Headlines

CTBCTY Tập III chương 24

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXIV
Địa Phương Quân Fulro

Tôi ngồi đó im lặng nghe Sơn kể chuyện, hắn kể hoài kể mãi vẫn không thấy nó nói gì đến chuyện, tại sao nó có cái biệt danh Sơn Fulro. Nóng lòng, tôi nhắc khéo nó.

-Chắc cuộc sống khổ cực, hành quân liên miên, dãi dầu mưa nắng, da của mày đen sạm nên mày có tên là Sơn Fulro, phải không?

Sơn cười, tiếng cười như mắc nghẹn trong cổ.

-Nếu cứ có làn da đen vì sạm nắng sẽ bị gọi là Fulro, thì lính Việt Nam Cộng Hòa sẽ có hàng trăm ngàn ông lính mang tên Fulro.

Sơn lấy một cái chén, loay hoay lúi húi múc cho tôi một ít lá rừng còn nóng hổi.

-Thử đi mày, nếu không quen sẽ không ăn được đâu, rán tập đi, độn cho nó đầy cái dạ dày lép kẹp, tụi tao sống nhờ nó đó.

Tôi bưng chén lá rừng, khói còn bốc lên nghi ngút, gắp một mớ lá nhai thử. Tôi nhai hoài, nhai muốn trẹo quai hàm giống như mấy con bò nhai lại cỏ, lá rừng dai vì có nhiều xơ, vị của nó nhân nhẫn lại thoang thoảng khai mùi nước tiểu. Người ta thường nói ngậm bồ hòn làm ngọt, tôi đang ở trong trường hợp đó. Phun ra không được sợ buồn lòng bạn, tôi nhắm mắt cố nuốt thật nhanh mấy cọng lá rừng, nếu để chậm chút nữa chắc tôi phải ói ra mất.

Sơn nhìn tôi rồi nói.

-Cứ từ từ mà ăn, vừa ăn vừa nghe tao kể chuyện. Mày muốn biết tại sao tao có tên là Sơn Fulro phải không? Fulro là mấy mẫu tự đầu của năm chữ tiếng Pháp, đại khái nói về phong trào đòi tự trị của những bộ tộc thiểu số ở cao nguyên, và những sắc dân Chăm, Cam Bốt. Tao không muốn dài dòng về nguồn gốc, sự hình thành và quá trình hoạt động chiến đấu của họ. Tao nghĩ mày cũng như dân Miền Nam  đều hiểu rõ về Fulro. Tao chỉ nói đến chuyện có liên quan đến tao. Tháng 2 năm 1969, sau nhiều lần thương thuyết thất bại, lực lượng Fulro đồng ý về hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một buổi lễ long trọng được ký kết giữa lãnh tụ Fulro và Bộ trưởng Sắc tộc Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chứng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo đó với sáu ngàn người trong lực lượng Fulro, trong đó có hơn hai ngàn binh sĩ của họ, sẽ sáp nhập vào lực lượng Địa Phương Quân của mình. Dĩ nhiên họ sẽ được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, như một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng là những binh sĩ Địa Phương Quân Fulro, sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của sĩ quan Fulro chứ không phải sĩ quan Việt Nam.

Tôi nói với Sơn.

-Nếu vậy thì có cũng như không.

Sơn cười.

-Mày nói sai rồi, thêm bạn bớt thù mà, có còn hơn không mới đúng. Bởi vậy cho nên giữa Fulro và tao mới có một mối duyên kỳ ngộ. Vào một buổi trưa nọ, khoảng cuối năm 1969, tao đang ngồi phè cánh nhạn, nhậu lai rai ba sợi với mấy tên đệ tử. Mồi nhậu ê hề, ba con cá lóc to bằng bắp tay vừa mới câu được ở hồ Lăk đem nướng trui, một tô nước mắm với đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường. Nguyên một con gà luộc vàng hườm, mỡ tươm đầy da, đưa cái mỏ nhọn hoắc với đôi mắt đục ngầu nhìn tao. Một anh lính thuộc loại đệ tử ruột của thần lưu linh, hắn trịnh trọng quay cái đít con gà về phía tao rồi nói “Nhất phao câu nhì đầu cánh, ông thầy nhắp một chút rượu đưa cay, xong rồi làm một miếng phao câu, là thấy đời lên hương ngay.” Nói xong hắn từ tốn rót một ly rượu nếp than thơm lừng, đưa cho tao “Mời ông thầy uống trước”.

Sơn ngưng kể chuyện, hắn đứng lên rồi chửi thề.

