Headlines

CTBCTY Tập III chương 34

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU – Tập III (Huy Văn Trương)

Chương XXXIV
Bánh ít đi, bánh quy lại.

Tôi dẫn Cúc lang thang quanh khu phố Hòa Bình, ngắm phố phường, tận hưởng chút không khí tự do của ngày xưa còn rơi rớt lại đâu đây.

Khi tôi và Cúc về đến nhà nắng chiều cũng sắp tắt, một việc mà tôi không bao giờ ngờ tới đã xảy ra. Ông Năm bánh xèo đang ngồi chễm chệ trong phòng khách của nhà tôi, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Không phải một mình tôi, mà tôi biết cả Cúc cũng xanh mặt. Tôi nói với mình, cho dù chuyện có nguy hiểm đến đâu, cũng phải bình tĩnh mà đối phó, không được sợ hãi. Tôi đưa mắt nhìn quanh, chỉ có một mình ông Năm, không có bất cứ tên công an nào đi theo, có nghĩa là ông đến nhà tôi không phải với ý định bắt người. Và chuyện tôi khai gian ở trại cải tạo, ông Năm vẫn chưa biết.

Lấy hết can đảm, giống như một tay võ sĩ thét lên tiếng Kiai, trước khi nhảy vào tử chiến với địch quân, tôi nói lớn với mục đích là đánh tan nỗi sợ hãi trong lòng của mình.

-Chào ông Năm, ông khỏe không?

Ông Năm tươi cười nhìn tôi.

-Chúc mừng trung úy đã được cho về.

Tôi nghe chữ trung úy từ miệng ông Năm, mà cảm thấy không được yên tâm cho lắm.

-Thưa ông Năm, xin ông đừng gọi tôi là trung úy, có được không?

Ông Năm không trả lời tôi mà nói với Cúc, giọng nói giống như ông ta là chủ nhà.

-Cô ngồi xuống đây, tôi có chuyện muốn nói với cô và cậu Quân. Mà nè, ba má chồng cô có nhà không?

Cúc nói nhỏ.

-Ba má tôi thường hay đi chùa, chắc không có ở nhà đâu. Hơn nữa , tôi và chồng tôi đi làm vườn trồng bắp sú tại Đa Thiện mới trở về, nên không biết.

Ông Năm nói.

-Tôi thấy trong nhà chỉ có một chị gái đang bồng em bé, ngoài ra chẳng có ai.

Thấy mọi chuyện có vẻ êm xuôi, tôi nói với ông Năm.

-Thưa, ông ghé nhà có chuyện gì không?

Ông Năm gật gù cái đầu với mớ tóc muối tiêu lòa xòa trên trán.

-Có chớ, chuyện khá hay nên tôi mới ghé đây, mà trong nhà có chỗ nào yên tĩnh, riêng tư để nói chuyện không? Ngồi ở đây,“tai vách mạch dừng”, không tốt.

Cúc tần ngần một chút rồi nói.

-Thưa ông, trên sân thượng êm vắng, có thể nói chuyện được.

-Thế thì tốt, nào chúng ta đi lên.

Nghe câu nói của ông Năm, tôi cứ tưởng mình đang nói chuyện với một tay cán bộ từ miền Bắc vào, chứ không phải một cán bộ nằm vùng.

Ngồi dựa ngửa vào cái ghế trên sân thượng, ông Năm hỏi Cúc.

-Nhà có cà phê không?

-Dạ có.

-Cho tôi một ly cà phê sữa nóng, ít sữa thôi.

Quay sang tôi, ông mời.

-Cậu Quân uống một ly cho vui, lâu lắm rồi kể từ ngày tôi tặng cậu tấm hình, cho đến hôm nay mới có dịp tâm sự cùng cậu.

Thực lòng mà nói, càng nói chuyện với ông Năm tôi càng sợ, không biết ông ta đang có âm mưu gì để hại mình đây. Nhưng mà chuyện hại người cũng không đúng, vì ông chỉ cần chụp cho tôi cái mũ, thằng Ngụy phản động, một tờ truyền đơn viết tay nhét vào kẹt cửa nhà tôi, với nội dung chống phá Cách mạng là ông có thể đem xử bắn tôi rồi, cần gì phải bày mưu tính kế làm gì cho mệt thân. Đàng này ông Năm nói chuyện với tôi, giống như hai người quen biết nhau lâu ngày mới gặp.

Tôi nói với Cúc.

