Headlines

CTBCTY – Tập I – Chương 11

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU- Tập I (Huy Văn Trương)

Chương XI
Nước mất nhà tan

Tôi ngủ một giấc ngon lành thoải mái cho đến sáng ngày hôm sau.

Hôm nay, ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi dự định lát nữa sẽ xuống chợ Bến Thành, bán cái đồng hồ đeo tay, sau đó đến bến xe về Đà Lạt, về với cha mẹ và mấy đứa em của tôi.

Từ lúc thức dậy, tôi đã thấy mót tiểu nhưng làm biếng không muốn đi đến nhà tắm. Tôi biết, chỉ có một mình tôi ở trong nhà, đi đâu cho xa. Tôi đứng trên giường đái đại xuống sàn nhà cho xong việc, tiếng nước tiểu rơi lên những mớ giấy rác dưới sàn nhà kêu lộp bộp, âm thanh vang dội trong căn nhà vắng, nghe như tiếng của những giọt mưa đầu mùa rơi trên đống lá khô. Sau khi trút xong bầu tâm sự, trong người sảng khoái, nhẹ nhàng, tôi đi xuống nhà bếp, mở vòi nước dùng cả hai tay bụm lấy một vốc nước úp vô mặt, miệng ngậm một búng nước, ngửa cổ súc miệng sau đó phun nước xuống chậu rửa chén. Chuyện vệ sinh buối sáng coi như xong.

Ngoài sân im lặng như tờ không một bóng người, tôi lửng thửng đi ra phòng khách rồi khựng người lại, trước mắt tôi, Cúc đang từ trên lầu tay vịn lan can đi xuống. Cho dù có gặp ma cũng không làm tôi hoảng sợ bằng chuyện nhìn thấy Cúc. Tôi nghĩ rằng mình bị hoa mắt nên trông gà hóa cuốc, nhìn cô nào đó lại tưởng lầm là Cúc. Tôi dụi mắt để biết chắc rằng mình đã tỉnh ngủ, rồi nhìn lại một lần nữa. Cô gái trước mặt tôi rõ ràng là Cúc, lúc này Cúc đã đi xuống hểt cầu thang. Khi thấy tôi, Cúc lặng yên nhìn, đôi mắt của nàng mở lớn với hai hàng nước mắt chảy dài. Thời gian như ngừng lại, cuối cùng, Cúc khóc òa chạy lại ôm lấy tôi, với giọng nói đứt đoạn:

-Anh cũng chạy về Sài Gòn sao? Vậy mà em định vài ngày nữa sẽ lên Đà Lạt tìm anh.

Cúc ngưng nói, nhìn khắp người tôi, hai tay của nàng bóp mạnh vào hai vai của tôi.

-Sao anh ăn mặc kỳ cục như vầy? Áo quần của anh ở đâu?

Tôi ôm Cúc.

-Anh tưởng rằng em đã đi Mỹ với ba em từ tháng trước, tại sao giờ này em còn ở đây?

-Em phải chờ anh, em không thể bỏ anh được. Em nói với ba là em chỉ đi Mỹ khi nào có anh. Hơn nữa, tháng trước khi em về tới Sài Gòn ba em đã lo tất cả giấy tờ cho mọi người đi Mỹ, trong đó có bà má ghẻ của em với thằng bé con của bà ấy, thêm cha, mẹ, anh, em của bả. Điều tệ nhất là có luôn thằng bồ của bả núp dưới danh nghĩa là anh bà con. Anh đã biết mối bất hòa giữa em và ba em từ trước, đứng trước tình cảnh tệ hại như vậy em chán nản thật sự, không còn muốn đi đâu nữa.

Tôi ngắt lời Cúc.

-Chính ba của em điện thoại cho anh nói rằng, ông và em đang đợi lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Cúc nói với tôi:

-Đúng, tất cả đang ngồi chờ máy bay ở phi trường, nhân lúc ba em đi gọi điện thoại cho ai đó, em trốn về lại đây cho đến giờ. Anh biết không, mấy tuần trước vì có những trận đánh lớn xảy ra ở Long Khánh giữa Sư đoàn 18 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Việt Cộng. Nếu không, em đã đi lên Đà Lạt tìm anh rồi.

Tôi kéo Cúc ngồi xuống cái bậc thềm bằng gỗ của cầu thang, rồi chuyển đề tài.

-Em ở nhà tại sao không đóng cửa lại để cho người ta vào đây hôi của, dọn sạch hết tất cả đồ đạc trong nhà.