-Mẹ nó, trong quân đội Miền Nam chuẩn úy Bộ binh là ông quan hạng chót, kinh nghiệm trận mạc thì không có vậy mà lúc nào đụng trận cũng thấy hắn ở hàng đầu, xung phong giết giặc phải chạy trước lính. Nếu có ông chuẩn úy nào miệng hô xung phong mà chạy sau lính, cuộc đời binh nghiệp của hắn ta kể như chấm dứt, bị đặt vô cái thế chẳng đặng đừng, cho nên có chết chuẩn úy cũng đành chết trước luôn. Đánh nhau thì như vậy, về hậu cứ uống rượu đương nhiên phải uống trước lính. Tao mới bưng ly rượu chưa kịp nhắp miếng nào, bất ngờ tên đệ tử thân tín xuất hiện phá bỉnh, báo cho tao biết phải lên trình diện Trung úy Đại đội trưởng ngay lập tức. Tên lính nói mà mặt mày hớt hơ hớt hải như chuyện trời sắp sửa sụp không bằng, miệng hắn lắp bắp “Ông thầy à, hình như ông thầy bị thuyên chuyển đi đơn vị khác”. Tao gắt với tên đệ tử “Bị cái con mẹ gì, ở đây với địa ngục có gì khác nhau đâu, đi khỏi địa ngục thì phải gọi là được mới đúng. Đợi tao uống xong ly rượu đã.” Tuy nói như vậy nhưng tao biết, chuyện gì còn có thể chần chờ được chứ gặp hung thần mà chậm trễ, ổng đì cho sói trán. Tao đặt ly rượu xuống mà như còn tiếc nuối cái gì đó, không có thì giờ suy nghĩ, tao lại bưng ly rượu lên nốc một hơi rồi co giò phóng như bay, quên mẹ nó luôn cái phao câu béo ngậy của con gà.

Tôi đùa với Sơn.

-Trời đánh tránh bữa ăn, mày cứ từ từ cưa vài ly rồi mới đi gặp Đại đội trưởng, không được hay sao?

Sơn chậm rãi nhai mớ lá rừng.

-Ngày đó, tao chưa dám giỡn mặt với sếp. Trung úy Đại đội trưởng với nét mặt nghiêm nghị, giọng nói rõ ràng là đang ban lệnh hành quân “Chuẩn úy lo sắp xếp mọi thứ, đi biệt phái cho một Đại đội Fulro, thời gian là hai tháng. Đi theo ông sẽ có một binh sĩ truyền tin, và một đệ tử lo chuyện ăn uống cho ông. Nhiệm vụ của chuẩn úy là, giúp Đại đội trưởng Đại đội Fulro theo dõi đường đi, chấm tọa độ đóng quân, điểm kích đêm cũng như tác xạ tiên liệu, xin pháo binh yểm trợ khi đụng trận. Bên đó họ cần ông, bởi vì sĩ quan Fulro không quen sử dụng địa bàn và bản đồ. Người Thượng Fulro, có thể đi trong rừng ngày này qua tháng nọ không cần bản đồ và không bao giờ bị lạc, nhưng nếu xin pháo binh yểm trợ mà không rành tọa độ, không giỏi bản đồ, sẽ bị lạc đạn như không.” Trung úy Đại đội Trưởng ngừng một lúc như đợi cho tao hiểu rõ nhiệm vụ, ông nói tiếp “Chuẩn úy có gì thắc mắc không?”. Tao hỏi ông ta “ Trung úy có thể nói cho tôi biết, tại sao lại là tôi phải đi biệt phái, trong khi đại đội của mình còn mấy sĩ quan thâm niên hơn tôi.” Trung úy Đại đội trưởng xuống giọng với tao “Bởi vì chuẩn úy là người giỏi địa bàn và bản đồ nhất, trong mấy ông sĩ quan. Hơn nữa, ông cũng vừa học xong khóa Điều chỉnh tác xạ pháo binh, cử ông đi là phải rồi.Với lại ông cũng nên biết, bồng em thì khỏi xay lúa.” Tao nói với Trung Úy Đại đội trưởng “Đánh nhau với Việt cộng tôi không sợ, vậy mà lại ớn mấy ông kẹ Fulro, mỗi khi không vừa lòng chuyện gì lại nổi loạn, trói cổ mấy thầy trò của tôi lại, đe dọa cắt cổ mổ bụng, để yêu sách với Tiểu khu.” Trung úy Đại đội trưởng an ủi tao, giọng nói yếu xìu như cái lốp xe bị xì hơi, ông nói mà như tiễn đưa tao về miền miên viễn “Chắc không sao đâu, mình cứ sống hết lòng với họ là được rồi.”

Sơn nhấc cái nồi lá rừng để xuống đất, vừa làm hắn vừa nói với tôi.

-Mày biết không, hồi đó chỉ nghĩ đến chuyện phải sống với mấy ông Fulro hai tháng, là tao sợ muốn đái trong quần.

Tôi đặt cái chén lá rừng xuống, rồi nói với Sơn.

-Tao có chút thắc mắc, mày nói với tao có hơn hai ngàn hai trăm binh sĩ Fulro về hợp tác với Việt Nam Cộng Hòa. Mày đi tăng phái cho một đại đội Fulro, vậy còn hơn hai ngàn binh sĩ Fulro nữa, họ ở đâu?

-Chuyện đó tao không biết, tao chỉ nghe nói lại thôi không tận mắt chứng kiến. Khi về hợp tác với mình, lực lượng Fulro được tái tổ chức theo kiểu mẫu của Địa Phương Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ bị chia thành bốn tiểu đoàn, một tiểu đoàn có bốn đại đội. Sau khi gởi đi thụ huấn, Địa Phương Quân Fulro được đưa về các tiểu khu ở cao nguyên Trung phần như Tiểu khu Darlac, Tiểu khu Pleiku, Tiểu khu Kontum, và Tiểu khu Tuyên Đức. Hình như mỗi tiểu khu tiếp nhận một tiểu đoàn Fulro. Khi về tiểu khu, họ bị phân tán mỏng, tùy theo tình hình địa phương mỗi quận nhận một đại đội. Quận Lạc Thiện của tao có một Đại đội Fulro về đó. Và tao lãnh nhiệm vụ đi biệt phái cho họ.

