Headlines

CTBCTY Tập IV chương 42

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập IV (Huy Văn Trương)

Chương XLII
Bà già đi biển

Những ngày thường trong tuần, vì phải đạp xích lô ca đêm cho nên tôi ngủ đến 10 giờ sáng mới thức dậy. Đang ngon giấc tôi chợt nghe tiếng dộng cửa ầm ầm. Sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, khi nghe tiếng đập cửa mấy ai mà không sợ, tôi lật đật chạy ra, trong lúc tiếng đập cửa mỗi lúc nghe một gấp rút hơn.

-Anh Quân có nhà không? Vinh máy nổ đây.

Khi nghe giọng nói của Vinh, tim tôi mới đập bình thường trở lại. Tôi la to.

-Đang tới đây, có gì mà gấp quá vậy anh bạn.

Khi cánh cửa vừa hé mở, Vinh máy nổ đã lẹ làng nghiêng mình luồn vô nhà, kéo theo một gã đàn ông. Nhìn hắn ta tôi sửng sờ chết lặng, đưa tay giụi mắt, không tin vào đôi mắt của mình trong khi toàn thân rúng động. Cuối cùng tôi la to với tất cả sự sung sướng tràn ngập trong lòng.

-Long công tử, có thật là mày không? Mấy năm trước chia tay với mày trong tù, tao tưởng tụi mình sẽ vĩnh viễn xa nhau. Nào ngờ hôm nay lại thêm một lần nữa hai đứa mình lại gặp gỡ, tạo hóa quả thật là kỳ diệu.

Với nụ cười đầy vui sướng hiện ra trên mặt, Long công tử ôm chầm lấy tôi, hai tay siết chặt.

-Mẹ nó, sáng nay đang ngồi uống cà phê ở chợ trời Nguyễn Thông với Vinh máy nổ, nghe nó kể chuyện về một gia đình có ba người xin đi vượt biên với điều kiện qua Mỹ sẽ trả tiền sau. Tên của hắn là Nguyễn trọng Quân trung úy Trường Võ Bị Đà Lạt. Vừa nghe tới đó tao giật thót cả người và tin chắc là mày.

Chưa hết vui mừng tôi lắp bắp hỏi.

-Tại sao mày dám quả quyết như vậy?

Long công tử với giọng đầy tự tin.

-Cái tên của mày hơi khác lạ, rất khó trùng, hơn nữa lại phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt, thì còn ai vào đây nữa.

Đến lúc này Vinh máy nổ mới nói với tôi.

-Thì ra hai người là bạn thân, hèn gì khi mới nghe tôi nói đến tên Nguyễn trọng Quân, ông Dậu bỗng như bị điện giựt, hấp ta hấp tấp giục tôi chạy xe đến đây gấp. Trên đường đi tôi phóng xe như mới ăn cướp nhà băng ra, vậy mà ông Dậu cứ la là sao chậm quá vậy.

Long công tử nói mà như nhắc nhở Vinh máy nổ.

-Bây giờ anh về lo việc máy móc đi, tôi có vài chuyện phải nói với thằng này. Tối nay tôi sẽ gặp lại anh, mình cần giải quyết những khó khăn đang gặp phải.

Đợi cho Vinh máy nổ đã đi xa, Long công tử mới hỏi tôi.

-Vợ con mày đâu rồi? Tao muốn thăm, muốn nhìn tận mắt vợ mày, người đàn bà tuyệt vời đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh giúp tụi mình vượt qua những ngày đói rách, tuyệt vọng trong trại tù cải tạo.

Tôi nhìn Long công tử.

-Trông mày bây giờ đen đúa, chai lì cứ như là một tay giang hồ hảo hán thứ thiệt. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vẫn còn nét hào hoa nho nhã của ngày xưa.

Long công tử cười.

-Mày đừng có đánh trống lảng, đưa tao đi thăm vợ con mày ngay đi.

Tôi càu nhàu với Long công tử.

-Tao vừa thức dậy, cho tao vài phút đánh răng rửa mặt.

Long công tử vừa mồi điếu thuốc vừa nói.

-Lẹ lẹ lên.

-Mày làm gì mà hối như chạy giặc vậy? Vợ con tao đang ở ngoài đầu hẻm chứ có xa xôi gì đâu. Cho tao năm phút thôi.

Miệng thì nói tay chụp cái bàn chải, đánh răng qua loa cho có, sau đó mới thong thả, thoải mái trút cái bầu tâm sự đã mang nặng suốt đêm qua. Xong xuôi mọi việc, trong người nhẹ nhàng, tôi cùng Long công tử thả bộ dọc theo con hẻm ra đầu đường. Vừa đi tôi vừa hỏi Long công tử.

-Nói cho tao biết, mày trốn trại như thế nào? Bây giờ sống ra sao? Cha mẹ vợ con ở đâu? Có định vượt biên hay không?

Im lặng một lúc thật lâu, Long công tử chửi thề.

-Mẹ nó, mày tưởng tao có ba đầu sáu tay chắc, làm sao tao có thể trả lời một lúc ba, bốn câu hỏi của mày. Hỏi từ từ từng câu một đi.

-Tao nóng lòng quá, muốn biết mọi chuyện xảy ra như thế nào với mày, chắc cũng hơn ba năm rồi, kể từ lúc tao với mày xa nhau cho đến giờ. Thôi thì mày kể chuyện trốn trại trước đi.

Long công tử tươi cười.

-Chuyện tao trốn trại thì có gì đâu mà nói, vì không một chút khó khăn, nguy hiểm. Hồi còn ở trong trại tù, mỗi lần đi lao động bên ngoài là tao dành nhiều thì giờ dò xét mấy thằng lính canh, tìm hiểu thói quen của tụi nó, quan sát thật kỹ mọi địa hình nơi mình lao động. Sau vài tháng, khi đã biết rõ mọi sự việc, một buổi trưa nọ thừa lúc mọi người lo ăn trưa, cải thiện linh tinh, mấy thằng lính gác nằm nghỉ dưới gốc cây khá xa, tầm quan sát hạn hẹp, tao biến vô khu rừng đầy cỏ cây rậm rạp, thay bộ đồ tương đối còn sạch sẽ của mày cho, rồi chuồn thẳng ra quốc lộ, đón xe ôm dông lẹ. Chạy càng xa trại tù bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Long công tử chợt ngưng kể, hắn vỗ vai tôi.