-Tiện thể, cho anh một ly cà phê sữa luôn.

Khi Cúc đã khuất sau cánh cửa.

Ông Năm ngửa mặt nhìn trời rồi nói.

-Trong trại cải tạo, cậu Quân sống như thế nào?

-Thưa ông, mọi chuyện đều tốt đẹp.

-Cứ nói thật đi, không cần gì phải che giấu.

Tôi hơi e ngại nên rụt rè.

-Thưa ông, có hơi đói, thèm ăn.

-Chuyện ấy thì tôi biết, còn gì nữa không?

-Thưa, mọi chuyện đều bình thường.

Sau đó tôi kể thêm cho ông Năm nghe mấy ngày cuối cùng trong trại cải tạo, hơn ba trăm người sống cách ly trước khi về, được cho ăn uống đàng hoàng đầy đủ.

Ông Năm nói với tôi.

-Tôi nói như thế này thì cậu hiểu ngay, ví dụ có ba ngàn tù cải tạo, nuôi ăn mỗi ngày mất hết ba ngàn đồng, như vậy một ngày tốn một đồng cho một tù nhân. Ba trăm người sắp được thả về, ăn một ngày ba đồng, có nghĩa là hết chín trăm đồng. Số tiền còn lại là hai ngàn mốt, đem chia đều cho hai ngàn bảy trăm người. Tiền ăn của mỗi người chỉ còn lại chừng tám chục xu mỗi ngày. Người này no thì người khác phải đói, chuyện chỉ có vậy.

Cúc bưng lên một cái khay với hai ly cà phê, đặt xuống trước mặt ông Năm rồi xin phép đi xuống nhà, ông Năm khoát tay.

-Cô phải ngồi lại đây, tôi có chút chuyện muốn nói với hai người.

Cúc ngồi xuống bên cạnh tôi, dáng như chờ đợi.

Ông Năm với giọng cởi mở.

-Cậu Quân sinh ở Đà Lạt?

-Dạ phải.

-Tôi cũng vậy, nhưng tuổi của tôi hơn cậu nhiều. Tôi sinh cùng năm với nhà máy đèn Đà Lạt, nói như vậy là cậu biết rồi chứ gì?

-Dạ biết, một ngàn chín trăm hai mươi tám.

-Đúng, đó là năm vừa xây xong nhà máy đèn mới, còn cái cũ đã có từ chục năm trước rồi. Khi tôi được mười tuổi, thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ hãy còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, đứng một ngày mới thấy một chiếc xe hơi chạy qua, vậy mà đã có rất nhiều công trình xây cất đồ sộ vào thời đó, những công trình  này kéo dài năm, bảy năm mới xong. Một Dinh tỉnh trưởng trên đỉnh đồi cao cách chợ Đà Lạt vài trăm mét, khách sạn Palace, Lycée Yersin, Nhà Thủy Tạ, Nhà thờ con gà. Chỉ riêng năm một nghìn chín trăm ba mươi tám, chợ Đà Lạt và Nhà ga xe lửa được khánh thành.

Ông Năm ngưng nói, uống một ngụm cà phê rồi hỏi Cúc.

-Quá bảy giờ rồi, khách đến nhà mà cô không mời ăn tối hay sao?

Gương mặt Cúc lộ vẻ bối rối thấy rõ.

-Thưa ông, nhà chỉ có cơm độn bắp với cá kho. Chỉ sợ ông chê nên không dám.

Ông Năm chắt lưỡi.

-Gì cũng được mà. Có ăn là tốt rồi.

Cúc đứng lên rồi nói.

-Xin ông đợi cho một chút, tôi sẽ đem cơm lên đây ngay.

Ông Năm tươi cười.

-Cô cứ từ từ, không có gì gấp.

Quay sang tôi, ông Năm tiếp.

-Cậu Quân có biết Ga xe lửa Đà Lạt, do ai xây cất không?

-Hình như do một kiến trúc sư người Pháp thì phải.

Ông Năm gật gù.

-Kể ra, cậu cũng khá rành về Đà Lạt, nhưng mà Kiến trúc sư Paul Moncet chỉ là người vẽ kiểu, nhà thầu xây dựng ga Đà Lạt là ông Võ Đình Dung. Ông này có cái ga ra và miếng đất rộng đến cả chục ngàn mét vuông, nằm giáp ba mặt đường, Phan Đình Phùng, Hải Thượng và Hai Bà Trưng, chưa kể hàng chục căn nhà ở khu phố Hòa Bình.