Tôi hỏi Sơn.

-Nếu vậy còn phải có chừng hai chục ông sĩ quan, đi biệt phái cho những Đại đội Fulro khác. Đúng không?

Sơn nhíu mày như cố nhớ lại chuyện xưa.

-Chuyện đó tao chịu thua, chỉ biết trường hợp của tao thôi, chuẩn úy chứ đâu phải chuẩn tướng, làm sao mà tao biết hết mọi chuyện được. Ngay buổi chiều hôm đó, khi mà lá rừng của núi đồi cao nguyên chìm trong hoang lạnh, bầu trời đầy mây xám, tao cùng hai ông đệ tử, mỗi thằng bảy ngày lương khô, ba lô súng đạn đầy đủ dẫn nhau đi biệt phái cho Đại đội Fulro, mà quân số của họ một trăm phần trăm là người Thượng. Cá nhân tao, ngoài khẩu súng ngắn colt 45 đeo xề xệ bên hông, tao thủ thêm cây súng dài M16 và mấy trái lựu đạn M26 cho chắc ăn.

Sơn im lặng một chút, rồi đột ngột hỏi tôi.

-Mày có biết tại sao tao mang hai cây súng không?

-Tại mày sợ quá chứ gì.

Sơn cười.

-Đúng một phần thôi, một phần nữa là do hồi nhỏ tao bị ảnh hưởng phim “Bảy người hiệp sĩ” của Nhật, do tài tử Toshiro Mifune thủ vai chính. Hình ảnh của ông ấy với hai thanh kiếm, một dài một ngắn, giắt ngang hông, đứng một mình trong mưa chuẩn bị đánh một trận sinh tử với lũ giặc cướp. Cái oai phong lẫm liệt của một người sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, bảo vệ dân lành chống lại bọn thổ phỉ, đã khắc sâu vào tâm khảm của tao. Mẹ nó, phim hay đến độ nó báo hại suốt ba ngày kế đó, sáng nào tao cũng ôm cái bụng đói đi học.

Tôi thấy có cái gì đó lấn cấn nên hỏi Sơn.

-Tại sao mày không ăn sáng rồi đi học, bộ mày bị tiêu chảy hả?

Sơn giải thích.

-Không tiêu mà cũng không chảy, ba ngày nhịn ăn sáng, tao để dành được sáu đồng đủ để mua một vé cine, coi lại phim “Bảy người hiệp sĩ” thêm một lần nữa.Và tao đem theo trong đầu ông hiệp sĩ với hai thanh kiếm giắt ngang hông, cho đến khi có cơ hội là tao chơi liền hai cây súng. Mày biết không, mang tâm sự của những người đi biệt phái cho Fulro, giống như tâm sự kẻ sang Tần, tuy không nói ra nhưng tao biết cả ba thầy trò đều lạnh cẳng, cùng có một tâm trạng giống nhau, từ đây giữa chốn gió cát mịt mù, chuyện sống chết rủi may đành phó mặc cho số phận. Đại đội của tao cũng giống như đa số đại đội Địa Phương Quân trên vùng cao nguyên, tệ lắm cũng có phân nửa quân số là người Kinh, đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng, nó giúp mình an tâm, gặp khi nguy khốn còn có chỗ mà dựa. Anh chàng truyền tin coi bộ yếu bóng vía nhất trong bọn, hình như ớn cho cái cảnh cô đơn lạc lõng giữa rừng người Thượng Fulro, bịn rịn không nỡ chia tay với đại đội cho nên cứ “Bước đi một bước, giây giây lại dừng.” Hắn ta nói với tao, giọng nói nghẹn ngào như là muốn khóc “Ông thầy ơi, nếu mà Fulro có giở quẻ, khi ông thầy chạy nhớ dẫn thằng em theo với.” Nhìn anh ta mà lòng đầy thương cảm, tao còn biết nói gì hơn là nhắc lại lời của Trung úy Đại đội trưởng “Chắc không sao đâu.”

Tôi hỏi Sơn Fulro.

-Tại sao mày không đổi anh chàng truyền tin khác, gan dạ hơn?

Sơn nhìn tôi.

-Mày ngon thì tới đó mà đổi.

Nói xong, Sơn Fulro tà tà kể tiếp.