-Nhờ một trăm đồng tiền mới của mày cho, giá trị của nó khá lớn vào thời bấy giờ, dư sức cho tao xoay xở, trốn tránh qua các trạm kiểm soát của công an để về đến Sài Gòn.

Thấy đã gần chỗ Cúc ngồi bán hàng, tôi ngắt lời Long công tử.

-Hôm nay tao sẽ đãi mày một chầu ăn sáng thật đặc biệt, ngon nhất vùng Tân Định này.

Long công tử nói.

-Giữa thời buổi đói rách đến xanh mặt, ăn thứ gì mà không ngon.

Tôi hỏi Long.

-Mày có ăn bánh căn bao giờ chưa?

Long công tử nhíu mày như đang suy nghĩ.

-Có một lần, nó chẳng ra cái con mẹ gì hết, nướng cục bột gạo lên nhai, cũng giống như là ăn bánh căn, có gì khác nhau đâu mà ngon với dở.

Tôi cự với Long.

-Đó là chuyện hồi xưa, lúc mày còn là Long công tử, lái xe hơi thể thao, ăn trưa ở Hoàng Gia, chiều đến ghé nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ Lớn ăn tối. Còn bây giờ cả nước đói rả họng, khoai lang không có mà ăn, củ mì không có mà độn, mày thử ăn bánh căn làm bằng bột gạo nguyên chất, sẽ biết đời là gì ngay. Nó ngon không thua gì thức ăn ở nhà hàng Thanh Bạch, nơi tụi mình ăn tối ngày xưa.

Đến gần đầu con hẻm, quanh lò bánh căn của Cúc chỉ có ba đứa nhỏ khoảng chừng năm, sáu tuổi đang ngồi ăn. Tôi và Long công tử ngồi xuống trên hai cái đòn nhỏ, bên cạnh mấy đứa bé.

Tôi nói với Cúc.

-Cho ông khách này bốn cặp, giới thiệu với em đây là Long công tử, bạn tù mà anh đã kể cho em nghe nhiều lần.

Quay nhìn Long, tôi nói.

-Còn đây là Cúc, vợ tao.

Long công tử bất chợt nổi giận, hắn cau mày.

-Mày cũng vừa phải thôi, tại sao mày không nói cho tao biết sớm hơn là vợ mày đang bán bánh căn ở đây.

Dứt lời hắn quay sang Cúc.

-Xin lỗi chị, cái thằng Quân này hơi hồ đồ khiến tôi quá bất ngờ. Hôm nay tôi định đến gặp Quân, sau đó là thăm chị và cháu, trong cùng tận đáy lòng, tôi muốn nói một lời cảm ơn muộn màng với chị. Tôi còn sống cho đến ngày hôm nay, là nhờ sự chăm sóc hết lòng của thằng Quân bắp cải này. Khi còn ở trong tù, nhờ vào thực phẩm thăm nuôi và số tiền chị gởi cho Quân, có bao nhiêu hầu như nó đem chia đôi cho hai đứa. Nhờ vào số tiền đó mà khi trốn thoát khỏi trại tù, tôi đi về đến Sài Gòn một cách dễ dàng. Hôm nay lần đầu tiên gặp chị, gặp người ơn, tôi thật sự xúc động khó nói nên lời. Chị và Quân bắp cải là hai người mà tôi vẫn thường nhắc đến, khi kể chuyện cho vợ tôi nghe về những ngày tháng tôi bị đày ải trong tù.

Cúc nhìn Long công tử.

-Anh Long à, tiền bạc có đó rồi mất đó, chỉ tình thương yêu, quý mến, giúp đỡ lẫn nhau, tình nghĩa đó mới còn mãi với thời gian. Em có nghe nói, anh là bạn thân của chồng em cả chục năm về trước, lúc hai người còn là Sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Từ giờ anh cứ gọi em là em, em nhỏ tuổi hơn anh nhiều mà.

Long công tử giải thích.

-Văn hóa Việt Nam, tôi phải gọi vợ của bạn là chị, chữ chị ở đây không có nghĩa là bà chị mà nó mang ý kính trọng.

Cúc tươi cười, đưa một cái dĩa có mấy cái bánh căn tới trước mặt Long.

-Cảm ơn anh, mời anh ăn bánh đi, để nguội mất ngon.

Đến lúc này tôi mới chen vô.

-Không biết tao đã nói cho mày nghe chưa, ba vợ của tao là ông Nguyễn văn Bảy, trùm nhà cửa ở Sài Gòn, vợ tao là con gái của ổng, con một.

Long công tử nói nhỏ.

-Tao có nghe danh ông ấy, biết đến ổng như là một triệu phú tiền muôn bạc vạn của Sài Gòn. Vì vậy tao hơi thắc mắc là tại sao mà vợ chồng mày phải trôi giạt đến con hẻm này, sống trong cảnh thanh bần, nói đúng hơn là phải sống nghèo đói như vậy.

Tôi chỉ tay về phía Cúc.

-Mày hỏi vợ tao thì rõ hơn.

Cúc, tay xúc cái bánh bỏ ra dĩa, miệng kể với Long công tử, kể rõ đầu đuôi ngọn ngành.

-Ngày một tháng năm, năm bảy lăm, khi vợ chồng tôi bị đuổi ra khỏi nhà, ngủ vỉa hè rồi đi về Đà Lạt trên chiếc xe chở rau, anh Quân đi học tập hơn một năm, được thả về với gia đình. Sau đó trong lần đánh tư sản hai hay ba gì đó, bao nhiêu tiền bạc của cải của tôi bị cái lũ đầu trâu mặt ngựa cướp sạch sẽ, vơ vét không chừa một chút gì.

Cúc nói với nét mặt buồn buồn.

-Anh cũng hiểu giùm cho tôi, vì quá uất ức mà không biết phải kêu với ai, nên tôi dùng chữ có hơi nặng nề để chỉ bọn người nhân danh là giải phóng, mà thực chất thì chẳng khác gì bọn cướp cạn.

