CTBCTY – Tập I – Chương 5
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH, TÌNH YÊU (Huy Văn Trương)
Chương V
Hai ngày trong đời của một sĩ quan trực Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt.
Ngày thứ nhất: Đời sống quân ngũ, “An Lộc trong bão lửa”.
Sáu giờ sáng, tôi thức dậy, vệ sinh cá nhân, tắm rửa.
Sáu giờ rưỡi, hôm nay thứ Hai đầu tuần, tôi mặc bộ đồ làm việc mùa đông để đi làm, bộ đồ này giống như bộ tiểu lễ mùa đông chỉ khác là không mang dây biểu chương, khi mùa nóng đến, trường sẽ có thông báo thay quân phục mùa hè. Tôi đang ở cư xá sĩ quan độc thân Thủy Tiên II của Trường Võ Bị Đà Lạt. Cư xá nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ngay trung tâm thành phố, cách khu phố Hòa Bình chừng mười phút đi bộ.
Bảy giờ kém, tôi đi bộ ra trước rạp ciné Hòa Bình, xe bus của trường đã đậu sẵn ở đó để chở nhân viên dân chính và quân nhân đi làm. Sáng mùa đông, trời Đà Lạt lạnh buốt, tôi thường đi làm bằng xe bus của trường vì trên xe bus đông người, cửa đóng kín cho nên bầu không khí trong xe ấm hơn. Nếu không thích đi xe bus, tôi có thể dùng chiếc xe Honda hai bánh cũ rích, tróc sơn, mòn vỏ của mình để đi làm.
Tám giờ kém mười, xe bus đổ tại tòa nhà Bộ chỉ huy.
Tám giờ, tôi vào Trung tâm hành quân, nhận bàn giao phiên trực với trung úy Hàn, sĩ quan hạ phiên. Lệ thường, Trung tâm hành quân của một đơn vị phải được đặt ở nơi an toàn tối đa, chìm sâu dưới mặt đất với nhiều lớp bao cát bao phủ ở bên trên. Chỉ riêng Trung tâm hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt hơi khác thường, đó là một căn phòng rộng khoảng ba chục thước vuông, trang trí gọn gàng sạch sẽ năm ở tầng hai của tòa nhà Bộ chỉ huy, chung quanh là cửa kính sáng loáng bao bọc nhìn ra Vũ Đình Trường Lê Lợi. Ở đây, người ta có thể quan sát rõ ràng, tất cả những diễn tiến của lễ mãn khóa được tổ chức thường xuyên hàng năm. Đó là lý do tại sao Trung tâm hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt được đặt ở một nơi hớ hênh như vậy. Gặp khi chiến trận xảy ra, chỉ cần một trái đạn pháo 82 ly của Việt Cộng rơi vào là Trung tâm hành quân sẽ bị tê liệt, bị phá hủy hoàn toàn. Nơi góc phòng của Trung tâm hành quân có hai giường nệm, một dành cho sĩ quan trực và một dành cho hạ sĩ quan. Trong phòng còn có hai bàn làm việc, với hơn chục cái điện thoại đủ loại, từ điện thoại liên lạc nội bộ, điện thoại liên lạc trong tỉnh cho đến điện thoại viễn liên có thể liên lạc khắp miền nam Việt Nam. Một bản đồ trường Võ Bị và một bản đồ thị xã Đà Lạt gắn trên tường.
Tám giờ đến mười một giờ sáng, tất cả giấy tờ liên hệ đến Trung tâm hành quân đã có hạ sĩ quan trực lo liệu. Tôi ngồi vào bàn làm việc của mình, chép lại bài học của ngày hôm trước. Những bài học này, tôi mượn của người bạn gái học chung lớp ở Viện đại học Đà Lạt. Thiếu tá trưởng phòng không thắc mắc gì về chuyện tôi học bài trong giờ làm việc. Ông chỉ cần biết là tôi đã chu toàn bổn phận được giao phó.
Mười một giờ, tôi thả bộ qua Câu lạc bộ sĩ quan cách đó vài trăm thước ăn cơm trưa, đi bộ cho giãn gân giãn cốt sau mấy giờ ngồi một chỗ. Nếu lười biếng tôi có thể nhấc điện thoại lên, bữa cơm trưa từ Câu lạc bộ sẽ được đem tới phòng làm việc của tôi, lẽ dĩ nhiên ăn cơm Câu lạc bộ thì phải trả tiền.
Mười hai giờ tới một giờ, tòa nhà chỉ huy ngưng hoạt động, mọi phòng ban đều đóng cửa nghỉ trưa. Tất cả những cú điện thoại từ bên ngoài gọi vào trường đều đi qua Trung tâm hành quân. Tôi là người trả lời điện thoại.
Một giờ chiều, tôi lấy chiếc xe Jeep của phòng đi qua Quân Trấn họp. Trung tâm hành quân lúc ấy chỉ còn người hạ sĩ quan trực. Giải quyết mọi vấn đề trong thời gian này là thiếu tá trưởng phòng, ông ấy có phòng riêng ở bên cạnh Trung tâm hành quân.
Thông thường, khi sử dụng quân xa, tài xế sẽ lái xe còn sĩ quan ngồi ở ghế trưởng xa bên tay phải, đó là luật thế nhưng hầu hết những ông sĩ quan cấp úy tuổi trẻ, háo thắng thường làm ngược lại. Sĩ quan lái xe, tài xế ngồi ghế trưởng xa hóng mát. Tôi còn ngon hơn nhiều, cho tài xế ở nhà ngủ trưa luôn cho khỏe, bởi vì anh tài xế thường hay cằn nhằn, khi tôi sang số xe không được êm cho lắm, và nhất là đã mấy lần suýt lọt xuống hố khi qua một khúc cua gắt. Không có tài xế ngồi một bên, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Một mình tôi lái xe, muốn đi đâu cũng được, ghé chỗ nào cũng xong, lỡ có rớt xuống hố cũng chỉ một mình tôi chịu.
Trên đường qua Quân Trấn, lợi dụng thời cơ gọi là đi họp, tôi ghé cà phê Thủy Tạ, uống ly cà phê, hút vài điếu thuốc, ngắm hồ Xuân Hương trong nắng hanh vàng của mùa đông, luôn tiện khoe với mọi người là tôi biết lái xe hơi mặc dầu mình không có bằng lái. Nếu không thích ngắm cảnh, tôi có thể ghé quán Hạnh Tâm gần vòi phun nước ở chợ Đà Lạt, uống ly cà phê nghe vài bản nhạc tình, nhìn cô thu ngân tên Huệ với vẻ đẹp
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn.