-Tụi tao trình diện ông Đại đội trưởng Fulro, khi ông ta đang ngồi dựa lưng vào một gốc cây rừng. Vừa nhìn thấy ông, bao nhiêu lo âu phiền muộn mang nặng trong lòng vụt tan biến, trước mặt tao một người Thượng mặt mày phương phi, sáng sủa, cặp lông mày rậm đen nằm trên đôi mắt to có màu xanh lờn lợt, da vàng, mũi cao chứ không tẹt như đa số người Thượng. Tay phải của ông đại úy cầm cái kéo bé tí xíu, tay trái với tấm gương soi mặt tròn và nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, ông ta đang ung dung nhàn nhã, tỉa bộ râu mép màu nâu đậm. Ông đại úy bận một bộ đồ rằn ri với ba cái bông mai vàng sáng chói nơi cổ áo, thêm cái tên Y Gul trên túi áo phải. Ở đại đội tác chiến, quân nhân mang lon màu đen, tao không biết tại sao ông đại úy này lại mang lon màu vàng. Từ con người của ông ta toát ra một vẻ thanh thoát, thân thiện, ông niềm nở bắt tay tao rồi nói “Chuẩn úy ngạc nhiên lắm phải không? Tôi lai Tây, đã học hết lớp đệ tứ ở trường trung học Ban Mê Thuột, ba tôi là thư ký đồn điền cao su nhưng ông ta đã về Pháp từ lâu rồi. Dăm ba năm, ông gởi cho mẹ con tôi tí tiền, mà tôi đoán là chút tình còn sót lại khi nhớ đến giọt máu rơi ở Việt Nam”. Sau cái bắt tay thân mật đầy tình người, với giọng nói cởi mở, ông cảm ơn ba đứa tao đã đến đây giúp đỡ ông. Sau đó, ông ra lệnh cho anh lính Fulro chỉ cho tụi tao chỗ nghỉ tạm qua đêm. Anh lính yên lặng dẫn tụi tao đi vòng vo, băng qua nhiều giao thông hào, hầm hố, vọng gác, cuối cùng anh ta dẫn tụi tao vào trong một cái hầm rất kiên cố được xây bằng xi măng, không có người ở, nóc hầm được bao phủ bằng nhiều lớp thân cây rừng mà chu vi của nó khoảng một vòng tay ôm, rồi đến hàng chục lớp bao cát xếp chồng lên nhau. Bên trong căn hầm chỉ có chút ánh sáng mặt trời xuyên qua khung cửa hẹp, làm cho căn phòng chìm trong bóng tối, xòe bàn tay chỉ thấy mờ mờ. Anh lính Fulro chỉ cho tụi tao cái chõng tre ở một góc của căn hầm rồi lặng lẽ bỏ đi. Sau này tao được biết, ngày xưa đây là một trong hàng chục trại nội địa  của Lực Lượng Đặc Biệt, nó nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, khác với trại Lực Lượng Đặc Biệt Biên phòng, khi Lực Lượng này rút đi, họ bàn giao căn cứ lại cho Địa Phương Quân của Tiểu khu Darlac. Tao bật cái đèn pin, quét một vòng quanh tường rồi đưa mắt quan sát khắp nơi.

Sơn ngừng nói, hắn hỏi tôi, câu hỏi không liên quan gì đến chuyện đang kể.

-Mày đã thấy con bọ cạp bao giờ chưa?

Sau một lúc suy nghĩ, tôi trả lời Sơn.

-Cách đây mấy tuần, khi đi làm lao động bên ngoài trại, lúc làm cỏ chung quanh cái hàng rào vỉ sắt PSP tao có thấy một chú bọ cạp nằm trong kẹt đá, đó là lần đầu tiên trong đời tao thấy con bọ cạp.

Sơn cười khoái chí.

-Tao cũng vậy, khi tao chiếu đèn pin lên vách tường căn hầm, một cảm giác lành lạnh rợn người chạy khắp thân mình. Từ nhỏ đến lớn, đó là lần đầu tao thấy bọ cạp, không phải một con mà mấy chục con đang bám đầy trên vách tường xi măng thô nhám. Tất cả đều nằm yên không nhúc nhích, khiến tao có cảm tưởng đó là những con bọ cạp làm bằng nhựa dẻo, mà ai đó đã dán lên vách để trang trí cho vui. Đang miên man suy nghĩ, tao tự hỏi làm sao có thể ngủ với một bức vách đầy bọ cạp như vậy? Tên đệ tử của tao đốt một cây đèn cầy, hắn gắn cây đèn lên đầu cái chõng tre đặt cách vách tường chừng hơn một gang tay rồi nói lớn “Chuẩn úy, ông có thể ngủ trên cái chõng tre này.” Tao nói với tên đệ tử, giọng nói đầy giễu cợt “Tao còn yêu đời không muốn chết vì bị bọ cạp cắn”. Tên đệ tử chỉnh tao “Bọ cạp chích chứ không có cắn, nơi đuôi của nó có một cây kim, khi chích nọc độc từ trong thân con bọ cạp theo cây kim này truyền sang sinh vật mà nó chích. Đám bọ cạp đang bám trên tường, nếu ông thầy không đụng chạm tới nó, thì sẽ không bao giờ bị chích. Tui sẽ kéo cái chõng tre cách xa tường chừng một thước là an toàn.”  Nói xong tên đệ tử cúi người, tay kéo cái chõng miệng nói như để trấn an tinh thần của tao “Ngày mai tui sẽ bắt độ chục con bọ cạp, nướng lên cho ông thầy ăn với cơm.”

Sơn đột ngột vỗ vai tôi.

-Mày nghĩ coi, chắc tên đệ tử tưởng tao là dân của những bộ tộc bán khai bên Phi Châu, cho nên nó đòi nướng bọ cạp cho tao ăn. Tuy bực trong lòng nhưng tao cũng đùa với nó “Tao không thích ăn bọ cạp nướng.” Tên đệ tử vội vàng nói không suy nghĩ “Nếu ông thầy không thích bọ cạp nướng thì tui làm bọ cạp chiên giòn, thứ này nhậu với rượu đế cũng bắt lắm đó ông thầy.” Tới đây thì tao giận thiệt nên nói “Mẹ nó, bọ cạp nướng với chiên, ăn xong để rồi lăn quay ra chết phải không?” Tối hôm đó tao nằm ngủ dưới hầm, bên cạnh bức tường đầy bọ cạp. Trong giấc ngủ chập chờn đầy ác mộng, nửa đêm tao chợt giật mình thức giấc, giữa cái vắng lặng của đêm đen sâu thẳm, tao bật cái quẹt zippo mồi thuốc, ánh lửa vàng vọt bùng cháy soi sáng một góc hầm. Tao nhìn lũ bọ cạp trên vách mà nhớ đến quán cà phê ở thành phố Ban Mê Thuột, quán có cô thu ngân đẹp như tranh vẽ, ngồi mơ màng bên dàn máy Akai M9, với cặp loa 100 watts treo trên tường phát ra những bản nhạc thời trang lãng mạn, ướt át, làm mê mẩn lòng người.