-Em cần anh chứ đâu cần của cải vật chất. Ngày hôm qua, khi nghe Tổng Thống kêu gọi quân nhân buông súng, chờ bàn giao trên đài phát thanh, em mở cổng kêu người đi đường vào, ai muốn gì thì cứ tha hồ mà lấy.

Tôi nghe Cúc nói mà không tin nổi, chỉ sợ mình nghe lầm.

-Em kêu người vô lấy hết đồ đạc, đập phá nhà cửa của mình?

Cúc nói:

-Ba em là nhà đại tư bản địa ốc ở Sài Gòn, tất cả nhà cửa kể luôn căn nhà này trước sau gì Việt Cộng cũng lấy. Em thà để cho những người dân nghèo lấy hết của cải về dùng, còn hơn là để cho Việt Cộng.

Câu nói của Cúc khiến tôi tỉnh mộng. Bấy lâu nay tôi chạy trốn Cộng Sản mà không biết rằng nước đã mất thì tự do không còn, ngay cả mạng sống của mình có giữ được hay không cũng chưa biết được, vậy mà tôi vẫn còn ngoan cố chỉ lo ôm giữ vài cái bàn, dăm ba cái ghế. Cái lo nghĩ thiển cận giống như chuyện tôi đi tìm tình yêu ở tận mãi đâu đâu, trong khi mối tình sâu đậm của Cúc sờ sờ trước mắt mà tôi không thấy. Tôi tự hỏi mình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có hai người lính Quân Cảnh chận tôi lại ở đuôi chiếc phi cơ C130.

Tôi nắm tay Cúc, kéo xích lại gần mình.

-Hôm qua, khoảng năm giờ chiều anh đến đây, lúc đó em ở đâu?

-Em đang ở trong phòng của em, còn anh ở đâu?

-Anh đang ở dưới nhà bếp, đói bụng quá may nhờ tìm thấy hộp đậu trong góc tủ giúp anh giải quyết được cái đói. Tối đến anh ngủ trong căn phòng mà ngày xưa khi về đây anh đã ở.

Ham nói chuyện, tôi quên mất là mình chưa ăn sáng. Tôi nói với Cúc:

-Anh lại đói quá sức rồi, mình phải ra phố tìm cái gì ăn sáng.

Cúc vuốt tóc tôi.

-Tội nghiệp cho anh, trên phòng em còn thức ăn dự trữ rất nhiều.

Tôi đứng lên, định kéo Cúc đứng dậy, bỗng nhiên tôi nghe nhiều tiếng nổ ầm ầm vang trời của tiếng máy xe từ ngoài sân đưa vào, mấy khung cửa kính trong phòng rung động mạnh tựa như bị chấn động bởi bom nổ. Tôi nhìn ra ngoài, năm, sáu chiếc xe tăng nối đuôi nhau chạy vào nhà, chiếc chạy đầu với lá cờ hai màu xanh đỏ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cắm gần pháo tháp.

Tôi nắm tay Cúc chạy ra ngoài sân. Trước mặt tôi, một gã bận thường phục, dẫn theo hàng chục tên cán binh Việt Cộng với súng đạn đầy người, hắn chỉ vào tôi và Cúc:

-Các người là ai?

Cúc lên tiếng.

-Tôi là chủ nhà.

Gã bận thường phục lên giọng hùng hổ như muốn ăn tươi, nuốt sống người đối diện.

-Đừng có láo, tên Nguyễn Văn Bảy đâu rồi?

Cúc trả lời hắn:

-Ông ấy không có ở đây.

Gã bận thường phục quay đầu nói với mấy tên cán binh Việt Cộng.

-Các đồng chí cứ thoải mái tìm chỗ bố trí cho xe tăng, mọi việc khác để tôi lo.

Vừa dứt lời, hắn quay lại nói với Cúc:

-Chúng tôi được lệnh tiếp thu căn nhà này, các người phải ra khỏi nơi đây lập tức, bằng không, chúng tôi không chịu trách nhiệm.

Cúc hỏi lại hắn:

-Tôi là chủ nhà, tại sao ông lại đuổi chúng tôi ra?

-Nói láo, tôi sống ở vùng này mấy chục năm rồi, đây là nhà của tên phản động Nguyễn Văn Bảy, hắn cấu kết với đế quốc Mỹ, cướp đoạt đất đai, tài sản, nhà cửa, làm giàu trên xương máu của nhân dân. Giờ này, chắc hắn đã chạy theo bọn đế quốc Mỹ rồi. Cô là gì của hắn?