Ông Năm ngưng câu chuyện, thong thả mồi một điếu thuốc rồi mới nói tiếp.

-Còn ngôi chợ Đà Lạt, được gọi là chợ Cây, vì vật liệu xây cất chợ toàn bằng cây. Hình như năm một ngàn chín trăm ba mươi mốt ngôi chợ này bị cháy, năm đó tôi mới có ba tuổi nên chưa biết gì. Mấy năm sau người Pháp mới cho xây lại ngôi chợ bằng xi măng. Chợ tuy không to lớn bề thế như Ga xe lửa Đà Lạt, nhưng nó có nhiều điểm độc đáo riêng của nó. Cậu sanh đẻ ở đây, chắc cậu biết chớ.

-Thưa ông Năm, vào khoảng năm 1958, lúc đó tôi được chín, mười tuổi khi có dịp vào trong chợ, tôi thường say mê nhìn lên trần. Trên đó có hàng chục cây đà khổng lồ cong vòng hình bán nguyệt, nối từ hông trái sang hông phải, đỡ lấy mái chợ, làm cho không gian trong chợ trở nên rộng rãi thoáng mát. Thuở ấy với một trí óc non nớt, tôi không hiểu bằng cách nào, con người có thể làm được những chuyện kinh khủng như vậy.

Không quan tâm tới những gì tôi nói, ông Năm hỏi.

-Cậu có nhìn thấy cái huy hiệu hình tròn trước chợ, với đôi trai gái người Lạch và hàng chữ La Tinh không?

-Thưa ông Năm, không những thấy mà tôi còn biết được ý nghĩa của mấy chữ La Tinh đó, nó được dịch sang tiếng Việt là “Cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe, hay mát lạnh.”

Ông Năm hỏi gặng.

-Cậu chỉ thấy vậy thôi sao?

-Dạ chỉ biết có vậy.

-Cậu thử lấy năm chữ đầu của mấy chữ La Tinh đó ghép lại, có phải là chữ DA LAT hay không?

Quá bất ngờ và thích thú về chuyện ông Năm nói, tôi vỗ tay vào đùi cái đốp.

-Ông Năm nè, vậy mà mấy chục năm rồi tôi có mắt mà như mù, chỉ vì mãi tìm hiểu ý nghĩa của mấy chữ La Tinh mà quên mất chuyện người Pháp chơi chữ.

Nhìn tôi với đôi mắt dò xét, ông Năm nói.

-Nếu vậy tôi còn có chuyện này để hỏi. Cậu có biết tên cũ của nhà hàng Thủy Tạ là gì không?

Tôi nhanh nhẩu.

-Thưa ông, La Grenouillère.

-Tai sao là tên đó, mà không phải là một cái tên khác?

Tôi hơi ngập ngừng một chút rồi mới trả lời.

-Thưa ông Năm, hồi còn học ở trung học, Pháp văn là sinh ngữ phụ của tôi, cho nên tôi không rành tiếng Pháp cho lắm. Theo tôi được biết La Grenouillère là hồ ếch, hầm ếch hay là cái đầm ếch gì đó, mà cũng có thể Nhà Thủy Tạ giống như cái hàm ếch, cho nên người ta đặt tên là La Grenouillère.

Ông Năm lim dim đôi mắt.

-Tụi Pháp nó sâu sắc lắm, không có hời hợt như vậy đâu. Hồi xưa lâu lắm rồi, một ông thầy người Pháp của tôi kể lại rằng, vào thập niên 1860, trên sông Seine về phía tây của Paris khoảng chừng hơn mười cây số, có một cái nhà hàng nổi, một câu lạc bộ thể thao tên là La Grenouillère . Đây là nơi tụ họp của những người giàu có thuộc giai cấp trung lưu của Paris thời bấy giờ. Những người này thường đến câu lạc bộ này để chèo thuyền, bơi lội, và coi đó là thánh địa của họ. Cùng khoảng thời gian trên vào năm 1869, có hai họa sĩ lừng danh của Pháp là Claude Monet và Pierre Auguste Renoir, hai ông họa sĩ này mỗi ông vẽ một bức tranh về nhà hàng nổi La Grenouillère, những bức họa này còn lưu lại cho đến bây giờ. Sáu, bảy chục năm sau, một trong số con cháu của những người trong câu lạc bộ đó đặt chân đến Đà Lạt. Khi xây xong một nơi để chèo thuyền và bơi lội trên Hồ Xuân Hương, vì nhớ về Paris, nhớ quê hương mến yêu của cha ông họ, nay đã nghìn trùng xa cách nên mới lấy tên của nhà hàng nổi, câu lạc bộ thể thao đó, đặt tên cho nhà hàng Thủy Tạ ở Đà Lạt, và cái tên La Grenouillère ra đời từ đó.

