Ban Trị Sự Đa Hiệu nhiệm kỳ 2022-2024
Chủ nhiệm Đặc San Đa Hiệu:
Cựu SVSQ Nguyễn Phước Ái Đỉnh K26
Địa chỉ: 8971 Mac Alpine Rd.
Garden Grove, CA 92841
Điện thoại: (714) 350-8909
Email: aidinhng@yahoo.com
Chủ bút Đặc San Đa Hiệu:
Cựu SVSQ Phòng Tít Chắng K29
Địa chỉ email: ctphong@yahoo.com
Địa chỉ Tòa soạn Đa Hiệu
Da Hieu Magazine
P.O. Box 8628
Fountain Valley, CA 92728
Trưởng ban trị sự Đa Hiệu
kiêm thủ Quỹ Đặc San Đa Hiệu
Cựu SVSQ Trần Trí Quốc K27
Địa chỉ: 1475 Highpoint St.
Upland, CA 91784.
Điện thoại: (949) 212-0261
Email: tran27147@yahoo.com
Vài Nét về Tập San Đa Hiệu
Võ Công Tiên, K26
Bài đăng trong Đa Hiệu 109
Sinh hoạt của anh em Võ Bị Đà Lạt trong suốt 44 năm tại hải ngoại được nhận thấy từ một điểm rõ nét nhất là Tập San Đa Hiệu (TSĐH). Nó tiếp nối việc truyền bá các ý tưởng, tâm tình, đồng thời là sợi dây liên kết những người từng phục vụ hoặc thụ huấn tại một đơn vị mang tên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN). Khởi đi từ việc quy tụ các cựu sinh viên sĩ quan (CSVSQ) thành các nhóm, hội, tờ báo đã được tái bản tại San Jose, miền Bắc California, Hoa Kỳ vào năm 1983. Đến giữa năm 2019, 116 số đã được hoàn tất, hiện tại với chừng 348 trang khổ 5 1/4 X 8 1/4 in, gửi đến 2700 độc giả.
Thành phố Đà Lạt với nhiều đồi thông, cỏ hoa rực rỡ, không khí mát lạnh, là nơi thích hợp cho việc huấn luyện của các quân trường, trong đó có Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (TVBLQĐL). Cuối năm 1959, khi TVBLQĐL cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, thường gọi tắt là Trường Võ Bị (TVB) thì về sau tờ Nội San Đà Lạt Tiến cũng được đổi tên thành Tập San Đa Hiệu. Song song với chương trình phát thanh hằng tuần, TSĐH là tiếng nói chung của TVB về mặt truyền thông, diễn đạt qua nhiều bài viết của toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, giáo sư, SVSQ và thân hữu.
Từ thập niên 60, Trung Tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN đã quyết định cải tiến tờ Đa Hệu với thành phần chính là các SVSQ, như: Chủ Nhiệm Bùi Quyền K16, Tổng Thư Ký Nguyễn Duy Sự K16 (Sương Mặc Lam), cùng với sự cộng tác của Võ Tình K17, Võ Ý K17, Vũ Xuân Thông K17, Phan Nhật Nam K18, Nguyễn Ngọc Khoan, K18 (Từ Thế Mộng). Tờ báo thể hiện một khiá cạnh chính của chương trình đào tạo những cán bộ đa năng, đa hiệu mà TVB nhắm tới, trong đó yếu tố văn hoá, nghệ thuật và ý thức trách nhiệm, cung cách phục vụ quần chúng được đề cao.
Theo đà lớn mạnh của QLVNCH, đáp ứng sự đòi hỏi của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và mức leo thang nóng bỏng của thực tế chiến trường, Tập San Đa Hiệu được giao cho Phòng Chính Huấn, trực thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị TVBQGVN, đảm trách. Phạm vi quảng bá của tờ báo cũng đã vượt khuôn khổ đồi 1515. Bài vở từ đó cũng đăng tải các vấn đề chiến lược quốc tế, chính trị, xã hội, và các kế hoạch dự liệu cho thời bình của đất nước. Đại Úy Võ Văn Sung, K17 là vị chủ bút đảm nhiệm liên tục nhiều năm, cho tới 1975.
Trước 1975, TSĐH đã ấn hành gần 80 số (gồm 2 bộ), khổ cỡ như các số Đa Hiệu hôm nay nhưng nội dung có phần sống động và nặng về nghiên cứu, sưu tầm hơn là sáng tác. Đa Hiệu lúc xưa xem ra trang nhã, tầm nhìn chẳng kém tập san quân sự Tiền Phong. Có thể nói Đa Hiệu hôm nay na ná tờ Wilson Quarterly tại Hoa Kỳ, tuy rằng nó chỉ là một sản phẩm văn nghệ tài tử, với phương tiện eo hẹp đóng góp từ một tập thể sống tản mác khắp năm châu.