Long công tử lên tiếng.

-Tại chị hiền quá nên mới nói như vậy. Gặp phải tay tôi, nếu có kẹo đồng tôi tặng cho tụi nó mỗi đứa vài chục viên mới hả dạ.

Vừa nói xong Long công tử lại chắt lưỡi than.

-Người ngoài cuộc thì nói vậy, chứ thực ra nếu lâm vào hoàn cảnh của chị, tôi cũng phải đành thúc thủ mà thôi. Nói đâu xa, hồi còn ở trong trại tù cải tạo Cà Tót, tôi bị sốt rét, bị bỏ đói đến gần chết, cũng đành bó tay chứ làm gì được. Hôm nay hoàn cảnh của chị và Quân tuy có bi đát, nhưng vẫn còn may mắn hơn tôi nhiều. Năm bảy mươi sáu, tôi trốn khỏi trại tù Sông Mao về Sài Gòn, sống mà phải giấu kín lý lịch, luồn lách tránh né những đợt càn quét của công an Việt Cộng, vừa kín đáo dò la tin tức cha mẹ và vợ con. Suốt mấy tháng trời tìm kiếm, tôi mới biết được những chuyện kinh khủng đã xảy ra cho gia đình tôi. Mấy cái biệt thự của ba tôi đã bị Việt Cộng tịch thu, cái thì làm cửa hàng mậu dịch quốc doanh, cái dùng nuôi heo, cái làm ty ngoại thương. Nguyên một cái kho hàng bên Khánh Hội của ba tôi, chứa toàn là động cơ nổ dùng cho nông và ngư nghiệp, vừa mới nhập cảng về đầu năm bảy lăm, bị Việt Cộng đánh tư sản mại bản đợt một, họ chở đi sạch sẽ. Sau đó họ cho ba má của tôi ở trong một cái chòi, ngay góc sân căn biệt thự mà ba má tôi đang ở.

Cúc nhăn mặt hỏi Long công tử.

-Một cái chòi? Như vậy mà ba má của anh sống được sao?

Long công tử cười.

-Tháng tư năm bảy mươi lăm, chị và thằng Quân bắp cải bị đuổi khỏi nhà, từng ngủ vĩa hè, ba má tôi được cho sống trong cái chòi kể cũng là khá rồi. Chị hãy từ từ, tôi sẽ kể tiếp cho chị nghe. Sau đợt đánh tư sản mại bản, ba tôi buồn rầu sanh bịnh rồi mất, mẹ tôi vì có sẵn bịnh từ trước, lại không có người chăm sóc nên cũng chết theo ba tôi. Đó là theo lời kể của bà bán nước mía ở góc đường gần nhà tôi ngày xưa. Nhờ có có cơ hội bằng vàng đưa đến giúp mình tìm hiểu về gia đình, tôi làm như vô tình hỏi bà ta “Dì có biết xác của họ được chôn ở đâu không?” Bà bán nước mía trả lời “Dưới cái chế độ này, người ta chỉ cần cướp lấy tài sản của người giàu, còn ai chết, chôn ở đâu không phải là chuyện họ phải lo”. Tôi hỏi tiếp “Còn con cháu thì sao?” Bà bán nước mía trả lời “Nghe nói có cô con dâu, thì đã dẫn con lên Ban mê Thuột tìm mẹ ruột thất lạc ở trên đó. Mà cậu hỏi gì mà kỹ quá vậy?” Nói xong bà bán nước mía nhìn tôi chăm chú “Tội nghiệp, ông bà ấy có một người con đi lính Ngụy mang lon trung úy, biệt tích từ tháng tư năm bảy lăm. Ông trung úy đó có phải là cậu không?” Có tật giật mình, hồn vía lên mây, tôi kêu thêm một ly nước mía rồi nói với bà ta “Nếu là trung úy Ngụy, giờ này tôi đang ở trong tù cải tạo nơi rừng sâu núi thẳm, làm gì có thể ngồi đây uống nước mía, nghe dì nói chuyện.”

Cúc hỏi với giọng đầy lo âu.

-Không giấy tờ làm sao anh sống ở Sài Gòn, trong lúc bọn công an ngày càng nhiều, càng kiểm soát gắt gao hơn.

Long công tử với giọng nói đều đều.

-Ban ngày tôi lang thang ở chợ trời Nguyễn Thông, chợ trời là nơi xô bồ phức tạp, đủ mọi thành phần trong xã hội, đa phần là Ngụy nên họ thường hay giúp đỡ lẫn nhau, trong khi công an chỉ lo tịch thu tang vật để kiếm lợi, không để ý gì đến chuyện khác. Ban đêm tôi mò đến Trường đua Phú Thọ, nơi có mấy cái ống cống đúc bằng bê tông thời Việt Nam Cộng Hòa còn bỏ lại, chun vô ngủ.

Cúc hỏi Long công tử.

-Vợ con của anh đang ở đâu? Anh có tin tức gì về họ không?

-Tôi lúc đó như một người mù, ngay cả mồ mả của cha mẹ ở đâu, tôi cũng không biết, thì làm sao tôi biết vợ con ở đâu. Hỏi ai bây giờ? Sau cả năm sống chui rúc trong ống cống, gầm cầu xó chợ ở Sài Gòn, nhờ có năm trăm đô la mà Quân cho, khi túng đói tôi đổi một trăm đô thành vàng, đô la lúc đó có giá trị cao nhờ những người vượt biên muốn có tiền đô giấu đem theo. Một trăm đô đổi được năm chỉ vàng, có khi được sáu chỉ, vì vàng trong dân chúng còn có nhiều nhưng đô la thì hiếm, và cũng tùy người mua cần gấp hay không. Thị trường vàng và đô la tùy thuộc vào nhu cầu của người vượt biên, chứ không căn cứ nhiều vào thị trường của vàng và đô la trên thế giới. Nhờ những tờ đô la Quân bắp cải cho, tôi sống tương đối dễ dàng. Sau đó cũng nhờ môi giới ở chợ trời, tôi lo lót cho công an mua giấy tờ, thay tên đổi họ, rồi xin được một chân gác kho cho một hợp tác xã. Nói là xin chứ thật ra tôi phải mua cái chỗ làm này hết hai chỉ vàng. Đó là một số tiền lớn nhưng với tôi thì lại quá rẻ vì tôi sẽ có công ăn việc làm hợp pháp, và điều quan trọng nhất là có chỗ ngủ ban đêm. Coi kho thì đương nhiên phải ngủ trong kho rồi. Giã từ đời sống lang thang đây đó tối đến phải ngủ trong ống cống, tôi có cuộc sống công khai hợp pháp, không còn sợ công an xét hỏi. Nhờ có giấy tờ nghề nghiệp đàng hoàng tôi đi làm chứng minh nhân dân, có chụp hình lăn tay đầy đủ. Tôi bây giờ là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chết tiệt. Cái tên Long công tử, trung úy Lực Lượng Đặc Biệt, tù cải tạo trốn trại được tôi khai tử từ lúc ấy.