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.
Tôi, trung úy Trường Võ Bị Đà Lạt, độc thân, bốn năm qua sống lao đao lận đận với mối tình đầu, một đôi lúc cảm thấy buồn đến não ruột. Có một lần, nhân lúc trả tiền ly cà phê khi đứng gần cô Huệ, tôi buông lời chọc ghẹo để rồi nhận được cái liếc mắt sắc như lưỡi dao. Cô không nói gì, chỉ cố ý đưa bàn tay cho tôi thấy chiếc nhẫn nơi ngón tay áp út. Cô Huệ từ tốn thối lại cho tôi một mớ bạc lẻ, rồi dịu dàng nói:
-Ba đồng một mớ trầu cay.
Tôi giật mình đánh thót, cô nàng này bên ngoài coi bộ yểu điệu, dịu hiền nhưng không ngờ cũng lãng mạn dữ.
Cô Huệ trông chỉ chừng hai mươi tuổi, đã mang nhẫn cưới trên tay. Mối tình đầu của tôi, bốn năm qua rồi giờ đây chắc cũng đã tay bồng tay bế. Từ đó về sau, tôi ghé cà phê Hạnh Tâm chỉ ngồi yên một góc nhâm nhi ly cà phê đen, nghe nhạc, nhìn người đẹp trong tiếc nuối muộn màng.
Có những ngày, mặc dù lệnh cấm trại một trăm phần trăm, trên đường đi qua Quân Trấn tôi cũng ghé cà phê Hạnh Tâm. Đang cấm quân mà có một ông trung úy của Trường Võ Bị Đà Lạt ung dung, thoải mái ngồi uống cà phê quả là chuyện lạ, Quân Cảnh đời nào mà tha cho một con mồi béo bở như vậy. Hai ông Quân Cảnh liền vào tận nơi, lịch sự mời tôi ra ngoài để xét giấy tờ. Khi nhìn thấy sự vụ lệnh đi họp Quân Trấn, vũ khí mang theo là cây súng colt 45 với con dấu nổi của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị ký, mấy ông Quân Cảnh lật đật xin lỗi rồi dông mất.
Ba giờ chiều, tôi tới Quân Trấn, họp với sĩ quan trực, lấy mật khẩu, mật hiệu phòng thủ trong đêm đựng trong một phong bì niêm kín. Sau đó, tôi quành xe ra chợ mua một phần cơm sườn cho buổi ăn tối, cơm ở Câu lạc bộ sĩ quan trong Trường Võ Bị làm sao có thể sánh với cơm sườn nướng ở chợ Đà Lạt. Mọi chuyện coi như đã xong xuôi, tôi lái xe về trường.
Năm giờ chiều, tôi về đến trường. Kể từ giờ phút này mọi hoạt động của tất cả các phòng ban trong trường đều chấm dứt. Thiếu tá trưởng phòng của tôi cũng sửa soạn ra về. Tôi chính thức lo tất cả mọi chuyện phòng thủ ban đêm của trường. Ngoài vòng đai xa của trường đã có binh sĩ của Tiểu khu Tuyên Đức; bên ngoài hàng rào phòng thủ của trường, đã có Tiểu đoàn An Ninh canh giữ cũng như phân bố mấy chục điểm kích; phía Đồi Bắc có Đại đội Thao Diễn trấn giữ. Tất cả tọa độ của những điểm kích này đều được ghi rõ trên phóng đồ hành quân chuyển cho pháo binh và những đơn vị bạn. Mọi cổng ra vào của trường, từ cổng Thái Phiên, cổng Nam Quan cho tới cổng Lý Thường Kiệt đều đã nhận mật khẩu, mật hiệu trong đêm.
Khoảng sáu giờ tới bảy giờ tối, các toán kích canh giữ những điểm trọng yếu trong trường do sinh viên sĩ quan đảm nhận, sinh viên trưởng toán đến Trung tâm hành quân lấy mật khẩu. Đây là mật khẩu nội bộ, khác với mật khẩu bên Quân Trấn.
Bảy giờ tối, công việc phòng thủ trường hoàn tất, tôi nhấc điện thoại báo cáo với đại úy trực Phòng hành quân tại tư dinh của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng. Tuy ở ngoài tư dinh, nhưng Thiếu tướng Chỉ huy trưởng vẫn nắm vững tình hình an ninh trong trường, qua Phòng hành quân bỏ túi tại tư dinh của ông.
Xong xuôi mọi việc, tôi bắt đầu bữa ăn tối, vừa ăn cơm tôi vừa lấy bài vở ở trường ra ôn lại. Nếu cần tham khảo tài liệu, tôi có thể ghé thư viện của trường để mượn.
Mười giờ tối, tôi lên giường.
Chiều nay, lúc vừa từ Quân Trấn về, tôi thấy một bức thư do bưu tín viên đem đến để trên bàn làm việc của tôi. Tên người gửi là Trung úy Nguyễn Đức. Tên người nhận là tôi, Trung úy Nguyễn Trọng Quân, Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, KBC 4027.
Tôi tắt đèn neon trên trần rồi mở ngọn đèn đọc sách ở đầu giường.
Tháng 11, 1972.
Quân,
Tao là Trung úy Đức, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh, bạn học cùng lớp với mày ở trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt, không biết mày còn nhớ tao không? Nếu mày không nhớ để tao nhắc cho. Hồi đó tụi mày đặt cho tao cái biệt danh là Đứt thắng rồi thi nhau chọc ghẹo tao “Ở Đà Lạt, đi xe xuống dốc mà Đứt thắng chỉ có tàn đời thôi em ơi ” Mày nhớ tao chưa? Nếu đã nhớ rồi hãy đọc tiếp, tao sẽ kể cho mày nghe về những gì mà tao được biết đã xảy ra ở An Lộc trong mùa hè vừa qua.
