu đội nón cối, tay cầm tờ giấy dõng dạc hỏi.

-Ai là Nguyễn thị Cúc.

-Thưa tôi đây.

Nhìn chăm chăm vào mặt Cúc, gã đội nón cối gặng hỏi.

-Chị là Nguyễn thị Cúc?

-Thưa phải.

-Tên tư sản mại bản Nguyễn văn Bảy, là gì của chị?

-Ông ấy là ba của tôi.

-Hắn ở đâu rồi?

-Dạ, đang ở bên Mỹ.

Đưa tay chỉ vào tôi, gã hỏi.

-Còn cái anh ngồi đó là ai?

-Thưa là chồng tôi.

Nhìn quanh khắp căn phòng, gã to giọng.

-Còn ai ở trong phòng này nữa không?

Cúc xẳng giọng.

-Còn con gái của tôi.

Cúi đầu ghi ghi chép chép vào tờ giấy một lúc, gã đội nón cối nói to.

-Chúng tôi có lệnh ở trên lục soát căn nhà này.

Nói xong, gã chỉ vào phòng tắm.

-Yêu cầu hai người đi vào phòng đó ngay lập tức, đem luôn đứa bé vào.

Cúc hỏi với giọng bực tức.

-Các ông là ai? Giữa đêm khuya ngang nhiên vô nhà của tôi rồi đòi nhốt chúng tôi vào phòng tắm.

Gương mặt của gã đội nón cối lộ vẻ giận dữ, đôi mắt của hắn long lên sòng sọc như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện.

-Chúng tôi là ai hả? Chị sẽ được cho biết sau. Bây giờ, chị có thi hành lệnh hay không thì nói.

Nhìn gương mặt đầy sát khí của gã, tôi nháy mắt với Cúc rồi riu ríu dẫn Cúc và con đi vào phòng tắm. Mới được vài phút, bất chợt có hai tên Việt Cộng trẻ tuổi vào dẫn chúng tôi ra, họ đưa chúng tôi lên sân thượng, một người chỉ tay về phía trước rồi nói.

-Hai người đến cuối sân, rồi ở đó.

Nói xong hai tên Việt Cộng kéo ghế ngồi chận đường, không cho chúng tôi di chuyển đi đâu hết.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên trời cao, bầu trời không còn tối đen như mực mà đã chuyển sang màu xám trắng, tôi ước chừng giờ này chắc đã hơn năm giờ sáng.

Khi mặt trời bắt đầu mọc ở phương đông, tỏa ánh sáng ấm áp xuống sân thượng nơi tụi tôi đang ngồi. Cúc nói với hai tên Việt Cộng đang canh giữ chúng tôi.

-Các anh phải cho chúng tôi đi vệ sinh và làm thức ăn sáng, con tôi đói rồi.

Một trong hai tên Việt Cộng nhìn đồng hồ.

-Chị đợi đấy, tôi còn phải xin lệnh trên.

Vừa dứt lời, hắn quay sang nói nhỏ với đồng chí của hắn rồi quay lưng bước đi xuống nhà. Chừng 15 phút sau tên Việt Cộng lúc nãy trở lại. Hắn chỉ vào Cúc rồi nói.

-Chị dẫn con đi theo tôi.

Quay sang tôi.

-Anh không được đi đâu hết, ở lại đây cho đến khi chị này và con bé trở lại, lúc bấy giờ anh mới được đi.

Loay hoay như vậy mất hơn cả 20 phút, cuối cùng chuyện vệ sinh cá nhân buổi sáng của chúng tôi, cũng giải quyết xong xuôi. Hai tên Việt Cộng canh gác chúng tôi trở lại nơi ghế ngồi, họ thi hành nhiệm vụ một cách nghiêm chỉnh, không chút lơ là.

Tôi và Cúc ngồi ở cuối sân thượng, cách hai tên Việt Cộng một khoảng khá xa. Chúng tôi chuyện trò với nhau, chỉ nói nhỏ nên không sợ họ nghe được. Cúc hỏi tôi.

-Lúc nãy anh xuống dưới nhà, có thấy ba má và mọi người ở đâu không?

Tôi than với Cúc.

-Tên Việt Cộng nói giọng Miền Trung, áp giải anh đi, hắn đưa anh tới thẳng phòng tắm, rồi đứng ngay cửa chờ đợi. Mới được vài phút là hắn lại hối anh mau trở về. Bị canh giữ nghiêm ngặt nên anh không thấy và không biết gì cả.