Cúc thắc mắc hỏi.

-Anh không sợ công an phát hiện ra, anh là sĩ quan Ngụy hay sao?

-Chị khỏi lo, lúc tôi ở tù bộ máy hành chánh của Việt Cộng còn thiếu sót nhiều, nói đúng hơn là họ không có đủ phương tiện để kiểm soát, chỉ căn cứ vào lời khai của sĩ quan Ngụy, không chụp hình không dấu tay, làm sao mà truy xét.

Móc trong túi tấm thẻ chứng minh nhân dân, Long công tử đưa cho Cúc coi rồi nói.

-Đây là lá bùa hộ mạng hợp pháp của tôi. Tôi có tên mới là Phan văn Dậu, dựa theo năm sinh của tôi. Một cái tên nghe đậm chất quê mùa, dân dã, bởi vì tôi đang đóng vai một anh nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long mà.

Đang nói chuyện Long công tử im bặt, khi thấy hai người khách ngồi xuống ăn bánh.

Một trong hai người nói.

-Cho tôi tám cặp, nhiều mỡ hành.

Mấy đứa nhỏ cũng vừa ăn xong, trả tiền cho Cúc rồi dẫn nhau đi.

Nhìn theo lũ nhỏ, Cúc nói với hai người khách mà như là giải thích.

-Ba đứa nhỏ chỉ có một đồng đủ mua bốn cặp bánh. Khi tụi nhỏ ăn xong, nhìn đôi mắt với cái miệng của tụi nó thấy vẫn còn muốn ăn thêm, thương quá tôi cho thêm ba đứa bốn cặp nữa, tổng cộng là tám cặp tất cả.

Hai người khách cười đùa.

-Hai đứa tui ăn tám cặp, vậy thì chút nữa cũng chỉ trả một đồng thôi. Phải không?

-Dạ không, tám cặp phải trả hai đồng, một đồng thì không đủ tiền mua gạo.

Long công tử đứng lên, nói với Cúc.

-Tôi và Quân ngồi ở quán cà phê bên kia đường, lát nữa chị muốn mua gạo với giá rẻ không? Qua gặp tôi bên quán đó.

Trên đường đi đến quán cà phê, tôi hỏi Long công tử.

-Mày đi buôn gạo hồi nào vậy?

Long công tử cười sặc sụa, hắn cười mà nước mắt muốn trào ra.

-Mày đi lính cũng được bảy năm, học hành cũng tạm được, tù cải tạo cũng từng trải qua, vậy mà cho tới giờ đôi khi mày vẫn còn ngây ngô, ngớ nga ngớ ngẩn. Tội nghiệp cho sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thấy người lạ tao không muốn nói chuyện, nên ngầm báo cho vợ mày biết là tụi mình đi uống cà phê gần đây thôi, chớ có buôn gạo bán cơm gì đâu.

Quán vắng khách tôi và Long chọn một cái bàn nơi góc, loại quán cóc như thế này gần đây xuất hiện khá nhiều ở Sài Gòn.

Long công tử hỏi tôi.

-Mấy giờ vợ mày nghỉ bán?

-Hết bột sẽ nghỉ, thường thì vào khoảng mười một giờ trưa.

-Tao có một chuyện rất quan trọng, cần bàn với vợ chồng mày. Trưa nay tao ăn cơm ở nhà mày, rồi nói chuyện luôn được không?

Tôi gật đầu, nói.

-Được quá đi chớ, mày không nói tao cũng bắt mày phải ăn cơm với vợ chồng tao. Mày có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, vợ chồng tao cũng vậy, không có gì phải lo sợ công an hay hàng xóm dòm ngó. Bây giờ nói tiếp cho tao nghe chuyện của mày đi.

Long công tử ngồi dựa lưng vô vách tường, hai tay đan vào nhau rồi vòng ra sau đầu.

-Khoảng hơn một năm trước đây, lúc tao còn làm cái công việc giữ kho, một ngày nọ có một người đàn ông đến gặp tao gợi chuyện, rồi tự giới thiệu mình tên là Hà văn Hòa. Ông này muốn tao bỏ nghề gác kho, về làm việc lái tàu chuyên chở hàng hóa trên sông cho ông. Công việc này không có gì là khó nhọc, lương bổng lại cao hơn gác kho khá nhiều. Quá sức ngạc nhiên tao hỏi ông ta, tại sao lại là tao, một thằng bước chân xuống tàu là say sóng, nói gì đến chuyện lái. Ông ấy nói là cần một người lanh lẹ, tháo vát và nhất là trọng chữ tín. Tao là nhân tuyển thích hợp nhất vì ông ta đã dò xét suốt thời gian tao làm việc coi kho. Không ngờ mình đã bị người ta bí mật theo dõi mà không biết. Có tật giật mình, tao tiếp tục chuyện trò với ông Hòa mà mục đích là dò hỏi, tìm hiểu nguyên nhân đầu đuôi mọi chuyện. Sau đó mới biết được, lý do đơn giản là vì suốt thời gian tao coi kho, của cải vật chất bên trong không mất mát bất cứ một thứ gì cho dù là cây kim sợi chỉ. Từ đó ông Hòa suy ra tao là một thằng có tính tình ngay thẳng, không tham lam. Ông muốn mướn tao, chuyện chỉ có vậy. Biết rõ nguyên nhân, tao vui vẻ nhận công việc mới. Sau vài tháng thực tập, tao thực thụ lái con tàu chạy trên sông, cho đến bây giờ. Chỗ này tao muốn giải thích thêm chút xíu cho mày hiểu, người Việt Nam mình thường dùng chữ, tàu, ghe, thuyền, mà không chịu phân biệt rõ ràng. Tao cũng vậy, dùng chữ tàu để chỉ chiếc ghe tao đang lái.