Chuyện như thế nàv, nếu tao nhớ không lầm, ngày 11 tháng 4 năm 1972 Trung đoàn 8 của tụi tao được trực thăng vận từ Dầu Tiếng vào An Lộc trấn giữ mặt Bắc của thị trấn. Ba mặt khác do Nhảy Dù, Biệt Động Quản, Trung đoàn 7 và Địa Phương Quân của Tiểu khu Bình Long trấn giữ. Năm ngày sau, Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù cũng được trực thăng vận đến phía Đông nam của thị xã, sau đó họ di chuyển lên tuyến đầu ở phía bắc phối hợp với Trung đoàn 8 của tụi tao để tử thủ An Lộc. Nói là phối hợp chứ thật ra mỗi đơn vị chịu trách nhiệm một khu vực. Biệt Kích 81 có lối đánh giặc riêng của họ, lối đánh đặc biệt của từng toán nhỏ, di chuyển trong im lặng, xuất hiện rồi biến mất như những bóng ma, phòng thủ đối với Biệt Kích 81 có nghĩa là tấn công. Từ khi có Biệt Kích 81 phối hợp, tinh thần binh sĩ của tụi tao lên cao thấy rõ. Tao biết địa chỉ của mày là nhờ thẳng Đạt học cùng lớp với tụi mình, nó là trung úy Biệt Kích 81. Tụi tao gặp nhau thật bất ngờ, khi tao đang chạy vắt giò lên cổ trong một trận mưa pháo của địch.
Trung đoàn 8 của tao với quân số khoảng một ngàn rưỡi người, cùng với sáu ngàn quân nhân của các binh chủng khác đã tử thủ trong An Lộc, chống lại hơn bốn chục ngàn quân Cộng Sản . Bốn chục ngàn quân Cộng Sản, với hàng trăm chiếc xe tăng T54 tụi tao không sợ, chỉ ngán cái giàn pháo của tụi nó. Hàng ngày ở đây tụi tao lãnh hơn một ngàn trái đạn pháo đủ loại là chuyện thường tình, từ cái thứ đạn pháo tép riu của súng cối 82 ly, cho đến đại bác hạng nặng 130 ly. Vài trăm trái đạn pháo một ngày, tụi tao gọi là pháo quấy rối. Trên hai ngàn cho đến tám ngàn trái mới coi đó là pháo thật sự, khi pháo kích lơi dần là lúc Việt Cộng bắt đầu tấn công. Trước tiên, bọn chúng dùng xe tăng T54 tràn qua mọi chướng ngại vật đi vào trong thị xã An Lộc. Mấy chục chiếc xe tăng này như là vật tế thần, sau khỉ lãnh đủ hàng trăm trái đạn M72 của Biệt Kích 81, của tụi tao và những đơn vị bạn khác, chiếc cháy đen thui, chiếc đứt xích nằm ngổn ngang trong thị xã. Sau mỗi lần tấn công của Cộng Sản, tao lại dùng lưỡi lê khắc một gạch trên báng súng, cuối tháng Tư, sau gần hai mươi ngày tử thủ, tao đếm được bốn cái gạch trên cây súng M16 của tao. Mỗi một gạch là một trận đánh khốc liệt, tàn bạo, đẫm máu.
Ngày 11 tháng 5, tám ngàn trái đạn pháo chụp xuống An Lộc, địch pháo liên tục tưởng như không bao giờ dứt. Suốt đêm cả bầu trời được soi sáng bằng những tia chớp của đạn pháo, khi nhịp pháo thưa dần cũng là lúc Cộng Sản bắt đầu tấn công. Tụi tao ở hố cá nhân với súng M16, đại liên M60, súng phóng lựu M79, cuối cùng là lựu đạn ném tay chống trả hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác. Nhờ những trái lựu đạn này, đã cản được nhiều đợt xung phong của Việt Cộng, cho đến khi trời hừng sáng bọn Cộng Sản mới chịu rút lui, trả lại an lành cho An Lộc. Khi trận đánh kết thúc hàng trăm xác chết của Việt Cộng, của lính mình, của thường dân nằm la liệt, những người còn sống, lợi dụng lúc im tiếng súng vội vàng kéo nhau đi chôn xác chết, bất kể ta hay địch. Xác chết nhiều đến nỗi không có thì giờ đào huyệt, người ta phải dùng xe ủi đất đào một đuờng rãnh dài vài chục mét, sâu độ ba mét, sau đó hàng trăm xác người không phân biệt Việt Cộng hay thường dân, già trẻ lớn bé được xếp chồng lên nhau rồi lấp đất lại. Cảnh chôn người giống hệt như trong ciné thời Đệ nhị thế chiến, khi Đức Quốc Xã chôn dân Do Thái ở những trại tập trung.
Bảy giờ sáng, tao đánh răng bằng một nắp bi đông nước, rồi đổ nước vào bao gạo sấy làm bữa ăn sáng, sau đó là chuyện tu bổ hầm hố, coi lại súng ống, đạn dược chuẩn bị cho trận đánh kế tiếp.
Có một chuyện khá khôi hài, sau nàv mỗi lần nhớ lại tao vẫn không hiểu tại sao hơn sáu mươi ngàv tử thủ trong An Lộc, tao không biết tắm là gì. Hình như, tắm không phải là nhu cầu sống chết như cơm để ăn, nước để uống. Cũng có thể, vì lúc nào cũng tựa lưng vào cái chết nên quên tắm, cuối cùng đành phải vin vào cái cớ nước không đủ uống lấy đâu mà tắm.
Nước uống được lấy từ những cái giếng cạn trong thị trấn. Mày thử nghĩ coi, với hàng ngàn xác chết vừa chôn được vài tuần, nguồn nước giếng ở đây có còn trong sạch hay không? Dù nước giếng có ô nhiễm vẫn phải uống, nếu không muốn chết khát.
Xong phần nước uống, đến phần nhận tiếp tế thực phấm và đạn dược. Chuyện tiếp tế là cả một vấn đề nhiêu khê phức tạp, vì máy bay phải bay thấp để tránh cao xạ cũng như hỏa tiễn phòng không của Việt Cộng. Khi những kiện hàng tiếp tế từ phi cơ C123 thả xuống An Lộc, những gì rớt vào bên trong vòng đai phòng thủ đó là phần của mình, nếu rớt ngoài vòng đai là của Việt Cộng. Thường thì những kiện hàng tiếp tế rớt vào trong vòng đai, ít hơn những kiện hàng rớt ngoài vòng đai, có nghĩa là tiếp tế cho phe mình nhưng Việt Cộng lãnh gần hết. Phần thực phẩm mình nhận được phải chia bớt cho dân để cùng nhau chịu đựng pháo kích, sống tiếp những ngày gian nan, đói khổ, đầy chết chóc. Có một lần, tình cờ tao chứng kiến một chiếc vận tải cơ C123 của Không Quân Việt Nam bay vào An Lộc mà như là thách đố với tử thần. Chiếc phi cơ bay thấp thật thấp, thấp đến độ tao có thể thấy được lá cờ vàng ba sọc đỏ sơn ở nơi đuôi. Khi đã vào đúng vị trí để thả dù, mấy kiện hàng tiếp tế từ đuôi tuôn ra. Chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, năm cánh hoa dù tròn xoe bọc gió trôi lững lờ giữa không trung. Thay vì nhìn những kiện hàng có rơi vào trong An Lộc hay không, tao dõi mắt nhìn theo phi cơ đang bay lảo đảo, trồi lên rồi hụp xuống giữa những lằn đạn phòng không dày như đan lưới của Việt Cộng. Chiếc phi cơ bay chậm và thấp, phơi cái bụng phệ dùng để chứa hàng tiếp liệu rõ mồn một. Tao nghĩ thầm, chỉ cần dùng mấy khẩu đại liên M60 của đại đội, tao bắn cũng trúng huống chi cả Trung đoàn súng phòng không của Việt Cộng, thi nhau nhả đạn tới tấp. Tao nín thở nhìn theo chiếc phi cơ, cho đến khi hình dáng của nó nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút nơi cuối chân trời, lúc bấy giờ tao mới thở phào nhẹ nhõm, mừng cho phi hành đoàn của chiếc C123 ngày hôm đó đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Tao chùi hai bàn tay đẫm mồ hôi của mình vào vạt áo rồi nhìn những giọt mồ hôi chảy dài trên trán của người lính ngồi bên cạnh. Tao hỏi anh ta:
-Sợ hả bạn?