Tôi kéo Sơn ra khỏi cái thế giới đầy mơ mộng của hắn.

-Bọ cạp ăn được đó mày, mấy ngày trước tao thấy một thằng trong tổ của tao, nó chộp được con bọ cạp, nướng lên rồi xơi ngon lành.

Sơn nhìn tôi nói.

-Đồng ý là ăn được nhưng mà…

Hắn nhăn mặt rồi kể tiếp.

-Khi mà mặt trời rọi những tia nắng đầu tiên vô hầm, lúc đó ba thầy trò tụi tao đang bắt đầu ngồi thưởng thức bữa ăn sáng. Hai bịch cơm sấy lớn, một gói mì làm canh, một hộp thịt ba lát thêm ly cà phê đen. Tụi tao phải ăn thật no, nhét cho đầy bụng để có sức mà lội. Vừa dứt buổi ăn sáng, cũng là lúc ông lính Fulro dẫn đường cho tụi tao ngày hôm qua, tới kêu đi họp. Đứng trước hàng quân, tất cả mọi quân nhân đều mặc áo quần rằn ri, nên tao cứ tưởng mình đứng trước một Đại đội Biệt Động Quân. Tao không biết Tiểu khu Darlac lấy áo quần rằn ri ở đâu, để trang bị cho những ông lính Fulro này. Thêm một điều nữa khiến tao thắc mắc là, tao ước chừng có khoảng trên hai chục sĩ quan đủ các cấp từ đại úy xuống đến chuẩn úy, đang đứng trong hàng quân, trên cổ áo của họ là một rừng mai vàng nở rộ cứ như là Tết. Tao nghĩ nhiều đến cấp số sĩ quan đầy đủ của một Tiểu đoàn Biệt Động Quân, cũng chỉ đạt đến chừng đó mà thôi. Sau này tao được biết thêm, sở dĩ có nhiều sĩ quan được đồng hóa cấp bậc trong một Đại đội Địa Phương Quân Fulro, vì đó là điều kiện khi họ về hợp tác với Việt Nam Cộng Hòa, và yêu sách đó đã được chấp thuận. Đại úy Y Gul giới thiệu tao với các sĩ quan và binh sĩ trong đại đội, khi ông ngưng nói, ba đứa tao đã nghiễm nhiên trở thành binh sĩ của Đại đội Fulro.

Mỉm cười nhìn tôi, Sơn nói.

-Tới đây, mày biết tại sao tao có cái tên Sơn Fulro rồi chứ gì?

Tôi gật đầu.

-Bây giờ mới biết.

Sơn Fulro tiếp tục câu chuyện.

-Với người Thượng núi rừng là nhà, hành quân trong rừng giống như chuyện họ đang sống trong nhà. Hai tháng biệt phái, hơn một tháng rưỡi bọn tao hành quân trong rừng sâu núi thẳm, lặn lội trong dãy Trường Sơn âm u hiểm trở, nơi đó những dãy núi xếp nếp tiếp nối nhau tưởng như không bao giờ dứt. Địa bàn hoạt động của Đại đội Fulro, trải dài từ buôn Don, cho đến những dãy núi cao chập chùng chớn chở, vây quanh đỉnh Chư Yang Lăk với độ cao 1650 mét, mà người Thượng gọi là đỉnh núi nhiều mây trắng. Có lần tụi tao đã tốn gần hai ngày mới lên đến đỉnh Chư Yang Lăk, mà mục đích là lục soát vùng đặt súng cối 82 ly của Việt cộng. Mỗi người lính vai ba lô với bảy ngày lương khô, súng M16 với một cấp số đạn, lựu đạn, mìn claymore, thêm bốn bi đông nước, bám theo sườn núi dựng đứng mà leo lên, vừa leo vừa sợ nếu có Việt cộng ở trên, chỉ cần năm, sáu tên ném đá cục xuống cũng chết sạch cả đại đội, nói gì chuyện họ bắn và quăng lựu đạn xuống. Khi tao và Đại đội Fulro đến nơi Việt cộng đặt súng cối, họ đã rút đi mất từ hôm trước, dấu vết còn lại chỉ là mấy cái bếp lửa giấu kín trong hang đá, một tờ giấy vở học trò gấp làm bốn dằn dưới một hòn đá. Có một điều lạ là họ không gài mìn. Đại úy Y Gul đọc xong những gì viết trong tờ giấy, ông đưa cho tao “Chuẩn úy coi lại, tụi Việt cộng nói gì, nét sơn là ai mà thua rồi ?” Tao nhìn hàng chữ viết nguệch ngoạc trên tờ giấy, nét chữ lúc thì té bên đông, khi thì trượt bên tây mà ớn cho mấy ông Việt cộng. “Tại sao bọn ngụy tụi bây không nghe đài bbc, nét sơn đã thua rồi”. Giống như Đại úy Y Gul, tao cũng không biết nét sơn là thằng mắc dịch nào. Trao tờ giấy lại cho Đại úy Y Gul, tao tính nói với ông là tao cũng không biết, cùng lúc ấy đột nhiên một tia sáng lóe lên trong đầu, tao đoán rằng người viết dòng chữ này là một tên Việt cộng ở miền Bắc cho nên khi nói đến Tổng Thống Mỹ Nixon, hắn nói là nét sơn. Nói sao hắn viết như vậy. Tao cười với Đại úy Y Gul “Tụi nó nói Tổng Thống Mỹ Nixon đó”. Gật gù cái đầu ra chiều đắc ý, đưa tay vuốt bộ râu mép, Đại úy Y Gul nói với tao “Vậy mà tôi nghĩ không ra”.