Tôi hỏi Long công tử.

-Còn vợ con mày ra sao? Đó mới là chuyện tao muốn biết.

-Mày hỏi vợ con tao hả? Từ ngày trốn trại về, sống chui rúc như chuột, cho đến khi chạy được giấy tờ hợp lệ cũng hơn một năm, sau đó lại thêm một năm làm nghề gác kho, rồi chuyển qua lái tàu. Khi mà mọi việc đã ổn định, lúc bấy giờ tao mới đi lên Ban Mê Thuột tìm vợ con. Tao đã vạch sẵn kế hoạch trong đầu, nếu vì một lý do nào đó vợ con tao đã chết hoặc thấy mình không còn chút hy vọng nào, tao sẽ vô rừng tìm phe mình, nếu không gặp nữa, sẵn đó sẽ băng rừng qua Thái Lan luôn. Tính toán là như vậy, nhưng thực ra đó là một chuyến đi tuy có gian nan vất vả, nhưng lại mang đến cho tao một kết quả tuyệt vời.

Long công tử nghỉ một lúc, uống một hớp cà phê, rồi tiếp tục câu chuyện.

-Chuyến đi bắt đầu từ Sài Gòn, khi xe đến Phan Thiết, tao đã nhớ đến mày rồi, nhớ trại tù Sông Mao với cái hàng rào vỉ sắt PSP, không biết mày còn bị nhốt trong đó hay không, hay là đã bị đưa đi trại tù khác rồi. Nhớ để mà nhớ chứ thực ra tao biết mình hoàn toàn bất lực, không làm gì được hết. Mặc dù có giấy tờ đầy đủ nhưng khi xe chạy ngang qua Sông Mao, tao vẫn thấy hồi hộp trong lòng. Nhìn về bên trái của quốc lộ nơi có trại tù, tao cầu mong cho mày được mạnh khỏe, không tật bệnh, sống để chờ ngày về với vợ con.

Long công tử với chút ngập ngừng ra mặt, hỏi tôi.

-Ngày đó khi tao trốn trại, mày có bị tụi Việt Cộng điều tra hay đánh đập gì không?

Tôi cười thoải mái.

-Tụi nó dẫn độ tao lên ban chỉ huy trại để làm việc, điều tra về mày, rồi dần cho tao một trận nên thân, ê ẩm cả người.

Sẵn trớn tôi kể cho Long công tử nghe chuyện khi bị đánh, tôi khai gian có ông cậu là Bí thư tỉnh ủy của tỉnh Lâm Đồng. Nhờ vậy mà mấy tháng sau đó, tôi được phóng thích.

Trợn tròn đôi mắt biểu lộ sự ngạc nhiên tột cùng, Long công tử lắc đầu.

-Không thể có chuyện như vậy xảy ra được, đâu phải cứ khai có thân nhân theo Việt Cộng là được cho về sớm, tao ngờ rằng còn có chuyện gì khúc mắt, lẫn khuất bên trong. Khi thả một thằng tù, tụi Việt Cộng phải điều tra cho người về địa phương xác nhận, tìm hiểu.

Tôi đồng ý với Long công tử.

-Mày nói đúng.

Sau đó tôi kể tiếp tất cả những tình tiết chi ly nhỏ nhặt, trong việc tôi được phóng thích.

Nghe xong, Long công tử với vẻ thoải mái.

-Phải như vậy mới được.

Tôi uống một ngụm cà phê có màu nâu đen, không mùi không vị.

-Chuyện của tao mày đã biết rồi, nói cho tao biết mày đi Ban Mê Thuột tìm vợ con như thế nào?

Long công tử đưa tay gãi đầu.

-Có nhiều chuyện muốn nói quá, nên đầu đuôi lẫn lộn. À…như thế này. Đến Phan Rang tao ngủ lại một đêm ở đó, sáng hôm sau lên đường đi Nha Trang, sau đó là Dục Mỹ, đèo Phượng Hoàng rồi Khánh Dương, toàn là những địa danh của một cuộc chiến bi hùng, một cuộc rút quân bi thảm. Nhìn cảnh cũ, nhớ chuyện xưa mà buồn đến đứt ruột, cuối cùng tao đến Ban Mê Thuột vào một buổi chiều mưa bay giăng mắc khắp phố phường. Ban Mê Thuột một thời của gió bụi mưa mùa, buồn muôn thuở, đang chìm trong hoang lạnh cô đơn, lạnh như tâm hồn tao lúc bấy giờ. Tao mò đến nhà của má vợ tao, chỉ còn thấy một căn nhà xiêu vẹo đổ nát, không cửa, không mái và dĩ nhiên không có một ai ở bên trong. Dò hỏi những người sống quanh đó, tao biết được cả gia đình gồm có vợ con của tao và má vợ, đã bị đưa đi khai khẩn đất hoang đâu tận Ban Dong, gần biên giới Việt Miên.

Tôi góp ý mà như muốn chia sẻ khó khăn với Long công tử.

-Ngày xưa Tần Thủy Hoàng xây Vạn lý trường thành, có điển tích nàng Mạnh Khương vạn lý tầm phu. Ngày nay mày đi tìm vợ coi bộ cũng gian nan không khác gì mấy.

Long công tử nói.