Nếu nghe một cô nào đó nói, “Mấy anh sĩ quan Đà Lạt”, “Mấy ông Võ Bị”, “Mấy chàng Alpha Đỏ” thì không khó nhận ra lai lịch và mức độ quen biết của các cô ấy đến các người trai trẻ bên bờ Hồ Than Thở ra sao. Tương tự, thời nay, chuyện đọc báo Đa Hiệu nó khác với đọc Đa Hiệu. Một từ ngữ trở nên quen thuộc là “gói báo”, hiểu ngầm là gói báo Đa Hiệu. Ngày gói báo thực ra là chỉ làm các việc đơn giản như cho vào phong bì, dán địa chỉ người nhận, nhưng chính yếu là sự gặp gỡ, trò chuyện của quý vị niên trưởng và anh em các khóa cùng các phu nhân và con cháu gần xa. Có thể tính tới 240 giờ công cho một kỳ phát hành, khoảng $4K thiện nguyện. Đó là không kể đến công sức, trí lực của ban biên tập, trị sự, và bạn đọc cùng chung sức đóng góp ý kiến cũng như tiền bạc. Một phần ba thế kỷ với khoảng 30 ngàn trang giấy, tốn hết $1.2 triệu đô-la.
Em phải biết một đời trai du tử
Có khi nao chôn kiếm ngủ bên trời
Qua hai câu thơ nêu trên được đăng trong một số Đa Hiệu trước 1975, hào khí của một tác giả viết từ thuở mang Alpha Đỏ được nhắc lại. Rồi sự bày tỏ của cây bút Trần Cẩm Tường, K19 với thái độ dứt khoát chuyện “lọt chọt trong hàng”, hoặc đôi dòng tâm tư ngọt ngào trong tuỳ bút của Chị Lãm Thúy, đến những nốt nhạc do CSVSQ Nguyễn Tiến Việt, K23 viết cho Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu cất bước khởi hành, tất cả đã được phơi bày. Sắc nhọn như các dấu tích chiến trường của Vương Mộng Long, K20 hay đâu đó là những ánh lửa bừng sáng, cánh hoa tươi tắn của con cháu Trưng Triệu cỡ Điệp Mỹ Linh, Tường Thúy, Vi Vân, Tealan, Như Hoa.
Đa Hiệu thời trước đã chứng tỏ tính cởi mở trong văn nghệ, báo chí. Thí dụ qua hai bài viết thẳng thắn, một của SVSQ Võ Thiện Trung K24, bài kia do vài vị Giáo Sư Văn Hóa Vụ thuộc khoa Khoa Học Xã Hội. Hai lập luận đối chọi nhau về sự cần thiết của chương trình văn hóa mà TVBQGVN trang bị cho những người sĩ quan trong thời chiến. Và cuộc sống bươn chải giữa môi trường mới lạ đến với mọi gia đình CVSSQ từ Úc qua Âu sang Bắc Mỹ ảnh hưởng đến tâm tư những trái tim chưa nguội lạnh. Khói lửa chiến tranh, đêm đen tù ngục, bao dằn vặt lo toan cho tình người, vận nước bên này hay bên kia đại dương. Thế còn thời đại của internet, information, tin tức hình ảnh tràn lan, nhanh như chớp thì Đa Hiệu thời nay sẽ chuyển đạt ra sao?
Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ghi nhận thiện chí, công lao của quý vị niên trưởng, anh em Võ Bị cùng gia đình, giáo sư, thân hữu, anh chị em và các cháu Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu, đã đóng góp vào việc điều hành TSĐH trong suốt hơn ba thập niên. Không kể các vị phu nhân âm thầm giúp chồng vẽ bìa, sửa câu, gõ chữ. Chưa nói hết những chuyến đưa báo từ New York qua Boston với bão tuyết, đường trơn trước thời gian có chương trình định cư H.O., thiếu cả cell phone. Ở đây chỉ nêu tượng trưng những vị góp công sức thường xuyên, tiêu biểu qua các công tác biên soạn, cổ động và phát hành tờ báo, lược kê các thời kỳ theo nơi gói báo, chủ nhiệm, các chủ bút, ban trị sự, gồm các cựu sinh viên sĩ quan:
Đa Hiệu số 1 -7, Bắc California, Lâm Quang Thi K3, Đỗ Kiến Nhiễu K4, Nguyễn Thiện Nghị K4, Nguyễn Trùng Khánh K25, Trần Sỹ Thiện K25.
Đa Hiệu số 8 -19, Bắc California, Bùi Đình Đạm K1, Đỗ Văn Chấn K21, Hà Tấn Diên K26, Nguyễn Thành Đức K20.
Đa Hiệu số 20 -35, Bắc California, Lê Minh Ngọc K16, Phạm Đình Thừa K19, Nguyễn Thành Đức K20, Lê Thi K29, Đoàn Phương Hải K19.