Nghe ông Năm kể chuyện, tự nhiên tôi nổi gai ốc cùng mình, bấy lâu nay tôi cứ nghĩ ông ta là một tên Việt cộng thất học nằm vùng, chỉ biết đổ bánh xèo kiếm sống. Nào ngờ khi nghe ông phát âm chữ La Grenouillère đúng giọng Pháp, rồi đến tên của các họa sĩ mà tôi chưa hề biết, tôi đâm ra sợ ông ta hơn. Tôi đang đối diện với một nhân vật kỳ bí, ông ta có thể biết rành rẽ về tôi, trong khi tôi hoàn toàn mù tịt không biết gì về ông ta.

Thấy tôi ngồi im, ông Năm tiếp.

-Cậu ngạc nhiên lắm phải không? Tôi học Trường Lycée Yersin từ cái thuở còn sơ khai, được vài năm thì bị đuổi vì tội đánh lộn với lũ Tây con, và cái tội nặng nhất là chửi lộn với mấy ông thầy giáo người Pháp, mấy ông luôn chứ không phải một ông đâu. Thời bấy giờ mà bỏ học, chống Pháp, đứng bên lề của xã hội, tôi dễ dàng trở thành người của Việt Minh.

Cúc bưng lên một mâm cơm, đặt xuống bàn rồi nói.

-Tôi phải nấu cơm trắng cho ông ăn, ai lại mời khách cơm độn bao giờ.

Nghe Cúc nói, tôi biết vợ mình không nói thật. Vợ chồng tôi ngồi đối diện với ông Năm để trò chuyện.

Ông Năm lên tiếng.

-Lúc nãy, tôi chưa nói đến chuyện xây cất Nha địa dư, cũng như Dinh một, Dinh hai, Dinh ba. Nhà thầu xây dựng Nha địa dư là ông Nguyễn Văn Tiếng. Người dân Đà Lạt gọi ông ta là Xu Tiếng, theo tôi nghĩ, chữ xu lẽ ra phải viết là su mới đúng, vì trước đó ông là giám thị một công trường xây dựng. Chữ su bắt nguồn từ chữ Surveillant trong tiếng Pháp. Năm 1943 ông Xu Tiếng hoàn tất công trình xây cất Nha địa dư. Năm 1948 ông mở xưởng cưa Thiện Nghĩa ở gần ngã ba chùa Linh Sơn.

Vừa nói ông Năm vừa vói tay cầm cái muỗng nhựa, xới cơm vào chén.

-Cậu nghe tôi nói vắn tắt về Nha địa dư như vậy, có đúng không?

Tôi nói.

-Thưa ông Năm, những gì ông nói về hai nhà thầu khoán lừng danh của Đà Lạt là ông Võ Đình Dung người thầu xây cất Nhà ga xe lửa, và ông Nguyễn Văn Tiếng là nhà thầu xây dựng Nha địa dư, đều đúng hết, chỉ thiếu sót một chút, mà chút xíu đó lại là rất quan trọng.

Ông Năm hất hàm.

-Tôi nói thiếu cái gì?

-Thưa ông, cả hai người mà ông vừa nói đến đều giàu có, và tấm lòng nhân hậu, thương người nghèo khổ của họ thì không một người dân Đà Lạt nào mà không biết.

Ông Năm ngồi im lặng một lúc.

-Cậu có biết tại sao hôm nay, tôi lại kể cho cậu nghe về những công trình xây cất mà người Pháp để lại ở Đà Lạt không?

-Không, thưa ông.

Ông Năm lấy giọng.

-Cậu Quân và cô hãy nghe cho kỹ, những công trình vĩ đại nói trên, mỗi cái đều có một sắc thái đặc biệt của nó, và hiện tại thì tất cả đã được tiếp quản, đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Người ta thường nói “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Tôi là thổ công của Đà Lạt này, khó có ai rành rẽ về đất đai, nhà cửa, ở đây bằng tôi.

Đang nói chuyện, bất chợt ông Năm nhìn thẳng vào mắt Cúc rồi nói với giọng nhẹ hơn.