-Có khác mà mày không để ý, cả trăm ngàn sĩ quan Ngụy cùng với công chức, cảnh sát, bị lùa vô trại cải tạo không có ngày về. Dân chúng thì, người giàu bị gắn cho cái nhãn tư sản mại bản, bị tịch thu gia sản, đày đi vùng kinh tế mới. Người nghèo bị bịnh hoạn như má vợ tao thì bị đưa đi đến những vùng rừng sâu nước độc gọi là khai khẩn đất hoang. Như vậy những căn nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi ở thành phố không lẽ bỏ hoang, không nói chắc mày cũng thừa biết chủ nhân mới của những căn nhà đó là ai rồi. Cá nhân tao nếu không trốn trại, vẫn còn ở trong tù thì ai sẽ là người lo cho vợ con tao? Cả trăm ngàn người tù cải tạo, vợ con của họ đều chịu cảnh khổ đau nghiệt ngã, nhiều trường hợp còn cay đắng gấp ngàn lần mà vợ tao phải chịu. Ngày xưa chỉ có một nàng Mạnh Khương tìm chồng, ngày nay một trăm ngàn vợ tù cải tạo, lặn lội tìm chồng đâu tận Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phú… khác nhau là ở chỗ đó.

Long công tử hớp một ngụm cà phê rồi nói tiếp.

-Đêm đó khi trời đã tối mịt, tao đi đến bến xe gần cây số ba, trình giấy tờ cho công an đàng hoàng, xin ngủ ở trạm bán vé xe đò.

Tôi hỏi Long công tử.

-Tại sao mày không thuê phòng trọ? Bộ không có tiền hay sao?

-Lỡ đóng vai một ông gác kho nghèo nàn, một thằng lái tàu mướn thì phải diễn cho trọn vẹn vai trò. Hơn nữa ngủ bờ ngủ bụi, ngủ ống cống cả năm trường tao còn chưa sợ, thì sá gì dăm ba tuần lễ lang thang vạn lý tầm thê. Sáng hôm sau tao đi Ban Dong, suốt mấy ngày ở đó lặn lội khắp rừng sâu núi thẳm, dò hỏi tin tức của Hà và con. Hoàn toàn bặt âm vô tín, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm. Còn tin tức quân phục quốc của phe mình cũng hoàn toàn mù mịt trong mây. Tao trở lại Ban Mê Thuột, đêm nằm thao thức nhớ vợ thương con mà lòng đau quằn quặn. Không chịu đầu hàng nghịch cảnh, tao lại dò tìm ở khu vực chung quanh đồn điền của ba tao.

Long công tử bất ngờ hỏi tôi.

-Mày có biết tại sao tao không dám công khai đến đồn điền, để hỏi thăm tin tức của vợ tao không? Bởi vì hầu hết công nhân ở đồn điền đều biết tên, biết mặt tao trong khi giấy tờ tao mang trên người đều có tên là Phan văn Dậu. Nếu để bại lộ thân thế, tao sẽ bị tù rục xương, cũng có thể bị Việt Cộng cho dựa cột như chơi. Sau một tuần giấu mặt, khổ công dò hỏi, tao biết được một chi tiết khá quan trọng, vợ con tao đang ở nhà ông cậu vợ, căn nhà tranh vách đất ở gần cây cầu Mười bốn trên dòng sông Serepok. Hồi còn ở trại tù Sông Mao, tao có kể cho mày nghe chuyện tao và vợ tao đi câu cá ở đó. Mày còn nhớ không?

Tôi lẹ làng trả lời.

-Nhớ quá đi chớ, nhớ luôn lúc đó mày còn đang gù vợ mày mà.

Long công tử khen.

-Mày có trí nhớ khá tốt, viết hồi ký được đó. Sau bao ngày gian lao khổ nhọc tìm kiếm, cuối cùng tao tin rằng mình đã thấy được tia sáng cuối đường hầm. Từ Ban Mê Thuột quá giang một chiếc xe bò chở khoai mì, tao xuống xe bên kia cầu Mười bốn trong một buổi chiều mây xám đầy trời, mưa bụi bay lất phất như muốn che lấp cả con sông Serepok đỏ màu phù sa. Rảo bước qua khoảng rừng thưa đầy cỏ dại, tao đến được căn nhà khi trời nhá nhem tối. Hình dáng của căn nhà vẫn vậy, vẫn giống như hơn mười năm về trước, khi tao và Hà ghé qua. Chỉ có một điều là mái tranh đã mục nát, vách đất nhiều chỗ bị mưa gió bào mòn lòi cả thân tre bên trong. Đứng tần ngần trước cửa, giũ những hạt mưa bụi lành lạnh bám vào tóc, vào quần áo, sau một lúc chần chờ, tao quyết định đẩy nhẹ cánh cửa tre chỉ khép hờ, rồi bước vào nhà. Phải mất một, hai phút, mắt của tao mới quen dần với cái tăm tối của căn nhà. Đảo mắt một vòng, nơi góc nhà bên bếp lửa, một người đàn bà và đứa nhỏ đang ngồi sưởi ấm, trên bếp nồi nước đang sôi, phát ra những tiếng kêu sùng sục. Người đàn bà hỏi “Ông tìm ai?”. Giọng nói của bà ta nghe thật êm đềm đầy thân quen, tao mạnh dạn đi đến gần hơn. Dưới ánh lửa bập bùng lúc mờ lúc tỏ, vợ tao với gương mặt già đi trông thấy, nhưng đôi mắt thì vẫn trong sáng như thủa nào. Đưa tay vuốt những giọt nước mưa còn đọng lại trên mặt, mà tao cứ tưởng như mình đang lau những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc. “Em không nhận ra anh hay sao? Anh là Long đây mà.” Nói xong tao cứ yên chí rằng vợ tao sẽ rất vui mừng, ôm lấy chồng với đôi mắt sung sướng nơi gương mặt mà tao hằng đêm nhung nhớ.

Long công tử ngưng kể chuyện, hắn thong thả mồi một điếu thuốc nhả khói bay mù trời, rồi mới tiếp tục.