Sơn ngưng nói, hắn nhìn quanh rồi đưa tay vơ lấy tấm ván nhỏ đậy lên nồi lá rừng. Xong xuôi hắn mới  tiếp tục kể chuyện.

-Đứng ở lưng chừng núi Chư Yang Lăk, nhìn xa hơn nữa, xa thật là xa về hướng Đông, Chư Yang Sin mới là đỉnh núi vô địch trong vùng với cao độ 2442, cao nhất vùng cực Nam của dãy Trường Sơn. Tụi tao chưa bao giờ bén mảng tới vì quá xa, ngoài tầm hoạt động của Đại đội Fulro. Khi hành quân lúc nào thầy trò tao cũng đi cùng với bộ chỉ huy đại đội, sát cánh với Đại úy Y Gul. Tao là cái máy đo tọa độ, xác định điểm đứng, điểm đóng quân đêm, tác xạ tiên liệu gởi về chi khu và cả phòng ba của tiểu khu. Một lần nọ tại điểm dừng quân, tọa độ mà tao gởi về chi khu không được Đại úy Y Gul đồng ý, ông ta cho rằng tao chấm tọa độ sai. Hai cái tú tài ban toán hạng bình thứ, những bài học địa hình ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, gần một năm kinh nghiệm lội suối băng rừng ở Lạc Thiện, làm sao tao có thể chấm tọa độ sai được. Tao yêu cầu Đại úy Y Gul hãy cùng tao kiểm soát lại tọa độ điểm nghỉ quân. Với những phương pháp cơ bản về bài học địa hình ở Thủ Đức, tao để tấm bản đồ xuống đất, đặt cái địa bàn lên trên rồi xoay tấm bản đồ, cho đến khi hướng Bắc của bản đồ trùng với mũi tên chỉ hướng Bắc của địa bàn. Sau khi đã định hướng được bản đồ, tao chỉ Đại úy Y Gul về phía hướng Đông, cách điểm đóng quân khoảng hai trăm mét là ngã ba nơi hai con suối nhỏ gặp nhau. Sĩ quan mới ra trường nhắm mắt chấm tọa độ cũng đúng, huống gì là sĩ quan có kinh nghiệm như tao. Tao gọi pháo binh ở chi khu xin một trái khói, chừng hơn năm phút sau một làn khói trắng bốc lên cao, cách xa đại đội khoảng hơn trăm thước, ngay hướng Đông. Một nụ cười tươi rói nở trên gương mặt Đại úy Y Gul, ông ta đưa ta vuốt bộ râu mép rồi nói “Chuẩn úy giỏi thiệt”.

Sơn lim dim đôi mắt, hắn nói chuyện với tôi mà như nhớ về dĩ vãng.