Cúc nói với tôi.

-Em và con cũng bị y như vậy.

Đến lúc này, Cúc nói mà như là thì thầm.

-Anh à, tất cả vàng bạc, tài sản của mình em đều để trong cái xách tay của em. Hai mươi lăm lượng vàng Kim Thành nặng gần một kí, mười xấp tiền giấy một trăm đô la, mỗi xấp là mười ngàn, tổng cộng là một trăm ngàn đô.

Vừa dứt lời, Cúc đã vội vàng đính chánh.

-Không phải một trăm, thực ra số tiền đó chỉ còn chín mươi chín ngàn mà thôi. Vì mấy năm trước, em đã lấy ra một ngàn gởi cho anh. Quan trọng nhất là cái túi đựng hột xoàn, em cũng để trong xách tay luôn.

Vốn đã biết rõ tình trạng tài chánh của gia đình nhưng tôi vẫn đinh ninh là để tiền trong nhà của ba tôi là an toàn nhất, nên tôi rất an tâm, không có ý kiến gì với Cúc. Hôm nay, đứng trước tình trạng của cải mất trắng không còn một xu nào, tôi mới biết là cả tôi và Cúc đều sai lầm. Câu nói “Không bao giờ để tất cả trứng vào một cái giỏ” hiện ra trong đầu.

Tôi nhìn Cúc mà lòng đầy lo âu.

-Anh tin rằng, nếu họ lục soát trong nhà, tất cả tài sản của mình không cánh mà bay mất rồi.

Thay vì buồn bực, Cúc lại an ủi tôi.

-Anh à, mình phải bình tĩnh để đối phó với mọi tình huống khó khăn.

Khoảng 9 giờ sáng, tên Việt Cộng đầu đội nón cối với cái sắc cốt đeo bên hông lúc sáng xuất hiện, tay ôm một mớ giấy trắng. Hắn đưa giấy bút cho Cúc và tôi rồi nói.

-Chị Nguyễn thị Cúc và anh đây, hai người phải khai lý lịch cá nhân, khai báo đầy đủ quá trình hoạt động trong suốt thời gian sống dưới chế độ Mỹ Ngụy. Riêng chị Cúc, chị phải viết cho rõ có bao nhiêu nhà cửa ở thành phố Hồ chí Minh của tên tư sản mại bản Nguyễn văn Bảy và nhà riêng của chị, không được bỏ sót, cho dù là một căn nhà nhỏ.

Cúc nói với tên đội nón cối.

-Tôi muốn gặp người chỉ huy của các anh.

-Chị cần gì?

-Chúng tôi bị bỏ đói từ sáng đến giờ, con tôi chỉ mới hơn hai tuổi, nó cần có sữa và phải được ăn uống đầy đủ.

Gã đội nón cối nhìn con gái tôi.

-Chị cần gì nữa không?

Cúc nói.

-Cho tôi đi lấy một ít thực phẩm của con nít.

Gã đội nón cối lắc đầu.

-Chuyện này thì không thể được, chị và chồng chị bị cách ly, không được liên hệ với bất cứ một ai.

Nói xong gã quay lưng bước đi.

Tôi và Cúc lại phải ngồi đó chờ đợi. Khoảng nửa giờ sau mới thấy gã đội nón cối trở lại, hắn đặt cái giỏ xách xuống bàn, lấy ra bốn ổ bánh mì nhỏ, một chai nước lạnh, hai cái ly và một lon sữa đặc có đường kèm theo cái khui đồ hộp. Mấy thứ thực phẩm này, tôi biết hắn lấy dưới nhà bếp của tôi, trừ mấy ổ bánh mì.

Gã đội nón cối nói.

-Đây là phần ăn trưa và tối của gia đình chị. Theo đây, tôi cũng yêu cầu chị và chồng của chị phải khai lý lịch cho đầy đủ chi tiết. Khoảng ba giờ chiều, tôi sẽ trở lại để thu bản tự khai của hai người.

Nói xong gã đội nón cối quay lưng bước đi, mới được hai bước bất chợt như nhớ ra điều gì, hắn xoay người lại.

-Có một điều quan trọng mà tôi muốn nói thêm, vàng bạc, đá quý hay đô la, là những thứ quốc cấm, đế quốc Mỹ dùng nó để trả lương cho bọn tình báo CIA mà bọn chúng gài lại. Nếu có những thứ trên, chị phải thành thật khai báo với cách mạng.