Đa Hiệu số 36 -52, Washington DC, Trần Khắc Thuyên K16, Trần Văn Thế K19, Trần Ngọc Toàn K16, Trần Văn Cẩn K18, Võ Nhẫn K20, Nguyễn Như Lâm K22.
Đa Hiệu số 53 -65, Nam California, Trần Văn Thư K13, Nguyễn Phán K24, Nguyễn Xuân Quý K31, Lê Đình Dư K13, Phạm Bá Cát K13, Trần Trí Quốc K27, Nguyễn Văn Triệu K19, Tsu A Cầu K29.
Đa Hiệu số 66 -72, Bắc California, Nguyễn Nho K19, Đoàn Phương Hải K19, Nguyễn Xuân Thắng K25, Nguyễn Thanh Sang K28, Hoàng Trọng Đức K27.
Đa Hiệu số 73 -78, Nam California, Nguyễn Nho K19, Nguyễn Hồng Miên K19, Dương Đức Sơ K17, Trần Trí Quốc K27.
Đa Hiệu số 79 -85, Houston, Đinh Văn Nguyên K20, Võ Văn Đức K22, Đinh Tiến Đạo K24, Nguyễn Xuân Thắng K25.
Đa Hiệu số 86 -90, Bắc California, Nguyễn Hàm K25, Lê Đình Trí K29, Trương Thành Minh K28, Trần Trung Tín K31.
Đa Hiệu số 91 -96, Bắc California, Nguyễn Văn Chấn K9, Lê Đình Trí K29, Lê Tấn Tài K20, Trương Thành Minh K28.
Đa Hiệu số 97 -102, Nam California, Võ Nhẫn K20, Tsu A Cầu K29, Nguyễn Duy Niên K27, Phòng Tít Chắng K29, Nguyễn Quốc Đống K13, Nguyễn Hồng Miên K19, Tô Văn Cấp K19, Hoàng Xuân Đạm K20, Đổng Duy Hùng K21, Nguyễn Ngọc San K24, Lê Khắc Phước K25, Nguyễn Hàm K25, Nguyễn Phước Ái Đỉnh K26, Nguyễn Xuân Quý K31.
Đa Hiệu số 103 -108, Nam California, Trần Vệ K19, Nguyễn Phán K24, Nguyễn Trung Việt K21, Nguyễn Duy Niên K27, Diệp Quốc Vinh K27, Phan Văn Lộc K30, Đào Quý Hùng K26, Huỳnh Tiến K28, Nguyễn Xuân Quý K31, Nguyễn Phước Ái Đỉnh K26.
Đối với những ai từng đi qua các trại tỵ nạn Cộng Sản ở Malaysia, Indonesia, Philippines thì tờ Đa Hiệu đúng là tia sáng nồng thắm trong lòng những thuyền nhân vừa thoát chết hoặc đã trải qua những kinh hoàng trên biển.
Nhớ khoảng cuối năm 1983, tại Bataan, có 6 anh em VB tạm cư trong trại Philippine Refugee Processing Center gồm các Khóa 16, 24, 25, 26, 29, 31. Họ nhận được 2 tờ Đa Hiệu số 2 (Tháng 6, 7, 8 năm 1983), một tờ thì chị Hoàng Xuân Mai, K25 lưu giữ tại quán cafe của anh chị nhằm khoe với mọi người, còn một tờ kia chuyền nhau đọc, đi bộ cách nhau vài cây số. Hạn mượn chỉ một ngày, ưu tiên cho anh em cựu quân nhân. Còn các văn phòng từng vùng, phòng đọc sách nếu mượn thì cũng được vài hôm, và giao nhận đàng hoàng.
Đa Hiệu chuẩn bị bước sang số 109, với ban biên tập mới thuộc nhiệm kỳ 2016-2018. Tờ báo không là sở hữu của riêng ai, một hội hoặc khóa nào. Từ ngữ Đa Hiệu đã trở nên quen thuộc như Lâm Viên, Tự Thắng, Đà Lạt, và là các dấu hiệu nhận biết hơn là những danh từ hoặc tĩnh từ nguyên thủy.
Bỏ qua cái thời với máy đánh chữ (memory) chỉ đủ dành cho vài trang (resume) xin việc, Tổng Hội CSVSQ/TVBQGVN hy vọng Đa Hiệu còn tiếp tục phát hành và sống mãi. Viết hay, vẽ đẹp không phải là điều gì khó khăn ghê gớm lắm, mà vẻ đẹp trong sự hay viết chẳng qua là tình ý được diễn tả sao cho chững chạc, hài hòa, và có chút giá trị nào đó phải chăng. Tập San Đa Hiệu hẳn nhiên sẵn sàng đón nhận tất cả những bài vở, mọi thiện chí đó đây.
Trân trọng,
Võ Công Tiên, Khóa 26 TVBQGVN
Tiểu Đoàn 1/4 Sư Đoàn 2 Bộ Binh
Đặc San Đa Hiệu Đã phát hành