-Cô Cúc nè, cô có biết căn biệt thự đồ sộ của cô, với diện tích đất lên đến cả mẫu tây nằm ở đường Nguyễn Tri Phương vẫn còn nguyên không?

Cúc nói.

-Thưa ông, tôi tưởng nhà nước đã tịch thu căn nhà đó của tôi từ lâu rồi.

-Chưa đâu, và đó là lý do mà hôm nay tôi nói chuyện với cô cậu. Thay vì ký giấy tờ giao căn biệt thự nói trên cho nhà nước, tôi muốn cô và cậu ký giấy bán căn nhà đó cho tôi. Thực sự cô và cậu chỉ ký vào giấy tờ bán nhà mà thôi, còn tên người mua và ngày tháng mua bán, tôi sẽ điền vào sau.

Cúc với giọng cứng rắn.

-Nếu nhà nước muốn tịch thu thì cứ làm, nhưng biểu chúng tôi ký vào giấy tờ thì tôi không ký.

Ông Năm vẫn dịu dàng.

-Nếu cô nói vậy thì tôi cần phải hỏi chồng cô vài câu.

Đưa mắt nhìn tôi ông Năm nói, giọng nói mạnh và chắc.

-Cậu Quân à, tôi không phải là “Bí thư tỉnh ủy” như cậu đã khai trong trại cải tạo đâu.

Khi nghe ông Năm nhắc đến bốn chữ này, hình ảnh trại tù cải tạo với hàng rào vỉ sắt PSP xám xịt bao quanh, khiến tôi chết lặng đi vài giây, cùng lúc ấy tôi cảm nhận được từng giọt máu lành lạnh chạy khắp cả thân mình. Cả một thế giới trước mặt tôi bỗng dưng sụp đổ tan tành. Tôi sợ đến nỗi tưởng mình chết ngồi trên ghế.

Ông Năm nói.

-Hãy bình tĩnh, không có gì mà cậu phải sợ đến xanh cả mặt. Tôi tuy không phải là Bí thư tỉnh ủy nhưng tôi đã xác nhận, tôi là cậu của Trung úy Nguyễn Trọng Quân. Không biết cậu còn nhớ không, khi được thả về, tên của cậu nằm trong danh sách bổ túc, đó là do sự bảo lãnh của tôi. Người làm Cách mạng mà có liên hệ với sĩ quan Ngụy khác nào dây với hủi, tôi đã chịu hy sinh giúp cậu, thì phải có gì đền bù cho tôi chớ.

Quay sang nhìn Cúc, ông Năm nói.

-Người ta thường nói “Bánh ít đi, bánh quy lại”. Tôi đã tặng cô một cái bánh ít, giờ thì tôi đang đợi cái bánh quy của cô đây…

Cúc với giọng nói run run.

-Ông Năm đưa giấy tờ đây, tôi xin ký vào ngay.

-Không chỉ một mình cô đâu, phải cả hai người mới được.

Nói xong, ông Năm lấy trong xách cốp một mớ giấy tờ trao cho Cúc. Việc làm này của ông Năm, cho tôi biết ông đã sắp xếp mọi chuyện từ lâu.

Trong khi tôi và Cúc chăm chú ký vào giấy tờ mua bán nhà, ông Năm vui vẻ ăn cơm, ông nói mà miệng còn đầy cơm.

-Chỉ có cơm với cá kho, nhưng mà đây là bữa ăn có thể nói là ngon nhất mà tôi có được, kể từ sau ngày giải phóng. Cảm ơn cô cậu.

Cẩn thận xếp giấy tờ vào xách cốp, trước khi ra về, ông Năm nói mà như tâm sự với tôi và Cúc.

-Cô với cậu đều là người có chút học thức, tôi nói ít hai người phải hiểu nhiều. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam của tôi, giống như một trái chanh đã bị vắt hết nước, giai đoạn sắp tới là họ sẽ vất chúng tôi vô thùng rác. Cúc cung tận tụy như chúng tôi còn bị bạc đãi, cậu đã có một thời từng cầm súng chống lại họ, mối huyết hải thâm thù này, đời nào họ chịu bỏ qua. Cô với cậu hãy liệu mà xa chạy cao bay, tìm con đường sống trong cái chết, biết đâu sẽ thoát nạn. Sĩ quan Ngụy như cậu, không thể nào sống chung với Cộng sản được đâu.

Huy Văn Trương

Loading

Scroll To TOP