-Trái với sự suy nghĩ của tao, đôi mắt của vợ tao bỗng trở nên hoảng sợ, hai tay run lẩy bẩy chống xuống đất, đạp hai chân lùi cả thân hình về phía sau, miệng lắp bắp “Anh sống khôn thác thiêng, đừng có cho em thấy anh như vậy. em hứa tối nay sẽ nấu chén cơm để cúng anh”. Nghe vợ nói tao giật mình chợt tỉnh, hiểu rõ tâm trạng của vợ, tao nói to “Anh là Long còn sống sờ sờ ra đây, có chết đâu sao em lại nói như vậy”. Đưa tay giụi mắt, rồi lại giụi mắt, im lặng một hồi lâu, Hà ngập ngừng ấp úng “Anh còn sống…Còn sống phải không?” Tao gật đầu mà lòng ngập tràn hạnh phúc rồi nói với Hà “Anh vẫn còn sống, đang ở bên em đây nè”. Lúc bấy giờ Hà mới đứng lên nhào tới, ôm chặt lấy tao rồi khóc như mưa, tiếng khóc nghe chừng như đầy ắp yêu thương nhung nhớ. Thằng con trai của tao lúc bấy giờ cũng đã mười một tuổi rồi, ốm như cây sậy, đen như củ súng đu lấy vai của tao miệng mếu máo “Vậy mà má nói với con ba mất rồi”. Đưa tay chỉ lên miếng vải đen to bằng đầu ngón tay may nơi ngực áo “Má bắt con để tang cho ba, cả má cũng để tang nữa”. Tao hỏi vợ “Tại sao em biết anh đã chết mà để tang”. Nước mắt Hà vẫn lưng tròng “Có một ông lính Biệt Động Quân trong tiểu đoàn của anh đến nhà báo tin, ông ấy nói có thấy anh và vài chục người lính nữa bị Việt Cộng lùa lên xe Molotova đem đi xử bắn”. Tao nói với Hà “Chuyện như vậy mà em cũng tin được hay sao?” Vợ tao đưa tay giụi mắt “Ngay lúc ấy thì không, nhưng một tháng rồi hai tháng trôi qua, cho đến một năm sau vẫn không nghe được tin tức của anh, không thấy anh trở về, bấy giờ em mới hoàn toàn tin lời người lính nói, tin rằng anh đã chết rồi”. Tao nhìn quanh căn nhà rồi hỏi “Má đâu rồi em”. Nghe tao hỏi, Hà với giọng nói đầy đau khổ “Em nghe cậu nói lại, tháng ba năm bảy mươi lăm khi Việt Cộng tấn công vào Ban Mê Thuột, má theo đoàn người di tản rồi biệt tích luôn, em nghĩ là má đã chết mất xác trong một khu rừng nào đó trên đường trốn chạy. Một người bình thường sức khỏe còn đầy đủ, cũng khó mà vượt đèo lội suối, huống chi má đã già yếu lại bịnh hoạn”. Tao ở lại thành phố Ban Mê Thuột, đợi vợ tao xin giấy phép đi thăm bà con. Một tuần sau, tụi tao về đến Sài Gòn an toàn.

Liếc nhìn cái đồng hồ treo trên tường, tôi nhắc Long công tử.

-Quá mười hai giờ rồi, tụi mình về nhà ăn cơm rồi nói chuyện tiếp.

Long công tử dằn mấy tờ giấy bạc xuống dưới đáy ly, số tiền khá hậu hỷ so với giá hai ly cà phê, tôi cười đùa với hắn.

-Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, Việt Nam Cộng Hòa mất rồi nhưng mày vẫn là mày không có gì thay đổi.

Long công tử nói mà như là than thở.

-“Rằng quen mất nết đi rồi

Khi tôi và Long công tử về đến nhà, Cúc đang lui cui trong bếp nấu cơm.

Long công tử hỏi tôi.

-Con mày đâu?

Bất ngờ nghe Long công tử hỏi, tôi cũng không biết con mình đang ở đâu.

Thấy tôi lúng túng, Cúc đỡ lời.

-Sáng nay chị Hai dẫn con bé đi sở thú chơi rồi, chắc chiều mới về. Sẵn dịp anh Long ở lại ăn cơm với tụi này luôn.

Long công tử tiếp lời Cúc.

-Chị không mời tôi cũng ở lại, vì có chút việc quan trọng phải nói với chị và Quân.

Chỉ một lát sau cơm được dọn lên bàn, một tô canh rau muống nấu với tôm khô thêm vài miếng cà chua đỏ thắm nổi trên mặt, hai lát cá lóc kho tộ. Hình như Cúc đã đoán được Long công tử sẽ ở lại ăn trưa với chúng tôi, nên đã nấu một bữa ăn khá tươm tất. Chúng tôi vừa ăn cơm vừa chuyện trò.

Tôi vui vẻ mở đầu.

-Vợ chồng tao có nhờ Vinh máy nổ, cho tụi tao gặp mặt chủ tàu thương lượng xin ba chỗ trên tàu vượt biên, khi qua đến Mỹ sẽ trả tiền sau, không ngờ đại diện chủ tàu lại là mày.

Long công tử vừa bưng chén cơm lên, chưa kịp ăn hắn lại đặt xuống rồi nói với tôi.

-Có thể nói, tao là đại diện cho chủ tàu cũng được, chuyện hơi dài dòng, nhưng mà tóm lại đầu đuôi là như thế này. Hồi còn ở Tổng trại 8 tù binh Sông Mao, mày đưa cho tao năm trăm đô la, tao nhét vô túi cho mày vui lòng vì tao nghĩ thầm, mày là cái thằng lẩm ca lẩm cẩm. Ở trong tù một hột cơm không có mà ăn, cầm tiền của Việt Cộng, muốn mua tán đường cũng phải trăm cay nghìn đắng mới mua được. Bắt tao ôm một mớ đô la khác nào ôm một đống giấy lộn, đã vậy nếu bị khám xét bất thình lình, lòi ra cái tội tàng trữ tiền của đế quốc Mỹ, chắc chắn nằm thùng sắt mọt gông, không chừng còn bị đem đi xử bắn để làm gương nữa là khác. Trốn thoát trại tù về đến Sài Gòn, khi đã xài đến đồng bạc cuối cùng của Việt Cộng, lúc bấy giờ tao mới thấy được mãnh lực của mấy trăm đô la mà mày đưa cho tao. Chừng đó tiền, nếu đem đổi ra vàng sẽ được khoảng ba cây. Trong lúc người dân cả nước đang sống trong bần cùng khổ cực, chạy ăn từng bữa thì ba cây vàng đúng là một tài sản quý hiếm đối với tao. Chữ quý hiếm được hiểu theo cả hai nghĩa, giá trị vật chất và tình bạn gói ghém ở trong đó. Từ một tay công tử xài tiền không đếm, tao trở thành một người biết coi trọng, trân quý đồng tiền. Trong đời sống hàng ngày tao cố gắng bươn chải, chạy đầu này đắp đầu kia, kiếm chút tiền sống lây lất qua ngày đoạn tháng. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết, chẳng đặng đừng lúc bấy giờ tao mới dùng đến.