-Dạ, sợ quá đến nỗi toát mồ hôi cục mà không biết đó thiếu úy.
Té ra, đâu có phải chỉ một mình tao lo sợ cho mạng sống phi hành đoàn của chiếc phi cơ C123.
Đưa tay quẹt những giọt mồ hôi trên trán, người lính hỏi tao:
-Thiếu úy nè, mình đánh nhau với Việt Cộng, đem sinh mạng ra đánh cuộc với sống chết mà không biết sợ. Tại sao, khi nhìn chiếc máy bay chao đảo giữa những lằn đạn mình lại thấy sợ?
Tao trả lời với người lính, không biết câu trả lời có đúng hay không.
-Bởi vì mình là khán giả, rảnh rỗi ngồi xem mấy ông phi công Việt Nam Cộng Hòa đem mạng sống của họ thách đố với tử thần, với mục đích là thả cho được những kiện hàng tiếp tế vào bên trong An Lộc. Phi cơ có thể nổ tan xác như một quả cầu lửa vì trúng hỏa tiễn phòng không SA 7, cũng có thể đâm chúi đầu xuống đất tan nát thành muôn ngàn mảnh vụn vì trúng cao xạ phòng không của Việt Cộng. Những cái chết khủng khiếp như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không sợ sao được.
Người lính nhìn tao gật đầu như đồng ý.
Chuyện rảnh rỗi ngồi khơi khơi trên mặt đất xem phi cơ C123 thả hàng tiếp tế, chỉ là chuyên ngàn năm mới có một lần. Thực ra, ở đây lúc nào bọn tao cũng sống dưới hầm, dưới hố cá nhân có nắp đậy để tránh pháo kích. Một đôi lần, tao ngồi dưới hố cá nhân nghe tiếng nổ của bom B52 cách xa một vài cây số dội lại mà cứ tưởng như sấm động trên đầu. Nhiều khi tao nghĩ dại, nếu vì một lý do nào đó như trục trặc kỹ thuật chẳng hạn, một loạt bom B52 lọt vào bên trong An Lộc, khoảng tám ngàn lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và dân An Lộc sẽ chết không còn một mống.
Chuyện sống chết của phi hành đoàn chiếc phi cơ C123, và những chấn động khủng khiếp khi B52 trải thảm tuy vậy nó không ám ảnh tao bằng chuyện hai anh em thẳng bé bị thất lạc cha mẹ.
Ngay chỗ tụi tao trấn giữ, cứ lúc im tiếng súng, tao lại thấy mấy đứa nhỏ đến gần lính mình xin gạo sấy và thịt hộp. Trong đám trẻ con ấy, tao chú ý đến một đứa bé trai đâu chừng mười tuối, lúc nào nó cũng địu đứa em nhỏ trên lưng, thằng bé mặt mày lem luốc, thân hình ốm đói với bộ quần áo không thể dơ hơn được nữa rụt rè ngửa bàn tay xương xẩu, đen đúa xin nhúm gạo sấy. Thoạt nhìn tao đã mềm lòng, muốn chảy nước mắt, con cái nhà ai chạy loạn để rồi lạc loài tới đây. Tao không dám hỏi ba má nó ở đâu, bởi vì tao sợ câu trả lời của nó. Lính có khẩu phần lương khô của lính, còn dân chúng ai tiếp tế thực phẩm cho họ đây? Dĩ nhiên tao vui vẻ chia làm hai phần gạo mình đang có cho thằng bé, ăn để sống cầm hơi chờ đợi tiếp tế. Cũng có một đôi lần tao nhịn phần trái cây hộp của mình đem cho anh em thằng bé, mặc dầu cơ thể của tao rất cần chút chất ngọt của hộp trái cây. Có một điều khiến tao mềm lòng, là bất cứ khi nào xin được thức ăn, thằng bé cũng đút cho em nó ăn trước. Cho đến khi đứa em của nó lắc đầu, thằng bé mới chịu ăn. Mấy ngày sau đó, khi không thấy thằng bẻ đến xin gạo sấy; tao hỏi lũ nhỏ về anh em thằng bé mới biết rằng cả hai đứa đều bị chết vì đạn pháo của Việt Cộng. Tội nghiệp, một đứa bé mười tuổi làm sao biết cách đào hố cá nhân để ẩn núp khi bị Việt Cộng pháo kích. Mạng sống của tao giống như chỉ mành treo chuông, chuyện không có gì phải nói vì tao là lính, nhưng sinh mạng của hai đứa bé cùng với hàng ngàn người dân An Lộc vừa chết trong mấy ngày qua thì sao? Chẳng lẽ cũng phải chịu chung số phận như lính? Năm 1968 trong chiến dịch Tổng công kích của Việt Cộng, năm, bảy ngàn thường dân bị họ chôn sống trong Tết Mậu Thân ở Huế. Bốn năm sau, thảm họa lại tái diễn tại An Lộc, lần này là cảnh người dân An Lộc bị chôn tập thể, bằng hàng chục ngàn trái đạn pháo đủ loại của Việt Cộng. Có quốc gia nào trên thế giới đứng ra tố cáo, hay phản đối chuyện Việt Cộng pháo kích giết hại dân lành không? Câu trả lời, hoàn toàn không có. Tự dưng tao cảm thấy thương cho cái địa ngục An Lộc này quá chừng.