Sau một thoáng bối rối, Cúc trả lời.

-Tôi không có gì cả, ngoại trừ mấy trăm đồng của nhà nước Việt Nam.

Gã đội nón cối cười thoải mái.

-Chị không có vàng bạc, đá quý, đô la. Đúng không?

Cúc đáp.

-Đúng.

-Chị nhớ ghi rõ điều này vào tờ khai, tội lỗi của gia đình chị, một gia đình tư sản mại bản, nặng hay nhẹ là ở mục này.

Dường như thấy đã dặn dò chúng tôi đầy đủ mọi chuyện, gã đội nón cối vội vã bước nhanh như chạy, rồi biến mất sau cầu thang ở đầu sân.

Cúc cầm chai nước, đưa đến trước mặt hai tên Việt Cộng canh chúng tôi.

-Tôi muốn nấu chút nước sôi pha sữa cho con.

Tên Việt Cộng lắc đầu nguầy nguậy.

-Muốn làm bất cứ chuyện gì, chị phải hỏi ông cán bộ lúc nãy, chúng tôi không biết gì hết, chỉ có nhiệm vụ canh giữ hai người.

Tôi biết nấu nước sôi chỉ là cái cớ, Cúc muốn đi xuống nhà để dò la tin tức, tìm hiểu thêm chuyện gì đã xảy ra cho cả gia đình. Gặp hai ông thiên lôi đứng canh cửa, nên Cúc đành chiụ thua.

Cúc cho con ăn bánh mì chấm với sữa đặc, tội nghiệp con bé đói bụng nên ăn uống ngon lành.

Tôi lấy tờ giấy và bắt đầu viết bản tự khai lý lịch cá nhân. Với tù cải tạo, khai lý lịch là nghề của chàng, tôi viết một mạch những chi tiết cá nhân mà tôi đã thuộc lòng, đã khai đi khai lại hàng vài chục lần ở trong tù. Trong vòng nửa giờ, bản tự khai lý lịch cá nhân của tôi đã hoàn tất. Tôi quay sang giữ con để Cúc rảnh tay viết bản tự khai, đồng thời nhắc nhở Cúc.

-Em có biết không, giọng điệu của tên Việt Cộng đội nón cối này, giống hệt như tên Việt Cộng tra tấn anh ở trong tù. Tiền bạc của mình hắn đã lấy hết sau đó hăm dọa, ép buộc mình phải ký vào bản tự khai, xác nhận là không có đồng xu cắc bạc nào hết. Hình như, anh đã kể chuyện này cho em nghe rồi phải không?

Cúc gật đầu.

-Em có nghe rồi.

Tôi nói với giọng rầu rầu.

-Qua bài học kinh nghiệm ở trong tù, anh biết chắc chắn một điều, tất cả đô la, hột xoàn, vàng bạc, của mình đã bị bọn nó cướp mất rồi.

Nhìn gương mặt buồn buồn của Cúc, đột nhiên tôi cảm thấy xót xa trong lòng rồi yên lặng không muốn nói gì. Hai đứa xé miếng bánh mì rồi gắng gượng nhai cho đỡ đói, tôi nói xé mà không nói bẻ vì ổ bánh mì cũ, dai nhách như miếng giẻ.

Ba giờ chiều, gã đội nón cối trở lại. Sau khi thu hai bản lý lịch cá nhân của tôi và Cúc, hắn chìa ra một tờ giấy đã viết sẵn.

-Đây là giấy xác nhận, chị Nguyễn thị Cúc không có vàng bạc, đá quý và đô la. Chị hãy đề ngày tháng vào rồi ký tên ở bên dưới.

Cúc cầm tờ giấy, đọc sơ qua rồi lặng lẽ ký tên, tay ký mà gương mặt lộ vẻ phẫn uất tột cùng. Khi đưa tờ giấy cho gã bộ đội, Cúc nhìn hắn với đôi mắt hung dữ của một con thú khi bị dồn tới chỗ chết.

Gã đội nón cối với giọng nói đầy bực tức.

-Thành phần tư sản mại bản như chị phải vui mừng, vì đã được nhà nước khoan hồng, không bắt đi cải tạo. Tại sao chị lại cau có như vậy?

Cúc nói.

-Ông lầm rồi, tôi không cau mà cũng không có gì hết.

Gã đội nón cối nhìn tờ giấy với chữ ký của Cúc, rồi cười thoải mái.