Cúc hỏi Long công tử.

-Hiện giờ anh đang làm gì?

Long công tử mau mắn trả lời Cúc.

-Nghề nghiệp của tôi là lái tàu chở hàng trên sông, mà có chuyện gì không chị?

Không trả lời câu hỏi của Long công tử, Cúc hỏi.

-Tàu anh đang lái, có kích thước như thế nào?

-À…bề ngang gần ba thước, chiều dài non mười thước, mũi tàu bầu, tròn, gắn máy Yanmar F10, chỉ dùng để chở hàng di chuyển trên sông. Còn tàu đi biển thì mũi tàu phải nhọn, chiều dài hơn mười bốn mét. Đó là theo lời chủ tàu nói.

Cúc nhắc Long.

-Như vậy, con tàu anh lái, đâu có liên quan gì đến chuyện vượt biên.

Long cười.

-Không mà có đó chị, tất cả mọi người kể cả trạm canh gác của công an dọc theo hai bên bờ sông đều biết rõ, tàu đi trên sông với cái mũi bầu mà ra biển chỉ cần một vài đợt gió lớn, sóng vỗ mạnh, con tàu sẽ bị bể và chìm ngay.

Sau vài tháng, khi tôi đã quen với cuộc sống trên sông rạch. Một hôm ông Hòa là chủ chiếc tàu mà tôi đang lái, gặp riêng tôi tâm sự, hỏi tôi có muốn vượt biên hay không? Tôi cười nói với ông ấy là “Ở Việt Nam cây cột đèn nếu đi được, nó cũng đã đi mất rồi, huống gì là tôi.” Ông Hòa cho biết ông mua chiếc tàu này với mục đích là che mắt thiên hạ, thực tâm là khi có dịp, ổng sẽ dùng nó để vượt biên. Dùng tàu đi trên sông mà vượt biển khác nào đi tự tử, thế nhưng ông Hòa cho rằng người ta quên mất câu nói mà dân đánh cá thuộc nằm lòng “Tháng ba bà già đi biển”. Đó là cái kẽ hở mà con tàu của ông Hòa sẽ chun qua để vượt đại dương. Ông Hòa bàn với tôi lập ra một ban tổ chức gồm có, ông Hòa chủ tàu, tài công là một ngư dân đã có nhiều năm kinh nghiệm đánh cá trên biển, ông này là bạn ông Hòa, thợ máy là Vinh máy nổ, tôi lo việc rước người trên sông, tất cả bốn gia đình của ban tổ chức có con số chính xác là mười lăm người. Chủ tàu sẽ nhận thêm ba gia đình nữa khoảng mười người, số tiền đóng góp của họ sẽ dùng để lo lót cho công an, tân trang máy móc, mua xăng dầu, thực phẩm cho chuyến đi. Nay có thêm ba người của gia đình chị nữa, con số sẽ vào khoảng gần ba mươi người.

Cúc hỏi Long công tử.

-Tụi tôi sẽ phải trả bao nhiêu?

Long công tử cười sảng khoái.

-Chị nghĩ như thế nào mà hỏi tôi như vậy? Bản thân của tôi là do thằng Quân bắp cải cứu sống, nay tôi có bổn phận phải hoàn lại những gì mà tôi đã nợ chị và Quân. Chị không phải tốn một xu trong chuyến đi này. Tôi cũng biết hiện tại chị và thằng bắp cải làm gì có tiền mà đòi đóng với góp. Nếu có tiền chị đã không phải bán bánh căn kiếm sống.

Cúc nói nhỏ với Long công tử.

-Vợ chồng tôi hiện còn một cây, nhờ chị Hai cất giữ.

Long công tử nói với Cúc.

Lượng vàng của chị cứ để chị Hai giữ giùm, trong trường hợp, chuyến đi thất bại, bị công an bắt, chị Hai có sẳn tiền mà lo lót cho công an lãnh chị và Quân ra khỏi tù. Còn nếu thành công coi như chút vàng đó giúp cho chị Hai.

Quay sang nhìn tôi, Long công tử nói.

-Trong chuyến vượt biên, mày phải thay tên đổi họ, dùng giấy tờ giả, đừng bao giờ để lộ cái gốc sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa của mình. Một anh nông dân chân lấm tay bùn ngu ngơ tin tưởng vào Xã Hội Chủ Nghĩa, lúc nào cũng tốt hơn là một tên sĩ quan Ngụy phản động chống đối cách mạng. Tất cả giấy tờ và tên thật của mày và vợ, hãy giao cho chị Hai giữ giùm luôn.

Đang say mê nói, Long công tử vỗ trán, như nhớ ra điều gì đó.

-Còn một điều quan trọng mà tôi quên nói với chị. Đại dương bao la vô tận, nạn hải tặc đang hoành hành tại vịnh Thái Lan, con tàu của mình nhỏ xíu, là tàu đi trên sông chứ không phải tàu đi biển. Chuyến vượt biên sẽ có muôn ngàn hiểm nguy chờ chực, người đời đánh bài bằng tiền, người dân Việt Nam đem tiền của, vàng bạc cộng thêm sinh mạng của họ để vượt biển, tôi đem mạng sống của mình và vợ con đặt vào một canh bạc mà nếu thắng sẽ có được hai chữ tự do. Còn nếu thất bại thì hậu quả là mình phải trả bằng những gì mình đặt xuống chiếu bạc. Hôm nay đã qua tháng chín dương lịch, đầu tháng tư năm tới tàu sẽ ra khơi, không thể chần chừ vì đó là cái tháng định mệnh. Tụi mình còn tới khoảng nửa năm nữa mới lên đường, xin chị và Quân hãy suy nghĩ kỹ, cho tôi biết có muốn tham dự hay không?

Loading

Scroll To TOP