-Hồi đó được khen tao khoái quá chừng, quên mẹ nó hết mọi khổ cực. Những ngày sau đó Đại úy Y Gul luôn tỏ ra thân thiện với tao, khi đứng trước hàng quân ông thường gọi tao là Chuẩn úy Y Son, rồi nói rằng, ông rất bằng lòng với những gì mà tao đã giúp cho đại đội khi đi hành quân.Đại úy Y Gul còn dành nhiều ưu ái cho tụi tao, ưu ái đến độ ông muốn xin tiểu khu cho tao về làm sĩ quan cơ hữu của Đại đội Fulro do ông chỉ huy. Cách duy nhất mà tao có thể từ chối tấm lòng yêu mến của ông Đại úy Fulro, là tao phải đưa ra một ví dụ thực tế nhất, để ông ta hiểu rõ vấn đề một cách thấu đáo. Tao nói “Đại úy thích sống nơi núi rừng, làm bạn với chim muông cây cỏ, ông ở trong rừng giống như con cá sống dưới nước. Nếu đại úy là con cá đang bơi dưới suối, tôi đem quăng ông lên bờ, ông có chịu không?” Đại úy Y Gul trả lời tao “Không được đâu.” Tao vin ngay vào câu trả lời của ông rồi nói “Tôi quen sống ở thành phố, bắt tôi bỏ vô rừng cũng giống như đem con cá vất lên bờ, nó sẽ giãy đành đạch rồi chết. Tôi đi biệt phái cho đại úy, đặt dưới quyền chỉ huy của ông, tôi là thuộc cấp của ông, quyền sinh sát nằm trong tay của ông. Đại úy bắt tôi ở lại với ông, tôi phải ở lại, cho về, tôi mới được về.” Đại úy Y Gul đưa tay vuốt bộ râu mép, gật gù “Chuẩn úy nói đúng, khi hết hạn tôi sẽ trả ông về đơn vị cũ.” Những ngày sau đó, trong những bữa ăn khi hành quân, Đại úy Y Gul thường cho tao khi thì miếng thịt heo rừng, lúc thì chút thịt nai, mà lính của ông vừa mới săn được trong rừng. Thời gian trôi mau như cánh chim bạt gió, vừa thấy đó đã mất hút ở cuối trời, ba đứa tao sống với Đại đội Địa Phương Quân Fulro mới đó mà đã được hai tháng. Ngày mà tao mãn hạn lưu đày, Đại úy Y Gul với đôi mắt ươn ướt, bắt tay tao siết mạnh rồi từ tốn nói “Người Thượng chúng tôi nói một là một, hôm nay tôi trả chuẩn úy về với đơn vị cũ của ông, đúng như tôi đã hứa trước đây”. Đại úy Y Gul nói trả nhưng giọng nói đầy bịn rịn nghe cứ như là muốn giữ tao lại. Lòng bồi hồi xúc động trước cái chân tình của Đại úy Y Gul, tao ôm chặt lấy ông rồi hỏi nhỏ “Đại úy à, ông có còn ý định giữ tôi ở lại đại đội này với ông không?” Gương mặt của Đại úy Y Gul  đang buồn bã bỗng dưng vụt sáng, ông hấp tấp hỏi “Chuẩn úy chịu ở lại với tôi, có đúng không?” Tao nhìn vào đôi mắt sâu thăm thẳm của Đại úy Y Gul rồi cười thoải mái “Hai tháng nữa thôi nghe đại úy, chỉ một mình tôi thôi còn hai người lính phải được thay thế”. Và bài học quý giá nhất mà tao học được nơi núi rừng hoang dã của cao nguyên là những loại lá rừng nào ăn được, loại lá nào có thể dùng làm thuốc.

Sơn cúi đầu như nhớ về những ngày tháng cũ.

-Bây giờ thì mày hiểu tại sao mấy tháng trời ở trong trại tù Sông Mao này, tao ăn đủ mọi thứ lá rừng mà không bị đau hay ngộ độc.

Sơn ngừng nói, hắn nhíu mày như đang suy nghĩ.

-Mày còn nhớ không, hôm trước trong trại của tụi mình, khi một toán tù nhân Fulro khoảng hơn chục người nhập trại, tao nhìn họ và tin rằng, có thể họ là những binh sĩ Địa Phương Quân Fulro năm xưa. Những tù nhân Fulro này hôi hám bẩn thỉu, áo quần lôi thôi nhếch nhác, hai tay của họ bị khóa chặt trong cái còng số 8, dưới chân là một sợi xích sắt to và dài hàng chục thước cột họ lại với nhau. Tất cả cúi đầu đi chầm chậm trong im lặng, kéo lê từng bước chân mệt nhọc đến nhà giam. Cảnh đó giống hệt như những tên nô lệ của Âu châu thời Trung cổ, mày thấy tao nói có đúng không?

Tôi nói với Sơn.

-Cùng một chuyện về tù Fulro nhưng đó là cách nhìn của mày, tao có cái nhìn của tao. Khi thấy đoàn tù Fulro đi qua, hàng chục người bị cột chung với nhau bằng một sợi xích sắt dài, khiến tao nhớ lại đâu khoảng năm tao còn học đệ nhất, lần đầu tiên bất ngờ nghe được bản nhạc “House of the rising Sun”, do ban nhạc The Animals trình diễn. Khi anh ca sĩ cất giọng, toàn thân tao chợt như đóng băng, lặng người đi, sửng sờ như bị hớp hồn bởi giọng ca truyền cảm đầy ma quái của anh ta. Hấp lực của nó mạnh đến độ đầu của tao muốn vỡ tung. Khả năng Anh ngữ của tao lúc bấy giờ chỉ nghe câu được câu mất, không làm sao hiểu trọn vẹn đầy đủ lời ca của bản nhạc. Cũng may âm nhạc thì không có biên giới, nên tao vẫn có thể cảm nhận cũng như thưởng thức được cái hay của nó. Khi đến gần cuối bản nhạc, bất chợt tao nghe được câu “wear that ball and chain” thì hình ảnh của nước Mỹ thời lập quốc, thời Nam Bắc chiến, thời chinh phục miền Tây, thời đãi cát tìm vàng của hơn vài trăm năm trước, hiện về ngay tức khắc trong tâm trí của tao. Những người nô lệ da đen, rồi những tù nhân chân mang sợi xích với trái banh bằng sắt, làm lao động khổ sai lấp sông, phá núi, làm đường xe lửa, họ chậm chạp kéo lê những bước chân nhọc nhằn mệt mỏi trong cái nắng như thiêu đốt của miền Tây nước Mỹ. Đoàn tù Fulro mà sợi xích sắt dài như vô tận cột hơn mười trái banh người, xâu thành một hàng di chuyển trước mắt tao, hình ảnh đó còn dã man tàn bạo, man rợ hơn nước Mỹ thời Nam Bắc chiến gấp ngàn lần. Cùng là thân phận tù đày, cùng chung một trại giam, nhưng những người tù Fulro bị biệt giam trong một căn nhà với sợi xích sắt to, xiềng họ lại với nhau, khi cần di chuyển hơn mười trái banh người phải cùng đi một lần. Sau đó những người tù Fulro được đưa đi đâu mất, trả tự do hay đem đi xử bắn, điều đó tao không biết được. Với Việt cộng câu nói mà ai cũng biết “Thà giết lầm hơn bỏ sót.” Quá khứ đã chứng minh, Việt cộng thà giết lầm hơn sáu ngàn thường dân ở Huế trong Tết Mậu Thân, chớ quyết không bỏ sót bất cứ một tên Ngụy quân, Ngụy quyền nào hết. Như vậy số phận của những người tù Fulro này, chắc không được sáng sủa cho lắm.