Khi màn đêm buông xuống, An Lộc chìm vào bóng tối mênh mông, một vài trái đạn pháo lẻ loi xé toạc màn đêm, âm thanh vang dội khắp núi rừng như nhắc nhở rằng chiến trường chỉ tạm thời yên tĩnh. Dưới ánh sáng của một trái hỏa châu không biết do đơn vị nào bắn lên, tao thấy vài con chó đói, đang chúi đầu bươi mấy cái xác chết vừa được chôn sơ sài, vội vàng lúc ban ngày. An Lộc đổ nát, hoang tàn như một bãi tha ma. Một ngày tử thủ An Lộc vừa trôi qua.
Đại đội của tao, quân số lúc mới vào An Lộc trên một trăm người, ngày về còn chưa tới bảy chục. Trung úv đại đội trưởng và ba ông chuẩn úy trung đội trưởng của tao lần lượt rủ nhau giã từ vũ khí, tao là thằng thiếu úy duy nhất trong đại đội còn sống sót. Tao lên nắm đại đội trưởng, trông coi mấy chục người lính còn lại của đại đội. Từ khi trở về từ cõi chết, tao nghiệm ra một điều, sống hay chết không phải do mình lựa chọn mà do ở số trời định đoạt. Tao tin như vậy.
Mày có biết tại sao tao viết thư cho mày không? Tao đang nằm tái khám ở Tổng y viện Cộng Hòa. Tao nhớ lại, ngày xưa trước đêm lễ gắn Alpha, truyền thống của Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt là phải chinh phục đỉnh Lâm Viên, vì nó là đỉnh núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên, chinh phục được ngọn núi này, chứng tỏ người Sinh viên sĩ quan đã Tự Thắng được mình. Tao biết, dấu chân của tao hãy còn hằn sâu trên đỉnh núi mờ sương đó. Vậy mà, khi tao vào An Lộc rồi trở ra, không có vết chân của tao để lại trong cái hỏa ngục hừng hực lửa đỏ đó, bởi vì hai chân của tao đã bỏ lại ở An Lộc.
Hôm nay chiến trường đã im tiếng súng, An Lộc hiên ngang, oai hùng đi vào lịch sử. Riêng tao, một con chim gãy cánh, lạc bầy, mất bạn, nước mắt rưng rưng khi nhớ về trường mẹ. Tao tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt, mày đang làm việc ở đó.
Lá thư chấm dứt ngang xương, không một lời tạm biệt cũng chẳng có lấy một câu hẹn tái ngộ, tôi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ, trái tim của tôi vẫn đập bình thường, trong khi những giọt nước mắt nóng hổi của mình tưởng có thể cuốn trôi cả một thị trấn An Lộc ở tận biên giới Việt Miên xa xôi ngàn dặm. Trường Võ Bị Đà Lạt vẫn an bình, yên ổn không một tiếng súng.
Ngày thứ hai: Đời sống dân sự, “Cổ thành nhuộm máu”.
Sáu giờ sáng, tôi thức dậy. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tôi ngồi vào bàn làm việc, điền vào tờ báo cáo tình hình trong đêm. Cuối tờ trình, bên tay phải, tôi viết thêm hàng chữ:
Sĩ quan trực Trung tâm hành quân .
Trung úy Nguyễn Trọng Quân ký tên.
Tôi đem tờ trình qua phòng làm việc của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, nằm đối diện với Trung tâm hành quân, đặt tờ tường trình vào chỗ công văn đến.
Tám giờ sáng, tôi bàn giao phiên trực cho Trung úy Hàn, sĩ quan thượng phiên rồi trở về cư xá sĩ quan. Sau khi tắm rửa xong xuôi, tôi thay bộ đồ dân sự lên xe Honda chạy đến nhà Vân, cô bạn gái học cùng lớp với tôi ở Viện đại học Đà Lạt. Vân thua tôi hai tuổi, học giỏi, gia đình Vân có tiệm tạp hóa nho nhỏ ở chợ Đà Lạt. Tôi là tài xế không công của Vân với nhiệm vụ đưa đón nàng đi học, bù lại, Vân cho tôi mượn sách vở để ghi chép bài. Đó là mối giao tình mà đôi bên cùng có lợi, quan hệ giữa chúng tôi chỉ là tình bạn thuần túy, tin hay không còn tùy vào sự suy luận của mỗi người. Bạn bè trong lớp đương nhiên nghi ngờ về cái tình bạn thiêng liêng cao quý ấy, có người hỏi Vân, cô nàng làm ra vẻ bí mật trả lời: “Hỏi anh ấy”. Hỏi tôi, câu trả lời là : “Tôi đã có người yêu và chúng tôi sắp làm đám cưới, Vân chỉ là bạn của tôi”. Sở dĩ tôi nói như vậy bởi vì từ mấy năm qua khi gặp bất cứ một cô gái nào, điều đầu tiên là tôi so sánh cô gái ấy với Dung. Sau đó trái tim tôi sẽ nói với tôi rằng, cho dù tôi đi tới chân trời góc biển cũng chẳng bao giờ tìm được ai hơn Dung. Trái tim của tôi đã ngủ quên, chỉ biết có một mình Dung kể từ ngày đầu tiên tôi gặp Dung tại nhà nàng, ngôi nhà có hai cây vú sữa.
Vừa gặp mặt Vân, tôi chưa kịp chào hỏi Vân đã lẹ miệng nói :
-Anh Quân, tụi mình có nên ăn tô phở trước khi đi học hay không?
Vì muốn tiết kiệm tiền, tôi hơi lưỡng lự một chút không biết nên chọn khúc bánh mì hay tô phở? Cuối cùng tôi trả lời theo ý của Vân:
-Nên lắm chứ.
Chúng tôi ghé tiệm phở Tùng ở đường Hàm Nghi. Tôi vừa ăn phở vừa ngắm Vân, rồi thầm nghĩ phải chi mình thương được cô Vân này thì khỏe biết mấy. Vân đâu có xấu, nhan sắc trên trung bình lại ăn nói có duyên, thiên hạ bu theo Vân cũng lắm nhưng tại sao mình không một mảy may rung động. Hình như Vân cũng có một trái tim bằng sắt, Vân coi tôi như là bạn gái của cô ta, mặc dầu hai đứa thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc. Tôi ngẫm nghĩ hoài vẫn không tìm ra câu trả lời. Hai năm rồi bạn vẫn là bạn, không có gì thay đổi.
Tụi tôi đến giảng đường Minh Thành trễ ba mươi phút, hai đứa lén vào chỗ ngồi. Vân hỏi người bạn:
-Thầy có điểm danh không?