-Chị làm việc rất tốt, tôi sẽ đề nghị với ở trên giúp đỡ gia đình chị. Tối nay hai người phải ngủ tại chỗ này, ngày mai tôi tin rằng công việc kiểm kê sẽ hoàn tất, lúc bấy giờ chị được trả tự do. Bây giờ tôi xuống phòng của chị, lấy mùng mền giúp cho hai người.

Gia đình nhỏ của tôi, trải qua một đêm dài nơi cuối sân thượng. Cũng may Đà Lạt đang vào mùa hè, chúng tôi lại có đủ mùng mền nên không bị lạnh, mặc dù phải ngủ ngoài trời.

Hai tên Việt Cộng canh gác chúng tôi nằm ngủ ở đầu sân thượng gần cầu thang. Mỗi khi chúng tôi muốn đi tiểu, đều phải xin phép và sau đó được họ đưa đi. Suốt đêm trong giấc ngủ, thỉnh thoảng tôi lại nghe nhiều tiếng búa đập chan chát từ dưới nhà vọng lên.

Tôi khều vai Cúc.

-Em à, hình như cái đám Việt Cộng này muốn phá nhà mình hay sao. Anh nghe có nhiều tiếng búa nện xuống sàn nhà.

Cúc với giọng ngái ngủ.

-Em có nghe gì đâu, mà kệ họ muốn phá gì cũng được. Của cải mất sạch em còn chưa lo, thì sá gì cái nhà nho nhỏ này.

Cuối cùng tôi đành nghe theo lời Cúc, nhắm mắt dỗ giấc ngủ.

Quá sức mệt mỏi vì đầu óc căng thẳng suốt ngày, tôi đánh một giấc ngon lành cho đến khi trời đã sáng tỏ.

Khi tôi và Cúc thức dậy, hai tên Việt Cộng canh giữ chúng tôi đã biến đi đâu mất tự lúc nào. Không có người gác, chúng tôi lần mò đi xuống lầu ba. Mới nhìn thấy phòng ngủ của mình, tôi tưởng mình bị hoa mắt. Đồ đạc trong phòng ngổn ngang, bừa bộn, như là nhà hoang, ghế gãy, chân bàn xiêu vẹo, tủ mất cửa, bên trong trơ trọi, trống trơn không còn một thứ gì. Quần áo của tôi và Cúc biến mất, chỉ còn sót lại vài bộ quăng dưới sàn nhà, mấy tấm nệm trên gường ngủ bị rạch nát lòi cả bông trắng bên trong, tường và sàn nhà loang lổ vết đục đẽo. Tôi suy nghĩ mãi mà không biết tại sao những người kiểm kê nhà của tôi, phải đục phá như vậy. Cuối cùng sau khi suy nghĩ cặn kẽ, tôi tin rằng họ làm như vậy chỉ với mục đích là tìm vàng và đô la cất giấu trong đó mà thôi.

Trong tự điển của Việt Nam Cộng Hòa, chữ đục tường khoét vách dùng để chỉ những người thuộc thành phần đầu trộm đuôi cướp. Hôm nay năm 1978, sau ba năm Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, những người đục tường khoét vách nhà tôi tự xưng là kiểm kê, đánh tư sản mại bản, đợt hai hay đợt ba gì đó, tôi hoàn toàn không biết. Nếu đem so sánh hai vế kể trên thì nhà nước kiểm kê, đánh tư sản mại bản, đồng nghĩa với bọn đầu trộm đuôi cướp.

Nóng lòng, muốn biết chuyện gì xảy ra với ba má tôi, chúng tôi vội vàng đi xuống thang lầu.

Lầu hai vắng ngắt, không một bóng người, phòng ngủ của ba má tôi và hai đứa em cũng tan hoang như nhà vô chủ, tường, sàn nhà loang lổ dấu vết đục cắt đào bới.

Không thể chần chờ, tôi chạy nhanh xuống tầng trệt, nơi phòng khách bức tường che cái tủ rượu đã bị phá sập, hơn một trăm chai rượu với cái tủ đã bị đem đi đâu mất. Ba má tôi và chị Hai đang ngồi nơi phòng khách. Khi thấy Cúc, ba tôi vội đứng lên ôm lấy đứa con dâu. Đây là hành động hơi khác thường của ba tôi, bởi vì từ xưa đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy ông biểu lộ tình thương yêu con dâu bằng hành động ôm Cúc như vậy. Trên gương mặt nhăn nheo già nua của ông, hai hàng nước mắt lăn dài xuống má. Ông nói mà tiếng được tiếng mất.