-Tôi là con.

-Còn cái anh này.

-Ảnh là chồng của tôi.

Với giọng miệt thị, gã nói:

-Con cái của bọn tư sản ôm chân đế quốc Mỹ như hai người đây, Cách Mạng tha tội chết cho là may lắm rồi, ở đó mà đòi nhà cao cửa rộng.

Đang nói chuyện, bỗng nhiên giọng nói của hắn trở nên quyết liệt. Hắn nói như ra lịnh:

-Được rồi, tôi cho hai người mười phút để thu dọn đồ đạc và đi ra khỏi căn nhà này. Sau đó, tôi không bảo đảm tính mạng của các người.

Chúng tôi, những người bị bắt buộc phải đầu hàng vô điều kiện, còn biết làm gì hơn dưới áp lực của kẻ thắng trận, họ nói bằng sức mạnh của xe tăng T54, của họng súng B40 và AK47. Hai đứa tôi bước chân ra khỏi nhà với một va ly quần áo, và cái túi xách tay của Cúc.

Tôi và Cúc, mò đến bến xe Đà Lạt nằm trên đường Petrus Ký, khi trời đã về chiều. Sau một hồi loanh quanh dò hỏi, cuối cùng chúng tôi tìm được một chiếc xe vận tải hiệu Desoto, loại trọng tải sáu tấn thường chở rau cải từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, sau đó chở thực phẩm khô lên Đà Lạt.

Người tài xế nói với chúng tôi:

-Năm giờ sáng mai, xe sẽ khởi hành đi Đà Lạt, cô và cậu đây nếu muốn đi phải đưa tiền trước, mỗi người một ngàn.

Sau khi giải quyết xong chuyện xe cộ, tôi và Cúc ghé vào quán cơm gần bến xe, mồi đứa một dĩa cơm tôm, sườn nướng. Tôi nhìn con tôm to bằng hai ngón tay trong dĩa cơm, rồi nói đùa với Cúc.

-Em à, hôm nay ngày một tháng năm, cứ coi như là ngày cưới của tụi mình và bữa cơm này là tiệc cưới, em thấy được không?

Cúc ăn cơm mà nước mắt lưng tròng. Tôi vuốt nhẹ lên lưng của Cúc:

-Lẽ ra anh không nên nói đùa như vậy.

Cúc nhìn tôi.

-Anh nói đúng, hôm nay là ngày cưới của tụi mình, nhưng em không ngờ đám cưới lại thê thảm quá sức như vậy.

Tôi kêu thêm một chai bia 33.

-Mình cần có chút rượu mừng.

Cúc gật đầu, im lặng.

Khi hai đứa ăn xong bữa cơm chiều, màn đêm bắt đầu buông xuống, phố đã lên đèn. Sài Gòn hôm nay hình như tối hơn mọi đêm khác. Tôi thuê một chiếc chiếu trải xuống vỉa hè của một căn nhà gần ngay bến xe rồi đặt cái va ly sát tường. Cúc nằm gối đầu lên chiếc xách tay, tôi ngồi bên cạnh với cái quạt xếp, vừa quạt vừa đuổi muỗi cho Cúc. Cho đến khi Cúc trở mình, tôi chợt nghe được tiếng của hai tấm thẻ bài chạm nhau kêu lẻng kẻng, âm thanh của nó nghe như cả một trời quá khứ xa xôi vọng lại, khiến lòng mình chùng xuống.

Tôi hỏi Cúc:

-Em đeo hai tấm thẻ bài của anh?

-Anh không nhớ sao? Em đeo nó từ ngày đi Vũng Tàu với anh. Ở Viện đại học Đà Lạt, tụi bạn em rất thích cái món trang sức này, coi đó như là một cái mode mới.

Đêm tân hôn của chúng tôi, trên trời trăng sao chen lẫn với đèn đường. Tôi ngồi bên Cúc, chìm vào giấc ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất, tay mân mê tấm thẻ bài, tay quạt muỗi, bên tai giọng hát đầy sắt máu, căm thù, từ cái radio của xe bánh mì khuya vọng lại:

Tiến về Sài Gòn đánh tan tành giặc Mỹ.
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù.
Tiến về đồng bằng giải phóng thành đô.

Loading

Scroll To TOP