-Không.
Lớp học kéo dài đến mười hai giờ trưa, hết giờ học, tôi chở Vân đến quán cơm sinh viên ở đường Võ Tánh cách Viện đại học khoảng hơn một cây số. Chúng tôi thường ăn cơm trưa tại đây bởi vì thuận đường, rẻ và ngon.
Cơm nước xong xuôi tôi chở Vân trở lại trường, mới hơn một giờ, hãy còn sớm chúng tôi lên Trung tâm sinh viên, mỗi đứa làm một ly cà phê, chuẩn bị bài vở cho lớp học sắp tới. Hôm nay thứ Ba, từ hai giờ đến sáu giờ chiều tụi tôi có lớp ở giảng đường Thượng Chí, bốn tiếng đồng hồ dài đăng đẳng, nghe giảng ghi chép rồi cũng qua đi.
Tan học thay vì chở Vân về nhà, tôi ghé cà phê Hạnh Tâm. Vân hỏi:
-Mình uống cà phê nữa hả anh?
Trong lòng nhẹ nhàng, khoan khoái, tôi trả lời Vân:
-Uống mừng đã học xong một ngày.
Tôi là một thằng ba phải, khi ăn uống, tôi thường so đo, tính toán nhung khi vô quán cà phê, tôi lại dễ dãi với mình, không đắn đo, không suy nghĩ.
Đang chăm chú nhìn những giọt cà phê đen quánh rơi chầm chậm xuống cái ly thủy tinh trong vắt, đột nhiên tôi cảm được bàn chân của Vân đang đạp nhẹ lên chân tôi.
Vân nói nhỏ với tôi:
-Anh Quân, có ông lính ngồi bên kia cứ nhìn anh đăm đăm.
Tôi nói:
-Kệ nó, cho nó nhìn. Nó nhìn em chứ không phải nhìn anh đâu. Ai biểu đẹp làm chi, phải ráng mà chịu.
Đâu chừng một phút sau, Vân lại nói:
-Hình như ông ta muốn nói gì đó.
Tôi quay đầu lại, khi nhìn thấy người lính tôi giật mình như chạm phải một luồng điện.
-Mày đó hả?
-Ừ, tao đây. Nhân đầu bạc đây.
Tôi vẫy tay:
-Qua đây ngồi cho vui.
Nhân đầu bạc tay bưng ly cà phê, tay cầm gói thuốc lá đi qua bàn của tôi. Tôi bắt tay Nhân rồi giới thiệu:
-Đây là Vân, bạn học cùng lớp với tao ở Viện đại học Đà Lạt.
Nhân đầu bạc khẽ gật đầu:
-Hân hạnh được biết Vân.
Quay qua Vân, tôi giới thiệu tiếp:
-Còn đây là Nhân, bạn cùng lớp với anh thời trung học.
-Dạ chào anh.
Tôi nhìn bộ quân phục Thủỵ Quân Lục Chiến với cặp lon đeo trên vai của Nhân rồi nói:
-Hơn năm năm rồi bây giờ mới gặp lại nhau, mày là trung úy Thủy Quân Lục Chiến ?
Nhân trả lời:
-Đúng.
Hắn hỏi tiếp:
-Mày vẫn đi học sao Quân? Nhìn bộ đồ dân sự mày bận mà tao phát thèm.
Tôi nói:
-Đừng có thèm, tao cũng là lính như mày thôi. Tao hiện là trung úy Trường Võ Bị Đà Lạt.
Nhân đầu bạc trố mắt nhìn tôi:
-Mày đi Võ Bị Đà Lạt? Ngon dữ há!
-Tao tốt nghiệp Thủ Đức, ra trường được chuyển về Trường Võ Bị Đà Lạt, làm việc ở Trung tâm hành quân. Ở đó làm việc một ngày nghỉ một ngày, lợi dụng ngày nghỉ tao đi học thêm ở Viện đại học Đà Lạt.
Nhân đầu bạc nhíu mày, với giọng nói tựa như nghi ngờ.
-Làm một ngày rồi nghỉ một ngày?
Tôi đáp:
-Đúng.
Nhân lắc mạnh đầu:
-Mẹ nó, tao đi lính năm năm rồi, dù có nằm mơ tao cũng không tin được chuyện có thứ lính kỳ lạ như mày. Bọn tao bắn nhau với Việt Cộng trong rừng sâu núi thẳm, từ ngày này qua tháng nọ, hết năm này tới năm khác vùi đầu trong chiến trận, hôm nay sống ngày mai có thể chết. Một năm được mươi ngày phép, mừng thấy mẹ, đã vậy khi đưa giấy phép cho mình, tiểu đoàn trưởng còn chần chừ như tiếc rẻ không muốn đưa. Mày biết không, sếp đưa tờ giấy phép cho mình mà tay không muốn rời tờ giấy, cứ như là Thúc Sinh bịn rịn không nỡ chia tay Thúy Kiều. Nhờ biết gia đình mày từ trước, nếu không tao sẽ nghĩ chỗ mày làm việc chỉ dành cho con ông cháu cha.
Tôi nói với Nhân đầu bạc:
-Tao biết, mày cũng tốt nghiệp Thủ Đức như tao nhưng mặc bộ đồ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến như mày, tao làm không được. Thực lòng mà nói, lúc nào tao cũng ngưỡng mộ những thằng như mày.
Nhân đầu bạc chậm rãi mồi thuốc, hắn trả lời tôi với giọng trầm trầm.
-Mày bơm tao cũng vừa thôi.
-Mày muốn nghĩ sao cũng được. Có chuyện này tao muốn hỏi, mày đang đi phép phải không?
Nhân đầu bạc gật đầu, hắn kéo cái ống quần rằn ri lên cao, chỉ vào vết thương trên bắp chân hãy còn quấn băng trắng.
– Cổ thành Quảng Trị.
Vân bất ngờ nói chen vào:
-Có đau không anh?
Nhân bật cười nhìn Vân:
-Lẽ ra thì hết đau rồi, nhưng khi nghe Vân hỏi tôi lại thấy đau đau.
Vân xua tay đính chính:
-Vân không có đụng chạm gì tới vết thương của anh, tại sao anh lại thấy đau?
-Vết thương nơi thằng Quân, cô Vân mới lo phải không?
-Cũng không luôn, em với anh Quân chỉ là bạn.
Tôi xen vô.
-Có nặng không?
-Bác sĩ nói chuyện nhỏ, tuần tới tao có thể trở lại đơn vị.