Sơn lo thu dọn mấy cái chén miệng nói với tôi, giọng nói nhỏ lại, nhỏ thật nhỏ.

-Có điều này, tao cần phải nói với mày, ngày xưa khi không biết gì về “Phong trào tự trị Fulro” tao nhìn họ với đôi mắt đầy kỳ thị. Với tao Fulro đồng nghĩa với nổi loạn, Fulro là chống đối. Sau mấy tháng sống chung với họ nơi núi rừng cao nguyên đèo heo hút gió, tao hiểu ra người Thượng Fulro yêu thiên nhiên, yêu cái hoang sơ của núi rừng Trường sơn, yêu đất đai nơi mà cha ông của họ đã sống tự ngàn xưa. Y hệt như người dân Miền Nam , từ sông Bến Hải cho đến mũi Cà Mau, họ yêu sông nước Miền Nam , yêu con sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Côn ở Bình Định, sông Ba ở Tuy Hòa, yêu sông Cửu Long ở Nam kỳ lục tỉnh, yêu ruộng đồng, yêu mồ mả ông cha, yêu tự do. Kể từ cuối năm 1969 cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, hơn hai ngàn binh sĩ Địa Phương Quân Fulro đã sát cánh với quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cùng nhau chiến đấu để bảo vệ Miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt. Rồi cái lệnh đầu hàng nghiệt ngã của Tổng Thống Miền Nam đã lùa sĩ quan bọn mình vô tù. Riêng binh sĩ Địa Phương Quân Fulro vẫn còn tiếp tục chiến đấu, bằng cớ là cho đến mấy hôm trước, tụi mình mới thấy hơn chục binh sĩ Fulro bị bắt vào đây. Tao tin rằng sau hơn bảy, tám tháng đánh nhau, không có tiếp tế, súng ống và đạn dược của họ đã cạn kiệt, chuyện bị bắt không chóng thì chày phải đến thôi.

Giọng nói của Sơn bỗng trở nên nghiêm trọng.

-Những gì tao vừa kể cho mày nghe về cái tên Sơn Fulro của tao, mày hãy giữ kín miệng giùm. Khi vô đây tao giấu biệt, không nói cho một ai biết về chuyện tao đã từng có thời gian sống với Fulro.

Tôi nói.

-Bên tổ 38 của mày, tụi nó vẫn thường gọi mày là Sơn Fulro mà?

Sơn cười.

-Tao nói láo với bọn nó là tao đen giống người Thượng, nên bị bạn bè đặt tên là Sơn Fulro.

-Vậy tại sao mày lại nói sự thật với tao?

Sơn hơi ngập ngừng.

-Hôm trước nói chuyện với mày, tao biết rằng mày là thằng có thể tin được.

Tôi nói với Sơn.

-Chuyện này thì tao hứa với mày, sẽ tuyệt đối giữ bí mật.

Trong ánh lửa sắp tàn, chỉ còn lại chút tro than âm ỷ cháy giữa đêm đen, Sơn với nét mặt đăm chiêu, tư lự, hắn nói mà như không muốn nói.

-Còn một điều này nữa, mấy tháng trường ở trong tù đói ăn thiếu mặc, đã nhiều lần vì quá đói tao phải tìm lá rừng mà ăn thêm. Khi cầm trong tay ba tán đường mày cho, tao cảm động đến muốn khóc, không ngờ rằng trong tận cùng của địa ngục đói khát, lại có người dám cho mình không phải một mà tới ba tán đường. Tao dự tính, đến tối sẽ cùng với hai thằng bạn trong nhóm nấu một nồi chè đậu đen, ăn cho bỏ những ngày thèm khát. Chuyện đời có mấy ai ngờ, trưa hôm đó khi gặp đoàn tù Fulro với cái sợi xích sắt dài hàng chục mét, cột họ lại thành một xâu, khiến tao nhớ lại thời mình còn ở chi khu Lạc Thiện. Nhớ lại chuyện tao với những người Thượng Fulro có một thời là chiến hữu, từng sát cánh bên nhau chống lại Cộng sản. Nghĩ đến ân tình mà ông Đại úy Fulro có cái tên là Y Gul đã dành cho tao, khi ông thân mật gọi tao là Y Son. Không một chút đắn đo, tao trở về phòng, lấy ba tán đường đem cho mấy người tù Fulro, vừa cho vừa run vì sợ bị lính gác phát hiện. Thật lòng mà nói, tao không có tốt bụng đến như thế đâu, nhưng nền giáo dục Nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa đã ăn sâu vào tiềm thức, khiến tao có hành động như vậy. Và kể từ ngày bước chân vào tù cho đến hôm nay, tao không biết cái vị ngọt của tán đường nó như thế nào, dám nó sẽ làm tê dại đầu lưỡi của mình như chơi. Phải không mày?

Loading

Scroll To TOP