-Con.. Con có..sao không?

Hình như những giọt nước mắt của ba tôi đã làm Cúc nao lòng. Với giọng nói như nấc nghẹn trong cổ. Cúc nói.

-Dạ con không sao hết.

Cũng cùng lúc ấy, hình như sự chịu đựng khổ đau đã lên đến mức cuối cùng, như một giọt nước tràn ly, Cúc ôm ba tôi khóc như mưa.

Tôi nghĩ rằng bao nhiêu là oan khiên, uất hận, chất chứa trong lòng từ hôm qua đến giờ, được dịp bùng phát, cho nên Cúc mới khóc ngon lành như vậy.

Tôi ôm lấy Cúc vỗ về.

-Nín đi em.

Cúc nói qua nước mắt.

-Ngày xưa, ba có kể cho em nghe một chuyện xảy ra ở ngoài xứ của mình, khi ông dắt trâu trên con đường làng. Chính ba đã chứng kiến cảnh một con gà mái xù lông, xòe cánh, với mục đích bảo vệ đàn con quyết không cho diều hâu bắt con của mình, cho dù chính bản thân của con gà mẹ cũng có thể là con mồi của diều hâu. Trước sự đề cao cảnh giác, sẽ chống cự mãnh liệt đến cùng của gà mẹ, con diều hâu đành bỏ cuộc bay đi. Kể xong chuyện ba nói với em “Trước mặt kẻ thù cho dù họ có mạnh đến đâu, nguy hiểm đến mức nào, con phải can đảm dùng tất cả sức lực của mình để chống lại. Nếu có thắng được mình, kẻ thù cũng phải trả một giá tương xứng.” Hôm nay nhớ lời dặn của ba, em đã tỏ thái độ chống đối của mình. Trước mặt tên Việt Cộng, em phải dùng tất cả can đảm mà mình có để không khóc trước mặt kẻ thù. Nhưng mà bây giờ thì em có quyền khóc, vì tất cả gia tài của mình đã bị những người nhân danh chính quyền ăn cướp một cách trắng trợn, dã man, tàn bạo, rừng rú, hơn cả những bọn thổ phỉ ở trên núi.

Má tôi và chị Hai nhìn thấy cảnh mũi lòng trước mặt, cả hai cũng ôm nhau khóc theo, tiếng khóc của họ không chừng còn to hơn tiếng khóc của ba tôi và Cúc. Đứng trước cảnh bi lụy như vậy, tôi phải quay mặt rồi đi ra trước nhà. Nếu nấn ná ở đây lâu hơn chút nữa, tôi biết mình sẽ khóc theo. Đến lúc này tôi mới giật mình, chiếc xe Honda của tôi vẫn thường dựng ở đây, không còn nữa. Trong tận cùng của tuyệt vọng, tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào tường, đầu óc như tê dại đi khiến tôi không còn muốn sống với thực tại.

Những gì vừa mới xảy ra cho gia đình tôi, nhắc tôi nhớ đến mấy câu thơ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Đồ tế nhuyễn của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Gì chứ truyện Kiều thì người Việt Nam hầu như ai cũng biết. Nói gì đâu cho xa, má tôi là một người đàn bà nhà quê, chỉ biết dăm ba chữ quốc ngữ đủ để viết tên mình, vậy mà bà cũng thuộc làu nhiều đoạn trong truyện Kiều.

Ngày xửa ngày xưa, xưa lắm rồi, vào đời Gia Tĩnh triều Minh bên Tàu, thời buổi phong kiến, vua chúa quan lại, có toàn quyền sinh sát trong tay, nhưng khi muốn cướp tài sản của nhà viên ngoại họ Vương, mấy ông tham quan thời bấy giờ, vẫn phải tìm một cái cớ, dựa vào lời khai man của thằng bán tơ để mà hành xử.

Hôm nay, mặc dầu đã gần cuối thế kỷ thứ 20, lúc mà con người đã đặt chân lên mặt trăng từ lâu rồi, thì ở cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng Sản ăn cướp giữa ban ngày, mà không cần dựa vào lời man khai của một ai. Nhà nước, chỉ cần gắn cho một người nào đó bốn chữ “Tư sản mại bản” là có quyền cho sai nha đến dọn sạch của cải vật chất trong nhà người đó.

Loading

Scroll To TOP