Gương mặt Nhân lộ vẻ đăm chiêu khi nhắc đến hai chữ đơn vị, khiến mái tóc muối tiêu của hắn vốn đã bạc, trông càng bạc hơn, hắn nói:
-Không biết giờ này đại đội của tao còn được bao nhiêu người, có còn đang ở nơi Cổ thành hay đã di chuyển đến một mặt trận mới?
Vân hỏi:
-Cổ thành với đơn vị của anh có gì hấp dẫn, khiến anh đang nghỉ dưỡng thương vẫn nhớ hoài tới nó. Nói cho Vân nghe chút xíu về Cổ thành Quảng Trị, được không?
-Được quá đi chứ, cô Vân hỏi ai mà dám chối từ.
Nhân đầu bạc nhíu mày, vừng trán cao và rộng của hắn hơi nhăn lại.
-Đâu khoảng, à..à…ngày hai mươi bảy tháng bảy, Thủy Quân Lục Chiến của tụi tôi được lệnh thay thế Nhảy Dù, tiếp tục tấn công Việt Cộng đang cố thủ trong thị xã và Cổ thành Đinh Công Tráng.
Vân thắc mắc:
-Tại sao không dùng cả Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng tấn công vào Cổ thành.
-Cô Vân nè, đừng có hỏi tại sao. Một thằng sĩ quan cấp nhỏ như tôi làm sao biết được, mới gặp thiếu tá tiểu đoàn trưởng tôi đã run huống gì hỏi chuyện này nọ với ông ta. Lính chỉ biết thi hành lệnh của cấp trên giao phó. Hình như trong ngôn ngữ của lính, không có cái chữ “hỏi”. Để trả lời câu hỏi của Vân, theo sự suy nghĩ của tôi, sau một tháng trường đánh nhau, giành giựt từng tấc đất với Việt Cộng quanh Cổ thành, lực lượng Nhảy Dù hao hụt cũng bộn cần phải được thay thế để nghỉ ngơi, bổ sung quân số. Vào lúc đó, Thủy Quân Lục Chiến bọn tôi, quân số, đạn dược vẫn còn đầy đủ.
Nhân đầu bạc ngừng nói, hắn mồi thêm một điếu thuốc nữa, thả khói bay đầy phòng.
-Vân đã thấy Cổ thành Quảng Trị bao giờ chưa?
Vân trả lời:
-Chưa anh ạ.
Quay qua nhìn tôi, Nhân đầu bạc hỏi:
-Còn mày?
-Cũng chưa.
-Đó là một cái thành cổ hình vuông, xây bằng gạch, hình như là được trùng tu lại vào cái thời vua Minh Mạng thì phải. Mỗi cạnh của Cổ thành dài khoảng nửa cây số, tường thành cao khoảng năm mét, bề rộng trên mặt thành dư sức cho xe hơi chạy. Chung quanh thành có hào sâu, nước lên tới cổ, bề rộng của cái hào này rộng chừng mười mét. Bốn góc thành có bốn cái pháo đài.
Nhân đầu bạc nhìn Vân.
-Cô Vân đã hình dung được Cổ thành Quảng Trị như thế nào chưa?
-Dạ được.
-Lực lượng của địch bên trong Cổ thành, được trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược với hệ thống phòng thủ kiên cố, vững chắc, đang cố thủ trong đó.
Nhân hỏi tôi:
-Mày nghĩ gì về trận chiến tử thủ An Lộc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mấy tháng trước đây.
Tôi ngần ngừ.
-Khoảng bốn chục ngàn quân Cộng Sản, vây tám ngàn quân Việt Nam Cộng Hòa trong An Lộc.
-Mày nói đúng, như vậy quân bao vây phải bằng năm lần quân cố thủ.
Tôi nói:
-Đúng vậy.
Nhân lắc đầu,
– Cổ thành Quảng Trị không phải như An Lộc mà nó ngược lại. Lực lượng của địch gồm có Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 của Việt Cộng, một tiểu đoàn của Sư đoàn 325, một tiểu đoàn địa phương, tất cả nằm tử thủ bên trong Cổ thành. Chỉ có một Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến của tụi tao, vừa phải đương đầu với Việt Cộng ở Quảng Trị, vừa phải chia quân với mục đích cuối cùng là phải tái chiếm Cổ thành bằng mọi giá. Để đánh vào đó, chuyện trước tiên là hàng trăm khẩu pháo của mình bắn tập trung vào trong Cổ thành. Khi Pháo binh chấm dứt, Không quân Việt, Mỹ lại tiếp tục dội bom liên tục hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Bọn Việt Cộng cũng lì lợm không kém, tụi nó chống trả mãnh liệt, nhờ vào những công sự phòng thủ chắc chắn bên trong thành. Thủy Quân Lục Chiến bao quanh Cổ thành nhưng không làm sao tiến vào được bên trong.
Nhân ngưng nói, hắn nhìn tôi rồi quay sang Vân.
-Quý vị có biết tại sao không?
Tôi nói:
-Vân là học sinh, tao là lính văn phòng, làm sao tụi tao biết được. Có thể lính Việt Cộng thiện chiến, quen với trận mạc, cấp chỉ huy giỏi.
Nhân đầu bạc cười:
-Không phải như vậy đâu, lính Cộng Sản giống như là âm binh vì ban ngày họ trốn biệt, đêm đến mới xuất hiện đánh phá, còn cấp chỉ huy, lãnh đạo của họ là phù thủy, bởi vì chỉ có phù thủy mới trị được cái lũ âm binh. Đánh nhau với một đạo quân vô Tổ Quốc, cuồng tín, chỉ biết sống chết cho Bác cho Đảng như vậy, Thủy Quân Lục Chiến bọn tao không què tay cũng gãy gọng, đại đội của tao từ một trăm tám chục tay súng, còn lại khoảng một trăm. Sáu sĩ quan của đại đội chết hết ba, chỉ còn lại tao và hai chuẩn úy. Có đêm dưới nhũng tia chớp của đạn pháo xé trời, tao nhìn dòng nước đen ngòm của cái hào sâu bao quanh Cổ thành, mà cứ tưởng rằng đó là máu của lính Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Mày nói cho tao biết, những kẻ sống sót có phải là hột gạo trên sàng hay không?
Nhớ đến bức thư của Đức mà tôi mới đọc tối hôm qua, thay vì trả lời câu hỏi của Nhân đầu bạc, tôi hỏi lại hắn:
-Mày nhớ thằng Đức, học chung lớp với tụi mình không?
-Đức nào? Lớp mình có tới hai thằng Đức.
-Thằng Đứt thắng.
Nhân đầu bạc cười, nụ cười của thời tụi tôi còn học ở trung học.
-Tao nhớ rồi, xuống dốc mà đứt thắng kể như tàn đời em ơi. Mà tại sao mày lại nhắc đến nó.
-Nó tử thủ An Lộc, đại đội của nó có năm sĩ quan chết hết bốn, nó là thằng sĩ quan duy nhất trong đại đội còn sống sót. Tải thương về Tổng y viện Cộng Hòa, khi vào An Lộc nó là thiếu úy, khi ra khỏi An Lộc nó là trung úy nhưng hai chân của nó đã bỏ lại tại An Lộc.
Nhân đầu bạc nói với tôi:
-Lần này về Sài Gòn, tao sẽ tới Tổng y viện Cộng Hòa thăm nó, sẽ kể cho nó nghe chuyện gặp mày ở đây. Mày có nhắn gì với nó không?
-Nói với nó, khóa 29 Võ Bị Đà Lạt sắp nhập trường.
Nhân đầu bạc nhìn ra ngoài trời, hớp một ngụm cà phê rồi nói:
-Bọn tao sau hơn năm mươi ngày đánh nhau chí chết với Việt Cộng, cho đến khi lá cờ Quốc Gia màu vàng, ba sọc đỏ tung bay phất phới trên Cổ thành Quảng Trị, hơn ba ngàn năm trăm binh sĩ và sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh, thêm hàng ngàn người bị thương khi tái chiếm Cổ thành. Đó là con số thương vong của Thủy Quân Lục Chiến mà thôi, còn Nhảy Dù và những đơn vị khác tao không biết được.
Tôi hỏi Nhân đầu bạc:
-Còn mày, bị thương vào lúc nào?
-Tao hả? Trong trận đánh dứt điểm vào Cổ thành, tao và Hạ sĩ Trung, người mang máy truyền tin cho tao, mỗi thằng lãnh một viên AK. Tao bị ở chân còn Hạ sĩ Trung ở ngực, đạn AK phá vỡ lồng ngực làm sao mà sống được. Tội nghiệp, trước khi chết Hạ sĩ Trung còn gắng gượng nói với tao : “Nhờ trung úy nhắn giùm vợ em, là em đã mua cho con của em đôi giày, nhưng chưa kịp gởi về”.
Tôi hỏi Nhân đầu bạc :
– Mày đã gặp vợ của người lính truyền tin tử trận chưa?
Nhân đầu bạc trả lời với giọng nói buồn buồn.
-Nhận lời ủy thác của người sắp chết, làm sao tao quên được, nhất là người đó lại là người lính đã từng vào sinh ra tử với mình suốt mấy năm liền, từng chia xẻ với nhau vài nắm cơm khi đói, dăm vốc nước khi khát. Ngày bước chân ra khỏi quân y viện, tao tìm đến nhà của Hạ sĩ Trung. Sau đó, phải dò hỏi suốt cả buối, tao mới tìm được ngôi trường tiểu học, nơi mà vợ của Hạ sĩ Trung với gánh xôi bắp đang bán cho học trò. Thằng bé con của Hạ sĩ Trung, ngồi trong một cái thúng bên cạnh gánh xôi. Khi thấy tao trong bộ đồ Thủy Quân Lục Chiến, thằng bé hỏi mẹ nó “Khi nào ba về hả má?”. Người đàn bà, với hai bàn tay đang gói xôi nhanh thoăn thoắt bỗng dưng ngừng lại, bà ta đưa cái ống tay áo lên thấm những giọt nước mắt lăn dài trên má rồi nói, giọng nói nghe như cam chịu mọi khổ đau bất hạnh: “ Ba con không về nữa đâu, ba đi theo ông nội rồi”. Tao nhìn cánh tay áo bạc màu với mấy miếng vá nơi cùi chỏ không che được bàn tay gầy ốm, sạm đen của người đàn bà mà lòng xót xa như kim châm, muối xát. Không có thì giờ suy nghĩ, chỉ hành động theo phản xạ tự nhiên, tao lén móc bóp bỏ thêm một ngàn đồng vào cái bị giấy mà tao đang xách trên tay. Tao đưa cái bị cho vợ của Hạ sĩ Trung rồi nói “Của anh Trung gửi về cho cháu”. Nói xong, tao quay người bước đi thật lẹ, không nói cho người đàn bà biết tao là ai. Tao đã làm tròn lời hứa với người đã chết, nhưng trong lòng vẫn còn áy náy, bởi vì tao không dám nói với bà ấy, đôi giày mà tao đưa cho bà là đôi giày tao vừa mới mua ngoài chợ. Còn cái đôi giày của Hạ sĩ Trung gởi cho con mình với tất cả tình thương yêu gói trọn vào trong ấy, tao không biết nó ở đâu.
Phố đã lên đèn từ lâu, tôi bắt tay từ biệt Nhân.
Vân ôm Nhân đầu bạc với đôi mắt đỏ hoe.
-Mau bình phục nghe anh.
Quen với Vân hai năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi thấy một cô bé nhút nhát như Vân lại có hành động bạo dạn như vậy khi thể hiện tình thương với người bạn trai mới quen. Tôi tin rằng Nhân đầu bạc là mẫu người lý tưởng của Vân, mẫu người trai thời loạn, mẫu người đã từng:
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
Cùng là trung úy, nhưng trung úy văn phòng như tôi, nói ra chỉ thêm mắc cỡ. Tôi hiểu, tại sao giữa tôi và Vân chỉ có tình bạn thuần túy suốt mấy năm trời.
Tôi đứng bên lề đường, trong sương mù giá buốt lạnh lẽo của trời Đà Lạt, nhìn theo Nhân đầu bạc đưa Vân về nhà. Ánh đèn đêm soi rõ bóng của họ đổ dài trên đường phố, hai người mà chỉ có một cái bóng.
Tôi chạy xe men theo con dốc Lê Đại Hành đi về cư xá, ngang qua khu Hòa Bình đèn đuốc sáng rực một góc trời. Đà Lạt vẫn thanh bình, yên ổn nhờ Quảng Trị đổ nát cản đường, cản bước tiến của cộng quân.
Khi tôi về đến cư xá sĩ quan, kim đồng hồ trên tường chỉ mười giờ. Mới đầu Đông mà trời đã khá lạnh, tôi kéo mền đắp ngang ngực.
Một ngày của đời sống dân sự đã trôi qua. Ngày mai, tôi trở lại đời sống quân ngũ.